some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mercredi 18 juillet 2018

Burning (2018)






Jong-su (Yoo Ah-in) yêu văn William Faulkner, thích học viết văn, và mang trong mình khao khát sáng tác một cuốn tiểu thuyết của riêng mình. Nhưng trong lúc chờ đợi những ý tưởng sáng tạo ào đến thì anh vẫn phải gồng mình làm những công việc chân tay để kiếm miếng ăn thường nhật và có điều kiện lo cho cái trang trại-chỉ-có-một-con-bò vùng biên giới của bố anh, người đã phải đi tù vì tấn công người thi hành công vụ. Ánh sáng chợt đến với cuộc đời u ám của Jong-su khi anh gặp lại cô bạn từ thuở thơ ấu Hae-mi (Jeon Jong-seo) – cô gái vốn cũng chẳng có nghề nghiệp ổn định nhưng luôn mơ ước được đi du lịch tới những mảnh đất xa xôi, nơi cô có thể ngắm hoàng hôn buông xuống giữa những người xa lạ. Vừa mới lục lại được những mảnh vụn kí ức về tình bạn với cô bé Hae-mi-của-quá-khứ ở vùng quê biên giới Paju, và nảy sinh tình cảm với cô gái xinh đẹp Hae-mi-của-hiện-tại chưa được bao lâu thì Jong-su đột nhiên trở thành người trông nhà và nuôi mèo bất đắc dĩ cho Hae-mi bởi cô đã quyết định lên đường sang châu Phi du lịch. Tưởng như ngày Hae-mi từ châu Phi trở về sẽ là ngày hạnh phúc của Jong-su thì anh lại bất đắc dĩ trở thành người thứ ba trong quan hệ tay ba của cô bạn gái cùng gã nhà giàu lạ mặt Ben (Steven Yeun). Giàu có, đẹp trai, lịch thiệp, Ben có tất cả những thứ mà Jong-su có mơ cũng khó lòng đạt được, nhưng gã cũng có một sở thích quái dị là đốt những nhà kính trồng cây ở các vùng quê – sở thích mà gã tiết lộ với Jong-su trong một lần phê “cỏ”. Và rồi Hae-mi đột nhiên biến mất, còn những nhà kính trồng cây ở vùng quê Jong-su dường như vẫn chưa hề bị sở thích quái đản của Ben động chạm tới. Dần dần Jong-su nhận ra rằng có lẽ đằng sau vẻ đẹp trai hào nhoáng, Ben còn có những góc khuất không muốn cho ai biết tới.
 
