some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

jeudi 31 décembre 2009

Best films of the decade (by Roger Ebert)


Roger Ebert vừa đưa ra danh sách phim ông đánh giá cao nhất trong thập niên 2000, danh sách gây khá nhiều bất ngờ, có lẽ là mang đậm dấu ấn của riêng Ebert. Sau đây là Top 10 (xếp theo thứ tự từ thấp đến cao):

10. My Winnipeg (2008, Guy Maddin) - IMDb: 7.9, RottenTomatoes: 95%, Trailer
09. Almost Famous (2000, Cameron Crowe) - IMDb: 8.0, RottenTomatoes: 88%, Trailer
- Câu đầu tiên của Ebert trong bài review "Oh, what a lovely film. I was almost hugging myself while I watched it." là đủ để cho biết Almost Famous là bộ phim "đẹp" và dễ chịu đến thế nào. Một bộ phim tuyệt vời cho tuổi trẻ.
08. The 25th Hour (2003, Spike Lee) - IMDb: 7.9, RottenTomatoes: 78%, Trailer
- Bộ phim tiêu biểu cho thời kỳ hậu 11-9 ở Mỹ với diễn xuất xuất sắc của Edward Norton và Philip Seymour Hoffman.
07. Le fils (Jean-Pierre & Luc Dardenne) - IMDb: 7.4, RottenTomatoes: 88%, Trailer
06. Chop Shop (2007, Ramin Bahrani) - IMDb: 7.2, RottenTomatoes: 96%, Trailer
05. Me and You and Everyone We Know (2005, Miranda July) - IMDb: 7.4, RottenTomatoes: 83%, Trailer
04. Juno (2007, Jason Reitman) - IMDb: 7.9, RottenTomatoes: 93%, Trailer
- Một bộ phim nhẹ nhàng và ý nhị, nhất là so sánh với tác phẩm liền trước của của Reitman - Thank You for Smoking vốn đầy tính châm biếm chua cay. Được coi là "phần 2" của hiện tượng phim độc lập tại lễ trao giải Oscar sau Little Miss Sunshine nhưng có lẽ Juno chưa "tới" được tầm của Miss Sunshine.
03. Monster (2004, Patty Jenkins) - IMDb: 7.4, RottenTomatoes: 82%, Trailer
- Một tác phẩm bạo liệt dữ dội chứng kiến sự hy sinh đáng kinh ngạc của Charlize Theron xinh đẹp cho vai diễn.
02. The Hurt Locker (2009, Kathryn Bigelow) - IMDb: 8.0, RottenTomatoes: 97%, Trailer
- Chẳng đạt được điều gì mới về mặt ý nghĩa, triết lý trong dòng phim chiến tranh nhưng The Hurt Locker lại có cách thể hiện đột phá để khắc họa sự tàn phá của chiến tranh đối với từng cá nhân dính líu tới nó. Sau Jane Campion, giải Oscar mới lại tìm được một ứng cử viên nặng ký là nữ cho hạng mục đạo diễn xuất sắc nhất.
01. Synecdoche, New York (2008, Charlie Kaufman) - IMDb: 7.3, RottenTomatoes: 67%, Trailer
- Một phim hết sức khó hiểu đúng như cái tựa đề của nó. Dù rất yêu thích Eternal Sunshine of the Spotless Mind của Kaufman, tôi cũng thực sự không/chưa thể cảm nhận được hết ý tưởng của Kaufman trong bộ phim dày đặc lớp nghĩa này, chỉ riêng phần thoại của phim cũng đã là một thử thách khi tính văn học của nó cao tới mức có lẽ khán giả nên ... đọc kịch bản trước khi xem phim. Không biết có phải một phim hay không nhưng Synecdoche, New York quả thực là bộ phim hết sức lạ lùng.

Và 10 phim khác (thứ tự ABC):
01. Adaptation (2002, Spike Jonze)
02. The Bad Lieutenant: Port of Call, New Orleans (2009, Werner Herzog)
03. City of God (2002, Fernando Meirelles)
04. Crash (2004, Paul Haggis)
05. Kill Bill Vols.1 and 2 (2003 + 2004, Quentin Tarantino)
06. Minority Report (2002, Steven Spielberg)
07. No Country for Old Men (2007, The Coen Brothers)
08. Pan's Labyrinth (2006, Guillermo del Toro)
09. Silent Light (2009, Carlos Reygadas)
10. Waking Life (2001, Richard Linklater)

===
Cùng loạt "best films of the decade":
- Top 15 films of 2000s
- The 100 Best Movies of the Noughties

mardi 29 décembre 2009

Forerunners of the 2010 Oscars (by film critics)


Time tổng hợp kết quả của 21 giải thưởng của các hội phê bình phim khác nhau trên khắp nước Mỹ. Công thức rất đơn giản, người giành giải được 1 điểm, chia giải được nửa điểm. Và đây là kết quả:

* Nữ phụ:
Mo'Nique, Precious, Based on the Novel "Push" by Sapphire (16)
Anna Kendrick, Up in the Air (4)
Samantha Morton, The Messenger (1)

* Nam phụ:
Christoph Waltz, Inglourious Basterds (18)
Christian McKay, Me and Orson Welles (2)
Woody Harrelson, The Messenger (1)

* Nữ chính:
Carey Mulligan, An Education (8)
Meryl Streep, Julie & Julia (6.5)
Gabourey Sidibe, Precious, Based on the Novel "Push" by Sapphire (3)
Melanie Laurent, Inglourious Basterds (1), Michelle Monaghan, Trucker (1),
Yolande Moreau, Seraphine (1)

* Nam chính:
George Clooney, Up in the Air (8.5)
Colin Firth, A Single Man (4)
Jeremy Renner, The Hurt Locker (3.5)
Jeff Bridges, Crazy Heart (2)
Nicolas Cage, The Bad Lieutenant — Port of Call: New Orleans (1), Viggo Mortensen, The Road (1)

* Kịch bản:
Jason Reitman and Sheldon Turner, Up in the Air (6)
Scott Neustadter and Michael H. Weber, (500) Days of Summer (4)
Quentin Tarantino, Inglourious Basterds (3.5)
Joel Coen and Ethan Coen, A Serious Man (2), Wes Anderson and Noah Baumbach, Fantastic Mr. Fox (2)

* Đạo diễn:
Kathryn Bigelow, The Hurt Locker (14)
Jason Reitman, Up in the Air (3)
Quentin Tarantino, Inglourious Basterds (2)
Pete Docter, Up (1), Clint Eastwood, Invictus (1)

* Phim:
The Hurt Locker (8.5)
Up in the Air (6)
Inglourious Basterds (3.5)
Avatar (1), Up (1)

dimanche 27 décembre 2009

The Breakfast Club (1985)


Đánh giá một bộ phim kiểu "thời thượng" ra đời cách đây tới một phần tư thế kỷ như The Breakfast Club quả không dễ chút nào vì chê thì rất đơn giản nhưng đặt mình trong hoàn cảnh ra đời của phim để hiểu được tại sao nó được yêu thích đến thế thì lại quá khó.

