some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

dimanche 29 novembre 2009

Ikiru (1952)


Ikiru bắt đầu với phong cách khiến tôi liên tưởng tới Sunset Blvd. - đạo diễn tuyên án "tử hình" nhân vật chính, Kanji Watanabe, bằng căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Kanji Watanabe là một công chức mẫn cán, suốt 30 năm ông làm việc không ngơi nghỉ một ngày nào ở phòng Hành chính công thành phố, nhưng với cái giấy báo tử của bác sĩ ("Bác cứ về nhà ăn món gì mình thích"), ông biết rằng mình chỉ còn sống được chưa đầy một năm nữa.

Oái oăm là khi cái chết cận kề, Watanabe mới nhận ra rằng trong suốt 30 năm trời, ông chưa bao giờ thực sự sống với đúng cái nghĩa của động từ đó. Ông chỉ ngày ngày đến công sở, đóng dấu vào công văn do cấp dưới đưa lên để chứng tỏ mình đã đọc qua, ăn một bát mì vào giờ nghỉ buổi trưa, lại đóng dấu, rồi trở về với căn phòng trống lạnh lẽo cùng bức ảnh thờ của người vợ đã qua đời từ lâu và tấm bằng khen "25 năm phục vụ" của thành phố. Watanabe tự biện hộ: "Nhưng ông sống như vậy, ở một mình gà trống nuôi con như vậy, cũng chỉ là vì tương lai của cậu con trai duy nhất!", một lời biện hộ chỉ càng khiến ông đau khổ hơn bao giờ hết khi mà con trai của ông đã lấy vợ và quên sạch tình cảm cha con trước kia, giờ anh ta chỉ còn biết tới vợ và món tiền hưu trí mà ông Watanabe đã dành dụm được sau bấy nhiêu năm. Watanabe bàng hoàng nhận ra rằng mình thực sự là một "Xác ướp" - biệt danh mà cô gái trẻ nhân viên cấp dưới đặt cho ông, Watanabe thậm chí không thể tự tử, không thể chết vì ông chưa bao giờ sống trong suốt quãng đời nhạt nhẽo của mình.

Vậy thế nào là "sống"? Watanabe tìm câu trả lời bằng cách tung tiền vào những cuộc vui nơi quán rượu, tiệm trà, vũ trường thoát y, nhưng lời giải đáp thực sự cho câu hỏi của ông hóa ra lại nằm ở cô nhân viên trẻ trung, đầy sức sống và ham sống bằng mọi giá. Cô đã làm cho Watanabe nhận ra rằng cuộc sống, dù chỉ kéo dài một ngày, một tháng hay một năm, cũng là vô giá khi con người ta biết cố gắng hết sức để đạt được những mục đích có ý nghĩa mà mình mong muốn. Và Watanabe được tái sinh lần thứ hai trong đời, ông bắt đầu thực sự sống trong tiếng hát "Happy Birthday" của một nhóm học sinh dành cho nhau, nhưng thực ra là của đạo diễn Akira Kurosawa dành cho nhân vật của mình.

Watanabe đã sống như thế nào trong những tháng ngày cuối cùng ấy? Akira Kurosawa chỉ cho người xem biết lờ mờ thông qua cuộc cãi vã của đám đồng nghiệp trong đám tang của ông, một ngày sau khi Watanabe qua đời trên một chiếc xích đu giữa trời tuyết trong công viên nhỏ mà ông đã dành hết tâm huyết để nó được xây dựng. Công viên "của Watanabe" được xây dựng trên một bãi bùn lầy mà người dân đã muốn xóa sổ nó để thay thế bằng một sân chơi cho trẻ con từ lâu, nhưng khi họ tới tòa thị chính để đề nghị thì họ nhận được câu trả lời:

Xây công viên => Việc của phòng Công viên => liên quan đến vệ sinh => Việc của phòng Y tế => Việc của phòng Vệ sinh => Việc của phòng Vệ sinh môi trường => Việc của phòng Phòng dịch => Việc của phòng Bệnh truyền nhiễm => bãi lầy có nước thải => Việc của phòng Thoát nước => bãi lầy trước có một con đường chạy qua => Việc của phòng Giao thông => Chờ đợi quyết định của phòng Quy hoạch => liên quan tới phòng Tái quy hoạch khu phố => bãi lầy có nước => liên quan tới phòng Phòng cháy chữa cháy => xây sân chơi cho trẻ em => việc của phòng Chăm sóc trẻ em => liên hệ với tổ trưởng khu phố => liên hệ với Phó thị trưởng => giới thiệu sang phòng Hành chính công => giới thiệu sang phòng Thiết kế,....

Với cái mê cung hành chính không có lối thoát này thì chắc chắn những người dân chẳng bao giờ có thể thực hiện nguyện vọng của mình nếu không có sự hiện diện của Watanabe, một con ốc mẫn cán từng lặng lẽ nằm yên suốt 30 năm trong cái bộ máy đồ sộ nhưng vô hồn và vô tích sự ấy. Bằng sức mạnh tinh thần của một con người mới tìm lại được mục đích sống, Watanabe đã dồn hết tâm sức để tới từng mắt xích trong mê cung hành chính, van nài từng cái "xác ướp" như ông một thời, để họ "động đậy" khởi động dự án công viên. Cuối cùng thì cái công viên nhỏ bé nhưng có ích ấy cũng được hoàn thành, ấy vậy mà trong ngày khánh thành Watanabe chẳng có tên trong bài diễn văn của ngài Phó thị trưởng, ngay đến trong bữa ăn sau đám tang, hầu như tất cả đồng nghiệp của ông cũng không thừa nhận rằng Watanabe có công đầu trong việc xây dựng nó. Thậm chí họ còn tranh cãi nhau vì không thể hiểu nổi tại sao cái "Xác ướp" ấy lại "sống dậy" để sống trong quãng thời gian cuối cùng của cuộc đời? Hiểu làm sao được khi chính bản thân từng người trong số đồng nghiệp của Watanabe cũng là một "xác ướp", và cái chết hay những tháng ngày ý nghĩa cuối cùng của Watanabe cũng chẳng thể khiến những "xác ướp" ấy thay đổi cách sống, đúng hơn là cách tồn tại của họ. May ra, chỉ có chúng ta, những người xem cuộc đời của Watanabe ở góc nhìn thứ ba, có thể cảm nhận được chút gì đó từ những câu hát da diết mà Watanabe ngâm nga trong những giây phút cuối cùng trên chiếc xích đu: "Cuộc đời ngắn ngủi, hãy yêu đi hỡi những tâm hồn tinh khiết, trước khi cái màu đỏ trẻ trung, phai tàn trên đôi môi của bạn. Trước khi những đam mê dào dạt, nguội đi trong lòng bạn. Hỡi những người không biết tới ngày mai."

Ikiru ra đời trong hoàn cảnh nước Nhật bắt đầu tái sinh từ tro tàn của cuộc chiến, Akira Kurosawa làm bộ phim này vào giai đoạn rực rỡ nhất trong sự nghiệp của ông, 1 năm sau Rashomon và 2 năm trước Bảy samurai. Không được triển khai bằng phong cách dữ dội như hai tác phẩm nổi tiếng thế giới từ rất sớm kia, Akira Kurosawa chọn cho Ikiru một nhịp phim chậm rãi khi mà mọi xung đột, căng thẳng đều chỉ là những đợt sóng ngầm trong tâm hồn mỗi nhân vật. Vì thế thay vì một Toshiro Mifune bạo liệt, bùng nổ, Akira đã chọn Takashi Shimura, một diễn viên "ruột" khác của ông, cho vai Kanji Watanabe. Shimura không có được cái thần thái ấn tượng như Mifune nhưng lại biết cách diễn sao cho khán giả cảm nhận được tâm sự ẩn sau cái vẻ bình thường, thậm chí là hơi thụ động, kiểu Á Đông của ông. Và có lẽ ông đã dồn tất cả những gì tinh túy nhất trong tài nghệ diễn xuất của mình cho vai Kanji Watanabe này. Với rất nhiều cú may quay cận cảnh mà tiêu điểm duy nhất chỉ là khuôn mặt đầy khắc khổ của Watanabe, Shimura đã truyền cho khán giả đủ mọi cung bậc cảm xúc khác nhau, từ hoảng loạn sợ hãi khi nghe một bệnh nhân mô tả triệu chứng của căn bệnh quái ác, tới đau đớn tột cùng vì sự bất hiếu của con trai hay hạnh phúc vì tìm lại được lẽ sống đã mất và cuối cùng là sự thanh thản của một người sắp chết, nhưng đã được sống trong những tháng ngày cuối cùng. Cũng như chính Watanabe trong phim, Shimura đã tận dụng tới từng thời khắc xuất hiện trên khung hình của ông để biến câu chuyện bình thường về một người đàn ông bình thường trở thành một tác phẩm khiến khán giả xúc động sâu sắc đến vậy.

