some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

dimanche 28 février 2016

2016 Academy Awards


Trái ngược với năm ngoái (rất ít phim hay), hiếm có năm nào như năm nay (2015) tôi được xem rát nhiều phim hay, hành động mãn nhãn có (Mad Max), tình cảm lãng mạn đến mê người có (Carol), thông minh dí dỏm có (The Big Short), cảm động có (Room). Vì thế mà tôi hết sức hài lòng với các lựa chọn của Viện Hàn lâm cho đề cử năm nay (trừ việc Carol trượt đề cử phim hay nhất, trong khi một phim dở hơn rất nhiều là Bridge of Spies lại được đề cử - nhưng cũng không thể đòi hỏi quá nhiều được). 

Sau đây là dự đoán của tôi về các bộ phim sẽ chiến thắng trong lễ trao giải sáng mai (giờ châu Á), như thường lệ, đỏ là ứng viên tôi dự đoán sẽ chiến thắng, còn xanh là ứng viên tôi hy vọng sẽ chiến thắng (nếu ứng viên đó khác với ứng viên tôi dự đoán sẽ đoạt giải).

Best Picture
The Big Short
Bridge of Spies
Brooklyn
Mad Max: Fury Road
The Martian
The Revenant
Room
Spotlight

Trong số này thì ngoại trừ hai phim không xuất sắc là Bridge of Spies Brooklyn (một phim có thể nói là quá bình thường, đến giờ tôi vẫn không hiểu sao phim này được giới phê bình chấm điểm cao đến vậy) thì năm nay dàn ứng viên của giải Oscar phim hay nhất là cực kỳ đồng đều, phim nào cũng hay, phim nào đoạt giải tôi cũng hài lòng (trừ Spotlight - một phim xuất sắc về mặt kỹ thuật nhưng khá hụt hẫng về mặt cảm xúc).

Best Director
Adam McKay – The Big Short
George Miller – Mad Max: Fury Road
Alejandro G. Iñárritu – The Revenant
Lenny Abrahamson – Room
Tom McCarthy – Spotlight

Inarritu gần như đã nắm chắc giải thưởng này, dù vậy tôi vẫn rất hy vọng rằng George Miller có thể làm nên bất ngờ với bộ phim hấp dẫn nhất năm.
Best Actor
Bryan Cranston – Trumbo as Dalton Trumbo
Matt Damon – The Martian as Mark Watney
Leonardo DiCaprio – The Revenant as Hugh Glass
Michael Fassbender – Steve Jobs as Steve Jobs
Eddie Redmayne – The Danish Girl as Lili Elbe

Tôi rất yêu thích DiCaprio nhưng Hugh Glass chưa hẳn là vai xuất sắc nhất của anh. Vai Steve Jobs của Fassbender theo tôi là xứng đáng hơn nhiều, nhưng với việc quét sạch các giải thưởng lớn tiền Oscar, DiCaprio gần như đã cầm chắc trong tay giải thưởng năm nay. Sẽ là trọn vẹn hơn nếu vai của Bryan Cranston hoặc Matt Damon được thay ra để dành chỗ cho Jacob Tremblay trong Room, một vai diễn cực kì xuất sắc.

Best Actress
Cate Blanchett – Carol as Carol Aird
Brie Larson – Room as Joy "Ma" Newsome
Jennifer Lawrence – Joy as Joy Mangano
Charlotte Rampling – 45 Years as Kate Mercer
Saoirse Ronan – Brooklyn as Eilis Lacey
 
Brie Larson chưa tuột một giải thưởng nào kể từ đầu mùa giải thưởng đến nay, vì vậy có thể chắc chắn 100% là cô sẽ giành giải Oscar năm nay. Nhưng theo tôi thì vai của cô tuy xuất sắc nhưng lại vẫn bị vai của cậu bé Jacob Tremblay phần nào phủ bóng. Trái lại, vai Carol của Cate Blanchett có thể nói là một trong những vai diễn làm tôi xúc động nhất năm nay và rất xứng đáng được giải.

Best Supporting Actor
Christian Bale – The Big Short as Michael Burry
Tom Hardy – The Revenant as John Fitzgerald
Mark Ruffalo – Spotlight as Michael Rezendes
Mark Rylance – Bridge of Spies as Rudolf Abel
Sylvester Stallone – Creed as Rocky Balboa

So bó đũa chọn cột cờ thì Tom Hardy có vai diễn ấn tượng nhất trong số 5 đề cử năm nay, nhưng gần như chắc chắn Sly sẽ giành giải.

Best Supporting Actress
Jennifer Jason Leigh – The Hateful Eight as Daisy Domergue
Rooney Mara – Carol as Therese Belivet
Rachel McAdams – Spotlight as Sacha Pfeiffer
Alicia Vikander – The Danish Girl as Gerda Wegener
Kate Winslet – Steve Jobs as Joanna Hoffman

Đây là hạng mục đồng đều và mạnh bậc nhất của lễ trao giải năm nay, cả năm người đều hết sức xuất sắc, tuy vậy tôi đặt niềm tin vào Winslet.

Best Original Screenplay
Bridge of Spies – Matt Charman, Ethan Coen, and Joel Coen
Ex Machina – Alex Garland
Inside Out – Pete Docter, Meg LeFauve, Josh Cooley, and Ronnie del Carmen
Spotlight – Tom McCarthy and Josh Singer
Straight Outta Compton – Jonathan Herman, Andrea Berloff, S. Leigh Savidge, and Alan Wenkus

Nhẽ ra Quentin Tarantino xứng đáng một đề cử cho hạng mục này bởi kịch bản The Hateful Eight là hấp dẫn, chặt chẽ và sáng tạo hơn tất cả các ứng viên năm nay, thậm chí là sáng tạo hơn cả kịch bản Django Unchained vốn đem lại giải Oscar thứ hai cho Tarantino cách đây vài năm.

Best Adapted Screenplay
The Big Short – Adam McKay and Charles Randolph from The Big Short by Michael Lewis
Brooklyn – Nick Hornby from Brooklyn by Colm Tóibín
Carol – Phyllis Nagy from The Price of Salt by Patricia Highsmith
The Martian – Drew Goddard from The Martian by Andy Weir
Room – Emma Donoghue from Room by Emma Donoghue

Tôi hy vọng Carol ít ra cũng có một giải Oscar vì thực sự đây là một bộ phim xuất sắc, cảm động, nhân văn. Tuy nhiên hạng mục này khó lòng vuột khỏi tay The Big Short - một bộ phim có kịch bản hết sức hấp dẫn.

Best Animated Feature Film
Anomalisa – Charlie Kaufman, Duke Johnson, and Rosa Tran
Boy & the World – Alê Abreu
Inside Out – Pete Docter and Jonas Rivera
Shaun the Sheep Movie – Mark Burton and Richard Starzak
When Marnie Was There – Hiromasa Yonebayashi and Yoshiaki Nishimura

Là "fan ruột" của hãng Ghibli nhưng tôi phải thừa nhận rằng When Marnie Was There có đề cử đã là chuyện đáng ngạc nhiên (phim hay nhưng chưa thực sự xuất sắc) chứ đừng nói là giành giải. Anomalisa là bộ phim xứng đáng nhất trong hạng mục này, nhưng chắc chắn Pixar sẽ lại mang một giải Oscar nữa về nhà với một bộ phim hết sức bình thường, "đầu voi đuôi chuột", thiếu sức sáng tạo.

Best Foreign Language Film
Embrace of the Serpent (Colombia) in Spanish – Ciro Guerra
Mustang (France) in Turkish – Deniz Gamze Ergüven
Son of Saul (Hungary) in Hungarian – László Nemes
Theeb (Jordan) in Arabic – Naji Abu Nowar
A War (Denmark) in Danish – Tobias Lindholm

Mustang là một trong những bộ phim hay nhất năm nay tôi được xem. Tuy vậy phim khó lòng mà có cửa trước Son of Saul, một tác phẩm nữa về đề tài yêu thích của Hollywood.

Best Documentary – Feature
Amy – Asif Kapadia and James Gay-Rees
Cartel Land – Matthew Heineman and Tom Yellin
The Look of Silence – Joshua Oppenheimer and Signe Byrge Sørensen
What Happened, Miss Simone? – Liz Garbus, Amy Hobby, and Justin Wilkes
Winter on Fire: Ukraine's Fight for Freedom – Evgeny Afineevsky and Den Tolmor

Cách đây vài năm The Act of Killing trượt giải Oscar dù là một trong những bộ phim tài liệu gây tiếng vang nhất trong thế kỷ mới, vì vậy tôi hy vọng phần tiếp theo của nó - The Look of Silence sẽ giành giải. Trong bối cảnh bài Nga hiện nay ở Mỹ và Hollywood, có vẻ như Winter on Fire sẽ có cửa thắng lớn, dù tôi mong là nếu The Look of Silence trượt thì ít ra Amy sẽ thay thế.

Best Cinematography
Carol – Ed Lachman
The Hateful Eight – Robert Richardson
Mad Max: Fury Road – John Seale
The Revenant – Emmanuel Lubezki
Sicario – Roger Deakins

Best Film Editing
The Big Short – Hank Corwin
Mad Max: Fury Road – Margaret Sixel
The Revenant – Stephen Mirrione
Spotlight – Tom McArdle
Star Wars: The Force Awakens – Maryann Brandon and Mary Jo Markey


==============

Bài viết cho Zing. (Bài đã biên tập)



Sau những tranh cãi không có hồi kết về việc có hay không tình trạng phân biệt đối xử trong danh sách ứng cử viên cho giải thưởng Oscar, mọi sự chú ý của người hâm mộ và báo giới hiện được tập trung cho việc dự đoán ai sẽ là những người chiến thắng tại lễ trao giải lần thứ 88 của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ vào ngày 28 tháng 2 tới đây. 

Ở hạng mục vai nam chính xuất sắc nhất của giải Oscar năm nay, có lẽ Leonardo DiCaprio là cái tên được giới truyền thông và người hâm mộ nhắc tới nhiều nhất ngay từ khi bộ phim The Revenant của anh được công chiếu trong dịp Giáng Sinh 2015. Quả thực vai diễn người thợ săn Hugh Glass vật lộn với cuộc chiến sinh tồn trong The Revenant của Leonardo DiCaprio đã giành hầu hết mọi giải thưởng diễn xuất lớn của mùa trao giải năm nay. Bởi vậy, khác với giải Oscar năm ngoái khi Eddie Redmayne (người cũng được đề cử tại hạng mục này năm nay với vai diễn trong The Danish Girl) phải cạnh tranh với Michael Keaton cho tới những phút cuối cùng, giải Oscar cho vai nam chính năm nay được dự đoán gần như chắc chắn sẽ là tượng vàng Oscar đầu tiên cho DiCaprio sau bốn đề cử thất bại trước đây. Trong số các đề cử còn lại của hạng mục này là Matt Damon với vai nhà du hành vũ trụ Mark Watney trong The Martian, Bryan Cranston với vai chính trong Trumbo, và Michael Fassbender với vai Steve Jobs trong bộ phim cùng tên thì Fassbender có lẽ là trường hợp đáng tiếc nhất khi anh đã có một vai diễn hết sức xuất sắc nhưng thất bại nặng nề về mặt doanh thu và tiếng vang của Steve Jobs đã làm anh không thể cạnh tranh nổi với DiCaprio trên mặt trận giải thưởng. 

Khi mùa giải thưởng điện ảnh bắt đầu từ cuối tháng 12 năm 2015, nhiều người đã nghĩ tới một cuộc đua hấp dẫn giữa Cate Blanchett và Brie Larson trong hạng mục vai nữ chính tại lễ trao giải Oscar năm nay. Tuy nhiên, vai diễn người mẹ trẻ Joy “Ma” Newsome trong Room của Brie Larson đã vượt qua hình tượng người đàn bà quyến rũ Carol Aird của Cate Blanchett trong Carol tại hầu hết các giải thưởng tiền Oscar như Quả cầu vàng, giải thưởng của Viện Hàn lâm điện ảnh Anh quốc (BAFTA), hay giải của Hiệp hội diễn viên điện ảnh Hoa Kỳ (SAG). Bởi vậy mà tuy Cate Blanchett đã có một vai diễn xuất sắc không kém những vai đã đem lại cho cô hai giải Oscar vào năm 2004 và 2013, nhưng cô khó lòng có thể gây được bất ngờ trước đà chiến thắng của người đồng nghiệp trẻ tuổi Brie Larson. Cũng cần nói thêm rằng tuy “ngôi sao của dòng phim độc lập” (“indie darling”) Brie Larson đã gần như cầm chắc trong tay giải Oscar cho vai nữ chính xuất sắc nhất, nhưng tất cả các đề cử được Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ lựa chọn năm nay cho hạng mục này đều rất xuất sắc, từ Larson và Blanchett cho tới nữ diễn viên gạo gội Charlotte Rampling với vai diễn trong 45 Years, nữ diễn viên đắt giá hàng đầu Hollywood Jennifer Lawrence với vai diễn trong Joy, và ngôi sao đang lên Saoirse Ronan với vai diễn trong Brooklyn.  

Tại hạng mục vai nam phụ của giải Oscar năm nay, Sylvester Stallone với vai diễn Rocky Balboa trong Creed đang là cái tên được nhắc tới nhiều nhất sau chiến thắng tại lễ trao giải Quả cầu vàng 2016. Đáng chú ý là đây là đề cử Oscar diễn xuất thứ hai của Oscar của Stallone sau đề cử đầu tiên của ông cách đây gần 40 năm cho chính vai diễn Rocky Balboa trong phần đầu tiên của loạt phim đấm bốc Rocky. Bởi vậy mà cả giới báo chí và người hâm mộ đang rất chờ đợi vào việc Stallone cuối cùng cũng có thể giành tượng vàng Oscar danh giá cho nhân vật gắn liền với tên tuổi của ông này. Với việc nam diễn viên người Anh Idris Elba – người giành giải vai nam phụ xuất sắc nhất của SAG với vai diễn trong Beasts of No Nation không được đề cử tại giải Oscar năm nay, cái tên duy nhất có thể đe dọa cơ hội chiến thắng của Sylvester Stallone có lẽ là Mark Rylance, nam diễn viên vừa chiến thắng tại giải BAFTA 2016 nhờ vai diễn nhà tình báo Xô viết Rudolf Abel trong Bridge of Spies. Tuy nhiên danh tiếng của Stallone và tính biểu tượng của nhân vật Rocky trong văn hóa đại chúng Mỹ sẽ giúp nam diễn viên sắp bước sang tuổi 70 này chiếm ưu thế trong lễ trao giải vào ngày 28 tháng 2 sắp tới. Những đối thủ còn lại của Stallone và Rylance trong hạng mục này là Christian Bale với vai diễn tay phân tích tài chính Michael Burry trong The Big Short, Tom Hardy với vai diễn phản diện trong The Revenant, và Mark Ruffalo trong vai nhà báo Michael Rezendes trong Spotlight tuy đều đã có những vai diễn đáng nhớ nhưng khó lòng có thể gây nên bất ngờ tại giải Oscar năm nay.

Nếu xét cả bốn hạng mục về diễn xuất của giải Oscar năm nay thì có lẽ hạng mục vai nữ phụ đang là hạng mục khó đoán định nhất. Trong một năm được mùa của hạng mục này với rất nhiều đề cử xuất sắc như Rooney Mara với vai diễn trong Carol, Jennifer Jason Leigh với vai diễn Daisy Domergue trong The Hateful Eight của đạo diễn Quentin Tarantino, hay Rachel McAdams với vai nữ phóng viên Sacha Pfeiffer trong Spotlight, ngôi sao mới nổi người Thụy Điển Alicia Vikander đang được coi là ứng cử viên sáng giá nhất cho tượng vàng Oscar với vai diễn Gerda Wegener trong bộ phim The Danish Girl. Bỏ qua những lùm xùm về chuyện vai diễn của cô là vai “nữ chính” hay “nữ phụ”, Vikander đã liên tiếp được xướng tên trong các giải thưởng tiền Oscar, trong đó có giải của SAG. Tuy nhiên, với chiến thắng quan trọng tại hạng mục vai nữ phụ tại lễ trao giải BAFTA 2016, Kate Winslet với vai diễn Joanna Hoffman trong Steve Jobs lại đang nổi lên như một đối thủ đáng gờm của Vikander trong cuộc đua song mã hiếm thấy của giải Oscar cho vai nữ phụ xuất sắc nhất. Liệu sức trẻ có giúp Vikander, trong đề cử Oscar đầu tiên của cô, có thể thắng được kinh nghiệm của Winslet – nữ diễn viên đã có tới bảy đề cử và một tượng vàng Oscar? Theo giới phân tích, Vikander vẫn đang giữ được lợi thế nhất định trong những ngày cuối cùng trước lễ trao giải Oscar, nhưng Winslet hoàn toàn vẫn có thể gây nên bất ngờ để đem về tượng vàng thứ hai trong sự nghiệp.

