some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

lundi 28 mars 2016

Batman v Superman: Dawn of Justice (2016)




Nói tới dòng phim siêu anh hùng ở thời điểm hiện tại, không ai có thể phủ nhận được rằng vị thế thống trị của “thế giới điện ảnh” siêu anh hùng của hãng Walt Disney và Marvel với những thành công liên tiếp cả về mặt doanh thu và nghệ thuật. Tuy nhiên xuyên suốt lịch sử phát triển của truyện tranh Mỹ, có lẽ hai tên tuổi có sức sống vững bền và hình tượng đáng nhớ nhất vẫn là Siêu nhân – Superman và Người Dơi – Batman, hai siêu anh hùng của hãng DC Comics. Ngay đối với dòng phim siêu anh hùng thì hai bộ phim Superman (1978) và Batman (1989) cũng được coi là những tác phẩm mở đường giúp dòng phim này có được vị trí và thành công như hiện nay ở Hollywood. Bởi thế mà sự kiện bộ phim Batman v Superman: Dawn of Justice của đạo diễn Zack Snyder được công chiếu đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ khi lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh, họ sẽ được chứng kiến Batman và Superman cùng xuất hiện, thậm chí là đối đầu nhau, trong một tác phẩm điện ảnh.

Tiếp nối cuộc chiến mang tính hủy diệt giữa Superman (Henry Cavill) và Tướng Zod (Michael Shannon) trong Man of Steel (2013), Batman v Superman là câu chuyện về sự đối đầu giữa Superman và Batman (Ben Affleck) – người phải chứng kiến những hậu quả tàn khốc mà Superman để lại trên thành phố Metropolis. Mâu thuẫn giữa một siêu anh hùng của bóng tối với những cảm xúc, và sức mạnh rất con người – Batman, và một siêu anh hùng có nguồn gốc ngoài hành tinh với những quyền năng mang hơi hướng Chúa Trời – Superman còn trở nên sâu sắc hơn khi được xúc tác bởi những mưu mô quỷ quyệt, lạnh lùng vô nhân tính của Lex Luthor (Jesse Eissenberg). Sự xuất hiện của nữ siêu anh hùng Wonder Woman (Gal Gadot) lại càng làm câu chuyện trở nên phức tạp, nhất là khi Lex Luthor bằng mọi thủ đoạn đã có được trong tay một “vũ khí tối thượng” mà gã cho là có thể đánh bại siêu anh hùng bất diệt Superman.     

