some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mercredi 31 décembre 2014

The Kingdom of Dreams and Madness (2013)






"The Kingdom of Dreams and Madness" là phim tài liệu của một nữ đạo diễn - Mami Sunada về Hayao Miyazaki và hãng Ghibli lấy bối cảnh là quá trình Miyazaki làm bộ phim hoạt hình cuối cùng của ông - "The Wind Rises". Phim được quay trong thời gian rất dài nhưng được biên tập rất tốt, hạn chế tối đa thuyết minh (voice-over) mà chủ yếu kể chuyện thông qua chính lời của Miyazaki và hình ảnh ông cần mẫn vẽ từng khung hình cho bộ phim mới. Điểm hay của phim là tuy nói về Miyazaki và về Ghibli nhưng phim gần như không dùng một trích đoạn hoạt hình nào, trừ một phân đoạn ngắn (và được làm tuyệt vời!) ở cuối phim để minh họa cho câu chuyện của Miyazaki, dù thế nhưng người xem vẫn cảm nhận được vì đâu mà phim của Miyazaki có được cái nét riêng biệt, vì sao phim của ông có được những hình ảnh tưởng tượng bay bổng nhưng luôn kèm theo những câu chuyện hết sức gần gũi, thực tế và nhân văn như vậy. Xem xong phim tôi thấy có một số điểm đáng chú ý là:
- Miyazaki thực sự là người ham công tiếc việc, ông tự tay vẽ toàn bộ storyboard cho phim và vẽ luôn cả những cảnh chính của phim. Có lẽ vì thế mà ông muốn dừng lại hẳn sau "The Wind Rises" vì mỗi một bộ phim là một lần ông hao tổn sức lực, và niềm hứng thú làm phim - mặc dù ông là người sống giản dị, cực kì chăm chút cho sức khỏe bản thân. 
- Miyazaki không "đáng yêu" như các nhân vật hoạt hình của ông. Ông nghiêm khắc với bản thân và với những người xung quanh, họa sĩ làm việc cho Ghibli thường rơi vào trạng thái kính trọng tài năng của Miyazaki nhưng cũng "sợ" ông vì Miyazaki có đòi hỏi rất cao, và người càng giỏi thì ông lại càng có yêu cầu cao. Kể cả những nhân viên cũ của ông nay đã thành danh như Hideaki Anno (đạo diễn "Neon Genesis Evangelion" và là người lồng tiếng cho vai nam chính của "The Wind Rises") khi gặp lại "sếp" cũ cũng vẫn sợ Miyazaki như sợ cọp.
- Dù là bậc đàn anh của Miyazaki và là đồng sáng lập hãng Ghibli nhưng Takahata luôn khiến Miyazaki và Toshio Suzuki (nhà sản xuất chính của Ghibli) phải vò đầu bứt tai vì phong cách làm phim chậm rãi của ông. Chẳng ai có thể biết bao giờ Takahata sẽ hoàn thành phim của mình, và thậm chí là ông có muốn hoàn thành nó không nữa. Bộ phim cuối cùng của Takahata - "The Tale of the Princess Kaguya" được ông làm ròng rã suốt 7 năm trời từ 2006 đến tận 2013 mới công chiếu, trong thời gian đó Yoshiaki Nishimura, nhà sản xuất chính của phim, đã kịp lấy vợ và có hai đứa con, đứa đầu đã kịp đi học tiểu học. Sự khác biệt giữa Takahata và Miyazaki lớn tới mức hai người có thể được coi là hai nửa đối nghịch sáng-tối, hiện đại-truyền thống, nhanh-chậm của Ghibli, quan hệ giữa hai người vì thế cũng mang cả hai màu yêu-ghét (love-hate) - ngày nào Miyazaki cũng phải nhắc đến Paku-san (cách cả hãng Ghibli kính trọng gọi Takahata), nhưng cứ hôm trước khen hết lời Takahata thì hôm sau thể nào Miyazaki cũng lại phải kêu ca về sự "lề mề" của người đạo diễn thân thiết.


mardi 16 décembre 2014

Nhất cá nhân đích võ lâm (2014)