Ikiru có nghĩa là Sống, một cái tiêu đề đủ để nói lên nội dung chính của bộ phim - Thế nào là sống và thế nào là không sống? Bằng cách dẫn chuyện cảm động và tinh tế, chẳng cần tới những câu thoại to tát hoa mỹ, Akira Kurosawa đã khiến người xem sau khi chứng kiến những tháng ngày cuối của của Kanji Watanabe phải tự đặt cho mình câu hỏi, liệu ta có là "xác ướp"? Trong phim, sau khi suy luận được rằng Watanabe đã biết mình bị ung thư giai đoạn cuối trước khi bắt tay vào vận động xây công viên, nhiều đồng nghiệp của ông đã chép miệng: "Trong hoàn cảnh ấy thì tôi cũng làm được như thế!", ngay lập tức một người cấp dưới của Watanabe, người lặng lẽ ngồi ngoài cuộc tranh luận vô bổ lên tiếng: "Nhưng chúng ta ai chẳng có thể chết một cách bất ngờ?!" Đúng như vậy, biện minh cho lý do mình là "xác ướp" luôn dễ hơn rất nhiều so với việc thực sự sống, thực sự làm được những việc có ích cho cuộc đời. Xem Ikiru, tôi có cảm giác như đang đọc một truyện ngụ ngôn hay một vở kịch của Shakespeare được lồng trong cái vỏ hiện đại của nghệ thuật thứ bảy vì bộ phim thực sự giản dị với những quy luật, những câu hỏi đã có từ muôn đời. Tôi tin là cũng như truyện ngụ ngôn, như Shakespeare, Ikiru sẽ còn giá trị lâu dài vì chừng nào còn "xác ướp", chừng đó còn cần có những câu chuyện về "xác ướp" và cách thoát khỏi vỏ bọc đó. (Ikiru được Akira Kurosawa sáng tác dựa theo truyện vừa Cái chết của Ivan Ilyich của Lev Tonstoi nhưng Cái chết của Ivan Ilyich có màu sắc u ám hơn nhiều và vì thế khó tiếp cận hơn, so sánh vui thì có thể nói Ikiru là "trung bình cộng" của Cái chết của Ivan Ilyich và truyện ngắn Viên mõ tòa (L'Huissier) của Marcel Aymé.)

Bài hát được nói tới trong phim (Gondola no Uta)



Coming-up-age movies

Top 10 (xếp theo thứ tự ABC):

01. Almost Famous (Cameron Crowe) - IMDb: 8.0 - Trailer
Lester Bangs: The only true currency in this bankrupt world... is what you share with someone else when you're uncool.
02. L'Auberge espagnole (Cédric Klapisch) - IMDb: 7.3 - Trailer
Wendy: Why do you always have to smoke joints in *my* room?
Alessandro:
Because it's comfortable.
Lars:
It's the only clean place in the apartment.
03. Battle Royale (Kinji Fukasaku) - IMDb: 8.0 - Trailer
Teacher Kitano: So today's lesson is, you kill each other off till there's only one left. Nothing's against the rules.
04. Big (Penny Marshall) - IMDb: 7.2 - Trailer
Josh: You don't get it, do you? This is important!
Billy:
I'm your best friend. What's more important than that, huh?
05. The Classic (Kwak Jae-yong) - IMDb: 7.7 - Trailer

06. Elephant (Gus Van Sant) - IMDb: 7.3 - Trailer
Alex: Well this is it. We're gonna die today. I've never even kissed anyone before, have you?
07. The Girl Who Leapt Through Time (Mamoru Hosoda) - IMDb: 8.0 - Trailer

08. Good Will Hunting (Gus Van Sant) - IMDb: 8.0 - Trailer
Sean: Real loss is only possible when you love something more than you love yourself.
09. Say Anything... (Cameron Crowe) - IMDb: 7.5 - Trailer
Lloyd Dobler: She's gone. She gave me a pen. I gave her my heart, she gave me a pen.
10. Whisper of the Heart (Yoshifumi Kondo) - IMDb: 8.0 - Trailer


Một số phim hay khác:
01. 10 Things I Hate About You (Gil Junger)
02. American Pie (Paul & Peter Weitz)
03. Back to the Future (Robert Zemeckis)
04. The Breakfast Club (John Hughes)
05. Dead Poets Society (Peter Weir)
06. The Dreamers (Bernardo Bertolucci)
07. Election (Alenxander Payne)
08. Entre les murs (Laurent Cantet)
09. The Graduate (Mike Nichols)
10. Juno (Jason Reitman)
11. Kiki's Delivery Service (Hayao Miyazaki)
12. Little Manhattan (Mark Levin)
13. Let The Right One In (Tomas Alfredson)
14. My Sassy Girl (Kwak Jae-yong)
15. Nick and Norah's Infinite Playlist (Peter Sollett)

Có thể tham khảo thêm ở đâyở đây.

mercredi 25 novembre 2009

Looking for Eric (2009)


Một tấm poster được thiết kế cực kì đơn giản (như nội dung bộ phim) mà lại nhiều ý nghĩa - Eric nào đang tìm kiếm ("looking for") Eric nào? Và tất nhiên cả quả chơi chữ đỏ "King Eric" nữa, đổi cái tiêu đề đi tí thì thành "Fool or King Eric".

Looking for Eric bắt đầu bằng cảnh Eric Bishop điên cuồng trong chiếc xe chạy ngược chiều của ông, có lẽ để thực hiện ý định tự tử. Một "mong muốn" hoàn toàn "chính đáng". Vì Eric là một người đàn ông thất bại một cách toàn diện, nghề nghiệp: bưu tá với đồng lương rẻ mạt, gia đình: hai đời vợ, một mình Eric phải đèo bòng hai đứa con trai riêng của người vợ thứ hai, Ryan và Jess, vốn chẳng yêu quý gì cho cam ông bố dượng của chúng. Nhưng điều khiến Eric "chuyển nghề" từ bưu tá đi bộ sang "nhà du hành vũ trụ" lái xe điên cuồng trên đường không xuất phát từ cuộc sống u ám ấy, ông đau khổ vì vết thương lòng không thể khép miệng với Lily, người vợ thứ nhất, người mà ông suốt đời yêu quý nhưng lại phũ phàng bỏ bà và con gái để ra đi vì những lý do mà chính Eric cũng không thể lý giải nổi.

May mắn cho Eric, cuộc đời ông còn hai điểm tựa: bạn bè và bóng đá. Bạn bè của Eric cũng chỉ là những anh chàng bưu tá cục mịch nơi ngoại ô Manchester, họ thậm chí còn chẳng biết YouTube là "cái của khỉ gì" và gặp bất cứ khó khăn nào cũng phải đi ... mua sách hướng dẫn về để tham khảo, nhưng họ lại biết rất rõ thế nào là tình bạn chân chính và luôn cố gắng động viên Eric khốn khổ bằng tấm lòng chân chất của họ. Eric và bạn bè của ông còn có một điểm chung khác, họ đều là cổ động viên trung thành của Manchester United và "King Eric" - Eric Cantona, cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử câu lạc bộ. Trong một lần chán đời ngồi hút cần sa, Eric Bishop đột nhiên thấy thần tượng Eric Cantona của mình xuất hiện trong ảo giác. Còn niềm vui nào hơn với cuộc đời u sầu của Eric khi ông được gặp thiên tài bóng đá mà ông thuộc lòng tới từng pha truyền bóng, từng cú sút, từng hành động ăn mừng (và đương nhiên cả cú "kungfu" nổi tiếng). Và chính Eric Cantona đã vực Eric Bishop dậy, giúp ông tìm lại được Eric của quá khứ - Eric vui vẻ, đẹp trai và nhảy cực kì điệu nghệ. Như một lẽ dĩ nhiên, giữa Eric và Lily, hai con người vốn vẫn còn nhiều tình cảm cho nhau sau mấy chục năm xa cách và thù hận, dần nhen nhóm những sợi dây gắn bó mà xúc tác chính là con gái Sam và đứa cháu Daisy.

Cuộc sống tưởng chừng đã có chút màu hồng của Eric lại một lần nữa bị đảo lộn khi thằng con lêu lổng Ryan của ông dính vào một băng gangster và bị chúng bắt phải cất giấu khẩu súng phạm tội ngay trong nhà của Eric. Vì khẩu súng quái ác này mà Eric bị bọn gangster cho ăn đòn rồi chuyển thẳng cái đoạn băng quay cảnh đó lên YouTube, tai hại hơn cảnh sát còn ập vào nhà Eric tìm súng ngay giữa buổi sum họp gia đình đầu tiên sau rất nhiều năm của Eric với Lily, Sam, Ryan, Jess và Daisy. Lily một lần nữa từ mặt Eric còn ba bố con ông phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ cả cảnh sát và lũ côn đồ. Liệu lần này đám bạn chất phác và Eric Cantona có giúp được Eric Bishop?

Thật lạ là trong tác phẩm này, Ken Loach - một đạo diễn thiên tả, lại tỏ rõ sự thích thú với Miloš Forman - đạo diễn chống Cộng hàng đầu, khi ông nhắc tới mấy lần những chi tiết của One Flew over the Cuckoo's Nest. Nhưng bộ phim mà tôi liên tưởng đến đầu tiên khi xem Looking for Eric lại là Fight Club, cũng là một nhân vật ảo ảnh thoát ra từ chính những suy nghĩ, xung đột bên trong con người nhân vật chính để rồi quay trở lại tác động biến nhân vật chính trở thành con người thực sự "sống" chỉ không chỉ đơn thuần "tồn tại". Nhưng nếu như cặp Norton-Pitt trong Fight Club sinh ra từ những bức bối, bản năng hoang dã thì cặp Eric-Eric lại sinh ra từ tình yêu (với bóng đá, với Lily) và bản chất hiền lành của Eric Bishop. Vì thế mà Looking for Eric, dù bắt đầu bằng tông màu ảm đạm không kém gì Fight Club, lại được phát triển theo hướng tươi sáng và vui nhộn đến bất ngờ. Ở đây phải nhắc tới yếu tố vui nhộn của phim, những chi tiết đượm màu bi kịch trong Looking for Eric được Ken Loach làm nhẹ đi một cách rất tài tình thông qua hình ảnh những anh chàng bưu tá-cổ động viên MU chất phác và thành thật, họ càng tỏ ra "nghiêm trọng" bao nhiêu thì người xem lại càng thấy thích thú, thư thái bấy nhiêu vì được chứng kiến những cư xử vừa hài hước nhưng cũng lại mang đậm tấm lòng của những người bạn thực sự dành cho nhau. Kịch bản của Looking for Eric cũng đơn giản hơn Fight Club rất nhiều, Ken Loach quả không hổ là "đạo diễn của giới bình dân", ông chọn cho Looking for Eric một nội dung rất gần gũi với những nhân vật rất bình thường và không hề dùng tới nút thắt mở bất ngờ hoặc các chi tiết kịch tính mà một đạo diễn khác sẽ thường sử dụng với cái nền nhân vật như Eric Bishop. Nhưng cũng không vì thế mà Looking for Eric trở thành một "feel-good movie", phim vẫn có tông màu hiện thực với những khó khăn, rắc rối, cảm xúc mà ai cũng có thể gặp một (hoặc nhiều) lần trong đời, khán giả dễ dàng tìm thấy một phần Eric trong chính con người mình hoặc chỉ đơn giản là đã từng yêu như Eric yêu Lily, từng có những người bạn thân thiết, chân thành như các anh chàng bưu tá Manchester.

Tất nhiên không thể quên chủ đề "bóng đá và tình yêu bóng đá" trong bộ phim này. Chắc chắn cả Ken Loach và Paul Laverty (tác giả kịch bản phim) phải thực sự yêu và am hiểu bóng đá mới có thể cho ra đời một tác phẩm mang đậm "triết lý bóng đá" như Looking for Eric. Những cổ động viên ruột của môn thể thao này hẳn sẽ phải cảm động khi được chứng kiến Eric Cantona - đội trưởng "thích triết lý" của MU, thể hiện những pha bóng mê hoặc của anh (đương nhiên) và đọc lại những câu nói nổi tiếng trong sự nghiệp của anh (bằng cả tiếng Pháp và tiếng Anh giọng Pháp) như "When the seagulls follow the trawler, it's because they think sardines will be thrown into the sea. Thank you very much." (nói sau vụ "đạp hooligan" nổi tiếng) hay "I'm so proud the fans still sing my name, but I fear tomorrow they will stop. I fear it because I love it. And everything you love, you fear you will lose." (nói sau khi từ giã sân cỏ). Looking for Eric tràn đầy những chi tiết về tình yêu bóng đá cuồng nhiệt, tình yêu của những người luôn lấy khẩu hiệu sống là: "You can change your wife, your house, your car, your politics, but you can never change your team!". Và Ken Loach còn đáng khâm phục hơn nữa khi ông truyền tải được đến khán giả một triết lý tưởng chừng đơn giản nhưng rất khó diễn giải: "Bóng đá là cuộc đời" - sân cỏ cũng như cuộc đời, anh muốn thành công trong trận đấu, anh phải mạo hiểm tấn công, anh muốn làm lại cuộc đời, anh phải mạo hiểm tự tay thay đổi vận mệnh. Có thể sẽ có người chê Looking for Eric không "thật", "tại sao Eric lại có thể thay đổi bản thân nhanh như thế?", "tại sao cuộc đời Eric lại xoay chuyển trong nháy mắt sau sự xuất hiện của King Eric?",... Đây lại là một điểm nữa khiến tôi ... thích thú bộ phim này của Ken Loach, vì Ken Loach nhìn bộ phim của ông hệt như cách các cổ động viên chân chính nhìn đội bóng yêu quý của mình. Họ có thể buồn bã, khóc lóc, thậm chí là chửi bới chính đội nhà khi phải chứng kiến một bàn thua, để rồi ngay sau đó lại gào thét như điên dại hay sẵn sàng ôm chầm lấy người bên cạnh như thể người thân thiết chỉ vì một bàn thắng. Tận đáy lòng mỗi cổ động viên luôn là tình yêu dành cho đội bóng của họ, và có lẽ tận đáy lòng Ken Loach ông cũng vẫn yêu quý cuộc sống và tầng lớp bình dân để sẵn sàng khắc họa họ một cách tốt đẹp nhất, đẹp tới mức hơi "không thật". Chủ đề này của Looking for Eric khiến tôi nghĩ đến một bộ phim rất hay khác cũng về bóng đá, Maradona by Kusturica của Emir Kusturica.

Eric Cantona có lẽ là sứ giả đầu tiên của giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam, và thế hệ người yêu thích Manchester United đầu tiên ở Việt Nam (trong đó có tôi) chắc chắn ai cũng yêu thích cầu thủ tài hoa nhưng cũng vô cùng nóng tính này. Đã từ lâu tôi không còn thích giải Ngoại hạng Anh nói chung, và đặc biệt là MU, nhưng xem Looking for Eric tôi lại thấy mình của một thời hào hứng với những cuộc đối đầu Cantona-Shearer hay buồn bã khi một MU-vắng King Eric thất bại trước Blackburn trong cuộc đua giành chức vô địch. Có lẽ vì Looking for Eric được làm ra để cho những người yêu bóng đá, và tôi tin là kể cả những người không yêu bóng đá khi xem bộ phim này cũng sẽ "phải" có tình cảm với môn thể thao vốn có "kịch bản" hấp dẫn hơn bất cứ bộ phim nào trong lịch sử điện ảnh này.

==

Phim có rất nhiều đoạn thoại hay mà người yêu thích bóng đá như tôi xem thấy rất thích, IMDb không có (IMDb sucks!) nên đành copy tạm ra đây:

Eric Bishop: All right. Sweetest moment ever?
Eric Cantona: It wasn't a goal.
Eric Bishop: It's gotta be a goal, Eric.
Eric Cantona: No.
...
Eric Cantona: It was a pass.
Eric Bishop: A pass?
Eric Cantona: Yeah.
...
Eric Bishop: What if he'd have missed?
Eric Cantona: You have to trust your teammates. Always. If not, we are lost.

hay:

Eric: You know what, Lily?
Eric: I'll always be grateful that you never turned her against me, you know.
Lily: To be honest, it hurt that she had so much fun with you.
Lily: Just didn't seem fair somehow.
Eric: Well, you got all the crap, didn't you? Homework. Complaints.
Eric: I just took her to see Cantona.
Lily: Yes and no.
Lily: You know something, I was so furious with you at first.
Lily: And then I got to thinking, "My God, what that man is missing."

Eric Cantona: La plus noble des vengeances, c'est de pardonner.
Eric Cantona: The noblest vengeance is to forgive.

==

Thế nào là cổ động viên chân chính?

Là thế này:



lundi 23 novembre 2009

Harry Potter and the Half-Blood Prince (2009)


Thông báo trước là entry này có spoil tứ tung hết cả truyện cả phim.

Lần đầu tôi tiếp xúc với Harry Potter là thông qua bản dịch thử của Lý Lan, đăng trên Hoa học trò thì phải, phản ứng của tôi lúc đó nói theo kiểu teen là "sock toàn tập" vì tôi không thể mê được văn phong dịch của Lý Lan, đặc biệt là chuyện phiên âm tên nước ngoài ra tiếng Việt và cách dùng từ trong giao tiếp kiểu miền Nam (cái này đương nhiên là do tôi khó tính chứ không thể nào bắt dịch giả phải đáp ứng phương ngữ của cả hai miền Nam Bắc cùng lúc được). Vì vụ này mà tôi "cạch" luôn Harry Potter mặc dù em gái mượn hết cả bộ truyện tiếng Việt và mấy VCD phim về vứt đầy nhà. Nhưng nghe nói là về sau Lý Lan dịch càng hay hơn, tôi đến nay vẫn chưa đọc bản tiếng Việt nên không rõ nhưng mấy cái tên riêng được dịch ra tiếng Việt của Harry Potter (Auror => Thần sáng, Death Eater => Tử thần Thực tử) cũng là khá sáng tạo, kêu tai và sát nghĩa, có lẽ cái gốc văn hóa người Hoa đã giúp Lý Lan trong việc này, bà dịch danh từ Anh sang danh từ thuần Việt và Hán Việt rất uyển chuyển. Harry Potter theo tôi không phải một bộ sách khó dịch về mặt ý nghĩa sâu sắc nhưng để chuyển tải cách chơi chữ Latinh, Hy Lạp, Anh, Pháp, Đức,... của J.K. Rowling trong các danh từ của bộ truyện quả thực cực kỳ phức tạp, thấy nhiều bạn chê việc Lý Lan dịch danh từ sang tiếng Việt quá đáng, chắc các bạn đó không biết là bản tiếng Pháp của Harry Potter còn dịch hết tên riêng sang tiếng Pháp từ những Hogward (=>Poudlard), Tom Riddle (=>Tom Elvis Jedusor),... đọc qua thấy buồn cười kinh khủng.

Bộ Harry Potter theo tôi là hấp dẫn, tương đối sáng tạo nhưng hơi bị dài quá và bút lực của Rowling thì về sau có vẻ đuối, mấy trận chiến ở tập 7 bị miêu tả khá thường, tuyến nhân vật phụ mờ nhạt còn tuyến nhân vật chính trừ cụ Dumbledore, Severus Snape và Hermionie Granger thì cũng không có gì đặc sắc. Đọc xong bộ truyện tôi nảy ngay ra so sánh Harry Potter với .... Ỷ Thiên Đồ Long ký của Kim Dung, vì Harry chẳng khác mấy so với Trương Vô Kỵ, Sirius Black là Tạ Tốn, Dumbledore là Trương Tam Phong,... Nói không ngoa chứ ngoại trừ phần miêu tả tâm lý tuổi mới lớn thì Ỷ Thiên Đồ Long ký không bằng Harry Potter chứ toàn bộ các mặt còn lại từ triết lý, phiêu lưu, cách xây dựng tuyến nhân vật phụ, twist-and-turn Kim Dung đều hơn Rowling.

