some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

lundi 16 novembre 2009

Thirst (2009)


Chứng kiến những nỗi đau đớn kéo dài của bệnh nhân trong bệnh viện mình làm tình nguyện, đức cha Sang-hyun quyết định sang xứ sở châu Phi xa xôi để hiến mình làm thí nghiệm cho các bác sĩ nhằm tìm ra thuốc chữa cho loại virus Emmanuel chết chóc. Thí nghiệm thất bại, đức cha qua đời sau khi được truyền một loại máu lạ, máu ma cà rồng. Nhờ đó mà Sang-hyun được tái sinh trong cơ thể của một con ma cà rồng khát máu, khát máu nhưng lại không thể giết người vì nó đi ngược lại với nguyên tắc sống cơ bản của Sang-hyun, đó là hy sinh vì người khác chứ không để người khác hy sinh vì mình.

Trở về Hàn Quốc từ châu Phi, Sang-hyun tình cờ gặp lại gia đình của bà Ra trong đó có đôi vợ chồng trẻ Kang-woo và Tae-ju mà đức cha quen biết từ ngày còn là một đứa trẻ mồ côi sống trong cô nhi viện. Nét xuân tươi trẻ cùng sức sống hừng hực của Tae-ju đã đánh thức trong Sang-hyun một tình cảm mãnh liệt vốn đã âm ỉ kể từ khi đức cha biến thành ma cà rồng. Về phần mình, Tae-ju cũng tìm được ở Sang-hyun hình ảnh của một người đàn ông mạnh mẽ đích thực, phẩm chất mà Kang-woo, vốn "dở ông dở thằng" vì bệnh tật, không hề có. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, Tae-ju và Sang-hyun quan hệ vụng trộm đồng thời ấp ủ âm mưu thủ tiêu Kang-woo nhằm hai mục đích hoàn toàn khác nhau: với Tae-ju đó là cuộc sống tự do thoát khỏi sự kìm kẹp của mẹ con bà Ra, với Sang-hyun đó là sự giải thoát cho Tae-ju khỏi sự "hành hạ" của Kang-woo (thực chất chỉ là trò lừa của Tae-ju để Sang-hyun đồng ý dùng sức mạnh ma cà rồng của mình để giết người). Cuối cùng thì vụ mưu sát cũng được thực hiện thành công, Kang-woo vĩnh viễn nằm lại đáy hồ còn bà Ra vì sốc mạnh sau cái chết của đứa con duy nhất đã bị liệt tứ chi và gần như trở thành một người sống thực vật. Tuy không còn có thể cử động hoặc nói năng nhưng các giác quan khác của bà Ra vẫn đủ tinh nhậy để nhận ra thủ phạm thực sự trong cái chết của con trai mình - Tae-ju và Sang-hyun, nay đã trở thành hai con người bị dày vò vì không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh từ Kang-woo.

Nỗi ám ảnh Kang-woo

Nhân ngày sinh nhật của Tae-ju, Sang-hyun tặng cô "món quà" sinh nhật quý giá, đó là dòng máu độc của mình. Tae-ju trở thành ma cà rồng, một con ma khát máu và ác độc hơn nhiều lần so với Sang-hyun. Sự tàn bào của Tae-ju là điều Sang-hyun không hề ngờ tới, đức cha rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi mà lương tâm ông không cho phép Tae-ju, người ông yêu quý, tiếp tục hành động như vậy. Cũng trong lúc ấy, bà Ra, dù liệt tứ chi, vẫn tìm mọi cách để vạch bộ mặt thật của hai con ma cà rồng sống bên cạnh mình.

Thirst là bộ phim đầu tiên của Park Chan-wook trong 4 năm và cũng là sự trở lại của đạo diễn với dòng phim bạo lực quen thuộc mà Park đã từng rất thành công trong quãng đầu thập niên 2000 với bộ ba Sympathy for Mr. Vengeance, OldboySympathy for Lady Vengeance. Tôi rất thích phim của Park Chan-wook bởi một lẽ đơn giản-phim của ông có tính giải trí rất cao, khoan nói đến phần ý nghĩa của phim thì chỉ riêng tài đẩy cảm xúc của phim lên cao bằng những hình ảnh bạo lực rất đẹp và stylish cũng đủ khiến phim của Park được hâm mộ bất kể việc khán giả có nắm được ý nghĩa ẩn phía sau những hình ảnh đó hay không. Xem phim của Park rất "sướng" vì nhân vật trong phim của ông được cách điệu hóa cao độ, họ (các nhân vật) không thật, không gần gũi với thực tế nhưng lại hết sức ấn tượng, chắc chắn ai đã từng thưởng thức phim của ông không thể quên được nụ cười nửa ngây thơ, nửa bạo liệt của nàng Geum-ja (Lee Yong-ae) trong Lady Vengeance hay ánh mắt sát thủ của Dae-su (Choi Min-sik) trong Oldboy. Các cung bậc cảm xúc trong phim của Park Chan-wook thường xuyên được đẩy lên cao độ nhờ diễn xuất của diễn viên (Park chọn diễn viên rất chuẩn, diễn viên trong phim ông không chỉ hợp về diễn xuất mà ngay cả ngoại hình của họ cũng cực kì hợp với nhân vật) cùng phần hình ảnh được biên tập, chuẩn bị chu đáo với bố cục và màu sắc ấn tượng y hệt những bức tranh theo phong cách baroque. Và ở Thirst, một lần nữa Park Chan-wook đã lại chứng tỏ được mình là bậc thầy của dòng phim bạo lực kì quái này.

