some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

jeudi 27 août 2009

All About Eve (1950)


Giải Oscar năm 1950 chứng kiến cuộc đua giữa hai bộ phim xuất sắc, All About Eve của Joseph L. Mankiewicz và Sunset Blvd. của Billy Wilder với "phần thắng" nghiêng về All About Eve vì đây là bộ phim giành Oscar cho phim hay nhất. Trải qua hơn 50 năm, đây vẫn là hai đỉnh cao của film noir Hollywood và có vẻ Sunset Blvd. đã được xếp cao hơn All About Eve một chút, một hệ quả theo tôi là hợp lý.

Cũng giống như Sunset Blvd., All About Eve đề cập tới giới nghệ sĩ, nhưng lần này là nghệ sĩ sân khấu mặc dù những ảo ảnh phù hoa, những bi kịch, những số phận nghệ sĩ thì vẫn vậy. Nếu nói film noir thường là câu chuyện về con đường diệt vong (road to perdition) của nhân vật chính thì All About Eve là đầu con đường và Sunset Blvd. là cuối con đường hay nói cách khác All About Eve là điểm báo trước cho sự sụp đổ ở Sunset Blvd.. Nhân vật chính của All About Eve là Margo Channing (Bette Davis), một diễn viên sân khấu tài năng mà cả cuộc đời từ năm 4 tuổi đến năm 40 tuổi chỉ biết đến những vai chính ở trung tâm sân khấu cùng vô số vinh quanh, tiền bạc, và đương nhiên là sự ngưỡng mộ của vô số người. Trong số "fan hâm mộ" của bà có Eve Harrington (Anne Baxter), cô gái trẻ trung có lẽ sống duy nhất là những vở diễn của ngôi sao Margo. Cuối cùng thì Eve cũng được làm quen với Margo, cô ngay lập tức chinh phục ngôi sao lớn bằng tình yêu nghệ thuật và sự hâm mộ bà tới khó tin. Eve được Margo chọn làm trợ lý, cô làm mọi việc, lo lắng mọi thứ cho bà và khiến cuộc sống của người nghệ sĩ lớn trở nên dễ chịu "như tuần trăng mật". Nhưng rồi Margo cũng nhanh chóng nhận ra rằng tuổi trẻ của Eve chính là thứ duy nhất mà bà không thể có (lại), và đáng sợ hơn, Eve cũng dần dần chiếm chỗ của Margo cả trên sân khấu và trong đời thường.

Có thể nói nếu như Sunset Blvd. hay vì kịch bản giàu tính nghệ thuật thì All About Eve được yêu quý vì kịch bản thông minh, sáng tạo. Hiếm có bộ phim Hollywood nào xây dựng được một nhân vật phản diện (villain) đặc biệt xuất sắc như Eve Harrington, một "Iago của thời hiện đại" và là đại diện cho những gì tinh túy nhất của một tội ác kiểu phụ nữ hay mưu toan, giả tạo được ẩn dưới bộ mặt ngây thơ và giọng nói vô tội. Eve khiến người xem sợ hãi vì cô quá đời thường, và cách tiêu diệt đối thủ của "killer" này hết sức thực tế và thông minh mà người ta hoàn toàn có thể bắt gặp ngoài đời thường. Tài năng diễn xuất bẩm sinh khiến Eve sống mà như diễn, diễn mà như sống, người ta không rõ lúc nào cô diễn, và lúc nào cô sống thật? Hay phải chăng Eve chỉ là sự tổng hòa những vai diễn nhằm một mục đích cao nhất - Hào quang sân khấu? Eve làm tôi nhớ tới một trong những nhân vật tội phạm đặc sắc của Agatha Christie - Sir Charles Cartwright trong Three Act Tragedy, một người cũng không bao giờ thoát khỏi những vai diễn mình đã đóng. Anne Baxter hoàn thành vai diễn này một cách tuyệt vời, chỉ cần một vai diễn này có lẽ cũng đã đủ để Baxter không bao giờ còn bị gọi là "cháu gái của Frank Lloyd Wright". Đương nhiên Bette Davis cũng xuất sắc trong vai Margo Channing, ánh mắt dữ dội hiếm có ở Hollywood của bà biểu lộ rất đạt sự yếu đuối và sợ hãi ẩn bên trong con người mạnh mẽ của Margo khi ngôi sao cảm thấy vị trí độc tôn (mà cả đời bà đã đứng ở đó) bị đe dọa. Ngạc nhiên là trong một năm có cả Anne Baxter, Bette Davis và Gloria Swanson trên danh sách đề cử, người được trao Oscar vai nữ chính lại là một người khác, trong một vai diễn khác đã bị lãng quên từ lâu. Nhược điểm duy nhất của All About Eve theo tôi là phần kết, phần kết phim tuy rất hợp lý và thông minh nhưng lại hơi kịch và không đủ độ ép phê như phần còn lại của tác phẩm. Tất nhiên tôi cố tình "bới lỗi" vì muốn Oscar được trao cho Sunset Blvd., nhưng dù sao cũng phải thừa nhận rằng All About Eve (và Eve) hoàn toàn xứng đáng với vị trí của mình trong lịch sử điện ảnh Mỹ.

mardi 25 août 2009

Sunset Blvd. (1950)


Sunset Blvd. (Đại lộ Hoàng hôn) có lẽ là bộ phim có cái tựa vào loại buồn nhất trong lịch sử Hollywood, và nội dung phim cũng hoàn toàn tương xứng với cái tên của nó. Phim nói về một ngôi sao phim câm hết thời (Gloria Swanson), người luôn ảo tưởng sẽ được Cecil B. DeMille (đạo diễn của nhiều siêu phẩm Hollywood hoành tráng về hình ảnh nhưng nội dung tầm thường, một phong cách mà Michael Bay của Transformers đã theo đuổi từ hơn chục năm nay) mời vào những bộ phim kinh phí lớn để có thể trở lại với trường quay, trở lại với vị thế một ngôi sao được cả triệu người hâm mộ. Sự thực khắc nghiệt hơn nhiều, giới điện ảnh coi bà chỉ là thứ đồ cổ thuộc về quá khứ từ "cả nghìn năm trước", hâm mộ bà có lẽ chỉ còn người quản gia trung thành và một anh chàng biên kịch thất nghiệp, "người yêu" của bà mặc dù thực tế thì anh ta ở bên cạnh bà vì tiền và trên hết là vì sự thương cảm đối với người phụ nữ 50 tuổi nhưng chưa bao giờ lớn quá tuổi 25. Cả bộ phim là một vở bi kịch lớn, bi kịch của ngôi sao phim câm - một ngọn lửa đã tàn và không bao giờ còn có thể bùng cháy, bi kịch của một chàng thanh niên phải đứng trước lựa chọn giữa tình yêu với cô gái 22 tuổi hay tình thương đối với bà cô 50 tuổi, bi kịch của những con người bị công nghiệp điện ảnh bỏ rơi bất chấp việc họ cống hiến toàn bộ trí óc, sức lực, tuổi trẻ và cả cuộc đời cho nó (chưa kể khuôn mặt và thân thể cho giải phẫu thẩm mỹ để làm vừa mắt các đạo diễn). Từng câu thoại, từng ánh mắt của người phụ nữ già thể hiện sự mù quáng của bà trước thực tại (thứ mà chính bà đã rời bỏ từ nhiều năm, thậm chí trong dinh thự rộng mênh mông của ngôi sao còn không có lấy một quyển lịch, một chiếc đồng hồ) nhưng cũng đem lại cho người xem sự chua xót khi phải chứng kiến con người từng đứng giữa hào quang ấy đi tới chỗ diệt vong (road to perdition). Những con người xung quanh bà cũng không khá hơn, họ, một già một trẻ, cũng chẳng thể kéo bà trở lại với cuộc đời, họ thậm chí còn chẳng thể thoát ra khỏi vòng xoáy quá khứ và căn nhà rộng lớn nhưng chẳng khác gì một nhà tù của ngôi sao, Ngay cả anh chàng biên kịch chỉ vừa hết tuổi thanh niên cũng phải thốt lên với cô gái trẻ: "Smart girl. Nothing like being 22!" cứ như thể anh ta cũng đã trở thành một "waxwork" của bà diễn viên già, và sự thực thì anh ta cũng đã dần biến thành một "dim figure" trong căn nhà của bà.