À vẫn còn một điều mà Rowling có thể tự hào, đó là nhân vật Severus Snape. Tôi không hâm mộ gì bộ Harry Potter nhưng cực kỳ thích cách Rowling xây dựng hình ảnh Severus Snape, vừa kinh điển lại vừa chân thật, đánh đúng tâm lý của độc giả. Mẫu hình như Snape ta có thể thấy từ Heathcliff trong Đồi gió hú của Emily Brontë, một người đàn ông gặp phải số phận không may mắn nhưng vẫn vươn lên bằng nghị lực phi thường, một con người có đủ cả hai mặt tốt xấu mà cái cán cân bấp bênh giữa cái tốt và cái xấu cũng là sự giằng co giữa niềm hạnh phúc và nỗi đau khổ trong tình yêu, tình yêu đã biến Heathcliff trở thành con người bí ẩn, xa lạ, nhưng cũng lại khiến độc giả cảm thấy hấp dẫn vì họ tìm thấy một phần nào đó con người của mình trong Heathcliff. Thực ra nói cho đúng thì Snape không hoàn toàn giống với Heathcliff mạnh mẽ, tình cảm của ông dành cho Lilly Potter gần gũi hơn với mối tình Cyrano de Bergerac-Roxane trong văn học và sân khấu Pháp, mối tình câm lặng và cay đắng của một chàng trai tài hoa nhưng xấu xí với cô gái xinh đẹp, rất thân thiết với anh nhưng lại không bao giờ gửi gắm tình cảm của mình cho anh. Vở kịch Cyrano de Bergerac của Edmond Rostand với nội dung buồn bã u sầu và lời thoại cực kì đẹp, tinh tế đã được chuyển thể thành một bộ phim cùng tên hay không kém, người thủ vai Bergerac trong phim là Gérard Depardieu, đây có lẽ cũng là vai diễn tốt nhất trong sự nghiệp của nam diễn viên nổi tiếng này. Đoạn duy nhất trong tập 7 của Harry Potter tôi đọc lại được nhiều lần với cảm giác thích thú không đổi chính là đoạn Harry Potter đọc ký ức của Snape sau khi ông chết, một đoạn miêu tả buồn bã, cảm động và "rất Bergerac" (Pháp có một cụm từ dành cho hoàn cảnh "thất tình" kiểu này, đó là syndrome de Cyrano - Hội chứng Cyrano). Tôi thích Snape từ tập 1, và cái cách Rowling "kết thúc" Snape bằng đoạn ký ức này khiến tôi rất hài lòng, chắc hẳn Rowling cũng phải rất yêu thích Snape thì bà mới có thể xây dựng hình ảnh Severus Snape đa dạng, chặt chẽ và đặc sắc đến như vậy.

Chàng Cyrano mũi to và nàng Roxane xinh đẹp

Cũng vì yêu thích Snape nên khi xem phim (tôi chỉ down phim Harry Potter về xem lại từ đầu sau khi đã đọc xong truyện) tôi chủ yếu quan tâm xem Snape sẽ được xây dựng thế nào. Mấy tập đầu của Harry Potter làm tôi khá thất vọng vì thua xa những gì Rowling đã miêu tả trong truyện, tuy nhiên diễn xuất của Alan Rickman làm tôi rất hài lòng, Rickman vừa thể hiện được nét chua cay của Snape trong cách cư xử với Potter, vừa làm toát lên từ nhân vật của mình một nỗi buồn khó tả. Không hiểu có phải Rickman được chọn vì ông từng diễn rất thành công vai Colonel Brandon trong Sense and Sensibility không chứ tôi thấy diễn xuất của ông trong hai bộ phim này là cực kì gần gũi nhau và đều đáng để khán giản thưởng thức.

Khó mà kiếm được người thứ hai hợp hơn cho vai diễn này, may ra có ... chính Ralph Fiennes, người từng thủ vai Heathcliff trong Đồi gió hú

Giờ mới nói tới Harry Potter and the Half-Blood Prince, tập truyện Harry Potter này theo tôi là kém hấp dẫn vào loại gần nhất trong bộ truyện vì vậy tôi khá nghi ngờ về chất lượng chuyển thể điện ảnh của nó. Nhưng hóa ra phim Harry Potter and the Half-Blood Prince lại rất hấp dẫn, cuốn hút và mang tính giải trí cực kì tốt, đặc biệt là phần mở đầu và phần kết của phim. Các trường đoạn cao trào trong phim được đạo diễn David Yates xử lý rất tốt, vừa "sến" theo kiểu Harry Potter nhưng vẫn có cái gì đấy hào hùng, xúc động mà không hề bi lụy, lê thê như nhiều phim bom tấn Hollywood từng mắc phải. Trừ đoạn nhóm Death Eater tấn công nhà Weasley mà tôi không rõ lắm ý đồ đạo diễn, các đoạn "ngoài truyện" mà Yates thêm vào đều hoặc có duyên, gây hứng thú cho người xem, hoặc rất hấp dẫn, tận dụng được trình độ kĩ xảo "siêu phàm" của Hollywood - tiêu biểu là đoạn đầu tiên khi cây cầu Millennium Bridge ở London bị Death Eater phá hủy, cực kì ấn tượng và rất có tác dụng trong việc "kéo" thế giới của Harry Potter về gần với thế giới của loài người. Các cảnh phim mô tả "tâm lý mới lớn" cũng được làm rất tốt, chân thực pha chút hài hước, đặc biệt là nhờ diễn xuất tuyệt vời cùng vẻ đẹp "càng lớn càng xinh" của Emma Watson, từ chỗ nhỉnh hơn các diễn viên đồng lứa một chút trong tập đầu tiên, Watson giờ đã vượt hẳn lên so với hai anh bạn của mình, đặc biệt là khi so sánh với Daniel Radcliffe, cảm giác vai Potter giờ đã trở nên hơi quá sức so với Radcliffe, thật may là "only two to go", hy vọng Radcliffe sẽ cải thiện được diễn xuất gượng gạo của mình trong hai tập cuối. Một diễn viên khác cũng "càng lớn càng xinh" đó là Evanna Lynch trong vai Luna Lovegood, tuy chỉ xuất hiện theo dạng "hương hoa" trong tập này nhưng Lynch vẫn làm người xem ấn tượng vì nét nghịch ngợm và xinh xắn của mình (thực ra Luna Lovegood cũng là một trong số ít nhân vật tôi có cảm tình trong loạt Harry Potter). Bonnie Wright trong vai Ginny Weasley theo tôi không có gì đáng chú ý, vì Wright ... không xinh như mô tả trong truyện, vả lại quan hệ giữa Ginny và Harry trong tập phim này cũng được đầu tư chưa đúng mức và trở nên mờ nhạt hơn rất nhiều quan hệ của cặp Hermione-Ron. Tom Felton trong vai Draco Malfoy cũng là một diễn viên đáng khen ngợi khác của tập phim này, Yates đã không lầm khi để Felton có nhiều đất diễn như vậy vì hình ảnh Malfoy bị giằng xé đã khiến Harry Potter and the Half-Blood Prince có màu sắc hơn rất nhiều, người xem được chứng kiến một cậu thanh niên thực sự, dù rất xấu xa nhưng vẫn còn giữ lại trong mình chút bản chất tốt đẹp, khác hẳn hình ảnh Malfoy đố kị, thù dai kiểu trẻ con và hung ác như trong các tập phim trước.

Actually, she's cool!

Đoạn được làm tốt nhất của Harry Potter and the Half-Blood Prince theo tôi là đoạn Dumbledore và Harry đi tìm cái Horcrux, đoạn này được Yates thực hiện còn tốt hơn cả trong truyện, kĩ xảo đẹp, kịch tính và cuốn hút (đoạn con Inferius bám lấy tay Harry vẫn làm tôi giật mình mặc dù đã biết trước là "nó sẽ như thế"). Nhưng liền sau đó, đoạn cuối cùng theo tôi là có một nét gợn nhỏ, đó là việc đạo diễn để hint cho khán giả thấy về sự bắt buộc của Snape trong hành động giết Dumbledore và việc để Potter không bị bó chân bó tay khi chứng kiến cảnh đó. Theo tâm lý thông thường thì rõ ràng Harry Potter là một cậu thanh niên nông nổi (sẵn sàng bất chấp nguy hiểm đuổi theo Bellatrix trong đoạn nhà Weasley bị tấn công) ấy vậy mà cậu lại cam chịu nghe lời Dumbledore không nhảy lên cứu ông khi Snape chuẩn bị ra tay (bị đông cứng người như trong truyện thì hợp lý hơn rất nhiều), việc Yates để hint khi cho Snape tha Harry đến mấy lần liền chỉ trong đoạn cuối cùng đó cũng sẽ khiến những người chưa xem truyện phần nào đoán được Snape là "người tốt", dẫn đến trường đoạn đọc trí nhớ Snape trong Harry Potter and the Deathly Hallows sau này sẽ mất "ép phê".

Very exciting, indeed!

Dù sao theo tôi đây vẫn là tập Harry Potter có tính giải trí tốt nhất mà tôi từng được xem đồng thời chuyển tải được gần gũi nhất nội dung của bộ truyện mà không cần phải bám theo từng câu từng chữ mà Rowling từng viết ra. Một bất ngờ trong mùa thất thu phim bom tấn năm nay.

Always the best!

vendredi 20 novembre 2009

My Sister's Keeper (2009), Man on Wire (2008)


Không biết có phải do sinh ra từ một mối tình nổi tiếng của Hollywood giữa John Cassavetes và Gena Rowlands hay không mà Nick Cassavetes, con trai của John Cassavetes-nghệ sĩ tiên phong trong dòng phim indiecinéma-vérité lại không theo con đường cha mình đã chọn mà chỉ tập trung vào những bộ phim có mức độ lãng mạn và mơ mộng cao, hay nói vui là "phim Hàn xẻng". Tiêu biểu nhất cho các bộ phim Hàn xẻng của Nick chính là The Notebook, tác phẩm đã lấy nước mắt của không biết bao nhiêu chị em phụ nữ vì những cảnh quay lãng mạn dưới mưa, trong sương mù,... Và năm nay Nick lại cho ra đời một tác phẩm không hề kém cạnh The Notebook trong nghệ thuật "lấy nước mắt", đó là My Sister's Keeper.