Breakfast Club là một nhóm 5 học sinh trung học bị kỉ luật và phải đến trường trình diện 8 tiếng vào ngày thứ 7. 5 người của nhóm ứng với 5 stereotype đã trở thành "kinh điển" của phim teen về sau, đó là một nàng "công chúa" (the princess - nhà giàu, yểu điệu, kênh kiệu nhưng thực tế luôn sợ hãi bị mọi người bỏ rơi), một cậu chàng nổi loạn (the rebel - đẹp trai, phong cách bất cần, luôn tỏ ra cứng đầu cứng cổ để che dấu vết thương tinh thần vì gia đình nghèo/không hạnh phúc), một cậu mọt sách (the geek - học giỏi nhưng ngờ nghệch với cuộc sống bên ngoài, yếu đuối về thể chất, dáng vẻ bình thường luôn chìm khuất giữa đám đông), một cô bé "lạc loài" (the outcast - hành xử, ăn mặc quái dị, không có bạn bè và cũng không tỏ vẻ là cần có bạn bè, ít nói và thường có tài lẻ), một anh chàng "thể thao" (the jock - mặt mũi khôi ngô sáng sủa, giỏi thể thao, thường (ra vẻ) bảo vệ các bạn gái và the geek). Bộ 5 này trong phim lần lượt là Claire the princess, John the rebel, Andrew the jock, Allison the outcast và Brian the geek.

The Breakfast Club có cấu trúc rất đơn giản, chuyện phim ứng với đúng buổi phạt ngày thứ 7 đầu tiên của 5 người, tình tiết trong phim cũng không có gì phức tạp, chủ yếu là những cuộc đối thoại ngắn, có lúc nhẹ nhàng, có lúc nảy lửa giữa các thành viên trong nhóm để cuối cùng nổi bật lên là hình ảnh thật sự, suy nghĩ thật sự của năm cô cậu học trò ở vào cái tuổi nổi loạn và phức tạp nhất này. Và The Breakfast Club gây ấn tượng mạnh đến như vậy có lẽ vì John Hughes đã rất thành công trong việc khắc họa năm gương mặt vị thành niên sống động, có chiều sâu, có tốt có xấu và nhất là đều khiến khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ cảm thấy yêu quý vì sự gần gũi của nhân vật trong phim với tuổi trẻ nổi loạn ngoài đời. Dù sao phim cũng ra đời cách đây khá lâu, vì vậy nhịp phim khá chậm và nội dung phim cũng đơn giản hơn nhiều nếu so với những phim teen giai đoạn sau này, tuy nhiên 5 gương mặt, 5 cái tên Claire, John, Andrew, Brian và nhất là Allison với tôi vẫn thực sự tươi mới, gần gũi, ấn tượng và gợi lại chút gì đó của tuổi học trò đẹp đẽ. Cả 5 diễn viên của nhóm Breakfast Club đều đóng rất đạt, rất tự nhiên và nhập vai, tôi rất thích hai nhân vật nữ Claire và Allison, cả hai đều có tốt có xấu chứ không bị "một màu" như type outcast và princess trong các phim teen sau này, hai nữ diễn viên thủ vai Claire và Allison tuy không xinh nhưng có cách diễn rất trẻ trung (1 người khi đó mới 17, 1 người 22) và ấn tượng. Không hiểu sao xem The Breakfast Club làm tôi nghĩ đến Friends, cũng là nhóm bạn đủ cả ưu, nhược điểm, có lúc cãi vã, có lúc giận hờn nhưng ở thời khắc quan trọng vẫn luôn chứng tỏ mình là một Friend thực sự, 6 nhân vật không ai phải làm sandbag cho ai, ai cũng khiến khán giả thấy yêu quý, một điều chưa bao giờ là dễ ở dòng feel-good movie.

Có lẽ The Breakfast Club sớm muộn rồi cũng sẽ trở thành lạc hậu, "đồ cổ" của một thời dĩ vãng, thật tiếc là không ai trong số 5 người của nhóm vượt lên để trở thành một ngôi sao "người lớn" như John Cusack, Tom Cruise đã từng làm được, vì thế bộ phim chắc cũng sẽ chỉ còn là hoài niệm của một thế hệ nay đã ở vào tuổi trung niên. Âu đó cũng là số phận của một thời tuổi trẻ, đẹp đẽ nhưng nhanh chóng trôi đi và nhòa dần vào quá khứ.

jeudi 24 décembre 2009

Joyeux Noël ! - Love Actually (2003)


Love Actually có lẽ sẽ còn nhiều năm nữa là bộ phim yêu thích vào mỗi dịp Giáng Sinh và Năm mới. Một tác phẩm giản dị với cách miêu tả tình yêu mộc mạc, đẹp đẽ khiến người ta dễ xích lại gần nhau hơn để thưởng thức những nụ cười của Keira Knightley, giọt nước mắt của Emma Thompson, trình độ ngoại ngữ "hạng quèn" của Colin Firth, vẻ điển trai của Hunt Grant và đương nhiên cả những phút hài hước của "Mr. Bean" Rowan Atkinson. Yes, love actually is all around! (well, not really, đúng ngày hôm nay thì một trong những cặp đôi bền vững nhất của Hollywood trong suốt hai thập kỉ qua, Tim Robbins và Susan Sarandon chính thức tuyên bố chia tay sau 23 năm chung sống)


(những ai muốn tìm cảm giác nhẹ nhàng của Love Actually có thể xem The Boat that Rocked)

dimanche 20 décembre 2009

Best films of 2009

Poster Year One, tất nhiên không liên quan đến nội dung entry.

Top ten by Roger Ebert (mainstream):
01. Bad Lieutenant (Werner Herzog)
02. Crazy Heart (Scott Cooper)
03. An Education (Lone Scherfig)
04. The Hurt Locker (Kathryn Bigelow)
05. Inglourious Basterds (Quentin Tarantino)
06. Knowing (Alex Proyas)
07. Precious: Based on the Novel Push by Sapphire (Lee Daniels)
08. A Serious Man (Coen Brothers)
09. Up in the Air (Jason Reitman)
10. The White Ribbon (Michael Haneke)

My top ten (trong số - không nhiều những phim đã xem):


01. The Boat That Rocked (Michael Curtis) - Trailer - IMDb: 7.6 - Rotten Tomatoes: 54%
- Feel-good movie of the year. Sau Love Actually, Michael Curtis lại chứng tỏ ông là "vua" của những bộ phim người ta nên mua vào dịp nghỉ lễ bên gia đình.


02. District 9 (Neil Blomkamp) - Trailer - IMDb: 8.4 - Rotten Tomatoes: 90%
- Phim khoa học giả tưởng của năm. Kinh phí chỉ ngang một phim hành động bình thường của Hollywood nhưng chất lượng và mức độ sáng tạo thì vượt trội các blockbuster hè năm nay.