Để làm nổi bật cái bi kịch con người ấy, không gì phù hợp hơn ngoài phong cách quay và bố trí ánh sáng theo kiểu Citizen Kane của Orson Welles, bộ phim đầu tiên và cũng là xuất sắc nhất trong dòng phim "road to perdition" của những con người từng tắm trong danh vọng. Những cảnh quay trong căn biệt thự của ngôi sao già làm người xem nhớ ngay tới dinh thự Xanadu to lớn, lạnh lẽo của nhà tỷ phú cô độc Charles Foster Kane, cả hai bối cảnh rộng lớn đều chỉ làm chủ nhân của nó trở nên nhỏ bé hơn, cô đơn hơn và đau đớn hơn trong cái bi kịch do chính họ tạo ra. Theo đúng phong cách của Billy Wilder, thoại của Sunset Blvd. cũng thông minh, ấn tượng và tất nhiên, buồn trong đó có những câu đã trở thành kinh điển như "I am big. It's the pictures that got small" hay "I hate that word (comeback)! It's a return!". Thật trùng hợp là bộ phim đánh bại Sunset Blvd. ở giải Oscar năm 1950, All About Eve, cũng là một phim buồn về đề tài giới giải trí Mỹ, người thủ vai chính của All About Eve là Bette Davis, một trong những huyền thoại lớn nhất của Hollywood thời kì hoàng kim, bà cũng có cặp mắt lớn và cách diễn bùng nổ cực kì hợp với vai ngôi sao phim câm của Sunset Blvd., tuy nhiên khó có thể tưởng tượng được rằng bộ phim của Billy Wilder sẽ thành công trọn vẹn nếu thiếu diễn xuất xuất thần, vừa buồn bã, vừa cuồng loạn của Gloria Swanson, người đã biến cặp mắt mở to của ngôi sao phim câm trở thành biểu tượng của những bi kịch Hollywood trong suốt nửa thế kỉ sau đó. Thập niên 1980 ở Pháp thịnh hành bài hát Magic Boulevard (một bài hát hoàn toàn tiếng Pháp nhưng lại có tựa tiếng Anh) nói về một cô gái nhân viên rạp chiếu phim, người luôn tưởng tưởng ra mình trong vai diễn của những ngôi sao lớn để rồi nhận ra rằng cô mãi luôn là cô gái cô đơn giữa biển khán giả tới rạp, những người đã và sẽ không bao giờ biết tới cô. Tương tự đa số những bài hát Pháp khác, Magic Boulevard là một bản nhạc buồn, rất buồn, và có lẽ nó xứng đáng là sự tưởng nhớ cho Sunset Blvd., bộ phim, hay đúng hơn là bi kịch mãi mãi của Hollywood.

The Apartment (1960)


The Apartment là tác phẩm xuất sắc cuối cùng của Billy Wilder, đạo diễn bắt đầu sự nghiệp bằng những bộ phim đen (film noir) như Double Indemnity, chuyển tiếp bằng những phim tâm lý buồn bã như Sunset Blvd. và kết thúc bằng những bộ phim hài như Some Like It Hot. The Apartment thuộc dòng phim hài tình cảm "cho người lớn" với hai nhân vật chính là một nhân viên bảo hiềm quèn (Jack Lemmon) chuyên bị bạn bè mượn căn hộ để "chim chuột" và một cô nhân viên gác thang máy (Shirley MacLaine) chuyên "yêu nhầm" phải những gã đàn ông không phù hợp. Anh nhân viên bảo hiểm yêu cô gái giữ thang máy, nhưng rắc rối nằm ở chỗ gã đàn ông mà cô đang "yêu nhầm" lại là sếp của chính anh, người giữ quyền sinh sát của toàn bộ công ty và cũng là một trong những người mượn căn hộ của anh để "chim chuột" với lời hứa nếu mọi chuyện suôn sẻ sẽ để anh lên chức. Liệu anh nhân viên quèn sẽ chọn tình yêu hay sự nghiệp? Câu trả lời "như phim" sẽ nằm ở vế đầu tiên, nhưng nếu Wilder trả lời như vậy thì hẳn The Apartment sẽ không bao giờ trở thành một phim hài kinh điển của Hollywood.

The Apartment ở Pháp được dịch rất hay thành La garçonnière, garçonnière trong tiếng Pháp vừa để chỉ căn phòng nhỏ cho một người vừa để chỉ người con gái có phong cách như con trai, ở đây là cô gác thang máy Fran Kubelik. Trong giai đoạn chuyển giao giữa thời kì hoàng kim của Hollywood thập niên 1940 với thế hệ New Hollywood thập niên 1970, có lẽ khó có thể tìm một ai khác hợp cho vai Fran Kubelik hơn Shirley MacLaine. MacLaine có mái tóc ngắn ép sát và cặp mắt sáng thông minh, những yếu tố giúp cô (và sau này là bà) đóng rất ngọt những vai phụ nữ cá tính ("như con trai"), MacLaine của The Apartment rất xinh và đóng tuyệt vời trong vai một cô gái đầy mâu thuẫn, người luôn tỏ ra thản nhiên với những mối tình đổ vỡ nhưng cũng lại ẩn giấu trong mình những vết thương lòng đau đớn. Tôi biết tới MacLaine lần đầu qua Terms of Endearment, bộ phim giúp bà có được giải Oscar duy nhất, MacLaine của năm 1983 vẫn mạnh mẽ, sắc sảo nhưng giàu tình cảm như MacLaine của năm 1960, nhưng bà đã bắt đầu lộ ra những nét khắc khổ của tuổi già, nếu suy theo hình ảnh đó thì thật khó có thể tin được thời trẻ MacLaine lại xinh như vậy (rất nhiều nữ diễn viên tôi yêu thích vì vẻ đẹp ấn tượng thời trẻ của họ khi về già đều trở nên xấu, rất xấu, không hiểu có phải do phẫu thuật thẩm mỹ không, có thể kể tới Faye Dunaway hay Jessica Lange). Cặp đôi lệch của Miss Kubelik mà Mr. Baxter do huyền thoại hài của Hollywood là Jack Lemmon thủ vai, không hổ là diễn viên chuyên đóng hài duy nhất có tới 2 giải Oscar, Lemmon thể hiện rất thành công hình ảnh anh chàng Baxter ngố phải đứng trước lựa chọn khó khăn có lẽ là lớn nhất trong đời - Tình yêu hay địa vị? Lemmon vẫn có nhiều pha diễn hài hước trong phim, tuy nhiên ông đóng rất tự nhiên, không bị lên gân đến mức "lố" và rất phù hợp với không khí chung của The Apartment - một phim hài nhưng vẫn chứa nhiều yếu tố bi (như sự thật cuộc đời). Có lẽ vào thời điểm ra đời, The Apartment đã gây tiếng vang rất lớn vì bộ phim đề cập tới những điều kiêng kỵ (tabou) của xã hội "đứng đắn" như ngoại tình, lợi dụng vị trí để mua tình yêu, lợi dụng tình yêu để mua vị trí,... một cách hết sức thản nhiên, các nhân vật trong phim đã thoát được khỏi khuôn khổ đạo đức của típ nhân vật "người tốt" (tương đương "chỉ làm việc tốt") để hành xử rất "đời" trong những tình huống đòi hỏi lựa chọn. Phần thoại của phim phải nói là xuất sắc, tuy đâu đó vẫn còn những câu thoại cliché (khó có thể tránh khỏi vì phim ra đời từ năm 1960) nhưng nhìn chung thoại của The Apartment cực kì thông minh, hài hước và lãng mạn một cách tinh tế, đặc biệt là những mẩu đối thoại ngắn giữa Baxter và Kubelik. Sau khi xem bộ phim này, tôi không thể không nghĩ đến When Harry Met Sally... mà Rob Reiner đạo diễn vào mãi cuối thập niên 1980, hai bộ phim tình cảm hài xuất sắc này giống nhau một cách kì lạ, cùng có phần thoại thông minh hóm hỉnh, cùng có những cặp đôi lệch nhưng không thể hợp nhau hơn, cùng đề cập tới những tình huống "tưởng đã tìm được tình yêu nhưng hóa ra không phải", cùng kết phim bằng một đêm giao thừa với ca khúc đoàn tụ Auld Lang Syne. Và đương nhiên cả hai đều là những bộ phim đáng xem để biết chân trọng hơn tình bạn, tình yêu và những phút giây hạnh phúc ngắn ngủi trong cuộc đời.

