some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

lundi 17 août 2009

Children of Men (2006)


Children of Men bắt đầu bằng sự kiện “Người trẻ nhất Thế giới” qua đời ở tuổi 18 vào tháng 11 năm 2027, dù sự thật thì “he’s just a wanker”, anh ta vẫn được cả nước Anh khóc thương và đặt hoa tưởng nhớ theo … phong cách Diana (không rõ đây chỉ là trùng hợp hay các nhà làm phim cố tình ám chỉ như vậy, nếu là chi tiết có chủ ý thì hết sức thú vị). Lý do cho sự thương tiếc kể trên là vì kể từ năm 2009 toàn bộ phụ nữ trên Thế giới đột nhiên bị tiệt sản, không còn bất cứ một đứa trẻ nào được sinh ra kể từ sau “Người trẻ nhất Thế giới” và toàn cầu rơi vào cảnh hỗn loạn của bạo lực, khủng bố. Quốc gia duy nhất đứng vững trong khủng hoảng, cũng như nhiều lần khác trong lịch sử loài người, là quốc đảo Anh. Với lý do bảo vệ xã hội, chính phủ Anh ra lệnh trục xuất toàn bộ người tị nạn hoặc nhập cư trái phép, những thành phần vốn không được chính phủ coi là “người”. Chính sách này gặp phải sự chống đối của một nhóm khủng bố lấy tên “Fish”, nhóm này thường sử dụng các vụ đánh bom để gây sức ép lên chính phủ và bị quân đội chính phủ truy quét gắt gao. Trớ trêu thay, vào đúng thời điểm hỗn loạn ấy thì một người phụ nữ gốc Phi – cái nôi của loài Người, có thai, đương nhiên cô nằm trong danh sách “phải bị trục xuất” của chính phủ Anh. Lãnh đạo nhóm “Fish” quyết định nhờ chồng cũ đưa cô gái da đen bằng mọi cách rời khỏi nước Anh để tìm đến Human Project với hy vọng sẽ tìm ra cách cứu vớt nhân loại.

Children of Men thuộc dòng phim dystopia hay post-apocalyptic, đây là dòng phim mô tả xã hội loài người ở tương lai (thường là tương lai gần) trong tình trạng hỗn loạn, tăm tối, đứng trên bờ vực diệt vong mà nguyên nhân xuất phát chính từ những sai lầm của loài người gây ra trong “quá khứ”. Dòng phim này bắt đầu nở rộ từ đầu thập niên 1980 với thành công của Blade Runner, một phim dystopia kinh điển của Ridley Scott, các phim hay khác trong dòng phim này có thể kể tới Twelve Monkeys hay V for Vendetta. Trong Children of Men, sự kiện “triệt sản toàn cầu” và chuyến đi khỏi nước Anh của người phụ nữ có thai năm 2027 là trung tâm của truyện phim, tuy nhiên thực tế “trung tâm” của phim lại được đạo diễn Alfonso Cuaron dùng làm phông để đề cập tới những sự kiện và hình ảnh nằm ở nền phim vốn phản ánh hầu như toàn bộ những vấn đề nghiêm trọng nhất mà loài người phải đối mặt trong hiện tại (thập niên 2000). Sự kiện trục xuất người nhập cư ở Anh vốn không hề xa lạ với tiêu chí của đảng cực hữu BNP (British Nationalist Party – Đảng Dân tộc Chủ nghĩa Anh), đảng này vừa giành được 2 ghế trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2009, sự kiện khiến cả nước Anh phải giật mình vì sự trỗi dậy của các lực lượng cực hữu. Trong Children of Men người ta cũng thấy những lực lượng khủng bố với mục tiêu rất “trong sáng” nhưng hành động thì hoàn toàn ngược lại, cực kì tàn ác, nhẫn tâm vô nhân tính, người ta cũng thấy những thành phố bẩn thỉu, rác rưởi tràn ngập, sương mù bao phủ, hậu quả của môi trường bị con người tàn phá một cách có hệ thống. Đương nhiên cũng như đa phần phim dystopia khác, Children of Men cũng phản ánh triết lý hiện sinh về sự tồn tại thực sự của loài người, phim có chi tiết rất hay về Ark of Art – một bộ của Anh chuyên thu thập kiệt tác nghệ thuật của thế giới, trong phòng ông bộ trưởng người ta thấy tượng Davis của Michelangelo (tượng La pieta của Michelangelo chưa kịp “được” thu hồi thì đã bị người dân nổi loạn phá hủy), người ta thấy tranh Guernica của Pablo Picasso, nhưng không hiểu Ark of Art tồn tại làm gì khi mà chỉ chưa đầy 100 năm nữa thôi loài người sẽ rơi vào cảnh diệt vong. Theo tôi thì Children of Men còn chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết dystopia kinh điển Nineteen Eighty-Four (1984), người ta thấy trong phim những tấm bảng điện tử cảnh báo, người ta thấy cả cái “triết lý về sự sợ hãi” vốn đều là những ý tưởng xuất sắc của G.Orwell trong Nineteen Eighty-Four, vả lại thực tế thì tiểu thuyết này cũng đã từng là nền tảng tư tưởng cho rất nhiều phim trong dòng dystopia. Với nội dung dầy đặc tư tưởng như trên, người ta không ngạc nhiên khi Children of Men được đề cử Oscar cho kịch bản chuyển thể, tuy vậy theo tôi thì chính vì phim hơi “tham” trong việc chuyển tải toàn bộ nội dung một tiểu thuyết trong khi vẫn giữ chất hành động kiểu Hollywood nên tác phẩm sẽ trở nên khó xem (và dẫn tới không ăn khách – một thảm họa cho phim blockbuster).