Too beautiful to become a vampire

Thirst có cốt truyện dựa theo tiểu thuyết Thérèse Raquin của nhà văn Pháp Emile Zola, tuy bối cảnh của hai tác phẩm là hoàn toàn khác nhau nhưng đường dây dẫn dắt chính thì đều xoay quanh "tội ác và trừng phạt" của cặp tình nhân vì yêu nhau mà để bản năng lấn át lý trí. Sự xung đột giữa lý trí (phần người) và bản năng hoang dại (phần con) vốn là chủ đề được Park khai thác rất kĩ trong bộ ba phim trả thù nay lại được phát triển theo một hướng hoàn toàn mới nhờ cái nền phim ma cà rồng cùng kịch tính đặc biệt do Thérèse Raquin tạo nên. Với diễn xuất xuất sắc của Song Kang-ho, cha cố-ma cà rồng Sang-hyun thực sự trở thành đại diện ấn tượng mới cho cái dilemma "giết-không giết?" vốn tưởng như đã bị khai thác đến nhàm chán trong các bộ phim về ma cà rồng. Về phần Kim Ok-bin, theo tôi cô diễn vẫn hơi bị "non" vai Tae-ju, một vai khó cho diễn viên còn trẻ và ít kinh nghiệm như Kim, nét xinh đẹp cùng lối diễn hơi bị over của cô ở nửa đầu dễ làm người xem liên tưởng tới Lee Young-ae trong Lady Vengeance (nhưng ở mức độ thấp hơn), rất may là ở nửa cuối phim khi nhịp độ được đẩy lên cao, Kim Ok-bin đã diễn tốt hơn rất nhiều và đủ để khán giả cảm thấy ấn tượng về một Tae-ju dù ma mãnh nhưng vẫn còn chút gì đó ngây thơ như vẻ đẹp trong sáng thánh thiện của cô. Cũng như diễn xuất của Ok-bin, theo tôi thì phần giữa của Thirst hơi trùng và kém kịch tính hơn hẳn so với phần đầu và phần cuối phim (đặc biệt là phần cuối), ở phần này khán giả không rõ Park Chan-wook muốn đặt điểm nhấn vào đâu-sự dằn vặt vì cái chết của Kang-woo hay mâu thuẫn giữa tình người-bản năng ma cà rồng của Sang-hyun và Tae-ju. Nhưng càng về cuối, khi nhịp phim được đẩy nhanh cùng với ánh mắt biết nói của bà Ra thì cảm xúc của phim dần được đẩy lên cao theo một hướng thống nhất, tôi rất thích phần kết của Thirst, đẹp, ấn tượng và mang đầy đủ khí chất của một bộ phim "kiểu Park Chan-wook".


Như thường lệ, phần hình ảnh và âm nhạc vẫn luôn là thế mạnh của Park, tuy không giàu màu sắc như Oldboy hay Lady Vengeance (Thirst có gam màu tăm tối khá gần với Mr. Vengeance) nhưng phim vẫn rất ấn tượng nhờ những khung hình có tính thẩm mỹ rất cao, Park luôn tận dụng được tối đa những kỹ xảo gắn với sức mạnh phi thường của ma cà rồng để khiến khán giả ngạc nhiên trước vẻ đẹp của các pha hành động dứt khoát, bạo liệt và rất baroque. Bên cạnh đó phim lại có những khoảng lặng về hình ảnh đáng quý, đặc biệt là với hình ảnh đôi giày mà Sang-hyun cho Tae-ju, khiến Thirst có được nhịp điệu phim rất riêng mà không lẫn với những bộ phim ma cà rồng hành động kiểu thông thường. Tôi khá ngạc nhiên vì phần kỹ xảo của phim, rất thật (theo kiểu Hollywood) chứ không thô như một số phim Hàn Quốc tôi đã xem, đồng thời lại không bị lạm dùng mà được Park lồng một cách rất cẩn thận vào phim để làm nổi bật cái tinh tế thường thấy ở phần hình ảnh trong phim của ông.

Thirst thực sự là một bộ phim hay và đáp ứng được mong đợi của khán giả từ một tác phẩm gắn mác Park Chan-wook.

===

Ai thích phim này thì chắc chắn cũng sẽ thích Shallow Grave của Danny Boyle, một phim có concept về dằn vặt, tội lỗi, mưu mô,... rất gần với Thirst.

2 commentaires:

  1. Đã down Thirst, Mother nhưng chưa có thời gian xem :((. Năm nay Hàn Xẻng làm ăn tốt nhỉ.

    RépondreSupprimer
  2. Thấy chú Hisaishi bảo còn có quả phim indie gì hay lắm, nhưng mà chẳng có thời gian xem, phim Hàn tui chỉ thích nhất ... phim sến của bọn nó =)), không hiểu sao, chắc tại mình cũng sến :p!

    RépondreSupprimer