Burning là tác phẩm mới nhất của đạo diễn người Hàn Quốc Lee Chang-dong kể từ bộ phim xuất sắc về tuổi già và nỗi cô đơn Poetry (2010). Khoảng thời gian hơn 7 năm giữa BurningPoetry là khoảng lặng dài nhất trong sự nghiệp đạo diễn của Lee, bởi vậy người hâm mộ điện ảnh hoàn toàn có lý do để mong đợi sự tái xuất của ông – một cựu bộ trưởng của chính phủ cánh tả Hàn Quốc giai đoạn 2003-2004 từng bị đặt vào “danh sách đen” không được nhận tài trợ điện ảnh của chính quyền bảo thủ dưới thời tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (2013-2017). Nhưng Burning còn được nhiều người hâm mộ văn học và điện ảnh đón đợi là vì kịch bản bộ phim này được Lee Chang-dong đồng sáng tác dựa trên truyện ngắn Barn Burning (Đốt nhà kho) của nhà văn nổi tiếng Haruki Murakami. Tuy đã có rất nhiều tác phẩm bán chạy ở tầm quốc tế và thường xuyên được nêu tên trong danh sách ứng cử viên nặng ký cho giải Nobel Văn học, nhưng giọng văn lãng đãng, đậm chất suy tư của nhà văn người Nhật khiến các tiểu thuyết và truyện ngắn của ông rất hiếm khi được chuyển thể lên màn ảnh lớn với chỉ một vài ngoại lệ như bộ phim Rừng Na Uy (2010) của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng. Ra mắt độc giả lần đầu năm 1983 dưới dạng truyện ngắn đăng báo và sau đó được đăng lại trong tuyển tập truyện ngắn Con voi biến mất (The Elephant Vanishes), Barn Burning là câu truyện đậm chất huyền ảo, lãng đãng kiểu Murakami về mối quan hệ tay ba giữa một nhà văn đã có gia đình, một cô người mẫu yêu nghệ thuật kịch câm, và gã bạn trai giàu có với sở thích dị thường đốt nhà kho ở vùng nông thôn. Khi so với cốt truyện này của Barn Burning, kịch bản chuyển thể Burning của đạo diễn Lee Chang-dong có rất nhiều điểm khác biệt, không chỉ là bối cảnh được chuyển từ Nhật Bản sang Hàn Quốc, nhiều chi tiết hoàn toàn mới về mối quan hệ tay ba giữa các nhân vật chính, mà còn nằm ở cả cách mở đầu và kết thúc của tuyến truyện chính. Vì vậy có lẽ Burning chỉ nên được coi là bộ phim lấy cảm hứng từ truyện ngắn Barn Burning của Murakami với hơi thở cuộc sống gai góc kiểu Hàn Quốc và phong cách nghệ thuật rất riêng của Lee Chang-dong thay vì nỗ lực chuyển thể tối đa chất lãng mạn và triết lý Murakami lên màn ảnh lớn như cách Trần Anh Hùng đã từng làm đối với “Rừng Na Uy”.

Khi nhắc tới đất nước Hàn Quốc hẳn nhiều khán giả sẽ nghĩ tới những bài hát, những bộ phim tràn đầy cảnh đẹp thiên nhiên đến mê lòng hay những thành phố hiện đại náo nhiệt đại diện cho một quốc gia thịnh vượng hàng đầu thế giới. Nhưng lẩn khuất phía sau gương mặt phồn vinh, lạc quan đầy hào nhoáng ấy vẫn còn rất nhiều những số phận nghèo khổ vừa là nạn nhân của những biến cố lịch sử đất nước Hàn Quốc đã phải trải qua suốt hơn nửa thế kỷ qua, vừa bị bỏ lại phía sau trong một xã hội Hàn Quốc nơi khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng tới mức chóng mặt. Một trong những nghệ sĩ điện ảnh Hàn Quốc luôn trăn trở với những số phận buồn tủi ấy là Lee Chang-dong. Các bộ phim của ông như Green Fish (1997), Peppermint Candy (1999), hay Oasis (2002) vừa giới thiệu tới người xem một Hàn Quốc rất khác – một đất nước của những mùa đông dài tăm tối và lạnh lẽo, một đất nước vẫn còn hằn đầy những vết sẹo của chiến tranh, của chế độ độc tài kéo dài ba thập kỉ, và của hủ tục Nho giáo, một đất nước của rất nhiều những con người vẫn còn đang phải bươn chải để kiếm sống qua ngày. Đó cũng chính là bối cảnh của Burning, một bộ phim về sự tương phản đến cùng cực giữa một bên là giới thượng lưu thừa mứa của cải nhưng nghèo nàn về cảm xúc như Ben và những người bạn cùng chia sẻ cuộc sống phù phiếm với anh ta, và bên kia là những người dân lao động nghèo khó nhưng trong lòng luôn bùng cháy ngọn lửa khao khát được tận hưởng cuộc sống như Jong-su, như Hae-mi. Mối quan hệ hồn nhiên, chân thành giữa Jong-su và Hae-mi phần nào gợi nhớ đến hình ảnh của cặp đôi Jong-chan (Song Kang-ho) và Shin-ae (Jeon Do-yeon) trong tác phẩm của Lee Chang-dong từng gây tiếng vang rất lớn ở Liên hoan phim Cannes năm 2007 là Secret Sunshine. Tuy nhiên có lẽ đạo diễn họ Lee vẫn muốn giữ lại phần nào đó chất lãng mạn Murakami trong bộ phim mới nhất của ông, vì vậy có cảm giác ông vẫn muốn giữ lại chút gì đó bí ẩn mờ ảo cho bộ ba nhân vật của ông thay vì cách tiếp cận tỉ mỉ, đa diện mang đậm phong cách của chủ nghĩa hiện thực trong Peppermint Candy, Secret Sunshine, hay Poetry. Hướng đi có chút khác biệt này khiến cho Burning có được hương vị mới mẻ, nhẹ nhàng hơn so với các bộ phim trước đây của Lee Chang-dong, nhưng cũng lại làm giảm đi hiệu ứng cảm xúc đến từ những bi kịch đời thường của các nhân vật vốn là thế mạnh trong phong cách làm phim của đạo diễn người Hàn Quốc.

Bên cạnh chất hiện thực thấm đẫm, một trong những điểm nổi bật thường thấy trong các bộ phim của Lee Chang-dong là việc ông thường xuyên giúp các diễn viên của mình phát huy tối đa khả năng diễn xuất nhờ vào các kịch bản giàu kịch tính và cách đạo diễn họ Lee chú trọng đặc tả diễn biến cảm xúc của các nhân vật. Chính nhờ các tác phẩm của Lee Chang-dong mà các nữ diễn viên xuất sắc của Hàn Quốc như Moon So-ri (phim Oasis) và Jeon Do-yeon (Secret Sunshine) đã chứng tỏ được tên tuổi ở tầm quốc tế với các giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Venice và Cannes. Khác với những nữ diễn viên gạo cội kể trên, vai Hae-mi mới là vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp của Jeon Jong-seo - “nàng thơ” mới của Lee Chang-dong. Không phụ sự tin tưởng của đạo diễn họ Lee, nữ diễn viên 24 tuổi đã gây ấn tượng mạnh với khán giả không chỉ bởi vẻ đẹp sắc sảo, mà còn nhờ diễn xuất nhẹ nhàng nhưng không kém phần ma mị, lôi cuốn rất hợp với một nhân vật chợt đến, chợt đi trong lòng Jong-su và khán giả như Hae-mi. Thậm chí là khi so sánh với hai bạn diễn có nhiều kinh nghiệm và danh tiếng hơn cô rất nhiều là Yoo Ah-in và Steven Yeun, Jeon phần nào đó còn để lại nhiều ấn tượng hơn dù cô không có nhiều đất diễn bằng Yeun - ngôi sao của loạt phim truyền hình The Walking Dead và Yoo – một trong những nam diễn viên có tiếng của điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc. Dù vậy thì khi so sánh với các nhân vật của Peppermint Candy, Oasis, Secret Sunshine, hay Poetry, cả bộ ba Hae-mi, Jong-su, và Ben đều khó có thể so sánh về ấn tượng lâu dài để lại trong lòng khán giả bất chấp việc Burning là tác phẩm dài nhất cho tới nay của Lee Chang-dong với thời lượng 148 phút.

Thật khó để nói Burning là một bộ phim chuyển thể thành công tinh thần văn học của Haruki Murakami. Về mặt cảm xúc, bộ phim mới này của đạo diễn Lee Chang-dong cũng chưa thể so sánh được với những những đỉnh cao trong sự nghiệp của ông như Peppermint Candy hay Oasis. Nhưng với những khán giả muốn được chứng kiến hình ảnh một đất nước Hàn Quốc lạnh lẽo vốn ít khi được đưa lên màn ảnh lớn, muốn được hiểu thêm về những gương mặt khác nhau của thế hệ trẻ ở quốc gia Đông Bắc Á, giàu sang nhưng trống hoác về tâm hồn có, nhiều mơ ước nhưng chẳng thể vượt qua rào cản xã hội có, nhưng phần lớn đều thấy cô độc giữa xã hội hiện đại, thì họ chắc chắn sẽ không cảm thấy phí hoài thời gian với Burning – một tác phẩm điện ảnh hay về đất nước và con người Hàn Quốc.

