some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

vendredi 20 novembre 2009

My Sister's Keeper (2009), Man on Wire (2008)


Không biết có phải do sinh ra từ một mối tình nổi tiếng của Hollywood giữa John Cassavetes và Gena Rowlands hay không mà Nick Cassavetes, con trai của John Cassavetes-nghệ sĩ tiên phong trong dòng phim indiecinéma-vérité lại không theo con đường cha mình đã chọn mà chỉ tập trung vào những bộ phim có mức độ lãng mạn và mơ mộng cao, hay nói vui là "phim Hàn xẻng". Tiêu biểu nhất cho các bộ phim Hàn xẻng của Nick chính là The Notebook, tác phẩm đã lấy nước mắt của không biết bao nhiêu chị em phụ nữ vì những cảnh quay lãng mạn dưới mưa, trong sương mù,... Và năm nay Nick lại cho ra đời một tác phẩm không hề kém cạnh The Notebook trong nghệ thuật "lấy nước mắt", đó là My Sister's Keeper.

Nhân vật chính của My Sister's Keeper là gia đình nhà Fitzgerald, một gia đình bình thường, hạnh phúc như bao gia đình Mỹ (trong phim Hollywood) khác trước khi tai họa ập xuống - Kate Fitzgerald, cô con gái út trong nhà, bị chẩn đoán mắc ung thư máu, căn bệnh mà y học hiện đại hoàn toàn không có khả năng chữa lành. Để chăm sóc Kate, mẹ cô bé, Sara-một luật sư giỏi, quyết tâm bỏ việc ở nhà, cô dành nhiều thời gian chăm sóc con gái tới mức gần như bỏ quên mất đứa con trai cả Jesse, vốn cũng là một đứa trẻ gặp nhiều khó khăn trong cuộc đời vì mắc chứng khó đọc. Căn bệnh ung thư máu khiến thận của Kate dần bị thải loại, cô bé sẽ không thể sống nổi nếu không được ghép thận trong tương lai từ một người hiến tạng cực kì phù hợp. Và nghe theo lời bác sĩ, Sara cùng chồng, Brian-một anh lính cứu hỏa trầm lặng, quyết định thụ tinh nhân tạo để cho ra đời người hiến tạng cần thiết-Anna, con gái út của gia đình Fitzgerald. Cô bé út ít Anna lớn lên trong tình thương yêu hết mực của cả gia đình, đôi lúc bé phải thực hiện những cuộc lấy máu, lấy tủy sống cực kì đau đớn để phục vụ việc điều trị của Kate, nhưng có hề gì, vì Anna yêu thương chị trong khi Sara và Brian, dù biết con gái út đau đớn, vẫn mặc nhiên coi đó là việc cần làm và nên làm. Nhưng thời hạn ghép thận cận kề cũng là lúc Anna đủ lớn để nhận ra rằng dường như mình đang phải làm một việc quá sức và ảnh hưởng tới cả cuộc đời sau này của cô bé, mất đi một quả thận, cô sẽ mãi mãi không thể chơi bóng đá, làm cheerleader như những bé gái bình thường khác. Cuối cùng Anna quyết định nhờ tay luật sư Campbell Alexander ... kiện Sara và Brian ra tòa để giành quyền kiểm soát các tác động y học tới bản thân. Những rạn nứt dưới sức ép từ căn bệnh quái ác của Kate và quyết tâm có phần thái quá của Sara, vốn âm ỉ từ lâu trong gia đình Fitzgerald nay có cơ hội bùng phát và không thể cứu vãn nổi.

Phút yên bình hiếm hoi của nhà Fitzgerald

Thật ngạc nhiên là hai căn bệnh tác động lớn nhất tới xã hội Mỹ hiện đại - béo phì và ung thư, lại rất hiếm khi được các đạo diễn đưa lên màn ảnh lớn, hoặc có đưa lên thì cũng hạ thấp đi rất nhiều sự đau đớn và rắc rối do căn bệnh đó gây lại như trong The Bucket List (cuối cùng thì năm nay cũng có một bộ phim về căn bệnh béo phì ra mắt công chúng, Precious). My Sister's Keeper không phải một tác phẩm phi hiện thực như The Bucket List, dù là đạo diễn theo típ lãng mạn nhưng trong bộ phim này, Nick Cassavetes đã miêu tả cực kì tỉ mỉ, chính xác và không hề né tránh bất cứ chi tiết đau đớn khủng khiếp nào của căn bệnh ung thư máu giai đoạn cuối. Bộ phim, dù không hề có chút bạo lực nào, vẫn khiến khán giả nhiều phen nhăn mặt, rùng mình khi phải chứng kiến sự đau đớn đến tột bậc của các bệnh nhân ung thư trong quá trình hóa trị, xạ trị và nhất là những giờ phút đau đớn tột bậc mà họ phải trải qua. Người ta thấy Kate từ một cô bé đáng yêu, tóc dài mượt mà, dần biến thành một bệnh nhân đầu trọc, da dẻ phù nề, môi khô khốc và thường xuyên ho ra máu trong đau đớn. Có lẽ chỉ bằng những hình ảnh chân thực như vậy Nick Cassavetes mới giúp người xem phần nào cảm nhận được sức ép tâm lý nặng nề mà gia đình Fitzgerald nói riêng và những gia đình có người thân mắc ung thư nói chung, phải chịu đựng.