Nhân vật chính của My Sister's Keeper là gia đình nhà Fitzgerald, một gia đình bình thường, hạnh phúc như bao gia đình Mỹ (trong phim Hollywood) khác trước khi tai họa ập xuống - Kate Fitzgerald, cô con gái út trong nhà, bị chẩn đoán mắc ung thư máu, căn bệnh mà y học hiện đại hoàn toàn không có khả năng chữa lành. Để chăm sóc Kate, mẹ cô bé, Sara-một luật sư giỏi, quyết tâm bỏ việc ở nhà, cô dành nhiều thời gian chăm sóc con gái tới mức gần như bỏ quên mất đứa con trai cả Jesse, vốn cũng là một đứa trẻ gặp nhiều khó khăn trong cuộc đời vì mắc chứng khó đọc. Căn bệnh ung thư máu khiến thận của Kate dần bị thải loại, cô bé sẽ không thể sống nổi nếu không được ghép thận trong tương lai từ một người hiến tạng cực kì phù hợp. Và nghe theo lời bác sĩ, Sara cùng chồng, Brian-một anh lính cứu hỏa trầm lặng, quyết định thụ tinh nhân tạo để cho ra đời người hiến tạng cần thiết-Anna, con gái út của gia đình Fitzgerald. Cô bé út ít Anna lớn lên trong tình thương yêu hết mực của cả gia đình, đôi lúc bé phải thực hiện những cuộc lấy máu, lấy tủy sống cực kì đau đớn để phục vụ việc điều trị của Kate, nhưng có hề gì, vì Anna yêu thương chị trong khi Sara và Brian, dù biết con gái út đau đớn, vẫn mặc nhiên coi đó là việc cần làm và nên làm. Nhưng thời hạn ghép thận cận kề cũng là lúc Anna đủ lớn để nhận ra rằng dường như mình đang phải làm một việc quá sức và ảnh hưởng tới cả cuộc đời sau này của cô bé, mất đi một quả thận, cô sẽ mãi mãi không thể chơi bóng đá, làm cheerleader như những bé gái bình thường khác. Cuối cùng Anna quyết định nhờ tay luật sư Campbell Alexander ... kiện Sara và Brian ra tòa để giành quyền kiểm soát các tác động y học tới bản thân. Những rạn nứt dưới sức ép từ căn bệnh quái ác của Kate và quyết tâm có phần thái quá của Sara, vốn âm ỉ từ lâu trong gia đình Fitzgerald nay có cơ hội bùng phát và không thể cứu vãn nổi.

Phút yên bình hiếm hoi của nhà Fitzgerald

Thật ngạc nhiên là hai căn bệnh tác động lớn nhất tới xã hội Mỹ hiện đại - béo phì và ung thư, lại rất hiếm khi được các đạo diễn đưa lên màn ảnh lớn, hoặc có đưa lên thì cũng hạ thấp đi rất nhiều sự đau đớn và rắc rối do căn bệnh đó gây lại như trong The Bucket List (cuối cùng thì năm nay cũng có một bộ phim về căn bệnh béo phì ra mắt công chúng, Precious). My Sister's Keeper không phải một tác phẩm phi hiện thực như The Bucket List, dù là đạo diễn theo típ lãng mạn nhưng trong bộ phim này, Nick Cassavetes đã miêu tả cực kì tỉ mỉ, chính xác và không hề né tránh bất cứ chi tiết đau đớn khủng khiếp nào của căn bệnh ung thư máu giai đoạn cuối. Bộ phim, dù không hề có chút bạo lực nào, vẫn khiến khán giả nhiều phen nhăn mặt, rùng mình khi phải chứng kiến sự đau đớn đến tột bậc của các bệnh nhân ung thư trong quá trình hóa trị, xạ trị và nhất là những giờ phút đau đớn tột bậc mà họ phải trải qua. Người ta thấy Kate từ một cô bé đáng yêu, tóc dài mượt mà, dần biến thành một bệnh nhân đầu trọc, da dẻ phù nề, môi khô khốc và thường xuyên ho ra máu trong đau đớn. Có lẽ chỉ bằng những hình ảnh chân thực như vậy Nick Cassavetes mới giúp người xem phần nào cảm nhận được sức ép tâm lý nặng nề mà gia đình Fitzgerald nói riêng và những gia đình có người thân mắc ung thư nói chung, phải chịu đựng.

Đương nhiên, nội dung chính của My Sister's Keeper không phải là căn bệnh ung thư, mà là cái cách mọi người đương đầu và chống lại nó thế nào. Bộ phim tràn ngập những hình ảnh cảm động về gia đình nhà Fitzgerald trong cuộc chiến của họ chống lại căn bệnh của Kate và chống lại chính những xung đột tâm lý của bản thân, có thể nói những trường đoạn "lấy nước mắt" trong tác phẩm này của Nick Cassavetes còn đậm đặc hơn The Notebook. Thông thường "nhiều" dễ dẫn đến "nhàm", "sến", nhưng My Sister's Keeper không hề rơi vào cái bẫy dễ mắc đó, Nick Cassavetes đã rất tài tình trong việc xây dựng nhân vật, mỗi người đều có một tính cách, hình ảnh rõ ràng và hoàn toàn khác biệt, thậm chí ngay cả những nhân vật "phụ" trong phim như bà thẩm phán DeSalvo, tay luật sư Campbell hay Taylor, anh chàng người yêu ngắn ngủi của Kate, đều cực kì đặc sắc và có cuộc sống riêng, bí ẩn riêng của họ. Tôi thực sự thích các nhân vật của My Sister's Keeper, họ rất "thật" nhưng cũng lại rất dễ gây thiện cảm từ người xem, điển hình như nhân vật Campbell do Alec Baldwin đóng, nhân vật tưởng như đứng về "phe ác" này cuối cùng lại gây được thiện cảm rất lớn từ phía người xem vì cách hành xử của ông trong vụ kiện tụng đầy rắc rối.

Một hình ảnh "rất The Notebook"

Tuyến nhân vật "không có người xấu" đã khiến My Sister's Keeper trở nên dễ xem hơn nếu so với cốt truyện bi thương của nó, bộ phim cũng chứa đựng những twist và bất ngờ dễ chịu hiếm khi gặp ở những bộ phim bi dạng này. Hơn nữa cũng phải nói rằng My Sister's Keeper không chỉ "có mỗi việc" "mua nước mắt" của khán giả, bộ phim còn đề cập tới một vấn đề hết sức nóng bỏng hiện nay ở xã hội Mỹ, đó là sự xung đột giữa hai trường phái "pro-choice" và "pro-life" trong quan điểm về cách ứng xử với các căn bệnh thuộc dạng vô phương cứu chữa. "Pro-life" xuất phát từ đức tin có gốc rễ tôn giáo, đặc biệt là Công giáo (Catholicism), cho rằng tính mạng là thứ quý giá (của Chúa ban tặng) nên con người phải giữ lại nó bằng mọi cách và không có quyền tự kết liễu cuộc đời mình, vì vậy các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối dù đau đớn đến đâu, vô phương cứu chữa đến đâu, cũng phải tìm mọi cách để duy trì sự sống để chờ phương thuốc mới hoặc chờ thời điểm sự sống tự thoát ra khỏi cơ thể họ. "Pro-choice" lại gắn liền với chủ nghĩa tự do (Liberalism) vốn rất phổ biến từ lâu ở Tây Âu nhưng lại khá mới mẻ ở "mảnh đất tự do" Mỹ (vốn không "tự do" như người ta tưởng - trừ tự do kinh tế) lại cho rằng quyền quyết định sống hay chết là tùy thuộc vào mỗi cá nhân, vì đó mới là chủ sở hữu thực sự của sự sống, nếu họ cảm thấy không thể chịu nổi những đau đớn hoặc đã quá tuyệt vọng vì căn bệnh vô phương cứu chữa thì họ hoàn toàn có quyền tự kết thúc sự sống (đúng hơn là sự sống trong đau đớn) của chính họ. Tất nhiên, cuộc tranh luận thực sự về vấn đề này phức tạp hơn rất nhiều vì nó còn liên quan tới vô vàn mâu thuẫn trong luật pháp và đạo đức y học. My Sister's Keeper cũng không có tham vọng lái độc giả theo phe "pro-life" hoặc "pro-choice", Nick Cassavetes chỉ bằng những hình ảnh chân thực, cảm động của ông khiến cho khán giả phải tự mình đặt ra câu hỏi: "Ta phải làm gì trong hoàn cảnh đó?". Theo tôi đó là cách xử lý tác phẩm khá tinh tế và khiến cho My Sister's Keeper thực sự trở thành một bộ phim đáng xem và đáng suy ngẫm thay vì dừng lại ở một tác phẩm lãng mạn "kiểu Hàn Quốc" thông thường.

Cameron Diaz với "kiểu tóc" lạ lẫm

Tương tự như cái poster ở trên, My Sister's Keeper có phần hình ảnh đẹp và thơ mộng, cái cách mà Nick Cassavetes miêu tả mối tình ngắn ngủi giữa Kate và Taylor - hai bệnh nhân ung thư, hai cái đầu trọc, hai cặp môi nứt nẻ vì hóa trị liệu, chắc chắn sẽ khiến khán giả quên đi những "mối tinh ung thư" đẹp nhưng phi hiện thực trong phim Hàn Quốc. Dàn diễn viên trong phim tuy không phải là những tên tuổi lớn (của phim tâm lý) nhưng họ đều diễn rất nhập vai, người xem chắc chắn sẽ phải bất ngờ trước một Cameron Diaz, vốn chỉ nổi bật trong dòng phim hành động và hài hước, lại diễn xuất đạt đến vậy vai bà mẹ kiên cường Sara, Jason Patric-nỗi thật vọng của Speed 2 cũng nhập vai không kém với hình ảnh ông bố Brian ít nói và chỉ thể hiện tình yêu với con gái qua ánh mắt biết nói, tất nhiên không thể bỏ qua Sofia Vassilieva, một phát hiện mới trong vai diễn khó, nhưng cực kì ấn tượng-vai cô bé Kate. Đáng ngạc nhiên là một lần nữa diễn viên khiến tôi thất vọng lại là Abigail Breslin, "Little Miss Sunshine" lại một lần nữa chọn được một kịch bản rất tốt nhưng diễn xuất thì không thuyết phục chút nào (như Definitely, Maybe). Tất nhiên đó chỉ là hạt sạn rất nhỏ trong món ăn ngon, và có thể khẳng định My Sister's Keeper là một món ăn tinh thần đặc sắc.