=====

Like Father Like Son (2013)






Để đánh giá sự thành đạt của một người đàn ông, có lẽ người ta thường nhắc tới những phẩm chất như vợ đẹp, con khôn, nhà lớn, xe sang, sự nghiệp thành đạt. Về những khía cạnh này thì có lẽ Ryota Nonomiya (Masaharu Fukuyama) chẳng có gì phải phàn nàn bởi tuy phải bận bịu tối ngày tại công ty xây dựng nhưng khi trở về căn nhà sang trọng giữa lòng thành phố, đón chờ anh luôn là cô vợ hiền dịu Midori (Machiko Ono) và cậu con trai Keita (Keita Ninomiya) ngoan ngoãn với cặp mắt tròn đen láy. Cách xa gia đình nhà Nonomiya nhiều tiếng đi tàu, ông chủ tiệm tạp hoá Yudai Saiki (Lily Franky) chẳng có được cuộc sống mơ ước như Ryota bởi chỉ vài chiếc bóng đèn bán qua ngày giữa chốn đồng quê không thể đủ để nhà Saiki nuôi nấng ba đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn và buộc cô Yukari (Yōko Maki) vợ ông cũng phải đi làm kiếm tiền thay vì ở nhà trung thành với công việc nội trợ và chăm sóc con cái như Midori.

Một giàu có, một chật vật mưu sinh, một tràn đầy chí tiến thủ trong công việc, một an phận với cuộc sống tuềnh toàng nhưng nhàn nhã, nhưng hai người đàn ông xa lạ Ryota và Yudai dường như đều cảm thấy hài lòng với cuộc sống của họ, nhất là khi cả hai được chứng kiến hai đứa con trai cùng tuổi lên sáu Keita và Ryusei (Shôgen Hwang) lớn lên từng ngày trong tình yêu thương, chăm sóc của bố mẹ. Chẳng ai trong số hai người, hay kể cả hai cô vợ của họ là Midori và Yukari ngờ được rằng số phận hết mức bình yên như vậy của Keita và Ryusei lại không phải do tạo hoá ban tặng mà lại xuất phát từ một sai lầm không thể tha thứ của bệnh viện nơi hai cậu bé ra đời – Keita bị trao nhầm cho Ryota và Midori mặc dù cậu do Yukari sinh ra, và Ryusei thực ra lại là đứa con đầu lòng và duy nhất của chính Midori chứ không phải cậu anh cả trong ba anh em nhà Saiki. Mãi tới sáu năm sau khi hai cậu bé trở thành những đứa con “nhầm chỗ”, bệnh viện mới phát hiện ra lỗi lầm trớ trêu của họ để thông báo cho hai gia đình Nonomiya và Saiki để rồi cuộc sống của cả hai gia đình trở nên hoàn toàn đảo lộn.

Tin dữ từ bệnh viện không chỉ gợi lại trong hai ông bố, nhất là Ryota – người khá cứng nhắc trong những quan niệm về huyết thống, những thắc mắc tưởng chừng rất nhỏ về việc hai cậu con trai có vẻ không thực sự “cha nào con nấy” về ngoại hình và tính cách, mà còn đặt ra cho hai gia đình Nonomiya và Saiki câu hỏi pháp lý và tình cảm hết sức hóc búa về chuyện có nên tiếp tục với cuộc sống bình yên trước đây, hay phải đưa Keita và Ryusei trở về với đúng cuộc đời của mỗi đứa. Bài toán hóc búa không dễ tìm ra lời giải này khiến Ryota-Midori và Yudai-Yukari quyết định phải dành thời gian để tìm hiểu lẫn nhau cũng như cho Keita và Ryusei “sống thử” một thời gian với bố mẹ đẻ của hai đứa. Chỉ vài tháng “tìm hiểu”, vài ngày cuối tuần “sống thử” tất nhiên chẳng thể đủ để thay thế tình cha con, tình mẹ con được ươm mầm suốt từ lúc hai đứa trẻ mới chào đời, khoảng thời gian ấy chỉ đủ để cho hai Keita và Ryusei nhận ra rằng sự sung túc của nhà Nonomiya không phải là tất cả, cũng như sự eo hẹp về vật chất của nhà Saiki chưa hẳn là rào cản đối với hạnh phúc gia đình. Liệu mối quan hệ huyết thống thiêng liêng hay tình cảm gia đình được gây dựng qua những năm tháng sống với nhau như ruột thịt sẽ là yếu tố quyết định số phận của Keita và Ryusei? Câu hỏi ấy chỉ có thể được giải đáp khi cả hai cậu bé, và những ông bố, bà mẹ của các cậu tìm được tiếng nói chung từ sâu thẳm tâm hồn của mỗi người.