Dù phong độ làm phim không phải lúc nào cũng ổn định nhưng các bộ phim của Zack Snyder luôn có một thế mạnh không ai có thể phủ nhận, đó là phần quay phim và kỹ xảo hình ảnh đặc sắc, giàu cảm xúc, mang tính hình tượng cao. Cùng với người cộng sự thân thiết là nhà quay phim Larry Fong, Zack Snyder đã đưa tới khán giả những bữa tiệc “mãn nhãn” như 300, Watchmen, hay Sucker Punch. Với Batman v Superman, một lần nữa bộ đôi Snyder-Fong đã không phụ sự chờ đợi của người hâm mộ khi tạo nên một bộ phim hết sức đáng nhớ về mặt hình ảnh. Tạo hình gai góc, khỏe khoắn của các nhân vật đặt trong bối cảnh ảm đạm, lạnh lẽo của đô thành Metropolis tạo cho Batman v Superman một không khí thâm trầm giàu cảm xúc hoàn toàn khác biệt so với đa số phim siêu anh hùng ra mắt trong thời gian gần đây. Sức sáng tạo về mặt hình ảnh là một thế mạnh, nhưng cũng lại là điểm yếu của Zack Snyder khi một số bộ phim của ông như Watchmen hay Sucker Punch bị chỉ trích là quá lạm dụng các hình ảnh mang tính biểu tượng mà bỏ qua việc kết nối các hình ảnh rời rạc ấy vào nội dung phim khiến khán giả có cảm giác đứt đoạn về mặt cảm xúc. Có cảm giác ở phần đầu của Batman v Superman, Snyder vẫn chưa thoát được khỏi lối mòn này khi ông lồng rất nhiều phân đoạn so sánh Superman với hình ảnh Chúa Trời siêu nhiên, và đặc tả những xung đột tình cảm tràn ngập trong tâm trí của Batman. Nếu đứng riêng rẽ thì đây là những phân đoạn hết sức đẹp, hết sức điện ảnh nhưng chúng lại cắt ngang nhịp phim dồn dập và đôi khi khiến khán giả có cảm giác hụt hẫng vì phải xem quá nhiều những hình ảnh “phim trong phim” như vậy. Tuy nhiên càng về cuối mạch phim, và mạch hình ảnh của Batman v Superman càng trở nên nhịp nhàng với trường đoạn cao trào là cuộc đấu sức, và đấu trí quyết liệt giữa bộ ba Superman-Batman-Wonder Woman với kẻ thù không chỉ mạnh mẽ phi thường mà còn vô cùng xảo quyệt được Snyder khắc họa bằng những cảnh quay sáng tạo, bạo liệt đến chóng mặt nhưng vẫn đủ độ sắc sảo, chân thực giúp khán giả cảm nhận được hết vẻ đẹp của bộ phim. Nhịp phim nhanh, dồn dập, giàu cảm xúc này của Batman v Superman còn có sự đóng góp rất lớn của phần nhạc phim hết sức xuất sắc của hai nhạc sĩ Hans Zimmer (người soạn nhạc cho bộ ba phim Batman của Christopher Nolan) và Junkie XL (tác giả âm nhạc của bộ phim hành động ấn tượng nhất năm 2015 Mad Max: Fury Road). Chỉ xét riêng phần hình ảnh đầy ấn tượng và những nốt nhạc bi tráng, đậm chất anh hùng ca này thôi thì Batman v Superman cũng đã xứng đáng là đại diện mới của Warner Bros. và DC Comics trong cuộc cạnh tranh làm phim siêu anh hùng với Walt Disney và Marvel.

Dù có xuất sắc đến mấy về mặt kỹ thuật nhưng một bộ phim siêu anh hùng chỉ có thể thực sự thành công nếu các siêu anh hùng trong phim được khắc họa đậm nét, có chiều sâu, đi vào lòng khán giả. Có thể nói về khía cạnh này Batman v Superman đã không thực sự thành công khi cốt truyện dàn trải đã khiến tuyến nhân vật, ngoại trừ bộ đôi Batman (Ben Affleck) và Superman (Henry Cavill), không có thời gian để tạo dựng hình ảnh, cá tính riêng. Có lẽ đây cũng là điều bất khả kháng đối với đạo diễn Zack Snyder khi bộ phim mang theo tham vọng quá lớn của hãng Warner Bros. trong việc vừa phải xây dựng được hình ảnh mới cho hai siêu anh hùng có vị trí quan trọng bậc nhất của lịch sử truyện tranh Hoa Kỳ là Superman và Batman, vừa phải kiến tạo được nền móng cho một “thế giới điện ảnh” mới của các siêu anh hùng DC Comics bằng việc giới thiệu những cái tên vốn chưa từng xuất hiện trên màn ảnh lớn như Doomsday (Robin Atkin Downes), Aquaman (Jason Momoa), hay Flash (Ezra Miller). Hơn thế nữa, vì xuất phán chậm hơn Walt Disney/Marvel trong việc xây dựng xây dựng “thế giới điện ảnh” (“movieverse”), Warner Bros. còn cần Batman v Superman phải lập tức gây tiếng vang lớn cả về doanh thu lẫn chất lượng nghệ thuật và bởi vậy tạo thêm sức ép cho Zack Snyder và đoàn làm phim trong việc cân bằng giữa tính giải trí, ngoạn mục của phim với chiều sâu về nội dung và nhân vật. Tất cả những yếu tố này đã khiến các nhân vật của Batman v Superman, dù được thủ diễn bởi một dàn diễn viên tên tuổi với tài năng thực sự, phải xuất hiện một cách mờ nhạt, bị động như Lois Lane (Amy Adams) hay ông quản gia Alfred của Batman (Jeremy Irons), hoặc được phát triển theo chiều hướng thái quá gây khó chịu cho khán giả như tổng biên tập tờ Daily Planet Perry White (Laurence Fishburne) và đặc biệt là Lex Luthor (Jesse Eisenberg). Được coi là một trong những hình tượng nhân vật siêu phản diện (“supervillain”) đáng nhớ nhất của DC Comics, Lex Luthor trong Batman v Superman tuy vẫn giữ được nét mưu mô, quỷ quyệt cần có của “đối thủ số một của Superman” nhưng cách diễn dị biệt, lên gân với những câu thoại mang quá nhiều tính biểu tượng lặp đi lặp lại từ đầu tới cuối phim của Jesse Eisenberg đã xóa nhòa hoàn toàn chiều sâu trí tuệ và sự đa diện về mặt tính cách của Lex Luthor. Ngay đối với tuyến siêu anh hùng trung tâm của bộ phim là Superman, Batman, và Wonder Woman, bộ ba Affleck-Cavill-Gal Gadot cũng chỉ có thể coi là đã diễn tròn vai trong việc tạo dựng hình tượng anh hùng cho các vai diễn của mình để làm bệ phóng cho các phần kế tiếp của “thế giới điện ảnh” siêu anh hùng DC Comics chứ cũng không để lại nhiều dấu ấn tình cảm trong lòng khán giả. Tuy có rất ít đất diễn nhưng chính ngôi sao gạo cội Holly Hunter trong vai nữ nghị sĩ thép Finch mới lại là diễn viên để lại nhiều ấn tượng với một vai diễn nhiều chiều sâu và cung bậc cảm xúc bậc nhất trong một tác phẩm không thực sự đáng nhớ về mặt xây dựng nhân vật.

Cho tới nay bộ phim được đánh giá là nổi trội nhất trong dòng phim siêu anh hùng của DC Comics có lẽ vẫn là The Dark Knight (2008) của đạo diễn Christopher Nolan, một bộ phim trọn vẹn cả về nội dung, chất hành động, và tuyến nhân vật. Nhưng để tạo nên một The Dark Knight gây tiếng vang lớn, Nolan trước đó đã có cả một Batman Begins (2005) để xây dựng nền tảng cho không gian điện ảnh siêu anh hùng mang đậm dấu ấn riêng của ông. Ngay cả những thành công liên tiếp gần đây của Walt Disney với dòng phim siêu anh hùng Marvel cũng có nền móng là một loạt các bộ phim, xuất sắc có, trung bình có, nhưng luôn có sự kết nối về mặt phong cách và nhân vật. Batman v Superman của Zack Snyder không những không có được những lợi thế này mà bộ phim còn mang nặng sự trông đợi của cả hãng Warner Bros. và người hâm mộ về một tác phẩm mang tính đột phá, mở đường. Có lẽ bởi thế mà tuy rất thành công về mặt hình ảnh và kỹ thuật, nhưng chất lượng nội dung và nhân vật của Batman v Superman lại chưa thực sự đáp ứng được sự trông đợi vì tính dàn trải, thiếu điểm nhấn và chiều sâu của truyện phim. Điểm sáng lớn nhất của bộ phim có lẽ là việc Batman v Superman đã tạo dựng được một không khí mới mẻ, nhiều tiềm năng khai phá cho dòng phim siêu anh hùng DC Comics với sự bạo liệt, bất ngờ, giàu chất suy tưởng tương đối khác biệt so với các tác phẩm hiện tại của dòng phim siêu anh hùng. Hy vọng rằng với thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng và tham vọng ở mức vừa phải, các tác phẩm tiếp theo của dòng phim này sẽ để lại nhiều dấn ấn hơn trong lòng khán giả.
              
  

====

dimanche 6 mars 2016

Selma (2014)




Trong những năm gần đây Hollywood đã cho ra đời một loạt tác phẩm về đề tài giải phóng nô lệ và đòi quyền bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi ở Hoa Kỳ với các tác phẩm tiêu biểu như The Help năm 2011 của Tate Taylor, Lincoln năm 2012 của Steven Spielberg, The Butler năm 2013 của Lee Daniels và đỉnh cao là 12 Years a Slave của Steve McQueen, bộ phim đã giành Giải Oscar cho phim hay nhất năm 2013. Không hài lòng với những thành công đã có, đặc biệt là trong thời điểm nước Mỹ một lần nữa lại sục sôi với với những cuộc biểu tình phản đối tình trạng cảnh sát trấn áp quá mức cần thiết người Mỹ gốc Phi, năm nay Hollywood lại cho ra đời tác phẩm đáng chú ý mới về đề tài này, bộ phim Selma của nữ đạo diễn da màu Ava DuVernay.



Lấy bối cảnh xã hội nước Mỹ thập niên 1960 khi tệ phân biệt chủng tộc vẫn còn ăn sâu bám rễ ở các bang miền Nam Hoa Kỳ, nơi nhiều khách sạn thậm chí còn từ chối phục vụ người da đen, Selma mô tả lại những sự kiện dẫn tới cuộc tuần hành lịch sử của những người đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi, đứng đầu là mục sư Martin Luther King, từ Selma tới Montgomery, thủ phủ tiểu bang Alabama để đòi quyền bầu cử chính đáng cho người Mỹ gốc Phi ở Selma, vốn khi đó chiếm 57% dân số của thành phố nhưng chỉ chưa đầy 1% trong số đó có quyền được bầu cử. Bộ phim bắt đầu với cảnh quay nhẹ nhàng, ấm cúng mô tả hình ảnh Martin Luther King chuẩn bị nhận giải Nobel Hòa bình, giải thưởng mang tính biểu tượng cho sự ghi nhận quốc tế và thắng lợi bước đầu của phong trào đấu tranh bất bạo động do mục sư King dẫn dắt. Những thời khắc êm đềm đó sớm bị cắt ngang bởi vụ khủng bố dã man nhằm vào những em bé da đen, và liên tiếp sau đó là những vụ đàn áp tàn bạo của cảnh sát miền Nam nước Mỹ nhằm vào những người tham gia biểu tình bất bạo động đòi quyền bình đẳng cho người gốc Phi. Trọng trách dẫn dắt phong trào chỉ là một phần khó khăn của mục sư King, khi ông còn vướng vào những cuộc thương thuyết chính trị bất tận với tổng thống Johnson, người quan tâm tới cuộc chiến Việt Nam, ý tưởng về một xã hội dân sự, và vận mệnh chính trị của ông ta nhiều hơn là số phận của những người gốc Phi ngay trên chính nước Mỹ. Không chỉ có như vậy, Martin Luther King còn phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt, khi vợ ông ngày một trở nên xa cách vì những lo lắng cho tính mạng của chồng con, khi nhiều người tham gia phong trào bất bạo động muốn đi ngược lại tinh thần của phong trào để đáp trả đòn thù của lũ phân biệt chủng tộc, và đau đớn hơn cả là có những người tham gia phong trào, những người tin tưởng vào mục sư King đã phải bỏ mạng vì công cuộc đấu tranh bất bạo động. Nhưng với niềm tin vào quyền bình đẳng trước Đấng Tạo hóa, trước Hiến pháp Hoa Kỳ, Martin Luther King đã đưa được cái khẩu hiệu “hãy trả quyền bỏ phiếu cho chúng tôi” (“Give us the vote!”) tới từng người Mỹ gốc Phi đã và đang phải chịu đựng tệ phân biệt chủng tộc ngay trên chính đất nước mình. Hơn thế, mục sư còn truyền được niềm tin vào quyền bình đẳng, niềm tin vào triết lý đấu tranh bất bạo động tới mọi người Mỹ có lương tri, bất kể màu da, bất kể tôn giáo, để rồi tất cả họ đã làm nên cuộc tuần hành lịch sử năm 1965 từ Selma tới Montgomery.



Là một bộ phim về người da màu của một nữ đạo diễn da màu, Selma mang đầy âm hưởng của văn hóa người Mỹ gốc Phi với tiếng hát thánh ca da diết của huyền thoại Mahalia Jackson, những bản nhạc jazz của Jason Moran, và cả sự xuất hiện của Oprah Winfrey, ngôi sao da màu có ảnh hưởng bậc nhất nước Mỹ trong một vai nhỏ nhưng hết sức ấn tượng. Nhưng vai quan trọng nhất của bộ phim, vai mục sư Martin Luther King, lại được trao cho David Oyelowo, một diễn viên người Anh chưa được biết tới nhiều ở Hoa Kỳ. May mắn cho Selma là David Oyelowo đã chứng tỏ rằng lựa chọn của đạo diễn DuVernay là hoàn toàn chính xác. Anh không chỉ tương đồng với mục sư King ở vẻ bề ngoài, mà những cử chỉ, ánh mắt, giọng nói của Oyelowo trong phim còn truyền tải được cho người xem phần nào sức ảnh hưởng lớn lao của mục sư King, niềm tin ánh lên trong đôi mắt của ông khi thuyết giảng trước đám đông chăm chú, và cả những suy tư dằn vặt trong đầu mục sư trước vận mệnh của cuộc đấu tranh và trước cả hạnh phúc riêng của chính ông. Thật ngạc nhiên khi biết rằng Selma là bộ phim điện ảnh đầu tiên của Hollywood khắc họa hình ảnh tranh đấu của mục sư Martin Luther King gần nửa thế kỷ sau khi mục sư bị ám sát năm 1968. Nhưng nếu có cơ hội được xem bộ phim này thì hẳn mục sư King cũng sẽ hài lòng vì khi chứng kiến Oyelowo thể hiện hết sức xuất sắc những bài hùng biện đi vào lịch sử của ông. Tất nhiên chúng ta cũng phải ngả mũ trước nữ đạo diễn Ava Duvernay, người sinh ra sau cái giai đoạn tranh đấu đòi quyền bình đẳng ở Hoa Kỳ những năm 1960 (bà sinh năm 1972) nhưng vẫn mô tả hết sức tinh tế cuộc đấu tranh của người da đen, đặc biệt là những giờ phút bi tráng của các cuộc tuần hành bị đàn áp, để rồi qua đó truyền được cho người xem cái hơi thở của một thời đại tranh đấu trong lịch sử hiện đai Hoa Kỳ.



Được công chiếu trong lúc người Mỹ gốc Phi một lần nữa phải đứng lên phản đối nạn bạo lực của cảnh sát, Selma trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Bộ phim như một thông điệp nhắn gửi của mục sư King tới những người biểu tình rằng cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho mọi màu da, mọi nguồn gốc là khó khăn, là gian nan, nhưng nếu thay vì biểu tình vô tổ chức, thay vì đập phá, hôi của, những người biểu tình biết đoàn kết, tổ chức lại với tinh thần đấu tranh bất bạo động và niềm tin vững chắc vào lẽ phải, rồi một ngày kia họ sẽ chiến thắng bạo quyền để đem lại bình đẳng thực sự.   




====

Bản đã được biên tập trên Zing.

Birdman (2014)




Hơn hai mươi năm về trước, Michael Keaton được cả thế giới biết đến qua vai diễn Batman-Người Dơi kinh điển trong loạt phim Batman của Tim Burton – loạt phim có ảnh hưởng rất lớn tới dòng phim siêu anh hùng hiện đại của Hollywood. Nhưng cái danh tiếng đó cũng dần rơi vào quên lãng khi mà Keaton chẳng còn vai diễn nào đáng chú ý còn vị trí của loạt phim Batman-của-Tim Burton ngày nay đã được thay thế bằng bộ ba Batman của Christopher Nolan vốn thành công không kém. Nhưng một lần nữa Batman đã trở lại (Batman Returns năm 1992 là tập phim Batman thứ hai và cũng là cuối cùng của Keaton), lần này là với Birdman của đạo diễn người Mexico Alejandro Inarritu. Như một tấm gương đặt trước bàn trang điểm của Michael Keaton, Birdman khắc hoạ hình ảnh một ngôi sao hết thời-Riggan Thomson cố gắng tìm lại hào quang cũ qua việc đạo diễn (và tất nhiên là kiêm diễn viên chính) của vở kịch What We Talk About When We Talk About Love tại Rạp St James của sân khấu Broadway. Cũng như Keaton, Riggan Thomson từng một thời là ngôi sao sáng nhất Hollywood với vai diễn Birdman, vai diễn đã làm nên tên tuổi của Thomson nhưng cũng ám ảnh ông suốt từ ngày đó cho tới hiện tại, khi ông chỉ còn là một tên tuổi ít người nhớ tới, không gia đình và bạn bè riêng ngoại trừ Sam, cô con gái cáu bẳn đang trong thời gian cai nghiện, và không cả tiền bạc tới mức phải tính tới chuyện cầm cố căn nhà ông dành cho con gái để lấy tiền làm vở kịch. Bộ phim ghi lại những ngày cuối cùng trước khi vở kịch công diễn, khi mà Riggan Thomson vừa phải giải quyết những rắc rối và lo lắng của việc chuẩn bị vở kịch, vừa phải vất vả phân tách giấc mộng Birdman với hiện tại khắc nghiệt.