Đương nhiên, nội dung chính của My Sister's Keeper không phải là căn bệnh ung thư, mà là cái cách mọi người đương đầu và chống lại nó thế nào. Bộ phim tràn ngập những hình ảnh cảm động về gia đình nhà Fitzgerald trong cuộc chiến của họ chống lại căn bệnh của Kate và chống lại chính những xung đột tâm lý của bản thân, có thể nói những trường đoạn "lấy nước mắt" trong tác phẩm này của Nick Cassavetes còn đậm đặc hơn The Notebook. Thông thường "nhiều" dễ dẫn đến "nhàm", "sến", nhưng My Sister's Keeper không hề rơi vào cái bẫy dễ mắc đó, Nick Cassavetes đã rất tài tình trong việc xây dựng nhân vật, mỗi người đều có một tính cách, hình ảnh rõ ràng và hoàn toàn khác biệt, thậm chí ngay cả những nhân vật "phụ" trong phim như bà thẩm phán DeSalvo, tay luật sư Campbell hay Taylor, anh chàng người yêu ngắn ngủi của Kate, đều cực kì đặc sắc và có cuộc sống riêng, bí ẩn riêng của họ. Tôi thực sự thích các nhân vật của My Sister's Keeper, họ rất "thật" nhưng cũng lại rất dễ gây thiện cảm từ người xem, điển hình như nhân vật Campbell do Alec Baldwin đóng, nhân vật tưởng như đứng về "phe ác" này cuối cùng lại gây được thiện cảm rất lớn từ phía người xem vì cách hành xử của ông trong vụ kiện tụng đầy rắc rối.

Một hình ảnh "rất The Notebook"

Tuyến nhân vật "không có người xấu" đã khiến My Sister's Keeper trở nên dễ xem hơn nếu so với cốt truyện bi thương của nó, bộ phim cũng chứa đựng những twist và bất ngờ dễ chịu hiếm khi gặp ở những bộ phim bi dạng này. Hơn nữa cũng phải nói rằng My Sister's Keeper không chỉ "có mỗi việc" "mua nước mắt" của khán giả, bộ phim còn đề cập tới một vấn đề hết sức nóng bỏng hiện nay ở xã hội Mỹ, đó là sự xung đột giữa hai trường phái "pro-choice" và "pro-life" trong quan điểm về cách ứng xử với các căn bệnh thuộc dạng vô phương cứu chữa. "Pro-life" xuất phát từ đức tin có gốc rễ tôn giáo, đặc biệt là Công giáo (Catholicism), cho rằng tính mạng là thứ quý giá (của Chúa ban tặng) nên con người phải giữ lại nó bằng mọi cách và không có quyền tự kết liễu cuộc đời mình, vì vậy các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối dù đau đớn đến đâu, vô phương cứu chữa đến đâu, cũng phải tìm mọi cách để duy trì sự sống để chờ phương thuốc mới hoặc chờ thời điểm sự sống tự thoát ra khỏi cơ thể họ. "Pro-choice" lại gắn liền với chủ nghĩa tự do (Liberalism) vốn rất phổ biến từ lâu ở Tây Âu nhưng lại khá mới mẻ ở "mảnh đất tự do" Mỹ (vốn không "tự do" như người ta tưởng - trừ tự do kinh tế) lại cho rằng quyền quyết định sống hay chết là tùy thuộc vào mỗi cá nhân, vì đó mới là chủ sở hữu thực sự của sự sống, nếu họ cảm thấy không thể chịu nổi những đau đớn hoặc đã quá tuyệt vọng vì căn bệnh vô phương cứu chữa thì họ hoàn toàn có quyền tự kết thúc sự sống (đúng hơn là sự sống trong đau đớn) của chính họ. Tất nhiên, cuộc tranh luận thực sự về vấn đề này phức tạp hơn rất nhiều vì nó còn liên quan tới vô vàn mâu thuẫn trong luật pháp và đạo đức y học. My Sister's Keeper cũng không có tham vọng lái độc giả theo phe "pro-life" hoặc "pro-choice", Nick Cassavetes chỉ bằng những hình ảnh chân thực, cảm động của ông khiến cho khán giả phải tự mình đặt ra câu hỏi: "Ta phải làm gì trong hoàn cảnh đó?". Theo tôi đó là cách xử lý tác phẩm khá tinh tế và khiến cho My Sister's Keeper thực sự trở thành một bộ phim đáng xem và đáng suy ngẫm thay vì dừng lại ở một tác phẩm lãng mạn "kiểu Hàn Quốc" thông thường.