Đa phần phim dystopia đều là phim hành động, Children of Men không nằm ngoài xu hướng này và thực tế thì đây là một phim hành động cực kì xuất sắc, thậm chí là mang tính cách mạng trong thể loại. Nói Children of Men mang tính cách mạng trong thể loại hành động vì phim được quay theo phong cách cực kì mới lạ, đó là những cảnh hành động được quay theo kiểu phim tài liệu với máy quay cầm tay bám sát nhân vật và những take cực dài không hề có sự biên tập hoặc cắt, chuyển cảnh. Take dài có lẽ là đặc trưng tiêu biểu nhất của Children of Men, phim có tới vài take dài chừng 10 phút (cả phim chỉ dài 104 phút) hoàn toàn không biên tập, chuyển cảnh mà chỉ có góc nhìn từ một máy quay duy nhất. Trong cảnh dài và phức tạp nhất của Children of Men, Alfonso Cuaron thậm chí còn không màng tới việc máy quay duy nhất bị dính vài giọt “máu” mà tiếp tục cho máy chạy (đây là một lỗi khá thú vị của phim vì máu thật sẽ đọng lại thành vết trên màn ảnh trong khi ở đây các giọt “máu” bay hơi chỉ sau vài phút). Những cảnh hành động dài, các pha xả súng dứt khoát tạo cho phim sự chân thực đến cao độ, nếu không vì nhân vật chính của những cảnh đó là Clive Owen hoặc Michael Caine thì hẳn người ta đã nghĩ đạo diễn sử dụng phim tài liệu để lồng vào phim. Để thực hiện những take xuất sắc này hẳn Cuaron đã phải sắp xếp và dàn dựng cực kì kĩ lưỡng vì số lượng chi tiết phụ và nhân vật nền trong các take đều rất lớn. Thật đáng tiếc khi Children of Men trượt Oscar cho quay phim bất chấp những cảnh quay mang tính cách mạng này. Dàn diễn viên của Children of Men có ba cái tên lớn là Clive Owen, Julianne Moore và Michael Caine, trong số này thì chỉ có Owen thực sự có đất diễn. Tuy được giao một vai anti-hero nhưng Owen vẫn là cool guy như trong các phim khác của anh, anh diễn tốt và nổi bật giữa cái nền đen tối bẩn thỉu của phim, tuy vậy như đã nói ở trên thì thực ra diễn viên chính trong Children of Men chỉ làm “nền” cho các cảnh nền, vì vậy phim thực tế không cần những ngôi sao lớn, những cái tên lớn được chọn vào phim có lẽ chủ yếu nhằm vào mục đích câu khách cần thiết cho một blockbuster. Theo tôi dù hơi “tham” thì Children of Men vẫn là một phim hành động hết sức xuất sắc và đáng xem, xem để giải trí và xem để “biết sợ” trước những vấn đề toàn cầu.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire