some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mardi 4 mai 2021

93rd Academy Awards (2021)


Ngày 9 tháng 2 năm 2020, lễ trao Giải Oscar lần thứ 92 được tổ chức tại Los Angeles với nhiều bất ngờ như việc bộ phim Ký sinh trùng của đạo diễn người Hàn Quốc Bong Joon-ho trở thành bộ phim châu Á đầu tiên giành giải thưởng cao nhất hay việc The Irishman của huyền thoại Martin Scorsese dù được đề cử ở 10 hạng mục nhưng lại phải ra về tay trắng. Nhưng Hollywood nói riêng, và cả nền điện ảnh thế giới nói chung có lẽ không thể nghĩ được rằng bất ngờ lớn nhất sẽ đến với họ không phải trong ngày hội lớn của điện ảnh này, mà là những gì ập đến với họ trong những tháng ngày sau đó - COVID-19. 142 triệu người mắc bệnh, trên 3 triệu người thiệt mạng, COVID-19 khiến cuộc sống của người dân khắp thế giới phải ngừng trệ, biến những hoạt động giải trí tưởng chừng đơn giản nhất như đi du lịch, tham gia các lễ hội đông người trở thành điều xa xỉ ở rất nhiều quốc gia. Nằm ở đáy sâu nhất của vòng xoáy ấy chính là điện ảnh. Khi mà gần như toàn bộ hệ thống rạp phim trên toàn cầu phải đóng cửa để ngăn ngừa COVID-19 lây lan, khi mà các phim trường, các đoàn làm phim phải ngừng hoạt động vì lệnh phong toả, giãn cánh triền miên, thì điện ảnh truyền thống gần như rơi vào trạng thái tê liệt. Và như thế, suốt hơn một năm kể từ ngày đại dịch COVID bùng nổ, niềm vui của người yêu phim, của người làm nghề điện ảnh phải bó hẹp vào màn ảnh nhỏ thông qua các thương hiệu cung cấp phim trực tuyến như Netflix, như HBOMax, như DisneyNow.

COVID-19 biến cả năm 2020 và nửa đầu năm 2021 trở thành năm đại thảm hoạ ("Annus horribilis") của điện ảnh, và cũng khiến lễ trao Giải Oscar lần thứ 93 không thể diễn ra theo đúng dự định vào cuối tháng 2 năm 2021. Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) đã quyết định lùi lễ trao giải lại đúng 2 tháng, và lần đầu tiên kể từ năm 1934 đến nay cho phép các bộ phim công chiếu trong 2 năm - 2020 và 2021 được phép tham gia tranh giải. Trong bối cảnh chật vật và nhiều biến cố này, buổi tối ngày 25 tháng 4 sắp tới (giờ Hoa Kỳ) có sẽ là một trong những lễ trao giải đáng nhớ nhất trong lịch sử gần 100 tuổi của giải thưởng danh giá này và là niềm hy vọng của cả Hollywood về một sự khởi đầu mới, một vận hội mới.

Tâm điểm của Giải Oscar lần thứ 93 - hạng mục Phim hay nhất hiện là cuộc cạnh tranh giữa 8 ứng cử viên là The Father, Judas and the Black Messiah, Mank, Minari, Nomadland, Promising Young Woman, Sound of Metal, và The Trial of the Chicago 7. Đây cũng chính là 8 tác phẩm có nhiều đề cử nhất tại Giải Oscar năm nay trong đó nhiều nhất là Mank của David Fincher với 10 đề cử, ít nhất là Promising Young Woman với 5 đề cử và 6 ứng viên còn lại đều có 6 đề cử ở nhiều hạng mục quan trọng. Không chỉ giống nhau về số lượng đề cử, các ứng viên của hạng mục Phim hay nhất năm nay còn đều là các tác phẩm thuộc dòng chính kịch, kinh phí thấp, lấy bối cảnh đương đại và phản ánh những suy tư, xung đột của xã hội hiện đại - trào lưu chủ đạo của điện ảnh Hollywood trong vài năm trở lại đây. Sự tương đồng về chủ đề và chất lượng ngang sức ngang tài của các bộ phim này đã khiến hạng mục Phim hay nhất năm nay trở nên có phần khó đoán. Tuy vậy, nếu để chọn lựa thì tác phẩm mô tả cuộc sống và suy nghĩ của những người vô gia cư Mỹ Nomadland có lẽ đang có ưu thế hơn cả sau khi đã chiến thắng ở hạng mục này ở cả Giải BAFTA của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh Quốc, Giải Quả cầu vàng, và Giải của Hiệp hội nhà sản xuất điện ảnh và truyền hình Hoa Kỳ (PGA). Theo thống kê của Metacritic thì Nomadland hiện đã thu thập tới 124 điểm nhờ 34 chiến thắng, 3 lần về nhì, và 16 lần được đề cử ở hạng mục phim hay nhất trong mùa trao giải điện ảnh năm nay. Đây là số điểm bỏ xa các đối thủ tiếp theo là Minari và Promising Young Woman (cùng 55 điểm) và cho thấy ưu thế khá rõ của bộ phim thứ 3 trong sự nghiệp của Chloé Zhao. Hơn thế nữa, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng chính việc Nomadland được đạo diễn bởi một nữ đạo diễn gốc Hoa với tuổi đời còn khá trẻ (39 tuổi) cũng là một lợi thế khác của bộ phim này trong quá trình đong đếm của các thành viên AMPAS, bởi Hollywood của hiện tại với xu hướng nhập thế, góp tiếng nói vào các vấn đề xã hội - chính trị nóng bỏng của nước Mỹ hiện đại chắc chắn sẽ không thể bỏ qua việc nước Mỹ hiện đang nhức nhối với nạn phân biệt, kỳ thị người gốc châu Á và những dư âm của phong trào MeToo đòi bình quyền trên mọi phương diện cho nữ giới. 

Đối thủ nặng ký nhất của Nomadland tại hạng mục Phim hay nhất hiện đang là Minari - bộ phim với tựa đề là tên tiếng Hàn của cây cần nước, và khắc hoạ sự chặng đường hoà nhập đầy gian nan của những người nhập cư gốc Hàn Quốc tại Hoa Kỳ. Tuy xếp sau Nomadland tại phần lớn các giải thưởng lớn gần đây, và cũng chỉ mới giành một giải đáng kể là Phim nước ngoài hay nhất tại lễ trao Giải Quả cầu vàng lần thứ 78, nhưng Minari lại chính là bộ phim mang tính thời sự bậc nhất tại thời điểm này ở một Hollywood đang hướng sự chú ý tới thân phận của những người nhập cư gốc châu Á. Cộng thêm ảnh hưởng ngày càng lớn từ làn sóng văn hoá Hàn Quốc ở Hoa Kỳ mà đỉnh cao chính là chiến thắng của Ký sinh trùng tại Giải Oscar năm 2020, Minari hoàn toàn vẫn có thể tạo nên những bất ngờ vào phút cuối cùng vào ngày 25 tháng 4 sắp tới. Tuy bằng điểm với Minari trên bảng xếp hạng của Metacritic (55 điểm) cho các ứng viên hạng mục phim hay nhất nhưng có lẽ bộ phim về nạn lạm dụng tình dục phụ nữ Promising Young Woman dù có phong vị mới mẻ cũng khó lòng có khả năng cạnh tranh, và đương nhiên là xác suất giành tượng vàng Oscar của các tác phẩm có điểm thấp hơn như "he Trial of the Chicago (31), Sound of Metal (28) hay Mank (17) là còn nhỏ nhoi hơn nữa.