Cameron Diaz với "kiểu tóc" lạ lẫm

Tương tự như cái poster ở trên, My Sister's Keeper có phần hình ảnh đẹp và thơ mộng, cái cách mà Nick Cassavetes miêu tả mối tình ngắn ngủi giữa Kate và Taylor - hai bệnh nhân ung thư, hai cái đầu trọc, hai cặp môi nứt nẻ vì hóa trị liệu, chắc chắn sẽ khiến khán giả quên đi những "mối tinh ung thư" đẹp nhưng phi hiện thực trong phim Hàn Quốc. Dàn diễn viên trong phim tuy không phải là những tên tuổi lớn (của phim tâm lý) nhưng họ đều diễn rất nhập vai, người xem chắc chắn sẽ phải bất ngờ trước một Cameron Diaz, vốn chỉ nổi bật trong dòng phim hành động và hài hước, lại diễn xuất đạt đến vậy vai bà mẹ kiên cường Sara, Jason Patric-nỗi thật vọng của Speed 2 cũng nhập vai không kém với hình ảnh ông bố Brian ít nói và chỉ thể hiện tình yêu với con gái qua ánh mắt biết nói, tất nhiên không thể bỏ qua Sofia Vassilieva, một phát hiện mới trong vai diễn khó, nhưng cực kì ấn tượng-vai cô bé Kate. Đáng ngạc nhiên là một lần nữa diễn viên khiến tôi thất vọng lại là Abigail Breslin, "Little Miss Sunshine" lại một lần nữa chọn được một kịch bản rất tốt nhưng diễn xuất thì không thuyết phục chút nào (như Definitely, Maybe). Tất nhiên đó chỉ là hạt sạn rất nhỏ trong món ăn ngon, và có thể khẳng định My Sister's Keeper là một món ăn tinh thần đặc sắc.


Đây là phim tài liệu được đánh giá cao nhất của năm 2008 và đoạt hầu hết các giải thưởng về phim tài liệu trong năm. Phim kể về Philippe Petit, một nghệ sĩ đi trên dây (funambule) người Pháp với kế hoạch không tưởng là thực hiện cuộc biểu diễn đi trên dây từ nóc của 2 tòa nhà World Trade Center ở New York (cao 417 mét). Vốn có "máu liều" và chất nghệ sĩ như truyền thống của người Pháp (đồng hương của Petit là Alain Robert, biệt danh "người nhện" vì chuyên nhà chọc trời bằng tay không, cũng là tiêu biểu cho tính cách "càn rỡ" này của người Pháp), Philippe Petit ngay từ khi còn rất trẻ đã yêu thích biểu diễn đi trên dây từ đỉnh của những công trình nổi tiếng như Nhà thờ Đức Bà Paris hay Cầu cảng Sydney. Ngay khi World Trade Center mới bắt đầu được xây dựng, Petit đã nảy sinh quyết tâm thực hiện cuộc biểu diễn có một không hai trên nóc nhà mới của thế giới. Và Man on Wire kể lại cho cho khán giả về việc làm thế nào Petit có thể thực hiện được "âm mưu" không khác gì một vụ ... ăn trộm này.

Man on Wire nhìn chung không làm tôi ấn tượng. Trừ một số đoạn phỏng vấn mà Petit bộc lộ ước mơ từ bé của mình hoặc trường đoạn trên đỉnh của World Trade Center thì phim không để lại cảm xúc gì đáng kể, ngay cả những người được phỏng vấn cũng có vẻ không còn quá hào hứng và xúc động vì sự kiện đặc biệt này, có lẽ vì thời gian đã trôi qua quá lâu (34 năm). Thật ngạc nhiên là phim được đánh giá cao đến thế, không biết có phải vì nó gắn với hai cái biểu tượng đau thương của người Mỹ hay không (chắc là vậy, dù phim không hề nhắc gì tới sự kiện 11 tháng 9). Tôi cũng không đánh giá cao cách dựng lại quá khứ "như một vụ trộm" của Man on Wire, vì nó cũng chỉ na ná các bộ phim tài liệu của Discovery Channel chứ không có gì đột phá. Theo tôi thì một phim tài liệu làm về Alain Robert có lẽ sẽ gây cảm xúc mạnh hơn nhiều vì anh chàng "Người nhện Pháp" này vẫn đang ngày ngày leo lên đỉnh của những tòa nhà cao nhất thế giới.

He isn't Spider-Man, he's Alain Robert

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire