some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

lundi 17 février 2020

Parasite (2019) - How does its win affect Korea?



Với những khán giả yêu điện ảnh thế giới nói chung, chiến thắng ngày vang dội của đạo diễn Bong Joon-ho và bộ phim mới nhất của ông Ký sinh trùng trong Lễ trao giải Oscar lần thứ 92 ngày hôm qua với 4 tượng vàng, trong đó có tượng vàng quan trọng nhất ở hạng mục Phim hay nhất chắc chắn là một tin vui không chỉ vì Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ đã vinh danh cách làm phim thông minh, phi truyền thống theo màu sắc rất Hàn Quốc thay vì lựa chọn thông thường với các bộ phim sử thi về chiến tranh, về xã hội, về lịch sử nước Mỹ như 1917, Marriage Story, hay The Irishman. Nhưng với đất nước Hàn Quốc, có lẽ đây là một thời khắc lịch sử mà không chỉ giới điện ảnh, mà cả xã hội Hàn Quốc đã mong chờ từ rất lâu sau vô số những nỗ lực vượt bậc từ kinh tế tới văn hoá. Dù Samsung từ lâu đã sánh vai với Apple trong thị trường hàng tiêu dùng điện tử, những chiếc xe Hyundai hay Kia đang lăn bánh ngày một nhiều trên mọi nẻo đường từ châu Âu tới nước Mỹ, nhưng cả giới lãnh đạo và người dân Hàn Quốc từ rất lâu vẫn tin rằng đất nước Hàn Quốc chỉ có thể thực sự sánh vai cùng các cường quốc trong khu vực – đặc biệt là với người hàng xóm Nhật Bản khi mà nền văn hoá, những giá trị truyền thống của đất nước này được thế giới biết đến, tôn trọng, và yêu thích.

Trong lĩnh vực âm nhạc, tham vọng này của Hàn Quốc được thể hiện rất rõ qua việc xuất khẩu dòng nhạc k-pop với những giai điệu bắt tay và các nhóm nam, nhóm nữ có vẻ ngoài cũng như kỹ năng nhảy hoàn hảo. Sau gần một phần tư thế kỷ, chiến lược dài hạn này của Hàn Quốc đã giúp “Làn sóng Hàn” hay “Hàn lưu” (Hallyu) có được vị trí vững chắc ở khắp khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Trung Cận Đông. Tưởng như ca khúc Gangnam Style của Psy đã là đỉnh cao của Hallyu khi trong một thời gian ngắn trở thành ca khúc nổi bật nhất Internet với cả tỷ lượt xem trên YouTube. Nhưng kể từ khi nhóm nhạc nam BTS công phá thành công thị trường Hoa Kỳ từ khoảng 3 năm trở lại đây, thì k-pop từ một thể loại nhạc chỉ chiếm thiểu số nay mới thực sự có được chỗ đứng vững chắc ở các thị trường lớn của Mỹ - Âu với rất nhiều cái tên thường xuyên xuất hiện trên truyền hình Hoa Kỳ hay bán sạch vé ở các đêm nhạc tổ chức tại sân vận động với hàng vạn người xem như BTS, Blackpink, NCT 127.

Nhưng k-pop xét cho cùng với người dân Hàn Quốc chỉ là nhạc giải trí thuần tuý. Ngay ở chính Hàn Quốc thì các ngôi sao k-pop cũng không hẳn đã được người dân Hàn Quốc nâng niu như những ngôi sao opera và nhạc cổ điển như Jo Sumi, Kun-Woo Paik và chỉ đến khi BTS gây dựng được tên tuổi tại thị trường Hoa Kỳ thì cả chính phủ và người dân Hàn Quốc mới thực sự nhận ra rằng hoá ra k-pop hoàn toàn có khả năng đem quyền lực mềm của đất nước này lan toả đến mọi ngóc ngách của thế giới. Nhưng với một quốc gia coi trọng danh hiệu và thể diện như Hàn Quốc, thì thành công của BTS với giới trẻ toàn cầu chưa hẳn đã là đủ bởi họ chưa đem về được cho đất nước này những giải thưởng tầm cỡ như Giải Grammy trong âm nhạc hay giải Man Booker Quốc tế trong văn học – giải thưởng mà nữ nhà văn được Hàn Quốc coi là “quốc bảo” Han Kang đã giành được vào năm 2016. Điện ảnh chính là lĩnh vực người Hàn đặt rất nhiều niềm tin trong vòng ba thập niên qua trong khía cạnh này, đặc biệt là từ khi Oldboy của đạo diễn Park Chan-wook giành được Giải thưởng lớn – giải thưởng cao quý thứ hai của Liên hoan phim Cannes năm 2003. Nhưng trong suốt gần hai thập niên kể từ sau thành công của Oldboy, điện ảnh Hàn ở tầm quốc tế cũng chỉ có được một số thành tựu trong việc “xuất khẩu” các đạo diễn hàng đầu của họ sang Hollywood như Park Chan-wook, Bong Joon-ho, hay Kim Jee-woon với các sản phẩm dù không thất bại nhưng cũng không đạt được quá nhiều tiếng vang. Đỉnh cao nhất trong các nỗ lực của các nhà làm phim Hàn có lẽ là giải Sư tử vàng – giải cao quý nhất tại Liên hoan phim Venice của đạo diễn Kim Ki-duk cho bộ phim Pietà. Tuy nhiên với tính cách không được lòng người Hàn, lại là tác giả của nhiều bộ phim gây tranh cãi, trong đó có Pietà, chẳng mấy người Hàn Quốc cảm thấy vui vì chiến thắng của đạo diễn dị nhân Kim Ki-duk. 

“Ký sinh trùng” là một trường hợp rất khác. Đạo diễn Bong Joon-ho và nam diễn viên chính của phim Song Kang-ho từ lâu đã được coi là đạo diễn và diễn viên “quốc dân” của người Hàn với rất nhiều những bộ phim ăn khách như The Host (2006). Phim của Bong, do Song đóng chính luôn được lòng người Hàn vì đậm chất Hàn Quốc, nói rất nhiều về lịch sử, văn hoá, và những khía cạnh sâu thẳm trong lòng người dân đất nước này với các tác phẩm xuất sắc như Memories of Murder (2003), The Host và Mother (2009). Ký sinh trùng – một bộ phim đặc chất Bong Joon-ho đã làm nên lịch sử khi giành cả giải Cành cọ vàng đầu tiên cho Hàn Quốc tại Liên hoan phim Cannes và bây giờ là giải Phim hay nhất tại giải Oscar – chiến thắng đầu tiên của một bộ phim nói tiếng nước ngoài trong lịch sử 92 năm của giải thưởng này - kỳ tích mà chưa một cường quốc điện ảnh Á Đông hay châu Âu nào làm được, kể cả người hàng xóm Nhật Bản. 

Người Hàn Quốc hẳn đang rất tự hào vì Ký sinh trùng. Không chỉ bởi tác phẩm này đã giới thiệu được chất Hàn Quốc đậm đặc trong điện ảnh đến với công chúng thế giới để họ không chỉ yêu thích mà còn thấy trân trọng. Hơn thế, tượng vàng Oscar này của Ký sinh trùng đã tiếp thêm cho Hàn Quốc niềm tin rằng họ thực sự đã sánh vai được với các cường quốc văn hoá khác trên thế giới, và Làn sóng Hàn – quyền lực mềm của đất nước Hàn Quốc sẽ không chỉ là một hiện tượng nhất thời mà sẽ có chỗ đứng vững bền trong đời sống tinh thần của người dân nhiều nước – điều mà khi bắt đầu dân chủ hoá những năm đầu thập niên 1980 những người Hàn Quốc lạc quan nhất có lẽ cũng không thể nghĩ tới. 

=========

Parasite (2019) - Tại sao, Oscar?



Một bên là tác phẩm sử thi về “Cuộc chiến vĩ đại” – Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đến từ vị đạo diễn người Anh từng giành giải Oscar cho phim hay nhất ngay với tác phẩm đầu tay và được quay bởi một trong những tên tuổi quan trọng nhất của giới quay phim Hollywood. Một bên là một bộ phim của Hàn Quốc, lấy bối cảnh Hàn Quốc, sử dụng tiếng Hàn, đến từ một đạo diễn chưa từng bao giờ được đề cử ở giải Oscar. Liệu tác phẩm nào trong số này sẽ là người chiến thắng trong các giải thưởng “Phim hay nhất” của mùa giải thưởng điện ảnh 2019? Với cái gu trao giải vốn có của giới điện ảnh Âu – Mỹ, có lẽ nhiều người sẽ lựa chọn tác phẩm đầu tiên, và thực tế cũng đã cho thấy rằng tác phẩm này – bộ phim 1917 của đạo diễn người Anh Sam Mendes đã vượt qua bộ phim Hàn Quốc Ký sinh trùng ở gần như toàn bộ các giải thưởng tiền Oscar quan trọng nhất như Giải Quả cầu vàng, Giải BAFTA của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh Quốc, giải Phim hay nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất điện ảnh Hoa Kỳ (PGA). Bởi thế mà không chỉ người hâm mộ và các nhà báo về điện ảnh, mà đến chính giới cá cược cũng không đánh giá cao Ký sinh trùng bằng 1917 trong cuộc đua tới giải thưởng quan trọng nhất năm của điện ảnh thế giới – Giải Oscar cho phim hay nhất. Theo trang tổng hợp cá cược Vegas Insider, nếu đặt cược 100 đô la Mỹ vào việc 1917 giành giải thì bạn sẽ chỉ có thêm được 20 đô la Mỹ nếu bộ phim này thực sự chiến thắng, còn nếu Ký sinh trùng là lựa chọn đúng của bạn, thì 100 đô la đặt cược sẽ mang lại cho bạn tới 300 đô la Mỹ. 

Vậy mà bất chấp mọi dự đoán và lịch sử trao giải của chính giải Oscar, Ký sinh trùng của đạo diễn người Hàn Quốc Bong Joon-ho đã vượt qua 1917 để trở thành tác phẩm nói tiếng nước ngoài đầu tiên giành được Giải Oscar cho phim hay nhất – một kỳ tích mà 10 tác phẩm nói tiếng nước ngoài khác từng được đề cử ở hạng mục này không thể làm được dù cho đó là những tác phẩm thuộc dạng kinh điểm của điện ảnh thế giới như La Grande Illusion (1938) và Z (1969) của Pháp, Life Is Beautiful (1998) của Ý, hay Ngọa Hổ Tàng Long (2000) của Đài Loan. Điều gì đã làm nên thành công bất ngờ của Ký sinh trùng? Trước tiên bất ngờ này có thể đến từ chính Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) – cơ quan chủ quản của Giải Oscar. Sau vài năm liên tục nhức đầu vì việc phải lựa chọn các tác phẩm “vị nghệ thuật” hay “vị nhân sinh” trong bối cảnh xã hội và chính trị nước Mỹ có nhiều biến động và chia rẽ, có lẽ bản thân các thành viên của Viện Hàn lâm – những người được quyền bỏ các lá phiếu cuối cùng chọn phim chiến thắng cũng muốn tìm kiếm một cái gì đó mới mẻ từ các cái tên tranh giải, đặc biệt là sau một năm giải Oscar gây thất vọng lớn cho công chúng với việc chọn Green Book (2018) – một tác phẩm không nổi trội nhưng lại phù hợp với các trào lưu đòi bình quyền đang diễn ra sôi nổi ở Hoa Kỳ làm cái tên chiến thắng cuối cùng. Nếu so với bộ phim xuất sắc nhưng rất “truyền thống” là 1917 thì rõ ràng Ký sinh trùng quá sức mới mẻ với cách tiếp cận thông minh, giàu chất ẩn dụ về một vấn đề xã hội mang tính phổ quát – mâu thuẫn giai cấp trong một xã hội tư bản hiện đại và thịnh vượng. Hơn thế nữa, nếu chưa từng xem các tác phẩm tiêu biểu của dòng phim trinh thám và film noir Hàn Quốc như The Quiet Family (1998) của Kim Jee-woon hay Memories of Murder (2003) của chính Bong Joon-ho, hẳn nhiều thành viên của AMPAS cũng cảm thấy bất ngờ với cách xây dựng nhân vật và tạo dựng kịch tính của truyện phim thông qua vô số nút thắt mở không ai có thể lường trước của đạo diễn 50 tuổi người miền Nam Hàn Quốc. Tính mới chính là thế mạnh vượt trội của Ký sinh trùng so với cả 8 tác phẩm nghiêm cẩn nhưng không quá đột phá của hạng mục Phim hay nhất giải Oscar năm nay, và có lẽ chính tính mới này đã đẩy cán cân ủng hộ của AMPAS nghiêng về phía tác phẩm của đạo diễn Bong Joon-ho trong những phút cuối cùng. Ở đây, khán giả cũng có thể phỏng đoán rằng việc trao giải thưởng lớn nhất cho một tác phẩm phần nào đó đại diện cho cộng đồng thiểu số trong xã hội Mỹ - những người gốc Á như Ký sinh trùng cũng là một quyết định hợp lòng của AMPAS trong bối cảnh dù đã rất cố gắng nhưng đến tận lễ trao giải năm nay giải Oscar vẫn bị chỉ trích là “toàn da trắng”, “toàn nam giới” – “thương hiệu” mà không thành viên nào của Viện Hàn lâm còn muốn dính dáng trong bối cảnh giới điện ảnh Hollywood luôn là những người đi đầu trong các phong trào xã hội hiện đại của Hoa Kỳ.

Lời giải thích thứ hai cho chiến thắng đầy ngạc nhiên của Ký sinh trùng có lẽ nằm ở ảnh hưởng ngày càng lớn của văn hóa Hàn Quốc trên thế giới nói chung và trong chính lòng nước Mỹ nói riêng. Ở mặt trận điện ảnh, Hàn Quốc là một trong những quốc gia “xuất khẩu” đạo diễn hàng đầu ở Hollywood với việc bộ ba Park Chan-wook, Bong Joon-ho, và Kim Jee-won – những đạo diễn có cách làm phim hết sức hiện đại sau khi gây dựng được sự nghiệp ở quê hương đã dần tạo được tên tuổi ở xứ cờ hoa sau những thành công nhất định cả về mặt nghệ thuật và doanh thu. Sau khi giành Giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Cannes – một trong những giải thưởng điện ảnh lớn nhất của Hàn Quốc ở tầm quốc tế với Oldboy (2003), Park Chan-wook đã lấn sân sang Hollywood với tác phẩm nói tiếng Anh, sử dụng các ngôi sao Hollywood là Stoker (2013) trước khi quay trở về Hàn Quốc thực hiện bộ phim đậm chất Hàn The Handmaiden nhưng vẫn được công chúng Mỹ hết sức yêu thích. Bậc thầy phim xã hội đen Hàn Quốc Kim Jee-woon sau khi cho ra đời một loạt các tác phẩm “toàn Hàn Quốc” được người yêu điện ảnh hành động ca ngợi như A Bittersweet Life (2005) và I Saw the Devil (2010) cũng được hãng Lionsgate tín nhiệm giao đạo diễn bộ phim hành động The Last Stand với sự xuất hiện của hai ngôi sao Arnold Schwarzenegger và Johnny Knoxville. “Đi sau” nhưng lại “đến đích trước”, Bong Joon-ho sau nhiều năm được coi là ông vua phòng vé của Hàn Quốc với Memories of Murder (2003) và The Host (2006) mới bắt đầu tạo dựng tên tuổi của mình ở các liên hoan phim quốc tế với với Mother (2009) và sau đó 10 năm là Ký sinh trùng – tác phẩm giành về cho Hàn Quốc Giải Cành cọ vàng đầu tiên tại Liên hoan phim Cannes. Sau khi hợp tác với Park Chan-wook trong tác phẩm hành động lấy bối cảnh thời hậu tận thế Snowpiercer (2013) – bộ phim tương đối thành công về doanh thu và gây ảnh hưởng tới mức một loạt phim truyền hình cùng tên lấy cảm hứng từ bộ phim này sẽ được hãng TNT của Hoa Kỳ phát trong năm 2020, Bong Joon-ho đã được hãng Netflix mời thực hiện bộ phim khoa học giả tưởng Okja (2017) – một trong những tác phẩm gốc được đánh giá cao của Netflix. Khác với những cái tên gốc Hàn nhưng tạo dựng tên tuổi hoàn toàn ở Hoa Kỳ như Jennifer Yuh (đạo diễn của Kung Fu Panda 2, Kung Fu Panda 3, và The Darkest Minds), Steven Yeun (ngôi sao gắn liền với thành công của The Walking Dead), hay Sandra Oh (tên tuổi lớn của loạt phim truyền hình Grey's Anatomy), Park Chan-wook, Bong Joon-ho, hay Kim Jee-won theo thời gian đã làm được một kì tích đó là giúp công chúng Hoa Kỳ - những người vốn không thực sự cởi mở với các tác phẩm nghệ thuật mang đậm chất địa phương của các quốc gia khác dần cảm và hiểu được chất Hàn Quốc trong các bộ phim dù là sản xuất ở Hàn Quốc hay Hoa Kỳ của các đạo diễn này. Thất bại toàn diện năm 2013 của đạo diễn tên tuổi Spike Lee khi cố làm lại Oldboy của Park Chan-wook lại càng cho người Mỹ thấy rằng cái chất Hàn Quốc, cái chất Á Đông không phải là thứ dễ dàng “làm lại” hay mô phỏng nếu thiếu sự thấu hiểu, sự tinh tế vốn đã ăn vào máu của những người Hàn Quốc 100% như Park, như Bong, như Kim. Bởi vậy sẽ là không ngoa khi đưa ra nhận xét rằng thành công hiện tại của Ký sinh trùng chính là đỉnh điểm thăng hoa của một quá trình tích lũy lâu dài đến từ bộ ba Park Chan-wook, Bong Joon-ho, và Kim Jee-won tương tự như cái cách “Ba người bạn Mexico” Alfonso Cuarón, Alejandro González Iñárritu và Guillermo del Toro đã chinh phục Hollywood trong vòng 3 thập niên trở lại đây.

Cuối cùng, dù tương đối khác nhau nhưng giới quan sát vẫn hoàn toàn có thể sự trùng lặp giữa việc Ký sinh trùng gây tiếng vang cả trong phòng vé (doanh thu bộ phim trên toàn thế giới đã lên tới trên 160 triệu, trong đó có trên 35 triệu đến từ thị trường Mỹ - con số kỷ lục cho một tác phẩm Hàn Quốc) và trong cuộc đua giành giải thưởng điện ảnh với sự lên ngôi của các ban nhạc k-pop thuộc Làn sóng văn hóa Hàn (Hallyu) ở Hoa Kỳ và trên thế giới mà tiêu biểu là BTS. Sau nhiều thập niên chỉ làm mưa làm gió ở thị trường châu Á, BTS kể từ vài năm trở lại đây đã mở ra cánh cửa cho các bạn nhạc k-pop chiếm lĩnh thị trường nhạc trẻ Âu – Mỹ nhờ những giai điệu bắt mắt và kỹ năng nhảy tuyệt hảo. Dù các thành viên của AMPAS có lẽ không còn ở độ tuổi khán giả của BTS hay Blackpink, nhưng việc gương mặt đẹp và tên tuổi của những RM, Jungkook (thành viên BTS), Jennie (thành viên Blackpink), hay Taeyong (thành viên NCT 127) liên tục xuất hiện trên truyền hình và truyền thanh Hoa Kỳ cũng phần nào đó tạo sự thiện cảm nhất định của công chúng Mỹ nói chung – trong đó có các thành viên của AMPAS với văn hóa đại chúng Hàn Quốc.

Vì AMPAS không công khai lý do hay số lượng các phiếu bầu cho từng ứng viên của hạng mục Phim hay nhất, nên chúng ta sẽ không bao giờ thực sự giải thích được tại sao Ký sinh trùng từ một ẩn số lớn lại biến thành thắng lợi lịch sử của điện ảnh Hàn Quốc tại lễ trao Giải Oscar lần thứ 92 như vậy. Nhưng có một điều chắc chắn rằng thắng lợi này của Ký sinh trùng và của đạo diễn Bong Joon-ho sẽ tạo cơ hội cho giới làm điện ảnh của châu Á tiếp tục tiếp cận Hollywood và công chúng Mỹ bằng chính phong cách đậm chất địa phương của họ - thay vì phải Mỹ hóa hoàn toàn như Lý An đã làm trong thập niên 1990. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng rằng trong thời gian tới đây, Hollywood sẽ giới thiệu tới công chúng Mỹ và thế giới những tác phẩm thực sự mang phẩm chất Á Đông nhưng vẫn kể được những câu truyện mang tính phổ quát như cách “Ký sinh trùng” đã làm nên lịch sử ngày 9 tháng 2 năm 2020 vừa qua.

