some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mercredi 25 août 2010

Rest in peace, Kon-sensei


- Perfect Blue
- Millennium Actress
- Tokyo Godfathers
- Paranoia Agent
- Paprika

No one will ever forget you, Kon-sensei!

mercredi 11 août 2010

Vô gián đạo hay Inception phiên bản Hồng Kông

(Bắt chước bài của chú Quang)


Phân vai:


* Lương Triều Vỹ vai Đoạt Mộng, một chuyên gia trong lĩnh vực đột nhập giấc mơ để ăn cắp ý tưởng của người khác. Tuy đạt tới vị trí "minh chủ" trong nghề nhưng không rõ tại sao Đoạt Mộng phải lang thang khắp xứ trong nỗi tưởng nhớ người vợ Linh và hai đứa con thương yêu nơi quê nhà.


* Ngô Ngạn Tổ vai Trọng, trợ tá của Đoạt Mộng, người được Đoạt Mộng tin tưởng giao nhiệm vụ nghiên cứu đối tượng trong mọi phi vụ nhờ đức tính cẩn trọng đúng như cái tên của anh.


* Trần Đạo Minh vai Trí, phú gia Đại lục trong ngành bất động sản, người nhờ Đoạt Mộng thực hiện phi vụ khó khăn lần này để mở rộng cơ hội kinh doanh tại Hồng Kông.


* Trương Tịnh Sơ (hoặc Lâm Gia Hân) vai Minh, thần đồng trong kiến tạo không gian mộng ảo. Minh là đệ tử của Giáo Sư, bố vợ Đoạt Mộng và là sư phụ, người giúp Đoạt Mộng có được vị trí ngày nay. Tuy chưa có chút kinh nghiệm "trong nghề" nào nhưng ngay ở những thử thách đầu tiên do Đoạt Mộng đặt ra, Minh đã chứng tỏ mình là người xứng đáng có mặt trong phi vụ lần này (người hợp nhất cho một vai thông minh dạng này là Từ Tịnh Lôi, tiếc là Từ đã hơi quá tuổi).


* Lưu Thanh Vân vai Ngụy, chuyên gia lừa đảo trong mơ thượng thặng với đủ các kĩ năng như giả trang, khởi tạo ý tưởng. Ngụy cũng tỏ ra là người sành sỏi nhất của nhóm khi mà Đoạt Mộng luôn bị Linh ám ảnh, Trọng quá cẩn thận trong hành động còn Minh quá trẻ và thiếu kinh nghiệm.


* Hoàng Thu Sinh vai Giả Kim, người tạo ra thứ mê dược giúp duy trì giấc mơ tới tầng thứ 3.


* Trương Mạn Ngọc vai Linh, người vợ Đoạt Mộng hết sức yêu thương nhưng đã qua đời vì một lý do bí ẩn. Tuy đã mất nhưng hình bóng của Linh vẫn phảng phất trong các giấc mơ của Đoạt Mộng khiến anh không thể tập trung toàn tâm toàn ý cho công việc.


* Cổ Thiên Lạc vai Công Tử, đối tượng trong phi vụ lần này của nhóm Đoạt Mộng. Lão Gia (Tần Phái) chết đi bỏ lại cho Công Tử một đế chế xây dựng khổng lồ và là mục tiêu thèm muốn của mọi đối thủ kinh doanh.


* Tần Phái vai Lão Gia, bố của Công Tử và là người luôn tỏ ra khắt khe với con trai cho đến tận lúc mất.


* Lương Gia Huy vai Cố Vấn, trợ tá của Lão Gia và là bố nuôi của Công Tử.


* Ngô Trấn Vũ vai Hùng, chuyên gia kiến tạo không gian từng cộng tác với Đoạt Mộng nhưng nay bị thay thế bằng Minh bởi anh quá nóng tính, thiếu bình tĩnh trong công việc.


* Vương Thực Kỳ vai Giáo Sư, bố vợ Đoạt Mộng (rất khó giao vai này vì thực sự hệ thống ngôi sao của Hồng Kông khiến cho những vai the old wise guy ít có đất diễn và ít có người diễn).

Để Vô gián đạo (hoặc Định mộng) ăn khách thì đội ngũ làm phim được đề nghị là: Đạo diễn Đỗ Kỳ Phong, biên kịch chuyển thể Vi Gia Huy, quay phim Lưu Vỹ Cường, nhạc phim Taro Iwashiro, chỉ đạo hành động Hồng Kim Bảo-Chân Tử Đan.
Để phim được tham gia LHP Cannes và hy vọng có giải thì đội ngũ làm phim được đề nghị là: Đạo diễn kiêm biên kịch Vương Gia Vệ, quay phim Christopher Doyle, nhạc phim Shigeru Umebayashi, chỉ đạo hành động Viên Hòa Bình.