Tương tự như cuộc đua đến tượng vàng Oscar trong nhiều năm gần đây, Giải Oscar lần thứ 93 còn chứng kiến sự cạnh tranh giữa Nomadland và Minari ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất. Cùng là hai đạo diễn Mỹ với tuổi đời còn tương đối trẻ có gốc gác châu Á, nhưng một lần nữa nữ đạo diễn gốc Hoa của Nomadland là Chloé Zhao lại đang giành phần ưu thế trước Lee Isaac Chung - người đã viết nên kịch bản của Minari dựa trên chính những kỉ niệm thơ ấu trong một gia đình gốc Hàn định cư giữa mảnh đất Arkansas xa xôi của nam đạo diễn 42 tuổi này. Sự vượt trội của Chloé Zhao được thể hiện qua việc cô đã giành tới 47 giải đạo diễn xuất sắc nhất trong mùa giải thưởng điện ảnh năm nay, trong đó bao gồm tất cả các giải quan trọng nhất tại Giải Quả cầu vàng, Giải BAFTA, và giải của Hiệp hội đạo diễn điện ảnh và truyền hình Hoa Kỳ (DGA). Trong khi đó, các đối thủ của cô như Lee Isaac Chung hay nữ đạo diễn trẻ người Anh Emerald Fennell của tác phẩm đầu tay Promising Young Woman chỉ mới được xướng danh đúng một lần trong mùa trao giải năm nay. Hai ứng viên gạo cội hơn ở hạng mục này là Thomas Vinterberg (Another Round) và đặc biệt là tên tuổi David Fincher (Mank) thậm chí còn chưa giành được bất cứ chiến thắng nào. Một điểm đáng chú ý nữa của hạng mục này là việc nếu được xướng danh vào đêm trao giải ngày 25 tháng 4 sắp tới, Chloé Zhao sẽ trở thành nữ đạo diễn thứ hai chiến thắng ở hạng mục này sau Kathryn Bigelow - người giành Oscar năm 2009 cho The Hurt Locker.

Khó đoán hơn rất nhiều so với hai hạng mục nói trên, Giải Oscar cho nam chính xuất sắc nhất hiện vẫn có hai ứng viên ngang sức ngang tài là nghệ sĩ người Anh gốc Pakistan Riz Ahmed (Sound of Metal) và ngôi sao Báo Đen quá cố Chadwick Boseman (Ma Rainey's Black Bottom). Bằng diễn xuất ấn tượng trong vai một tay trống cả đời sống bằng âm nhạc nhưng bỗng nhiên mất hoàn toàn thính giác, Riz Ahmed đã giành tới 19 chiến thắng ở hạng mục nam chính xuất sắc nhất trong mùa giải thưởng năm nay với tổng số điểm theo thống kê điểm của Metacritic là 91 và chỉ thua duy nhất một vai diễn cũng về đề tài âm nhạc khác của Chadwick Boseman, người có 98 điểm nhờ 22 lần được xướng tên ở bục cao nhất tại các giải thưởng của mùa giải năm nay, trong đó có hai giải có giá trị dự báo quan trọng là Giải Quả cầu vàng lần thứ 78 và giải của Hiệp hội diễn viên Hoa Kỳ (SGA). Tuy Ma Rainey's Black Bottom không được đánh giá cao bằng Sound of Metal về nhiều phương diện, nhưng với việc giành được nhiều giải thưởng mang tính dự báo, và cái chết đột ngột ở tuổi 43 khiến cả Hollywood phải bàng hoàng, Chadwick Boseman nhiều khả năng sẽ vượt qua Riz Ahmed để trở thành nam diễn viên thứ hai giành tượng vàng Oscar cho nam chính xuất sắc nhất sau khi đã qua đời kể từ Peter Finch với vai diễn trong Network (1976). Nếu so với Chadwick Boseman và Riz Ahmed, thì cơ hội có lẽ không còn quá nhiều cho các ứng viên khác của hạng mục này là Anthony Hopkins (The Father), Steven Yeun (Minari) hay Gary Oldman (Mank) với tổng điểm giải thưởng giành được theo Metacritic lần lượt là 39, 27, và 12. Tuy vậy, hy vọng cũng không hẳn đã tắt cho ba nam diễn viên đã có diễn xuất hết sức đáng nhớ trong năm nay, bởi Anthony Hopkins đã bất ngờ chiến thắng ở giải BAFTA và ở tuổi 83 đang có cơ hội trở thành nam diễn viên già nhất từng được trao tượng vàng Oscar cho vai nam chính xuất sắc nhất, còn Steven Yeun nếu chiến thắng sẽ làm nên lịch sử khi là cái tên gốc Đông Á đầu tiên được xướng danh ở hạng mục này, và Oldman vốn luôn là nam diễn viên được Hollywood yêu thích với chiến thắng ở hạng mục này mới 4 năm trước nhờ vai diễn thủ tướng Anh Winston Churchill trong Darkest Hour (2017).

Cũng đang khiến giới dự đoán phải vò đầu bứt óc ở Giải Oscar năm nay là hạng mục nữ chính xuất sắc nhất khi mà Carey Mulligan (Promising Young Woman) và Frances McDormand (Nomadland) đều đã có 23 chiến thắng và 4 lần về nhì ở mùa giải năm nay với tổng điểm giải thưởng theo Metacritic lần lượt là 94 và 93 - do Mulligan nhỉnh hơn McDormand đúng một đề cử ở các giải thưởng cho vai nữ xuất sắc nhất. Quả thực, dù thể hiện hai vai diễn hết sức đối lập - với Carey Mulligan là cô gái mạnh mẽ Cassie với quyết tâm trả thù cho người bạn bị xâm hại tình dục, còn Frances McDormand là người phụ nữ trung niên Fern với tâm thế buông bỏ của một người vô gia cư rong ruổi trên khắp nẻo đường nước Mỹ, nhưng cả hai đều hết sức xuất sắc với nỗ lực nói lên những nỗi niềm chẳng mấy ai biết tới của người phụ nữ trong xã hội Mỹ hiện đại. Nếu phải lựa chọn, có lẽ chính McDormand mới là cái tên có phần nhỉnh hơn nhờ sự vượt trội của chính Nomadland trong mùa giải thưởng năm nay, và nhờ vào việc bà đã chiến thắng nữ diễn viên người Anh Carey Mulligan ngay trên chính "sân nhà" của cô tại Giải BAFTA. Nếu giành tượng vàng Oscar ở hạng mục này trong ngày 25 tháng 4 tới, McDormand sẽ có tới ba chiến thắng ở hạng mục danh giá nhà và sẽ chỉ còn xếp sau huyền thoại Katharine Hepburn về số lần giành giải. Tuy nhiên, người xem cũng không nên quên rằng hai ứng viên khác của hạng mục này là Viola Davis (Ma Rainey's Black Bottom) và Andra Day (The United States vs. Billie Holiday) cũng hoàn toàn có thể gây bất ngờ nhờ thủ vai hai huyền thoại của nền âm nhạc Mỹ là Ma Rainey và Billie Holiday, bởi Davis mới đây đã chiến thắng ở giải thưởng quan trọng mang tính dự báo SAG, còn Andra Day mới chính là người giành Giải Quả cầu vàng cho vai nữ chính xuất sắc nhất. Cái tên còn lại và cũng là trẻ nhất của hạng mục này - Vanessa Kirby (Pieces of a Woman) có lẽ cũng sẽ không quá buồn nếu không được giải, bởi cô mới ở những bước đầu chinh phục Hollywood và hoàn toàn có cơ hội vươn xa hơn, nếu không về mặt nghệ thuật thì cũng là mặt thương mại nhờ loạt phim Mission: Impossible.

Ở hạng mục Oscar cho nam phụ xuất sắc nhất, dù Paul Raci (Sound of Metal), Daniel Kaluuya (Judas and the Black Messiah), Leslie Odom Jr. (One Night in Miami), và Sacha Baron Cohen (The Trial of the Chicago 7) hiện vẫn đang bám sát nhau trên bảng thống kê điểm giải thưởng của Metacritic, thì ngôi sao của Get Out (2017) Daniel Kaluuya lại đang sở hữu ưu thế vượt trội nhờ chiến thắng ở các giải thưởng quan trọng nhất của hạng mục này ở Giải Quả cầu vàng, Giải BAFTA, và Giải SAG và sẽ nhiều khả năng tiếp nối làn sóng giành giải của các nam diễn viên người Mỹ gốc Phi ở Giải Oscar vài năm trở lại đây. Trào lưu này được thể hiện rất rõ ở chính hạng mục nam phụ của Oscar năm nay khi có tới 3/5 ứng viên là diễn viên người Mỹ gốc Phi - Daniel Kaluuya, Leslie Odom Jr., và Lakeith Stanfield (Judas and the Black Messiah). 

Tương tự như Kaluuya ở hạng mục nam phụ, nữ diễn viên 73 tuổi người Hàn Quốc Youn Yuh-jung với vai người bà ngoại lập dị trong Minari đang là ứng viên sáng giá nhất cho tượng vàng Oscar ở hạng mục nữ phụ, bởi bà đã giành tới 32 chiến thắng khác nhau của mùa giải thưởng năm nay, trong đó có hai giải rất quan trọng là BAFTA và SAG. Với tổng điểm giải thưởng theo thống kê của Metacritic lên đến 115, nữ diễn viên gạo cội với tuổi đời còn lớn hơn tuổi đời chính thức của đất nước Hàn Quốc của bà hiện đang vượt xa các đối thủ còn lại ở hạng mục này là Maria Bakalova (Borat Subsequent Movie, 76 điểm), Amanda Seyfriend (Mank, 44 điểm), Olivia Colman (The Father, 27), và Glenn Close (Hillbilly Elegy, 10). Nếu được xướng danh, Youn sẽ trở thành nữ diễn viên gốc châu Á thứ hai chiến thắng ở hạng mục này kể từ Miyoshi Umeki - nữ diễn viên người Mỹ gốc Nhật từng chiến thắng với Sayonara (1957).

Trong một năm Oscar chứng kiến sự lên ngôi của rất nhiều nghệ sĩ gốc thiểu số và nghệ sĩ nữ, hai hạng mục Kịch bản xuất sắc nhất cũng đang cho thấy ưu thế của hai nhà đạo diễn kiêm biên kịch nữ là Emerald Fennell (Promising Young Woman - hạng mục Kịch bản gốc) và Chloé Zhao (Nomadland - hạng mục Kịch bản chuyển thể). Lần lượt giành tới 22 và 18 chiến thắng ở hạng mục kịch bản trong mùa giải thưởng năm nay với hai kịch bản rất đẹp về hình tượng những người phụ nữ dù rất khác nhau nhưng đều đẹp và đáng nhớ, Fennell và Zhao đang bỏ xa các đối thủ khác ở hạng mục này trong đó có cả những nhà biên kịch hàng đầu từng giành giải Oscar như Aaron Sorkin (The Trial of the Chicago 7 - Kịch bản gốc) hay Christopher Hampton (The Father - Kịch bản chuyển thể). Không phải Sorkin hay Hampton, đối thủ lớn nhất của Fennell ở hạng mục Kịch bản gốc có lẽ lại là Lee Isaac Chung với Minari, còn chính ngôi sao phim hài Sacha Baron Cohen và các cộng sự - tác giả kịch bản Borat Subsequent Movie mới là thử thách lớn nhất của Chloé Zhao trong việc giành tượng vàng Oscar ở hạng mục Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất.

Nếu như năm 2020 Bong Joon-ho đã làm nên lịch sử ở giải Oscar với việc được đề cử và chiến thắng ở cả hạng mục Phim hay nhất (trong vai trò nhà sản xuất), Đạo diễn xuất sắc nhất, và Kịch bản gốc xuất sắc nhất, thì chỉ sau đó một năm Chloé Zhao đang có cơ hội vượt qua cả thành tích đó bởi nữ đạo diễn 39 tuổi quê gốc Bắc Kinh này không chỉ là nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch của Nomadland mà cô còn kiêm luôn vai trò dựng phim - một hạng mục Nomadland cũng được đề cử, và có nhiều cơ hội giành giải Oscar lần thứ 93. Từng được coi là một trong những chỉ dấu quan trọng nhất cho việc ứng viên nào sẽ giành tượng vàng cuối cùng cho phim hay nhất bởi cái tên nào được xướng danh ở hạng mục Biên tập phim xuất sắc nhất thường sau đó cũng sẽ chiến thắng luôn ở hạng mục Phim hay nhất, kể từ năm 2010 tới nay, hạng mục Biên tập đã không còn mang quá nhiều ý nghĩa và thường được trao cho các tác phẩm vượt trội về mặt kỹ thuật và dàn dựng nhưng lại thiếu điểm để đi đến cái đích cuối cùng như Gravity (2013), Mad Max: Fury Road (2015), hay Dunkirk (2017). Khi đối chiếu với tiêu chí này, rõ ràng Chloé Zhao không hẳn đã có nhiều cơ hội bởi Nomadland có cách kể truyện và dàn dựng tương đối dung dị nếu so với các ứng viên khác của hạng mục này như Promising Young Woman (dựng phim Frédéric Thoraval), The Trial of the Chicago 7 (Alan Baumgarten), Sound of Metal (Mikkel E.G. Nielsen), và The Father (Yorgos Lamprinos).

Ở hạng mục Quay phim xuất sắc nhất của Giải Oscar lần thứ 93, thành công vang dội của Nomadland ở mùa giải thưởng năm nay đã đem cơ hội vươn tới tượng vàng cho Joshua James Richards - nhà quay phim còn ít người biết đến tới mức chưa có bài viết trên Wikipedia tiếng Anh, bởi người cộng sự nhiều năm của Chloé Zhao đã 31 lần được bước lên bục chiến thắng ở hạng mục quay phim trong mùa trao giải năm nay, bỏ xa các ứng viên tên tuổi khác (và đều có bài trên Wikipedia tiếng Anh) như Erik Messerschmidt (Mank, 4 lần), Dariusz Wolski (News of the World), Sean Bobbitt (Judas and the Black Messiah), và Phedon Papamichael (The Trial of the Chicago 7) - đều chưa chiến thắng lần nào. 

Trong một năm của nhiều bất chắc, hãng Pixar - chủ nhân của ứng viên nặng ký nhất cho hạng mục Phim hoạt hình dài hay nhất (Soul - đạo diễn Pete Docter và Dana Murray) cũng chưa hẳn đã cầm chắc trong tay tượng vàng như một thông lệ nhiều năm ở Giải Oscar bởi năm nay Wolfwalkers cũng đã gây tiếng vang lớn về chất lượng nghệ thuật và được nhiều người coi là cơ hội để Viện Hàn lâm "sửa sai" sau khi đã bỏ qua Tomm Moore - đạo diễn của Wolfwalkers trong hai lần trước đây anh được đề cử với The Secret of Kells (2009) và Song of the Sea (2014). Có một điều thú vị là không phải ai khác ngoài Pete Docter đã lấy đi cơ hội giành tượng vàng của Moore năm 2009 với tuyệt phẩm Up

Ở hai hạng mục phim dài cuối cùng là Phim tài liệu dài xuất sắc nhất và Phim quốc tế hay nhất, Giải Oscar lần thứ 93 cũng đã có những ứng cử viên sáng giá, đó là Time (đạo diễn Garrett Bradley - hạng mục Phim tài liệu) và bộ phim Đan Mạch Another Round (đạo diễn Thomas Vinterberg - hạng mục Phim quốc tế). Nói về những bất công trong nền tư pháp Hoa Kỳ mà người Mỹ gốc Phi phải đối mặt suốt cả trăm năm qua, Time hiện đã có tới 69 điểm giải thưởng theo thống kê của Metacritic, vượt xa các đối thủ như Collective (45 điểm), Crip Camp (21 điểm) hay The Mole Agent (không có điểm). Đối thủ lớn nhất của Time ở hạng mục này là bộ phim lấy bối cảnh biển cả My Octopus Teacher của Pippa Ehrlich và James Reed - bộ phim đã chiến thắng bất ngờ ở Giải BAFTA. Tuy nhiên trong bối cảnh nước Mỹ đang vừa trải qua vụ xét xử mang tính thế kỉ liên quan tới cái chết của người Mỹ gốc Phi dưới tay một cảnh sát, thì Time có lẽ sẽ vẫn là cái tên được Hollywood ưu ái trong đêm trao giải ngày 25 tháng 4 tới đây. Về phần mình, do Minari đã được "đôn" thẳng lên hạng mục Phim hay nhất, bộ phim xuất sắc Another Round của ngôi sao Mads Mikkelsen và đạo diễn Thomas Vinterberg đã nghiễm nhiên trở thành ứng viên nặng kí nhất khi mà Vinterberg còn được đề cử ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất và từ lâu đã được coi là một trong những đạo diễn có tiếng nhất của Đan Mạch trong vai trò đồng sáng lập của phong trào làm phim tối giản Dogme 95 cùng với Lars von Trier. Từng vuột mất tượng vàng trong lần đề cử năm 2012 của tác phẩm xuất sắc The Hunt và không có nhiều hy vọng vượt qua Chloé Zhao ở hạng mục đạo diễn năm nay, có lẽ Thomas Vinterberg đang rất mong sẽ "phá dớp" Oscar ở hạng mục Phim quốc tế hay nhất, bởi các đối thủ khác như Collective của đạo diễn Rumani Alexander Nanau, The Man Who Sold His Skin của đạo diễn người Tunisia Kaouther Ben Hania, và Quo Vadis, Aida? của đạo diễn đến từ Bosnia và Herzegovina Jasmila Žbanić đều không gây nhiều tiếng vang trong mùa trao giải năm nay, trong khi Em của thời niên thiếu của đạo diễn Hồng Kông Tăng Quốc Tường với chất lượng vừa phải có lẽ đã đủ hài lòng với một đề cử bất ngờ ở hạng mục này. 

Hơn một năm qua điện ảnh thế giới nói chung và Hollywood nói riêng đang trải qua những thời khắc biến động và có lẽ là khó khăn bậc nhất kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Bởi vậy mà rất nhiều người làm nghề, cũng như các khán giả yêu điện ảnh đang hướng về lễ trao Giải Oscar lần thứ 93 vào đêm ngày 25 tháng 4 sắp tới với nhiều dự đoán và hy vọng. Dự đoán và hy vọng về việc Viện Hàn lâm sẽ trao tượng vàng cho các tác phẩm thực sự hay, thực sự phản ánh những mong mỏi, khắc khoải của xã hội hiện đại là một phần. Nhưng có lẽ một phần lớn hơn, đó là hy vọng vào việc lễ trao Giải Oscar năm nay sẽ là cột mốc đánh dấu sự kết thúc cho một Năm thảm hoạ của điện ảnh thế giới, và mở ra một giai đoạn mới với những bộ phim hay, những cơ hội quay trở lại rạp phim cho khán giả, thực hiện những bộ phim mới cho giới làm điện ảnh. Rất mong rằng dù Nomadland, Minari, hay bất cứ bộ phim nào khác sẽ được vinh danh ở thời khắc quan trọng nhất của lễ trao giải đêm ngày 25 tháng 4 sắp tới, thì điện ảnh cũng sẽ sớm quay trở lại trong thời gian gần nhất như chính ước vọng của những khán giả và người làm phim dõi theo Giải Oscar năm nay, bởi chính trong những lúc khó khăn thế này, chúng ta mới lại càng cần những bộ phim hay, những cảm hứng đến từ các rạp phim, những hy vọng và niềm tin đến từ các câu thoại phim, như cái cách Scarlett O’Hara đã nói với khán giả trong đoạn kết của "Cuốn theo chiều gió" năm nào: " Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới". 

=====

Bản đã biên tập trên Zing.

My Octopus Teacher (2020)


Bạch tuộc là gì? Để trả lời câu hỏi này, có lẽ phần lớn công chúng sẽ nghĩ tới một loại hải sản ngon, rẻ, phổ biến, hoặc cùng lắm là nhớ tới tên chú bạch tuộc Paul từng làm thu hút sự chú ý của cả thế giới nhờ những "tiên đoán" chính xác về các trận cầu của World Cup 2010. Với những độc giả "nghiện" Wikipedia hoặc những học sinh giỏi môn Sinh học thì có thể câu trả lời sẽ có thêm phần về trí thông minh vượt trội của loại động vật thân mềm này nếu so sánh với các cư dân khác của vương quốc đại dương. Đây là những câu trả lời dễ hiểu, bởi chúng ta đương nhiên chỉ coi những con bạch tuộc "thông thường" (common octopus hay "octopus vulgaris") là một con vật, không hơn, không kém.

Nhưng với nhà làm phim người Nam Phi Craig Foster thì một cô bạch tuộc "thông thường" như vậy không phải là một con vật, lại càng không phải một món ăn ngon. Cô bạch tuộc đó là "cô giáo" của người đàn ông trung niên về thiên nhiên, về cuộc sống, và cũng là nhân vật chính của bộ phim tài liệu xuất sắc My Octopus Teacher (Cô giáo bạch tuộc của tôi).

Được hai nhà làm phim Pippa Ehrlich và James Reed thực hiện cho hãng Netflix dựa trên những thước phim tư liệu về cuộc gặp gỡ kỳ lạ và đầy lý thú của Craig Foster với cô bạch tuộc của ông ở nơi tận cùng của lục địa đen giáp với Đại Tây Dương - Mũi Bão Tố ("Cape of Storms"), My Octopus Teacher đem tới cho người xem một tình bạn tưởng chừng không thể giữa một người đàn ông đã từng trải qua mọi cung bậc cảm xúc của cuộc đời với một cô bạch tuộc tưởng chừng vô tri vô giác. Craig Foster không phải là mẫu người mơ mộng với khả năng tìm thấy tâm hồn ở mọi tạo vật trên thế giới. Trái lại ông là một nhà làm phim mệt mỏi với những biến cố của cuộc đời, với cảm giác bất lực trong việc giao tiếp với cả những người thân yêu nhất như cậu con trai Tom, và vì thế quyết định từ bỏ máy quay để một mình quay về với biển cả quê hương ở Mũi Bão Tố, nơi ông có thể ngụp lặn thoả thích trong cô đơn giữa khu rừng tảo bẹ đẹp đẽ và đầy bí ẩn mà không phải tiếp xúc với con người, không phải suy nghĩ về cuộc đời nhiều bão tố. Chính ở tại khu rừng dưới nước này ông đã gặp cô bạch tuộc tuy không tên tuổi, chẳng tiếng nói, nhưng bộc lộ trí thông minh đáng kinh ngạc "ở một con vật" trong việc săn mồi hay nguỵ trang tránh lũ cá mập pijama luôn rình mò trong bóng tối đại dương. Từ chỗ tò mò, Foster bắt đầu thực sự chú tâm tìm hiểu, để rồi nhận ra rằng "con vật" ấy có nhiều điểm gần gũi hết mực với một người đàn ông cô đơn giữa làn nước lạnh giá phương Nam như ông, để rồi cố sức gây dựng một "tình bạn", một sợi dây cảm xúc tưởng chừng bất khả với cô bạch tuộc không tên và không tiếng nói ấy. Xuyên suốt My Octopus Teacher, người xem sẽ được chứng kiến nhiều thời khắc khác nhau của tình bạn ấy - từ hồi hộp, buồn bã, cho tới hạnh phúc, lo âu, được cảm nhận sự trưởng thành, cứng cáp của cái sợi dây cảm xúc giữa Craig Foster và cô bạch tuộc, và được nhận ra rằng tình bạn giữa con người và "một con vật" tưởng chừng nhỏ bé, tăm tối như bạch tuộc không hề là bất khả. 

Nếu phải gói gọn My Octopus Teacher trong một từ thì có lẽ đó là sự chân thành. Ở từng thước phim đặc tả thiên nhiên tuyệt vời của đất nước Nam Phi nói chung và khu rừng tảo bẹ nói riêng, hay trong từng lời tâm sự của Craig Foster dành cho cô bạch tuộc hay cho thế giới đại dương bao la, người xem đều có thể cảm nhận được tình cảm hết sức chân thành mà các nhà làm phim và các nhân vật trong phim như Foster, như cậu con trai Tom của ông dành cho cô bạch tuộc và cho cả thế giới tự nhiên. Tất nhiên sự trung thực và chân thành luôn là phẩm chất cần có của một bộ phim tài liệu hay, nhưng sự chăm chút, tỉ mỉ, kỹ lưỡng của Craig Foster và các đồng nghiệp để đặc tả một cách chính xác nhất, rõ ràng nhất, dễ nắm bắt nhất sự đa dạng và chiều sâu đến kinh ngạc của cuộc sống nơi đại dương đã giúp khán giả thực sự hiểu được rằng chúng ta chỉ là một phần của thế giới rộng lớn với sợi dây kết nối thực ra vẫn luôn tồn tại và chờ đợi được khai phá, như cái cách mà Foster đã khai phá, đã nhận ra tình cảm của ông dành cho "cô giáo bạch tuộc" của mình. 