Đây là phim tài liệu được đánh giá cao nhất của năm 2008 và đoạt hầu hết các giải thưởng về phim tài liệu trong năm. Phim kể về Philippe Petit, một nghệ sĩ đi trên dây (funambule) người Pháp với kế hoạch không tưởng là thực hiện cuộc biểu diễn đi trên dây từ nóc của 2 tòa nhà World Trade Center ở New York (cao 417 mét). Vốn có "máu liều" và chất nghệ sĩ như truyền thống của người Pháp (đồng hương của Petit là Alain Robert, biệt danh "người nhện" vì chuyên nhà chọc trời bằng tay không, cũng là tiêu biểu cho tính cách "càn rỡ" này của người Pháp), Philippe Petit ngay từ khi còn rất trẻ đã yêu thích biểu diễn đi trên dây từ đỉnh của những công trình nổi tiếng như Nhà thờ Đức Bà Paris hay Cầu cảng Sydney. Ngay khi World Trade Center mới bắt đầu được xây dựng, Petit đã nảy sinh quyết tâm thực hiện cuộc biểu diễn có một không hai trên nóc nhà mới của thế giới. Và Man on Wire kể lại cho cho khán giả về việc làm thế nào Petit có thể thực hiện được "âm mưu" không khác gì một vụ ... ăn trộm này.

Man on Wire nhìn chung không làm tôi ấn tượng. Trừ một số đoạn phỏng vấn mà Petit bộc lộ ước mơ từ bé của mình hoặc trường đoạn trên đỉnh của World Trade Center thì phim không để lại cảm xúc gì đáng kể, ngay cả những người được phỏng vấn cũng có vẻ không còn quá hào hứng và xúc động vì sự kiện đặc biệt này, có lẽ vì thời gian đã trôi qua quá lâu (34 năm). Thật ngạc nhiên là phim được đánh giá cao đến thế, không biết có phải vì nó gắn với hai cái biểu tượng đau thương của người Mỹ hay không (chắc là vậy, dù phim không hề nhắc gì tới sự kiện 11 tháng 9). Tôi cũng không đánh giá cao cách dựng lại quá khứ "như một vụ trộm" của Man on Wire, vì nó cũng chỉ na ná các bộ phim tài liệu của Discovery Channel chứ không có gì đột phá. Theo tôi thì một phim tài liệu làm về Alain Robert có lẽ sẽ gây cảm xúc mạnh hơn nhiều vì anh chàng "Người nhện Pháp" này vẫn đang ngày ngày leo lên đỉnh của những tòa nhà cao nhất thế giới.

He isn't Spider-Man, he's Alain Robert

lundi 16 novembre 2009

Thirst (2009)


Chứng kiến những nỗi đau đớn kéo dài của bệnh nhân trong bệnh viện mình làm tình nguyện, đức cha Sang-hyun quyết định sang xứ sở châu Phi xa xôi để hiến mình làm thí nghiệm cho các bác sĩ nhằm tìm ra thuốc chữa cho loại virus Emmanuel chết chóc. Thí nghiệm thất bại, đức cha qua đời sau khi được truyền một loại máu lạ, máu ma cà rồng. Nhờ đó mà Sang-hyun được tái sinh trong cơ thể của một con ma cà rồng khát máu, khát máu nhưng lại không thể giết người vì nó đi ngược lại với nguyên tắc sống cơ bản của Sang-hyun, đó là hy sinh vì người khác chứ không để người khác hy sinh vì mình.

Trở về Hàn Quốc từ châu Phi, Sang-hyun tình cờ gặp lại gia đình của bà Ra trong đó có đôi vợ chồng trẻ Kang-woo và Tae-ju mà đức cha quen biết từ ngày còn là một đứa trẻ mồ côi sống trong cô nhi viện. Nét xuân tươi trẻ cùng sức sống hừng hực của Tae-ju đã đánh thức trong Sang-hyun một tình cảm mãnh liệt vốn đã âm ỉ kể từ khi đức cha biến thành ma cà rồng. Về phần mình, Tae-ju cũng tìm được ở Sang-hyun hình ảnh của một người đàn ông mạnh mẽ đích thực, phẩm chất mà Kang-woo, vốn "dở ông dở thằng" vì bệnh tật, không hề có. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, Tae-ju và Sang-hyun quan hệ vụng trộm đồng thời ấp ủ âm mưu thủ tiêu Kang-woo nhằm hai mục đích hoàn toàn khác nhau: với Tae-ju đó là cuộc sống tự do thoát khỏi sự kìm kẹp của mẹ con bà Ra, với Sang-hyun đó là sự giải thoát cho Tae-ju khỏi sự "hành hạ" của Kang-woo (thực chất chỉ là trò lừa của Tae-ju để Sang-hyun đồng ý dùng sức mạnh ma cà rồng của mình để giết người). Cuối cùng thì vụ mưu sát cũng được thực hiện thành công, Kang-woo vĩnh viễn nằm lại đáy hồ còn bà Ra vì sốc mạnh sau cái chết của đứa con duy nhất đã bị liệt tứ chi và gần như trở thành một người sống thực vật. Tuy không còn có thể cử động hoặc nói năng nhưng các giác quan khác của bà Ra vẫn đủ tinh nhậy để nhận ra thủ phạm thực sự trong cái chết của con trai mình - Tae-ju và Sang-hyun, nay đã trở thành hai con người bị dày vò vì không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh từ Kang-woo.

Nỗi ám ảnh Kang-woo

Nhân ngày sinh nhật của Tae-ju, Sang-hyun tặng cô "món quà" sinh nhật quý giá, đó là dòng máu độc của mình. Tae-ju trở thành ma cà rồng, một con ma khát máu và ác độc hơn nhiều lần so với Sang-hyun. Sự tàn bào của Tae-ju là điều Sang-hyun không hề ngờ tới, đức cha rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi mà lương tâm ông không cho phép Tae-ju, người ông yêu quý, tiếp tục hành động như vậy. Cũng trong lúc ấy, bà Ra, dù liệt tứ chi, vẫn tìm mọi cách để vạch bộ mặt thật của hai con ma cà rồng sống bên cạnh mình.

Thirst là bộ phim đầu tiên của Park Chan-wook trong 4 năm và cũng là sự trở lại của đạo diễn với dòng phim bạo lực quen thuộc mà Park đã từng rất thành công trong quãng đầu thập niên 2000 với bộ ba Sympathy for Mr. Vengeance, OldboySympathy for Lady Vengeance. Tôi rất thích phim của Park Chan-wook bởi một lẽ đơn giản-phim của ông có tính giải trí rất cao, khoan nói đến phần ý nghĩa của phim thì chỉ riêng tài đẩy cảm xúc của phim lên cao bằng những hình ảnh bạo lực rất đẹp và stylish cũng đủ khiến phim của Park được hâm mộ bất kể việc khán giả có nắm được ý nghĩa ẩn phía sau những hình ảnh đó hay không. Xem phim của Park rất "sướng" vì nhân vật trong phim của ông được cách điệu hóa cao độ, họ (các nhân vật) không thật, không gần gũi với thực tế nhưng lại hết sức ấn tượng, chắc chắn ai đã từng thưởng thức phim của ông không thể quên được nụ cười nửa ngây thơ, nửa bạo liệt của nàng Geum-ja (Lee Yong-ae) trong Lady Vengeance hay ánh mắt sát thủ của Dae-su (Choi Min-sik) trong Oldboy. Các cung bậc cảm xúc trong phim của Park Chan-wook thường xuyên được đẩy lên cao độ nhờ diễn xuất của diễn viên (Park chọn diễn viên rất chuẩn, diễn viên trong phim ông không chỉ hợp về diễn xuất mà ngay cả ngoại hình của họ cũng cực kì hợp với nhân vật) cùng phần hình ảnh được biên tập, chuẩn bị chu đáo với bố cục và màu sắc ấn tượng y hệt những bức tranh theo phong cách baroque. Và ở Thirst, một lần nữa Park Chan-wook đã lại chứng tỏ được mình là bậc thầy của dòng phim bạo lực kì quái này.