Tại hạng mục giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất, Alejandro G. Inarritu đang đứng trước cơ hội đạt được thành tích chưa ai thực hiện được suốt hơn nửa thế kỷ qua – giành tượng vàng Oscar hạng mục đạo diễn trong hai năm liên tiếp. Mới chỉ có hai huyền thoại của điện ảnh Hoa Kỳ có được vinh quang này trước đây là John Ford (1940, 1941) và Joseph L. Mankiewicz (1949, 1950). Cơ hội tiếp bước John Ford và Joseph L. Mankiewicz của đạo diễn người Mexico Inarritu hiện là rất lớn khi ông đã vượt qua những ứng viên nặng ký khác như Tom McCarthy (đạo diễn Spotlight) hay Adam McKay (đạo diễn The Big Short) tại các giải thưởng tiền Oscar quan trọng như giải BAFTA hay giải của Hiệp hội đạo diễn Hoa Kỳ (DGA). Cạnh tranh với Inarritu, McCarthy, và McKay tại hạng mục này còn có Lenny Abrahamson (đạo diễn Room) và George Miller (đạo diễn Mad Max), trong đó đạo diễn 70 tuổi người Úc Miller nếu chiến thắng sẽ trở thành người nhiều tuổi thứ hai từng giành giải thưởng này (Clint Eastwood hiện là người giữ kỷ lục tại hạng mục này khi ông giành tượng vàng năm 2004 cho bộ phim Million Dollar Baby khi đã 74 tuổi).

Phim hay nhất – hạng mục quan trọng nhất trong lễ trao giải của Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ năm nay có tám ứng cử viên là The Big Short, Bridge of Spies, Brooklyn, Mad Max: Furry Road, The Martian, The Revenant, Room, và Spotlight. Trong một mùa trao giải nhiều biến động, lần lượt Spotlight (giành giải của Hiệp hội phê bình phim Bắc Mỹ - BFCA) rồi đến The Big Short (giành giải của Hiệp hội nhà sản xuất phim – PGA) thay nhau dẫn đầu cuộc đua tới giải thưởng quan trọng nhất năm, giải Oscar phim hay nhất. Tuy nhiên trong nửa cuối mùa giải thưởng năm nay, bộ phim về cuộc chiến sinh tồn giữa thiên nhiên hoang dã của nước Mỹ The Revenant đã vượt lên với một loạt chiến thắng tại giải Quả cầu vàng, giải DGA, và gần đây nhất là giải BAFTA. Không chỉ giành giải phim hay nhất tại nhiều lễ trao giải, những cái tên gắn liền với The Revenant như đạo diễn Inarritu, nam diễn viên DiCaprio, hay nhà quay phim Lubezki cũng thường xuyên được vinh danh trong các giải thưởng lớn cho đạo diễn, vai nam chính, và quay phim xuất sắc. Không chỉ thành công về mặt nghệ thuật, The Revenant cũng là bộ phim có doanh thu lớn thứ hai trong số các phim dự tranh giải Oscar phim hay nhất năm nay sau khi thu về gần 400 triệu đô la Mỹ (chỉ thua The Martian với doanh thu 620 triệu đô la Mỹ). Tất cả các chỉ dấu này cho thấy The Revenant có lẽ sẽ giành được sự ủng hộ từ rất nhiều thành viên của Viện Hàn lâm điện ảnh cho hạng mục quan trọng nhất của giải Oscar lần thứ 88. Tuy vậy, trong lịch sử giải Oscar người ta cũng đã được chứng kiến những bất ngờ phút chót như việc Shakespeare in Love vượt qua Saving Private Ryan năm 1998 hay Crash vượt qua Brokeback Mountain năm 2005 để giành lấy tượng vàng Oscar cao quý nhất. Bởi vậy không ai có thể bác bỏ cơ hội cho The Big Short hay Spotlight vượt qua The Revenant để trở thành bộ phim xuất sắc nhất năm của Viện Hàn lâm. 

Ở các hạng mục quan trọng khác của giải Oscar lần thứ 88, có lẽ hãng Pixar sẽ lại có thêm một tượng vàng Oscar nữa khi bộ phim Inside Out của hãng gần như chắc chắn sẽ chiến thắng tại hạng mục phim hoạt hình hay nhất với đối thủ đáng kể duy nhất là Anomalisa của bộ đôi đạo diễn Charlie Kaufman và Duke Johnson - tác phẩm gây tiếng vang về mặt nghệ thuật nhưng có doanh thu (3 triệu đô la Mỹ) chỉ bằng 1/300 doanh thu của Inside Out (gần 900 triệu đô la Mỹ). Ở hạng mục kịch bản, hai ứng viên hàng đầu của hạng mục phim hay nhất là SpotlightThe Big Short hiện cũng là những tác phẩm có nhiều khả năng giành tượng vàng Oscar cho kịch bản gốc (đối với Spotlight) và kịch bản chuyển thể (đối với The Big Short). Khác với các hạng mục vừa đề cập, hạng mục phim tài liệu xuất sắc nhất của giải Oscar năm nay vẫn còn là một ẩn số khi ứng viên hàng đầu Amy - bộ phim về nữ ca sĩ tài hoa bạc mệnh Amy Winehouse sẽ còn phải cạnh tranh với những đối thủ tiềm tàng khác như The Look of Silence hay Cartel Land. Như thường lệ, giải Oscar cho phim tiếng nước ngoài hay nhất lại tiếp tục là hạng mục khó đoán định năm nay khi Son of Saul của Hungary tuy gây được tiếng vang lớn và là tác phẩm đề cập tới chủ đề yêu thích của Viện Hàn lâm – nạn diệt chủng người Do Thái nhưng đây lại là bộ phim khá giống tác phẩm đã chiến thắng tại hạng mục này năm ngoái là Ida và không đề cập tới những đề tài mang tính nóng bỏng hiện nay như các ứng viên khác là A War của Đan Mạch (về cuộc chiến đang diễn ra tại Afghanistan) hay Mustang của Pháp (về sự xung đột giữa quyền tự do và ràng buộc tôn giáo).
 

Một nốt lặng của giải Oscar năm nay có lẽ là việc nhà quay phim tên tuổi Roger Deakins nhiều khả năng sẽ lại phải ra về tay trắng khi đề cử quay phim xuất sắc nhất của ông cho bộ phim Sicario không gây được nhiều tiếng vang như các đối thủ Emmanuel Lubezki (The Revenant), Robert Richardson (The Hateful Eight), hay Ed Lachman (Carol). Nếu một lần nữa thất bại tại lễ trao giải Oscar lần thứ 88 này, Roger Deakins sẽ san bằng kỷ lục buồn của George J. Folsey, đó là nhà quay phim có nhiều đề cử nhất mà chưa một lần giành giải với 13 đề cử.

mercredi 24 février 2016

Trumbo (2015)




Chuyển thể từ cuốn tiểu sử Danton Trumbo của nhà báo Bruce Alexander Cook, Trumbo của đạo diễn Jay Roach đề cập tới cuộc đời của một trong những nhà biên kịch nổi tiếng và nhiều sóng gió nhất của Hollywood – Dalton Trumbo. Nổi danh với những kịch bản phim xuất sắc từng giành giải Oscar như Roman Holiday (1953) hay The Brave One (1956), Trumbo còn được biết tới với tư cách là thành viên của nhóm "The Hollywood Ten” – nhóm mười nghệ sĩ Hollywood đầu tiên bị kết tội coi thường Quốc hội Hoa Kỳ vì từ chối trả lời về dính líu của họ tới Đảng Cộng sản. Mở đầu cho giai đoạn “Hollywood blacklist” (“Danh sách đen của Hollywood”) những năm 1940, 1950, các nghệ sĩ này sau đó đã bị cộng đồng điện ảnh Hollywood đưa vào danh sách đen, họ bị hủy hợp đồng, không thể làm việc, không thể kiếm tiền bằng nghề nghiệp yêu thích, bị những người từng một thời thân thiết xa lánh, phủ nhận. Là tên tuổi tiêu biểu nhất của nhóm “The Hollywood Ten”, Dalton Trumbo (Bryan Cranston) và những đồng nghiệp cùng chí hướng như Arlen Hird (Louis C.K.) chịu rất nhiều sức ép từ đông đảo những cái tên chống sản quyết liệt như Hedda Hopper (Helen Mirren) hay John Wayne (David James Elliott). Mất việc, bị coi là “đặc vụ” của Liên Xô trong giai đoạn cao trào của Chiến tranh Lạnh, Dalton Trumbo và vợ (Diane Lane) cùng gia đình buộc phải từ bỏ cuộc sống sung túc của một nhà biên kịch đắt hàng nơi trang trại rộng lớn để chuyển về một căn nhà nhỏ vùng ngoại ô giữa sự thù địch của những người hàng xóm. Để kiếm sống, Trumbo buộc phải lao động cật lực bằng việc sửa những kịch bản nghèo nàn hoặc viết những tác phẩm dạng “mỳ ăn liền” cho hãng phim kinh phí thấp của Frank King (John Goodman). Áp lực công việc còn đi kèm với áp lực cuộc sống, khi những ngày làm việc triền miên không ngừng nghỉ của Trumbo khiến ông trở nên xa lạ với chính gia đình của mình, đặc biệt là với cô con gái lớn đầy cá tính Nikola (Elle Fanning), trong khi việc ông hạ mình chắp bút cho những kịch bản rẻ tiền chất lượng thấp lại khiến ông vấp phải lời trách móc về hoài bão nghệ thuật từ người bạn thân Arlen Hird. Liệu động lực gì đã khiến Dalton Trumbo vượt qua vô số những áp lực ấy để tiếp tục làm việc, tiếp tục cống hiến, để rồi lại được ghi danh cùng những bộ phim xuất sắc như Spartacus (1960) của Stanley Kubrick hay Exodus (1960) của Otto Preminger?  


Trong làng truyền hình Mỹ, có lẽ Bryan Cranston là một trong những cái tên được biết đến nhiều nhất với một loạt vai diễn đáng nhớ trong Malcolm in the Middle, Seinfeld, và đặc biệt là vai Walter White trong loạt phim truyền hình Breaking Bad. Sau khi mùa cuối cùng của “Breaking Bad” được phát sóng năm 2013, cả người hâm mộ và giới phê bình phim đã rất hy vọng được chứng kiến tài năng của Cranston trên màn ảnh lớn. Và sau vai diễn không nhiều ấn tượng trong Godzilla (2014), cuối cùng Bryan Cranston đã thực sự đáp lại được sự trông đợi của công chúng với vai diễn Dalton Trumbo. Tuy kịch bản chưa thực sự chắc tay của Trumbo khiến vai diễn của Cranston không có quá nhiều điểm nhấn về mặt cảm xúc, nhưng ông vẫn thành công trong việc hóa thân hoàn toàn vào hình tượng nhà biên kịch Dalton Trumbo mạnh mẽ, sắc sảo, nhưng phải sống trong những thời khắc khó khăn nhất của cuộc đời. Sau khi xem đoạn trả lời phỏng vấn của Dalton Trumbo ngoài được được lồng vào phần cuối cùng của bộ phim, chắc chắn người xem sẽ phải thừa nhận rằng, tuy bề ngoài không thực sự tương đồng, nhưng Bryan Cranston đã bắt được hình ảnh thực sự của Trumbo từ điệu bộ, cử chỉ, giọng nói cho tới thần thái. Khả năng nhập vai của Cranston đã giúp khán giả thực sự hiểu được tâm trạng ngổn ngang trăm mối của Dalton Trumbo. Mỗi nếp nhăn trên khuôn mặt của Cranston/Trumbo là một cuộc tranh đấu nội tâm – giữa sự nghiệp và gia đình, giữa lòng trung thành với bạn bè, với lý tưởng và thực tại nghiệt ngã của cuộc sống, giữa khát vọng về những giá trị nghệ thuật chân chính và nhu cầu vật chất đời thường. Với một kịch bản chú trọng hơn vào việc mô tả sự biến chuyển về mặt tâm lý, tinh thần của Dalton Trumbo trong những năm tháng khủng hoảng, có lẽ Bryan Cranston đã có thể có một vai diễn hoàn toàn trọn vẹn. Nhưng dù thế nào thì khi xem xong phim, những cảnh phim đầy tâm trạng, tình cảm của Trumbo khi đối diện với con gái, hay bài phát biểu cuối phim của ông, chắc chắn vẫn sẽ còn đọng lại trong lòng khán giả. 


Bổ sung cho sự mạnh mẽ của Bryan Cranston trong vai Trumbo là một Diane Lane tinh tế, lạc quan trong vai Cleo Fincher Trumbo – vợ của Dalton. Tuy không có nhiều đất diễn, vai diễn ít thoại nhưng hết sức biểu cảm của Diane Lane cũng đủ để khán giả cảm nhận được lý do tại sao Cleo lại có thể sống với một nghệ sĩ khó tính và ham công tiếc việc như Dalton Trumbo suốt 38 năm, qua cả những tháng ngày căng thẳng thời Trumbo bị liệt vào danh sách đen, cho tới khi ông nhắm mắt xuôi tay. Bên cạnh bộ đôi Cranston-Lane, dàn diễn viên phụ của phim với những cái tên xuất sắc như Louis C.K., Helen Mirren, và Michael Stuhlbarg cũng đã tạo dựng cho bộ phim tuyến nhân vật phụ đáng nhớ. Thực tế thì kịch bản mộc mạc của Trumbo đã không thực sự đem lại sự đa diện cho các nhân vật như Hedda Hopper của Mirren hay Arlen Hird của Louis C.K. hoặc tạo dựng được động cơ, mục đích hành động của các nhân vật này trong việc ủng hộ nhiệt thành tư tưởng xã hội (như Arlen Hird), hoặc chống đối đến cùng chủ nghĩa cộng sản (như Hedda Hopper). Nhưng với tài năng của mình, Helen Mirren và Louis C.K. vẫn đủ sức tạo ra hai hình ảnh hoàn toàn tương phản vốn không chỉ làm bật lên hơi thở thời đại của một giai đoạn lịch sử nhiều biến động của nước Mỹ, mà còn giúp khắc họa rõ nét hơn hình ảnh của Dalton Trumbo và những áp lực tinh thần lớn lao mà ông phải trải qua. Vai diễn nhiều màu sắc và đáng nhớ nhất trong tuyến nhân vật phụ có lẽ là vai ngôi sao điện ảnh Edward G. Robinson do Michael Stuhlbarg thủ vai. Là người hết mình vì bạn bè nhưng cũng lại coi trọng và cần nghề diễn hơn mọi thứ, Robinson phải đưa ra những lựa chọn hết sức khó khăn trong cuộc đời – những lựa chọn khiến ông trở nên cô đơn với giọt nước mắt rơi dài trên má. Với đôi mắt sâu lắng, Michael Stuhlbarg đã thể hiện hết sức truyền cảm hình ảnh đa chiều này của Edward G. Robinson bất chấp thời lượng diễn xuất hạn hẹp. Với vai diễn này và vai Andy Hertzeld trong Steve Jobs, Stuhlbarg đã chứng tỏ rằng, sau A Serious Man của anh em nhà Coen từ năm 2009, tài năng của anh hoàn toàn xứng đáng với những vai diễn có chiều sâu và đất diễn. 

Nói tới những năm tháng đầy phức tạp trong giai đoạn “Hollywood blacklist”, người ta thường nhớ tới hình ảnh nhiều nghệ sĩ đã khoanh tay không chào đón đạo diễn huyền thoại Elia Kazan lên nhận Giải Oscar danh dự năm 1999 vì cho rằng chính lời khai của Kazan đã đẩy nhiều đồng nghiệp của ông vào “Danh sách đen”. Dù đúng hay sai thì sự kiện này cũng cho thấy rằng vẫn có đó những vết sẹo để lại từ những tổn thương tinh thần của giới điện ảnh Hollywood vì những tình bạn, tình đồng nghiệp tan vỡ thời “Danh sách đen”. Không biết có phải vì lý do này mà không nhiều tác phẩm điện ảnh của Hollywood đề cập trực tiếp tới đề tài này, bất chấp thực tế rằng những câu chuyện cay đắng về sự phản bội, sự chà đạp về mặt tinh thần như vậy là mảnh đất rất màu mỡ cho dòng phim bi kịch. Bởi vậy đến với Trumbo, hẳn nhiều khán giả đã mong đợi rằng bộ phim sẽ tái hiện lại thành công bối cảnh sôi động của Hollywood thời gian này, cũng như số phận của những cái tên bị liệt vào nhóm “The Hollywood Ten”. Về mặt này, kịch bản của Trumbo đã thành công một nửa khi tạo dựng được không khí căng thẳng và đầy sự kiện của giới điện ảnh Mỹ những năm 1940, 1950, khi chủ nghĩa chống cộng sản len lỏi vào từng ngóc ngách của Hollywood đã đẩy nhiều người từ chỗ là bạn, là đồng nghiệp thân thiết tới tình thế phải chối bỏ, từ mặt nhau. Tuy nhiên, kịch bản thiếu điểm nhấn và có phần rời rạc của phim đã không thực sự tạo được cao trào cần thiết để làm nổi bật số phận những nghệ sĩ bị cuốn vào vòng xoáy của nghi ngờ và thù hận này. Việc bộ phim tập trung rất nhiều thời lượng và chất liệu để mô tả hình ảnh của Dalton Trumbo cũng khiến phần xây dựng các nhân vật khác trong phim tỏ ra thiếu chiều sâu, hoặc sự đa diện cần có về suy nghĩ, về số phận của họ. Ngay đối với nhân vật trung tâm Dalton Trumbo, bộ phim cũng mới chỉ thành công trong việc khắc họa sức làm việc phi thường và tình yêu vô tận ông dành cho gia đình, cho bạn bè chứ không thực sự nói lên được những suy tư, trăn trở cả về mặt nghề nghiệp và lý tưởng của ông trong giai đoạn bị đưa vào “Dah sách đen”. Nhịp phim không đều và sự lồng ghép không mấy hợp lý yếu tố hài hước vào cấu trúc chính kịch của bộ phim có thể cũng khiến khán giả cảm thấy chới với vì khó nắm bắt được thông điệp chung của Trumbo. Bởi thế sự bất cần tới mức hài hước của ông chủ hãng phim Frank King có thể đem tới cho khán giả những nụ cười giải tỏa cần thiết, nhưng những chi tiết như vậy lại thực sự không đóng góp được nhiều cho nội dung chính mà đạo diễn Jay Roach muốn đề cập. Phần hình ảnh và nhạc phim của Trumbo cũng không thực sự ấn tượng trong việc tạo dựng không khí dồn dập, căng thẳng cho bộ phim. Bởi thế, có lẽ khán giả sẽ phải chờ đợi những bộ phim mới để có thể thực sự hiểu và cảm nhận giai đoạn khó khăn bậc nhất thế kỷ 20 này của điện ảnh Hollywood.


======
Bản đã được biên tập trên Zing.

Joy (2015)



Trên các kênh truyền hình tiếp thị của Hoa Kỳ, mái tóc vàng óc, nụ cười thường trực và các sản phẩm cực kì sáng tạo và tiện dụng đã biến Joy Mangano trở thành cái tên thân thuộc với nhiều bà nội trợ Mỹ. Nhưng ít ai biết rằng để có được thành công ấy, bà mẹ đơn thân Joy đã phải trải qua rất nhiều thất bại, rất nhiều khó khăn để có thể đem những sáng chế thiết thực của mình tới công chúng. Chuỗi ngày khởi nghiệp vất vả của Joy Mangano chính là nội dung của bộ phim tiểu sử Joy – tác phẩm mới nhất của đạo diễn David O. Russell. 


Joy (Jennifer Lawrence) là một cô gái thông minh, mạnh mẽ với giấc mơ từ thủa bé về những sáng chế tiện ích cho cuộc sống hàng ngày. Nhưng những mơ ước ấy của Joy dần trở nên nhạt nhòa giữa lo toan cuộc sống của một bà mẹ đơn thân với hai đứa con nhỏ. Không chỉ nặng gánh con cái, Joy còn phải chăm lo cho bà mẹ nhạy cảm suốt ngày làm bạn với các bộ phim truyền hình nhạt nhẽo (Virginia Madsen), ông bố vô tâm chỉ lo kiếm tìm hạnh phúc riêng cho bản thân (Robert De Niro), và thậm chí là cả ông chồng nghệ sĩ đã ly dị vài năm nhưng vẫn nhất quyết bám trụ ở nhà vợ cũ (Edgar Ramirez). Nhưng rồi với sự động viên của bà ngoại (Diane Ladd) và nhất là với ngọn lửa đam mê chưa bao giờ tắt, Joy đã quyết tâm đổi đời với sáng chế tâm huyết của cô – chiếc chổi lau tiện ích. Tất nhiên con đường đến với thành công trong kinh doanh chẳng bao giờ là dễ dàng, đợi chờ Joy trên con đường ấy là sự khó tính của người tiêu dùng, là vô số cạm bẫy của các đối tác, và cả sự vô cảm của những người vốn chưa bao giờ thực sự tin một “bà mẹ nội trợ” như Joy có thể trở thành một doanh nhân thành đạt. Không có kinh nghiệm thương trường, lại chẳng có được nguồn vốn khởi nghiệp dồi dào, Joy chỉ có thể tiến lên phía trước với hành trang là niềm tin, trí sáng tạo, và sự động viên của những người yêu quý. 


Cũng giống như các bộ phim gần đây của David O. Russell, diễn viên trung tâm của Joy là nàng thơ của đạo diễn – Jennifer Lawrence. Nếu so với Tiffany Maxwell trong Silver Linings Playbook (2012) – vai diễn đem lại cho Lawrence giải Oscar đầu tiên, thì Joy Mangano chưa hẳn đã là một thử thách mới cho ngôi sao hàng đầu Hollywood này bởi nhân vật Joy được xây dựng với tính cách tương đối đơn giản, dễ dàng khám phá và cảm nhận. Lớn lên với ước mơ sáng tạo, Joy luôn bị số phận và những người xung quanh dồn vào đường cùng để rồi phải tự thân chiến đấu tìm lấy cho mình một lối thoát. Xuyên suốt bộ phim, Joy luôn ở một trong hai thái cực – hoặc vị tha, cam chịu sống hết mình vì mọi người, hoặc kiên quyết, làm mọi thứ để hiện thực hóa giấc mơ cá nhân. Tuy thiếu đi những giờ phút suy tư, chông chênh với các lựa chọn, nhưng hai thái cực tình cảm kể trên đã được Jennifer Lawrence thể hiện một cách trọn vẹn tới mức khiến khán giả phải kinh ngạc trước đức tính nhẫn nhịn của Joy trong mọi tình huống để rồi nhận ra rằng, không, ẩn sau lớp vỏ nhũn nhặn ấy là một Joy thủ lĩnh, một Joy quyết liệt giành lấy những cơ hội mà cô xứng đáng có được. Thành công của Lawrence trong bộ phim này đã một lần nữa chứng minh cho vị thế hàng đầu cả về tài năng và sắc đẹp của cô trong làng diễn viên Hollywood hiện nay, đồng thời khẳng định rằng 2015 quả thực là một năm của các vai diễn nữ xuất sắc với Jennifer Lawrence trong Joy, Cate Blanchett và Rooney Mara trong Carol, Saoirse Ronan trong “Brooklyn”, và rất nhiều các nhân vật và bộ phim khác. 


David O. Russell vốn nổi tiếng là đạo diễn thượng hạng trong việc lựa chọn diễn viên và xây dựng hình tượng nhân vật trong phim. Tuy nhiên với Joy, có cảm giác mọi ưu ái của ông được đổ dồn cho vai diễn của Jennifer Lawrence, khiến các nhân vật phụ xung quanh cô trở nên mờ nhạt, thiếu sức sống. Còn đó vẫn là dàn diễn viên tên tuổi với Bradley Cooper, một cái tên quen thuộc khác trong các tác phẩm của Russell, với vai Neil Walker – người đã đưa Joy đến với sức mạnh của truyền hình, hay các ngôi sao điện ảnh gạo cội như Robert De Niro và Isabella Rossellini trong vai Rudy Mangano, ông bố vô tâm của Joy, và người tình của ông ta Trudy. Tuy nhiên việc thiếu đất diễn, thiếu những nét duyên dáng, đáng nhớ riêng đã khiến các nhân vật này khó lòng để lại dấu ấn ngoại trừ việc làm nền để Joy của Jennifer Lawrence tỏa sáng. Nếu các tuyến nhân vật phụ này được phát triển dày dặn hơn, chắc chắn chất hài hước thâm thúy theo kiểu “dark comedy” (dòng phim hài với bối cảnh tăm tối và chú trọng tính phản diện của các nhân vật) của Joy sẽ nổi rõ và giúp khán giả dễ dàng cảm nhận hơn. 


Tuy là một đạo diễn chú trọng nội cảnh và tương tác giữa các nhân vật nhưng phần bối cảnh và nhạc phim trong các tác phẩm của David O. Russell đều mang đậm hơi thở của đô thị nước Mỹ đương đại. Đó là hình ảnh của Massachusetts trong The Fighter (2010), của Pennsylvania trong Silver Linings Playbook, hay New Jersey trong American Hustle (2013). Khác với nước Mỹ thường thấy trên phim Hollywood với các tòa nhà chọc trời hào nhoáng hay những thảo nguyên mênh mông hút tầm mắt, nước Mỹ trong phim của Russell bụi bặm hơn, góc cạnh hơn, nhưng lại rất giàu sức sống với tính cách đa dạng. Cái chất hiện thực nước Mỹ mang đầy tính biểu tượng ấy tiếp tục xuất hiện trong Joy. Từ sự tương phản rõ rệt giữa những ngày Đông u ám dài đằng đẵng ở New York với ánh nắng chói chang rực rỡ của xứ Texas miền Nam, người xem có thể dễ dàng liên tưởng tới sự đối lập giữa cuộc sống tù túng ngột ngạt của bà mẹ đơn thân Joy với khả năng sáng tạo và lòng quyết tâm không giới hạn của nữ doanh nhân Joy Mangano. 


Nhược điểm lớn nhất của Joy có lẽ nằm ở kịch bản khá vụn của bộ phim, vốn cũng do chính đạo diễn David O. Russell chắp bút. Về cơ bản, Joy là một bộ phim nhiều chất bi nhưng được thuật lại bằng giọng kể hài hước với nhân vật trung tâm do Jennifer Lawrence đảm nhận tương tự như các bộ phim trước đó của Russell là Silver Linings PlaybookAmerican Hustle. Tuy nhiên, khác với hai bộ phim đã đem lại cho Russell rất nhiều lời ca ngợi và các đề cử, giải thưởng điện ảnh, Joy thiếu đi một kịch bản chắc tay với rất nhiều chi tiết thiếu hợp lý mà khán giả có thể dễ dàng nhận ra xuyên suốt bộ phim. Đặc biệt, để giải quyết các tình huống khó cho nhân vật trong phim, kịch bản Joy sử dụng khá nhiều các giải pháp tình cờ và bất ngờ theo kiểu “trên trời rơi xuống”. Tuy đây là thủ pháp thường được các bộ phim hài sử dụng thành công như trong các tác phẩm của anh em đạo diễn nhà Coen, nhưng việc lạm dụng các “deux ex machina” (thuật ngữ gốc Latin trong tiếng Anh dùng để chỉ những giải pháp bất ngờ trong truyện, phim để giải quyết các tình huống tưởng chừng tuyệt vọng) như vậy chỉ càng làm nổi bật hơn các chi tiết bất hợp lý trong phim và vì thế làm khán giả đứt mạch cảm xúc có được khi dõi theo số phận của Joy Mangano. Tương tự như vậy, tuy chỉ có một tuyến chuyện kể duy nhất về con đường gập ghềnh đến với thành công của Joy Mangano với không nhiều bất ngờ nhưng mạch phim cũng có cảm giác đứt đoạn vì thiếu sự kết nối hợp lý giữa các cảnh phim. Những thiếu sót này của bộ phim đã khiến “Joy”, tuy có rất nhiều điểm chung với Silver Linings PlaybookAmerican Hustle về phong cách và dàn diễn viên ăn ý nhưng lại thiếu chiều sâu cảm xúc đủ để thu hút tâm trí khán giả. Để bù lại, Joy có nhịp phim nhanh, phong cách quay mạnh mẽ, biên tập chuyển cảnh dứt khoát, tạo cho người xem cảm giác sảng khoái như khi xem một bộ phim hành động-hài tiết tấu cao mà ở đó súng ống được Joy Mangano thay thế bằng chiếc chổi lau tiện ích của cô. 

Joy Mangano nổi danh ở nước Mỹ nhờ các sản phẩm không quá cầu kỳ, chi tiết nhưng đơn giản, đầy tiện ích với thiết kế nhẹ nhõm, thuận tiện cho các bà nội trợ. Joy của đạo diễn David O. Russell cũng không hẳn là một tác phẩm điện ảnh phức tạp với kịch bản biến ảo, nhưng hình ảnh vô cùng tích cực của Joy trong phim qua sự thể hiện tuyệt vời của Jennifer Lawrence chắc chắn sẽ tặng cho khán giả một thông điệp sống hứng khởi về ý nghĩa của việc dám mơ ước, và dám chiến đấu đến cùng để hiện thực hóa mơ ước ấy.



=====
Bản đã được biên tập trên Zing.