03. In the Loop (Armando Iannucci) - Trailer - IMDb: 7.7 - Rotten Tomatoes: 95%
- Phim hài của năm. Anh vẫn chứng tỏ là mảnh đất màu mỡ cho những bộ phim hài thâm thúy và đề cập trực tiếp đến chính trị chứ không chỉ "gãi" bên ngoài như các phim của Mỹ.


04. Inglourious Basterds (Quentin Tarantino) - Trailer - IMDb: 8.5 - Rotten Tomatoes: 88%
- Movie of the year. Tarantino không bao giờ làm thất vọng người hâm mộ của ông.


05. Looking for Eric (Ken Loach) - Trailer - IMDb: 7.4 - Rotten Tomatoes: 88%
- Bộ phim của năm cho giới bình dân. Diễn viên giản dị, nội dung mộc mạc nhưng vẫn đầy ắp ý nghĩa và tình người.


06. (500) Days of Summer (Marc Webb) - Trailer - IMDb: 8.1 - Rotten Tomatoes: 86%
- Phim tình cảm lãng mạn của năm, vượt trội trong một năm mất mùa của thể loại này.


07. Ponyo (Hayao Miyazaki) - Trailer - IMDb: 8.0 - Rotten Tomatoes: 91%
- Phim hoạt hình của năm.


08. Thirst (Park Chan-wook) - Trailer - IMDb: 7.4 - Rotten Tomatoes: 82%
- Film noir của năm.


09. Vengeance (Đỗ Kỳ Phong) - Trailer - IMDb: 6.7 - Rotten Tomatoes: 80%
- Phim hành động của năm.


10. The White Ribbon (Michael Haneke) - Trailer - IMDb: 8.2 - Rotten Tomatoes: 90%
- Phim chính trị của năm. Giành giải Cành cọ vàng trong một năm có rất nhiều phim xuất sắc dự thi.

samedi 19 décembre 2009

Die Welle (2008)


Rainer Wenger là một giáo viên trung học phổ thông trẻ, yêu đời, yêu nhạc rock và có một cô người yêu kiêm đồng nghiệp dễ thương. Cuộc sống yên ả của anh bắt đầu thay đổi khi Wenger được phân công giảng bài Chế độ chuyên chế (autocracy) cho môn Chính trị vốn luôn ám ảnh học sinh bởi sự nhàm chán và tẻ ngắt. Để thay đổi phong cách, Wenger quyết định cho học trò của mình thực hành luôn mô hình Chuyên chế trong lớp học, anh đề nghị học sinh gọi mình là "Ông/Ngài Wenger" (Herr Wenger) thay vì cái tên Rainer thân mật, những đặc điểm khác của một nhà nước chuyên chế như đồng phục (sơ mi trắng), kỷ luật, trật tự hay tính tập thể đều được mang ra thử nghiệm. Sáng kiến của Wenger thành công đến không ngờ khi lũ học trò của anh, vốn đã quá chán ngán với cuộc sống thường nhật không thể thỏa mãn trí óc mới lớn của các em, cảm thấy cực kì hứng thú với "Nhà nước của Ngài Wenger" và bắt đầu dồn toàn tâm toàn ý để củng cố cho mô hình ấy. Và rồi cái gì đến cũng phải đến, một mô hình chuyên chế, dù là ở quy mô tế bào như "Nhà nước của Ngài Wenger" cũng tiến tới chỗ biến dạng khỏi mục đích tốt đẹp ban đầu của nó, nhất là khi người lãnh đạo mô hình - Wenger, lại không lường trước được hậu quả từ "sáng kiến" của anh, trong khi cái thế hệ nòng cốt của mô hình lại là thanh niên mới lớn - lứa tuổi nổi loạn và sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để bảo vệ cái mà các em cho là lý tưởng của mình.

Có thể nói Die Welle là một phim sư phạm hoàn hảo về nguyên nhân và tác hại của chế độ chuyên chế. Bằng một ví dụ cực kì đơn giản, gần gũi là một lớp học bình thường với những cô cậu thanh niên hết sức bình thường với đủ cả những giây phút sáng suốt và vô số thời khắc khác nổi loạn, Die Welle đã cho người xem thấy được cả mầm mồng, cách thức lây lan và tác hại khôn lường của một mô hình chuyên chế: Khi một tầng lớp hoặc một xã hội cảm thấy mất phương hướng về lý tưởng sống, mất niềm tin vào môi trường sống xung quanh của họ, thì chỉ cần một người lãnh đạo có khả năng, cả cái tầng lớp, cái xã hội ấy sẽ hòa nhịp để tạo thành một đợt sóng (die welle) rồi lớn dần thành cơn sóng thần cuốn phăng đi tất cả. Bộ phim cho ta thấy mối nguy hiểm tiềm tàng của một chế độ phát xít mới khi mà mầm mống của nó luôn luôn hiện hữu trong một tầng lớp mất phương hướng và khao khát lý tưởng như thanh niên mới lớn. Và cái mầm mống ấy càng có khả năng nảy mầm thành cây độc khi mà xã hội, hay cụ thể là bố mẹ lại bỏ mặc các em "tự lớn", tự đối phó với những bế tắc về suy nghĩ, về cách nhìn cuộc sống.

Nếu khắt khe thì người xem vẫn có thể chê Die Welle vì tính "kịch" của bộ phim khá cao bất chấp việc dàn diễn viên, đặc biệt là các diễn viên trẻ thủ vai học trò, của phim diễn rất tự nhiên và nhập vai, nhưng khó có thể trách được đạo diễn trong trường hợp này vì muốn truyền tải cái "thí nghiệm" của Wenger thì không còn cách nào khác đạo diễn phải "bắt" đa số các nhân vật trong lớp học phải biến thành "người tượng", không có quan điểm và phản ứng riêng trước sự hình thành của die welle trong khi đáng ra đặc điểm nổi bật nhất của giới trẻ phải là sự phản kháng, chống đối (anarchy - vô chính phủ). Die Welle quả xứng đáng được sinh ra trong lòng nước Đức, "tổ quốc" của chế độ chuyên chế cao độ bậc nhất - Đức Quốc Xã và cũng là quốc gia chịu thương tổn nặng nề nhất từ chế độ này. Die Welle đề cập tới Đức Quốc Xã thông qua những hình ảnh ẩn dụ hết sức tài tình, mà không tài tình sao được khi một lớp học hết sức bình thường lại có thể trở thành tấm gương phản chiếu trung thực những gì đã xảy ra trong xã hội Đức giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến. Tôi còn hết sức hài lòng vì Die Welle không hề động tới Holocaust - thứ chủ đề "bắt buộc" trong mọi phim Hollywood nói về, hoặc động tới Đức Quốc Xã, vì thực chất Diệt trừ Do Thái chỉ là một bộ phận cấu thành nên học thuyết (doctrine) của nhà nước Đức Quốc Xã chứ chưa bao giờ là giáo điều (dogma) của chế độ này. Theo tôi, Die Welle xứng đáng được đưa vào bất cứ chương trình học phổ thông nào về lịch sử hoặc chính trị vì sự chính xác, dễ hiểu và gần gũi với học sinh của nó - muốn để "làn sóng" không biến thành cơn sóng thần hủy diệt, hãy cho mỗi tế bào cấu thành của làn sóng đó thấy được cái cách làn sóng dị dạng thành sóng thần thế nào.

