some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

jeudi 24 octobre 2019

The Farewell (2019)


Ôm mộng thành danh với nghiệp văn giữa thành phố New York đông đúc chật chội, cô gái trẻ Billi (Awkwafina) vừa phải vật lộn với hoá đơn tiền nhà quá hạn, với “thư từ chối” đến từ các quỹ học giả danh giá, vừa phải đương đầu với khủng hoảng đầu đời của một cô gái người Mỹ gốc Hoa chưa thể xác định được cho mình một đường đời vững chắc, và cũng chẳng thể trả lời nổi câu hỏi rốt cuộc cô là ai – đứa con gái người Hoa yêu thương của cặp vợ chồng gốc Trường Xuân là ông Hải Yến (Tzi Ma) và bà Kiện (Lâm Hiểu Kiệt), hay một nữ văn sĩ nổi loạn người Mỹ với chất giọng đặc sệt New York?

Nếu không kể ông Hải Yến và bà Kiện, thì sợi dây duy nhất còn níu Billi lại với nguồn cội Trung Hoa là “Nãi Nãi” – bà nội của cô bé (Triệu Thục Trân). Không hiểu có phải vì xuất thân là một quân nhân, mà Nãi Nãi luôn hào sảng, yêu đời, yêu quý con cháu dù phải trải qua không biết bao biến thiên của lịch sử hiện đại Trung Quốc, chứng kiến sự ra đi của người chồng vì căn bệnh ung thư, và việc hai đứa con trai Hải Tân (Tưởng Vĩnh Ba) và Hải Yến rời bỏ quê hương từ rất sớm để tìm vận may nơi đất khách quê người. Bên mình chỉ có người em gái cũng đã ở tuổi bạc đầu (Lô Hồng), nhưng tuổi già và sự cô đơn chưa bao giờ ngăn cản được Nãi Nãi bày tỏ sự quan tâm và tình yêu vô bờ bến với đứa cháu vẫn còn đang “ế chồng” ở phía bên kia bờ đại dương. Thế rồi Nãi Nãi được chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn cuối – nỗi khiếp sợ của bất cứ người dân Trung Quốc nào bởi với họ, mắc ung thư nghĩa là đã được trao bản án tử không bệnh nhân nào có thể trốn thoát, bởi không chết vì bệnh tật thì họ - những bệnh nhân ung thư cũng sẽ chết vì tâm lý sợ hãi trước bóng ma của Thần Chết cận kề.

Dù đã thoát Trung từ rất sớm nhưng cả hai anh em Hải Tân và Hải Yến vẫn mang theo họ tâm lý quen thuộc nói trên của người Hoa khi phải đối đầu với tin dữ ập đến với người thân trong gia đình. Muốn Nãi Nãi không phải đối đầu với nỗi sợ hãi của người mắc ung thư và sống vui nốt những ngày tháng cuối đời bên con cháu, anh em Hải Tân và Hải Yến quyết định đẩy Hạo Hạo (Trần Hàm) – cậu con trai nhút nhát của Hải Tân phải làm đám cưới ngay với cô bạn gái mới quen Aiko (Aoi Mizuhara) ở Trường Xuân để gia đình nhà Hải Tân từ Nhật và Hải Yến từ Mỹ có cớ quay trở về thăm Nãi Nãi mà vẫn không phải nói thật với bà về “án tử” ung thư mà các bác sĩ đã tuyên với Nãi Nãi. Người duy nhất không được hai gia đình Hải Tân, Hải Yến mong đợi trong đám cưới chạy tang của Hạo Hạo chính là Billi, bởi mọi người sợ rằng với tính cách đã được “Mỹ hoá” hoàn toàn – thẳng thắn, không che dấu cảm xúc, Billi không cố ý thì cũng sẽ vô tình tiết lộ tình hình bệnh tình của Nãi Nãi cho chính bà nội, và phá hỏng “âm mưu” của cả đại gia đình. Nhưng với tấm lòng trĩu nặng vì thương nhớ Nãi Nãi, và vì vô số những thất bại cô vẫn đang phải đương đầu hàng ngày giữa thành phố New York xa lạ, Billi vẫn quyết định quay trở về. Trở về để lao vào vòng tay âu yếm của bà nội, trở về để tìm lại chính mình.

Biệt cáo tố tha (Đừng nói bà biết) hay The Farewell là bộ phim điện ảnh thứ hai của nhà làm phim người Mỹ gốc Hoa Lulu Wang (Vương Tử Dật) dựa trên chính những trải nghiệm của cô khi phải đối mặt với tin dữ về việc người bà yêu quý của Wang mắc căn bệnh ung thư quái ác. Khởi đầu từ câu truyện What You Don't Know được Wang kể lại trên chương trình phát thanh This American Life, The Farewell có thể coi là một tác phẩm nhỏ nhưng mang đậm chất cá nhân của Wang bởi chỉ quay trong 24 ngày với kinh phí vỏn vẹn 3 triệu đô la, nhưng Wang đã mang rất nhiều kỉ niệm và cảm xúc riêng của cô vào bộ phim, từ thành phố công nghiệp Trường Xuân khô khan và lạnh lẽo, cho tới những bài “thể dục” đơn giản nhưng hiệu quả mà Nãi Nãi của chính Wang đã dạy cô từ ngày còn bé. Tuy có kinh phí thấp và phần bối cảnh không hề bắt mắt, nhưng phần nhìn của The Farewell lại là một trong những điểm ấn tượng nhất của bộ phim khi Lulu Wang và nhà quay phim nữ Anna Franquesa Solano đã chọn được cho tác phẩm của họ những góc quay hết sức xuất sắc vừa gợi lên được những góc cạnh cô đơn, mỏng manh của những người Hoa xa xứ như ông Hải Tân, như bà Kiện sau bao năm ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan giữa nối nhớ nhà chưa bao giờ tắt và niềm khao khát đổi đời cho mình và người thân nơi đất khách quê người xa lạ, lại vừa đem đến cho khán giả một đất nước Trung Quốc hiện đại cũng ẩn chứa đầy mâu thuẫn giữa một bên là những giá trị gia đình, những quan niệm truyền thống đã ăn sâu bám rễ ngàn đời trong tâm khảm người Hoa với một bên là sự thịnh vượng giàu sang đang dần phá huỷ những di sản muôn đời đó một cách hết sức lạnh lẽo. Sử dụng rất nhiều gam màu lạnh và những bối cảnh đơn giản, nhiều góc cạnh, đôi lúc trống trải bóng người, The Farewell đem lại cho khán giả một Trung Quốc qua góc nhìn rất hiện đại và khác biệt so với trào lưu hiện tại của Hollywood vốn luôn nhìn đất nước tỷ dân này như một xã hội náo nhiệt, nhiều màu sắc, đông đúc đến ngạt thở. Lựa chọn nghệ thuật này của Lulu Wang và Anna Franquesa Solano có lẽ là để chia sẻ với khán giả góc nhìn Trung Quốc của một đứa con đang mất dần nguồn cội – Lulu Wang/Billi khi phải cố sức níu kéo những gì còn sót lại trong tâm hồn để vẫn có thể định vị mình như một người gốc Hoa xa xứ chứ không phải là một người Mỹ “tình cờ” có bố mẹ là người Trung Quốc.

Tự tay viết kịch bản và đạo diễn The Farewell, rõ ràng Lulu Wang rất muốn tác phẩm mới nhất này của cô truyền tải được một cách trung thực nhất, chính xác nhất những tâm sự đầy chất riêng tư của chính bản thân nữ đạo diễn họ Wang trong một giai đoạn gian khó của cuộc đời. Bởi vậy, có lẽ không ít khán giả sẽ cảm thấy ngạc nhiên vì việc cô lựa chọn Awkwafina – một ca sĩ nhạc rap vốn chưa gây được nhiều tiếng vang trên màn ảnh lớn ngoài vai diễn cô nàng đại gia “hoạt náo viên” trong Crazy Rich Asian vào vai Billi. Nhưng sau khi xem The Farewell, chắc chắn mọi sự nghi ngại của khán giả đối với khả năng diễn xuất của Awkwafina cũng sẽ tan biến bởi cô đã thể hiện rất thành công những cung bậc cảm xúc hết sức khác nhau của Billi – từ cảm giác cô độc, thất bại của một nữ văn sĩ trẻ chưa thể tìm thấy chỗ đứng cho bản thân, tới niềm hạnh phúc vô bờ bến khi lại được là “đứa cháu nhỏ” của Nãi Nãi. Sự tương phản giữa vô vàn những cung bậc tình cảm của Billi và cái cách những người Trung Quốc “gốc” như Hải Tân, Hải Yến, như em gái của Nãi Nãi luôn cố kìm nén mọi cảm xúc là một nét đặc sắc khác của The Farewell bởi đó là nguồn gốc của rất nhiều tình huống gây cười trong phim, nhưng cũng lại giúp nêu bật được chủ đề xuyên suốt của tác phẩm về những mâu thuẫn khó lòng hoá giải của một người Hoa xa xứ đang cố níu kéo lại những gì còn thuộc về nguồn cội của bản thân.

Đối với nhân vật quan trọng thứ hai của bộ phim là Nãi Nãi – “mỏ neo” của Billi với quê hương Trung Hoa, Lulu Wang đã quyết định trao cho một nữ diễn viên gạo cội vốn chưa từng xuất hiện ở Hollywood nhưng lại rất quen thuộc với khán giả hâm mộ truyền hình Trung Quốc, đó là Triệu Thục Trân. Được Wang gọi một cách tôn trọng là Triệu lão sư, Triệu Thục Trân là diễn viên “chuyên trị vai bà” trong các phim truyền hình Trung Quốc. Có lẽ bởi vậy mà nữ diễn viên họ Triệu vào vai rất ngọt trong The Farewell khi bà không mất nhiều thời gian để chiếm được cảm tình của khán giả và xuyên suốt bộ phim trở thành trụ cột, chỗ dựa về mặt tinh thần không chỉ cho con cháu của Nãi Nãi trong phim mà còn cho chính người xem The Farewell bất chập việc chính Nãi Nãi nhẽ ra mới lại cần chỗ dựa tinh thần trong thời khắc phải đối diện với căn bệnh ung thư quái ác. Sự lạc quan, tin tưởng chưa bao giờ tắt vào cuộc sống, vào con người của Nãi Nãi qua sự thể hiện của Triệu Thục Trân là điểm sáng đáng quý của The Farewell nhất là khi căn bệnh ung thư quái ác thường được mô tả trên phim như nguồn cơn của mọi buồn đau và rắc rối. Rất tiếc là nếu so với Awkwafina và Triệu Thục Trân hay một phần nào đó là Lâm Hiểu Kiệt trong vai bà Kiện mẹ Billi thì các diễn viên khác trong phim The Farewell không để lại nhiều ấn tượng đối với khán giả, thậm chí còn để lại cảm giác nghiệp dư khá rõ rệt vốn là “chỉ dấu” của những bộ phim kinh phí thấp.

Nếu đọc qua nội dung và bối cảnh của The Farewell, có lẽ nhiều người yêu phim sẽ liên tưởng tới tác phẩm xuất sắc cũng xoay quanh một “đám cưới giả” là Hỷ yến (The Wedding Banquet, 1993) của đạo diễn người Đài Loan Lý An. Nếu so với Hỷ yến thì các tuyến truyện hay cách xây dựng nhân vật của The Farewell có lẽ chưa thể so sánh về mức độ đặc sắc, nhất là đối với những người xem muốn tìm hiểu thêm về cách nghĩ, cách sống, về truyền thống của các gia đình người Hoa. Nhưng nếu xem The Farewell như một câu truyện kể hết sức riêng tư của chính nữ đạo diễn Lulu Wang về những trăn trở, suy tư của cô trong việc định vị bản thân giữa hai dòng nước của “mái nhà” New York và “nguồn cội” Trung Hoa thì tác phẩm đã hoàn toàn thành công với minh chứng là vô số những lời tán dương của giới phê bình hay giải thưởng của khán giả dành cho bộ phim trong Liên hoan phim Sundance London. Hy vọng rằng với thành công của The Farewell hay trước đó là Crazy Rich Asian (2018) và The Big Sick (2017), tâm thế của những người con xa xứ với nguồn cội khác nhau tại Hoa Kỳ, gốc rễ văn hoá của những quốc gia châu Á khác với lịch sử, truyền thống tương tự như Trung Quốc sẽ được Hollywood khai thác triệt để hơn nữa để người Mỹ gốc Á không chỉ còn là những “người thiểu số gương mẫu” (model minority) trong văn hoá đại chúng Mỹ. 

=========

mercredi 2 octobre 2019

Ad Astra (2019)


Vươn tới những vì sao ở phía xa của Giải Ngân Hà luôn là ước vọng của loài người để thoát khỏi những đói nghèo, buồn khổ của Trái Đất. Ngay từ trước kỉ nguyên Thiên chúa, đại thi hào La Mã Virgil đã nhấn nhá trong thiên sử thi Aeneis của ông ý trí “ad astra” (vươn đến những vì sao). Hai thiên niên kỷ sau thời của Virgil, mong muốn chinh phục vũ trụ lại càng trở nên thôi thúc loài người hơn bao giờ hết khi mà chính chúng ta đang ngày một hủy hoại cái nôi của chính mình – Trái Đất với chiến tranh, với ô nhiễm, với lòng tham không đáy đối với những nguồn tài nguyên có hạn mà Trái Đất đã để loại cho con người. “We are world eaters; thus we journey to the stars” (“Chúng ta là những kẻ tiêu thụ thế giới, bởi thế chúng ta du hành đến những vì sao”), thiếu tá Roy McBride (Brad Pitt) đã giải thích một cách đơn giản như thế ước muốn “ad astra” của loài người. Luôn biết cách kìm nén cảm xúc để nhịp tim không bao giờ vượt quá 80 lần một phút, cũng như sẵn sàng loại bỏ những thứ “không cần thiết” sang một bên để tập trung vào những chuyến du hành – kể cả khi thứ “không cần thiết” ấy là gia đình nhỏ đang bên bờ vực tan vỡ với người vợ Eve McBride (Liv Tyler), Roy nhanh chóng trở thành một trong những nhà du hành đã và đang giúp xã hội loài người vươn xa hơn với những “thuộc địa” từ Mặt Trăng cho tới tận Sao Hỏa và xa hơn thế với mục tiêu cuối cùng là tìm thấy sự sống ở một nơi nào đó ngoài Trái Đất.

Nhưng ước mơ “ad astra” của Roy và thế hệ của anh đột ngột trở nên mờ mịt khi từ xa tận phía Sao Hải Vương, những đợt sóng năng lượng dữ dội bất thường xuất hiện một cách bất ngờ và hướng về Trái Đất với sức mạnh hủy diệt. Không chỉ làm rối loạn cuộc sống của loài người trên mặt đất, những đợt sóng năng lượng đó còn làm hư hỏng trạm không gian nơi Roy làm việc và đe dọa sự tồn vong của những trạm vũ trụ mà loài người đã dày công xây dựng trên Mặt Trăng và Sao Hỏa. Để cứu lấy khát vọng vẫn chưa thành hiện thực của loài người là tìm thấy “người ngoài hành tinh”, thiếu tá Roy McBride được Bộ Chỉ huy Vũ trụ Hoa Kỳ cử đi thực hiện một nhiệm vụ tuyệt mật – đó là truy tìm nguồn gốc của những đợt sóng năng lượng chết chóc ở đâu đó phía ngoài Sao Hải Vương. Trước khi bắt đầu chuyến đi đầy hiểm nguy và bất trắc, Roy được các quan chức của Bộ Chỉ huy Vũ trụ và thượng tá Thomas Pruitt (Donald Sutherland) hé lộ một bí mật anh chẳng thề ngờ tới, đó là việc rất có thể thủ phạm của những tín hiệu chết người kia chính là H. Clifford McBride (Tommy Lee Jones) – một trong những nhà du hành vĩ đại nhất trong lịch sử chinh phục vũ trụ của Hoa Kỳ và cũng chính là cha của thiếu tá Roy McBride. Mười sáu năm trước, H. Clifford McBride được giao chỉ huy một đoàn thám hiểm có nhiệm vụ bằng mọi cách phải tìm thấy sự sống ngoài Trái Đất cho dù có phải đi đến tận cùng của Giải Ngân Hà. Vượt qua Mặt Trăng, vươn tới Sao Hỏa, bay ngang qua hai hành tinh khí khổng lồ là Sao Thổ và Sao Mộc, và đi quá cả “khối băng khổng lồ” Sao Thiên Vương, con tàu du hành “Dự án Lima” của phi hành trưởng H. Clifford McBride trở thành đại diện đầu tiên của loài người vươn tới được hành tinh với màu xanh nước biển Sao Hải Vương trước khi mất liên lạc với trạm chỉ huy tại Trái Đất. Và giờ đây con của nhà du hành vĩ đại năm xưa Roy McBride có nhiệm vụ phải lần được ra dấu vết của “Dự án Lima” và nguồn gốc của những đợt sóng năng lượng đang tấn công Trái Đất với cường độ ngày một dữ dội. Với sự hỗ trợ của những người đồng hành như thượng tá Pruitt – một đồng đội cũ của H. Clifford McBride, của Helen Lantos (Ruth Negga) – trưởng trạm lưu trú của loài người trên Sao Hỏa, hay các phi hành gia của con tàu “Cepheus”, Roy bắt đầu chuyến hành trình đi vào bóng đêm của Giải Ngân hà để tìm cách hé lộ bí mật về cha mình, về chuyến đi định mệnh của “Dự án Lima”, và về lý do tại sao dù đã rất cố gắng, con người vẫn chưa thể tìm thấy sự sống ngoài hành tinh để phá bỏ sự đơn độc đến cùng cực của họ giữa Vũ trụ bao la.

Ad Astra (Giải mã bí ẩn Ngân Hà) là tác phẩm mới nhất của đạo diễn người Mỹ gốc Ukraina James Gray và cũng là tác phẩm khoa học giả tưởng đầu tiên của nhà làm phim “chuyên trị” đề tài phim bi kịch – hình sự này. Gây tiếng vang tại Hollywood ngay từ tác phẩm đầu tay Little Odessa (1994), Gray luôn khiến khán giả phải trầm trồ vì những bộ phim có nhịp độ không quá nhanh nhưng luôn thấm đẫm cảm xúc và ẩn chứa những bi kịch về sự cô độc, về mặt trái của cái nghèo và tội ác. Luôn chắp bút cho kịch bản các bộ phim ông đạo diễn, James Gray thường lấy bối cảnh hiện đại hoặc cận hiện đại cho cuộc hành trình tìm lấy hơi ấm của tình thương, của sự cảm thông của các nhân vật nhiều phần cô độc của ông. Bối cảnh gần gũi, cốt truyện thiên hướng nội tâm, và nỗi niềm cô đơn ai cũng từng phải trải qua của các nhân vật trong phim khiến cho các tác phẩm của James Gray từ Two Lovers (2008), The Immigrant (2013), cho tới The Lost City of Z (2016) tuy chưa bao giờ gây được tiếng vang lớn về mặt doanh thu nhưng vẫn có được chỗ đứng riêng trong lòng khán giả.

Với một danh mục tác phẩm như trên, rõ ràng Ad Astra là một lựa chọn gây ngạc nhiên của James Gray vì bộ phim trị giá gần trăm triệu đô la này vừa có kinh phí lớn hơn hẳn các tác phẩm trước đây của Gray (vốn chưa bao giờ tiêu tốn quá 30 triệu đô la cho việc làm một bộ phim), lại lấy bối cảnh khoa học giả tưởng hoàn toàn xa lạ với khung cảnh cận hiện đại – hiện đại của The Immigrant hay Two Lovers, và nói về một cuộc hành trình hướng ngoại “vươn tới các vì sao” thay vì những câu truyện thiên về khám phá nội tâm. Nhưng sau khi xem phim, chắc chắn bất cứ ai yêu thích điện ảnh nói chung và phong cách của James Gray nói riêng sẽ phải gật gù rằng đây vẫn là một tác phẩm đậm chất James Gray – vẫn là một chuyến đi đầy chông gai để vượt khỏi xiềng xích của sự cô độc, lần này là sự cô độc của loài người giữa Vũ trụ bao la. Tuy Ad Astra có một kịch bản gốc được James Gray và nhà biên kịch phim truyền hình Ethan Gross chắp bút không dựa trên bất cứ tác phẩm nào, người xem vẫn có thể nhận ra rằng tác phẩm này có cái tứ khá giống với tiểu thuyết ngắn Heart of Darkness của nhà văn Joseph Conrad. Miêu tả một cuộc khám phá thiên nhiên hoang dã và “chưa được khai hóa” ở vùng đất trái tim của Châu Phi ở Congo nơi đại diện của “thế giới văn minh” như gương mặt bí hiểm Kurtz có cuộc sống và mối quan hệ hết sức đặc biệt với những người dân bản xứ vốn luôn bị coi là đối tượng cần được “khai sáng” bằng nền văn minh của xã hội hiện đại – xã hội của những kẻ đi thống trị. Với một cái tứ rất nhiều kịch tính và cảm xúc như vậy, Heart of Darkness đã được chuyển thể nhiều lần trên màn ảnh nhỏ và cũng trở thành nguồn cảm hứng chính để nhà làm phim huyền thoại Francis Ford Coppola làm nên một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông lấy bối cảnh Chiến tranh Việt Nam – Apocalypse Now (1979). Trong Apocalypse Now, đại úy Benjamin L. Willard (Martin Sheen) được giao nhiệm vụ đi sâu vào những mảnh rừng, con sông hoang dã còn lại của Việt Nam và Campuchia để tìm kiếm viên đại tá Walter E. Kurtz (Marlon Brando) – người bị coi là đã hóa điên vì sự cô độc, và vì mối quan hệ dị biệt với những người bản địa còn “chưa được khai hóa”. Trong Ad Astra, thế chỗ cho Willard là Roy, thế chỗ cho Kurtz là H. Clifford McBride, và thế chỗ cho rừng thiêng nước độc của xứ Đông Dương là bóng đêm sâu thảm của Giải Ngân hà được điểm xuyết đây đó bởi những hành tinh lạnh lẽo, khô cằn. Và cũng như chuyến hành trình đầy bất ngờ và chết chóc của Willard, Roy trên từng chặng đường của anh từ Trái Đất lên Mặt Trăng, từ Mặt Trăng vươn tới Sao Hỏa, và từ Sao Hỏa trôi dạt tới Sao Hải Vương vừa được tận mắt chứng kiến những hình ảnh chẳng ai có thể hình dung từ Trái Đất như sự kì vĩ bao la của Sao Mộc hay vành đai đá kéo dài đến vô tận của Sao Thổ, lại vừa phải đối diện với những vấn đề “xưa như Trái Đất” ở nơi cách xa đất mẹ cả triệu cây số - đó là sự phản bội, đó là lòng tham, đó là cái chết, và tất nhiên luôn ngập tràn trong từng giây từng phút từng hơi thở là sư cô độc đến cùng cực.

Trong những năm gần đây du hành vũ trụ đã quay trở lại như một đề tài yêu thích của giới làm phim Hollywood với rất nhiều tác phẩm hay như Gravity (2013) của Alfonso Cuarón, Interstellar (2014) của Christopher Nolan, The Martian (2015) của Ridley Scott, hay gần đây nhất là First Man (2018) của Damien Chazelle. Hầu như tất cả các tác phẩm này đều nhấn vào sự tương phản giữa một bên là vũ trụ bao la, xa lạ với vô vàn những điều chưa được khám phá, và một bên là sự nhỏ bé nhiều khi đến bất lực của con người. Sự tương phản đó cũng phần nào đó được phản ánh trong Ad Astra, nhưng bên cạnh đó James Gray dường như còn muốn truyền tải đến người xem một góc nhìn khác về những cuộc du hành thám hiểm không gian – đó là chúng ta vươn tới khoảng không xa xôi ngoài kia không phải để khám phá cái mới, mà là để chinh phục, là để biến những hành tinh xa lạ trở thành những Trái Đất mới, để áp đặt cách tồn tại, cách sống, cách hưởng thụ vốn đã khiến Trái Đất thân yêu trở nên cằn cỗi lên những hành tinh khác vốn đã tồn tại cả triệu năm, cả tỷ năm mà không cần tới hơi thở, tiếng nói của con người. Bởi thế mà trong Ad Astra người ta thấy những cửa hiệu bánh mỳ Subway trên Mặt Trăng, người ta thấy những phòng thí nghiệm thử nghiệm thuốc trên khỉ trôi dạt trong khoảng không vô tận giữa Mặt Trăng và Sao Hỏa, hay thậm chí là nghe thấy những nhịp điệu quen thuộc của các bộ phim ca vũ cũ kĩ phát ra từ một con tàu nằm khuất sau vành đai đá của Sao Hải Vương. Vũ trụ bao la có ý nghĩa gì khi con người vẫn phải giam mình trong những không gian chật hẹp của các con tàu vũ trụ, của những trạm vũ trụ nằm sâu trong lòng các hành tinh để duy trì sự sống? Những chân trời mới lạ có ý nghĩa gì khi dù đi tới đâu con người vẫn luôn phải khắc khoải với nỗi nhớ thiên nhiên nên quê nhà, vẫn phải trăn trở với những cảm xúc vốn tưởng đã có thể xa rời khi ta đặt chân lên những con tàu vũ trụ? Những câu hỏi giàu tình cảm tưởng chừng đơn giản nhưng vẫn hết sức mới lạ với dòng phim thường nhấn mạnh chất hành động, và màu sắc phiêu lưu mạo hiểm đã biến Ad Astra dù ra đời sau nhưng vẫn có một vị trí rất khác biệt khi so sánh với những tác phẩm du hành vũ trụ khác của Hollywood.

Nếu như phần nội dung của Ad Astra gợi khán giả nghĩ tới Apocalypse Now thì phần hình ảnh của bộ phim cho thấy James Gray muốn nhắc nhớ người yêu điện ảnh tới một tác phẩm kinh điển khác – 2001: A Space Odyssey (1968) của đạo diễn Stanley Kubrick. Được coi là tác phẩm đánh dấu sự ra đời của dòng phim khoa học viễn tưởng hiện đại và là tác phẩm xuất sắc nhất của thể loại phim du hành vũ trụ, 2001: A Space Odyssey để lại ấn tượng đặc biệt sâu sắc với khán giả về mặt hình ảnh khi Kubrick mang tới cho khán giả một Mặt Trăng, một Vũ trụ vừa xa lạ với những cảnh quan và khoảng không kỳ vĩ, dị biệt, nhưng cũng vẫn mang lại cảm giác chân thật của một tác phẩm tài liệu trong hình hài của một bộ phim khoa học giả tưởng. Có rất nhiều hình ảnh trong Ad Astra chắc chắn sẽ khiến người xem nghĩ tới 2001: A Space Odyssey. Đó có thể hình ảnh căn cứ của con người nằm trong hố va chạm Walther của Mặt Trăng với nhiều đường nét và cảnh quan rất giống với Căn cứ Clavius trong 2001: A Space Odyssey. Đó có thể sự giận dữ và sức mạnh đến bàng hoàng của những chú khỉ bị thử nghiệm ngoài không gian – một trường đoạn gợi nhớ tới buổi bình minh của loài người được Stanley Kubrick khắc họa một cách đầy tính biểu tượng trong 2001: A Space Odyssey. Và đó cũng có thể là hình ảnh dàn máy móc “nổi loạn” của “Dự án Lima” được con người chế tạo ra để rồi quay lại đe dọa sự tồn vong của con người như cái cách HAL 9000 dần biến đổi trên con tàu “Discovery One”. Ngay cả nhịp phim chậm rãi của Ad Astra – lựa chọn thường thấy của James Gray trong các bộ phim của ông, và phần nhạc phim vừa hào hùng vừa da diết của nhà soạn nhạc người Anh Max Richter cũng phần nào đó biến Ad Astra trở thành một tác phẩm hết sức gần gũi với 2001: A Space Odyssey bất chấp khoảng cách hơn nửa thế kỷ giữa thời điểm ra đời của hai bộ phim.

Tất nhiên mọi so sánh đều chỉ mang tính chất tương đối bởi 2001: A Space Odyssey là một bộ phim đậm chất triết lý với những hình ảnh biểu tượng về giá trị của sự tồn tại của loài người trong vũ trụ bao la trải đều từ đầu đến cuối phim, còn Ad Astra lại nhắm tới mục đích mô tả những cuộc du hành vũ trụ xa xôi qua góc nhìn đời thường, ẩn chứa những cảm xúc hết sức con người. Đặc biệt, phần kết của Ad Astra có lẽ sẽ khiến nhiều tác giả phải đặt câu hỏi về việc liệu đây có phải là một tác phẩm xứng tầm với một 2001: A Space Odyssey-của-thời-hiện-đại, hay chỉ là một nỗ lực khác của James Gray trong việc đi tìm ý nghĩa thực sự cho những chuyến du hành đầy trắc trở đi tìm “bạn đồng hành” cho loài người trong vũ trụ bao la. Thêm vào đó, ngoại trừ một Brad Pitt hết sức xuất sắc trong vai nhà du hành cô độc và đầy trăn trở Roy McBride, thì các diễn viên trong phim dù đều nổi danh với tài nghệ diễn xuất như Tommy Lee Jones (vai H. Clifford McBride), Ruth Negga (vai Helen Lantos), hay Donald Sutherland (vai thượng tá Pruitt) đều không để lại nhiều ấn tượng, có lẽ một phần vì James Gray đã dành phần lớn thời lượng phim và những dòng hay nhất của kịch bản phim để dành cho nhân vật chính-không-thoại của phim – vũ trụ bao la.

Không phải một tác phẩm hoàn hảo, nhưng nội dung và phần hình ảnh đầy tính gợi mở của Ad Astra có lẽ vẫn sẽ làm hài lòng đại đa số khán giả. Và trên hết, trong thời buổi mà biến đổi khí hậu do con người gây ra đang tàn phá cuộc sống của chính con người với tần suất ngày một dữ dội, và chiến tranh cùng đói nghèo vẫn đang tạo ra những vết sẹo hủy hoại thiên nhiên hằn sâu vào bề mặt Trái Đất, thì cuộc hành trình vô số gian nan nhưng rất ít hy vọng của cha con nhà McBride để tìm miền đất hứa, tìm “bạn đồng hành” cho loài người ở ngoài không gian xứng đáng là tiếng chuông cảnh tỉnh để chúng ta nhìn lại để chăm chút hơn cho chính những gì chúng ta đang có, để bảo vệ hơn cho Trái Đất – mái nhà chung và duy nhất của loài người trong khoảng không bao la này.

=========

dimanche 29 septembre 2019

Once Upon a Time In Hollywood (2019)


Thập niên 1950 và đầu những năm 1960, điện ảnh và truyền hình Mỹ vẫn là thế giới của những ngôi sao Hollywood “kiểu cũ” – những diễn viên có vẻ đẹp cổ điển rất sáng màn hình, rất phù hợp với những vai diễn người hùng màn bạc, nhưng thường có khả năng diễn xuất hạn hẹp và luôn xuất hiện “trăm vai như một” từ tác phẩm này qua tác phẩm khác. Một trong những ngôi sao tiêu biểu như thế của Hollywood là Rick Dalton (Leonardo DiCaprio). Dù trùng họ với một đảng cướp khét tiếng đầu thế kỷ 20 ở Hoa Kỳ, nhưng Rick khiến người xem từ trẻ đến già phải mê đắm với hình ảnh tay súng chuyên săn tội phạm bị truy nã để lĩnh thưởng trong loạt phim truyền hình Bounty Law. Những năm tháng danh vọng ấy không chỉ giúp Rick có đủ tiền sở hữu một dinh thự rộng lớn trên những ngọn đồi nhà giàu nhìn xuống Los Angeles, mà còn giúp anh tìm được người bạn, người cộng sự thân thiết Cliff Booth (Brad Pitt) – anh chàng cựu binh với quá khứ bí hiểm luôn sẵn sàng “hứng đạn” cho Rick trên phim trường trong vai trò diễn viên đóng thế các cảnh mạo hiểm (nói theo Cliff là carry the load cho Rick), và cả ngoài đời thường trong vai trò tài xế-kiêm bạn tâm giao-kiêm vệ sĩ.

Chìm ngập trong khói thuốc lá và ánh hào quang tưởng chừng không bao giờ tắt, có lẽ Rick không nhận ra rằng xã hội vẫn ngày một đổi thay, và Hollywood cũng không nằm ngoài vòng quay đó. Thay thế cho những ngôi sao chỉ biết diễn cương, chỉ biết áp đặt hình ảnh rất riêng của họ lên màn ảnh như Rick là một thế hệ diễn viên lao động hết sức mình để nhập vai (method acting), để biến mất trong vai diễn như cô bé Trudi Fraser (Julia Butters) – bạn diễn nhỏ tuổi của Rick trong loạt phim cao bồi kiểu mới Lancer. Những diễn viên nhập vai một cách xuất sắc, cùng các đạo diễn mới nổi với các đề tài mang đậm tính xã hội như Roman Polanski (Rafał Zawierucha) – hàng xóm của Rick trong một dinh thự còn lộng lẫy nguy nga hơn nhiều lần chính là làn sóng mới đã thổi hơi thở hiện đại, trẻ trung vào Hollywood, biến Hollywood kinh điển mà Rick hết mực yêu quý trở thành một Hollywood khác – Hollywood Mới (New Hollywood). Hollywood Mới không có chỗ cho những diễn viên một màu, bởi thế người hùng màn bạc Rick dần phải làm quen với những vai diễn phản diện “làm nền” cho các ngôi sao mới trẻ trung hơn, biết diễn xuất hơn như James Stacy (Timothy Olyphant) – người hùng trung tâm của Lancer. Và tất nhiên cùng với đó Cliff cũng không còn nhiều cơ hội trong các vai diễn đóng thế, nhất là khi anh có một quá khứ khiến nhiều người phải e ngại và từng gây rắc rối trên phim trường khi “cả gan” chê bai và gây sự với ngôi sao võ thuật được công chúng yêu thích bậc nhất khi đó là Lý Tiểu Long (Mike Moh). Mất đi vinh quang và những vai diễn, niềm hy vọng duy nhất còn lại của Rick là sự ủng hộ từ những người yêu phim cũ như nhà sản xuất Marvin Schwarz (Al Pacino) – người luôn động viên Rick hãy sang Roma để thử sức với dòng phim cao bồi “kiểu Ý” (Spaghetti Western), còn với Cliff, là chú chó pit bull Brandy và những tác phẩm điện ảnh, truyền hình cũ kĩ nhưng đủ để anh xem qua ngày đoạn tháng.

Chưa từng mơ tới ngày sự nghiệp và cuộc sống lụi tàn dần theo sự đổi thay của xã hội và của Hollywood, tất nhiên Rick và Cliff cũng không thể ngờ được rằng cuộc sống của cả hai sẽ lại bị đảo lộn một lần nữa bởi sự xuất hiện của gia đình người hàng xóm mới Roman Polanski và Sharon Tate (Margot Robbie). Polanski và Tate khiến khu phố yên tĩnh nơi Rick trú ngụ bao năm trở nên náo nhiệt nhờ sự nổi tiếng của chính cặp vợ chồng – một là đạo diễn đang lên với tác phẩm kinh dị gây tiếng vang Rosemary’s Baby, còn một là gương mặt trẻ đẹp của những bộ phim gây xôn xao dư luận như Valley of the Dolls và The Wrecking Crew, và nhờ vào những vị khách nổi tiếng không kém mà cặp đôi này mời tới dinh thự của họ như Jay Sebring (Emile Hirsch) – bạn trai cũ của Tate. Danh tiếng đôi khi cũng kéo theo rắc rối, khi căn hộ của Polanski và Tate cũng lại lọt vào tầm ngắm của nhóm dị giáo do Charles Manson (Damon Herriman) cầm đầu. Những tín đồ của Manson như “Squeaky” Fromme (Dakota Fanning), như “Tex” Watson (Austin Butler), như “Pussycat” (Margaret Qualley) tôn thờ lối sống từ bỏ vật chất tới mức sẵn sàng lục rác để kiếm ăn qua ngày hay sống chung trong những căn hộ chật chội, bẩn thỉu trong trang trại kiêm phim trường bỏ hoang của ông lão mù George Spahn (Bruce Dern). Với lối sống đó, tất nhiên “Gia đình Manson” thù ghét những người giàu có, thành công như vợ chồng Polanski-Tate. Liệu Rick và Cliff có bị “vạ lây” vì lý tưởng quái đản của “Gia đình Manson”, hay không cần tới sự xuất hiện của những Pussycat, những Squeaky thì cuộc sống của Rick, của Cliff cũng sẽ mờ dần trong bóng tối của một Hollywood cũ đã đi vào dĩ vãng?

Nếu chỉ dựa trên những cái tên nhân vật của Once Upon a Time in Hollywood (Ngày xưa ở Hollywood), chắc hẳn nhiều khán giả cũng đã đoán ra rằng với tác phẩm mới nhất này của mình, đạo diễn Quentin Tarantino đã quay trở lại với đề tài “viết lại lịch sử” sau Inglourious Basterds (2009) – bộ phim giả tưởng về vụ ám sát thành công Hitler, và Django Unchained (2012) – tác phẩm đưa người da đen từ vị thế bị áp bức trong xã hội vẫn còn tệ nô lệ ở miền Nam nước Mỹ trở thành anh hùng mã thượng kiểu cao bồi miền Tây – vai trò trước giờ Hollywood mới chỉ dành cho các diễn viên da trắng. Với Ngày xưa ở Hollywood, câu truyện Quentin muốn viết lại gần hơn với hiện tại – đó là vụ thảm sát Sharon Tate và những người bạn tại ngôi biệt thự số 10050 đường Cielo do những tín đồ của Charles Manson gây ra tháng 8 năm 1969. Nhưng cũng như Inglourious Basterds và Django Unchained, Ngày xưa ở Hollywood không chỉ là một “sự kiện lịch sử viết lại”, mà còn là một lát cắt về quá khứ được nhìn qua lăng kính của một nghệ sĩ hết mực yêu điện ảnh. Trung thành với phong cách “thập cẩm” kể từ những tác phẩm thời kỳ đầu như Pulp Fiction (1994) hay Kill Bill (2003-2004), Quentin Tarantino lồng vào Ngày xưa ở Hollywood rất nhiều cách thể hiện, rất nhiều chi tiết gợi nhớ đến những dòng phim mà một thời chính Tarantino, cùng rất nhiều khán giả của ông vẫn hằng yêu quý. Đó là hình ảnh những chàng cao bồi “kiểu cũ” trong các bộ phim của John Ford, đó là những câu thoại và bộ phim “giả tưởng” nhắc nhớ đến bộ ba phim cao bồi kiểu Ý Dollar Trilogy của Sergio Leone, đó là những thước phim và thậm chí là bóng dáng của những ngôi sao tóc ngắn “kiểu Kim Novak” làm khán giả nghĩ ngay đến dòng phim kinh dị - giật gân của Alfred Hitchcock và Roman Polanski, và tất nhiên không thể kể tới hình ảnh đã đi vào huyền thoại của Lý Tiểu Long và các tác phẩm võ thuật đã làm cả Hollywood mê đắm của ông.

Có lẽ sẽ phải mất tới vài trang giấy chỉ để liệt kê những chi tiết liên quan đến lịch sử điện ảnh trong Ngày xưa ở Hollywood, bởi tác phẩm mới nhất này của Quentin Tarantino dường như được ông làm chủ yếu để chia sẻ với khán giả của mình tình yêu vô hạn với điện ảnh, với lịch sử điện ảnh, với lịch sử Hollywood – những thứ đã tạo nên thương hiệu, tạo nên danh tiếng, tạo nên phong cách riêng của Tarantino trong suốt ba thập niên qua. Bởi vậy mà với những tín đồ của điện ảnh, chắc chắn Ngày xưa ở Hollywood sẽ là một kho báu để họ có thể khám phá từng khung hình, từng câu thoại để tìm lại những dấu ấn của điện ảnh Hollywood trong quá khứ, để thấy được Hollywood và xã hội nước Mỹ trong buổi giao thời những cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970 đã được phản chiếu lên phim ảnh thời kì này như thế nào. Vô số chi tiết ẩn dụ nhắc nhớ điểm xuyết từ đầu đến cuối phim có thể là điểm cộng với các “con mọt” điện ảnh, nhưng với công chúng muốn tìm những giờ phút thư giãn, hẳn không phải ai cũng có thể tận hưởng nửa đầu của Ngày xưa ở Hollywood bởi phim có nhịp độ khá chậm, không có quá nhiều sự kiện nổi bật hay các trường đoạn hành động, đối thoại ngẫu hứng vốn thường được Quentin Tarantino rải đều như trong Inglourious Basterds, Django Unchained, hay gần đây nhất là The Hateful Eight (2015). Đặc biệt với những khán giả bên ngoài nước Mỹ, không thực sự quan tâm tới lịch sử Hoa Kỳ trong giai đoạn rất nhiều biến chuyển những năm 1960, 1970, thì nửa đầu Ngày xưa ở Hollywood thậm chí có thể coi là một tác phẩm nhàm chán với quá nhiều góc máy đặc tả “kiểu Tarantino” – đặc biệt là các cảnh quay lấy tâm điểm là … bàn chân nhân vật, trừ phi họ thực sự chờ đón câu truyện được Quentin Tarantino viết lại cho vụ ác man rợ của “Gia đình Manson” tháng 8 năm 1969.

Một trong những điểm tạo nên sự khác biệt cho phong cách Tarantino đó là việc các bộ phim của ông có phần thoại cực kì xuất sắc, với những câu thoại dí dỏm, lý thú nếu đặt trong bối cảnh riêng của đoạn đối thoại, và lại mang tính dẫn dắt, ẩn dụ, kết nối các phân đoạn, các nhân vật tưởng chừng chẳng có gì liên quan tới nhau. Trong Ngày xưa ở Hollywood, người xem sẽ bắt gặp rất nhiều những câu thoại như vậy để rồi đi từ việc gật đầu tán thưởng với những câu thoại nhắc nhớ đến các bộ phim nổi tiếng như Rosemary’s Baby tới chỗ phải “ngã ngửa” vì ngạc nhiên khi thấy Quentin Tarantino kết nối những câu nói tưởng chừng bâng qươ đó với những trường đoạn quan trọng trong phim. Cũng chính qua những câu thoại “vô thưởng vô phạt” nhưng thực ra hết sức ý nhị đó, Quentin Tarantino cũng đã minh hoạ được một Hollywood nói riêng và xã hội nước Mỹ nói chung trong những năm có rất nhiều mâu thuẫn, rất nhiều xung đột tiềm ẩn, nơi các diễn viên da trắng vẫn còn phân biệt chủng tộc một cách thậm tệ với những người da màu, người Mexico, nơi trẻ con lớn lên cùng những bộ phim đầy ắp các cảnh quay bạo lực hay khói thuốc lá. Đặc biệt nhất là việc tuy là lá thư ngỏ lời yêu quý đến Hollywood của quá khứ, nhưng qua những câu thoại do chính tay ông viết nên, Quentin Tarantino cũng lại ngầm chỉ trích, châm biếm những mặt trái của Hollywood như vết nhơ lạm dụng tình dục trẻ em của chính Roman Polanski, sự gian dối của những ngôi sao sẵn sàng quảng cáo thuốc lá dù biết thứ sản phẩm độc hại này đang huỷ hoại sức khoẻ của chính họ, và thậm chí là hành xử có phần hợm hĩnh trên phim trường của các tên tuổi lớn. Từ những phút đầu tiên cho tới tận những khung hình cuối cùng, Quentin Tarantino động tới đủ mọi khía cạnh của Hollywood qua cách nhìn, quan điểm của ông mà chẳng ngoại trừ bất cứ ai, bất cứ chủ đề nào dù cho đó là những huyền thoại được nhiều người trân trọng như Lý Tiểu Long. Chính phân đoạn mô tả Lý Tiểu Long trên phim trường lại gây nên tranh cãi lớn nhất trong một tác phẩm đề cập tới một trong những tội ác gây chấn động nhất ở Hollywood – vụ giết hại Sharon Tate của các tín đồ “Gia đình Manson”. Với những người tôn thờ ngôi sao võ thuật họ Lý hay người thân của ông như con gái Lý Hương Lan thì Quentin Tarantino đã cố tình xúc phạm, hiểu sai hình ảnh của nam diễn viên quá cố. Về phần mình, Tarantino lại cho rằng ông chỉ mô tả đúng những gì đã được đọc, được nghe về Lý Tiểu Long để làm bức tranh về một Hollywood-của-quá-khứ của ông được đầy đủ, đa sắc hơn. Bên nào cũng có lý của họ, nhưng với người yêu điện ảnh, những tranh cãi đó chỉ càng nói nên một điều rằng Ngày xưa ở Hollywood đã thực sự chạm tới những gì được coi là mang tính đại diện về một thời dĩ vãng của Hollywood. Ở thời buổi phim “tiền truyện-hậu truyện”, thời buổi phim siêu anh hùng, thời buổi “phim làm lại”, có mấy ai dám bỏ trí tuệ, công sức, và thời gian để tạo nên một tác phẩm chỉn chu – dù cho có nhiều tranh cãi, mới mẻ - dù “học” rất nhiều từ những nghệ sĩ, bộ phim đi trước, để dành riêng cho những người yêu điện ảnh như Quentin Tarantino với Ngày xưa ở Hollywood?

Một điểm sáng không thể không nhắc tới khác của Ngày xưa ở Hollywood đó là diễn xuất xuất sắc của Leonardo DiCaprio. Hoàn toàn khác với sự nham hiểm của tay chủ nô miền Nam Calvin J. Candie trong Django Unchained, Rick Dalton của DiCaprio trong Ngày xưa ở Hollywood là hình ảnh của một ngôi sao điện ảnh sắp hết thời với cách nhìn đời đầy bi quan sau những trải nghiệm về những góc sáng và tối của Hollywood, vừa tuyệt đối thờ ơ với những biến đổi thực sự của xã hội và của chính Hollywood đang diễn ra bên ngoài những phim trường, bên ngoài những trang kịch bản vốn là cuộc sống bao nhiêu năm của người hùng điện ảnh với cái họ tướng cướp. Với tài năng của mình, DiCaprio đã đem tới cho khán giả một Rick Dalton với rất nhiều cung bậc cảm xúc, với cách phản ứng hết sức khác nhau với thực tại khắc nghiệt của một ngôi sao hết thời. Số phận của Rick Dalton trong Ngày xưa ở Hollywood vừa là bi kịch của một nhân tố chậm thay đổi khi làn sóng của một Hollywood Mới vị-nhân-sinh đột ngột ập tới, vừa là câu truyện lãng mạn pha chút hài hước của một tâm hồn luôn yêu điện ảnh, luôn hết mình vì điện ảnh, luôn muốn sống mãi trong không khí của một Hollywood-vị-nghệ-thuật. Khi so sánh với DiCaprio, các ngôi sao khác như Brad Pitt trong vai Cliff Booth, Margot Robbie trong vai Sharon Tate, hay ngôi sao gạo cội Al Pacino trong vai diễn nhỏ Marvin Schwarz có phần bị lép vế tuy rằng cách xây dựng nhân vật dày dặn, chu đáo của Quentin Tarantino cùng tài năng của những cái tên lớn này vẫn giúp Cliff, giúp Tate, giúp Schwarz trở thành những phần không thể tách rời để tạo nên một Hollywood rất riêng, một Hollywood-của-ngày-xưa.

Không phải là một tác phẩm hoàn hảo, nhưng không ai có thể phủ nhận được rằng Ngày xưa ở Hollywood là một lá thư chân thành và đặc sắc của Quentin Tarantino gửi tới khán giả để chia sẻ tình yêu của ông với điện ảnh nói chung và với Hollywood ở buổi giao thời giữa làn sóng cũ và làn sóng mới. Quentin Tarantino đã nhiều lần khẳng định rằng mình sẽ chỉ làm 10 phim trước khi “rửa tay gác kiếm”, có lẽ vì vậy mà ở bộ phim áp chót này, Tarantino thực sự muốn dựng nên một tác phẩm riêng cho bản thân mình, bất chấp việc tác phẩm đó có chứa đựng quá nhiều chi tiết ẩn dụ và có nhịp phim tương đối chậm không hẳn đã hấp dẫn với người xem phim đại chúng. Nhưng với rất nhiều những khán giả khác đã chia sẻ tình yêu điện ảnh với Quentin Tarantino trong suốt mấy thập niên vừa qua, chắc chắn họ sẽ cảm và thấm được câu truyện cổ tích-mà-không phải là cổ tích trong Ngày xưa ở Hollywood.

======