lundi 17 août 2009

Mùi đu đủ xanh (1993)


Mùi đu đủ xanh (L’odeur de la papaye verte) là phim đầu tay của Trần Anh Hùng và ngay lập tức đưa anh lên hàng đạo diễn triển vọng của làng điện ảnh Pháp với giải Caméra Vàng tại Liên hoan phim Cannes (lúc đầu tôi tưởng phim này dành cho quay phim xuất sắc nhất nhưng hóa ra nó dành cho phim đầu tay, và Trần Anh Hùng cũng không phải người quay phim) và César cho phim đầu tay, chưa kể đây là đại diện của Việt Nam duy nhất cho đến nay lọt vào vòng 5 phim tranh Oscar phim nói tiếng nước ngoài.

Tuy lấy bối cảnh Việt Nam, nội dung phim Việt Nam, diễn viên Việt Nam (gốc Việt + gốc Lào + Việt “thật”) nhưng Mùi đu đủ xanh rất “Pháp” và mang ngay những “trademark” sau này của Trần Anh Hùng, đó là rất nhiều cảnh tĩnh, rất ít thoại, đề cập rất nhiều tới những giá trị gia đình và … Trần Nữ Yên Khê (thực ra Yên Khê xuất hiện ngay từ 2 phim ngắn đầu tay của Anh Hùng, trong Mùi đu đủ xanh cô còn tham gia dựng bối cảnh – “stagiaire de décorateur”). Nhân vật chính của Mùi đu đủ xanh là Mùi, hầu gái (hay như ngôn ngữ hiện đại bây giờ la “oshin”) cho một gia đình giàu có gốc Hoa bán lụa ở Sài Gòn khoảng thập niên 1950. Đi ở cho gia đình nhà chủ từ ngày còn bé, Mùi được chứng kiến những bộ mặt khác nhau của một gia đình giàu có, từ câu chuyện tình buồn của ông khách lạ với mẹ ông chủ, sự nổi loạn ẩn sau tiếng đàn của ông chủ hay tình mẫu tử thầm kín của bà chủ dành cho Mùi. 2/3 bộ phim diễn ra khi Mùi còn nhỏ, người thủ vai Mùi lúc này là một cô bé rất, rất xinh kiểu Việt Nam với khuôn mặt trái xoan, cặp mắt đen láy và mái tóc mượt, đen nhánh (kiểu tóc “Trần Anh Hùng” này cũng là “trademark” trong phim của Anh Hùng). Cô bé diễn rất đạt, những cảnh quay cận mặt (close-up) Mùi với nền là màu xanh mướt của khu vườn đu đủ có lẽ là những cảnh phim đẹp nhất và đáng nhớ nhất. Ở 1/3 sau của phim người thủ vai Mùi “lớn” là Yên Khê. Khác với “bé Mùi”, Yên Khê xinh theo “chuẩn Pháp” tức là nét mặt sắc, góc cạnh và lôi cuốn. Theo tôi thì cô diễn không tốt bằng “bé Mùi”, Yên Khê còn có nhược điểm là tiếng Việt yếu, dù phần thoại của cô rất ít nhưng cái giọng lơ lớ của cô vẫn không khỏi làm người xem Việt Nam giật mình. Trong Mùa hè chiều thẳng đứng sau này tiếng Việt của Yên Khê tốt hơn nhiều, tuy nhiên vẫn chưa đủ “tầm” để đọc thoại tiếng Việt diễn cảm như các diễn viên Việt.

Thú thực là tôi không biết mùi cây/quả đu đủ nó như thế nào, chứ “mùi” của Mùi đu đủ xanh thì rất giản dị, giản dị như bối cảnh đóng và phần thoại tối giản của phim. Tuy đây đó trong phim người xem được chứng kiến những bi kịch của gia đình, của tình yêu, nhưng những câu chuyện đó được đề cập một cách nhẹ nhàng để làm nổi lên những giá trị vững bền của tình cảm gia đình, của tình yêu thông qua con mắt của Mùi.

The Dreamers (2003)


The Dreamers là một phim hiếm hoi đề cập đến thế hệ trẻ của Pháp trong giai đoạn Mai 68 (tháng Năm năm 1968). Đây là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của nước Pháp khi mà xung đột về ý thức hệ giữa lớp sinh viên cánh tả và giới cầm quyền, đứng đầu là “thần tượng” Charles De Gaulle, thiên hữu, lên đến cực điểm. Vốn là một dân tộc “yêu” làm cách mạnh sống trong một đất nước lấy Tự do (“liberté”) làm phương châm sống đầu tiên (trong Tự do, Bình đẳng, Bác ái – Liberté, Egalité, Fraternité), người Pháp, nhất là sinh viên Pháp rất “thích” biểu tình chống đối các chính sách của chính phủ. Cộng thêm những ảnh hưởng của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc và phong trào phản chiến chống Chiến tranh Việt Nam, phong trào biểu tình của sinh viên và thanh niên Pháp lên cao vào năm 68 mà đỉnh điểm là tháng Năm – Mai 68. Nhưng cũng như nhiều cuộc “cách mạng nông nổi” khác, các cuộc biểu tình này cũng chẳng đi đến đâu, nước Pháp vẫn vậy, người dân Pháp vẫn vậy, chỉ có Đại học Paris (Université de Paris) bị giới cầm quyền Pháp chia nhỏ thành nhiều đại học nhỏ (nay là 13 đại học đánh số từ 1 đến 13) vì sợ sinh viên sẽ lại xách động một lần nữa.

The Dreamers ở Pháp được đặt tên là Innocents (Những đứa trẻ ngây thơ), theo tôi thì cái tên nào cũng hay và phản ảnh được nội dung tác phẩm. Phim nói về bộ ba Isabelle (Eva Green), Théo (Louis Garrel) – hai anh em sinh đôi người Paris và Matthew (Michael Pitt), một thanh niên gốc California. Hai anh em Théo, Isabelle làm quen với Matthew trong những ngày Paris rực lửa để rồi cả ba chạy trốn thực tại hỗn loạn bên ngoài trong căn nhà của bố mẹ Théo, Isabelle và những suy nghĩ xa vời về triết học, âm nhạc, điện ảnh. Đúng như tuyên bố của Bernardo Bertolucci, The Dreamers được làm ra để nói về tuổi trẻ của chính đạo diễn, người cũng trải qua cái tuổi 20 vào thời điểm những năm 68 với niềm yêu thích điên cuồng nhạc rock và điện ảnh-đặc biệt là điện ảnh Làn sóng mới (Nouvelle Vague) của Pháp. Với nhạc nền là những bản rock của Jimi Hendrix, Jannis Joplin hay những bản nhạc trữ tình Pháp phố biến thời thập niên 60 của Charles Trenet, Françoise Hardy (bà này vừa có một cuốn tự truyện rất ăn khách, chứng tỏ người Pháp đến giờ vẫn còn rất yêu nhạc cũ), The Dreamers có rất nhiều chi tiết, câu thoại, đoạn nhạc nhắc nhớ đến các bộ phim kinh điển, đặc biệt là các phim của thế hệ Làn sóng mới Pháp như A bout de souffre hay Les 400 coups. Đặc biệt có những trường đoạn Bertolucci cho quay lại y hệt những cảnh phim Làn sóng mới kinh điển như cảnh bộ ba Théo, Isabelle, Matthew chạy trong hành lang Bảo tàng Louvre.

Nhiều người chỉ trích Bertolucci vì những cảnh khỏa thân và sex trong phim, nhưng theo tôi thì những cảnh đó là hoàn toàn bình thường, cần thiết và được quay rất đẹp, rất chân trọng theo kiểu Bertolucci. Đúng với cái chất “innocent”, những cảnh khỏa thân hoàn toàn hay sex của Théo, Isabelle và Matthew không hề thô lậu, kích động, trái lại những đường cong của Isabelle, những nụ hôn của cô dành cho Matthew (người có cặp môi đẹp không thua gì Green) hay những ánh mắt thương mến của ba người chỉ làm nổi bật hơn những suy nghĩ trong trắng và ngơ ngác của họ trước thời cuộc hỗn loạn. Trong ba người thì Matthew mang khuôn mặt ngây thơ nhất và anh cũng xa lạ nhất với thời cuộc với tư cách một người Mỹ không biết tiếng Pháp sống ở Paris mà không hề có bạn bè bản địa, tuy nhiên chính Matthew lại nhanh chóng nhận ra nhất sự khắc nghiệt của cuộc sống bên ngoài, nhận ra rằng anh cùng hai người bạn chỉ là những kẻ “ignorant” đến xơ xác khi mà mồm thì luôn miệng triết học, điện ảnh, âm nhạc nhưng lại hoàn toàn xa lạ với cuộc sống. Vì thế mà Matthew muốn thoát ra khỏi cái ảo ảnh mà bộ ba tự tạo, anh cũng muốn kéo cả hai người bạn mình ra đối mặt với cuộc sống, để rồi nhận ra cái mong muốn của mình chỉ là mong muốn của một “dreamer” - một hy vọng trong vô vọng về việc “cải tạo” hai “dreamer” thực sự, đưa họ trở lại với mặt đất. Theo tôi đây là một cái tứ hay trải đều từ đầu phim cho tới tận những phút cuối cùng. Tuy nhiên dường như Bertolucci quá chú ý vào chi tiết mà lỏng tay với toàn cục, người xem có thể cảm thấy xúc động trước những trường đoạn lẻ nhưng sau khi kết thúc bộ phim, theo tôi không có nhiều điều đọng lại ngoài cặp mắt sâu thẳm buồn đến ngơ ngác của Isabelle ở cuối phim. Eva Green có lẽ cũng là diễn viên nhập vai tốt nhất, không chỉ vì vẻ đẹp khác lạ và lôi quấn hay diễn xuất táo bạo mà còn bởi cô đã biến Isabelle thực sự trở thành một “daydreamer” - cô gái không chỉ xa rời cuộc sống mà còn xa rời ngay cả những cảm xúc bản thân và những người quen thuộc. Dù sao The Dreamers vẫn là một bộ phim đẹp và đáng xem về một giai đoạn đáng nhớ của lịch sử nước Pháp.

Gegen die Wand (2003)


Sibel là một cô gái Đức gốc Thổ 20 tuổi, cô yêu đời, muốn tận hưởng cuộc sống nhưng bị bó chặt trong khuôn phép hà khắc của một gia đình Thổ, cô tự tử. Cahit (đọc là Cha-ít) là một gã đàn ông Đức gốc Thổ 40 tuổi, góa vợ, sống vật vờ trong một căn hộ tồi tàn bằng nguồn thu nhập ít ỏi từ nghề … thu dọn cốc chén, gã say xỉn và đi tới chỗ tự tử. Hai số phận gặp nhau tại … bệnh viện và Sibel nghĩ ra một “sáng kiến” – đề nghị Cahit làm đám cưới với cô, một đám cưới chỉ trên danh nghĩa nhưng sẽ giúp Sibel thoát khỏi sự kìm kẹp của bố mẹ và anh trai, còn Cahit sẽ chẳng mất gì, trái lại gã sẽ có thêm người nấu ăn và thu dọn nhà cửa. Đám cưới diễn ra tốt đẹp, Cahit tiếp tục say xỉn còn Sibel tìm tới những thú vui cô hằng mơ ước ở sàn nhảy, quán bar. Nhưng “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, Cahit bắt đầu có tình cảm thực sự với cô vợ hờ còn Sibel bắt đầu có cảm giác ghen tuông khi biết anh chồng hờ đi ngủ với người khác.

Gegen die Wand hay Head-on là một thành công bất ngờ của điện ảnh Đức năm 2003, phim giành hầu hết các giải điện ảnh quan trọng ở Đức như giải Gấu vàng ở Liên hoan phim Berlin, phim hay nhất tại Giải thưởng điện ảnh Đức và phim hay nhất tại Giải thưởng điện ảnh châu Âu. Quả thực Fatih Akin, một đạo diễn trẻ người Đức gốc Thổ, đã cho ra đời một bộ phim hết sức cảm động về tình yêu. Gegen die Wand đề cập tới cả hai khía cạnh của tình yêu đối với số phận con người, nó vừa có thể làm sống lại những tâm hồn tưởng chừng đã khô cạn, hóa đá như của Cahit, nhưng nó cũng có thể khiến con người cư xử điên loạn một cách khó thể tin được. Cặp diễn viên chính của phim, Birol Ünel (thủ vai Cahit) và Sibel Kekilli (thủ vai Sibel) diễn cực kì ăn ý và xuất sắc trong việc lột tả những bộ mặt khác nhau của tình yêu (tous les visages de l’amour), từ hạnh phúc, hy vọng đến đau khổ, tuyệt vọng, điên loạn. Là một phim mang màu sắc buồn, Gegen die Wand có rất nhiều cảnh nặng nề về tâm trạng và số phận con người, người xem trong suốt gần 2 tiếng của phim phải chứng kiến cuộc đấu tranh khó nhọc, nhiều lúc tưởng chừng vô vọng của Sibel và Cahit để tìm lại tình yêu, tìm lại cuộc sống. Mặc dù vậy phim vẫn hấp dẫn và lôi cuốn vì có lẽ chính trong những lúc bị dồn vào chân tường, con người (ở đây là Sibel và Cahit) mới bộc lộ được những tâm sự, suy nghĩ thầm kín và nhân bản nhất.

The Quiet American (2002)


The Quiet American có lẽ là dự án làm phim lớn nhất của Hollywood được quay ở Việt Nam kể từ sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ năm 1995. Kịch bản phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Graham Greene, một trong những tác phẩm văn học quan trọng nhất (và sớm nhất) về chiến tranh Việt Nam. Phim nói về mối tình tay ba giữa Thomas Fowler (Michael Caine), một nhà báo Anh đã luống tuổi, Alden Pyle (Brendan Fraser), một thanh niên người Mỹ tham gia hoạt động nhân đạo, và Phượng (Đỗ Hải Yến), cô gái trẻ người Việt. Nhân vật Alden Pyle được Graham Greene sáng tác dựa trên một nhân vật lịch sử có thật, đó là Edward Lansdale, điệp viên gạo cội của CIA và là cố vấn cấp cao nhiều năm của Mỹ ở Đông Nam Á trong hoạt động chống Cộng sản. Giống như Lansdale, Pyle tổ chức hoạt động chống Cộng ở Việt Nam bằng những hình thức hết sức tinh vi dưới phương châm: “Để ngăn chặn hiểm họa Cộng sản thì việc hy sinh một hay nhiều nhân mạng dân thường không có gì quan trọng, hơn nữa trong chiến tranh thì ngày nào chẳng có người chết”.

Được bảo trợ bởi bộ đôi Sydney Pollack và Anthony Minghella, The Quiet American mang đúng gu của hai người, nghĩa là những câu chuyện tình cảm lãng mạn buồn được lồng trong bối cảnh lịch sử có thật, tương tự như Out of Africa, The English Patient, Cold Mountain hay sau này là The Reader. Phim có nhiều cảnh quay khá đẹp, lãng mạn và exotic, sản phẩm của Christopher Doyle, người từng thành danh với những phim của Vương Gia Vệ. Tuy nhiên do chú trọng vào bối cảnh thời chiến, The Quiet American không đề cập nhiều tới những cảnh đẹp thiên nhiên ở Việt Nam, nơi đẹp nhất được chọn quay là Phát Diệm thì lại để làm bối cảnh cho một … vụ thảm sát. Trong số ba diễn viên chính của The Quiet American thì Michael Caine nổi bật hơn cả với hình ảnh một người đàn ông trung niên bất lực và tuyệt vọng trước mối tình tan vỡ và hiểm họa chiến tranh đối với mảnh đất ông yêu quý. Đã từng bộc lộ vẻ đẹp rất Việt trong Mùa hè chiều thẳng đứng (A la verticale de l’été), Hải Yến trong The Quiet American tiếp tục … đẹp bằng nét đẹp Á Đông dịu dàng, mềm mại hiếm có. Cô diễn xuất cũng không tồi, trừ việc phát âm tiếng Anh chưa thật sự ổn (dù thoại của Hải Yến không nhiều, có lẽ còn ít hơn Mai Hoa) thì Hải Yến càng về cuối phim càng diễn “mượt”, những cử chỉ dù rất nhỏ của cô đều giúp tôn lên vẻ đẹp và sự mong manh của nhân vật Phượng. Diễn viên người Việt có nhiều thoại nhất trong phim có lẽ là Mai Hoa, người thủ vai chị của Phượng, cô nói tiếng Anh tương đối trôi chảy nhưng giọng vẫn bị gượng, tôi hơi thất vọng vì thực ra diễn xuất của Mai Hoa cũng bị gượng và kém xa Hải Yến trong khi Mai Hoa đã từng rất nổi với phim Đời cát. Người kém nhất trong bộ ba có lẽ là Fraser, vốn nổi lên từ những phim hành động và phim hài, Fraser trong The Quiet American không thể hiện được phẩm chất của một “CIA agent” cũng như tình yêu cuồng nhiệt của Pyle với Phượng, mối tình đã dán tiếp dẫn đến cái chết của Pyle. Một điểm dở khác của The Quiet American là cốt truyện thiếu thống nhất, phim được mở đầu theo kiểu trinh thám ly kì với cái chết của Pyle, tiếp nối bằng mối tình tay ba Fowler-Pyle-Phượng và kết thúc bằng sự bàng hoàng của Fowler trước sự thật khốc liệt của chiến tranh và trò chơi chính trị. Cốt truyện thiếu thống nhất và thiếu kịch tính làm phim bị “nửa mùa”, thật may là phim không dài (chỉ cỡ 90 phút) nên vài cảnh cháy nổ cũng đủ giúp khán giả ngồi nán đến hết phim. Tóm lại tuy không phải là một thất bại nhưng The Quiet American cũng được làm chưa “tới” và khó có thể coi là một phim hay về chiến tranh Việt Nam, thật tiếc cho một kịch bản thẳng thắn và công bằng hiếm có về đề tài nhạy cảm (của Mỹ) này.

Children of Men (2006)


Children of Men bắt đầu bằng sự kiện “Người trẻ nhất Thế giới” qua đời ở tuổi 18 vào tháng 11 năm 2027, dù sự thật thì “he’s just a wanker”, anh ta vẫn được cả nước Anh khóc thương và đặt hoa tưởng nhớ theo … phong cách Diana (không rõ đây chỉ là trùng hợp hay các nhà làm phim cố tình ám chỉ như vậy, nếu là chi tiết có chủ ý thì hết sức thú vị). Lý do cho sự thương tiếc kể trên là vì kể từ năm 2009 toàn bộ phụ nữ trên Thế giới đột nhiên bị tiệt sản, không còn bất cứ một đứa trẻ nào được sinh ra kể từ sau “Người trẻ nhất Thế giới” và toàn cầu rơi vào cảnh hỗn loạn của bạo lực, khủng bố. Quốc gia duy nhất đứng vững trong khủng hoảng, cũng như nhiều lần khác trong lịch sử loài người, là quốc đảo Anh. Với lý do bảo vệ xã hội, chính phủ Anh ra lệnh trục xuất toàn bộ người tị nạn hoặc nhập cư trái phép, những thành phần vốn không được chính phủ coi là “người”. Chính sách này gặp phải sự chống đối của một nhóm khủng bố lấy tên “Fish”, nhóm này thường sử dụng các vụ đánh bom để gây sức ép lên chính phủ và bị quân đội chính phủ truy quét gắt gao. Trớ trêu thay, vào đúng thời điểm hỗn loạn ấy thì một người phụ nữ gốc Phi – cái nôi của loài Người, có thai, đương nhiên cô nằm trong danh sách “phải bị trục xuất” của chính phủ Anh. Lãnh đạo nhóm “Fish” quyết định nhờ chồng cũ đưa cô gái da đen bằng mọi cách rời khỏi nước Anh để tìm đến Human Project với hy vọng sẽ tìm ra cách cứu vớt nhân loại.

Children of Men thuộc dòng phim dystopia hay post-apocalyptic, đây là dòng phim mô tả xã hội loài người ở tương lai (thường là tương lai gần) trong tình trạng hỗn loạn, tăm tối, đứng trên bờ vực diệt vong mà nguyên nhân xuất phát chính từ những sai lầm của loài người gây ra trong “quá khứ”. Dòng phim này bắt đầu nở rộ từ đầu thập niên 1980 với thành công của Blade Runner, một phim dystopia kinh điển của Ridley Scott, các phim hay khác trong dòng phim này có thể kể tới Twelve Monkeys hay V for Vendetta. Trong Children of Men, sự kiện “triệt sản toàn cầu” và chuyến đi khỏi nước Anh của người phụ nữ có thai năm 2027 là trung tâm của truyện phim, tuy nhiên thực tế “trung tâm” của phim lại được đạo diễn Alfonso Cuaron dùng làm phông để đề cập tới những sự kiện và hình ảnh nằm ở nền phim vốn phản ánh hầu như toàn bộ những vấn đề nghiêm trọng nhất mà loài người phải đối mặt trong hiện tại (thập niên 2000). Sự kiện trục xuất người nhập cư ở Anh vốn không hề xa lạ với tiêu chí của đảng cực hữu BNP (British Nationalist Party – Đảng Dân tộc Chủ nghĩa Anh), đảng này vừa giành được 2 ghế trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2009, sự kiện khiến cả nước Anh phải giật mình vì sự trỗi dậy của các lực lượng cực hữu. Trong Children of Men người ta cũng thấy những lực lượng khủng bố với mục tiêu rất “trong sáng” nhưng hành động thì hoàn toàn ngược lại, cực kì tàn ác, nhẫn tâm vô nhân tính, người ta cũng thấy những thành phố bẩn thỉu, rác rưởi tràn ngập, sương mù bao phủ, hậu quả của môi trường bị con người tàn phá một cách có hệ thống. Đương nhiên cũng như đa phần phim dystopia khác, Children of Men cũng phản ánh triết lý hiện sinh về sự tồn tại thực sự của loài người, phim có chi tiết rất hay về Ark of Art – một bộ của Anh chuyên thu thập kiệt tác nghệ thuật của thế giới, trong phòng ông bộ trưởng người ta thấy tượng Davis của Michelangelo (tượng La pieta của Michelangelo chưa kịp “được” thu hồi thì đã bị người dân nổi loạn phá hủy), người ta thấy tranh Guernica của Pablo Picasso, nhưng không hiểu Ark of Art tồn tại làm gì khi mà chỉ chưa đầy 100 năm nữa thôi loài người sẽ rơi vào cảnh diệt vong. Theo tôi thì Children of Men còn chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết dystopia kinh điển Nineteen Eighty-Four (1984), người ta thấy trong phim những tấm bảng điện tử cảnh báo, người ta thấy cả cái “triết lý về sự sợ hãi” vốn đều là những ý tưởng xuất sắc của G.Orwell trong Nineteen Eighty-Four, vả lại thực tế thì tiểu thuyết này cũng đã từng là nền tảng tư tưởng cho rất nhiều phim trong dòng dystopia. Với nội dung dầy đặc tư tưởng như trên, người ta không ngạc nhiên khi Children of Men được đề cử Oscar cho kịch bản chuyển thể, tuy vậy theo tôi thì chính vì phim hơi “tham” trong việc chuyển tải toàn bộ nội dung một tiểu thuyết trong khi vẫn giữ chất hành động kiểu Hollywood nên tác phẩm sẽ trở nên khó xem (và dẫn tới không ăn khách – một thảm họa cho phim blockbuster).

Đa phần phim dystopia đều là phim hành động, Children of Men không nằm ngoài xu hướng này và thực tế thì đây là một phim hành động cực kì xuất sắc, thậm chí là mang tính cách mạng trong thể loại. Nói Children of Men mang tính cách mạng trong thể loại hành động vì phim được quay theo phong cách cực kì mới lạ, đó là những cảnh hành động được quay theo kiểu phim tài liệu với máy quay cầm tay bám sát nhân vật và những take cực dài không hề có sự biên tập hoặc cắt, chuyển cảnh. Take dài có lẽ là đặc trưng tiêu biểu nhất của Children of Men, phim có tới vài take dài chừng 10 phút (cả phim chỉ dài 104 phút) hoàn toàn không biên tập, chuyển cảnh mà chỉ có góc nhìn từ một máy quay duy nhất. Trong cảnh dài và phức tạp nhất của Children of Men, Alfonso Cuaron thậm chí còn không màng tới việc máy quay duy nhất bị dính vài giọt “máu” mà tiếp tục cho máy chạy (đây là một lỗi khá thú vị của phim vì máu thật sẽ đọng lại thành vết trên màn ảnh trong khi ở đây các giọt “máu” bay hơi chỉ sau vài phút). Những cảnh hành động dài, các pha xả súng dứt khoát tạo cho phim sự chân thực đến cao độ, nếu không vì nhân vật chính của những cảnh đó là Clive Owen hoặc Michael Caine thì hẳn người ta đã nghĩ đạo diễn sử dụng phim tài liệu để lồng vào phim. Để thực hiện những take xuất sắc này hẳn Cuaron đã phải sắp xếp và dàn dựng cực kì kĩ lưỡng vì số lượng chi tiết phụ và nhân vật nền trong các take đều rất lớn. Thật đáng tiếc khi Children of Men trượt Oscar cho quay phim bất chấp những cảnh quay mang tính cách mạng này. Dàn diễn viên của Children of Men có ba cái tên lớn là Clive Owen, Julianne Moore và Michael Caine, trong số này thì chỉ có Owen thực sự có đất diễn. Tuy được giao một vai anti-hero nhưng Owen vẫn là cool guy như trong các phim khác của anh, anh diễn tốt và nổi bật giữa cái nền đen tối bẩn thỉu của phim, tuy vậy như đã nói ở trên thì thực ra diễn viên chính trong Children of Men chỉ làm “nền” cho các cảnh nền, vì vậy phim thực tế không cần những ngôi sao lớn, những cái tên lớn được chọn vào phim có lẽ chủ yếu nhằm vào mục đích câu khách cần thiết cho một blockbuster. Theo tôi dù hơi “tham” thì Children of Men vẫn là một phim hành động hết sức xuất sắc và đáng xem, xem để giải trí và xem để “biết sợ” trước những vấn đề toàn cầu.

Le Grand Bleu (1988)


Le Grand Bleu hay The Big Blue là tác phẩm lớn đầu tiên của Luc Besson – đạo diễn và nhà sản xuất phim thương mại thành công nhất ở Pháp trong vòng hơn 20 năm qua. Sau Le Grand Bleu, tất cả các phim do Besson đạo diễn đều thành công về mặt thương mại, ít ra là ở Pháp, một số phim được đánh giá rất cao về phong cách, đặc biệt là các phim hành động như Nikita hay Léon. Luc Besson còn là nhà sản xuất và biên kịch cho nhiều phim hành động ăn khách như loạt Taxi, loạt The Transporter và mới nhất là Taken. Tuy tập trung vào mảnh đất phim hành động nơi các nhà làm phim Hollywood đã là “bá chủ” từ rất lâu nhưng những phim hành động của Luc Besson vẫn rất “original” về mặt ý tưởng, từ câu chuyện của tay sát thủ ít nói với cô bé lắm lời trong Léon đến một anh lái xe taxi biến thành người hùng nhờ sự bất tài của đội ngũ cảnh sát trong loạt Taxi. Điểm bắt đầu của tất cả những thành công nói trên là Le Grand Bleu, bộ phim do Luc Besson viết kịch bản và đạo diễn vào năm 1988.