Nói thêm là nhạc phim rất hay và hợp với không khí phim, toàn nhạc rock.


Ending theme

mardi 15 décembre 2009

67th Golden Globe Awards nominations


Mùa giải thưởng lại đến, vẫn như thường lệ, đỏ là dự đoán đoạt giải, xanh là hy vọng đoạt giải.

===

Jason Reitman’s Up In The Air is leading the nominations for the 67th Golden Globes with six including best film, best director and best actor for the film’s star George Clooney.

It has also picked up two nominations for best supporting actress for Anna Kendrick and Vera Farmiga, as well best screenplay. Inglourious Basterds, Quentin Tarantino’s World War Two feature, picked up four nominations including best film, best director and best supporting actor for Christoph Waltz.

Meryl Streep has picked up two nominations for best actress in a musical or comedy for Julie & Julia and It’s Complicated, while Sandra Bullock also scored two with a nomination for best actress in drama The Blind Side and best actress in a comedy or musical for The Proposal.

The Golden Globes will be hosted by Ricky Gervais on Jan. 17 at the Beverly Hilton in Los Angeles.

The nominations:

Best motion picture – drama
Avatar
The Hurt Locker
Inglourious Basterds
Precious
Up In The Air

(Avatar vừa ra rạp đã vào list, ghê thật. Basterds chắc không có giải vì Tarantino chưa bao giờ là gu của các giải điện ảnh Mỹ. Precious chỉ góp vai trò underdog, The Hurt Locker ... chả tin là có giải)

Best motion picture - musical or comedy
500 days Of Summer
The Hangover
It’s Complicated!
Julie & Julia
Nine

(weak category, mấy phim như Nine hay It's Complicated chắc chỉ vừa kịp chiếu cho giới phê bình xem. Thôi chọn bừa.)

Best director
Kathryn Bigelow, The Hurt Locker
James Cameron, Avatar
Clint Eastwood, Invictus
Jason Reitman, Up In The Air
Quentin Taratino Inglourious Basterds

(Nếu The Hurt Locker trượt Best Picture thì chắc Bigelow sẽ được an ủi bằng giải này, lại có thêm yếu tố "nữ" nên khả năng này càng lớn. Còn nếu The Hurt Locker mà bất ngờ được Best Picture thì cơ hội sẽ là 51% cho Reitman, 49% cho Bigelow.)

Best animated feature
Coraline
Fantastic Mr Fox
Up
Cloudy With A chance Of Meatballs
The Frog And The Princess

(no comment!)

Best actor in a motion picture, drama
Jeff Bridges, Crazy Heart
George Clooney, Up In The Air
Colin Firth, A Single Man
Morgan Freeman, Invictus
Tobey Maguire, Brothers

(không biết underdog có làm nên được bất ngờ trước ứng cử viên nặng ký Lebowski, à quên, Jeff Bridges không)

Best actress in a motion picture, drama
Emily Blunt, The Young Victoria
Sandra Bullock, The Blind Side
Helen Mirren, The Last Station
Carey Mulligan, An Education
Gabourey “Gabby” Sidibe, Precious

(toàn phim chưa xem, lại phải đoán bừa. The Young Victoria nghe nói chất lượng không ra sao vậy mà Blunt cũng được đề cử)

Best performance by an actor in a musical or comedy
Matt Damon, The Informant!
Daniel Day Lewis, Nine
Robert Downey Jr, Sherlock Holmes
Joseph Gordon-Levitt, 500 Days Of Summer
Michael Stuhlbarg, A Serious Man

(đoán bừa)

Best performance by an actress in a musical or comedy
Sandra Bullock, The Proposal
Marion Cottillard, Nine
Julia Roberts, Duplicity
Meryl Streep, It’s Complicated
Meryl Streep, Julie & Julia

("Bạn" Streep nhất định không chịu nhường các bạn trẻ khác. Đây cũng là weak category với một loạt phim và vai diễn thường thường bậc trung - Julie & Julia, Duplicity, The Proposal không hiểu sao vẫn lọt vào danh sách. Away We Go với bộ diễn viên rất khá thì không thấy có ai, thật khó hiểu)

Best supporting actor
Matt Damon Invictus
Woody Harrelson The Messenger
Stanley Tucci The Lovely Bones
Christopher Plummer, The Last Station
Christoph Waltz Inglourious Basterds

(chắc Basterds sẽ được "an ủi" bằng giải này, mà đôn Waltz lên hạng mục vai chính có khi cũng vẫn được, Brad Pitt lại "blow off" một cơ hội nữa để có giải thưởng tử tế)

Best supporting actress
Penelope Cruz Nine
Vera Farmiga Up In The Air
Anna Kendrick Up in the Air
Mo’Nique Precious
Julianne Moore A Single Man

(đoán mò, hơi tiếc cho Maggie Gyllenhaal, vai của cô trong Away We Go rất tốt, trong Crazy Heart có vẻ Maggie cũng có đất diễn)

Best foreign film
Broken Embraces
The White Ribbon
The Maid
A Prophet
Baaria


Best screenplay
District 9, Neil Blomkap, Terri Tatchell
The Hurt Locker ,Mark Boal
Inglourious Basterds, Quentin Tarantino
It’s Complicated, Nancy Meyers
Up In The Air, Jason Reitman, Sheldon Turner

(strong category, hy vọng vào Tarantino nhưng các đối thủ khác cũng mạnh)

Best original song
The Weary Kind, T-Bone Burnett, Ryan Bingham (Crazy Heart)
I Want To Come Home,
Paul McCartney, (Everybody’s Fine)
Cinema Italiano,
Maury Yeston, Nine
Winter,
U2, Bono (Brothers)
I Will See You,
James Horner, Simon Franglen, Kuk Harrell (Avatar)

(đoán bừa, có lẽ Avatar sẽ được "an ủi" bằng giải này chăng)

Best original score
The Informant!, Marvin Hamlisch
Up, Michael Giacchino
Where The Wild Things Are, Carter Burwell, Karen Orzolek
Avatar, James Horner
A Single Man, Abel Korzeniowski

====

Source: http://www.screendaily.com/awards/golden-globes/golden-globes-news/up-in-the-air-leads-golden-globe-nominations/5009109.article

dimanche 13 décembre 2009

Vengeance (2009) - Đỗ Kỳ Phong, "Cổ Long của phim hành động"


Nhẩn nha xem phim dự thi Cannes năm nay, sao thấy toàn phim hay ghê gớm vậy ta! Vậy mà không hiểu tại sao năm nay các bác Pháp lại có vẻ ỉu xìu với chất lượng liên hoan phim, lạ lùng thật?!

Đối với dòng phim hành động Hồng Kông thì có lẽ Ngô Vũ Sâm có vai trò trụ cột và khai sáng tương tự như Kim Dung đối với truyện chưởng, và thực tế thì phong cách xây dựng nhân vật và cốt truyện của Ngô Vũ Sâm cũng có cái gì đó hoa mỹ, vừa anh hùng kiểu "Đại Hán", Thủy hử vừa mang chút "ẩm ướt" kiểu Hồng lâu mộng, Tây sương ký tựa như tiểu thuyết thời đầu của Kim Dung (trừ Tiếu ngạo giang hồ, và tất nhiên Lộc đỉnh ký). Việc những A Better Tomorrow, The Killer hay Hard Boiled của Ngô quá ... hay và kinh điển đã làm khó cho các đạo diễn phim hành động thế hệ sau trong việc lấp khoảng trống của Ngô sau khi ông sang Hollywood vì làm giống "sư phụ" sẽ bị chê là bắt chước trong khi xây dựng những nhân vật khiến cho khán giả idolize hoặc đẩy cao kịch tính và độ phức tạp của các bộ phim hành động lên trên tầm Ngô Vũ Sâm là điều gần như không thể. Kết quả tất yếu là phim hành động Hồng Kông lâm vào khủng hoảng sáng tạo, kéo luôn theo nó là cả nền điện ảnh Hồng Kông trong khoảng thời gian giữa thập niên 1990.

Nói một cách "kiếm hiệp" thì trong lúc "quần hùng" hoang mang, lòng người ly tán thì một cao thủ trẻ tuổi đã xuất hiện, đó là Đỗ Kỳ Phong. Đỗ là một đạo diễn điêu luyện của thể loại phim hành động, điêu luyện theo kiểu ... Ngô Vũ Sâm, bằng chứng là các bộ phim xuất sắc thời kỳ đầu của Đỗ như Breaking News, The Heroic Trio đều đậm chất hoành tráng với những nhân vật theo kiểu anh hùng truyền thống như Ngô Vũ Sâm. Nhưng Đỗ nhanh chóng nhận ra rằng nếu mình chỉ là cái bóng của Ngô tiên sinh thì tên tuổi của ông sẽ "sớm nở chóng tàn" như Lâm Linh Đồng (Prison on Fire) hay Đường Quý Lễ (Police Story 3). Nhưng phải thay đổi thế nào?

Thực tế đạo diễn đầu tiên cố gắng thoát khỏi phong cách hành động "kiểu Ngô Vũ Sâm" chính là ... Vương Gia Vệ. Bộ phim đầu tay của ông, As Tears Go By (tên tiếng Trung của phim này cũng hay, Vượng Giác Tạp Môn hay Nàng Carmen xứ Vượng Giác) cho thấy ảnh hưởng "nặng nề" của Ngô Vũ Sâm nhưng đồng thời cũng mang những nét rất riêng về cách nhấn mạnh vào chiều sâu tâm lý của nhân vật cùng những xung đột nội tâm bên trong các anh hùng (điều mà Ngô ít khi dành đất trong phim của mình để miêu tả). Nhưng bộ phim đầu tay này của Vương thực sự không phải một tác phẩm thành công, đó có lẽ cũng là một điều may mắn cho điện ảnh Hồng Kông vì "nhờ" có thất bại này mà Vương Gia Vệ mới quyết tâm dựa vào những thế mạnh của mình để tách ra đi riêng một con đường của những Days of Being Wild, Chungking Express sau này.

Quay trở lại với Đỗ Kỳ Phong, ông cũng cố gắng thay đổi hình tượng anh hùng "kiểu Ngô Vũ Sâm" bằng cách phá tung nhân vật và lắp lại theo một cách đặc biệt nhất thông qua những chi tiết hành động theo kiểu thông minh chứ không còn máu lửa hoành tráng như Ngô. Ví dụ trong Running Out of Time, thành công đầu tiên của đạo diễn theo "phong cách mới", nhân vật anh hùng của Đỗ là một kẻ trộm ... sắp chết (Lưu Đức Hoa - vai diễn "tử tế" đầu tiên của ngôi sao này) và cố dành chút thời gian còn lại để thực hiện một phi vụ cuối cùng trong hoàn cảnh "mèo đuổi chuột" với một viên thanh tra cảnh sát tài năng nhưng luôn bị ám ảnh với công việc (Lưu Thanh Vân - diễn viên ruột của Đỗ). Hoàn toàn không có những pha bắn giết hoành tráng, thay vào đó là các pha heist thông minh theo kiểu Hollywood nhưng mang màu sắc rất riêng nhờ hai nhân vật chính "nửa chính nửa tà" rất đặc sắc. Hướng đi thứ hai của Đỗ là xây dựng những tình huống dở khóc dở cười để đẩy nhân vật của mình vào đó và buộc họ hành động (đương nhiên - đây là phim hành động) đồng thời bộc lộ tính cách thật của mình. Đó là chủ đề chính của The Mission, ra đời cùng năm với Running Out of Time, tác phẩm nói về một băng sát thủ siêu hạng (do toàn diễn viên ruột của Đỗ thủ vai: Hoàng Thu Sinh, Lâm Tuyết, Ngô Chấn Vũ) lâm vào cảnh trớ trêu khi ông chủ ra lệnh họ phải hạ sát một thành viên trong nhóm. The Mission không chỉ đặc sắc về nội dung và cách xây dựng nhân vật đa diện, đây còn là tác phẩm đầu tiên được Đỗ Kỳ Phong chăm chút cho từng cảnh quay hành động sao cho tính thẩm mỹ của từng pha bắn giết được nhấn mạnh, các nhân vật của Đỗ cầm súng, bắn súng như thể họ đang ... múa, đẹp mắt, tinh giản và mang tính tượng hình rất cao. Sự thông minh của Đỗ Kỳ Phong đã giúp ông dần trở thành một Cổ Long của phim hành động Hồng Kông với đầy đủ tư cách để "một mình một chiếu" với các bộ phim hành động "trừu tượng", tinh tế, y hệt cái cách Cổ Long khiến người khác phải nhớ đến mình như một "Cổ Long" chứ không phải như một "tác giả đàn em của Kim Dung".

Kể từ cuối thập niên 1990 thì Đỗ Kỳ Phong đã thực sự trở thành trụ cột mới của làng phim giải trí Hồng Kông, ông làm phim rất nhanh, một số "không ra gì" nhưng vẫn có rất nhiều tác phẩm giá trị, đáng khâm phục là Đỗ thành công cả ở phim hài tình cảm (Needing You, Yesterday Once More), cả ở phim bi (Running on Karma) và thậm chí còn là bậc thầy mới của phim xã hội đen Hồng Kông với bộ đôi Election Election 2. Nhưng đam mê thật sự của Đỗ vẫn là phim hành động, PTU, Mad Detective, Exiled (phần tiếp theo của The Mission, và thành công không kém), đều chứng tỏ xu hướng của Đỗ là dần gọt bỏ những chi tiết theo kiểu truyền thống của phim hành động để trừu tượng hóa từ nội dung phim cho đến từng cảnh đấu súng trong phim. Có lẽ vì đã tạo dựng được vị thế của mình nên Đỗ Kỳ Phong mới dám mạo hiểm như vậy, vì cách làm phi truyền thống và phá vỡ kết cấu thông thường của phim hành động của ông chắc chắn sẽ làm phim mất nhiều fan hâm mộ phim hành động "tinh tuyền", lại một lần nữa ta thấy sự phản chiếu đối với Cổ Long, ai từng đọc Cổ Long hẳn sẽ thuộc hai thái cực riêng rẽ, một cực ghét và một cực thích cách hành văn cộc lốc, cách xây dựng nhân vật trừu tượng tới mức phi thực tế của Cổ Long. Càng về sau Đỗ Kỳ Phong càng dần bỏ qua cách xây dựng cốt truyện chặt chẽ của phim hành động truyền thống (anh hùng => bị ghen ghét => bị vùi dập => đường cùng => vượt qua => anh hùng), ông thường nới lỏng đường dây dẫn truyện (narrative), thay vào đó Đỗ chú trọng vào từng chi tiết nhỏ, gọt giũa sao cho chúng có vẻ ngoài mang tính thẩm mỹ cao nhất có thể, từng nhân vật cũng được đạo diễn trừu tượng hóa, họ không còn là những anh hùng bằng xương bằng thịt mà dần trở thành những David của Michelangelo - những nhân vật khiến người xem ấn tượng vì vẻ ngoài, cách cư xử đặc biệt của họ chứ không còn vì họ "là anh hùng" hay "giống thật". Có thể so sánh ngay Exiled với tiền thân của nó, The Mission. Exiled là đoạn tiếp theo của The Mission khi nhóm sát thủ tái hợp sau thời gian dài ly tán, họ ít cười, ít nói và mất dần đi cái vẻ gần gũi thời kỳ đầu (Hoàng Thu Sinh diễn rất đạt vai này) nhưng vẫn khiến người xem phải chăm chút nhìn cách họ vượt qua khỏi những tình huống ngặt nghèo bằng những pha đấu súng đẹp ... như tranh trừu tượng của Matisse. Đỗ Kỳ Phong hứng thú với cách làm phim này tới mức ông cho ra đời hẳn một bộ phim chỉ chuyên về những cảnh hành động đẹp mắt, đó là Sparrow, một bộ phim về trộm cắp đơn thuần (không có bắn giết) nhưng lại giúp Đỗ tận dụng được tối đa trí tưởng tượng của ông trong việc dàn dựng những pha "đấu trộm cắp".

Cách làm phim hành động ... kiểu nghệ thuật khiến Đỗ Kỳ Phong trở thành đạo diễn yêu thích của người Pháp, ông thường xuyên là khách quen của LHP Cannes dù phim hành động chưa bao giờ được coi trọng ở liên hoanthiên về phim nghệ thuật này. Người Pháp yêu thích Đỗ Kỳ Phong tới mức họ quyết định bỏ tiền để Đỗ làm phim theo ý thích, đó là Vengeance, bộ phim với sự góp mặt của hai ngôi sao người Pháp Johnny Hallyday và Sylvie Testud.

Vengeance kể về cuộc trả thù của François Costello (Johnny Hallyday) cho con gái (Sylvie Testud), người đã mất cả chồng, hai đứa con và trở thành bại liệt suốt đời vì ba kẻ sát thủ lạ mặt. Đỗ Kỳ Phong xây dựng nhân vật này là dựa theo nhân vật ngôi sao của Le Samouraï, tác phẩm hành động đã đưa Alain Delon lên hàng thần tượng của nước Pháp vào cuối thập niên 1960, đáng ra Delon mới là người được chọn vào vai Costello trong phim này nhưng chắc "lão ngôi sao" đã quá già và xuống sắc để vào một vai đòi hỏi thần khí của một "sát thủ" như Vengeance, kết quả là Hallyday-ngôi sao nhạc rock... vừa nghỉ hưu của Pháp được mời thế chỗ, thực tế thì Hallyday và Delon trông cũng khá giống nhau, tất nhiên Delon trông thanh lịch hơn còn Hallyday trông "ngầu" hơn. Giờ là thập niên 2000, 40 năm đã trôi qua và tất nhiên Costello không còn là Costello của Le Samouraï nữa, ông bị một viên đạn găm trong đầu xóa dần đi kí ức và để trả thù ông buộc phải dùng máy ảnh tự động chụp từng cảnh cần nhớ và sao đó ghi chú thêm phía dưới (tất nhiên đoạn này sẽ làm mọi người nghĩ ngay đến Memento của Chris Nolan, nhưng cách sử dụng yếu tố "mất trí nhớ" của Đỗ khác hơn nhiều). Một cách tình cờ Costello có được sự giúp đỡ của bộ ba tay sát thủ (... vẫn là nhóm sát thủ của The Mission, Exiled, có khác chăng là lần này chỉ có 3 người, do Hoàng Thu Sinh, Lâm Tuyết và Lâm Gia Đồng đóng) những người mà Costello quen khi ông chứng kiến bọn họ đang ... làm ăn (=giết người) ở phòng khách sạn bên cạnh. Và "nhóm bộ tứ" của The Mission, Exiled lại được tái lập khi Costello tiết lộ rằng bản thân ông cũng là một tay súng cừ. Đúng như "thương hiệu" của mình, nhóm sát thủ nhanh chóng tìm ra được những kẻ cừu thù của Costello và hạ sát chúng. Nhưng lại một lần nữa, nhóm rơi vào tình trạng dở khóc dở cười khi hóa ra đó chính là thuộc hạ của ông trùm (vẫn như mọi khi, do Nhậm Đạt Hoa thủ vai), và giết thuộc hạ đồng nghĩa với việc tuyên chiến với ông trùm hùng mạnh. Chưa dừng lại ở đó, chứng mất trí của Costello ngày càng nặng nề và ông khiến những người bạn sát thủ không biết nên cười hay nên khóc khi tuyên bố rằng ông chẳng còn nhớ chút gì về chuyện phải trả thù. Bốn người nay chỉ còn ba, họ sẽ đối mặt ra sao với ông trùm vốn có đám thuộc hạ đông đảo gấp bội? Và còn Costello, liệu cuộc đời của ông già này có còn ý nghĩa khi mà đến mục đích sống duy nhất của ông - trả thù, cũng đã tuột mất khỏi trí nhớ?