Bắt đầu làm phim từ năm 1991, đạo diễn người Nhật Hirokazu Kore-eda được coi là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của điện ảnh đương đại Nhật Bản với những bộ phim về con người và xã hội của nước Nhật hiện đại. Phong cách làm phim nhẹ nhàng, chân thực và những kịch bản đậm chất triết lý, nhân văn do chính ông chắp bút khiến Kore-eda nhanh chóng được làng điện ảnh thế giới biết tới qua các tác phẩm xuất sắc như After Life (1998), Nobody Knows (2004), hay Still Walking (2008). Nhưng tại liên hoan phim Cannes – ngày hội quan trọng bậc nhất của điện ảnh quốc tế, thì Hirokazu Kore-eda phải đợi tới Like Father, Like Son (Cha nào, con nấy) – bộ phim về hai cậu bé bị “đặt nhầm chỗ” để được tưởng thưởng với Giải thưởng của ban giám khảo tại lễ trao giải phim Cannes năm 2013. Like Father, Like Son không phải là tác phẩm đầu tiên khai thác câu truyện về số phận của những đứa trẻ bị tráo đổi gia đình ngay khi mới sinh ra – một sự cố vốn đã từng xảy ra trong thực tế ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng ta có thể kể tới tiểu thuyết xuất sắc Midnight's Children (Những đứa con của nửa đêm, 1981) của nhà văn nổi tiếng Salman Rushdie, loạt phim truyền hình Mỹ Switched at Birth (2011-2017) của hãng ABC, hay tác phẩm truyền hình Hàn Quốc từng gây nhiều ấn tượng Trái tim mùa thu (2000). Nhưng với Like Father, Like Son, Hirokazu Kore-eda vẫn đem tới cho khán giả một góc nhìn mới mẻ về mô-típ giàu kịch tính nhưng không còn quá xa lạ này. Thay vì tập trung khai thác những ngã rẽ đường đời của Keita và Ryusei sau khi bị tráo đổi, Kore-eda lại đi sâu khắc hoạ tình cảm cha con, mẹ con của hai gia đình Nonomiya và Saiki, đặc biệt là những diễn biến tình cảm của hai cha con Ryota và Keita kể từ thời điểm bệnh viện nơi cậu bé chào đời thông báo cho hai gia đình sự thật trớ trêu và nghiệt ngã ấy. Tiếp nối các bậc thầy của điện ảnh Nhật như Yasujiro Ozu với phong cách làm phim nhẹ nhàng, đầy chất nhân văn, giàu chất Thiền, và tránh xa những xung đột tâm lý, tình cảm không cần thiết, Hirokazu Kore-eda giới thiệu tới khán giả rất nhiều góc khuất trong tâm hồn và suy nghĩ của Ryota khi phải đối diện với câu hỏi lớn về mặt đạo lý và tình cảm – “đổi hay không đổi” một cách chân thành, không né tránh nhưng cũng không thậm xưng, dễ cảm nhận nhưng vẫn luôn tràn đầy bất ngờ. Thuật lại một câu truyện khó, giàu kịch tính bằng giọng kể an nhiên, đi vào lòng người là một nghệ thuật không phải người làm điện ảnh nào cũng có thể thực hiện được, nhưng lại là một thế mạnh trong suốt sự nghiệp của Hirokazu Kore-eda. Xuyên suốt Like Father, Like Son, cao trào lớn nhất có lẽ chỉ là một cái đập nhẹ của Yudai lên đầu Ryota vì cả gan đề nghị cho nhà Nonomiya được nuôi cả Keita và Ryusei vì “có điều kiện hơn nhà Saiki, nhưng người xem vẫn được đưa từ cung bậc cảm xúc này tới cung bậc cảm xúc khác với những cảnh quay bình dị, đời thường nhưng tràn đầy sự trân trọng đối với tình phụ tử, tình mẫu tử, và đặc biệt là với tình cảm trong trắng, hồn nhiên hết mực của trẻ con dành cho những người mà chúng tin tưởng, yêu quý. Với những người đã làm cha, làm mẹ, chắn chắn Like Father, Like Son còn mang lại cho họ nhiều cảm xúc và suy nghĩ hơn nữa, bởi khó có người làm cha, làm mẹ nào lại không cảm thấy bất an khi nghĩ tới việc họ phải chia lìa với con cái chỉ vì những sai sót nơi bệnh viện, và cũng khó ai có thể cầm lòng khi chứng kiến tình yêu vô điều kiện mà Keita và Ryusei dành cho bố mẹ, bởi đã sinh con ra, đã vất vả nuôi con khôn lớn, thì bố mẹ nào cũng đều mong muốn từ trong sâu thẳm tâm hồn là những đứa con của mình có thể cảm nhận, và đáp lại tình thương của cha mẹ.

Có thể một số khán giả sẽ không cảm thấy thích cách tiếp cận-thiếu-kịch-tính và nhịp phim tương đối chậm của Hirokazu Kore-eda với những đề tài màu mỡ cho cao trào điện ảnh như trong Like Father, Like Son. Có thể một số khác cũng không hoàn toàn hài lòng với diễn xuất có phần còn cứng nhắc của một số diễn viên trong phim của ông, đặc biệt là của ca sĩ-diễn viên điển trai Masaharu Fukuyama – người thủ vai Ryota. Nhưng với Like Father, Like Son, có lẽ khó ai có thể không hài lòng với câu truyện tuyệt vời về tình cảm gia đình, về cách con người chúng ta nên sống, nên xích lại gần nhau trong xã hội hiện đại mà Hirokazu Kore-eda đã đem lại cho khán giả qua một kịch bản hết sức sâu sắc và phần diễn xuất giàu cảm xúc của hai cậu bé Keita Ninomiya và Shôgen Hwang trong vai Keita và Ryusei. Chắc không ai trong chúng ta cảm thấy xa lạ với câu thành ngữ “cha nào, con nấy”, nhưng với Like Father, Like Son, chắc chắn nhiều ông bố sẽ chợt nhận ra rằng đằng sau câu nói tưởng chừng đơn giản ấy là vô số những câu hỏi mà những người làm cha nên đặt ra với chính mình khi nuôi dạy con cái – Liệu chúng ta muốn những đứa trẻ sẽ lớn lên giống với chính chúng ta của hiện tại? Hay chúng có thể lựa chọn con đường cho riêng mình, miễn là được sống với chính mơ ước của chúng, miễn là được bố mẹ yêu thương, miễn là được trao cơ hội để bày tỏ tình cảm với bố mẹ. Và tất nhiên, sau khi xem xong Like Father, Like Son, hãy cùng ước nguyện rằng sẽ không còn bệnh viện nào để xảy ra tình trạng nhầm lẫn không thể tha thứ như hoàn cảnh “ngồi nhầm chỗ” của Keita và Ryusei – một sai lầm hoàn toàn có thể phá huỷ hạnh phúc của nhiều gia đình nếu những ông bố, bà mẹ của những gia đình ấy không đủ khả năng giữ mầm tình cảm gia đình trước áp lực của những lời đàm tiếu, của quan niệm cứng nhắc về huyết thống máu mủ.

======