=======

lundi 10 février 2020

Little Women (2019)


Trong những năm những người đàn ông khoác áo lính của Liên bang miền Bắc và Liên minh miền Nam đang giao tranh quyết liệt trên các chiến trường đẫm máu của cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, thì tại thị trấn nhỏ Concord bang miền Bắc Massachusetts, gia đình nhà March hoàn toàn là một thế giới thu nhỏ của những người phụ nữ nhỏ bé. Đó là bà Marmee March (Laura Dern), người phụ nữ hiền hậu và đảm đang một nách phải quản bốn cô con gái đang trong độ tuổi mới lớn, đồng thời vẫn phải quán xuyến mọi việc trong nhà và tham gia các hoạt động xã hội với hy vọng ông March (Bob Odenkirk) sẽ trở về với vợ và con gái sau khi chiến trường tắt tiếng súng. Bốn cô con gái của vợ chồng ông March là bốn tính cách hoàn toàn trái ngược. Chị cả Margaret "Meg" (Emma Watson) dịu dàng với vẻ đẹp của một cô thiếu nữ mới lớn và mong ước được trở thành một phần của giới nghệ sĩ và thượng lưu thông qua việc tìm được một tấm chồng “đáng giá” trong những buổi khiêu vũ dành cho các cô gái trẻ. Hoàn toàn trái ngược với chị gái, cô con gái thứ hai của nhà March là Josephine "Jo" (Saoirse Ronan) lại sở hữu tính cách mạnh mẽ, bướng bỉnh nhất quyết không chịu nhún nhường trước bất cứ ai nhưng lại sẵn lòng đặt cả trái tim và khối óc vào những trang viết như một nhà văn nữ thật sự. Không đam mê viết lách, cô con gái thứ ba của nhà March là Amy (Florence Pugh) với năng khiếu vẽ bẩm sinh lại nuôi trong mình ước mộng được trở thành một hoạ sĩ đại tài bất chấp việc cô gái mới vừa qua tuổi dậy thì luôn chịu lép vế trước hai cô chị nhiều máu nghệ sĩ Meg và Jo. Không rõ có phải được sinh ra cuối cùng sau ba người chị gái có tính cách mạnh mẽ, mà cô út Elizabeth "Beth" (Eliza Scanlen) lại là người ít nói, bẽn lẽn nhất dù là người sở hữu ngón tay điêu luyện nhất trên những phím đàn. Dù cuộc sống thời chiến có vất vả giữa vùng quê lạnh lẽo xứ New England, nhưng tình yêu thương và niềm tin vào cuộc sống giúp gia đình nhà March có một cuộc sống yên bình, hạnh phúc tưởng chừng không gì chia cắt. 

Bảy năm sau những ngày hoa mộng ấy, Jo xuống Thành phố New York để kiếm tìm cơ hội với ngòi bút – một thử thách chẳng hề dễ dàng trong một xã hội dù đã có chút hiện đại nhưng vẫn còn đầy ắp định kiến và tâm lý trọng nam khinh ngữ, đặc biệt là trong những lĩnh vực đòi hỏi tính sáng tạo, và sự độc lập, như nghề viết. Dù có những người bạn tốt như anh chàng “giáo sư” người Pháp Friedrich Bhaer (Louis Garrel) luôn sẵn lòng ở bên cô trong lúc khó khăn, nhưng sự khốc liệt của trong làng văn New York để có được một vị trí giữa những nhà văn nam giới đã khiến Jo vẫn có những giây phút yếu lòng, khi cô nhớ lại ngôi nhà nhỏ ở Concord cùng các chị em gái của cô, và ngẫm nghĩ về lý do tại sao cái gia đình nhỏ bé mà hạnh phúc ấy, và bản thân cuộc đời của chính cô lại thay đổi hoàn toàn kể từ khi có sự xuất hiện của anh chàng lãng tử Theodore "Laurie" (Timothée Chalamet) – cháu trai duy nhất của ông lão hàng xóm giàu có và tốt bụng Laurence (Chris Cooper). 

Là bộ phim thứ ba trong sự nghiệp đạo diễn của nữ đạo diễn đang lên Greta Gerwig, nhưng đây đã là lần thứ bảy Little Women (Những cô gái nhỏ) được chuyển thể lên màn ảnh lớn trong vòng một thế kỷ qua. Đó là bởi cuốn tiểu thuyết thứ hai trong sự nghiệp của nhà văn nữ Louisa May Alcott với một nội dung đơn giản là kể lại một phần cuộc đời nhiều sự kiện của bà cùng các chị em gái nơi thôn quê New England ngay sau khi ra đời năm 1868 đã được coi là một hiện tượng của văn học Hoa Kỳ không chỉ bởi nội dung giản dị, lôi cuốn, mà còn vì đây là một trong những tác phẩm văn học đầu tiên của văn đàn Mỹ xây dựng được hình ảnh những người phụ nữ độc lập, năng động trong bối cảnh nước Mỹ nói riêng và xã hội phương Tây nói chung vẫn còn đang ở trong tình trạng trọng nam khinh nữ hết sức nặng nề. Thông điệp nữ quyền thấm đẫm trong tác phẩm của nữ nhà văn người Massachusetts có lẽ chính là lý do chính thúc đẩy Greta Gerwig chắp bút viết kịch bản và tự tay đạo diễn lần chuyển thể điện ảnh thứ bảy của Little Women sau thành công vang dội của tuyệt phẩm dành cho tuổi mới lớn Lady Bird (2017). Với kinh phí chỉ vỏn vẹn 10 triệu đô la, Lady Bird của Gerwig đã gây tiếng vang lớn với 5 đề cử Oscar với cách kể truyện chân thành, cảm động về những trăn trở đầu đời của cô thiếu nữ Lady Bird (Saoirse Ronan) đang gắng tìm kiếm cho mình chân trời mới, sự vô giá của tình yêu thương giữa người thân trong gia đình, và cả mối dây liên hệ vô hình giữa mỗi cá nhân với nơi chôn nhau cắt rốn của bản thân. Ở Little Women một lần nữa người xem lại được lặng ngắm những câu chuyện đầy tình người ấy qua diễn xuất tràn đầy năng lượng và tình cảm của chính Saoirse Ronan trong vai Jo – nhân vật trung tâm và cũng là người kể chuyện của cả bộ phim. Thừa hưởng phần nội dung gốc của một tác phẩm đã được xếp vào hàng kinh điển, Little Women có tuyến nhân vật hết sức dày dặn, nhiều màu sắc, nhiều cung bậc cảm xúc và cực kì đáng nhớ. Bởi vậy mà không chỉ Jo của Saoirse Ronan mà các gần như toàn bộ tuyến nhân vật của Little Women đều tạo được dấu ấn khác biệt, từ sự hồn hậu, ngây thơ đến nao lòng của Beth qua sự thể hiện của nữ diễn viên tuổi mới ngoài đôi mươi Eliza Scanlen, cho đến cái cách sóng gió cuộc đời dần làm nhoà đi sự vô ưu trong tâm tính của Amy nhờ diễn xuất tuyệt vời của Florence Pugh, và tất nhiên không thể không kể đến sự xuất hiện dù không nhiều nhưng luôn toả ra sự ấm áp của tình mẹ đến từ Bà March – một trong hai vai phụ xuất sắc của năm 2019 đến từ cùng một cái tên Laura Dern. 

Để tạo sự khác biệt so với những chuyển thể trước đây của Little Women, Greta Gerwig cũng lựa chọn cho mình một cách tiếp cận hiện đại trong việc chuyển thể tiểu thuyết đã được xuất bản từ năm 1868 với cách sắp xếp phi tuyến xen kẽ giữa “hiện tại” màu xám của năm 1868 với “quá khứ” màu hồng của những năm Nội chiến cùng cách kể chuyện kết hợp cả góc nhìn của người thứ ba và người thứ nhất. Cấu trúc tương đối phức tạp này của Little Women khiến tác phẩm mới nhất của Greta Gerwig trở nên tương đối khó theo dõi nếu so với sự giản dị của Lady Bird. Nhưng càng xem, khán giả sẽ càng thấy cuốn hút trước các tuyến truyện đan xen như chính cuộc đời rất nhiều nút thắt của Jo, của Amy, của Laurie. Và quan trọng hơn thế, cách kể chuyện hiện đại của Greta Gerwig cũng tạo ra sự khác biệt và mới mẻ cho lần chuyển thể thứ bảy của Little Women, một thử thách không hề dễ dàng cho bất cứ đạo diễn nào khi phải đưa lên màn ảnh lớn một tác phẩm đã được xếp vào hàng kinh điển và đã được chuyển thể trước đó bởi nhiều đạo diễn tài năng và dàn diễn viên thượng hạng như Gillian Armstrong (phiên bản năm 1994 với sự xuất hiện của Winona Ryder trong vai Jo và Christian Bale trong vai Laurie) hay George Cukor (phiên bản năm 1933 với sự xuất hiện của Katharine Hepburn trong vai Jo và Douglass Montgomery trong vai Laurie). Sự mới mẻ của Little Women còn đến từ tài năng của hai cái tên Pháp trong đoàn làm phim của Greta Gerwig – đó là nhà quay phim Yorick Le Saux và nhà soạn nhạc Alexandre Desplat. Với những góc máy lạ và cách chọn ánh sáng cũng như tông màu dịu ngọt, Yorick Le Saux không chỉ đem lại cho vùng đất New England của nước Mỹ thế kỷ 19 một vẻ đẹp bình yên, thân thuộc, mà còn giúp đặc tả tâm trạng và số phận những người phụ nữ nhỏ bé nhà March trong những thời khắc quan trọng của cuộc đời họ thông qua dáng hình, màu sắc mà chẳng cần tới bất cứ câu thoại nào. Về phần mình, Alexandre Desplat lại một lần nữa chứng tỏ sự mát tay của ông trong việc viết nhạc cho những bộ phim có nhịp độ nhẹ nhàng, đòi hỏi chiều sâu cảm xúc. Người xem có thể quên nội dung cuộc trò chuyện giữa Jo và Beth trên bãi biển năm nào, nhưng chắc chắn họ chẳng thể quên cái cách hai chị em dựa vào nhau trong cái lạnh đến tê người đến từ gió biển trong một ngày u ám điển hình của vùng đất phương Bắc New England. Và người xem cũng có thể quên tên anh chàng “giáo sư” thẳng tính Friedrich nhưng có lẽ sẽ không thể quên cái cách anh giáo sư dạo nên những nốt nhạc da diết của bản xô-nát số 8 của Beethoven trên chiếc đàn thân yêu của Beth – những nốt nhạc nói lên nỗi lòng của tất cả những thành viên nhà March khi nghĩ về những người họ yêu quý. Những thành công riêng của Yorick Le Saux và Alexandre Desplat đã khoác lên Little Women – một tiểu thuyết đã có trên 150 năm tuổi một tấm áo khác biệt, mới mẻ, gần gũi và hết sức lôi cuốn.

Trái ngược với cái tên của mình (có thể dịch là “Những cô gái nhỏ” hay “Những người phụ nữ nhỏ bé”), Little Women là câu truyện về những người phụ nữ mạnh mẽ, dám yêu, dám sống, dám lựa chọn cho mình một số phận thay vì chịu sự sắp đặt của cha mẹ, của xã hội, của định kiến người đời. Chẳng cần lên gân với những thông điệp mang tính cổ động, tuyên truyền, cũng chẳng cần kịch tính hóa một cách quá mức cần thiết những câu chuyện buồn mà đời người ai chẳng có, Little Women vẫn tạo được sự đồng cảm từ khán giả nhờ rất nhiều những lát cắt vui có, buồn có, nhưng đều rất đẹp, rất đời về những người phụ nữ nhà March. Sau khi xem xong phim, có lẽ mỗi khán giả sẽ đem về cho một mình một câu truyện riêng từ Little Women. Đó có thể là bài học về cách yêu và cách mở lòng cho tình yêu của những cô gái mới lớn như Jo, như Amy. Đó có thể là bài học về cách vượt qua gánh nặng của cơm áo gạo tiền để biến tình yêu, sự nhiệt huyết với nghiệp viết trở thành thành công và danh tiếng dài lâu. Hoặc đó có thể là bài học giản đơn về cách dung hòa những mâu thuẫn trong tính cách, trong lối sống hiện hữu ở bất cứ gia đình nào để mọi thành viên trong gia đình yêu thương và hiểu nhau hơn. Nhưng chắc chắn rằng mỗi người trong số chúng ta sau khi xem xong Little Women của Greta Gerwig đều có thể cảm nhận được rằng đây là một tác phẩm của những người phụ nữ, làm về những người phụ nữ, và để nói lên sự trân quý và tin yêu hết mực của những người làm phim dành cho phụ nữ.

========

The Two Popes (2019)


Là một quốc gia với diện tích vỏn vẹn 44 héc ta và dân số 1000 người, nhưng Vatican trong suốt chiều dài lịch sử của mình lại luôn được coi là một trong những tiếng nói quan trọng nhất của nền chính trị thế giới với tầm tác động vươn đến mọi quốc gia, châu lục, mọi ngõ ngách của xã hội hiện đại. Đó là bởi đây là nơi đặt trụ sở của Toà thánh Vatican – trái tim của Giáo hội Công giáo La Mã và là nơi đặt niềm tin của trên một tỷ tín đồ Công giáo vốn chiếm tới một phần sáu dân số thế giới. Cũng vì thế mà Giáo hoàng – người đứng đầu Toà thánh Vatican và Giáo hội Công giáo La Mã cũng đương nhiên được coi là một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới, là gương mặt được hàng trăm triệu, thậm chí là cả tỷ người hướng đến với hy vọng được dẫn dắt, soi sáng trong cuộc sống tinh thần trong một xã hội hiện đại vốn ngày càng thiếu đi niềm tin và vẫn còn quá nhiều đói nghèo, bi kịch. Để thực hiện trách nhiệm dẫn dắt tín đồ theo tiếng gọi của Chúa Trời như vậy, thông thường một vị Giáo hoàng sau khi được bầu tại cuộc mật nghị của các Hồng y sẽ tại vị cho đến cuối đời như cái cách Giáo hoàng John Paul II đã đứng đầu Toà thánh trong suốt 26 năm trước khi qua đời năm 2005. Tuy nhiên cho tới năm 2013, người kế nhiệm của Giáo hoàng John Paul II là Giáo hoàng Benedict XVI đã khiến cả Giáo hội Công giáo La Mã và thế giới nói chung bất ngờ khi tuyên bố từ bỏ vị trí người đứng đầu của Toà thánh Vatican – một quyết định mà sau gần tám thế kỷ của lịch sử Công giáo người ta mới lại được chứng kiến. 

Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, tín đồ Công giáo và cả thế giới lại phải nhận thêm một bất ngờ khác khi biết tin mật nghị của các Hồng y được tổ chức sau khi Giáo hoàng Benedict XVI từ chức lại lựa chọn Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio trở thành người kế nhiệm với danh hiệu Giáo hoàng Francis. Lấy cái tên Francis từ để vinh danh Thánh Francis thành Assisi – vị thánh của người nghèo, Giáo hoàng Francis không chỉ là người Nam Mỹ đầu tiên đạt tới được ngôi vị cao nhất trong Giáo hội Công giáo La Mã mà còn sở hữu tính cách và phong thái hoàn toàn trái ngược với vị tiền nhiệm gốc Đức Benedict XVI. Một bên là tính cách Đức, một bên là tâm hồn Latinh của một người con đất nước Argentina, nếu Hồng y Joseph Aloisius Ratzinger – tên thật của Giáo hoàng Benedict XVI nghiêm cẩn, bảo thủ, trọng nghi lễ bao nhiêu thì Hồng y Bergolio lại nồng nhiệt, khao khát sự đổi mới, và coi trọng sự giản dị đến mức xơ xài bấy nhiêu. Điểm chung duy nhất của cả hai có lẽ chỉ là tình yêu đối với niềm tin Công giáo, và trách nhiệm đã – trong trường hợp của Giáo hoàng Benedict XVI, và đang – trong trường hợp của Giáo hoàng đương nhiệm Francis trong việc dẫn dắt hơn một tỉ tín đồ Công giáo và là chỗ dựa tinh thần cho họ trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tại sao  Giáo hoàng Benedict XVI lại từ chức? Liệu Hồng y Ratzinger khi từ đỉnh cao trở về nghỉ hưu có nghĩ ngợi gì khi mà các Hồng y khác lại lựa chọn một người khác biệt hoàn toàn như Giáo hoàng Francis để làm người kế nhiệm cho ông? Và liệu hai vị Giáo hoàng còn có điểm chung nào khác, hay những xung đột về mặt tính cách sẽ mãi đẩy họ rời xa nhau bất chấp niềm tin chung của cả hai người? Đó là nội dung chính của tác phẩm The Two Popes – bộ phim mới nhất của đạo diễn người Brazil Fernando Meirelles. Lấy bối cảnh chính là Cung điện Castel Gandolfo – dinh thự mùa hè của các Giáo hoàng và Nhà nguyện Sistine của Toà thánh Vatican trong những ngày Hè nóng bỏng của năm 2012 khi Giáo hoàng Benedict XVI đang vấp phải vô số khó khăn về sức khoẻ và rắc rối đến từ các bê bối của cộng sự thân tín tới mức phải cân nhắc quyết định từ chức, The Two Popes xoay quanh những buổi đối thoại về giáo lý và chuyện đời của Giáo hoàng Benedict XVI (Anthony Hopkins) và Đức Hồng y Bergoglio (Jonathan Pryce) – người bay từ Argentina tới Vatican chỉ với nguyện vọng được Giáo hoàng chấp thuận đơn xin nghỉ hưu mà không ngờ rằng vị lãnh đạo tối cao của mình còn có một ý định rất khác khi gọi ông tới Toà thành.

Thực ra nếu không xem The Two Popes thì khán giả nói chung cũng hẳn đã rất quen thuộc với hình ảnh một Giáo hoàng Francis giản dị trong ăn mặc và phong thái nhưng hết sức cấp tiến trong cách nghĩ và phát ngôn với rất nhiều những tuyên bố thẳng thắn vốn hiếm khi gặp ở Toà thánh Vatican – nơi luôn cố gắng giữ khoảng cách nhất định với các sự kiện chính trị, hay các trào lưu xã hội đương đại. Giáo hoàng Francis không ngại bày tỏ quan điểm ủng hộ toàn cầu hoá, ủng hộ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, ủng hộ việc chấp thuận dân di cư từ nước nghèo sang nước giàu, và cũng sẵn sàng phản đối các lãnh đạo muốn lèo lái quốc gia của họ theo chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ. Và dù đã rút lui vào hậu trường đã được 7 năm kể từ ngày từ chức Giáo hoàng, nhưng Đức Hồng y Ratzinger – hay Giáo hoàng Benedict XVI ngày còn tại vị hẳn vẫn để lại ấn tượng với những ai hay theo dõi thời sự về quan điểm hết sức bảo thủ trong mọi vấn đề liên quan đến Công giáo hay Toà thánh. Vừa là ánh sáng soi đường cho cả tỷ giáo dân Công giáo, vừa là đích ngắm của vô số hãng truyền thông và thậm chí là báo chí lá cải trong tư cách một “người của công chúng”, tất nhiên người dân ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới đều ít nhiều biết tới những góc cạnh này trong cuộc đời và tính cách của hai vị Giáo hoàng. Tuy nhiên, có lẽ không nhiều người biết về quá khứ đau thương của Giáo hoàng Francis những ngày Đức cha Jorge Mario Bergoglio còn đang là một giáo sĩ Dòng Tên sống trong một xã hội Argentina đang rên xiết dưới gót giày bạo tàn của chế độ độc tài quân sự. Và hẳn cũng không mấy ai từng được nghe những nốt đàn réo rắt của Giáo hoàng Benedict XVI – người tuy có thể không biết gì về văn hoá đương đại, về Beatles, về Yellow Submarine, nhưng lại tinh thông hiếm ai bằng về khả năng tiếng Latinh và những ngón đàn dương cầm cổ điển. Những gương mặt rất khác ấy của hai người đàn ông gần với Chúa Trời hơn bất cứ tín đồ Công giáo cũng được khắc hoạ rất rõ trong The Two Popes – một tác phẩm không chỉ đơn thuần là những cuộc đối thoại đầy triết lý của hai vị Giáo hoàng. Với sự cộng tác của nhà biên kịch xuất sắc Anthony McCarten, Fernando Meirelles đã chứng tỏ rằng sau những thất bại liên tiếp của Blindness (2008) và 360 (2011), ông vẫn còn nguyên vẹn khả năng xử lý những đề tài dù rất khác nhau nhưng đều hết sức phức tạp, đậm chất thực tế gai góc như tác phẩm đã đưa tên tuổi ông đến với thế giới là Cidade de Deus (2002) và sau đó là The Constant Gardener (2005). Nhưng bối cảnh nhuốm màu bạo lực và bi thương của Cidade de Deus với những vụ đấu súng đẫm máu giữa các băng đảng đường phố ở Brazil, và của The Constant Gardener về một Lục địa Đen đầy rẫy tội ác rõ ràng là mảnh đất màu mỡ cho Meirelles đẩy kịch tính và mức độ hấp dẫn của phim vượt quá cả sự mong đợi của khán giả. The Two Popes không có được cái may mắn đó khi bộ phim này có thể tóm gọn chỉ trong một câu rất ngắn – cuộc đối thoại về đức tin của hai người già. Nhưng chính bằng việc đưa vào cuộc nói chuyện những mảnh ghép tưởng chừng rời rạc nhưng mang tính kết nối rất lớn để làm bật lên cả chất đạo và đời của cuộc đối thoại giữa Giáo hoàng Benedict XVI và Đức Hồng y Bergoglio mà The Two Popes không chỉ cung cấp cho khán giả thêm rất nhiều câu truyện ít được biết tới về hai nhân vật vốn đã quá nổi tiếng với công chúng, mà còn giúp người xem có thêm được sự hứng thú khi được theo dõi hai vị lãnh tụ tối cao của tôn giáo có số lượng tín đồ đông nhất thế giới nói chuyện về Chúa nhưng qua đó vẫn bộc lộ được họ là những người bình thường, với những suy tư, mong muốn, thậm chí là những nỗi buồn hết sức đời thường. 

Dù Fernando Meirelles hoàn toàn xứng đáng với những lời khen về tài năng biến một “cuộc nói chuyện của hai ông già” trở thành The Two Popes hấp dẫn từ đầu tới cuối, nhưng sau khi xem phim có lẽ một số khán giả vẫn sẽ cảm thấy đôi phần thất vọng bởi đạo diễn người Brazil chọn cách tiếp cận khá an toàn khi mô tả hai vị Giáo hoàng, đặc biệt là đối với Đức Hồng y Bergoglio hay Giáo hoàng Francis sau này. Đó là vì ngay cả khi so sánh với hình ảnh của một vị Giáo hoàng khác của phim – Giáo hoàng Benedict XVI thì Đức Hồng y Bergoglio của The Two Popes hiện ra hết sức thánh thiện và cao quý vượt mức của bất cứ người bình thường nào. Có thể Fernando Meirelles chỉ đơn thuần là tôn trọng sự thật khi khắc hoạ chân dung Giáo hoàng Francis. Nhưng bởi The Two Popes vẫn né tránh những chủ đề gai góc nhất liên quan tới Giáo hội Công giáo như nạn ấu dâm của giáo sĩ Công giáo, hay tệ tham nhũng từng một thời lan tràn trong lòng Vatican, và cả xu hướng suy giảm niềm tin đối với Công giáo nói riêng và tôn giáo nói chung của dân chúng các nước phát triển, nên người xem vẫn khó có thể cảm thấy chắc chắn rằng hình ảnh của Đức Hồng y Bergoglio – Giáo hoàng Francis họ đang được chiêm ngưỡng trên màn hình lớn kia có thực sự phản ánh được suy nghĩ thâm trầm và cá tính phức tạp của một người đứng đầu tôn giáo đông tín đồ nhất thế giới hay không.

Ấn tượng lớn nhất của The Two Popes để lại trong lòng khán giả có lẽ chính là sự ăn ý đến hoàn hảo trong diễn xuất của hai diễn viên gạo cội được Fernando Meirelles mời đảm nhận hai vai chính của phim, đó là Jonathan Pryce trong vai Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio và Anthony Hopkins trong vai Giáo hoàng Benedict XVI. Trong một tác phẩm có nhịp điệu chậm rãi và không quá nhiều kịch tính, Pryce và Hopkins đã thể hiện một cách hết sức xuất sắc sự thanh thản nhưng thâm trầm đặc trưng của những vị lãnh tụ tôn giáo – những người hiểu hơn ai hết sức mạnh của Chúa Trời trong việc soi sáng đưa đường cho tín đồ của Người, và cũng đồng thời là những học giả uyên bác về thần học, về triết học, về vốn sống và nhân sinh quan vốn chỉ có thể có được khi đã đi hết phần lớn cuộc đời để trải nghiệm. Với đài từ rất đẹp và cặp mắt biết nói, nam diễn viên 72 tuổi người xứ Wales Jonathan Pryce chắc chắn sẽ làm chính Giáo hoàng Francis phải tự hào vì đã bằng tài năng diễn xuất của mình giới thiệu được đến với công chúng một Đức Hồng y Bergoglio có cuộc đời đầy sự kiện và chưa bao giờ hết tâm tư vì số phận của những người nghèo khổ, của những tín đồ Công giáo đang ngày ngày hướng về phía ông để tìm kiếm cơ hội lắng nghe những lời khuyên nhủ, những chia sẻ chân tình có sức mạnh giúp họ gượng đứng dậy để đi về phía trước. Phải vào vai một nhân vật có cá tính trầm buồn tới mức hiếm khi thể hiện tình cảm ra mặt là Giáo hoàng Benedict XVI, nhưng huyền thoại điện ảnh 82 tuổi Anthony Hopkins – một đồng hương người xứ Wales của Jonathan Pryce cũng đã hết sức thành công trong việc tạo dựng nên hình ảnh một vị Giáo hoàng bảo thủ, truyền thống nhưng thực ra vẫn ẩn chứa trong lòng rất nhiều tâm trạng, nhất nhiều suy nghĩ tưởng chừng không thể sẻ chia với ai khác ngoài Chúa Trời. 

Không phải là một tác phẩm hoàn hào và cũng không thực sự dễ xem đối với những khán giả muốn tìm kiếm cho mình những phút giây giật gân hồi hộp để giải trí, nhưng The Two Popes chắc chắn sẽ vẫn có những khán giả trung thành của riêng mình. Bởi bộ phim mới nhất của đạo diễn Fernando Meirelles có thể coi như một khoảng lặng cần thiết giữa dòng đời tấp nập để khán giả được dừng lại và cảm nhận nhân sinh quan, thế giới quan, và cả những suy nghĩ, tâm thế về niềm tin tôn giáo, niềm tin vào con người của hai cái tên đã và đang là ngọn đuốc soi lối cho hàng triệu người trên khắp thế giới.

=======

Contagion (2011)


Trên đường quay về nhà ở thành phố miền Trung nước Mỹ Minneapolis sau chuyến công tác ở Hồng Kông trở về, Beth Emhoff (Gwyneth Paltrow) chợt nhận thấy mình có dấu hiệu mắc cảm cúm. Dù đã nhanh chóng được anh chồng tận tuỵ Mitch (Matt Damon) đưa tới bệnh viện, Beth vẫn qua đời chỉ vài ngày sau khi gục ngã ngay trong căn nhà thân thương và kéo theo đó là cậu con trai riêng Clark cũng lìa đời vì căn bệnh lạ quái ác lây từ người mẹ, bỏ lại Mitch và cô con gái Jory chống chọi với xã hội đang ngày một hỗn loạn vì cơn đại dịch đang dần lan tràn từ “bệnh nhân số không” Beth Emhoff.

Đối mặt với căn bệnh lạ không rõ nguồn gốc và vô phương cứu chữa, tiến sĩ Ellis Cheever (Laurence Fishburne) – lãnh đạo cấp cao về kiểm soát bệnh truyền nhiễm của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ CDC lập tức phái tiến sĩ Erin Mears (Kate Winslet) – một chuyên gia truy tìm nguồn gốc bệnh tới Minneapolis để tìm bằng được “bệnh nhân số không” – nguồn cơn của nỗi khiếp sợ bất ngờ cho người dân Mỹ trong dịp Lễ Tạ ơn. Xác định được danh tính của Beth Emhoff, nhưng chính Mears cũng nhanh chóng đổ bệnh và bỏ mạng vì căn bệnh quái ác mà chưa kịp quay trở về CDC để lên phương án phòng và dập dịch. Khiến chính CDC cũng phải bó tay bất lực, tất nhiên loại virus lạ hoành hành khắp nước Mỹ khiến hàng triệu người chết, làm đảo lộn cả trật tự xã hội và chính trị của một cường quốc như Hoa Kỳ.