Bộ phim có tiêu đề là Vengeance - trả thù và đường dây dẫn dắt chính của phim cũng xoay quanh cuộc trả thù của Costello. Nhưng đúng với phong cách của mình, Đỗ Kỳ Phong không bám chặt vào cốt truyện này, thay vào đó ông tập trung sức sáng tạo, đặc biệt là những sáng tạo về mặt thị giác, cho từng đoạn riêng lẻ, vì thế nếu ai không quen xem phim của Đỗ có lẽ sẽ khó lòng thích sự lỏng lẻo của Vengeance. Nhưng nếu thích rồi thì vấn đề lại khác. Vengeance tập trung tất cả những gì tinh túy nhất trong kĩ thuật trừu tượng hóa phim hành động của Đỗ Kỳ Phong, đoạn nhóm sát thủ của Costello chờ đợi những kẻ cừu thù chia tay gia đình được Đỗ làm đẹp hệt như một trận quyết đấu trong truyện Cổ Long (như cái cách Tây Môn Súy Tuyết vẫn chờ đợi địch thủ), mà đấy chỉ là một trong số rất nhiều trường đoạn hành động đẹp của Vengeance, những ai đã yêu thích phim của Đỗ chắc chắn sẽ phải phấn khích khi liên tục được chứng kiến những pha chạy trốn trong mưa, bắn súng giữa trời đất rộng lớn với gió thổi, giấy báo bay tơi bời, hoảng loạn trong rừng ô (tương tự như Sparrow),... Có cảm giác Đỗ Kỳ Phong làm bộ phim này với mục đích tối thượng là thỏa mãn sức sáng tạo của mình trong việc phá cách phim hành động, và kết quả là những người hâm mộ của ông được hưởng lợi với một bộ phim đẹp, ấn tượng mà vẫn gợi được những triết lý cơ bản về tình bạn, tinh thần mã thượng và lòng trung thành (những chủ đề khán giả hay bắt gặp trong phim của Đỗ). Một bộ phim "tinh tuyền" của "Cổ Long phim hành động".

samedi 12 décembre 2009

District 9 (2009), The Blind Side (2009)


District 9 có thể nói là một tác phẩm mang tính đột phá trong dòng phim alien - người ngoài hành tinh xâm chiếm Trái Đất vốn tưởng như đã không còn gì mới để khai phá. Bộ phim làm mới cái chủ đề cũ rích này bằng một cách đơn giản - đặt ngược lại vấn đề: Mọi việc sẽ ra sao nếu chính những người ngoài hành tinh mới là tầng lớp hạ đẳng, bị loài người đàn áp, ức hiếp và khinh miệt? Đây là cách đặt ngược vấn đề quá sức thông minh vì nó vừa mới, lại vừa giúp đạo diễn tận dụng được trực tiếp những sự kiện lịch sử có thật về tệ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi để biến District 9 thực sự trở thành tấm gương phản chiếu xã hội thay vì hoặc động chạm một cách nửa mùa (hay tệ hơn nữa là quên bẵng đi nội dung mà chỉ tập trung vào kĩ xảo - The Transformers) như Terminator: Salvation hoặc dùng ẩn dụ quá sâu sắc khiến khán giả bình thường khó lòng hiểu hết ý nghĩa như Children of Men.

Bộ phim được mở đầu bằng một khúc khá dài (và khá mệt mỏi) để giới thiệu về nhân vật Wikus, một nhân viên phụ trách quản lý lũ "mọi" (prawn, "nigger" của người ngoài hành tinh) người ngoài hành tinh, và những sự kiện bất ngờ đã biến anh ta từ phía con người nay lại quay sang hàng lũ của lũ "mọi" với một tình cảm chân thành thực sự. Mặc dù đây là đoạn "vào đề" nhưng thực chất những sáng tạo về nội dung và cách làm phim của District 9 tập trung hầu hết ở đây, thông qua những đoạn phóng sự, trả lời phỏng vấn ngắn dạng mockumentary, bộ phim dần xây dựng nên một xã hội Nam Phi đặc sắc, vừa gần gũi vì quan hệ phân biệt chủng tộc người-"mọi" không khác gì quan hệ phân biệt chủng tộc da trắng-da đen trước kia, vừa lạ lùng đặc sắc vì lần đầu tiên trên màn ảnh người ta thấy những alien có bề ngoài sâu bộ gớm ghiếc nay không còn là nỗi sợ hãi của loài người, ngược lại còn trở thành cái bia để con người tống khứ tất cả những sai lầm của chính họ và những cách đối xử tàn bạo, phi nhân tính nhất. Do apartheid là thứ không hề gần gũi với khán giả quốc tế (bên ngoài Nam Phi người ta chỉ biết tới đơn giản apartheid = da trắng phân biệt chủng tộc với da đen chứ không biết "phân biệt chủng tộc" ở đây là như thế nào) nên phần "khởi động" này của phim theo tôi là hơi dài so với một tác phẩm giải trí vì (không còn cách nào khác) phải dài như vậy mới đủ giúp khán giả hình dung được bối cảnh của một xã hội kiểu apartheid là như thế nào.

Phần cuối của phim khiến tôi ngạc nhiên vì trình độ kĩ xảo ấn tượng so với con số đầu tư 30 triệu USD của phim, tuy không thể "mượt mà" như The Transformers nhưng District 9 lại sáng tạo và gần gũi hơn nhiều với những vũ khí, người máy theo kiểu manga Nhật Bản (Akira, Appleseed,...). Phần này cũng "sến" hơn rất nhiều so với phần mở đầu, đặc biệt là trong cách tận dụng hình ảnh "anh người ngoài hành tinh" ngơ ngác trước lũ người Trái Đất tàn bạo và nham hiểm. Bản thân cách xây dựng tương phản hình ảnh Wikus dễ mến, ngố ngố ở đầu phim và hình ảnh Wikus bẩn thỉu, dị hợm, đau đớn ở cuối cũng là một cách "sến hóa" khá lạ của dòng phim khoa học giả tưởng, thật may là ở District 9 này nó đem lại hiệu ứng tốt vì xem những trường đoạn đặc tả Wikus rõ ràng sẽ khiến người xem cảm động. Với sự lệch pha về nội dung như vậy, phần đầu và phần cuối của phim bị "vênh" khá lớn, tôi không muốn nói là phần nào "hay" hơn phần nào (cả hai phần đều có nét đặc sắc riêng), nhưng điều này đã khiến phim không được đồng nhất và vì thế District 9 mới chỉ dừng lại ở mức một phim giải trí hay chứ chưa thể trở thành "kim chỉ Nam" mới cho dòng phim alien.


Xem phim này xong có lẽ câu bình luận thích hợp nhất là: "Hollywood at its best!". Không giàu kịch tính hay sự bất ngờ (vì là phim tiểu sử), không có dàn diễn viên "sao" hoặc thực sự nổi về diễn xuất (có thể trông đợi gì từ Sandra Bullock và Tim McGraw?), không có phần thoại sâu sắc hay kĩ xảo độc đáo, nhưng The Blind Side vẫn ăn khách (một cách không hề rẻ tiền), vẫn cuốn hút người xem và khiến họ trầm trồ vì khả năng làm phim của các nhà điện ảnh Hollywood.