Có lẽ với nhiều người xem, cái tên Cô giáo bạch tuộc của tôi sẽ đem lại nhiều nghi ngại bởi cái định kiến "bạch tuộc chỉ là một con vật" mà chắc chắn nhiều người đã thành hình do thiếu vắng sự tiếp xúc với thiên nhiên theo một cách tự nhiên, không gượng ép. Nhưng Craig Foster, và My Octopus Teacher sẽ nhanh chóng hoá giải nỗi hoài nghi ấy cho khán giả nhờ vào những cảnh quay xuất sắc về một thế giới xa lạ nơi tận cùng thế giới, dưới đáy đại dương, trong bóng tối của những cây tảo bẹ không lồ nhưng lại chan chứa cảm xúc và tình cảm mà ai trong chúng ta cũng đều có thể dễ dàng liên hệ. Nhìn cái cách cô bạch tuộc lấy chiếc xúc tu của mình chạm vào bàn tay chai sạn nhưng run run vì hạnh phúc của Foster, chắc hẳn nhiều ông bố, bà mẹ sẽ nhớ ngay đến những giờ phút được chứng kiến đứa con của mình ra đời, được cầm bàn tay bé nhỏ, mỏng manh của một sinh linh còn chưa biết nói nhưng đã có sẵn trong mình mầm mống của một sợi dây tình cảm mẫu-tử, phụ-tử không thể tách rời. Ánh mắt khắc khoải của Foster khi nói về những giờ phút hiểm nguy - vốn đầy rẫy trong cuộc đời ngắn ngủi của cô bạch tuộc nơi đại dương khốc liệt có lẽ cũng sẽ gợi nhắc nhiều người xem về sự lo âu, bồn chồn họ dành cho những người yêu quý trong những khúc quanh bão tố của cuộc đời. My Octopus Teacher có rất nhiều những giây phút như thế để khán giả có thể cảm nhận được tình bạn thật sự giữa Foster và cô giáo bạch tuộc, và hơn thế là tự gây dựng cho họ tình cảm, sự quan tâm dành cho cô giáo bạch tuộc, dành cho mọi tạo vật trong thiên nhiên mà họ - những khán giả ngồi xem My Octopus Teacher trên màn ảnh nhỏ trong các căn phòng ấm cúng không có nhiều cơ hội được trải nghiệm.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại đang dần chiếm chỗ của thiên nhiên hoang dã, đang tàn phá nguồn sống tự nhiên với tốc độ chóng mặt để rồi phải đối mặt với hậu quả của chính chúng ta gây ra - biến đổi khí hậu, bệnh tật, sự tuyệt chủng của hàng loạt các loài cây cối, động vật, thì nhiều nhà làm phim đã và đang cố gắng kêu gọi lương tri của nhân loại trong việc bảo tồn thiên nhiên, trong việc lưu giữ các nguồn sống quý giá còn lại của Trái Đất. Thông thường, các nhà làm phim sẽ chọn cách nói chuyện trực diện, nêu thẳng hậu quả tàn khốc mà chúng ta sẽ phải hứng chịu như trong An Inconvenient Truth (2006) của David Guggenheim, hoặc đặc tả vẻ đẹp đa dạng đến ngột thở nhưng cũng hết sức mỏng manh, cần sự bảo vệ của Trái Đất như trong Our Planet - bộ phim tài liệu do nhà làm phim huyền thoại David Attenborough dẫn dắt. Cũng là một tác phẩm tuyệt đẹp về thiên nhiên, nhưng My Octopus Teacher chọn một cách khác. Thông qua cuộc tao ngộ tưởng chừng hiếm có giữa Craig Foster và cô giáo bạch tuộc của ông, My Octopus Teacher chỉ đơn giản nói lên rằng chúng ta-con người hiện đại cũng chỉ là những cư dân của một thế giới rộng lớn trên Trái Đất, nơi còn rất nhiều những cư dân khác với những số phận khác, những cách sống khác, những ứng xử khác như cô bạch tuộc, như kẻ thù của cô - những con cá mập pijama, hay thậm chí là như những ngọn tảo bẹ của khu rừng lạ lùng nơi Mũi Bão Tố. Chỉ có những nỗ lực bảo vệ môi trường, chỉ bằng mong muốn thực sự đến với tự nhiên, tìm về với thiên nhiên, chúng ta - con người mới có thể có cơ hội thực sự làm quen, thực sự được trải nghiệm những tình cảm quý giá như cách Foster đã được trải nghiệm trong gần một năm dõi theo cô giáo bạch tuộc của mình. Và biết đâu cứ sống đẹp như thế, cứ trải nghiệm như thế, chúng ta cũng sẽ có cơ hội để thấy cuộc sống bớt cô đơn hơn, để thấy đời đẹp hơn, đáng sống hơn như cách Craig Foster đã vun đắp lại tình cảm với con trai của mình - thông qua cảm hứng có được từ biển cả, từ cô giáo bạch tuộc.

======

Bản đã biên tập trên Zing.

Mank (2020)

 


Cứ mỗi năm đến mùa giải thưởng điện ảnh, giới phê bình và người hâm mộ lại tranh cãi kịch liệt về việc liệu bộ phim nào mới xứng đáng là tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất năm. Nhưng nếu để hỏi rằng liệu tác phẩm nào xứng đáng là một trong những bộ phim xuất sắc nhất trong lịch sử điện ảnh, thì chắc chắn rằng Công dân Kane (Citizen Kane, 1941) sẽ là cái tên thường xuyên được nhắc đến. Không chỉ là bộ phim mang tính cách mạng về kỹ thuật quay phim, dựng phim, đứa con đẻ của huyền thoại Orson Welles còn được đánh giá rất cao về truyện phim, cấu trúc kịch bản, và cách xây dựng nhân vật hoàn toàn khác biệt so với các tác phẩm Hollywood cùng thời. Dù 80 năm đã trôi qua kể từ ngày bộ phim lần đầu được ra mắt khán giả, nhưng giá trị nghệ thuật của Công dân Kane vẫn vững bền theo thời gian với minh chứng không chỉ là thứ hạng rất cao mà tác phẩm này thường xuyên giành được trong các cuộc bầu chọn "Phim hay nhất mọi thời đại", mà còn thông qua việc người yêu điện ảnh vẫn nhớ đến hình ảnh ông trùm báo chí Charles Foster Kane lụi tàn trong dinh thự Xanadu trống vắng, hay những nút thắt mở xoay quanh lời trăn trối cuối cùng của Kane "Rosebud".

Trớ trêu thay, dù có được vị trí đỉnh cao về mặt nghệ thuật trong lịch sử phát triển của Hollywood nhưng Công dân Kane chỉ giành được duy nhất một chiến thắng trong số 9 hạng mục mà tác phẩm này được đề cử tại lễ trao Giải Oscar lần thứ 14 vào tháng 2 năm 1942. Cùng chia sẻ tượng vàng Oscar danh giá này là huyền thoại Orson Welles - người kiêm luôn cả vai trò sản xuất, đạo diễn, và diễn viên chính của phim khi mới 26 tuổi, và nhà biên kịch gạo cội Herman J. "Mank" Mankiewicz. Còn tréo ngoe hơn thế là việc "Mank" Mankiewicz cùng nhiều người ủng hộ ông cho rằng công sức viết nên kịch bản sáng tạo về cấu trúc và dồi dào về cảm xúc của Công dân Kane phần lớn là nhờ vào "Mank" - người sẵn sàng đối đầu với rất nhiều thế lực ở Hollywood để đưa cuộc đời nhà tài phiện hàng đầu của báo chí Bắc Mỹ William Randolph Hearst lên màn ảnh lớn thông qua hình ảnh Charles Foster Kane. Còn Orson Welles lại một mực khẳng định rằng không có bàn tay can thiệp của mình thì những dòng kịch bản trúc trắc và gây tranh cãi do Mank chắp bút đầu tiên đã chẳng bao giờ được biến hoá thành những cảnh quay đầy tính biểu tượng của Công dân Kane, và cũng không thể có "cửa" vượt qua vô số rào cản của Hollywood - vốn khi đó vẫn phần nhiều đứng về phía William Randolph Hearst để đến với công chúng. 