Tia sáng cuối đường hầm chỉ bắt đầu loé lên cho người Mỹ khi tại CDC, tiến sĩ Ally Hextall (Jennifer Ehle) với sự hỗ trợ của giáo sư đại học California tại San Francisco Ian Sussman (Elliott Gould) xác định thành công điểm khởi phát của căn bệnh – một loại virus có bộ gen mang nguồn gốc trộn lẫn từ cả lợn và dơi với cái tên Meningoencephalitis Virus One (MEV-1). Tuy nhiên, trong khi Hextall hay Leonora Orantes (Marion Cotillard) – chuyên gia dịch tễ của Tổ chức Y tế Thế giới đang nỗ lực hết mình để tìm ra vắc xin chữa được đại dịch MEV-1, thì những phần tử ngáng đường như gã “blogger” Alan Krumwiede (Jude Law) lại đưa ra vô số tin giả về những loại “thuốc thần” mà hàng triệu người bệnh trên toàn thế giới đang khao khát từng ngày, từng giờ. Liệu trong một thế giới đảo lộn bởi nỗi sợ hãi từ cơn đại dịch, thì sức mạnh của khoa học, của lương tâm từ những chuyên gia như Hextall hay Orantes sẽ chiến thắng? Hay Krumwiede và những kẻ cơ hội sống bám trên nỗi đau của hàng triệu người sẽ tiếp tục khiến cơn đại dịch ngày một lan tràn tới mức huỷ diệt thế giới của loài người?

Dịch hạch đen, cúm Tây Ban Nha, HIV/AIDS, và rất nhiều loại bệnh truyền nhiễm khác đã đi vào lịch sử loài người như những cái tên ám ảnh, chết chóc gây ra các đại dịch khiến cho hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu người bỏ mạng. Thậm chí Joshua Lederberg – nhà nghiên cứu sinh học phân tử từng giành giải Nobel đã nhận xét một cách thẳng thắn rằng “The single biggest threat to man's continued dominance on this planet is the virus” (“Mối đe doạ lớn nhất cho sự thống trị liên tục của loài người trên hành tinh này chính là virus”) – câu nói sau này đã được đạo diễn Wolfgang Petersen sử dụng để mở đầu cho bộ phim về đại dịch của ông có nhan đề Outbreak (1995). Không chỉ có Outbreak mà sức tàn phá khủng khiếp của virus và những đại dịch truyền nhiễm do chúng gây ra đối với xã hội và con người luôn là một đề tài được Hollywood quan tâm và khai thác với nhiều tác phẩm xuất sắc như 12 Monkeys (1995), bộ đôi phim 28 Days Later (2002) và 28 Weeks Later (2007), hay I Am Legend (2007). Điểm chung của các tác phẩm khoa học giả tưởng này là các nhà làm phim thường tập trung khai thác khía cạnh sự đơn độc của những người sống sót trong một xã hội thời “hậu diệt vong” không còn trật tự, rất ít tài nguyên, nhưng vô số hiểm nguy đến từ bệnh dịch, đến từ những người đã chết, và đến cả những người còn sống khác. Cũng là một tác phẩm nói về một đại dịch giả tưởng do MEV-1 – loại virus truyền từ dơi và lợn gây ra, nhưng Contagion của đạo diễn Steven Soderbergh lại tiếp cận theo một cách rất khác. Đó là những thời khắc đầu tiên của một cơn đại dịch, khi xã hội không chỉ xáo trộn bởi những cái chết đến từ một căn bệnh quái ác, mà còn đến từ nỗi sợ hãi mang tính bản năng của mỗi người khi đứng trước những tử thần không tên, không dáng hình, không phương ngăn chặn. Với một kịch bản có chất lượng khoa học rất cao do nhà sản xuất của An Inconvenient Truth – bộ phim tài liệu lấy đề tài biến đổi khí hậu từng giành giải Oscar là Scott Z. Burns chắp bút, Steven Soderbergh đã sử dụng cách tiếp cận kiểu “giả tài liệu” với phong cách quay và dựng phim mang hơi hướng thực tế mà ông từng rất thành công với Traffic (2000) để tạo nên một Contagion hết sức gai góc và gần gũi với những gì xảy ra ngoài đời thực khi xã hội hiện đại phải đối diện với những cơn đại dịch như Ebola hay H5N1. Với nhiều khán giả, có thể nhịp phim cực nhanh với rất nhiều nhân vật và tuyến truyện sẽ khiến Contagion trở thành một tác phẩm không dễ để thưởng thức, nhưng với những ai quan tâm đến kịch bản thực tế nào sẽ xảy ra khi một chủng virus chết chóc mới tiếp cận được xã hội hiện đại, hay câu chuyện về cách phản ứng rất khác nhau giữa những người bình thường và các chuyên gia khi phải đối diện với một căn bệnh không tên vô phương cứu chữa, và cách những “người có ảnh hưởng” trên mạng xã hội lợi dụng sự cả tin và nỗi khiếp sợ của công chúng để kiếm chác thì tác phẩm ra đời năm 2011 của đạo diễn người Mỹ Steven Soderbergh lại là một lựa chọn không thể phù hợp hơn. Loại bỏ phương pháp kịch tính hoá những bi kịch của nhân vật kiểu Hollywood một cách không cần thiết, sẵn sàng “kết liễu” các nhân vật bất chấp việc diễn viên thủ vai nhân vật đó đang là các ngôi sao hàng đầu của điện ảnh thế giới, Steven Soderbergh khiến khán giả chẳng thể ngồi yên khi phải chứng kiến ranh giới bị xoá nhoà giữa sự sống và cái chết, giữa sự thật khoa học và tin giả của những “người có ảnh hưởng”, giữa lòng tin vào nhân tính và sự tham lam đầy tính bản năng – tất cả đều gây ra bởi một thủ phạm nhỏ bé nhưng có sức tàn phá khủng khiếp – virus.

Mối đe doạ lớn nhất cho sự tồn tại của loài người trên Trái Đất là virus. Joshua Lederberg đã đưa ra lời cảnh báo như vậy cho chúng ta dựa sự biến đổi khôn lường của các chủng virus và khả năng lây lan khó lòng kiểm soát của chúng trong một thế giới toàn cầu hoá nơi con người – vật chủ tiềm năng cho những con virus chết chóc được tự do di chuyển, tiếp xúc, và truyền bệnh. Khán giả có thể thấy rất rõ điều đó qua Contagion – một bộ phim khắc hoạ hết sức trung thực và khoa học cách thức chủng virus giả tưởng MEV-1 xâm nhập, gặm nhấm, và tàn phá xã hội hiện đại của con người. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Contagion còn đưa ra một lời cảnh báo quan trọng khác đối với tất cả chúng ta – đó là nỗi sợ hãi quá mức của đám đông, đó là sự tham lam của một số người sẵn sàng đạp lên nỗi đau của người khác ở thời điểm tao loạn vì bệnh dịch, và hơn hết đó là sự độc ác của con người khi đối xử với thiên nhiên, với nguồn sống của mọi xã hội sẽ chính là nguồn cơn, và là chất xúc tác để biến những con virus nhỏ bé có thể biến mình trở thành những đại dịch không thể kiểm soát với sức phá huỷ vượt qua sức chống chọi của bất cứ quốc gia, dân tộc nào.

========