Too beautiful to become a vampire

Thirst có cốt truyện dựa theo tiểu thuyết Thérèse Raquin của nhà văn Pháp Emile Zola, tuy bối cảnh của hai tác phẩm là hoàn toàn khác nhau nhưng đường dây dẫn dắt chính thì đều xoay quanh "tội ác và trừng phạt" của cặp tình nhân vì yêu nhau mà để bản năng lấn át lý trí. Sự xung đột giữa lý trí (phần người) và bản năng hoang dại (phần con) vốn là chủ đề được Park khai thác rất kĩ trong bộ ba phim trả thù nay lại được phát triển theo một hướng hoàn toàn mới nhờ cái nền phim ma cà rồng cùng kịch tính đặc biệt do Thérèse Raquin tạo nên. Với diễn xuất xuất sắc của Song Kang-ho, cha cố-ma cà rồng Sang-hyun thực sự trở thành đại diện ấn tượng mới cho cái dilemma "giết-không giết?" vốn tưởng như đã bị khai thác đến nhàm chán trong các bộ phim về ma cà rồng. Về phần Kim Ok-bin, theo tôi cô diễn vẫn hơi bị "non" vai Tae-ju, một vai khó cho diễn viên còn trẻ và ít kinh nghiệm như Kim, nét xinh đẹp cùng lối diễn hơi bị over của cô ở nửa đầu dễ làm người xem liên tưởng tới Lee Young-ae trong Lady Vengeance (nhưng ở mức độ thấp hơn), rất may là ở nửa cuối phim khi nhịp độ được đẩy lên cao, Kim Ok-bin đã diễn tốt hơn rất nhiều và đủ để khán giả cảm thấy ấn tượng về một Tae-ju dù ma mãnh nhưng vẫn còn chút gì đó ngây thơ như vẻ đẹp trong sáng thánh thiện của cô. Cũng như diễn xuất của Ok-bin, theo tôi thì phần giữa của Thirst hơi trùng và kém kịch tính hơn hẳn so với phần đầu và phần cuối phim (đặc biệt là phần cuối), ở phần này khán giả không rõ Park Chan-wook muốn đặt điểm nhấn vào đâu-sự dằn vặt vì cái chết của Kang-woo hay mâu thuẫn giữa tình người-bản năng ma cà rồng của Sang-hyun và Tae-ju. Nhưng càng về cuối, khi nhịp phim được đẩy nhanh cùng với ánh mắt biết nói của bà Ra thì cảm xúc của phim dần được đẩy lên cao theo một hướng thống nhất, tôi rất thích phần kết của Thirst, đẹp, ấn tượng và mang đầy đủ khí chất của một bộ phim "kiểu Park Chan-wook".


Như thường lệ, phần hình ảnh và âm nhạc vẫn luôn là thế mạnh của Park, tuy không giàu màu sắc như Oldboy hay Lady Vengeance (Thirst có gam màu tăm tối khá gần với Mr. Vengeance) nhưng phim vẫn rất ấn tượng nhờ những khung hình có tính thẩm mỹ rất cao, Park luôn tận dụng được tối đa những kỹ xảo gắn với sức mạnh phi thường của ma cà rồng để khiến khán giả ngạc nhiên trước vẻ đẹp của các pha hành động dứt khoát, bạo liệt và rất baroque. Bên cạnh đó phim lại có những khoảng lặng về hình ảnh đáng quý, đặc biệt là với hình ảnh đôi giày mà Sang-hyun cho Tae-ju, khiến Thirst có được nhịp điệu phim rất riêng mà không lẫn với những bộ phim ma cà rồng hành động kiểu thông thường. Tôi khá ngạc nhiên vì phần kỹ xảo của phim, rất thật (theo kiểu Hollywood) chứ không thô như một số phim Hàn Quốc tôi đã xem, đồng thời lại không bị lạm dùng mà được Park lồng một cách rất cẩn thận vào phim để làm nổi bật cái tinh tế thường thấy ở phần hình ảnh trong phim của ông.

Thirst thực sự là một bộ phim hay và đáp ứng được mong đợi của khán giả từ một tác phẩm gắn mác Park Chan-wook.

===

Ai thích phim này thì chắc chắn cũng sẽ thích Shallow Grave của Danny Boyle, một phim có concept về dằn vặt, tội lỗi, mưu mô,... rất gần với Thirst.

dimanche 15 novembre 2009

Millennium Trilogy (2009)


Phim này sang tiếng Anh được dịch nguyên thành Men Who Hate Women trong khi tiểu thuyết gốc lại bị dịch thành The Girl with the Dragon Tattoo. Ở Pháp thì ngược lại, tiểu thuyết giữ tên gốc (Les hommes qui n'aimaient pas les femmes) trong khi phim lại đổi thành Millenium, chẳng biết đằng nào mà lần.

Mikael Blomkvist là nhà báo điều tra kinh tế có tiếng của tờ Millennium nhưng vì vướng vào một vụ bê bối bôi nhọ nên ông buộc phải từ chức và còn bị tòa tuyên 6 tháng ngồi nhà đá. Trước khi vào tù, Blomkvist nhận được một công việc cuối cùng, đó là điều tra vụ sát hại cô cháu gái 16 tuổi của nhà tài phiện Henrik Vanger. 40 năm trước, Harriet Vanger đột nhiên biến mất với manh mối duy nhất để lại là một bức ảnh trên báo trong đó có bóng mờ của cô gái. Và sau sự kiện bi thảm ấy, hàng năm vào dịp sinh nhật mình, ông Henrik Vanger lại nhận được một bức tranh làm từ hoa khô ép-món quà mà Harriet vẫn tặng ông trước lúc biến mất không để lại dấu vết. Henrik tin rằng cô bé đã bị giết, kẻ giết cô chính là người đã gửi quà cho ông mỗi năm, và hơn hết, ông tin rằng kẻ giết Harriet là một trong số thành viên của nhà Vanger, những người vốn ghen tị với Harriet vì sự yêu quý của ông Henrik-người nắm tài sản của đại gia đình, dành cho cô.

40 năm đã qua, ánh mắt ấy nói lên điều gì?

Thời gian trôi qua mà cuộc điều tra của Blomkvist vẫn dậm chân tại chỗ vì sự bất hợp tác của những người trong gia đình Vanger và bản thân ông cũng không thể suy luận được gì từ những dòng chữ bí ẩn ghi bên trong cuốn nhật ký mà Harriet để lại trước khi biến mất. Hướng điều tra chỉ thực sự được mở ra nhờ sự xuất hiện của Lisbeth Salander, một cô gái có vẻ ngoài của dân goth đầy nổi loạn nhưng cũng lại sở hữu khả năng suy luận sáng suốt và tài nghệ của một hacker ngoại hạng. Nhờ có Lisbeth, Blomkvist mới dần khám phá được những bí ẩn khủng khiếp ẩn giấu bên trong gia đình Vanger, đó là những sự thật còn tàn bạo và khó tin hơn nhiều lần so với một vụ án mạng thông thường. Cuộc điều tra mở ra một hướng mới cũng là lúc Blomkvist nhận được những lời đe dọa từ gia đình nhà Vanger cộng thêm một vụ mưu sát hụt, người đi săn đã trở thành kẻ bị đi săn, tất cả mới thực sự bắt đầu.

Lisbeth Salander và Mikael Blomkvist

Män som hatar kvinnor (Những người đàn ông không yêu phụ nữ) được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả người Thụy Điển Stieg Larsson. Larsson chỉ viết văn như một thú vui tay trái, nghề nghiệp chính của ông là nhà báo kinh tế (giống như Blomkvist), ông qua đời đột ngột vì đau tim khi mới 50 tuổi (năm 2004). Chỉ sau khi Larsson đã qua đời, bản thảo bộ ba tiểu thuyết Millennium (mà Män som hatar kvinnor là tập đầu tiên) mới được xuất bản và lập tức gây được tiếng vang lớn vì giọng văn khác lạ và cách xây dựng nhân vật rất mới mẻ nếu so với lối mòn truyền thống của dòng tiểu thuyết trinh thám. Trong vòng chỉ có 4 năm kể từ năm 2005, bộ ba Millennium đã bán được trên 20 triệu bản sách, một con số thuộc loại "khủng khiếp" cho những tác phẩm nằm ngoài thị trường Mỹ, riêng ở Pháp thì cả ba tập của Millennium nằm trong danh sách các tiểu thuyết bán chạy nhất nước Pháp trong vòng hơn 2 năm liên tiếp. Những con số như vậy cũng đủ để chứng tỏ sức hấp dẫn của bộ tiểu thuyết trinh thám này.

Về chất lượng chuyển thể, có thể nói đạo diễn của Män som hatar kvinnor mới chỉ ... hoàn thành một nửa độ hấp dẫn của tiểu thuyết, nửa đầu tiên. Trong khoảng một tiếng đầu tiên của Män som hatar kvinnor, khán giả được chứng kiến một tác phẩm điện ảnh cực kì hấp dẫn của dòng phim trinh thám và rất khác lạ so với những bộ phim tương tự của Hollywood. Sự khác lạ đầu tiên nằm ở tuyến nhân vật, chắc chắn chưa bộ phim trinh thám nào của Hollywood lại có nhân vật chính là một cô gái cá tính, nổi loạn (cả về hình thức bên ngoài và tính cách bên trong) như Lisbeth Salander, cũng chưa từng có bộ phim Hollywood nào "dám" đặt một người đàn ông như Mikael Blomkvist vào vị trí bạn đồng hành (sidekick) của nhân vật nữ chính. Cách tiết lộ từng manh mối về vụ án Harriet Vanger cũng được đạo diễn thực hiện rất khéo léo và hoàn toàn lôi cuốn được độc giả vào cùng suy luận với Blomkvist và Salander trong vụ điều tra tên giết người bí ẩn. Rõ ràng với dòng phim trinh thám vốn đã được khai thác quá mức này, những twist hay trick của kẻ thủ ác sẽ không còn khiến người xem hứng thú (vì họ ít nhiều đã gặp chúng ở một tác phẩm khác), quan trọng là đạo diễn có lôi kéo được họ cùng đặt câu hỏi "Tại sao lại như vậy?" như các nhân vật của bộ phim hay không.

Ai là kẻ thủ ác?