Những suy tư, trăn trở của Herman Mankiewicz trong quá trình thai nghén nên kịch bản huyền thoại của Công dân Kane và những tranh cãi giữa nhà biên kịch tài năng có thừa nhưng tai tiếng cũng không thiếu này với Orson Welles, với William Randolph Hearst chính là chủ đề cho Mank tác phẩm mới nhất của đạo diễn David Fincher. Qua Mank, người xem có thể thấy được những ngày tháng gian khổ cả về mặt thể chất và tinh thần của Herman J. "Mank" Mankiewicz (Gary Oldman) để có thể đem lại cho người yêu điện ảnh một trong những kịch bản sáng tạo và đáng nhớ nhất trong lịch sử Hollywood, với một trong những nhân vật đặc sắc nhất của môn nghệ thuật thứ Bảy - Charles Foster Kane. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc mô tả đơn thuần quá trình lao động nghệ thuật của Mankiewicz, Mank còn đem tới cho khán giả một bức tranh toàn cảnh của Hollywood thời kỳ hoàng kim những năm 1930, 1940 thông qua tương tác giữa nhà biên kịch đại tài nhưng cũng đầy tai tiếng với những tên tuổi khác của điện ảnh Hoa Kỳ như ông chủ hãng phim MGM Louis B. Mayer (Arliss Howard), nhà sản xuất phim huyền thoại Irving Thalberg (Ferdinand Kingsley), hay chính người em trai dường như kém tiếng nhưng không hề kém tài của "Mank" là Joseph L. Mankiewicz (Tom Pelphrey). Và tất nhiên, cha con Fincher cũng không quên đề cập tới một trong những khía cạnh đáng nhớ nhất của kịch bản Công dân Kane - đó là mối liên hệ và sự tương đồng đến lạ kỳ giữa những số phận được miêu tả trong kịch bản với những tên tuổi có thật ngoài đời, đó là ông trùm báo chí William Randolph Hearst (Charles Dance) - người từng nhiều năm đứng ra bảo trợ cho chính Mankiewicz để ông có thể lo chu toàn cho người vợ Sara "Đáng thương" (Tuppence Middleton) và gia đình bất chấp thói nghiện cờ bạc cá độ và vung tay quá trán, và ngôi sao điện ảnh hạng B kiêm người tình của Hearst là Marion Davies (Amanda Seyfried) - người luôn trân trọng tình bạn với Mankiewicz bất chấp cách nói chuyện và ứng xử bất cần đời của người nghệ sĩ kiêu ngạo.

Mank là bộ phim đen trắng đầu tiên trong sự nghiệp của David Fincher. Đây là một trong những lý do khiến kịch bản của bộ phim dù được chính người cha của đạo diễn là nhà biên kịch Jack Fincher hoàn thành trước khi ông qua đời vào năm 2003 đã phải đợi tới gần hai thập niên để được David biến thành một tác phẩm điện ảnh thực sự. Không chỉ khác nhau về màu sắc, phong cách thực hiện của Mank cũng phần nào đó khác biệt với các tác phẩm trước đây của David Fincher vốn luôn được người xem yêu thích bởi nhịp độ dồn dập, kỹ thuật cắt dựng phim luôn đạt đến mức hoàn hảo, và truyện phim mạch lạc, dễ theo dõi nhưng vẫn chứa đựng vô số chi tiết, ẩn ý. Khác với Seven (1995), Fight Club (1999), The Social Network (2010), Gone Girl (2014), Mank được quay và dựng theo một phong cách gần gũi với các tác phẩm Hollywood thời kỳ hoàng kim những năm 1930, 1940 và cũng phần nào đó gần gũi với chính "Công dân Kane" với mạch phim được chia thành những phân đoạn xen kẽ giữa hiện tại của năm 1940 - những ngày tháng Mankiewicz sáng tác kịch bản Công dân Kane và quá khứ - những trải nghiệm của "Mank" với Hollywood nói riêng và xã hội Mỹ nói chung trong thập niên 1930 và là nguồn cảm hứng để ông tạo nên câu truyện đáng nhớ về bi kịch cuộc đời của Charles Foster Kane. Không chỉ gợi nhớ những bộ phim đen trắng của Hollywood những năm trước Thế chiến thứ hai qua cách kể truyện và dựng phim, Mank của David Fincher còn sử dụng rất nhiều góc quay và bối cảnh tương đối khô cứng và không tự nhiên vốn là một đặc điểm của điện ảnh khi phần lớn cảnh quay vẫn còn được thực hiện trong trường quay, và năng lực kỹ xảo và hậu kỳ còn chưa thực sự đáp ứng được mong muốn của các nhà làm phim. Bởi vậy mà nhìn tổng thể, Mank không hẳn là một tác phẩm mượt mà về mặt kỹ thuật như người xem thường trông đợi ở một tác phẩm của David Fincher, và cách kể chuyện của đạo diễn 58 tuổi trong bộ phim mới nhất này cũng không hẳn dễ theo dõi và cảm nhận. Xem xong Mank, có lẽ nhiều người sẽ đưa ra kết luận rằng nếu không phải là hãng Netflix với nguồn tài chính dồi dào và mong muốn thu hút được các nhà làm phim thượng thặng ghi tên mình lên kênh chiếu phim online của hãng, thì David Fincher sẽ vẫn khó lòng kiếm được một nhà đầu tư nào khác cho tác phẩm khá kén người xem này.