Hiệu sách cũ tại Hà Nội


Các hiệu sách cũ tại Hà Nội:
* 117 Bạch Mai: Quán bé, sách không nhiều, phố đông nên chỗ để xe khá khó khăn.

* 106/A11 Tôn Thất Tùng

* 46 Nguyễn Ngọc Nại

* 822 đường Láng: Ưu điểm là cực kì nhiều sách nhưng chủ hàng quát giá khá "chát" so với các hàng khác. Nhưng hiệu sách thì ... phải nhiều sách nên đây vẫn xứng đáng là lựa chọn số 1 cho người yêu sách Hà Nội.

* 344 Thụy Khuê: Quán này ít sách nhưng ưu điểm là ở phố vắng, không xô bồ chen lấn, chỗ để xe rộng, cô bán hàng dễ chịu.

* 102 Mai Dịch

* 279 Trần Quốc Hoàn

* 3 Minh Khai

vendredi 6 août 2010

In limbo with Inception (Part 2)


(Spoiled - Spoiled - Spoiled!!!)

Hình trên (click vào hình để phóng to) là một minh họa tuyệt vời cho nội dung của Inception, nó chứng tỏ phim cũng không đến nỗi quá khó hiểu "kiểu (David) Lynch" nhưng cũng không dễ hiểu đại chúng như The Dark Knight. Hình được dùng để mô tả nội dung phim là Cầu thang Penrose, một dạng cầu thang ảo giác mang tính đánh lừa và nó cũng là nguyên lý tạo "thế giới ảo" trong giấc mơ của các "The Architect"

======
Không có thời gian và cũng chưa thể nghĩ ra một cái review tử tế cho Inception, tôi đành dịch qua bài review của Roger Ebert về phim này, Ebert là nhà phê bình phim được kính trọng bậc nhất ở Hollywood, bản thân tôi cũng rất thích ông vì cách dùng từ sáng tạo, thông minh và giàu tình cảm của người đàn ông không hàm (theo nghĩa đen) này.

Người ta nói rằng Christopher Nolan đã dành tới 10 năm để viết kịch bản cho Inception. Hẳn quá trình đó phải đòi hỏi sự tập trung cao độ, giống như việc một người vừa chơi cờ mù vừa đi thăng bằng trên sợi dây cáp mảnh. Nhân vật chính của phim thử tài năng một kiến trúc sư trẻ tuổi bằng cách thách thức cô gái sáng tạo ra một mê cung, còn Nolan cũng thử thách chúng ta với cái mê cung kì ảo của chính ông ấy. Người xem phải tin rằng Nolan có thể dẫn chúng ta đi qua nó, bởi vì phần lớn thời gian ta bị lạc lối và mất phương hướng trong mê cung. Có lẽ Nolan đã phải viết đi viết lại nhiều lần kịch bản này khi ông phát hiện ra rằng mọi thay đổi đều tác động đến suốt cả tác phẩm.

Câu chuyện của Inception có thể được kể lại trong vài câu, hoặc không tìm nổi cách nào để diễn giải. Đây là một bộ phim miễn nhiễm với chuyện tiết lộ nội dung trước: Nếu bạn biết nó kết thúc thế nào, điều đó sẽ chẳng nói lên điều gì trừ khi bạn biết làm thế nào để bộ phim đi tới đó. Và tường thuật lại cho bạn làm thế nào để phim đi tới phần kết là cực kì khó khăn. Bộ phim này thực chất là một quá trình, quá trình tìm đường đi qua những lớp lang lồng nhau của thực tại và mộng ảo, thực tại bên trong mộng ảo, mộng ảo không có thực tại. Đó là một quá trình chông chênh đến nghẹt thở, và có thể Nolan đã coi bộ phim Memento (2000) của ông như một màn khởi động cho tác phẩm này; rõ ràng Nolan đã bắt đầu viết kịch bản của Inception khi đang quay Memento. Đó là câu chuyện của một người đàn ông với chứng mất trí nhớ ngắn hạn, và nó được kể ngược với trình tự thời gian.

Giống như nhân vật chính của phim đó, khán giả của Inception bị thả trôi trong thời gian và trải nghiệm. Chúng ta chẳng bao giờ có thể tương đối chắc chắn xem mối quan hệ giữa thời gian thực tại và thời gian mộng ảo là thế nào. Nhân vật chính của phim giải thích rằng ta không bao giờ có thể nhớ được điểm khởi đầu của một giấc mơ, và rằng giấc mơ dường như kéo dài nhiều giờ trong khi thực tế nó chỉ diễn ra rất ngắn. Đúng như vậy, nhưng bạn không biết rằng lúc nào là bạn đang mơ. Và chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn ở trong giấc mơ của một người khác? Làm thế nào để thời gian mộng ảo của bạn đồng bộ được với họ? Làm thế nào để bạn thực sự biết?

Cobb (Leonardo DiCaprio) là một chuyên gia đột nhập thượng thặng. Anh ta đột nhập vào trí óc của người khác để ăn cắp những ý tưởng của họ. Bây giờ anh ta được một tỷ phú đầy quyền lực thuê để thực hiện việc ngược lại: Cấy một ý tưởng vào trí óc địch thủ của ông ta, và làm nó hoàn hảo tới mức người này tin rằng đó chính là ý tưởng của anh ta. Chưa ai từng thực hiện thành công việc này trước đó; trí óc của chúng ta luôn cảnh giác với những ý tưởng ngoại lai chẳng khác nào hệ miễn dịch cảnh giác với các mầm bệnh. Nhà tỷ phú giàu có tên Saito (Ken Watanabe) đưa ra một đề nghị mà Cobb không thể chối từ, một đề nghị có thể giúp Cobb chấm dứt chuỗi ngày phải lưu vong khỏi quê nhà và gia đình.

Cobb tập hợp một nhóm chuyên gia, và ở đây bộ phim dựa vào những thủ tục đã có từ lâu trong mọi bộ phim trộm cắp. Người xem được gặp những thành viên trong nhóm sẽ làm việc với Cobb: Arthur (Joseph Gordon-Levitt), cộng sự lâu năm của Cobb; Eames (Tom Hardy), một bậc thầy của nghệ thuật lường gạt; Yusuf (Dileep Rao), một chuyên gia hóa chất. Và đây là thành viên mới của nhóm: Ariadne (Ellen Page), một nữ kiến trúc sư trẻ tuổi tài năng và là một thần đồng trong việc kiến tạo không gian. Cobb còn tới trao đổi với ông bố vợ Miles (Michael Caine), người biết những việc Cobb đang thực hiện và làm cách nào để anh ta tiến hành được chúng. Giờ đây thì Michael Caine chỉ cần xuất hiện trên màn hình là khán giả đã mặc định rằng ông uyên bác hơn tất cả các nhân vật khác. Đó là một khả năng trời phú.

Nhưng đợi đã. Tại sao Cobb lại cần một kiến trúc sư để kiến tạo không gian trong giấc mơ? Anh giải thích cho cô gái. Ta đều biết giấc mơ là những kiến trúc động, nơi ta dường như có cách để di chuyển chúng. Công việc của Cobb là "khởi nguyên" một ý tưởng mới trong trí óc một tỷ phú trẻ khác, Robert Fischer Jr. (Cillian Murphy), người thừa kế đế chế của bố anh ta. Saito muốn Cobb cấy những ý tưởng có thể khiến tập đoàn đối thủ của ông ta phải đi tới chỗ đầu hàng. Cobb cần Ariadne tạo ra một không gian-mê cung dối lừa trong giấc mơ của Fischer sao cho (theo ý tôi) những ý tưởng mới có thể tuồn vào mà không bị phát hiện. Có phải trùng hợp hay không khi mà Ariadne chính là tên của người phụ nữ trong Thần thoại Hy Lạp đã giúp Theseus thoát khỏi mê cung của Minotaur?

Cobb hướng dẫn cho Ariadne về thế giới của những kẻ đột nhập giấc mơ, nghệ thuật điều khiển giấc mơ và lái chúng theo ý mình. Phần này còn được Nolan sử dụng như một trường đoạn hướng dẫn cho chính khán giả về giấc mơ. Và đây cũng là nơi để bộ phim bộc lộ một số kỹ xảo đặc biệt đến kinh ngạc vốn có vẻ vô nghĩa trong trailer giới thiệu nhưng nay trở nên cực kì hợp lý. Kĩ xảo ấn tượng nhất, theo tôi, là ở trường đoạn tại (hoặc có vẻ là tại) Paris khi cả thành phố uốn lại, theo đúng nghĩa đen, như một tấm vải.

Bảo vệ Fischer là một nhóm vệ sĩ súng ống đầy mình, họ có lẽ đang làm việc như là những kháng thể về mặt tinh thần, họ vừa mang vẻ chân thực lại vừa có tính ẩn dụ cao, nhưng dù họ có là ai thì nhóm vệ sĩ này cũng gây ra rất nhiều cuộc đọ súng dữ dội, các pha truy đuổi và những vụ nổ, đúng như cái cách các bộ phim hiện đại mô tả xung đột. Nolan tài tình tới mức ông ấy khiến tôi thực sự bị cuốn theo một trong các cuộc truy đuổi, trong khi tôi nghĩ rằng mình đã tương đối miễn nhiễm với những cảnh đã trở thành tiêu chuẩn như vậy. Lý do là vì tôi quan tâm tới cả kẻ truy đuổi và cả người bị truy đổi.

Nếu bạn từng xem bất kì một quảng cáo nào về bộ phim này, bạn biết rằng kiến trúc của nó có cách bỏ qua trọng lực. Những tòa nhà nghiêng ngả. Những con đường cuộn lại. Những nhân vật bay lơ lửng. Tất cả được giải thích qua câu chuyện kể. Bộ phim này là một mê cung phức tạp không hề chứa một đường thẳng đơn giản nào xuyên xuốt nó, chắc chắn nó sẽ tạo cảm hứng cho những cuộc phân tích bất tận trên mạng.

Nolan giúp chúng ta bằng một tuyến tình cảm đồng nhất. Lý do khiến Cobb vì công việc mà liều lĩnh với những nguy hiểm của sự khởi nguyên là vì anh chất chứa trong lòng nỗi đau khổ và tội lỗi liên quan đến người vợ Mal (Marion Cotillard) và hai đứa con của họ. Tôi sẽ không (hoặc chẳng thể) nói nhiều hơn. Cotillard đã hóa thân tinh tế vào vai người vợ theo một cách lý tưởng hóa. Thật khó nói là khán giả đang chứng kiến kí ức của Cobb hay giấc mơ của anh ta cho đến, nói theo nghĩa đen) tận cảnh quay cuối cùng. Nhưng cô ta làm Cobb trục trặc trong công việc như tác dụng của một nam chân tình cảm, và tình yêu giữa hai bên đã tạo ra một hằng số tinh thần trong thế giới của Cobb, mà nếu thiếu nó thế giới sẽ dịch chuyển không ngừng nghỉ.

"Inception" hiện ra với người xem như cái cách bản thân thế giới tồn tại với Leonard, nhân vật chính của "Memento." Chúng ta luôn luôn ở trong Thực Tại. Chúng ta ghi chép vài thứ khi đến Nơi Đây nhưng lại chẳng rõ Nơi Đây là ở đâu. Mặc dù thế nó vẫn liên quan tới những vấn đề của sự sống, cái chết và trái tim, à, và tất nhiên của cả những tập đoàn liên quốc gia. Và Nolan không ngừng nghỉ trước khi sử dụng những cảnh phim được chuẩn bị tỉ mỉ từ máy bay trinh thám hay gián điệp, gồm cả một âm mưu tinh tế trên khoang một chiếc 747 (và thậm chí giải thích tại sao đó phải là một chiếc 747).

Ngày nay phim ảnh dường như rất hay đến từ thùng tái chế: Phần tiếp theo; phim làm lại; thương hiệu. "Inception" đã làm được một điều rất khó khăn, đó là nó hoàn toàn nguyên gốc như được cắt ra từ một tấm vải mới, và mặc dù vậy vẫn được cấu trúc theo những cơ sở của phim hành động khiến người xem cảm giác như nó (rất có thể) có ý nghĩa hơn là những gì do chính nó mang lại. Tôi từng nghĩ rằng có một lỗ hổng trong "Memento:" Làm thế nào một người đàn ông bị mất trí nhớ ngắn hạn lại nhớ được rằng anh ta bị bệnh mất trí nhớ ngắn hạn? Có lẽ "Inception" cũng có lỗ hổng, nhưng tôi chưa thể tìm ra nó. Christopher Nolan đã tái tạo lại loạt phim "Batman." Lần này ông ấy chẳng tái tạo ra cái gì. Mặc dù thế tôi nghĩ rằng sẽ có vài đạo diễn định tái chế "Inception". Tôi nghĩ rằng khi Nolan để lại cái mê cung này, ông ấy đã vứt mất cái bản đồ của nó.