Tiếc là không khí căng thẳng, kích thích người xem ở nửa đầu phim đã bị kéo trùng xuống trong phần cuối kết quả là phần "hạ màn" của bộ phim chỉ khiến khán giả có đôi chút hứng thú chứ không còn giữ được sự hưng phấn ban đầu khi họ chứng kiến Salander và Blomkvist lật mở vụ án. Dường như việc đây chỉ là tập đầu tiên trong bộ ba phim đã khiến đạo diễn lỏng tay và làm đoạn kết của phim thiếu đi sự hấp dẫn cần thiết đồng thời lại không tạo được sự hứng thú cần thiết cho khán giả về hai phần tiếp theo. Điểm sáng duy nhất ở những phút cuối của phim là diễn xuất rất tốt của Noomi Rapace trong vai Lisbeth Salander, cặp mắt có lửa của cô đã giúp người xem cảm nhận được sự yếu đuối ẩn trong vẻ ngoài bạo liệt của Salander, có lẽ nét bí ẩn của Salander là sự gợi mở duy nhất của Män som hatar kvinnor cho hai phần tiếp theo. Hy vọng ở phần hai và phần ba, đạo diễn sẽ tận dụng được hết khả năng của Rapace để biến Millennium thực sự trở thành một bộ ba phim trinh thám khiến cho Hollywood phải ghen tị.


Lại một lần nữa phải bái phục sự dịch tên tác phẩm sang tiếng Anh và tiếng Pháp, tập thứ 2 của loạt Millennium này được dịch nguyên sang tiếng Anh thành The Girl Who Played with Fire trong khi bản tiếng Pháp (cả truyện và phim) lại được dịch thành La fille qui rêvait d'un bidon d'essence et d'une allumette (nôm na: Cô gái có giấc mơ về can xăng và cái bật lửa - ám chỉ quá khứ của Lisbeth Salander.

Tập phim này có thể coi là một bước thụt lùi so với tập đầu tiên, lý do đơn giản vì sự bất ngờ về xây dựng nhân vật đã mất đi, giờ đây khán giả đã biết Lisbeth đặc biệt thế nào, chỉ còn một dấu hỏi đặt ra: "Tại sao và cái gì đã biến Lisbeth trở thành cô gái lập dị như vậy". Tập phim thứ hai này xoay quanh những khám phá của Blomkvist về quá khứ của Lisbeth cùng một vụ án bí ẩn liên quan tới băng buôn bán và lạm dụng phụ nữ làm nô lệ tình dục. Nói qua về nội dung cũng có thể thấy Millennium đang nghiêng theo phong cách bắt chước bộ Bourne (một điều cực kì khó khăn vì ba tập Bourne đã được làm quá xuất sắc), cũng là vừa song song phá án vừa tìm lại về quá khứ của nhân vật chính. Tập phim này lại còn thiếu màu sắc bí ẩn và mập mờ (nhưng tạo cho khán giả hứng thú "cùng phá án" với nhân vật) ở tập đầu. Tuy nhiên thì đây vẫn là một phim "xem được" và nhất là khán giả vẫn cần một cái "cầu nối" để đi tới tập 3 của loạt Millennium, vì thế miễn là cầu không quá tệ đến mức gẫy giữa chừng cũng là đạt yêu cầu.

vendredi 13 novembre 2009

The 100 Best Movies of the Noughties


Ảnh: Phim truyền hình Mexico Cô bé Chabelita, không liên quan gì đến nội dung bài viết.

Năm cuối cùng của thập niên 2000 sắp trôi qua có khác, các báo thi nhau đưa ra danh sách "Top Movies of the 2000s". Giờ đến lượt tờ The Times của Anh đưa ra cái danh sách "The 100 Best Movies of the Noughties", nghe châm biếm đúng kiểu Anh. Danh sách này khá lạ lẫm và không hợp ý tôi lắm, nhưng dù sao nó cũng đáng để tham khảo.

100 The Devil Wears Prada (David Frankel, 2006)***
099. Battle Royale (Kinji Fukasaku, 2000)*****
098. Crash (Paul Haggis, 2004)***
097. Sympathy for Lady Vengeance (Park Chan-Wook, 2005)****
096. Morvern Callar (Lynne Ramsay, 2002)
095. Amores Perros (Alejandro González Iñárritu, 2000)****
094. An Inconvenient Truth (Davis Guggenheim, 2006)
093. House of Flying Daggers (Zhang Yimou, 2004)***
092. Dirty Pretty Things (Stephen Frears, 2002)
091. Lantana (Ray Lawrence, 2001)
090. Wedding Crashers (David Dobkin, 2005)***
089. School of Rock (Richard Linklater, 2003)***
088. The Royal Tenenbaums (Wes Anderson, 2001)***
087. Time and Winds (Reha Erdem, 2006)
086. The Orphanage (Juan Antonio Bayona, 2007)
085. The Piano Teacher (Michael Haneke, 2001)****
084. Hotel Rwanda (Terry George, 2004)
083. The Wind that Shakes the Barley (Ken Loach, 2006)
082. Yi Yi: A One and a Two (Edward Yang, 2000)
081. In The Loop (Armando Iannucci, 2009)****
080. Me, You and Everyone We Know (Miranda July, 2005)
079. Le Grand Voyage (Ismael Ferroukhi, 2004)
078. About Schmidt (Alexander Payne, 2002)***
077. Bowling for Columbine (Michael Moore, 2002)****
076. Control (Anton Corbijn, 2007)
075. Talk to Her (Pedro Almodóvar, 2002)
074. Pan’s Labyrinth (Guillermo Del Toro, 2006)****
073. The Beat That My Heart Skipped (Jacques Audiard, 2005)***
072. The Hurt Locker (Kathryn Bigelow, 2008)***
071. Monsters, Inc. (Pete Docter/David Silverman/lee Unkrich, 2001)**
070. The Class (Laurent Cantet, 2008)****
069. Persepolis (Vincent Paronnaud, Marjane Satrapi, 2007)
068. Memento (Christopher Nolan, 2000)****
067. Gomorrah (Matteo Garrone, 2008)***
066. City of God (Fernando Meirelles, Katia Lund, 2002)****
065. Waltz with Bashir (Ari Folman, 2008)***
064. L'enfant (Jean-Pierre Dardenne/Luc Dardenne, 2005)
063. There Will Be Blood (Paul Thomas Anderson, 2007)****
062. Anchorman: The Legend of Ron Burgundy (Adam McKay, 2004)
061. Spirited Away (Hayao Miyazaki, 2001)*****
060. The Squid and the Whale (Noah Baumbach, 2005)
059. Être et Avoir (Nicolas Philibert, 2002)
058. Shaun of the Dead (Edgar Wright, 2004)****
057. The Consequences of Love (Paolo Sorrentino, 2004)
056. Volver (Pedro Almodovar, 2006)***
055. Chopper (Andrew Dominik, 2000)
054. Bad Santa (Terry Zwigoff, 2003)
053. Milk (Gus Van Sant, 2008)****
052. The Constant Gardener (Fernando Meirelles, 2005)****
051. The Son’s Room (Nanni Moretti, 2001)****

050. The Lord of The Rings: The Return of the King (Peter Jackson, 2003)****
049. Knocked Up (Judd Apatow, 2007)**
048. Little Miss Sunshine (Jonathan Dayton/Valerie Faris, 2006)****
047. My Summer of Love (Pawel Pawlikowski, 2004)
046. Traffic (Steven Soderbergh, 2000)***
045. Touching the Void (Kevin Macdonald, 2003)
044. Under the Sand (François Ozon, 2000)
043. The Dark Knight (Christopher Nolan, 2008)***
042. The Incredibles (Brad Bird, 2004)****
041. Children of Men (Alfonso Cuarón, 2006)****
040. Syriana (Stephen Gaghan, 2005)
039. Lost in Translation (Sofia Coppola, 2003)***
038. Mulholland Drive (David Lynch, 2001)***
037. In the Mood for Love (Wong Kar Wai, 2000)*****
036. Capturing the Friedmans (Andrew Jarecki, 2004)
035. Y Tu Mamá También (Alfonso Cuarón, 2002)
034. Finding Nemo (Andrew Stanton/Lee Unkrich, 2003)***
033. Monsoon Wedding (Mira Nair, 2002)
032. Gladiator (Ridley Scott, 2000)***
031. Iraq in Fragments (James Longley, 2006)
030. Irreversible (Gaspar Noé, 2002)
029. Being John Malkovich (Spike Jonze, 2000)
028. The Diving Bell and the Butterfly (Julian Schnabel, 2007)****
027. Sideways (Alexander Payne, 2004)***
026. Minority Report (Steven Spielberg, 2002)***

025. Dancer in the Dark (Lars Von Trier, 2000)
024. 28 Days Later... (Danny Boyle, 2002)
023. Man On Wire (James Marsh, 2008)***
022. Far from Heaven (Todd Haynes, 2002)
021. Good Night, and Good Luck (George Clooney, 2005)
020. Donnie Darko (Richard Kelly, 2001)
019. United 93 (Paul Greengrass, 2006)
018. Let the Right One In (Tomas Alfredson, 2008)****
017. Brokeback Mountain (Ang Lee, 2005)
016. Eternal Sunshine of the Spotless Mind (Michel Gondry, 2004)*****
015. Downfall (Oliver Hirschbiegel, 2004)****
014. 4 Months, 3 Weeks & 2 Days (Cristian Mungiu, 2007)***
013. This Is England (Shane Meadows, 2007)****
012. The Lives of Others (Florian Henckel von Donnersmarck, 2006)
011. Borat: Cultural Learnings of America for Make Benefit Glorious Nation of Kazakhstan (Larry Charles, 2006)***
010. Hunger (Steve McQueen, 2008)
009. The Queen (Stephen Frears, 2006)***
008. Casino Royale (Martin Campbell, 2006)***
007. The Last King of Scotland (Kevin Macdonald, 2006)***
006. Slumdog Millionaire (Danny Boyle, 2008)***
005. Team America: World Police (Trey Parker, 2004)
004. Grizzly Man (Werner Herzog, 2005)
003. No Country for Old Men (Joel Coen, Ethan Coen, 2007)****
002. The Bourne Supremacy / The Bourne Ultimatum (Paul Greengrass, 2004, 2007)****
001. Hidden (Cache) (Michael Haneke, 2005)


(**, ***, ****, *****: My rating)