some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

samedi 31 octobre 2009

Thất kiếm (2005)


Thất kiếm là một bộ phim võ thuật "tinh tuyền" của Từ Khắc được ông thực hiện năm 2005, đúng 10 năm sau thành công cuối cùng của ông - Đao (The Blade, 1995). Đây là một bộ phim dựa trên tiểu thuyết võ hiệp Thất kiếm hạ Thiên sơn của Lương Vũ Sinh - một trong "ngũ đại gia" của tiểu thuyết võ hiệp (cùng Kim Dung, Cổ Long, Ngọa Long Sinh, Ôn Thụy An). Bên cạnh cội rễ kiếm hiệp của mình, Thất kiếm còn là tấm gương phản chiếu một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh thế giới - Bảy samurai (Shichinin no samurai) của Akira Kurosawa được đặt trong bối cảnh sa mạc, ngựa chiến không khác gì phim miền Tây Mỹ (tôi chưa xem The Magnificient Seven của John Sturges nên không dám kết luận là Thất kiếm có làm theo hình mẫu đó không).

Bảy samurai, dù ở đâu Toshiro Mifune vẫn luôn là người nổi bật nhất!

Mô-típ của Bảy samurai có thể tóm gọn như sau: Một samurai cao thủ đi tuyển mộ 6 samurai khác để bảo vệ dân làng yếu đuối chống lại bọn cướp hung bạo. Thất kiếm cũng vậy, chỉ có thay vào chỗ một samurai cao thủ thì ở đây khán giả gặp một cao thủ võ lâm từng mang tì vết trong thời gian làm quan cho Cẩm y vệ (tương đương CIA) thời nhà Minh, nay muốn chuộc lại lỗi lầm bằng việc khổ công leo lên tận đỉnh Thiên sơn ngàn năm tuyết phủ để mời các cao thủ khác về bảo vệ cho dân làng chống khỏi bọn cướp chuyên giết người để lĩnh thưởng của nhà Thanh. Bộ phim có tên Thất kiếm, vì vậy bên cạnh các nhân vật "người" truyền thống, Từ Khắc giới thiệu cho chúng ta một tuyến "nhân vật" đặc biệt, đó là bảy cây kiếm báu, mỗi cây có một dáng vẻ riêng, công năng riêng và cách sử dụng riêng. Bảy cao thủ cùng bảy cây kiếm của Thất kiếm lần lượt là:

Thất kiếm
  • Phó Thanh Chủ sử dụng Mạc Vấn kiếm (đại diện cho trí tuệ). Phó Thanh Chủ là người đi mời các cao thủ về bảo vệ cho dân làng. Người thủ vai này là Lưu Gia Lương, một cái tên huyền thoại của điện ảnh Hồng Kông, ông là đệ tử đời thứ 5 của Hoàng Phi Hồng (vì vậy được người trong nghề gọi kính trọng là Lưu sư phụ) và là đạo diễn của 36 phòng Thiếu Lâm (Thiếu Lâm tam thập lục phòng) nổi tiếng.
  • Sở Chiêu Nam sử dụng Do Long kiếm (đại diện cho tấn công). Sở Chiêu Nam là đại đệ tử của phái Thiên sơn, người có võ thuật cao cường nhất và cũng là người bí hiểm, ít nói nhất trong Thất kiếm. Người thủ vai quan trọng nhất trong số 7 người này là một cao thủ thật sự khác của điện ảnh Hồng Kông - Chân Tử Đan.
  • Dương Vân Thông sử dụng Thanh Can kiếm (đại diện cho phòng thủ). Dương Vân Thông là nhị đệ tử của phái Thiên sơn, người có bề ngoài và phong cách như một thư sinh. Người thủ vai trầm lắng này là Lê Minh, một trong Tứ đại thiên vương của làng nhạc Hồng Kông, tiếc là tài nghệ diễn xuất của họ Lê không được tương xứng với tài nghệ ca hát.
  • Tân Long Tử sử dụng Cạnh Tinh kiếm (đại diện cho hy sinh). Tân Long Tử là tam đệ tử của phái Thiên sơn, người lầm lì và giỏi khinh công nhất, vai này do Đới Lập Thiên đóng.
  • Mục Lang sử dụng Nhật Nguyệt kiếm (đại diện cho hy vọng). Mục Lang là tứ đệ tử của phái Thiên sơn, người vui tính và hay đùa nhất, vai này do Chu Quân Đạt đóng.
  • Vũ Nguyên Anh sử dụng Thiên Bộc kiếm. Vũ Nguyên Anh là nữ duy nhất trong Thất kiếm, cô là dân làng vì tin tưởng Phó Thanh Chủ mà lặn lội cùng ông lên Thiên sơn rồi được trao thanh Thiên Bộc kiếm là thanh kiếm biến hóa và khó sử dụng nhất, vai này do Dương Thái Ni, mỹ nhân của Đông Tà Tây Độc, đóng.
  • Hàn Chí Bang sử dụng Xá Thần kiếm (đại diện cho kiên nghị), Hàn Chí Bang cũng là dân làng như Vũ Nguyên Anh, đây là người nông nổi và nóng tính nhất Thất kiếm, vai này do Lục Nghị đóng. Hàn Chí Bang có người yêu là Lưu Úc Phương (Trương Tịnh Sơ đóng), con gái yêu của trưởng làng.
Đối thủ của Thất kiếm là băng cướp dị hợm do Phong Hỏa Liên Thành (Tôn Hồng Lôi) cầm đầu, các đầu lĩnh của băng cướp này sử dụng toàn loại vũ khí quái đản và bề ngoài của mỗi người thì cũng quái đản không kém. Tuy nhiên khi đối đầu với Thất kiếm thì bọn cướp nhanh chóng tỏ ra yếu thế, chúng không những bị đẩy lui mà còn bị Thất kiếm tìm tới tận sào huyệt đánh cho tan tác, đến người tình của Phong Hỏa Liên Thành là Lục Châu (Kim So-yeon), một nô lệ Triều Tiên, cũng bị Sở Chiêu Nam, một nô lệ Triều Tiên cũ khác, giải cứu mất.

The weirdest character - em gái này diễn rất ấn tượng, cảm giác như một cô lesbian luôn luôn phê thuốc

Mặc dù thắng trận đầu nhưng Phó Thanh Chủ nhận định rằng thể nào Phong Hỏa Liên Thành cũng quay lại trả thù tàn độc, ông khuyên trưởng làng cho dân di tản. Trên đường đi, Phó Thanh Chủ nhận ra rằng trong nội bộ dân làng đã có kẻ phản bội lén đánh dấu để bọn cướp lần theo đoàn người. Cực chẳng đã, ông đành cho đoàn di tản trú lại trong một khu hang động với hy vọng kẻ phản bội sẽ phải thò mặt ra để liên lạc với đồng bọn. Cùng lúc ấy Phong Hỏa Liên Thành mượn được pháo từ tay nhà Thanh đã bao vây chặt hang đá. Để phá vỡ vòng vây, Sở Chiêu Nam nhờ Lục Châu dẫn đến sào huyệt của bọn cướp hòng phá tan kho vàng của bọn chúng buộc Phong Hỏa Liên Thành phải rút quân. Không ngờ rằng mình đã rơi vào bẫy phục kích, Sở Chiêu Nam bị Phong Hỏa Liên Thành bắt giữ, Do Long kiếm cũng về tay bọn cướp, chỉ có Lục Châu trốn được về báo tin cho Thất kiếm. Nhận được hung tin, sáu người còn lại trong Thất kiếm quyết định vào thẳng hang ổ của Phong Hỏa Liên Thành để quyết đấu trận cuối cùng.

Ai đã từng xem Bảy samurai hoặc đọc nhiều truyện chưởng thì sẽ không lạ gì với cốt truyện của Thất kiếm, thực ra ý tưởng của Lương Vũ Sinh là biến bảy cây kiếm trở thành "nhân vật chính" của tác phẩm, nhưng việc truyền tải ý tưởng đó lên phim quả thực quá khó khăn, vì không thể sử dụng những vật vô hồn (đúng hơn là không "biết" diễn xuất) để thể hiện những dòng chữ bay bướm trên giấy thành hình ảnh trên phim được. Vì vậy ở đây, Thất kiếm vẫn là những nhân vật chính, và họ cùng Phong Hỏa Liên Thành là những người quyết định sự hay, dở của tác phẩm. Thật tiếc, Thất kiếm lại chỉ là bảy hình ảnh mờ nhạt, khác hẳn với bảy samurai của Kurosawa trước kia. Họ mờ nhạt một phần cũng vì Từ Khắc đã bỏ qua, hoặc không coi trọng, phần "tuyển mộ" đầu phim. Đây là nội dung đã mang lại tính cách mạng cho Bảy samurai vì lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh, các nhân vật của một bộ phim hành động được giới thiệu một cách chi tiết và nghệ thuật đến vậy. Thất kiếm thì khác, người xem chưa kịp làm quen với bảy cao thủ thì đã bị cuốn theo những cuộc giao đấu, chạy trốn diễn ra liên tục, chẳng ai còn thời gian để mà nhận ra từng nét riêng của mỗi người trong Thất kiếm. Cộng thêm vào đó là tài nghệ diễn xuất rất hạn chế của bảy người thủ vai Thất kiếm, vẫn biết là phim hành động thì không thể đòi hỏi diễn viên phải như Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc được, nhưng thật khó mà chấp nhận việc Chân Tử Đan mặt lúc nào cũng hầm hè (phim nào cũng vậy!), Lê Minh thì cơ mặt hầu như không bao giờ thay đổi, Dương Thái Ni đã già lại phải cố làm ra vẻ ngây thơ còn Lục Nghị thì dù cố gắng nhưng cũng không thể nào làm toát lên nét nóng nẩy của Hàn Chí Bang. Nhân vật nổi bật nhất của Thất kiếm hóa ra lại chính là Phong Hỏa Liên Thành với diễn xuất ấn tượng của Tôn Hồng Lôi, nét diễn tưng tửng và điệu cười kì quái của anh khiến Phong Hỏa Liên Thành thực sự vừa là một tên cướp vừa kì quái, tàn bạo lại vừa đầy mưu mô, bí ẩn. Diễn viên đáng chú ý thứ hai của Thất kiếm là Trương Tịnh Sơ trong vai Lưu Úc Phương, trường đoạn Úc Phương hoảng loạn chạy trốn trong hang động với rất nhiều cảnh quay cận cảnh có lẽ mới là trường đoạn tốt nhất của Thất kiếm chứ không phải các trường đoạn giao đấu.

Phong Hỏa Liên Thành - nhân vật ấn tượng nhất của phim

Nói về giao đấu, quả thực phần chỉ đạo võ thuật của Thất kiếm làm tôi khá thất vọng, các pha giao đấu không có gì đặc sắc vì chúng thường bị cắt cảnh đột ngột, đổi góc quay liên tục khiến người xem cảm giác các diễn viên không còn "đấu thật" nữa. Công năng khác nhau của từng thanh kiếm cũng không được thể hiện, trừ thanh Thiên Bộc kiếm của Vũ Nguyên Anh rất độc đáo ra còn lại sáu thanh khác đều na ná nhau mặc dù bề ngoài của chúng rất khác nhau. Chỉ đạo võ thuật của Thất kiếm do đích thân Lưu Gia Lương đảm nhiệm, dường như sức sáng tạo của ông đã cạn ở vào cái tuổi gần thất thập cổ lai hy (ông sinh năm 36), vả lại một đại sư Hồng quyền như ông vốn thường nổi tiếng với các pha đấu tay không như trong 36 phòng Thiếu Lâm hơn là các pha đấu binh khí (sở trường của Viên Hòa Bình). Bằng chứng là trước Thất kiếm 10 năm, Lưu Gia Lương từng rất thành công với Túy quyền 2 - bộ phim có những cảnh giao đấu tay không đã trở thành kinh điển của Thành Long (phim võ thuật thực sự cuối cùng của ngôi sao này).

Trong làng điện ảnh người ta thường ví Từ Khắc như một "Steven Spielberg của Hồng Kông" vì vai trò tiên phong của ông trong việc biến các phim võ thuật thành phim võ thuật-sử thi (Hoàng Phi Hồng), võ thuật-thần thoại (Thanh xà, Thục Sơn truyện), thành công (tương đối) trong những thể loại tay trái (Đao mã đán - phim sân khấu) và tài sản xuất các bộ phim ăn khách (loạt Anh hùng bản sắc, loạt Thiến nữ u hồn). Nhưng khác với Spielberg, đỉnh cao sự nghiệp của Từ Khắc có lẽ đã dừng lại vào năm 1995 với Đao - một "Mad Max của Hồng Kông", bộ phim làm lại từ tác phẩm kinh điển Độc tý đao của Trương Triệt này đã phá vỡ hoàn toàn công thức cũ của phim võ hiệp (mà Hoàng Phi Hồng của chính Từ Khắc đã lập nên vài năm trước đó) bằng việc chuyển bối cảnh cổ trang thường thấy của phim kiếm hiệp vào một bối cảnh kì lạ, tách rời khỏi thực tại, bẩn thỉu và hoang dã, Từ Khắc đồng thời cũng "thiết kế" lại cái cách nhân vật chính từ chỗ bị dìm xuống đáy tới lúc vươn đến đỉnh cao võ lâm - dữ dội hơn, bạo liệt hơn, đau đớn hơn và gần gũi với con người thật hơn. Thất kiếm đáng tiếc không có được bất cứ điểm nào mà Đao từng đạt tới, dù Từ Khắc cũng cố dùng cái bối cảnh kì lạ, xa rời thực tế với những nhân vật quái đản, bẩn thỉu "kiểu Mad Max", nhưng nội dung của phim thì vẫn đi theo lối mòn kiểu Hoàng Phi Hồng với những nhân vật anh hùng cư xử chẳng khác nào Quách Tỉnh cổ điển của Anh hùng xạ điêu chứ không phải là một Lệnh Hồ Xung hiện đại của Tiếu ngạo giang hồ hoặc Vi Tiểu Bảo láu cá của Lộc đỉnh ký. Và Thất kiếm cũng làm lộ ra một điểm yếu chết người của Từ Khắc, đó là mức độ sáng tạo, thực tế thì tuy phim võ thuật của ông được đánh giá rất cao nhưng chủ yếu là vì bối cảnh hoành tráng, nội dung đậm tính sử thi (epic), nhân vật anh hùng kiểu điển - những tiêu chuẩn của phim bom tấn (blockbuster), chứ những gương mặt mang tính đột phá của phim võ thuật Hồng Kông từ thập niên 1980 trở lại phải kể tới Viên Hòa Bình (Trương Tam Phong, Thiết hầu) và Trình Tiểu Đông (Thiến nữ u hồn, Tiếu ngạo giang hồ: Đông Phương Bất Bại). Quãng thời gian 10 năm đã không giúp Từ Khắc chuẩn bị được một tác phẩm gây tiếng vang, Thất kiếm cuối cùng lại chỉ là một phim bom tấn bình thường với nội dung dễ xem nhưng cũng dễ quên, thậm chí là còn thua xa những phim võ thuật "tay trái" của Trương Nghệ Mưu như Anh hùng, Thập diện mai phục. Sự nhàm chán của Thất kiếm còn thể hiện trong cách giải quyết những pha đấu võ ở không gian hẹp giữa Phong Hỏa Liên Thành và Sở Chiêu Nam, trông không khác gì (nhưng ở mức độ thấp hơn nhiều!) pha đấu tương tự giữa Hoàng Phi Hồng và Nạp Lan Nguyên Thuật trong Hoàng Phi Hồng: Nam nhi đương tự cường, điều khác biệt duy nhất là trong Hoàng Phi Hồng thì Chân Tử Đan "phải" vào vai phản diện, ở ở Thất kiếm anh "được" đóng vai chính diện. Cách khai thác hình ảnh trẻ thơ trong bạo tàn của Từ Khắc cũng vẫn vậy, các cảnh dính đến trẻ em trong Thất kiếm, đặc biệt là các cảnh một nhóm trẻ em bị kẻ thủ ác truy sát trông không khác gì replay cảnh phim trong nhà thờ của Hoàng Phi Hồng khi Hoàng Phi Hồng (the mighty Lý Liên Kiệt) và Thập tam muội (the beauty Quan Chi Lâm) che chở cho lũ trẻ của trường dòng. Ngay cả bối cảnh lịch sử của phim, vốn đã được stylize theo kiểu Đao vẫn dính đến một chủ đề "xuyên suốt" qua các phim cổ trang, chủ đề khiến cho người xem ngán ngẩm từ lâu - Phản Thanh. Không rõ là Từ Khắc có sinh ra trong một gia đình Minh hương ở Sài Gòn hay không mà hầu như phim cổ trang nào của ông các nhân vật thuộc phe nhà Thanh cũng được mô tả như một lũ mọi rợ, tàn bạo, chỉ biết đàn áp, giết chóc người Hán (đến cả một cái phim hài về ... ẩm thực là Kim chi ngọc diệp Từ Khắc cũng "không tha" cho người Mãn). Về khoản này thì Từ Khắc còn thua xa cả ... Châu Tinh Trì từ cái thời đầu thập niên 1990, thời đó Châu đã có những phim có cách nhìn rất tân tiến về nhà Thanh, đó là Tân Lộc Đỉnh ký hay Võ trạng nguyên Tô Khất Nhi.

Trương Tịnh Sơ - phát hiện duy nhất của Từ Khắc trong Thất kiếm

Điểm sáng lớn nhất của Thất kiếm có lẽ là phần hình ảnh, phim được quay rất đẹp với nhiều cảnh trên sa mạc ấn tượng, ít ra về điểm này thì Từ Khắc cũng đã thành công trong việc đưa dòng phim miền Tây (Western) lồng vào phim võ thuật Trung Quốc (để tạo thành Eastern movie). Những cảnh nhóm Thất kiếm cưỡi ngựa trong ánh bình minh và hoàng hôn được Từ Khắc dụng công quay tuyệt đẹp, người xem vừa cảm nhận được cái vĩ đại của không gian sa mạc, vừa thấy được sự hiên ngang, vững chãi trước thiên nhiên của các cao thủ.

Không tồi chút nào!

Tóm lại, Thất kiếm vẫn là một phim kiếm hiệp xem được nhưng nếu ai mong muốn được thấy lại thời hoàng kim của Từ Khắc với Hoàng Phi Hồng, Thanh xà thì tác phẩm này sẽ làm họ thất vọng, tôi là một trong số đó.

jeudi 29 octobre 2009

Que reste-t-til de nos amours? (50 ans de la Nouvelle Vague)


(Ảnh: Belmondo và Seberg trong A bout de souffle)

Tiêu đề ở trên có nghĩa là "Còn chút dư âm nào cho tình ta? (50 năm ngày ra đời Làn sóng mới)"

Que reste-t-il de nos amours là một ca khúc rất nổi tiếng của Charles Trenet, ca sĩ huyền thoại của Pháp cùng thời với chim én Edith Piaf. Tương tự như nhiều ca khúc nổi tiếng khác của Pháp giai đoạn thập niên 1940, 1950, Que reste-t-il de nos amours có nhịp điệu chậm rãi, ca từ rất lãng mạn (mà bây giờ gọi là "sến") và thoáng chút buồn bã. Bài hát là tâm sự của một người đàn ông (có lẽ đang ở tuổi trung niên) trong bóng tối của căn nhà vắng lặng, ông tiếc nuối tuổi trẻ đã qua, tiếc nuối những ngày đẹp trời và những lời đẹp đẽ mà cô gái của ông từng thì thầm bên tai. Giờ đây còn lại một mình, ông chỉ biết sống với những kỉ niệm quá khứ - dư âm duy nhất còn lại từ mối tình năm xưa. (Cùng thời với Que reste-t-il de nos amours còn có một ca khúc rất nổi tiếng khác cũng có nội dung gần tương tự, đó là Les feuilles mortes của Jacques Prévert mà Yves Montand biểu diễn rất thành công, sau được chuyển sang tiếng Anh với cái tên Autumn Leaves).



Que reste-t-il de nos amours được chọn làm bản nhạc nền của bộ phim Pháp Baisers volés (Những nụ hôn bị đánh cắp) của François Truffaut. Ý tưởng về "những nụ hôn bị đánh cắp" sau này đã được Giuseppe Tornatore sử dụng trong một trong những trường đoạn đẹp và xúc động nhất của điện ảnh mấy thập niên gần đây - trường đoạn Toto xem lại những thước phim bị cắt trong Cinéma Paradiso. Que reste-t-il de nos amours còn xuất hiện trong một bộ phim của Hollywood, đó là Something's Gotta Give, một phim tình cảm hài về những người đã ở buổi xế chiều của cuộc đời (Jack Nicholson và Diane Keaton) rất xuất sắc của Nancy Meyers.

Vậy giữa Que reste-t-il de nos amours và Nouvelle Vague có gì liên quan ngoại trừ việc nó được dùng trong một phim nouvelle vague của Truffaut, đạo diễn đi tiên phong của Nouvelle Vague? Tại sao cái cụm từ "Que reste-t-il?" ("Còn lại gì?") được rất nhiều báo Pháp dùng trong những bài viết kỉ niệm 50 năm Nouvelle Vague (Le Figaro, Evene.fr,...)? Và 50 năm sau ngày ra đời, Nouvelle Vague còn lại dư âm gì trong điện ảnh Pháp và thế giới? Người ta liệu còn nhớ đến những giấc mơ, niềm hy vọng của những Truffaut, Godard, Resnais không khi mà các bộ phim kinh phí lớn của Hollywood đang tràn ngập thế giới, ngay tại nước Pháp trang bìa của những tạp chí điện ảnh lớn như Studio CinéLive, Première, Brazil (và cả Cahiers du cinéma!) luôn là những gương mặt Mỹ xa lạ?

Bìa cuốn La Nouvelle Vague, portrait d'une jeunesse (Làn sóng mới, chân dung một thời tươi trẻ)

Cụm từ "Nouvelle Vague" ("Làn sóng mới") chính thức ra đời ngày 3 tháng 10 năm 1957 khi Françoise Giroud, trong một bài báo viết cho tờ L'Express, đã công bố kết quả một cuộc điều tra lớn về giới trẻ của Pháp, bài báo cho thấy một "làn sóng mới" đang thổi vào cuộc sống tẻ nhạt của giới trẻ Pháp trong thời gian phục hồi kinh tế (và cả vết thương tinh thần của một đất nước đầu hàng ê chê) sau chiến tranh. Giới trẻ Pháp đang thay đổi, về cả cách sống, phong cách ăn mặc, thay đổi cả về những mơ ước, mong đợi của họ với nước Pháp - sự thay đổi đã dẫn đến cuộc bạo loạn nổi tiếng năm 1968 (sự kiện Mai 68). Còn "Nouvelle Vague" trong điện ảnh xuất hiện lần đầu trong tạp chí Ciné 58 khi nhà báo Pierre Billard dùng nó để mô tả một nhóm đạo diễn mới, rất trẻ, rất nổi loạn của điện ảnh Pháp, đó là Jean-Luc Godard, François Truffaut, Alain Resnais, Jacques Rivette, Claude Chabrol,... . Nhóm đạo diễn trẻ nổi loạn này đã tuyên chiến với các bộ phim Pháp kiểu cổ điển bằng một loạt tác phẩm điện ảnh mới, mới cả về nội dung và cách thức thực hiện, đó là Jules et Jim, Bande à part, Le Beau Serge,...

Jules et Jim, tuổi trẻ bất diệt...

Nouvelle Vague bắt đầu làm nổ tung điện ảnh Pháp vào năm 1959 với hai bộ phim xuất sắc, Les 400 Coups của Truffat và A bout de souffle của Godard. Vứt bỏ những bối cảnh trường quay gò bó, các đạo diễn Nouvelle Vague cầm máy xuống thẳng những đường phố Paris, vốn đẹp nhất thế giới - và đương nhiên đẹp hơn ngàn lần bối cảnh trường quay. Lần đầu tiên người ta thấy những góc quay mới đầy trẻ trung, thấy hình ảnh của một Paris thực sự với nhạc jazz, những quán cà phê khu Montparnasse, thấy cô gái Jean Seberg (một người Mỹ nhưng còn Pháp hơn cả người Pháp!) với mái tóc ngắn và cách ứng xử lạ lùng (trong A bout de souffle), lần đầu tiên người ta thấy một trường đoạn chạy đua trong ... bảo tàng Louvre (trong Bande à part), lần đầu tiên người ta thấy tình yêu giữa một cô gái châu Âu và một chàng trai châu Á nảy nở trên cái nền hoang tàn chết chóc của Hiroshima (trong Hiroshima mon amour) và rất nhiều cái "lần đầu tiên" khác nữa. Tất cả những stéréotype (mô-típ lặp đi lặp lại) được các đạo diễn trẻ "tiêu diệt", họ khuyến khích diễn viên ứng khẩu (improviser), họ quay không hề dựa vào những kịch bản tuyến tính kiểu truyền thống, họ cắt cảnh đột ngột bất chấp quan niệm thông thường về sự liền mạch của phim, hạn chế về kinh phí cũng "giúp" các đạo diễn trẻ khai phá được những diễn viên chưa có tên tuổi như Belmondo, Moreau. Với các đạo diễn Nouvelle Vague, thực tại được họ đưa vào phim qua con mắt của trường phái ấn tượng, ở đó một ngọn cỏ trong nắng không cần thiết phải có màu xanh lá cây, nó có thể mang màu xanh nước biển, hoặc thậm chí là màu tím, miễn rằng đó là "ngọn cỏ thật", là những thứ nhỏ bé, bình dị nhưng gần gũi với cuộc sống. Tất cả những sự sáng tạo về kĩ thuật và cách biểu hiện ấy toát lên một điều - Tự do, chính sự khát khao tự do đã giúp các đạo diễn trẻ Pháp vươn tới được cái mới, cái thực tế, mới giúp điện ảnh Pháp có được một thế hệ diễn viên tài năng của Jean-Paul Belmondo, Jean Seberg, Jeanne Moreau.


Các phim tiêu biểu của Nouvelle Vague, lựa chọn của tờ Le Figaro

Cần phải nỏi thêm rằng Hollywood lúc này cũng đang trong giai đoạn vật vã chuyển mình, điện ảnh Mỹ sau giai đoạn hoàng kim thập niên 1940 và đầu 1950 đang suy sụp trước sự khủng hoảng về tài năng, về ý tưởng, mà phải mãi tới giữa thâp niên 1960 họ mới phục hồi được với thế hệ New Hollywood - thế hệ các nhà đạo diễn hướng tới xã hội hiện tại, tới cái có thực. Họ (các đạo diễn trẻ Mỹ) đã lặng lẽ tích lũy những tinh hoa điện ảnh của Nouvelle Vague, của điện ảnh Nhật (Kurosawa, Mizoguchi), của neorealismo Ý (De Sica, Rosellini, Fellini) để rồi trong thập niên 1970 quay trở lại "thống trị" điện ảnh thế giới với Scorsese, Coppola, Allen,... Còn nước Pháp? Có đợt sóng nào lại không tan khi đi tới bờ? Các đạo diễn trẻ Pháp, với cái tính nghệ sĩ "rất Pháp" của mình, mất dần sức sáng tạo, nhất là khi làn sóng mới trong giới trẻ Pháp bắt đầu tạm lắng sau cuộc biểu tình lớn năm 68. Khi mà "cái mới" do họ sáng tạo đã trở thành tiêu chuẩn thực sự cho điện ảnh thì phim của các đạo diễn Nouvelle Vague đã không còn "mới" nữa, họ tiếp tục làm phim, tất nhiên, nhưng kể từ thập niên 1970, đã chẳng ai còn nhắc đến cái gọi là "phim Nouvelle Vague" nữa. Hay như Agnès Varda, nữ đạo diễn duy nhất của Nouvelle Vague (dù bà không hề nhận như vậy) đã nói: "Nouvelle Vague ? Vieille Vague ? Vague à l’âme ? On divague." (Làn sóng mới? Làn sóng cũ? Làn sóng ưu phiền? Chỉ là vớ vẩn." - Vague à l'âme dịch từng từ thì là "làn sóng trong tâm hồn" nhưng nghĩa chuẩn là sự ưu phiền, buồn bã).

Vậy dư âm còn lại cho đến nay của Làn sóng mới là gì? Có lẽ đó là những thế hệ nhà làm điện ảnh (đạo diễn, nhà sản xuất, quay phim, diễn viên) đã làm trụ cột cho điện ảnh Pháp suốt mấy thập kỉ, đó là những tiêu chuẩn mới về kĩ thuật quay, kĩ thuật dựng phim, và trên hết, đó là lòng khao khát tự do trong sáng tạo nghệ thuật, đó là sự tươi trẻ bất diệt và cái nhìn mới mẻ, tươi tắn về cuộc sống.

Hiroshima mon amour (Hiroshima tình yêu của tôi), một bộ phim lãng mạn rất mới mẻ và cảm động

====
Trang allocine.fr có thống kê những bộ phim và diễn viên nổi bật nhất (incontournable) của Nouvelle Vague (các liên kết ở tên là video về những nhân vật được nhắc đến trong giai đoạn Nouvelle Vague - một thời rất trẻ!):

- Diễn viên...
* Jean-Paul Belmondo với vai chàng thanh niên nổi loạn trong A bout de souffle - phim đầu tay của Jean-Luc Godard. Vai diễn này đã đưa luôn Belmondo lên hàng ngôi sao sáng nhất của điện ảnh Pháp, anh đóng cặp với Jean Seberg, một nữ diễn viên Mỹ nhưng chỉ đạt được vinh quang khi sang Pháp, Seberg cũng là một nữ diễn viên có cuộc đời riêng bất hạnh, cô tử tự khi mới 40 tuổi - số phận của Seberg khá giống với nữ danh ca Dalida, một người Ý nhưng nổi danh ở Pháp và rồi cuối cùng cũng tự kết liễu đời mình vì "không thể tiếp tục sống".
* Anna Karina, vợ của Jean-Luc Godard giai đoạn 61-68, Karina nổi bật nhờ các vai diễn trong Une Femme est une femme, Le Petit SoldatPierrot le Fou.
* Jean-Claude Brialy, ngôi sao của Le Beau SergeLes Cousins.
* Bernadette Lafont, nữ diễn viên ruột (actrice fétiche) của Claude Chabrol.
* Jean-Pierre Léaud, acteur fétiche của François Truffaut, người nổi tiếng khi mới chỉ là một cậu thiếu niên trong Les 400 Coups.
* Và tất nhiên, Jeanne Moreau của Jules et Jim, chỉ với duy nhất một vai diễn này thôi, Moreau cũng đã đủ danh tiếng để bước lên hàng ngũ huyền thoại của điện ảnh Pháp.

- Phim...
* Le Beau Serge (11 tháng 2 năm 1959) của Claude Chabrol - bộ phim đánh dấu sự ra đời của Nouvelle Vague
* Les 400 Coups (1959) của François Truffaut
* Hiroshima mon amour (1959) của Alain Resnair
* Les Cousins (1959) của Claude Chabrol
* A bout de souffle (1960) của Jean-Luc Godard
* Les Bonnes femmes (1960) của Claude Chabrol
* Paris nous appartient (1961) của Jacques Rivette
* Cléo de 5 à 7 (1962) của Agnès Varda
* Le Signe du lion (1962) của Eric Rohmer
* Adieu Philippine (1963) của Jacques Rozier
* Pierrot le Fou (1965) của Jean-Luc Godard

An American in Paris - Jean Seberg

==
Ghi chú:

Năm nay (2009) cũng là tròn 50 năm ngày ra đời của hai hiện tượng văn hóa Pháp khác, hai niềm tự hào của người Pháp - Nhóc Nicholas (le petit Nicholas) và Astérix (Astérix le Gaulois), cả hai đều do René Goscinny, một nhà văn người Pháp gốc Ba Lan, sáng tác nội dung. Tuy "chỉ" là truyện thiếu nhi nhưng Nhóc NicholasAstérix có sức sống rất lâu bền, cho đến giờ cả hai vẫn là những tác phẩm yêu thích của trẻ em Pháp, cả hai đều đã được chuyển thể thành phim ăn khách.

Năm 2003 đạo diễn người Ý Bernardo Bertolucci có làm một phim gây nhiều tranh cãi là The Dreamers, phim bị nhiều người chỉ trích vì có nhiều pha sex trần trụi, riêng với tôi thì đây lại là một phim rất hay vì nó khắc họa lại cực kì sống động hình ảnh thanh niên và điện ảnh Pháp giai đoạn Nouvelle Vague.

lundi 26 octobre 2009

Up (2009), Public Enemies (2009), Mamma Mia! (2008), Haeundae (2009)


Phim này có tạo hình thằng cu Russell dễ thương không chịu được, dù sao đây cũng là phim đầu tiên của Pixar làm về người "bình thường" vì ngay cả The Incredibles cũng toàn siêu nhân phi phàm. Nhìn chung Up xem cũng được, độ giải trí cao, có 10 phút đầu rất cảm động, tạo hình nhân vật dễ thương, có thêm tí mắm muối triết lý.

Ngôi nhà bóng bay
...

...

Ảnh tôi chụp

Giờ chuyển sang phần "nhưng". Tuy có sáng tạo về ngôi nhà bóng bay nhưng "nhân vật" gây bất ngờ nhất này càng về cuối phim càng không được tận dụng, thay vào đó là những pha hành động "thót tim" như truy đuổi bên bờ vực thẳm, lơ lửng giữa không trung hoàn toàn chẳng khác gì Monster, Inc., đến phần kết cũng dạng dạng thế, xem lại thì hóa ra ông đạo diễn Monster, Inc. chính là đạo diễn của Up, và cũng phải nói thêm là Monster, Inc. là cái phim theo tôi có chất lượng thấp nhất của Pixar cho đến giờ (phim về quái vật mà tạo hình nhân vật quá thiếu độ sáng tạo), nên hậu quả là Up cũng đi theo lối mòn của công thức phim hoạt hình Mỹ kiểu cũ, tóm lại là nhạt. Bỏ qua phần triết lý được lồng vào phim rất thô (hình như Pixar vẫn chưa quen với việc phải làm một phim hoạt hình "cho cả người lớn" - WALL-E cũng đã mắc phải sự thô thiển này ở phần sau của nó) thì Up còn một "tội" nữa là sức sáng tạo quá tồi! Xem phim mà tôi chẳng có lấy một phút nào ngạc nhiên (trừ lúc ngôi nhà bóng bay bay lên giời - mà cái này lại bị spoil trong trailer rồi), xem mà chỉ nghĩ đến Laputa, Totoro của Miyazaki và Doraemon (cụ thể là Bí mật pho tượng thần khổng lồ). Ai từng xem Laputa hẳn sẽ thấy những cảnh phim trên không trung của Up là quá tầm thường, lặp đi lặp lại, ai từng đọc Bí mật pho tượng thần khổng lồ sẽ thấy Up quá tệ trong việc tận dụng chi tiết chó được huấn luyện cử xử như người. Tất nhiên, trẻ em xem phim này sẽ rất thích vì nó dễ thương, "cu-te", nhưng trí tưởng tượng của các em sẽ chẳng thể "Vút bay" (hình như đây là tên phim này ở Việt Nam) nhờ Up được. Một điểm trừ trừ nữa của Up là mô tả cảnh thiên nhiên quá tệ (giờ mới nhận ra là Pixar làm rất ít phim có bối cảnh thiên nhiên rộng lớn, quanh đi quẩn lại cũng chỉ mấy phim khai thác các nhân vật "cu-te"), thác nước Paradise Falls trong phim chỉ là một bản sao xấu xí của thác nước cao nhất thế giới - thác Thiên thần (Angel Falls) ở Venezuela, các cảnh còn lại thì không có chút nào gọi là đặc sắc, kể cả những cảnh về mặt đất hoặc không trung, trời mây.

Tóm lại tôi rất mừng vì phim này tệ, nó sẽ giúp ... nâng khả năng chiến thắng Oscar Phim hoạt hình cho Ponyo của Miyazaki. Tất nhiên bỏ tiền đi xem phim để giải trí thì Up hoàn toàn không phải một lựa chọn tồi.


Bạn Michael Mann đã không phụ công mình ... chê bai bạn ý hết lời. Tất nhiên Public Enemies không đến nỗi quá tồi, "kép" đẹp, có vài pha cliché mua nước mắt của chị em, vài pha cliché khác thể hiện sự "anh hùng mã thượng" của John Dillinger và Melvin Purvis (sao phim nào của Mann cungx chả bao giờ phân biệt nổi bên nào là antagonist, bên nào là protagonist, nhân vật kiểu gì cũng bị nửa mùa), các pha bắn súng cũng tương đối giống thật (100 triệu USD chả nhẽ bỏ ra chỉ để đốt). (chấm hết)

Nhược điểm đầu tiên của Public Enemies là việc Mann chọn quay phim bằng máy kĩ thuật số, nước phim kiểu kĩ thuật số khiến Public Enemies trông giống ... phim truyền hình hoặc các chương trình reality show (cộng thêm một vài pha quay shaking, out-of-focus loạn xị), làm giảm "ép phê" cần thiết của một phim tiểu sử kiểu này. Nhưng cái đó chỉ là chuyện nhỏ, nhược điểm lớn nhất của Public Enemies là chuyện ... không có cốt truyện: He robbed banks, he was chased by the police, he loved a woman, finally he died, euhhh... what's the point of this movie? Xem xong phim người ta chẳng đọng lại được bất cứ điều gì về Dillinger, về Purvis hay về Frechette chứ đừng nói là về ý nghĩa của cả bộ phim. Mà thực tế thì Mann vẫn luôn thế, trừ The Insider khá xuất sắc thì còn lại Mann chỉ mạnh về từng đoạn phim lẻ chứ khi ráp các đoạn đó lại với nhau phim bị rời rạc, nói nặng thì là vô nghĩa.

Tóm lại phim này tệ, người muốn xem phim sâu sắc cũng sẽ thất vọng mà người ưa phim hành động cũng sẽ thất vọng (vì các cảnh hành động trong phim không có gì đặc sắc hoặc hấp dẫn), người hâm mộ Depp/Bale/Cotillard còn thất vọng nữa vì ngôi sao của họ bị giao những vai nhợt nhạt, thiếu tình cách khiến họ dù có "quẫy" đến mấy thì nhân vật vẫn cứ chìm dần theo phim.


Phim này cả làng chê nhưng hóa ra hấp dẫn phết (hoặc có thể vì xem với bạn vui nên tôi thấy phim hay hơn). Xuất sắc nhất là phần ngoại cảnh của phim, biển xanh Egée của Hy Lạp chỉ có thể dùng hai từ: Tuyệt vời. Nội dung phim không có gì, diễn xuất của mọi người bình thường, hát cũng bình thường (hóa ra Meryl Streep hát không hay như mình nghĩ còn Pierce Brosnan thì hát "như bò rống" đúng như wikipedia mô tả) được cái lồng nhạc vào phim rất hay, nhạc của ABBA đã hay sẵn, biết cách lồng hợp lý vào phim cũng đủ nâng cao nhiều lần giá trị cho cả hai tác phẩm. Tiếc là phim không thấy xuất hiện Fernando, có lẽ phải chờ tới Mamma Mia! 2, lúc đó chắc sẽ có cả Fernando, cả Happy New Year.

Tóm lại phim này xem vui, rất thích hợp để xem cùng tập thể đông, vừa xem vừa tán chuyện, hát theo phim, không cần để ý tới chi tiết nội dung phim.


Haeundae hay Hải vân đài hóa ra do bác đạo diễn của Sex is Zero, thảo nào Ha Ji-won được đóng vai chính. Nhờ phim này mới biết Hàn Quốc có cái bãi biển đẹp như ... Rio de Janeiro của Brasil, đúng là Hàn Quốc có chính sách tuyên truyền quảng bá văn hóa, du lịch hiệu quả thật!

Tuy là phim về thảm họa sóng thần nhưng phải đến hơn nửa thời gian đầu Haeundae chỉ xoay quanh việc mô tả những số phận khác nhau ở Haeundae trước cơn địa chấn, còn "nhân vật chính" của phim - cơn sóng thần thì chỉ xuất hiện, khá mờ nhạt, ở phần cuối thông qua phần kỹ xảo khá đẹp, tuy vẫn chưa được "nuột" như phim thảm họa của Roland Emmerich. Và chính ra theo tôi thì phần đầu của phim ... mới là hay, vì tuy nó khá lê thê dài dòng nhưng lại đậm chất Hàn Quốc, diễn viên có đất diễn, quen vai diễn nên các pha cliché cùng những đoạn hài hước kiểu Hàn nhiều vô kể, xem rất dễ và gần gũi, đặc biệt với "fan phim sến Hàn" như tôi. Phần thảm họa của phim hóa ra lại còn nhạt hơn phần giới thiệu đầu, đương nhiên so với phim thảm họa của Emmerich thì quá khập khiễng, nhưng phần này của Haeundae thực sự không có gì đặc sắc, các pha hành động nghẹt thở quá bình thường trong khi những pha cliché vẫn tiếp tục bị lạm dụng, bất kể bối cảnh phim đã thay đổi, kết quả là khán giả xem những cảnh thảm họa mà còn thấy chậm rãi hơn những cảnh đánh nhau cãi nhau ở đầu phim. Cũng khó thể trách đạo diễn trong việc dùng các cảnh cliché như hy sinh cứu người, tưởng sống cuối cùng lại chết, tưởng chết cuối cùng lại sống,... để câu khách, vì thực ra ở dòng phim thảm họa này tôi chưa thấy (chưa biết thì đúng hơn) phim nào thoát khỏi dạng pure action hoặc melodrama để vươn lên thành epic-movie thực sự, nhưng "tận dụng" quá đáng như trong Haeundae thì quả thực không nên-hay đạo diễn sợ không đủ tiền để làm các pha kĩ xảo hành động cho ra trò nên đành phải dùng cliché để "lấp chỗ trống"?

So với một phim Hàn Quốc khác tôi xem gần đây là Speedy Scandal thì Haeundae không hay bằng (mặc dù so sánh thế này hơi khập khiễng vì hai phim khác thể loại), tuy nhiên nó cũng đáng cho fan phim Hàn xem vì phim ... rất Hàn, như đã nói ở trên. Hình như điện ảnh Hàn Quốc đang đi xuống về mặt phim dành cho khán giả đại chúng? Hai sở trường của phim Hàn là sến và hài lâu lắm rồi chưa thấy có phim nào gọi là tầm cỡ như thời đầu thập niên 2000 nữa.

samedi 24 octobre 2009

Låt den rätte komma in (2008)


Tên tiếng Anh của phim này được dịch nguyên nghĩa, Let the Right One In, không hiểu sao ở Pháp phim lại được dịch thành Morse (mật mã Morse). Låt den rätte komma in là một phim xuất sắc của cả ba thể loại, phim cho tuổi mới lớn, phim ma cà rồng (vampire) và phim tình cảm, xuất sắc thực sự chứ không phải "xuất sắc" theo kiểu chick flick như Twilight (ở Pháp cũng phát điên vì cái tiểu thuyết/phim này, thật không thể hiểu nổi?!). Låt den rätte komma in kể về tình bạn (và hơn tình bạn một chút) giữa Oskar, một cậu bé Thụy Điển tóc vàng 12 tuổi và Eli, một con ma cà rồng cũng 12 tuổi (nhưng đã từ lâu lắm rồi). (spoiled!) Trong truyện thì Eli được mô tả như một cậu bé bị "thiến" và dần biến thành con gái vì bị "thiến", còn trong phim thì Eli thực sự là một cô bé dù đạo diễn vẫn để ngỏ đôi chút hint về giới tính nhì nhằng của Eli thông qua mẩu đối thoại: "Oskar, I'm not a girl". Thật mừng vì đạo diễn đã "cho" Eli được làm bé gái ở ngay đầu phim, điều này giúp phim giảm được một tuyến tình tiết khó xử lý, qua đó trở nên đơn giản hơn với người xem và cũng giúp đạo diễn rảnh tay hơn để tập trung vào cốt truyện chính - tình cảm mới lớn của Oskar dành cho Eli. Đọc wiki thấy đạo diễn còn bỏ đi khá nhiều tuyến tình tiết khác như việc ông lão Håkan "đệ tử ruột" của Eli thực tế là một gã pédophile, dường như tiểu thuyết này thuộc dạng tiểu thuyết rùng rợn-ma cà rồng thực sự với nội dung dầy dặn, phức tạp, nhiều lớp nghĩa. May là đạo diễn của Låt den rätte komma in đã không tham lam giải quyết hết những nội dung đó mà chỉ tập trung vào một nội dung chính duy nhất, nhất nghệ tinh, nhất thân vinh có khác, phim đã rất thành công (end spoiled). Thường các bộ phim về ma cà rồng hay xoáy sâu vào cái dilemma của các con ma cà rồng, đó là muốn sống như một con người nhưng lại không thể sống như một con người - để tồn tại nó vẫn phải đi giết và hút máu người, vẫn phải lẩn tránh ánh sáng và đặc biệt, vẫn phải bất tử vì ai đã dính chút máu ma cà rồng vào người thì người đó sẽ forever young trừ phi bị kẻ khác giết chết. Eli là một con ma cà rồng như thế, cô bé sống cô độc giữa thế giới loài người ở cái xứ Thụy Điển quanh năm tuyết trắng, người thân thiết nhất của cô là lão già Håkan, một con ma cà rồng "già", hậu đậu tới mức không thể giết nổi nạn nhân để lấy máu về cho Eli, nhưng cũng lại thương yêu cô tới mức vẫn cố đi tìm nạn nhân mới bất chấp việc lão có thể bị lộ, bị bắt, bị giết. Nhưng rồi cuối cùng Håkan cũng chết, chết vì một "tai nạn nghề nghiệp", Eli thực sự trở thành con ma cà rồng cô độc trong bóng đêm, giữa màu trắng tĩnh lặng và lạnh lùng của mùa đông Thụy Điển.

Ở căn hộ chung cư bên cạnh của Eli, Oskar là một cậu bé hoàn toàn bình thường, cậu sống trong nửa thế giới loài người mà Eli không có cơ hội sống, nhưng Oskar cũng lại là một cậu bé cô độc. Bố mẹ cậu bé ly dị, và chẳng ai trong số họ gần gũi với cậu (dù đều rất yêu thương Oskar) để biết rằng con mình ở trường chỉ là một thằng bé nhút nhát, bị bạn bè bắt nạt bằng những biện pháp tàn nhẫn và phi trẻ em nhất. Vốn nhút nhát, Oskar chỉ có thể trút giận bằng những nhát dao đâm lên thân cây hoặc đâm vào bóng đêm khi cậu chỉ có một mình, và một trong những lần ấy cậu đã gặp người duy nhất, à không, sinh vật duy nhất, biết đồng cảm với mình, Eli.

Thực sự về mặt nội dung, Låt den rätte komma in cũng không hẳn đã ở tầm đột phá vượt bậc vì nó vẫn xoay quanh những dilemma thường thấy của những con ma cà rồng, cái chính là cách đạo diễn lồng ghép cái dilemma ấy vào tình cảm trong sáng, ngây thơ của cậu bé Oskar đã làm người xem rất xúc động (phim này chắc sẽ mua được khối nước mắt của chị em - một date movie cực kì hiệu nghiệm cho các anh em). Phim có rất nhiều mẩu đối thoại trong sáng, đầy tình cảm giữa Oskar và Eli: "When's your birthday?" - "I don't know" ... "Then you don't get any birthday presents, do you?" - "No" - "You can have it, if you want." hay "Do you want to be my girlfriend?" - "Oskar... I'm not a girl" - "But do you want to go steady or not?" ... "Do you want anything special when we go steady?" - "No" - "Then everything's the same, isn't it?" - "Yeah" - "Then we'll go steady." Xem đến đoạn này tự dưng tôi nhớ đến Chó hoang Đin-gô hay Câu chuyện mối tình đầu, cũng là những cô bé, cậu bé bước sang tuổi dậy thì với những cách bày tỏ tình cảm mà không người lớn nào có thể nghĩ ra như nằm phơi nắng để in dòng chữ thổ lộ lên giữa ngực. Tình cảm nồng ấm giữa một con người và một con ma cà rồng trong Låt den rätte komma in còn nổi bật hơn khi nó được đặt trong một bối cảnh lạnh lẽo phương Bắc, lạnh từ ngoài thiên nhiên tới vào trong sâu thẳm tâm hồn mỗi con người, thậm chí những con người lạnh lẽo, tàn nhẫn nhất của phim lại chính là những đứa bé học cùng trường, ngồi cùng lớp với Oskar, những đứa bé lạnh lùng, tàn bạo tới mức không một người xem nào có thể ngăn sự thỏa mãn khi thấy Oskar giáng cho thằng bé cùng lớp một gậy vào đầu. Thực sự phải rơi vào hoàn cảnh cô đơn mới cảm nhận được hết niềm vui, niềm hy vọng của Oskar khi tìm thấy một nơi chia sẻ, một chỗ dựa như Eli. Cậu "hỏi ý kiến" Eli xem cô bé có muốn làm bạn gái mình không, nhưng có lẽ Oskar coi Eli còn lớn hơn một người bạn gái đầu đời nhiều, vì chỉ có bên cạnh Eli (một con ma cà rồng), cậu mới không cảm thấy cô độc giữa thế giới loài người, mới cảm thấy ánh lên chút niềm vui mà lẽ ra một đứa trẻ ở cái tuổi 12 như cậu phải tràn đầy. Còn Eli, mấy trăm năm (có lẽ vậy) lăn lộn trong bóng đêm tìm máu tươi cùng bản năng sát thủ của một con ma cà rồng đã khiến cô bé luyện được cho mình khả năng che dấu tình cảm (Lina Leadersson diễn tuyệt vời!) phía sau gương mặt nhỏ nhắn, xinh xắn nhưng lạnh lùng (và tàn bạo khi cần thiết), ấy thế mà cô bé cũng không thể ngăn nổi mình ôm chặt lấy Oskar sau khi cậu cứu sống cô bé, chắc Eli cũng cảm nhận được rằng hai người, bất chấp cái xuất thân dị biệt từ hai nửa thế giới, là bạn đồng hành duy nhất của nhau trong cuộc đời. Tình cảm đẹp ấy giữa Oskar và Eli được nối dài bằng những cú gõ morse qua tường nhà và kết thúc bằng một nụ hôn lạ lùng đến khó tin khi Eli đặt môi mình lên môi Oskar khi miệng cô bé vẫn còn vương vãi máu từ vụ tấn công liền trước đó.

Mặc dù phim dành chủ yếu thời gian cho 2 nhân vật chính là Eli và Oskar nhưng tuyến nhân vật phụ của phim cũng có nhiều nhân vật rất đáng chú ý. Đó là lão già Håkan hậu đậu, bất tài nhưng ánh mắt luôn tràn đầy sự quan tâm, hy sinh đối với Eli, đó là Virginia, người phụ nữ nhỡ bị Eli cắn nhưng không chết để rồi phải đau khổ với quyết định sống hay chết trong thân xác một con ma cà rồng, đó còn là Lacke, gã đàn ông cục mịch thô thiển nhưng trong giờ phút khó khăn lại bộc lộ tình yêu chân thành sâu sắc với Virginia. Hình như các nhân vật của Låt den rätte komma in càng xấu xí, nhút nhát bên ngoài bao nhiêu thì tâm hồn họ càng đẹp đẽ, dũng cảm bấy nhiêu?

Nội dung đẹp của Låt den rätte komma in được thể hiện qua những hình ảnh cũng cực kì stylish. Bối cảnh tuyết trắng mênh mông cùng cách xử lý đặc biệt, gothic của phim khiến tôi nghĩ đến Lady Vengeance của Park Chan-Wook, nhưng nếu Lady Vengeance còn có chút gì đó hơi baroque thì gam màu của Låt den rätte komma in hoàn toàn u tối, lạnh lẽo theo kiểu gothic (chắc fan gothic rock sẽ rất thích phần hình ảnh của phim này). Tuy không phải phim Mỹ nhưng phần kĩ xảo của phim được làm xuất sắc, không phải xuất sắc về độ tinh xảo mà xuất sắc vì cách đạo diễn đưa các cảnh kĩ xảo vào phim, ít nhưng cực kì tự nhiên, chân thật và không làm nhạt đi một chút nào vẻ gần gũi với thực tế của toàn bộ tác phẩm. Yếu tố "tuyết trắng" cũng được đạo diễn sử dụng tài tình và làm toát lên được sự lạnh lẽo về thiên nhiên, về tình người ở xứ sở phương Bắc, theo tôi thì yếu tố tuyết trong Låt den rätte komma in có thể coi như sự kết hợp của yếu tố tuyết-tàn bạo, dữ dội trong Frozen River và yếu tố tuyết-nồng ấm, lãng mạn trong Eternal Sunshine of the Spotless Mind.

Với những phim mà ngay từ đầu đã ẩn chứa những mầm mống bi kịch thế này, người ta thường trông đợi một cái kết phim bi thương (hay bi tráng). Vậy mà tôi vẫn hoàn toàn bất ngờ với cách kết Låt den rätte komma in của đạo diễn (và tiểu thuyết?), một phần kết máu me nhưng sáng tạo tới khó tin (và đương nhiên, rất stylish). Phần kết của phim xứng đáng là mảnh ghép cuối cùng hoàn hảo cho Låt den rätte komma in -món quà điện ảnh đến từ xứ lạ.

Quentin Tarantino’s Favorite 20 Films Since 1992


Xuất thân từ nghề ... cho thuê băng đĩa nên Quentin Tarantino không chỉ nổi tiếng làm phim hay mà còn là một người hâm mộ phim ảnh (tiếng Pháp: cinéphile) thực sự. Quentin bỏ học từ rất sớm, hầu như không được đào tạo gì về điện ảnh nên toàn bộ những kiến thức và kĩ năng làm phim, viết kịch bản ông đều tự học thông qua chính những bộ phim mình yêu thích. Xem Quentin trả lời phỏng vấn trên DVD hoặc trên báo thì cứ gọi là há hốc mồm vì kiến thức sâu rộng của ông về những thể loại điện ảnh kén người xem (cult film), cái danh sách dưới đây của Quentin (20 phim hay nhất kể từ năm 1992) cũng chứng tỏ điều ấy:

01. Battle Royale (Kinji Fukasaku, 2000)*****
Đây là phim được Quentin xếp thứ 1 không phải bàn cãi, 19 phim còn lại đều xếp sau vì thế 19 thứ hạng sau chỉ là theo thứ tự ABC.



02. Anything Else (Woody Allen, 2003)
03. Audition (Takashi Miike, 1999)
04. Đao (Từ Khắc, 1995)**** - mình chả nghe ra bố Quentin nói tên phim là gì, may có tên đạo diễn Tsui Hark và remake of The One-Armed Swordsman nên còn đoán được
05. Boogie Nights (Paul Thomas Anderson, 1997)*****
06. Dazed and Confused (Richard Linklater, 1993)
07. Dogville (Lars von Trier, 2003)
08. Fight Club (David Fincher, 1999)*****
09. Friday (F. Gary Gray, 1995)
10. The Host (Bong Joon-ho, 2006)****
11. The Insider (Michael Mann, 1999)***
12. Joint Security Area (Park Chan-wook, 2000)***
13. Lost in Translation (Sofia Coppola, 2003)***
14. The Matrix (anh em Wachowski, 1999) *****- phim này theo Quentin là lẽ ra xếp thứ 2 nhưng bị 2 phần sau kéo xuống
15. Memories of Murder (Bong Joon-ho, 2003)****
16. Câu chuyện cảnh sát 3 (Đường Quý Lễ, 1992)****
17. Shaun of the Dead (Edgar Wright, 2004)****
18. Speed (Jan de Bont, 1994)***
19. Team America: World Police (Trey Parker, 2004)
20. Unbreakable (M. Night Shyamalan, 2000) - ông giời Quentin chắc không nhớ ra tên đạo diễn nên cứ Shamalamadingdong.

(*,**,***,****,****: My rating, đương nhiên là chỉ cho những phim xem rồi)


Clip của Tarantino ở phía dưới quay đúng đoạn đâm xe mình thích trong Death Proof.

mercredi 21 octobre 2009

Kim ngọc mãn đường (1995)


Lại một phim nữa bị lừa vì tin lời quảng cáo trên bìa đĩa! Phim này trên DVD ghi rất oai phong, của Từ Khắc (tác giả Hoàng Phi Hồng), với sự tham gia của Trương Quốc Vinh, Viên Vịnh Nghi, Triệu Văn Trác, tiếp nối phong cách phim ẩm thực của Nam nữ ẩm thực (Eat Drink Man Woman, 1994 của Lý An), thật quá sức khoác lác! Hóa ra đây chỉ là một phim "cúng cụ", nói đúng hơn là phim làm vào dịp năm mới, những phim Hồng Kông làm vào dịp này thường không chú ý lắm tới chất lượng nội dung, chủ yếu là gây cười cho khán giả, happy ending, nhiều sao, hình ảnh đẹp đẽ tươi sáng.

Kim ngọc mãn đường có nội dung rất đơn giản, ngắn gọn trong một câu là cuộc đua tài của hai đầu bếp trong việc thực hiện Mãn Hán toàn tịch (Manchu Han Imperial Feast) - mâm tiệc huyền thoại trong lịch sử Trung Quốc. Mãn Hán toàn tịch được vua Khang Hy nghĩ ra để hòa giải sự thù địch giữa tộc Mãn và tộc Hán, vì vậy mâm tiệc này bao gồm cả những món ăn của người Hán và người Mãn dẫn tới kết quả dĩ nhiên là nó sẽ có rất, rất nhiều món ăn có nguyên liệu, cách thức chế biến, mùi vị và cách thưởng thức hoàn toàn khác nhau. Ba món trụ cột của mâm Mãn Hán toàn tịch (kéo dài 3 ngày) là tay gấu, thịt voi (thịt voi thật chứ không phải cà muối Việt Nam) và óc khỉ. Thực tế thì một mâm Mãn Hán toàn tịch chính hiệu (đã thất truyền, vì chẳng ai còn đủ tiền và quyền lực để huy động nhân lực làm tiệc lớn như vậy) có tới 108 món khác nhau và nếu muốn làm cho đủ chắc phải kéo dài Kim ngọc mãn đường thành phim truyền hình dạng Người giàu cũng khóc mất. Là phim ẩm thực, tất nhiên những cảnh biểu diễn nấu ăn trong phim là hấp dẫn nhất, đảm bảo người xem nào cũng phải chảy nước bọt trước hình ảnh những món dù là nhỏ và đơn giản nhất do các đầu bếp trong phim chế biến. Nhưng Kim ngọc mãn đường chỉ có vậy, nội dung phim rất rời rạc, các nhân vật thì mặc dù cư xử rất khác thường nhưng vẫn mờ nhạt, người ta chẳng còn nhận ra một Trương Quốc Vinh tài năng của phim Vương Gia Vệ, một Viên Vịnh Nghi xinh đẹp nhưng không hề kém uy lực khi diễn xuất, cả Trương và Viên trong phim đều chỉ có nhiệm vụ duy nhất là diễn những cảnh hài nhảm nhí để "câu" nụ cười của khán giả. Triệu Văn Trác, độc thủ đại hiệp của Từ Khắc trong bộ phim kiếm hiệp xuất sắc Đao, còn phải nhận một vai nhạt nhẽo hơn khi mà tuy thời gian xuất hiện trên hình khá nhiều nhưng người ta thậm chí còn không thể nhận ra vai diễn của anh là vai chính, vai phụ hay vai khách mời (cameo). Nếu so sánh với một phim hài ẩm thực khác (cũng thuộc dạng cúng cụ!) là Thần ăn của Châu Tinh Trì thì Kim ngọc mãn đường tuy có những cảnh nấu ăn "hoành tráng" hơn nhưng nội dung thì kém rất xa, kém cả về độ sâu sắc lẫn khả năng gây cười. Và đương nhiên là Kim ngọc mãn đường chẳng có "cửa" nào để mà so sánh với Ẩm thực nam nữ cực kỳ xuất sắc của Lý An.

Thôi thì dù sao giải trí có nhiều loại, và Kim ngọc mãn đường cũng xứng đáng là một bộ phim thích hợp để người ta xem trước bữa ăn, lấy hình ảnh tay gấu, thịt voi để tạo khẩu vị khi ăn cũng hẳn không phải một cách tồi.

The Score (2001)


Phim này dại dột xem theo lời gợi ý chân thành của BV, đúng từ là "dại dột" vì phim quá chán so với dàn diễn viên sáng chói của nó.

Nội dung phim khá đơn giản, Nick Wells (Robert De Niro), chuyên gia "đột vòm" trong một phi vụ làm ăn tình cờ chứng kiến cảnh thân mật của một cặp tình nhân trẻ, Wells chợt nhận ra mình đã già, cô độc và thèm muốn có một gia đình thực sự với Diane (Angela Bassett), cô bạn gái nhất quyết bắt Wells phải bỏ nghề rồi mới tính chuyện lâu dài. Quyết tâm đánh một mẻ lớn cuối cùng (take the last big shot), Wells được ông bạn làm ăn Max (Marlon Brando) gợi ý một "mối" có vẻ dễ dàng so với tay nghề của mình, đó là đánh cắp một chiếc quyền trượng của Hoàng gia Pháp có giá hàng chục triệu USD nay nằm trong kho của Hải quan Canada tại Montréal. Nói là dễ dàng vì Max đã có tay trong ở Hải quan Canada, Jack (Edward Norton), một thanh niên trẻ có vẻ ngoài thư sinh nhưng cực kì lạnh lùng, quyết đoán và tất nhiên, thông minh. Bằng cách giả làm người bị thiểu năng, Jack đã trà trộn được vào đội ngũ quét dọn ban đêm của Hải quan Canada và tìm hiểu được tường tận mọi đường ra lối vào của khu nhà kho kiên cố dưới lòng đất này. Là một phim heist (trộm cướp) truyền thống, gần như toàn bộ thời gian của The Score được dành cho công đoạn chuẩn bị và thực hiện vụ đánh cắp chiếc quyền trượng, phim không có đột phá gì mới kể cả về nội dung và cách thực hiện, vẫn chỉ là những trick đã từng được dùng trong Mission Impossible hay một loạt motive đã được dùng mòn trong Ronin hay Heat (last big shot), cả hai phim sau De Niro đều đóng chính. Twist của The Score cũng phải nói là quá dễ đoán và làm người xem hơi hẫng hụt vì đã không khai thác được hết (undermine) đầu óc (có vẻ thông minh) của Jack và thậm chí còn khiến phim mất sự nhất quán vì ở khi xuất hiện đầu phim Jack tỏ ra cực kì ma mãnh, giả làm người thiểu năng giống hệt người thiểu năng thật (mà như lời Roger Ebert bình thì thậm chí Sean Penn trong I am Sam cũng không thể làm tốt hơn Norton trong The Score được), ấy vậy mà càng về sau Jack lại càng biến thành một gã thanh niên nông nổi, máu mê chiến thắng và tiền tài tới mức lú lẫn. Thực tế thì Frank Oz đã undermine cả ba diễn viên chính, vốn đều là những ngôi sao có tài năng diễn xuất thực sự và đều đã có những vai diễn thành công khá giống với nhân vật trong The Score - De Niro có vai trong Heat thậm chí là Brazil, còn Norton có vai trong Primal Fear. Kết quả là ba cái tên xuất sắc De Niro, Brando (vai diễn cuối cùng trong sự nghiệp của ông!) và Norton bị biến thành ba cái "máy đọc thoại" với những câu thoại nhạt "như lấy ra từ danh bạ điện thoại", trừ một số câu đối thoại khá "đời" và sâu sắc giữa Jack và Nick, người xem không được "sướng óc" nhiều trong phim vì sự thiếu vắng của các đoạn thoại tinh tế. Về mặt kĩ thuật thì tất nhiên, The Score không thể tạo ra đột biến gì mới nếu chỉ dừng lại ở công thức phim heist kiểu truyền thống, đơn giản vì khán giả năm 2009 sẽ thấy "nực cười" trước những công nghệ "vớ vẩn" mà Nick và Jack sử dụng ở năm 2001, quả thực công nghệ ngày nay tiến với tốc độ quá nhanh mà nếu đạo diễn chỉ chạy theo công nghệ thời thượng thì chẳng chóng thì chầy (dưới 5 năm) phim của ông ta sẽ lạc hậu.

Phải nói thêm là tôi chê nhiều như vậy cũng chỉ vì hy vọng hơi nhiều vào 3 cái tên mình yêu thích cũng như cái trailer đặc sắc của phim (dạo này mình rất hay bị lừa vì trailer). Chứ thực ra The Score cũng là một phim giải trí xem được nhờ vào các pha hành động được biên tập gọn, nội dung phim khá căng thẳng cộng thêm sự hấp dẫn không bao giờ cũ của dòng phim heist. Giá mà twist phim khó đoán hơn thì phim sẽ hay hơn, nhưng không có nó thì The Score cũng đủ để làm hài lòng cho những người hâm mộ phim hành động.

samedi 17 octobre 2009

Đẳng cấp


Poster phim Les anges exterminateurs của Jean-Claude Brisseau, đạo diễn tiên phong của trào lưu Nouvel extrémisme (Chủ nghĩa cực đoan kiểu mới) của Pháp. Tất nhiên không liên quan đến nội dung entry!