Birdman được đạo diễn Inarritu chủ định quay và dựng sao cho cả bộ phim chỉ được thực hiện với một cú bấm máy duy nhất – một cảnh quay dài 119 phút. Để thực hiện ý đồ này, Inarritu đã cộng tác với nhà quay phim đồng hương Emmanuel Lubezki, người vừa đoạt giải Oscar quay phim xuất sắc nhất năm ngoái với Gravity. Và với những ai đã từng phải trầm trồ trước những cú bấm máy dài tới năm, sáu phút của Lubezki trong Children of Men hay Gravity đều có thể nhận ra rằng Inarritu khó có thể tìm được ai khác xuất sắc hơn Lubezki trong những cảnh quay dài đòi hỏi cả tầm nhìn, kỹ thuật, và việc dựng bối cảnh cực kì kỹ lưỡng này. Và một lần nữa với Birdman, Lubezki lại khiến khán giả phải thán phục bởi những đúp quay dài dọc theo những hành lang dài u tối của Rạp St. James. Những cảnh quay liên miên bất tận trong cái bối cảnh chật hẹp ấy của Lubezki cùng tiếng trống dồn dập của Antonio Sanchez-tay trống nổi tiếng và là người soạn nhạc cho Birdman, có lẽ cũng chính là cái hiện thực khắc nghiệt đến nghẹt thở trong con mắt của Riggan Thomson, chính là lý do vì sao ông muốn thoát ly khỏi thực tại để trở lại với bầu trời tự do rộng lớn với đôi cánh của Birdman, nơi ông luôn được mọi người ngước nhìn với ánh mắt thán phục, nơi ông không bị ràng buộc bởi những rắc rối, lo toan của cuộc đời. Không ngạc nhiên khi chính cái sức mạnh ảo mộng, cái khí chất dị biệt rất Birdman ấy lại chính là động lực để ông diễn xuất trên sân khấu, và cũng là sự tương phản giữa Riggan với Mike Shiner, người từ lâu đã từ bỏ cái tôi riêng biệt để có thể hoá thân hoàn toàn vào từng vai diễn. Chỉ riêng khía cạnh này thôi cũng đã đủ để Birdman là một bộ phim hấp dẫn với tất cả những ai yêu thích nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, và những trường phái diễn xuất khác nhau. Nhưng Inarritu không dừng lại ở đó, Birdman còn là một bộ phim về những số phận, những khuôn mặt riêng của những con người gắn bó với cái nghệ thuật ấy – các diễn viên.