Bản thân Nhất cá nhân đích võ lâm (Kung Fu Jungle) thì không có gì đáng nói vì phim có kịch bản rời rạc, diễn xuất dưới mức trung bình (trừ Vương Bảo Cường, một diễn viên "thực lực" vào loại hàng đầu của điện ảnh Trung Quốc hiện nay), các pha giao đấu không có gì mới mẻ nếu như so với Sát phá lang của chính Chân Tử Đan (dù Hồng Kim Bảo cũng có mặt trong phim đó nhưng Chân mới là chỉ đạo hành động) cách đây gần 10 năm (2005), thậm chí là còn tệ hơn vì công đoạn dựng phim dùng quá nhiều jump cut làm cảnh quay trở nên rối một cách không cần thiết (nói là không cần thiết vì Chân Tử Đan là võ sư thứ thật và các pha hành động của anh hoàn toàn không đáng bị "làm màu" bằng jump cut như vậy). Khi mới xem trailer của phim tôi đã hy vọng phim sẽ là một tác phẩm pha trộn phong cách hành động "kiểu MMA" như Sát phá lang với nội dung điều tra phá án "kiểu" Võ hiệp (hai phim nổi bật của Chân Tử Đan trong tầm mười năm trở lại đây, bên cạnh loạt phim Diệp Vấn), nhưng hóa ra phim chỉ ở tầm dưới mức trung bình như Đạo hỏa tuyến (Flash Point - một phim đáng quên của Chân Tử Đan theo kiểu "ăn theo" SPL). Chi tiết hấp dẫn nhất của phim (theo tôi) chỉ là những khoảnh khắc khi tôi được thấy những gương mặt, bộ phim huyền thoại như Khương Đại Vệ, Túy quyền, Thất kiếm xuất hiện chớp nhoáng trên màn hình. Tất cả các chi tiết nhỏ này hóa ra lại được tổng hợp thành phần xuất sắc nhất của phim ... nằm ở ending credits với sự xuất hiện của một loạt tên tuổi của làng điện ảnh Hồng Kông với nhiều tên tuổi gạo cội (một số tên tuổi "ít" gạo cội hơn thì lại rất quen thuộc với những ai hay xem phim của Chân Tử Đan) và kết thúc ấn tượng với khuôn mặt của "bố già" điện ảnh Hồng Kông là Trâu Văn Hoài (người sáng lập hãng phim Gia Hòa). Thực ra ngay nội dung của phim cũng cho thấy sự trân trọng của những người làm phim đối với dòng phim kiếm hiệp với việc đặt những triết lý võ lâm vào bối cảnh hiện đại (Đả lôi đài-Gallants từng thực hiện rất thành công ý tưởng này), tuy nhiên kịch bản phim khá dở cùng diễn xuất tồi của dàn diễn viên (tất nhiên không thể hy vọng gì nhiều vào Chân Tử Đan ở mặt này, nhưng một đạo diễn tốt hoàn toàn có khả năng khỏa lấp điểm yếu của các diễn viên bằng cách quay, dựng, tạo hình nhân vật - như cách Trần Khả Tân đã làm với Võ Hiệp) nên thông điệp đẹp của bộ phim đã không được bộc lộ một cách đầy đủ nhất.

Tất nhiên không có câu hỏi nào là ... google không thể trả lời, kể cả danh sách những khuôn mặt xuất hiện trong đoạn ending credit. Dưới đây là link youtube và danh sách ấy.

http://www.youtube.com/watch?v=mysnipV36IE


- Áp phích phim Đường Sơn đại huynh-The Big Boss của Lý Tiểu Long
- Lưu Vỹ Cường (đạo diễn Vô gián đạo)
- Trâu Liên Hữu (trợ lý quay phim Diệp Vấn 2-Ip Man 2, Dương Gia Tướng-Saving General Yang)
- Từ Tiểu Minh (CEO hãng Anh Hoàng, nhà sản xuất của Twins MissionCân tung - Eyes in the Sky)
- Trịnh Bảo Thụy (đạo diễn Dog Bite Dog, Shamo)
- Lâm Châu (gaffer)
- Quách Tử Kiện (đạo diễn Đả lôi đài-Gallants)
- Ngô Tư Viễn (nhà sản xuất của Hoàng Phi Hồng IV/V-Once upon a Time in China)
- Chương Quốc Minh (đạo diễn Man on the Brink)
- Dương Tinh Tinh (diễn viên, trợ lý chỉ đạo hành động cho Bạch phát ma nữ truyện-The Bride with White Hair, Tân Lộc Đỉnh Ký-Royal Tramp)
- La Lễ Hiền (chỉ đạo hành động của Liệt hỏa chiến xa-Full Throttle)
- Generic có tên Lâm Siêu Hiền (đạo diễn Dã thú hình cảnh-Beast Cops Kích chiến-Unbeatable)
- Ngô Lý Lộ (phục trang cho các phim của Trần Khả Tân như Kim chi ngọc diệp-He's a Woman, She's a Man)
- Trương Đồng Tổ (đạo diễn Phì long công phu tinh-The Incredible Kung Fu Master của Hồng Kim Bảo)
- Áp phích phim Tân Thục Sơn kiếm hiệp-Zu Warriors from the Magic Mountain của Từ Khắc
- Khương Đại Vệ (có lẽ không cần chú thích)
- Túy quyền-The Drunken Master với Thành Long và huyền thoại Viên Tiểu Điền (cha của Viên Hòa Bình)
- Mạch Quốc Cường (chỉ đạo nghệ thuật cho Diệp Vấn 1/2)
- Thích Diên Năng (Tuyệt đỉnh công phu-Kung Fu Hustle, Diệp Vấn)
- Phàn Thiếu Hoàng (Lực vương-Riki-Oh: The Story of Ricky, Diệp Vấn 1/2)
- Dụ Kháng (Băng phong hiệp-Iceman)
- Quách Văn Kì (trợ lý đạo diễn cho Thập nguyệt vây thành-Bodyguards and Assassins)
- Hoàng Phong Cường (đạo diễn Tổ trọng án-Crime Story)
- Kim Bồi Đạt (soạn nhạc cho các phim của Trần Khả Tân như Đầu danh trạng-The Warlords, Võ Hiệp-Wu Xia, 8 lần giành Giải thưởng điện ảnh Hồng Kông cho nhạc phim)
- Mạnh Hải (diễn viên, chỉ đạo hành động cho Tân Thục Sơn kiếm hiệp, Hoàng gia sư tỉ-Yes, Madam)
- Trương Văn Bảo (quay phim cho Thiến nữ u hồn-A Chinese Ghost Story, Nguyễn Linh Ngọc-Centre Stage)
- Hoàng Vĩnh Hằng (quay phim cho các phim của Từ Khắc như Đao mã đán-Peking Opera Blue)
- Dương Phán Phán (Túy quyền)
- Áp phích Độc thủ đại hiệp-One Armed-Swordsman
- Viên Tường Nhân (Độc thủ đại hiệp, diễn viên, chỉ đạo hành động cho Hoàng Phi Hồng)
- Lý Đạt Siêu (chỉ đạo hành động cho Thập nguyệt vây thành)
- Trần Chí Đạo (hiệu quả hình ảnh cho Thiết thính phong vân III-Overhead 3)
- Lương Tiểu Hùng (diễn viên, chỉ đạo hành động của Song long hội-Twin Dragons)
- Bey Logan (diễn viên, chuyên gia về điện ảnh Hồng Kông)
- Tiền Vĩnh Lệ (âm thanh)
- Hoàng Vỹ Huy (chỉ đạo hành động cho Vô gián đạo III)
- Tăng Cảnh Tường (âm thanh cho Diệp Vấn)
- Mark Philip Garbario (hóa trang)
- Diêu Văn Cơ
- Chu Thục Tuệ (Thần tham-Mad Detective)
- Thất kiếm-Seven Swords với huyền thoại Lưu Gia Lương (đạo diễn Thiếu Lâm tam thập lục phòng-The 36th Chamber of Shaolin)
- Đổng Vĩ (huyền thoại chỉ đạo hành động, chỉ đạo hành động của Bản sắc anh hùng-A Better Tomorrow)
- Nguyên Bân (chỉ đạo hành động của Tân Long môn khách sạn-New Dragon Gate Inn, Tiếu ngạo giang hồ II: Đông Phương Bất Bại-Swordsman II)
- Huân Gia Trân (nhà sản xuất của Viva Erotica, Diệp Vấn: Chung cực nhất chiến-Ip Man: The Final Fight)
- Lâm Địch An (diễn viên, chỉ đạo hành động cho Người trong giang hồ-Young and Dangerous, Xích Bích-Red Cliff)
- Trần Hội Nghị (đạo diễn Crazy Safari, chỉ đạo hành động Tỉnh cảnh kỳ binh-Long Arm of the Law)
- Tư Đồ Tuệ Chức (biên kịch Thiến nữ u hồn III)
- Trần Thục Hiền (biên kịch Đào tả-A Simple Life)
- Lưu Hạo Lương (biên kịch Tam quốc chí: Kiến long tá giáp-Three Kingdoms: Resurrection of the Dragon)
- Chân Tử Đan
- Trâu Văn Hoài ("bố già" của điện ảnh Hồng Kông, người sáng lập hãng Gia Hòa-Golden Harvest, nhà sản xuất của Đường Sơn đại huynh)

dimanche 14 décembre 2014

The Tale of the Princess Kaguya (2013)






Đã mười bốn năm kể từ My Neighbours the Yamadas (1999) người hâm mộ mới lại được xem một phim mới của Isao Takahata - The Tale of the Princess Kaguya - dù không mong muốn chút nào nhưng tôi đoán đây có lẽ cũng sẽ là bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp của Takahata, năm nay ông đã 79 tuổi, quá trình nhiều năm trời hao tổn tâm sức và tiền bạc (hình như đây là bộ phim tốn kém nhất của Ghibli, đắt gấp rưỡi The Wind Rises trong khi doanh thu chỉ chưa được một phần mười) có lẽ chẳng dành cho cái tuổi gần đất xa trời của ông. Xem phim tôi cũng hiểu thêm vì sao đây được đánh giá là một thất bại nặng nề về mặt tài chính của Ghibli tới mức hãng phải tính toán tới việc ngừng làm phim mới để tái cơ cấu - phim rất dài (gần hai tiếng rưỡi), (hình như) được vẽ chủ yếu bằng tay với phong cách thô mộc và tông màu sáp rất khó cho đồ họa vi tính (tôi nghĩ vậy), đề tài phim rất rất khó ăn khách vì bối cảnh truyền thống kiểu Nhật, kịch bản phức tạp, không nhiều chất giải trí (nhất là so với hai bộ phim giải trí gần đây nhất của Isao Takahata là Pom Poko My Neighbours the Yamadas) và gần như tuyệt đối không dành cho trẻ con ("khách hàng chính" của phim hoạt hình), ngoại trừ mươi phút đầu phim. Mười bốn năm công sức của Isao Takahata, cả tương lai kinh doanh của Ghibli, liệu có đáng không cho một The Tale of the Princess Kaguya?

Theo tôi là xứng đáng.

Ai đã từng đọc Doraemon thì chắc chắn đều thấy quen thuộc với Nàng tiên trong ống tre (Taketori monogatari), kịch bản The Tale of the Princess Kaguya của Takahata có thể coi là một chuyển thể điện ảnh gần như nguyên vẹn của truyện cổ tích này. Cô bé Kaguya sinh ra từ ống tre được đôi vợ chồng ông lão đốn tre nuôi nấng với hy vọng một ngày kia cô sẽ trở thành một công chúa thật sự, được sống cuộc đời hạnh phúc vương giả bên một vương tôn hoàng tử nào đó của triều đình. Nhưng Kaguya chẳng muốn những lồng vàng cũi ngọc ấy, cô bé sinh ra từ thiên nhiên, lớn lên giữa thiên nhiên, và cô chỉ muốn sống tự do, tự tại như sâu bọ muông thú trong rừng, sống cuộc sống giản dị, chất phác như những người bạn thơ ấu nghèo nhưng hồn nhiên, yêu đời của cô bé. Xuyên suốt bộ phim, người xem được chứng kiến một Kaguya lớn dần và đổi thay theo năm tháng, từ một Kaguya bé bỏng đáng yêu với những bước chập chững trong rừng tre tới những trò đuổi bắt con trẻ thời thơ ấu, tới một Kaguya trưởng thành, xinh xắn, nhưng chẳng còn có thể hồn nhiên khi phải đứng trước lựa chọn giữa trách nhiệm báo hiếu vợ chồng ông lão đốn tre và cuộc sống tự do với những người bạn chốn rừng cũ. Kịch bản truyền thống, cách kể chuyện cũng truyền thống, nhưng The Tale of the Princess Kaguya vẫn cho thấy một Isao Takahata bậc thầy của phong cách hiện thực huyền ảo. Nếu như "nửa kia" của Ghibli - Hayao Miyazaki nổi tiếng khắp thế giới như "thầy phù thủy" của nghệ thuật hoạt hình với trí tưởng tượng và sức sáng tạo tuyệt vời thì Isao Takahata lại gắn liền sự nghiệp của mình với việc mô tả đất nước Nhật Bản và con người Nhật Bản qua lăng kính thực tại huyền ảo. Nếu như Grave of the Fireflies là câu chuyện đau đớn nhưng đậm chất nhân văn của hai đứa bé Nhật tìm cách thoát ly thực tại giữa khói lửa chiến tranh, Pom Poko là hình ảnh một nước Nhật đổi thay và những hệ lụy của nó đối với truyền thống và môi trường thông qua cuộc sống của lũ "hồ li" (hay tanuki "thành tinh), thì The Tale of the Princess Kaguya là những suy nghĩ mang chất hiện sinh về cuộc sống được đặt trong bối cảnh một câu chuyện cổ tích truyền thống Nhật Bản. Tất nhiên có thể Isao Takahata cũng chẳng mưu cầu những thứ triết lý phức tạp như tôi đang cố "gán" cho các bộ phim của ông, có thể ông chỉ muốn đưa tới khán giả những lát cắt về con người, về cuộc sống Nhật một cách chân thực, nhân văn nhất (và mang màu sắc hài hước, khi có thể) như ông đã rất thành công với Only Yesterday My Neighbours the Yamadas (hay trước đó khá lâu là Jarinko Chie). Nhưng dù có suy nghĩ theo cách nào thì khi xem The Tale of the Princess Kaguya, khán giả chắc chắn sẽ cảm nhận được sự trân trọng của Isao Takahata dành cho chính họ thông qua những nét vẽ tuyệt vời về thiên nhiên và con người Nhật Bản, thông qua cách minh họa giản dị nhưng hết sức tinh tế những biến đổi và giằng xé nội tâm của Kaguya, thông qua những nốt nhạc đượm màu truyền thống và hết sức xúc động của Joe Hisaishi để miêu tả tình yêu tự do của Kaguya và nỗi đau của cô khi chẳng thể có được nó.

Tiếp xúc với phim Ghibli khi đã "lớn" nên nhiều lúc với tôi, phim của Isao Takahata với cái chất sáng tạo rất riêng và màu sắc hiện thực huyền ảo lại hấp dẫn hơn cả những bộ phim đậm chất sử thi của Hayao Miyazaki (tất nhiên "hơn" theo cái thang điểm 9,5 so với 10 mà thôi). Vì thế khi biết tin The Tale of the Princess Kaguya sắp được công chiếu tôi đã rất rất mong mình được ra tận rạp để xem bộ phim này để có được trải nghiệm như tôi đã có với The Wind Rises. Tiếc là chờ mãi phim không ra rạp ở Hàn Quốc, và cũng bặt tăm trên các trang torrent. Quả thực phim rất khó ăn khách, những phút đầu vui tươi của The Tale of the Princess Kaguya chẳng thể khỏa lấp một thực tế rằng phần đầu của phim dù tươi sáng nhưng lại không hấp dẫn và tạo được ra kịch tính (hoặc thể hiện "tiềm năng" tạo ra kịch tính) để lôi cuốn người xem tới nửa sau của bộ phim. Nhưng một khi đã chăm chú và in dấu trong đầu hình ảnh thay đổi từng ngày của Kaguya, người xem sẽ dần bị thu hút bởi những xung đột ngày càng lớn lên trong nội tâm Kaguya cũng như giữa cô đối với tình yêu thương con nhiều phần mù quáng của ông lão đốn tre và sự khao khát đầy toan tính của lũ vương giả cầu hôn. Như mọi bộ phim hay, những thời khắc tuyệt vời nhất của The Tale of the Princess Kaguya nằm ở những phút cuối của bộ phim, khi tình cảm giữa con người với con người, giữa Kaguya với những người thân yêu của cô, với cuộc sống, với thiên nhiên xung quanh cô thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Tuy kết thúc bằng những hình ảnh hết sức huyền ảo nhưng phần cuối của The Tale of the Princess Kaguya lại gợi tôi nhớ tới Only Yesterday - bộ phim có lẽ là giản dị và chân thành nhất của Isao Takahata với cái triết lý cũng giản dị không kém - những con người, thứ đáng trân trọng nhất, đáng yêu quý nhất chính là những con người, những tình cảm luôn ở bên ta, luôn sẵn sàng đến với ta bất kể không gian, thời gian. Tất nhiên, The Tale of the Princess Kaguya cũng sẽ còn được nhớ tới bởi phong cách vẽ và màu sắc giản dị nhưng hết sức ấn tượng và lôi cuốn - thoạt đầu tôi tưởng phim sẽ được vẽ theo phong cách tối giản kể cả về màu sắc và chi tiết như My Neighbours the Yamadas, nhưng hóa ra đây lại là một bộ phim rộng lớn, đa sắc và ấn tượng hơn rất nhiều về mặt hình ảnh, bởi cái không gian rộng lớn của thiên nhiên Nhật Bản (My Neighbours the Yamadas có bối cảnh giới hạn trong gia đình và thành phố hiện đại) đã được Takahata minh họa tuyệt vời qua tông màu không quá rực rỡ nhưng rất ấm áp và những nét vẽ không quá đi sâu vào chi tiết nhưng vẫn đủ độ khơi gợi để người xem cảm nhận được về hình ảnh nhân vật, về vẻ đẹp thiên nhiên mà đạo diễn muốn truyền tải. Cũng cần nói thêm là tôi nói đây là một bộ phim giản dị không có nghĩa nó là một tác phẩm nghệ thuật đơn giản, ngược lại phong cách vẽ của The Tale of the Princess Kaguya là hết sức tinh tế và phim cũng được dựng hết sức sáng tạo, một ví dụ điển hình là cảnh cô bé Kaguya chạy một mạch từ cung điện về lại ngôi nhà xưa cũ, mỗi một bước chạy của cô bé người ta thấy cảnh vật cũng nhạt nhòa dần tới mức trừu tượng như trannh của J.M.W. Turner. 

Thật khó để nói một The Tale of the Princess Kaguya giản dị có phải là bộ phim hoàn hảo "năm sao" hay là khúc vĩ thanh cuối đời của Isao Takahata hay không, nhưng cũng như cảm xúc đã có khi xem The Wind Rises, tôi thấy trân trọng và may mắn khi được xem bộ phim này. Trân trọng vì xem phim mà như thấy lại được bao nhiêu hình ảnh xúc động, đáng nhớ của những bộ phim Isao Takahata mà tôi đã từng được xem, may mắn vì thấy mình cảm được bộ phim, thấm được chút gì đó cái thông điệp nhân văn mà Takahata muốn truyền tải. Thật kì lạ, Hayao Miyazaki với The Wind Rises, và giờ đây là Isao Takahata với The Tale of the Princess Kaguya, dường như cả hai đều muốn chia tay những khán giả hết mực yêu quý họ suốt bao nhiêu năm cùng với một thông điệp hết sức đơn giản - dù nó ẩn chứa vô vàn thời khắc khó khăn và bất hạnh, hãy vẫn cứ yêu cuộc sống hết mức khi bạn còn có thể. Xin cảm ơn ông, Isao Takahata, vì The Tale of the Princess Kaguya, và vì tất cả. 

dimanche 7 décembre 2014

Nightcrawler (2014)






Cái poster sặc sỡ kiểu thập niên 1980 này làm tôi liên tưởng đến poster Inherent Vice của Paul Thomas Anderson - một trong những phim tôi mong chờ nhất năm nay. Tiếc là Nightcrawler không được "sặc sỡ" như cái poster của nó, hầu như mọi cảnh quay ngoại cảnh của phim đều diễn ra vào buổi tối hoặc trong không gian tối tăm chật hẹp của phòng dựng đài truyền hình địa phương (đúng như cái tên của bộ phim - Nightcrawler - Kẻ ăn đêm (?) ), "ban ngày" của bộ phim chủ yếu diễn ra trong căn phòng trống hoác của Lou Bloom (Jake Gyllenhaal), nhân vật chính của phim. Truyện phim được xây dựng xung quanh cuộc đời "ăn đêm" của Lou Bloom, từ một gã ăn trộm phế liệu xây dựng đến "giám đốc" "hãng cung cấp tin tức" mà thực chất chỉ là một gã chuyên săn lùng các cảnh máu me giật gân xảy ra trên đường phố Los Angeles buổi đêm để bán cho các kênh thời sự "lá cải" phát vào sáng sớm ngày hôm sau. Lou Bloom có lẽ một trong những nhân vật-vô nhân tính nhất mà tôi từng được chứng kiến trên màn ảnh - máu lạnh, hoàn toàn lãnh cảm với cảm xúc của người xung quanh và nỗi đau của những nạn nhân mà Lou quay trên đường phố, tuyệt đối không bày tỏ một sở thích, tình cảm nào mang tính "con người". Lou làm tôi nhớ tới vai Patrick Bateman của Christian Bale trong American Psycho, cũng là típ nhân vật vô nhân tính, khốc liệt, tàn bạo. Tuy nhiên ở Patrick Bateman tôi còn thấy chút màu sắc, cho dù là rất nhợt nhạt, của một gã tội phạm tàn bạo với những sở thích quái đản, còn ở Lou Bloom tôi chẳng thấy gì ngoài một bộ máy mang da thịt con người - "người" mà những lời nói thốt ra từ mồm gã hoàn toàn là những gì cóp nhặt được từ những thứ gã đọc đâu đó, "người" mà căn hộ trống hoác, không mang chút cá tính, chút hơi người nào của gã không hề đem lại cho người xem cảm giác đây là một căn hộ-có người ở. Xem Lou Bloom, người ta thấy toát lên ở gã cái cảm giác ám ảnh kinh dị như khi đang xem những con ma trong phim kinh dị Nhật Bản, những tội ác Lou gây ra, trực tiếp hay gián tiếp, thực ra không phải quá "tàn bạo" nhưng lại toát lên sự vô nhân tính đến kinh ngạc. Có lẽ một đề cử Oscar đã chắc chắn nằm trong tay Jake Gyllenhaal với vai diễn này, Jake đã chuyển hóa hoàn toàn từ hình mẫu của những nhân vật luôn có chút gì yếu đuối trong tâm hồn (Jake có một cặp mắt "trời phú" cho việc diễn xuất) thành một gã người máy sắt đá vô cảm, cặp mắt nổi tiếng của Jake cũng được anh phù phép để biến thành một cặp mắt lồi ám ảnh, cặp mắt hoặc sục sạo tìm kiếm những gì đen tối nhất trong bóng đêm Los Angeles, hoặc tròng trọc vào người đối diện để tìm ra những góc tối trong tâm hồn họ. Có lẽ từ nay nếu có cuộc bình chọn nào cho "bộ phim xuất sắc nhất về Thần Chết", tôi sẽ không do dự điền tên "nightcrawler" Lou Bloom vào đó.

Jake vô cùng xuất sắc, nhưng tôi khó có thể coi Nightcrawler là một bộ phim xuất sắc. Xuyên suốt bộ phim người ta không thấy được sự phát triển về mặt tính cách, hình ảnh của các nhân vật trong phim - Lou Bloom vẫn luôn là gã vô nhân tính từ đầu phim tới cuối phim trong khi các nhân vật phụ khác gần như không có đất diễn hoặc không được kịch bản "quan tâm" phát triển, kể cả những vai nhiều tiềm năng như vai "khách hàng" của Lou - trưởng ban thời sự Nina Romina (Rene Russo). Có cảm giác những nhân vật phụ trong phim chỉ xuất hiện để làm nền cho Lou, để người xem thấy rõ hơn cái sự vô nhân tính của Lou. Ngay cả cái thông điệp ngầm (theo tôi là như vậy) về mặt trái của truyền thông "lá cải" hiện đại và về sự tham lam, tàn bạo của xã hội hiện đại cũng không được làm rõ vì người xem gần như không thể cảm nhận được sự ảnh hưởng của môi trường xung quanh lên con người Lou. Bởi thế mà bộ phim dù xem rất hấp dẫn nhưng lại chỉ đem đến cho người xem cảm giác ghê sợ trước sự vô nhân tính của Lou chứ khó lòng cuốn hút được họ với những câu chuyện xảy ra trên đường phố - kể cả trường đoạn cao trào kịch tính nhất ở cuối phim có lẽ cũng không làm mấy ai phải ngạc nhiên "nhảy ra khỏi ghế" bởi "với Lou đó là điều tất yếu". Viết tới đây tôi mới nhận ra rằng để viết nên một kịch bản hấp dẫn, cân bằng quả thực rất khó - nhân vật Lou được xây dựng với một phong cách, hình ảnh rất riêng - một gã vô nhân tính đến cùng cực - nhưng chính cái "khung" riêng biệt ấy lại làm khó cho chính việc viết kịch bản phim trong việc "bơm" cảm xúc và kịch tính vào đó. Dù sao ta cũng nên trân trọng nỗ lực của đội ngũ làm phim trong việc giữ cho bộ phim được nhất quán về phong cách và nhân vật từ đầu tới cuối (đã có rất nhiều bộ phim khởi đầu vô cùng xuất sắc nhưng lại kết thúc kiểu "đầu voi đuôi chuột" như Law Abiding Citizen). Nhưng tôi mong là vai Lou sẽ không đem lại Oscar cho Jake, nhân vật này quá "một màu" và với tài năng diễn xuất như thế này thì Jake thừa đủ khả năng giành Oscar với một vai diễn nhiều "màu sắc" hơn.*

 *: Đang đọc Colorless Tsukuru Tazaki and His Years of Pilgrimage của Murakami nên tôi bị ám ảnh với chuyện "không màu" và "nhiều màu".

vendredi 5 décembre 2014

Life Itself (2014)


Đây là bộ phim được làm để chuyển thể hồi ký của Roger Ebert Life Itself thành phim tài liệu nhưng do Roger mất đột ngột khi phim vẫn đang quay nên bộ phim cuối cùng dành hẳn một nửa để nói về những suy nghĩ của Roger ở phần cuối cuộc đời. Bao nhiêu năm đọc review của Roger và thấy hẫng hụt lớn khi ông đột ngột qua đời, thực ra tôi mong muốn được xem một bộ phim tài liệu về cách nhìn của Roger đối với điện ảnh, đối với việc phê bình phim nhiều hơn là một bộ phim tài liệu về cuộc đời ông. Tiếc là Life Itself chủ yếu cho người ta thấy một Roger yêu cuộc đời, yêu vợ, và yêu công việc - những suy nghĩ về điện ảnh, về phim, về phê bình phim chủ yếu lại đến từ những nhà phê bình khác như A.O. Scott của NYTimes hay Richard Corliss của Time, trong đó nhiều bình luận thậm chí là hơi mang tính chỉ trích phong cách "bình dân"/"xã hội hóa" của Roger như việc ông biến phê bình phim thành một "talk show" truyền hình với Gene Siskel. Có lẽ mục tiêu chính của đạo diễn Steve James (người được chính Roger đưa tới công chúng thông qua việc ca ngợi suốt bao năm "siêu phẩm" tài liệu của James là Hoop Dreams) cũng chỉ là khắc họa con người Roger, vì như chính Roger đã trả lời James trong một email - mọi người hoàn toàn có thể tìm thấy những suy nghĩ của ông về điện ảnh qua hồi ký Life Itself. Phim có rất nhiều cảnh quay cảm động - những lời nói yêu thương của Roger và vợ ông, Chaz Ebert, dành cho nhau, những trường đoạn mô tả cuộc sống khó khăn của một Roger-không hàm khi ông được cho y tá cho "ăn" một cách hết sức đau đớn bằng cách sục trực tiếp ống chứa dung dịch "thức ăn" vào dạ dày của ông. Cảm động không kém là những tình cảm của các nhà làm phim dành cho Roger - Scorsese mắt long lanh khi nhắc lại Roger đã "cứu sống" ông như thế nào vào những năm đầu thập niên 1980 khi đạo diễn đang chìm trong ma túy và cô độc, Herzog tự hào kể lại bộ phim tài liệu ông làm dành tặng cho Roger bằng cách đi đến tận cùng Thế giới - Nam Cực để quay mình về phía nhà phê bình phim đã bảo vệ ông suốt bao năm với một cái nghiêng mình. Có thể nói đây là một bộ phim hết sức trọn vẹn về mặt cảm xúc và hẳn Roger ở phía bên kia Thế giới cũng hài lòng vì bộ phim đã khắc họa được nhiệt huyết và tình yêu cuộc sống của ông một cách chân thực và gần gũi nhất có thể. Chỉ tiếc là phim chưa khắc họa thật rõ nét tình yêu phim của Roger, và triết lý của ông khi xem phim, có lẽ ta phải chờ tới một bộ phim tài liệu khác - tôi đặt hy vọng vào Scorsese và Herzog.