Nãy nói chuyện với BV, tự dưng so sánh Leonardo DiCaprio và Orlando Bloom. BV: "Sao cùng 2 năm một phim mà Bloom lởm thế nhỉ?"

Và lập tức mình đã nghĩ ra so sánh sau:
* Orlando Bloom => Miranda Kerr => 81-61-86

* Leonardo DiCaprio => Gisele Bündchen => 89-67-91
* (Vẫn) Leonardo DiCaprio => Bar Refaeli => 89-60-89

Đẳng cấp nó đã khác hẳn, bảo sao!

BV bỗng hỏi tiếp: "Thế còn Nicholson (thần tượng của mình) thì sao"

Và chợt nhớ ra my dear Jack từng tự hào vì đã ngủ với hơn 1.000 phụ nữ!.

Đúng là từ đề cử Oscar đến 3 giải Oscar nó lại là một đẳng cấp khác nữa!

vendredi 16 octobre 2009

The Taking of Pelham 123 (2009)


Dán mác Tony Scott, The Taking of Pelham 123 đương nhiên là một phim hành động kiểu truyền thống - thể loại sở trường của Scott. Phim có sự góp mặt của hai "ông lớn" còn sót lại của dòng phim này từ thập niên 1990, đó là John Travolta, hiển nhiên chuyên đóng vai ác, và Denzel Washington-"khách quen" của Tony Scott, hiển nhiên "chuyên trị" vai chính diện. Phim của Tony Scott khó có thể liệt vào hàng hay, đột phá nhưng vẫn luôn lôi cuốn được khán giả nhờ cốt truyện nhanh, các cảnh hành động dứt khoát, không có quá nhiều pha cliché, lạm dụng kĩ xảo hoặc pha trò rẻ tiền như phim của Michael Bay. The Taking of Pelham 123 cũng không thiếu những ưu điểm trên, cũng có nghĩa là nó vẫn không thoát ra được khỏi khuôn mẫu của dòng phim hành động cổ điển. Thậm chí nếu so sánh với phim hành động liền trước đó của Scott là Déjà Vu thì The Taking of Pelham 123 còn không thông minh và có cốt truyện lắt léo bằng. Denzel Washington vào vai Garber, một nhà quản lý hệ thống giao thông công cộng ở New York (NTA) bị "đày" xuống ngồi bàn điều khiển hệ thống tàu điện New York do dính vào một vụ nghi hối lộ. Vào một ngày "xấu trời", Garber gặp phải một vụ bắt giữ con tin xảy ra trên chuyến tàu số 123 chạy qua bến Pelham, âm mưu này do Ryder (John Travolta), một tay tội phạm tinh quái và am hiểu thành phố New York, sắp đặt. Có cảm tình với Garber, Ryder chọn anh làm người thương thuyết duy nhất với yêu cầu chính quyền thành phố rút 10 triệu USD để đổi lấy tính mạng của 17 con tin. Theo "thông lệ đòi tiền chuộc", sau 1 tiếng mà tiền chưa tới nơi thì cứ một phút muộn,, Ryder sẽ giết một con tin.

The Taking of Pelham 123 khá giống với Inside Man về mặt cốt truyện và nhân vật, Washington vẫn là người đàm phán của Clive Owen thông minh được thay thế bằng Travolta còn tinh quái và máu lạnh hơn nhiều lần. Tuy nhiên cần phải nói lại một lần nữa rằng The Taking of Pelham 123 có kịch bản hơi yếu, thiếu thông minh, phim có rất nhiều chi tiết vụn mà lúc giới thiệu thì tôi tưởng sẽ ảnh hưởng lớn tới diễn biến phim, cuối cùng hóa ra lại chỉ là những chi tiết cliché nhỏ nhặt (cái máy tính mở của cậu thanh niên trên tàu, Garber ngắm NYC từ trên không trung - trademark của Tony Scott!) hoặc thậm chí còn không được sử dụng tới nơi tới chốn (thị trưởng NYC phát hiện ra bộ mặt thật của Ryder). Phim vì thế mà tuy xem khá nhanh, hấp dẫn, không bị buồn ngủ (thương hiệu của Scott, đương nhiên) nhưng lại "nhạt", không có cao trào kịch tính vả rời rạc, đặc biệt là ở những phút cuối. Điểm kéo lại duy nhất cho bộ phim là hai ngôi sao chính, đây đều là những vai "thuộc làu làu" của Travolta và Washington và cả hai đã không làm người xem thất vọng, họ diễn rất có uy lực và cuốn hút khán giả, đặc biệt là đoạn phim stand-off ở cuối phim giữa Garber và Ryder khi Travolta thể hiện xuất thần sự bất cần pha chút đau đớn của Ryder trong khi Washington cũng thành công không kém trong việc bộc lộ tâm trạng do dự của một người chưa từng cầm súng giết người. Nhìn chung như mọi phim khác của Scott (trừ Man on Fire hay Enemy of the state), The Taking off Pelham 123 chỉ đủ để người xem giải trí trong chốc lát rồi lại lãng quên.

jeudi 15 octobre 2009

Happy Birthday (2007)

Lâu lắm rồi, hình như kể từ Only Love (?), mới lại xem phim tình cảm của Hồng Kông, Happy Birthday (生日快樂, Sinh nhật khoái lạc). Mặc dù là phim Hồng Kông nhưng Happy Birthday được làm theo phong cách không khác gì phim sến Hàn Quốc - một đôi yêu nhau, chia tay, yêu nhau, rồi lại chia tay, rồi lại yêu nhau,... Nội dung phim không có gì đặc sắc hoặc mới mẻ so với các phim tình cảm ướt át của Hàn Quốc, Nam (Cổ Thiên Lạc) là một hotboy được nhiều bạn gái hâm mộ, tuy nhiên anh lại chỉ dành tình cảm cho Tiểu Mai (Lưu Nhược Anh, nghe đọc giọng Quảng Đông chả khác gì "xíu mại"), một cô gái rụt rè, trầm lắng và luôn ẩn giấu nỗi lo sợ mất đi những người thân thiết. Nỗi mặc cảm về sự chênh lệch tài, sắc và quá khứ đau buồn (mẹ bỏ đi) khiến Tiểu Mai không thể cởi lòng để yêu Nam, cô bắt anh chỉ được coi quan hệ giữa hai người là "bạn tốt" (bạn tốt nhưng vẫn ngủ với nhau như thường!) và tìm mọi cách để kìm nén tình cảm của mình với Nam. Nam cũng chẳng khá hơn, tuy hết lòng yêu Tiểu Mai nhưng anh không thể nào phá vỡ nổi bức tường ngăn cách giữa hai người ("Love, only love, can break out the walls someday" - Scorpions, Still Loving You), một phần vì sự "cứng đầu" của Tiểu Mai, và một phần cũng vì Nam dường như cũng có tâm sự gì đó giấu kín trong lòng. Mối tình không đầu, không cuối của hai người vì thế chỉ được gói gọn trong những tin nhắn và bài hát Happy Birthday mà Nam gửi tặng Tiểu Mai mỗi lần sinh nhật.

Ngoài việc nội dung không có gì đột phá, Happy Birthday còn có một điểm trừ khác là sử dụng quá nhiều cliché của phim sến Hàn Quốc (kể cả về chi tiết và cách kết phim). Diễn xuất của Cổ Thiên Lạc chỉ ở mức tạm được, Lưu Nhược Anh thì khá hơn, cô diễn có hồn vai Tiểu Mai, ngoại hình mảnh mai của cô rất phù hợp với nhân vật, và có lẽ Nhược Anh cũng không lạ gì dạng vai này vì cô từng đóng rất thành công một vai (hơi) tương tự trong Thiên hạ vô tặc. Tuy nhiên cả hai vẫn bị "lỡ cỡ" trong những cảnh phim đề cập tới giai đoạn Nam và Tiểu Mai là sinh viên, dù có phục trang và cố gắng diễn đến đâu thì Cổ Thiên Lạc và Lưu Nhược Anh cũng khó mà khiến người xem thấy họ là một cặp tình nhân sinh viên được. Điểm sáng của phim có lẽ là cách diễn đạt nội dung khá dung dị, gần gũi, không bị cường điệu hóa (trừ một trường đoạn rất nhỏ trên ô tô của Tiểu Mai-mà lẽ ra không nên có) khiến người xem (hay ít ra là tôi và "bạn xem", C.Hà) cảm giác như một phần tình cảm của họ đang được Tiểu Mai, được Nam bộc lộ trên màn hình. Vì thế mà tuy nhiều cliché và thuộc dạng "kết cục đoán được" nhưng phim xem vẫn dễ chịu và để lại chút dư âm gì đó trong lòng mỗi người-trong đời ai chẳng một lần yêu và hối hận, nhưng dù thành hay bại thì kỉ niệm về tình yêu vẫn nên là chút gì đó đẹp đẽ trong kí ức chúng ta. Âu đó cũng là ý nghĩa của một bộ phim vì khán giả, thật may là Happy Birthday đã làm được.