Với Birdman, Inarritu lại một lần nữa chứng tỏ ông là một đạo diễn rất “mát tay” trong việc lựa chọn diễn viên và trao cho họ đất diễn để thể hiện hết khả năng của mình, dù chỉ là trong những vai phụ như cái cách ông đã khai phá viên ngọc mới Gael Garcia Bernal cho điện ảnh Mexico qua Amores perros hay giúp Naomi Watts có được đề cử giải Oscar đầu tiên với vai diễn trong 21 Grams. Ngoài một Michael Keaton rất xuất sắc, Birdman có một dàn diễn viên phụ thuộc vào hàng ấn tượng nhất trong năm vừa qua với những tên tuổi nổi tiếng như Edward Norton, Naomi Watts, Amy Ryan, Emma Stone, hay Zach Galifianakis. Dù chỉ đảm nhận những vai “phụ” nhưng những tên tuổi lớn này không hề đóng vai trò “làm nền” cho Michael Keaton, trái lại họ mang lại cho Birdman, và cho cuộc đời nhiều mảng xám của Riggan Thomson, những màu sắc mới. Đó là một Mike Shiner (Ed Norton), tay diễn viên theo trường phái nhập vai (method acting) luôn mạnh mẽ và hết mình cho vai diễn tới mức gã phải lấy tính khí kiêu căng ngạo mạn khiến mọi người chán ghét để che dấu tâm hồn mỏng manh và trống rỗng ngoài đời thực. Đó là một Lesley (Naomi Watts) yếu đuối, dễ bị tổn thương, nhưng luôn khao khát có được vai diễn đầu tiên trên sân khấu Broadway danh tiếng. Đó là một Sam (Emma Stone), cô con gái cáu bẳn nhưng thương cha hết mực của Riggan – vai diễn tuy nhỏ nhưng có lẽ sẽ là cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của Emma Stone khi cô đã chứng tỏ rằng mình không chỉ có một đôi mắt to, long lanh rất “điện ảnh” mà còn có thể đảm nhận rất tôi những vai diễn chính kịch đòi hỏi năng lực diễn xuất. Nhưng dù họ có xuất sắc đến mấy thì ngôi sao sáng nhất của phim chắc chắn vẫn là Michael Keaton, người đã có lần tái xuất có lẽ là ngoạn mục nhất ở Hollywood kể từ năm 2008 khi Mickey Rourke khiến khán giả bất ngờ với vai diễn “The Ram” Robinson trong The Wrestler. Cũng giống như Rourke, Keaton là một trong những ngôi sao sáng nhất của Hollywood cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990 trước khi chìm vào quên lãng để rồi trở lại với những vai diễn ít nhiều phản ánh chính cuộc đời thăng trầm của họ. Trong Birdman người xem thấy một Keaton luôn giằng xé giữa hiện thực của Riggan Thomson-diễn viên hết thời và xa rời thực tại tới mức “không có cả tài khoản facebook” (lời con gái Riggan) và giấc mơ triền miên của Birdman-ngôi sao chưa bao giờ tắt của dòng phim siêu anh hùng với doanh thu hàng tỉ đô và quan niệm sống “sáu mươi tuổi chẳng qua là ba mươi tuổi một lần nữa”. Thomson đã sống với giấc mơ của mình quá lâu tới mức ranh giới giữa hiện thực và mộng tưởng trong ông đã bị xoá nhoà, người xem có thể thấy phút trước Thomson dùng năng lực “điều khiển từ xa” của Birdman để điều khiển đồ vật để rồi ngay sau đó quay lại với những câu chuyện trần tục như doanh thu bán vé hay đánh giá của báo chí về vở kịch của ông. Vai diễn đòi hỏi rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, từ vui tới buồn, từ hào sảng tới tuyệt vọng, diễn ra liên tục là vậy nhưng Michael Keaton đã diễn hết sức xuất sắc và ấn tượng, ông không chỉ làm người xem cảm nhận được những suy nghĩ, dằn vặt của nhân vật Riggan Thomson mà còn cho mọi người thấy rằng đằng sau làn da nhăn nheo, cái đầu hói và cặp ria lởm chởm kia vẫn là một ngọn lửa đam mê diễn xuất hừng hực của một Keaton-Batman mà nhiều người vẫn đánh giá là Batman ấn tượng nhất. Chắc chắn Keaton sẽ giành nhiều giải diễn xuất trong mùa giải thưởng năm nay, nhưng quan trọng hơn là ông đã khiến mọi người phải nhớ tới rằng tình yêu điện ảnh và uy lực diễn xuất chưa bao giờ tắt trong đôi mắt ông. Xin mừng ông đã trở lại, Michael Keaton.


====