Việc Mank được quay và dựng theo phong cách Hollywood thời kỳ hoàng kim vốn phù hợp hơn với các diễn viên chủ yếu diễn cương và thậm xưng - trường phái diễn xuất chủ đạo của Hollywood cho đến trước thập niên 1960 cũng đã làm khó các diễn viên đầy thực lực của phim - những người có thừa tài năng nhưng luôn tuân thủ phong cách diễn nhập vai, hoá thân hoàn toàn vào nhân vật vốn được du nhập vào Hollywood trong giai đoạn chuyển giao giữa Hollywood thời cổ điển (cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960) và giai đoạn New Hollywood (từ nửa cuổi thập niên 1960). Có lẽ một phần vì lý do này mà cả Gary Oldman - ngôi sao vừa giành giải Oscar vai nam xuất sắc nhất năm 2018 và các bạn diễn của ông như Lily Collins (vai Rita Alexander - trợ lý kiêm thư ký của Herman Mankiewicz) hay Tom Burke (vai Orson Welles) không thực sự để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả. Điểm sáng gần như là duy nhất trong mảng diễn xuất của Mank có lẽ chính là Amanda Seyfried - người thủ vai Marion Davies cô minh tinh xinh đẹp có vẻ ngờ nghệch nhưng chưa bao giờ hết quan tâm đến những người cô yêu quý. Cách tạo hình và vẻ đẹp có chiều sâu hết sức ăn hình của Amanda Seyfried thực sự đã giúp người xem hiểu được phần nào lý do một nhà tài phiện thừa sức thay đổi cục diện chính trị của Hoa Kỳ như William Randolph Hearst lại chịu làm mọi thứ để mua lấy niềm vui của cô bồ nhí Marion Davies. 

Nhưng đằng sao sự thô ráp một cách có chủ đích của Mank, người yêu điện ảnh, đặc biệt là những người đã có cơ hội được xem, được tìm hiểu về lịch sử Hollywood giai đoạn hoàng kim những năm 1930, 1940 chắc chắn cũng sẽ cảm nhận được một sự hoài niệm và ưu tư mà David Fincher dành cho Hollywood của quá khứ và hiện tại thông qua hình ảnh một Herman Mankiewicz phải lần theo từng sợi chỉ kí ức để lấy cảm hứng cho kịch bản Công dân Kane. Hollywood trong Mank là một thế giới điện ảnh đang ở thời điểm đỉnh cao với "nhiều ngôi sao điện ảnh hơn cả sao trên trời", với những nhà sản xuất một năm có thể thực hiện cả chục bộ phim kinh phí lớn, và tất nhiên là với những tác phẩm điện ảnh để đời như The Wizard of Oz (1939), Cuốn theo chiều gió (1939), Công dân Kane (1941), Casablanca (1942) - những tác phẩm là nguồn vui, là niềm hy vọng của người dân Hoa Kỳ trong những năm tháng Đại khủng hoảng và sau đó là chiến tranh thế giới. Nhưng trong con mắt lãng tử nhưng không kém phần cay nghiệt của Herman Mankiewicz, ánh hào quang của kỷ nguyên hoàng kim của Hollywood chẳng qua chỉ là một người khổng lồ với đôi chân bằng đất sét được dựng lên bởi túi tiền không đáy của những ông chủ muốn lợi dụng niềm tin của người xem vào phim ảnh để thu lời và tạo ảnh hưởng như William Randolph Hearst. Và đằng sau những tên tuổi đã đi vào huyền thoại của Hollywood năm đó là vô số những toan tính, những lời dối trá, những bi kịch chẳng thể nào hoá giải như chính cuộc đời tưởng chừng đầy danh vọng nhưng chẳng thiếu những giấc mơ lỡ dở cho đến tận giờ phút nhắm mắt xuôi tay như của Charles Foster Kane. Càng đọc nhiều về Hollywood và những gương mặt điện ảnh thời kỳ hoàng kim này, càng xem nhiều những tác phẩm kinh điển mà giới làm phim thập niên 1930, 1940 đã đem đến cho điện ảnh thế giới, người xem mới lại càng cảm nhận được rằng Mank không hề vụng về hay thô kệch, trái lại thông qua tác phẩm mới nhất David Fincher rõ ràng đã thể hiện sự trân trọng, trau chuốt đến tối đa với kịch bản của người cha quá cố, với một Hollywood của quá khứ đã qua và không bao giờ quay trở lại. 

Không khí đậm đặc về một Hollywood buổi giao thời của "Mank" có lẽ sẽ khiến khán giả liên tưởng tới một tác phẩm xuất sắc khác cũng về bi kịch của những diễn viên, những nhà làm điện ảnh kiểu cũ trong giai đoạn chuyển giao từ cái cũ sang cái mới của Hollywood - bộ phim Sunset Boulevard (1950) của Billy Wilder. Phần nào đó, David Fincher chưa đẩy nhịp phim và kịch tính của Mank lên được ngang bằng với những bí mật và nút thắt mở của Sunset Boulevard, nhưng bộ phim mới nhất của ông có lẽ lại nhỉnh hơn tuyệt phẩm của Billy Wilder ở sự gắn bó không rõ là vô tình hay cố ý giữa Mank và thực tại của Hollywood và thế giới tại thời điểm hiện tại. Hollywood của hiện tại đang bị kẹt giữa một bên là khẩu hiệu nghệ thuật vị nghệ thuật với một bên là đòi hỏi của những nhà hoạt động xã hội về việc Hollywood phải cùng tranh đấu chống tin giả trong bầu cử và chính trị, phải cùng cất lên tiếng nói đòi bình quyền cho người gia đen, phải đề cao bình đẳng giới. Và còn tệ hơn thế nữa, trong một năm Trái Đất ngừng quay vì đại dịch COVID, Hollywood chính là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề nhất với vô số những bộ phim phải ngừng quay hoặc thậm chí là huỷ bỏ sản xuất, và hàng loạt những chuỗi rạp phim vang bóng một thời phải tuyên bố đóng cửa, phá sản vì không được phép đón khán giả vào rạp, vì phải nhường miếng bánh trên thị trường phim ảnh cho các kênh chiếu phim trực tiếp tới khán giả thông qua Internet như HBO Go, như Netflix. Trong bối cảnh ấy, xem xong Mank hẳn nhiều người sẽ thấy trào lên trong mình một sự nuối tiếc với Hollywood thời kỳ tiền COVID, khi các ngôi sao xuất hiện liên tiếp trong năm trên màn ảnh lớn, khi người xem luôn khấp khởi ra rạp với niềm tin sẽ được thưởng thức một tác phẩm hay, khi mỗi mùa trao giải điện ảnh lại là những cuộc tranh cãi không dứt về việc tác phẩm nào sẽ giành tượng vàng Oscar cuối cùng. Cũng giống như niềm tin mãnh liệt của Herman Mankiewicz và Orson Welles trong Mank về thành công của Công dân Kane, chúng ta cũng chỉ có thể hy vọng được rằng sẽ rất sớm đây thôi, Trái Đất và Hollywood sẽ thoát khỏi được thảm hoạ COVID để chúng ta sẽ không còn phải ngồi dán mắt vào màn hình nhỏ để xem Netflix mà sẽ lại được ra rạp để chia sẻ những giờ phút thư giãn bên người thân với những bộ phim mới, có chiều sâu như Mank của David Fincher.

=======

Bài đã biên tập trên Zing.