some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

samedi 29 octobre 2016

Michael Moore in TrumpLand (2016)



Michael Moore in TrumpLand là tác phẩm mới nhất của Michael Moore, một trong những cái tên nổi bật nhất tại Hollywood của dòng phim tài liệu chính trị. Bộ phim đề cập tới đề tài nóng bỏng nhất tại thời điểm hiện tại của chính trị Hoa Kỳ - cuộc đua tới vị trí Tổng thống Hoa Kỳ giữa hai ứng cử viên Hillary Clinton của Đảng Dân chủ và Donald Trump của Đảng Cộng hòa. Được dàn dựng hết sức đơn giản thông qua một buổi nói chuyện của Moore với các cử tri tại thành phố nhỏ Newark bang Ohio, nơi đạo diễn ví là “Vùng đất của Trump” (“TrumpLand”) vì tỉ lệ bầu vượt trội cho ứng viên Đảng Cộng hòa tại vòng sơ loại, bộ phim đề cập tới những vấn đề nhức nhối của nước Mỹ, từ hiện tượng chia rẽ sâu sắc về chính trị, chủng tộc, và tôn giáo, tới tệ phân biệt đối xử với nữ giới, và kết thúc bằng lời đề nghị tha thiết các cử tri hay bỏ qua những khác biệt cá nhân để bầu cho Clinton “vì một nước Mỹ tốt đẹp hơn”. 

Bối cảnh đơn giản với rất ít chất “tài liệu”, có thể nói TrumpLand gần với các chương trình thời sự châm biếm vốn đang rất được ưa chuộng ở Hoa Kỳ như The Daily Show của kênh Comedy Central hay Last Week Tonight with John Oliver của kênh HBO, hơn là các bộ phim tài liệu hoàn chỉnh từng gây vang lớn của Michael Moore như Bowling for Columbine (2002), Fahrenheit 9/11 (2004), hay Sicko (2007). Nhưng tinh thần của TrumpLand vẫn đậm chất “nhập thế” của Michael Moore – sử dụng chất liệu điện ảnh tài liệu vừa để nói lên sự thật (theo cách nhìn của đạo diễn), vừa để khơi gợi khán giả Mỹ đứng lên hành động, thay đổi vì một nước Mỹ tốt đẹp hơn. Ngay từ tác phẩm đầu tay là Roger & Me (1989) làm về thực trạng công nhân lắp ráp ô tô bị sa thải hàng loạt tại quê nhà Flint bang Michigan, rồi sau đó là hai tác phẩm đoạt giải Oscar (Bowling for Columbine) và Cành cọ vàng (Fahrenheit 9/11), Michael Moore đã chứng tỏ ông vừa là một đạo diễn tài liệu xuất sắc với cách phỏng vấn, khai thác tư liệu, và dựng phim sáng tạo, vừa là một nhà hoạt động xã hội và chính trị tài ba với những thông điệp khơi gợi tinh thần phản kháng trong chính khán giả. Nhưng thành công nào cũng có hai mặt của nó, thông điệp chính trị gây tranh cãi khiến các bộ phim của Moore dần bị nhìn nhận là thiên lệch, hay nặng nề hơn là bóp méo sự thật và đi ngược lại tinh thần của dòng phim tài liệu – dòng phim mô tả sự thật. Các tác phẩm của Moore còn là nạn nhân của một nước Mỹ ngày càng chia rẽ về mặt lý tưởng chính trị và phân biệt giàu nghèo – nơi ngày càng nhiều khán giả sẵn sàng bỏ qua những tìm tòi đầy ý nghĩa của Michael Moore về thực trạng xã hội Hoa Kỳ chỉ bởi họ có quan điểm chính trị khác với tư tưởng thiên tả của đạo diễn. Có lẽ vì nhận ra điều này mà Moore đã lựa chọn cho TrumpLand hình thức tương tác trực tiếp giữa đạo diễn và khán giả tại một địa phương có lựa chọn chính trị hết sức khác biệt với lựa chọn của ông (điều thú vị là thành phố Newark thuộc Quận Clinton, và dù trùng tên với ửng cử viên tổng thống nữ đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ thuộc hai đảng lớn, nhưng Quận Clinton lại có tỉ lệ ủng hộ Hillary Clinton ở mức rất thấp). 

Tương tự như các tác phẩm trước đây của Michael Moore, TrumpLand chứa đựng những chi tiết đủ sức nặng để chạm tới cảm xúc của khán giả, từ việc Hillary Clinton đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, trở ngại, thậm chí là xúc phạm, đè nén để có được chỗ đứng như ngày hôm nay, cho tới việc có lẽ cả triệu người Mỹ đã được cứu sống nếu chính trị Mỹ chịu nghe theo đề nghị của Clinton từ hơn hai mươi năm trước. Nhưng cũng đúng như những lời chỉ trích mà Moore thường vấp phải, “TrumpLand” cũng mới chỉ đưa ra được bức tranh một chiều về thực tế chính trị và xã hội Hoa Kỳ khi bộ phim đưa ra lời giải thích thuyết phục – nhưng không đầy đủ về lý do tại sao một ứng cử viên đầy khiếm khuyết như Trump lại có thể vượt qua vòng sơ loại của Đảng Cộng hòa để đối đầu với Clinton – một ứng viên có lý lịch hoàn hảo nhưng lại không được lòng giới trẻ nước Mỹ. Điều này được thể hiện rõ qua việc Moore đặt nặng việc chỉ trích các phát ngôn gây tranh cãi của Trump, hay ca ngợi tinh thần kiên cường của Clinton trong giai đoạn đầy sóng gió khi bà giữ vai trò Đệ nhất phu nhân, thay vì tập trung phân tích luận cương tranh cử của hai người hay cách nhìn nhận của cử tri của cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa về các ứng cử viên của họ. Việc Michael Moore xóa bỏ khoảng cách giữa đạo diễn và khán giả thông qua không gian gần gũi của Nhà hát Midland lại Newark là một lựa chọn hợp lý khi ông thực sự là một người kể chuyện có duyên, lôi cuốn. Nhưng cách đề cập vấn đề chưa toàn diện đã khiến lựa chọn này của Moore không phát huy hết tác dụng, có lẽ bởi vậy mà kể cả khi bộ phim đi đến những phút cuối cùng, người ta vẫn dễ dàng nhận ra những nét mặt nghi ngờ, tỏ rõ sự bất phục giữa những khán giả trực tiếp ngồi nghe buổi nói chuyện của đạo diễn. Quả thực khó lòng có thể đối thoại và thuyết phục những người ủng hộ Donald Trump hay những cử tri còn nghi ngờ Clinton bỏ qua bất đồng để dồn phiếu cho ứng viên Đảng Dân chủ khi mà Moore xuyên suốt buổi nói chuyện luôn ví von một cách châm biếm những người bầu cho Trump là những con khủng long sắp tuyệt chủng “da trắng, nam giới, ghét phụ nữ, yêu súng, và kinh tế khó khăn” trong khi lại hoàn toàn không đề cập tới “vụ bê bối email” vốn là một trong những vết ố hiếm hoi trong bản lý lịch đầy ấn tượng của Clinton. Những hạt sạn về mặt nội dung như vậy, cùng thời lượng không dài (73 phút – thông thường các bộ phim của Moore dài trên dưới hai tiếng) và cách dựng phim ít chất tài liệu đã khiến TrumpLand trở nên thiếu đi phần nào sức nặng cảm xúc mà các tác phẩm trước đây của Michael Moore đã từng đem lại cho khán giả. 

Những người ủng hộ Clinton hẳn sẽ thích TrumpLand. Và bộ phim chắc chắn cũng không thu hút được nhiều khán giả từ “phe bên kia”. Nhưng với những người xem trung lập, hoặc đơn giản là những người đứng ngoài cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, thì có lẽ cảm giác chung với khi xem TrumpLand đó là nỗi buồn khi phải chứng kiến một nước Mỹ chia rẽ, một nước Mỹ nơi những người có lý tưởng chính trị khác biệt chẳng còn thể tìm thấy tiếng nói chung về mặt chính sách để xã hội Hoa Kỳ trở nên công bằng hơn cho phụ nữ, để những người bị bệnh không còn phải lo sợ lưỡi hái tử thần chỉ vì họ không có bảo hiểm. Michael Moore vẫn đầy nhiệt huyết, hoài bão, và lạc quan, ông vẫn kêu gọi mọi người hãy chung tay để làm nên một cuộc cách mạng mới, nhưng nhìn vào ánh mắt ông, nhìn vào cái cách ông châm biếm rằng “mình sẽ tự ứng cử năm 2020 nếu Clinton không giữ lời hứa của bà trong hai năm đầu nhậm chức”, có lẽ người đạo diễn 62 tuổi cũng đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi trong cuộc chiến với những chiếc cối xay gió bảo thủ đang ghìm lại đà tiến bộ của nước Mỹ mà ông yêu quý.

====

Bài đã biên tập trên Zing.vn.

mardi 11 octobre 2016

Under the Sun (2015)




Người ta kể lại rằng trong chuyến thăm đầu tiên của Fidel Castro tới Liên Xô năm 1963, ông được sắp xếp đi tham quan rất nhiều cơ sở văn hóa kinh tế khang trang được coi là đại diện cho sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội tại Liên Xô lúc bấy giờ. Trong một chuyến đi như vậy tại Leningrad (nay là Sankt-Peterburg), được một bé gái nhỏ nhắn đáng yêu tặng hoa, Fidel lập tức đề nghị được thăm nhà trẻ của cô bé. Đề nghị bất ngờ của lãnh tụ người Cuba khiến các quan chức địa phương bối rối, họ tìm mọi lý do để ngăn cản Fidel nhưng không thành công và cuối cùng buộc phải đưa ông tới một trường mẫu giáo hết sức khang trang của Leningrad nơi bé gái “theo học”. Gặp lại em bé tặng hoa cho ông mấy hôm trước, Fidel vui vẻ gợi ý rằng em hãy dẫn ông đi thăm trường và nhận được câu trả lời hết sức bất ngờ: “Cháu xin lỗi, cháu vẫn chưa quen đường ở đây, cháu mới ở đây được hai ngày”. Hóa ra cô bé là trẻ mồ côi tại một trại trẻ tồi tài hơn nhiều, và các quan chức địa phương buộc phải chuyển em tới ngôi “trường mới” đẹp đẽ này chỉ để gây ấn tượng với Fidel Castro.[1]
 

Hơn nửa thế kỷ sau câu chuyện kể trên của Fidel Castro, đạo diễn người Nga Vitaly Mansky quyết định kể lại câu chuyện tương tự về một bé gái Bắc Triều Tiên qua bộ phim tài liệu “Under the Sun” (2015). Bộ phim khắc họa lại cuộc sống thường nhật của cô bé học sinh Lee Zin-mi những ngày trước, trong, và sau khi cô bé được kết nạp vào Đội Thiếu niên Kim Nhật Thành vào đúng ngày Quang Minh Tinh kỉ niệm ngày sinh của cố lãnh tụ Kim Jong-il. Sinh ra trong một gia đình hết sức “cơ bản” của xã hội Bắc Triều Tiên với bố là kỹ sư trong một phân xưởng may và mẹ là công nhân xí nghiệp sữa đậu nành, Zin-mi cũng như rất nhiều đứa trẻ Bình Nhưỡng khác được thụ hưởng những điều kiện vật chất và tinh thần hết sức đầy đủ với trường học hiện đại, nhà văn hóa lộng lẫy, bệnh viện tiện nghi, và không thể không kể tới những bữa ăn hấp dẫn với món kim-chi bổ dưỡng. 


Nhưng cũng như câu chuyện của Fidel ở Leningrad, khán giả nhanh chóng nhận ra rằng cuộc sống của Lee Zin-mi giữa thủ đô Bình Nhưỡng đìu hiu không chỉ toàn một màu hồng. Không sử dụng lời dẫn, nhưng bằng những đoạn băng quay thừa “outtake” (vốn thường bị cắt bỏ trong các bộ phim tài liệu thông thường) và vài đoạn chú thích ngắn gọn, “Under the Sun” mang tới cho khán giả một bức tranh hoàn toàn khác về cuộc sống của Zin-mi nói riêng và xã hội Bắc Triều Tiên nói chung. Trái ngược với ý nghĩa của dòng phim tài liệu – mô tả sự thật, mọi hành vi, cử chỉ của các “nhân vật” trong “Under the Sun” đều phải tuân thủ theo kịch bản và sự chỉ đạo của các “đạo diễn” người Bắc Triều Tiên – những người sẵn sàng can thiệp, bắt các diễn viên của họ, kể cả cô bé Zin-mi, phải diễn đi, diễn lại nhiều lần tới khi họ hài lòng. Tất nhiên, như cô bé người Leningrad năm nào, Zin-mi cũng “được” các đạo diễn người Bắc Triều Tiên đưa vào không gian sống đẹp đẽ nhất, phản ánh rõ nhất sự “ưu việt” của chủ nghĩa Juche (“Chủ thể”) Bắc Triều Tiên tới mức mà cha mẹ của em phải chuyển từ nghề nghiệp thật của họ - một nhà báo và nhân viên nhà hàng sang những nghề nghiệp mang tính đại diện hơn cho nước Triều Tiên xã hội chủ nghĩa – kỹ sư và công nhân. Nhưng bất chấp những nỗ lực dàn dựng của giới chức Triều Tiên, người xem vẫn được thấy những căn phòng lạnh lẽo, những hành lang tối tăm không chút ánh đèn, và trên hết là những con người Triều Tiên mệt mỏi, bất lực dưới ánh Mặt Trời và hai bức tượng của lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.


Thật tình cờ là đạo diễn của “Under the Sun” Vitaly Mansky sinh đúng vào năm Fidel Castro thăm Liên Xô - năm 1963. Trải qua những năm tháng sống trong lớp màn tuyên truyền màu hồng của Liên Xô, Mansky quyết tâm làm một bộ phim miêu tả chân thực cuộc sống, xã hội, và nhất là con người tại đất nước bí ẩn nhất thế giới bằng cách bỏ ra hẳn hai năm ròng rã để xin chính quyền Bắc Triều Tiên cho phép ông tới Bình Nhưỡng để quay lại cuộc sống của em học sinh Lee Zin-mi. Được giới chức Triều Tiên bật đèn xanh, nhưng Mansky và đoàn làm phim của ông phải tuân thủ theo những điều kiện kiểm duyệt ngặt nghèo như chỉ quay theo “kịch bản”, nhân vật và bối cảnh được duyệt trước, đồng thời mọi thước phim đã quay đều phải được phía Triều Tiên kiểm tra và biên tập cắt bỏ nếu cần thiết. Nhưng với lòng dũng cảm của những người làm nghệ thuật chân chính, cộng thêm các thủ thuật nghề nghiệp như bấm máy quay khi các “đạo diễn” người Triều Tiên lơi là kiểm soát và sử dụng thẻ nhớ phụ để lưu lại những thước phim không bị kiểm duyệt, Vitaly Mansky đã thành công trong việc đưa tới khán giả một hình ảnh Triều Tiên rất khác với những gì giới chức nước này mong muốn khi mời đạo diễn người Nga tới Bình Nhưỡng. Chẳng cần tới lời dẫn, những trường đoạn dài đằng đẵng nối tiếp nhau mô tả các “đạo diễn” Triều Tiên bắt “diễn viên” của họ diễn đi diễn lại các động tác, lời thoại tô hồng lãnh tụ và tinh thần Juche của “Under the Sun” là quá đủ để khán giả cảm nhận sự dị dạng của xã hội Triều Tiên và cuộc sống tinh thần bị đè nén đến nghẹt thở của những người dân nước này. Bộ phim chứa đựng nhiều hình ảnh đắt giá giải thích cho phương thức tuyên truyền, nhồi nhét của giới chức Triều Tiên cho trẻ em, từ những mẩu chuyện chất chứa đầy thù hận đối với nước Mỹ và chính phủ “bù nhìn” Hàn Quốc mà các em phải học thuộc lòng, cho tới biểu tượng vũ khí hạt nhân gắn trên đầu các nghệ sĩ nhí trong buổi biểu diễn-không khán giả. Xem xong phim, chắc hẳn nhiều người sẽ phải rùng mình khi nhận ra rằng với một nền giáo dục biến dạng một cách có hệ thống như vậy, những hình ảnh khó tin về “tình yêu” của người Triều Tiên dành cho lãnh tụ của họ trên các chương trình thời sự không còn quá khó tin. Với phần lớn bối cảnh được thực hiện giữa rừng bê tông tráng lệ nhưng lạnh lẽo của thủ đô Bình Nhưỡng, “Under the Sun” tạo cho người xem cảm giác họ đang được xem một phiên bản điện ảnh của tiểu thuyết viễn tưởng nổi tiếng “Một chín tám tư” của nhà văn George Orwell thay vì một bộ phim tài liệu về đất nước Triều Tiên của hiện tại. 


Tuy “Under the Sun” đã rất thành công trong việc truyền tải không khí áp bức, đè nén của Bình Nhưỡng ra thế giới thông qua phần hình ảnh và âm nhạc đầy ấn tượng, nhưng cũng có thể thấy rằng gọng kìm kiểm duyệt gắt gao của giới chức Triều Tiên đã khiến Vitaly Mansky không có nhiều lựa chọn về mặt hình ảnh và nội dung cho bộ phim của ông. Sự lặp đi lặp lại của mô-típ đạo diễn Triều Tiên can thiệp vào cảnh quay cũng khiến khán giả dễ cảm thấy nhàm chán khi không tìm thấy nhiều cái mới trong một bộ phim dài tới một tiếng bốn mươi phút nếu so với những gì đã được báo đài phương Tây mô tả về Bắc Triều Tiên. Tất nhiên, không ai có thể cầm lòng trước sự vẻ trong trẻo, ngây thơ, hay những giọt nước mắt buồn bã của Zin-mi và các bạn của em, và hẳn nhiều người cũng đồng tình với nhận xét của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sau khi xem xong phim vào ngày Thiếu nhi Hàn Quốc (ngày 5 tháng 5) rằng: “Tôi cảm thấy rằng chúng ta cần quan tâm tới trẻ em Bắc Triều Tiên – những đứa trẻ đang phải sống không có mơ ước trong hoàn cảnh cơ cực kể cả trong ngày Thiếu nhi này”.[2] Tuy vậy, tương tác hết sức hạn chế giữa đoàn làm phim của Mansky và đối tượng của bộ phim, đặc biệt là Zin-mi, cũng làm thông điệp của bộ phim thiếu đi phần nào sức thuyết phục, bởi giới chức Triều Tiên hoàn toàn có thể lý luận rằng không phải họ, mà chính Vitaly Mansky mới cố tình “lợi dụng” sự ngây thơ của Zin-mi và dàn dựng bộ phim theo ý đồ chính trị của ông. Sự thật thuộc về Mansky hay chính quyền Triều Tiên, hẳn mỗi khán giả sẽ có câu trả lời cho riêng mình, nhưng ánh mắt vô hồn, buồn bã của người dân Bình Nhưỡng trong những bức hình gia đình chụp kỉ niệm ngày sinh lãnh tụ của họ, hay những bậc cầu thang âm u không chút ánh sáng vì thiếu điện, những chi tiết đó chẳng ai có thể dàn dựng được. 


Dựa vào phản ứng tích cực của công chúng và báo giới, Vitaly Mansky có lẽ đã thành công với ý định của ông khi bắt tay vào thực hiện “Under the Sun”. Tuy nhiên, bộ phim càng thành công thì chắc chắn khe cửa của bộ máy kiểm duyệt Hàn Quốc dành cho các nhà làm phim trong tương lai sẽ càng hẹp lại bấy nhiêu. Bởi vậy, những thước phim của “Under the Sun” càng đáng được trân trọng, bởi chẳng thể biết được đến khi nào khán giả mới lại được xem những hình ảnh chân thực đến vậy về đất nước, con người Triều Tiên, và quan trọng hơn, chẳng ai có thể chắc chắn rằng sự ngây thơ của Zin-mi và những cô bé, cậu bé đồng lứa của em sẽ còn tồn tại được bao lâu trong cái không khí ngột ngạt, biến thái “dưới ánh Mặt Trời Juche”.

===



[1] https://www.rt.com/news/355819-fidel-castro-ussr-visit/
[2] https://www.nknews.org/2016/05/n-korean-media-slams-critical-russian-film/

lundi 3 octobre 2016

Florence Foster Jenkins (2016)


Trong giới thượng lưu và mộ điệu âm nhạc ở thành phố phồn hoa New York những năm đầu Thế chiến thứ hai, Florence Foster Jenkins (Meryl Streep) là cái tên có lẽ ai cũng biết tới qua vai trò người chủ trì các cuộc hội ngộ của người yêu nhạc và cũng là người đóng vai chính cho những hoạt cảnh đậm chất nhạc kịch trong các buổi gặp gỡ đó. Được thừa hưởng gia tài kếch xù từ người bố - một người không muốn con gái mình theo nghiệp cầm ca, Florence quyết tâm đi ngược lại ý cha để dành toàn tâm toàn ý cho âm nhạc, cả với tư cách một “Mạnh Thường Quân” của các sự kiện âm nhạc, và với tư cách một ca sĩ opera nghiệp dư. Florence không cô đơn trên con đường đeo đuổi ước mơ âm nhạc, bên cạnh bà luôn có người chồng tận tuỵ St. Clair Bayfield (Hugh Grant) và anh chàng nghệ sĩ piano trẻ tuổi Cosmé McMoon (Simon Helberg). Dù luôn qua đêm ở nhà cô bạn gái bí mật Kathleen Weatherley (Rebecca Ferguson) nhưng ban ngày ông Bayfield luôn dành mọi tâm sức chiều chuộng, chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho Florence cũng như tìm cho bà vợ mê nhạc của mình những huấn luyện viên thanh nhạc tốt nhất có thể. Còn về phần McMoon, tuy luôn nhút nhát và rụt rè vì xuất thân kém cỏi từ bang Texas xa xôi, nhưng anh chàng nhạc công trẻ tuổi với ngón đàn mềm mại lại là nguồn cảm hứng vô tận cho Florence trau dồi giọng hát của bà để chờ cơ hội toả sáng. Với đủ mọi điều kiện về vật chất và tinh thần như vậy, tưởng như hào quang sân khấu chỉ còn cách Florence một bài ca, một nốt nhạc. Nhưng hoá ra đó lại chính là thứ duy nhất bà không hề có. Không có khả năng thẩm âm, quý bà mê hát không nhận ra rằng những nốt cao vút vốn xuất hiện dày đặc trong các bản nhạc opera là hoàn toàn quá sức đối với cái cổ họng vô cùng yếu đuối của mình. Lo sợ người vợ nhiều bệnh tật của mình bị sốc nếu biết bà hoàn toàn vô vọng về mặt âm nhạc, ông Bayfield với sự giúp sức của McMoon không tiếc tiền của và công sức cách ly Florence khỏi sự thật, khỏi những lời gièm pha của người đời. Nhưng trớ trêu thay, càng che giấu bao nhiêu thì Florence Foster Jenkins lại càng muốn chia sẻ “tài năng” của bà với công chúng, đặc biệt là với những người lính Mỹ đang phải chiến đấu bảo vệ đất nước. Theo lẽ thường thì cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra, liệu ông Bayfield có thể mãi mãi bảo vệ vợ khỏi sự thật, và liệu nếu cái ngày phải đối diện với sự thật ấy sẽ xảy ra, tâm hồn đầy những nốt nhạc của Florence sẽ phản ứng thế nào?

Ngay khi đọc phần tóm tắt nội dung ở trên về bộ phim Florence Foster Jenkins của đạo diễn Stephen Frears, hẳn nhiều người sẽ chú ý ngay tới việc nữ diễn viên được giao vai diễn trung tâm của phim – quý bà mê hát Florence là ngôi sao gạo gội Meryl Streep, người đang giữ kỉ lục về số lần được đề cử giải Oscar hạng mục diễn xuất với 19 lần. Không phụ sự trông đợi của khán giả, Streep đã lại một lần nữa chứng tỏ khả năng nhập vai hiếm có của mình trong vai diễn một người phụ nữ có tâm hồn nghệ thuật hết sức đẹp đẽ nhưng lại sở hữu giọng hát khiến nhiều khán giả phải cảm thấy kinh hoàng. Đặc biệt với những ai đã từng được chứng kiến tài nghệ ca hát và nhảy múa tuyệt vời của Meryl Streep trong Mamma Mia! (2008), hẳn không ai có thể ngờ được rằng bà lại có thể lột bỏ lớp áo quyến rũ ấy để hoá thân thành một người phụ nữ vụng về, xập xệ với những nốt hát kinh khủng không chỉ đối với các khán giả-nhân vật trong phim, mà đối với cả những khán giả của Florence Foster Jenkins. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc khắc hoạ vẻ bề ngoài và các ứng xử đầy lập dị của Florence, Meryl Streep còn hết sức thành công trong việc giúp khán giả dần cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của một người phụ nữ yêu âm nhạc, yêu cuộc sống, yêu những người xung quanh bằng tấm lòng chân thành, không giả dối, không tính toán. Tuy không khí chủ đạo của Florence Foster Jenkins là những sự hài hước đậm chất châm biếm, chua cay với những nốt cao “phô” như giọng hát của Florence, nhưng chính nhờ diễn xuất dị biệt nhưng vẫn đầy chất nội tâm của Meryl Streep mà bộ phim vẫn chứa đựng những nốt trầm giàu cảm xúc khiến khán giả phải suy ngẫm. Với vai diễn hết sức thành công này, Meryl Streep sẽ có rất nhiều cơ hội để kéo dài chuỗi kỉ lục đề cử giải Oscar của mình lên con số 20.

Cuộc đời nhiều phần viên mãn của Florence không thể không kể tới đóng góp từ sự tận tuỵ của người chồng St. Clair Bayfield, và trong thành công của Florence Foster Jenkins người xem cũng không thể không nhắc tới vai trò của Hugh Grant, người thủ vai Bayfield. Từng rất thành công trong hình tượng người đàn ông lịch lãm, lúng túng vụng về nhưng không kém phần đa tình lãng mạn trong các tác phẩm như Four Weddings and a Funeral (1994) hay Love Actually (2003), Hugh Grant là lựa chọn không thể tốt hơn cho Bayfield. Với ánh mắt luôn chứa đầy sự chìu mến và lo lắng dành cho vợ, cùng diễn xuất hết sức kìm nén trong vai trò của một người luôn đứng trong bóng tối nơi cánh gà, Hugh Grant đã khắc hoạ thành công sự đa chiều về tính cách và cảm xúc của Bayfield nhưng cũng lại không lấy đi chút ánh sáng sân khấu nào của Florence - Meryl Streep ở vị trí trung tâm của bộ phim. Điều đáng tiếc là ngoại trừ Florence và Bayfield, tuyến nhân vật phụ của Florence Foster Jenkins không thực sự gây ấn tượng. Do thiếu sự chăm chút của kịch bản phim về mặt phát triển tính cách nhân vật, cũng như không thực sự có nhiều đất diễn, các diễn viên có thực lực như Rebecca Ferguson, ngôi sao mới nổi của Mission Impossible – Rogue Nation, hay Simon Helberg, cái tên quen thuộc của loạt phim truyền hình The Big Bang Theory, đều chưa bộc lộ được hết khả năng diễn xuất của mình.

Trong thế giới phim Hollywood, nơi nữ quyền chưa thực sự chiếm ưu thế, thì một bộ phim lấy phụ nữ làm trung tâm như Florence Foster Jenkins khó có thể thành công nếu không có bàn tay của một đạo diễn am hiểu, và trân trọng phụ nữ cũng như các nhân vật nữ. Rất may cho các nhà sản xuất phim, và cho khán giả của phim, là đạo diễn Stephen Frears hoàn toàn xứng đáng trong vai trò này khi ông đã từng rất thành công trong các bộ phim lấy đề tài về số phận người phụ nữ độc lập giữa sóng gió biến động của cuộc đời như The Queen (2006, bộ phim đã đem lại cho Helen Mirren giải Oscar đầu tiên cho vai diễn Nữ hoàng Elizabeth II), hay Philomena (2013). Có thể nói việc lấy dư vị hài hước, châm biếm làm không khí chủ đạo cho bộ phim của Frears là một lựa chọn tương đối mạo hiểm vì nếu Florence Foster Jenkins chứa đựng quá nhiều chi tiết hài hước xoay quanh hình ảnh đôi phần dị biệt của nữ nhân vật chính thì khán giả sẽ khó lòng nhận ra những thông điệp ngầm tưởng như cay đắng nhưng lại hết sức ý nghĩa của bộ phim về số phận của một người phụ nữ phải cố hết sức chiến đấu bên bờ ảo vọng như Florence. Đứng ở ranh giới giữa một bộ phim hài thường thường bậc trung và một tác phẩm bi hài nhiều lớp nghĩa, Frears đã hết sức tinh tế trong việc gợi mở dần các lớp màn che phủ con người thật của Florence Foster Jenkins, để rồi khiến khán giả từ chỗ bối rối trong việc nhận định về nhân vật Florence ở đầu phim, tới trân trọng những nỗ lực của bà ở cuối phim (dù vẫn phải nhăn mặt khi phải nghe những nốt cao váng óc của Florence). Thêm vào đó, Florence Foster Jenkins và đạo diễn Stephen Frears còn thành công ở một khía cạnh khác, đó là việc bộ phim thực sự đã tạo dựng được hình ảnh và không khí lịch sử đầy màu sắc và biến động của thành phố New York những năm đầu Chiến tranh thế giới thứ hai, khi mà xã hội Mỹ dù hết sức yêu thích nghệ thuật, yêu thích ánh đèn phù hoa của sân khấu, nhưng lại cũng không thể quên rằng bên kia bờ đại dương con em họ đang phải chiến đấu một mất một còn với kẻ thù Phát xít. Và tất nhiên một bộ phim về âm nhạc cũng không thể thành công nếu không có phần nhạc phim xuất sắc, điều mà nhà soạn nhạc tên tuổi Alexandre Desplat đã lại một lần nữa chứng minh được với công chúng qua Florence Foster Jenkins.


Không biết có phải là một sự tình cờ mà chỉ vừa mới năm ngoái thôi, điện ảnh Pháp cũng vừa cho ra đời một tác phẩm lấy cảm hứng từ cuộc đời của Florence Foster Jenkins, đó là bộ phim Marguerite của đạo diễn Xavier Giannoli. Được coi là một trong những phim Pháp ấn tượng nhất năm 2015, Marguerite đã đem lại cho nữ diễn viên gạo cội Catherine Frot, người thủ vai người đàn bà mê hát, giải César (“giải Oscar của điện ảnh Pháp”) vai nữ chính đầu tiên. Cũng kể về số phận một người phụ nữ yêu thích nghệ thuật và âm nhạc nhưng lại sở hữu giọng hát gây ác mộng với thính giả, nhưng khác với bộ phim của đạo diễn Stephen Frears, Marguerite được đặt trong bối cảnh đậm màu ảo mộng và cũng chất chứa nhiều bi thương, cay đắng hơn không gian nhiều tiếng cười của Florence Foster Jenkins. Tuy nhiên, cả hai tác phẩm đều có một điểm chung, đó là khi xem xong phim hẳn khán giả sẽ hỏi: “Thành công là đủ khả năng biến giấc mơ thành sự thật, hay chỉ đơn giản là dám mơ ước, là dám chiến đấu đến cùng để theo đuổi mơ ước đó?”. Chứng kiến nụ cười thanh thản luôn nở trên môi Florence, chắc nhiều người cũng đã tìm được một câu trả lời thoả đáng cho mình.

=======