Le Grand Bleu nói về tình bạn và sự ganh đua giữa hai thợ lặn, một người Pháp – Jacques Mayol (Jean-Marc Barr), một người Ý – Enzo Molinari (Jean Reno, diễn viên ưa thích hay “acteur fétiche” của Luc Besson). Jacques và Enzo là hai tính cách và bề ngoài đối lập, Jacques nhỏ bé, hiền lành, rụt rè ít nói còn Enzo to lớn, tinh ranh và kiêu ngạo. Tuy vậy cả hai đều có chung một tình yêu hình thành từ thủa nhỏ, đó là tình yêu với môn lặn, với đáy biển xanh sâu thẳm. Chính niềm yêu thích này đã gắn kết hai người bạn từ khi Jacques và Enzo còn là hai đứa trẻ sống trên một hòn đảo ở Hy Lạp, nơi cả hai phải chứng kiến cái chết bi thảm của bố Jacques trong một cuộc lặn. Khi đã trưởng thành, điểm hẹn của hai người bạn lại là những cuộc thi lặn không bình khí, nơi các thợ lặn thi tài bằng cách lặn sâu nhất có thể mà không hề dùng tới bất cứ trang bị lặn nào. Tại đây, Jacques, tuy nhút nhát ít nói, lại luôn là người chiến thắng Enzo kiêu ngạo bằng những độ sâu kỉ lục dần chạm tới ngưỡng chịu đựng của con người. Và đương nhiên Enzo không bao giờ chịu chấp nhận thất bại, anh vẫn cố sức vượt qua Jacques ở mỗi cuộc thi, bất chấp mọi lời cảnh báo của các bác sĩ. Bên cạnh cuộc tranh tài của Jacques và Enzo, Le Grand Bleu còn có câu chuyện tình yêu của Jacques và Johana (Rosanna Arquette). Johana yêu Jacques ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên ở xứ Peru xa xôi để rồi sau đó cô, một nhân viên bảo hiểm ở New York, tìm tới mọi nơi Jacques thi đấu để có thể gần gũi với tình yêu của mình và hy vọng sẽ kéo được “đứa con của biển cả” về với mặt đất để sống với cô.

Tuy dùng thoại tiếng Anh nhưng Le Grand Bleu là một bộ phim “đặc” chất Pháp với dàn diễn viên Pháp (trừ Rosanna Arquette là người Mỹ gốc Pháp), đội ngũ sản xuất Pháp và nội dung, chi tiết “rất Pháp”. Tuy thập niên 80 ở Hollywood chứng kiến sự ra đời của nhiều phim lấy bối cảnh biển cả (Blue Lagoon, Free Willy, Splash) nhưng có lẽ không tác phẩm nào có được những thước quay tuyệt vời về biển xanh như Le Grand Bleu. Phim tràn ngập hình ảnh mặt biển long lanh ánh trăng với cá voi nhảy múa, rạn san hô đủ màu sắc và đương nhiên cả đáy biển xanh sâu thẳm nơi người thợ lặn hoàn toàn cô đơn giữa bóng tối mịt mùng. Đích thân Luc Besson là người thực hiện quay những cảnh dưới nước và tài năng của ông, một bậc thầy về hiệu quả hình ảnh, đã biến đáy biển trở thành một nơi huyền bí vừa hấp dẫn lại vừa tràn đầy nguy hiểm. Cứ mỗi một cuộc thi mới giữa Enzo và Jacques, người xem lại phải nín thở cũng những thợ lặn vì không biết họ có thể sống sót để ngoi lên mặt nước để mang theo bí mật của đáy biển sâu hay không. Đóng góp thêm cho hiệu quả hình ảnh là diễn xuất tuyệt vời của bộ ba diễn viên chính, Jacques trầm lắng, Enzo sôi nổi, Johana cuồng nhiệt trong tình yêu. Cộng với kịch bản “original”, thống nhất từ đầu tới cuối và có chiều sâu, Le Grand Bleu hội tụ tất cả những yếu tố tạo nên thành công cho một phim hành động, và cho đến tận phút cuối cùng, phim vẫn thu hút người xem mà không cần tới bất cứ cảnh bắn giết cháy nổ hay kĩ xảo hình ảnh “kiểu Hollywood” nào. Đã từ khá lâu Besson không còn đạo diễn phim (trừ loạt phim hoạt hình Arthur les Minimoys), tuy vậy với những tác phẩm xuất sắc như Léon hay Le Grand Bleu, Besson đã hoàn toàn có thể tự hào về sự nghiệp làm phim của mình.

Tokyo monogatari (1953)


Bộ phim này thường được biết đến với tên tiếng Anh là Tokyo Story (dịch nguyên từ tên gốc tiếng Nhật), tuy nhiên ở Pháp người ta lại dùng tên Voyage à Tokyo (Chyến đi tới Tokyo). Đây là một tác phẩm thuộc giai đoạn cuối sự nghiệp của Yasujiro Ozu hay “Maître” Ozu (nói theo kiểu Pháp - Bậc thầy Ozu), một trong những đại diện nổi bật nhất của điện ảnh Nhật Bản.

Tokyo monogatari có nội dung cực kì giản dị, phim nói về chuyến đi thăm Tokyo của một cặp vợ chồng ở vào cái tuổi gần đất xa trời. Ý định ban đầu của ông bà là thăm gia đình của con trai cả, người làm cả nhà tự hào vì làm nghề bác sĩ, cùng con gái, một chủ tiệm làm đầu, cả hai đều đã lập gia đình và sống khá ổn định. Tuy nhiên cặp vợ chồng già nhanh chóng nhận ra rằng cuộc viếng thăm của họ chỉ khiến con cháu khó chịu còn anh con trai cả hóa ra chỉ là một bác sĩ khu phố bình thường. Lấy lý do bận bịu chăm sóc khách hàng và bệnh nhân, con trai cả và con gái ông bà quyết định “đẩy” bố mẹ tới khu suối nước nóng Atami, nơi ông bà nhanh chóng phải quay về Tokyo vì không chịu nổi sự ồn ào của nhà nghỉ. Người duy nhất đối xử chân thành và tình cảm với hai vợ chồng ở Tokyo hóa ra lại là vợ góa của con trai thứ ông bà, người đã qua đời trong Thế chiến thứ hai.

Mang đậm triết lý Thiền (Zen) theo kiểu Ozu, Tokyo monogatari không hề có kịch tính, cao trào, diễn xuất của các diễn viên không những không được cường điệu hóa mà còn được tối giản hết mức. Phần lớn cảnh phim của Tokyo monogatari là những cảnh quay cận và tĩnh, các nhân vật sử dụng thoại ngắn theo kiểu thơ haiku và hầu như không bao giờ biểu lộ tình cảm ngoài những phép tắc giao tiếp thông thường. Tuy nhiên bộ phim vẫn làm người xem hết sức cảm động vì những suy nghĩ thấm thía về cuộc sống, về cái chết, về quan hệ cha mẹ-con cái, về nển tảng của gia đình trong từng nhân vật. Chỉ cần những cái phe phẩy quạt, những câu nhận xét nhẹ nhàng của nhân vật, Ozu cũng đã đề cập tới được đủ mọi mặt, cả tích cực, và tiêu cực của cuộc sống hiện đại Nhật khi mà cuộc sống ngày càng được cải thiện nhưng những giá trị gia đình truyền thống ngày càng phai mờ. Là tác phẩm về một giá trị vĩnh hằng – gia đình, bản thân Tokyo monogatari cũng đã trở thành một kiệt tác phi thời gian của điện ảnh thế giới. Vốn là một người ghét “phim cổ”, sau khi xem xong Tokyo monogatari tôi cũng phải thừa nhận rằng có lẽ hiếm có phim tâm lý gia đình nào có thể đạt được tới “tầm” của bộ phim – thoại rất ít nhưng ý rất nhiều.

Les filles du botaniste (2006)


Les filles du botaniste (Con gái ông chủ vườn thuốc) là phim của Đới Tư Kiệt, một đạo diễn người Pháp gốc Hoa. Đới Tư Kiệt (Daï Sijie) là một nhà văn khá tên tuổi ở Pháp, ông từng có tiểu thuyết khá nổi là Les filles du botaniste ông còn có Balzac et la petite tailleuse chinoise (Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa) cũng từng được chuyển thành phim (Châu Tấn thủ vai chính). Les filles du botaniste nói về mối tình của hai cô gái Min và An trong bối cảnh xã hội Trung Quốc hủ lậu nơi quan hệ đồng tính bị coi là thứ gì đó bệnh hoạn, ghê tởm. Min (Mylène Jampanoï) là một cô gái gốc Đường Sơn có bố người Hoa và mẹ người Nga, cô mồ côi cả cha lẫn mẹ sau trận động đất khủng khiếp năm 1979 ở Đường Sơn (thảm họa khiến 200.000 người thiệt mạng). Sau thời gian dài sống trong trại trẻ mồ côi, Min xin đi thực tập trong một vườn thuốc ở Quế Lâm, nơi có thạch lâm (rừng đá) – một trong những thắng cảnh đẹp nhất của Trung Quốc. Chủ vườn thuốc là một ông giáo sư khó tính, nghiêm khắc tới mức cực đoan, ngược lại, An (Li Xiaoran), con gái ông, lại là một cô gái dễ gần và cởi mở, chính cô đã giúp Min dần làm quen với cuộc sống nơi vườn thuốc. Tình cảm dần nảy nở giữa Min và An, hai người càng ngày càng cảm thấy gần gũi và không thể sống thiếu nhau. Nhưng một ngày nọ anh của An, một binh sĩ đóng ở Tây Tạng, trở về thăm nhà và ngỏ ý muốn cưới Min. Min đứng trước lựa chọn khó khăn, thành thật với lòng mình để từ chối đám cưới hay bằng lòng để rồi được sống gần gũi với An mãi mãi.

Xét về cốt truyện, Les filles du botaniste là một phim tình cảm lãng mạn buồn, Min và An yêu nhau trong nỗi lo âu có thật rằng mối tình đầu của cả hai người rồi sẽ không thể kết thúc có hậu khi mà tình cảm đồng giới vẫn chưa có chỗ đứng trong xã hội Trung Quốc. Kịch bản gốc của bộ phim có lẽ là một tác phẩm về mặt văn học hay vì trong phim có rất nhiều cảnh ẩn dụ đẹp, đáng tiếc là Đới Tư Kiệt chuyển những chi tiết văn học của chính ông vào phim chưa được “mượt”, khiến phim bị “vụn” vì nhiều cảnh đẹp mà thiếu sự liên kết cần thiết. Trailer của phim được làm rất khéo và “câu khách”, dễ khiến độc giả lầm tưởng rằng phim sẽ có nhiều cảnh “nóng”, thực ra Les filles du botaniste rất “PG”, tình yêu của Min và An chủ yếu được thông qua ánh mắt, nụ cười và tâm trạng của hai nhân vật chính. Hai diễn viên chính của phim mặc dù rất xinh, đặc biệt là Mylène Jampanoï, một cô gái lai mắt nâu, nhưng diễn xuất chưa thực sự thuyết phục, nhất là Li Xiaoran, những cảnh thể hiện tình cảm giữa hai người vẫn còn chút gì đó hơi gượng. Nhưng nói tới đây tôi mới nhớ ra mình chưa từng xem một phim nào về đồng tính nữ, vì vậy cũng không biết so sánh cặp Min-An với một cặp diễn viên nào khác.

Điểm thu hút nhất của Les filles du botaniste có lẽ là bối cảnh phim – “Quế Lâm”. Quế Lâm trong ngoặc kép vì Les filles du botaniste không được quay ở Trung Quốc-nơi đồng tính vẫn là đề tài cấm kị (“tabou”) mà quay ở Việt Nam. Thạch lâm của Quế Lâm được thay thế bằng một thắng cảnh đẹp không kém, đó là Tam Cốc-Bích Động ở Ninh Bình hay tên khác là “Hạ Long trên cạn”. Từng là bối cảnh của một phim Pháp lớn là Đông Dương, Tam Cốc-Bích Động tiếp tục làm tôi ngạc nhiên vì vẻ đẹp nên thơ đến kinh ngạc. Bên cạnh Tam Cốc-Bích Động, Les filles du botaniste còn dùng bối cảnh là hồ Hà Nội và rừng Cúc Phương. Người Hà Nội khi xem phim hẳn sẽ rất buồn cười vì hòn đảo của ông chủ vườn thuốc chính là đảo Hòa Bình giữa hồ Bảy Mẫu trong Công viên Lê-nin, nhưng khi ông chủ chèo thuyền ra bờ mua báo thì quầy báo lại nằm ở bờ … Hồ Gươm. Ngay đầu phim cũng có một chi tiết buồn cười khác, đó là cảnh Min ngồi tàu tới Quế Lâm, vụt qua cửa sổ tàu là một đoàn tàu khác có dòng chữ Đường sắt Việt Nam rất to, ấy vậy mà chỉ vài giây sau tàu của Min đã dừng lại ở tấm biển đề chữ Trung Quốc “Ga Quế Lâm”, không rõ Đới Tư Kiệt “quên” hay phong cách làm phim của ông thoải mái về mặt chi tiết phụ như vậy. Nhìn tổng thể thì phong cảnh Việt Nam trong Les filles du botaniste rất đẹp, thơ mộng và cực kì hợp với tông màu xanh mướt của bộ phim. Có lẽ Việt Nam nên thu hút các nhà làm phim nước ngoài vào quay thì hơn là bỏ ra cả đống tiền làm các clip quảng cáo trên truyền hình, vì theo tôi thì khi một địa danh khi đã lên phim, dù đẹp hay xấu, thì cũng kích thích trí tò mò của khách du lịch. “Như thường lệ” đối với phim Pháp quay ở Việt Nam, diễn viên Như Quỳnh cũng có vai phụ “chính nhất” và bà diễn hoàn toàn không hề thua kém dàn diễn viên Pháp, trong Les filles du botaniste người ta còn thấy cố diễn viên Phương Thanh trong một vai nhỏ có thoại (thoại tiếng Việt và sau đó được lồng lại tiếng Trung Quốc!). Vốn là “fan” phim tình cảm buồn, tôi hơi thất vọng về Les filles du botaniste tuy nhiên phong cảnh Việt Nam trong phim chắc chắn sẽ khiến bất cứ ai cũng phải hài lòng.