The Blind Side kể về câu chuyện của Michael Oher, một cậu thiếu niên da đen "khổng lồ" có thời thơ ấu bất hạnh nhưng đã vượt qua được cuộc sống khó khăn để trở thành một ngôi sao của làng bóng đá Mỹ (American football). Tất nhiên thành công không từ trên trời rơi xuống, nó có được một phần nhờ vào nghị lực của Oher và một phần rất lớn khác nhờ vào sự giúp đỡ, động viên từ mẹ nuôi của anh, Leigh Anne Tuohy. Nửa tiếng đầu của bộ phim được dành để khắc họa số phận cay đắng của cậu thiếu niên Michael và cuộc gặp gỡ tình cờ của bà Tuohy với Michael trong một đêm mưa lạnh. Đã lâu rồi tôi mới được xem 30 phút phim cảm động đến như vậy, tôi tin là nhiều chị em gái sẽ phải rơi nước mắt khi xem Michael to béo phải co ro trong đêm lạnh và nỗi cô đơn đến cùng cực, và chắc nhiều người cũng sẽ phải rơi nước mắt vì cách cư xử mạnh mẽ nhưng đầy tình thương và sự quan tâm của bà Tuohy - một phụ nữ da trắng có tất cả (một gia đình hạnh phúc, một công việc thành đạt, một ... chiếc BMW 7 series) với Michael - một cậu thiếu niên cả đời chưa bao giờ có nổi một cái giường cho riêng mình. The Blind Side thành công ở chỗ phim không hề "câu nước mắt" bằng việc nhấn mạnh vào chi tiết sướt mướt đậm chất mélo, bộ phim tiểu sử này chỉ kể lại sự việc bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh giản dị với phần thoại không hề hoa mỹ và các nhân vật cũng giản dị không kém như cái chất giọng "nhà quê" bẹt bẹt miền Nam của họ. Chính sự giản dị đã tạo hiệu ứng tốt cho phim và khiến cho nửa tiếng đầu của The Blind Side thành công đến vậy.

Phần mở đầu xuất sắc làm tôi lo ngại rằng phim sẽ bị vênh nếu "khúc" còn lại được làm không tốt. Và quả thực là phần sau của phim không được tốt như phần mở đầu. Đạo diễn vì trung thành với tính chất phim tiểu sử nên đã hạn chế tối đa mọi sự kịch tính hóa không cần thiết (nhưng cũng làm giảm sự hấp dẫn của phim), chủ đề thể thao, một đặc điểm khác có thể tăng tính hấp dẫn cho phim, cũng không được tận dụng, The Blind Side thay vào đó chỉ tập trung khắc họa sự biến đuổi của Michael sau khi trở thành thành viên của nhà Tuohy và của bà Tuohy sau khi nhận nuôi dưỡng Michael. Dù sao phần này cũng không quá "kém" đến mức làm tôi thất vọng (tôi chưa bao giờ hy vọng rằng một feel-good movie có thể "đẻ" ra điều gì đột phá) vì nội dung nhẹ nhàng, dung dị của phim cũng đã đủ khiến tôi bất ngờ nếu so với cái cách làm phim "hở ra" là kịch tính hóa như Hollywood. Có lẽ Michael Oher và bà Tuohy ngoài đời cũng sẽ hài lòng vì The Blind Side khi hình ảnh của họ trong phim được khắc họa như những người hết sức bình thường chứ không phải như những nhân vật điện ảnh (phần générique cuối phim có hình ảnh thật của Michael và bà Tuohy, họ không khác nhiều so với mô tả trên phim), thành công này phải kể tới diễn xuất của Bullock, người thủ vai bà Tuohy, và Quinton Aaron, người thủ vai Michael. Vẻ ngoài hiền lành của Aaron khiến người xem lập tức có cảm tình với nhân vật Michael của anh trong khi Bullock trong một vai "nghiêm túc" hiếm hoi đã cho thấy cô hoàn toàn có khả năng không dùng những pha hài (nhảm) mà vẫn khẳng định được tính cách của nhân vật.

Nói một cách văn vẻ thì The Blind Side giúp khán giả thấy rằng ở đâu đó vẫn có những con người nhân hậu, còn nói một cách đơn giản thì The Blind Side là một bộ phim gia đình tuyệt vời cho mùa nghỉ lễ này.

samedi 5 décembre 2009

Inglourious Basterds (2009) - Ngoại ngữ cho người ngại nghĩ


Một lời khuyên chân thành cho ai muốn xem phim của Quentin Tarantino nhưng không cực (nhấn mạnh là "cực") giỏi tiếng Anh (có nghĩa là đọc hiểu thì không đến nỗi nhưng nghe thì làng nhàng - như tôi), đó là down DVDrip hoặc mua đĩa, đừng cố công ra rạp xem làm gì vì sẽ khó lòng cảm nhận hết phần thoại cực kì tinh tế do Tarantino dụng công sáng tạo ra. Kể từ bộ phim đầu tay Reservoir Dogs, Tarantino đã cho người xem thấy cái trademark của ông đó là phần thoại - nhân vật trong phim Tarantino nói cực nhiều, cực lan man tới mức có vẻ "vô duyên", lắm lời trong khi thực ra từng câu chữ trong phần thoại đó đều gắn liền với các chi tiết trong phim, không trực tiếp thì gián tiếp, hay nói cách khác thì thoại chính là "động cơ" giúp cho "chiếc ô tô" phim Tarantino chạy.

10 năm, đó là quãng thời gian Tarantino bỏ ra để viết kịch bản Inglourious Basterds, chỉ con số đó thôi cũng đủ để chứng tỏ chất lượng của kịch bản (mà phần quan trọng nhất là thoại) của tác phẩm này được Tarantino trau chuốt đến mức nào. Trong bộ phim này, Tarantino đã nâng "trình" thoại lên một tầm cao mới, thay vì thoại tiếng Anh thông thường, Tarantino sử dụng tới 3 ngôn ngữ chính Đức - Anh - Pháp, chưa kể vài câu thoại tiếng Ý tuy ngắn nhưng cực kì hài hước và ấn tượng. Không chỉ thế, Tarantino còn chú ý tới từng giọng (accent) của diễn viên: Đức có Đức Munchen, Đức Frankfurt và Đức ... do người Anh giả giọng; Anh có Anh Anh, Anh Scotish, Anh Mỹ Do Thái, Anh Mỹ (nhà quê) Tennessee, Anh do người Đức nói, Anh do người Pháp nói; Pháp có Pháp Pháp, Pháp do người Đức nói. Và để đùa với chính cái tài viết thoại đa ngôn ngữ của mình, Tarantino đã để nhân vật của ông "phát biểu" một câu thoại hết sức châm biếm, gây cười mà cũng rất thật:
Bridget von Hammersmark: I know this is a silly question before I ask it, but can you Americans speak any other language besides English?
Đúng vậy, các nhân vật người Mỹ trong phim không những không biết bất cứ thứ tiếng nào khác mà ngay thứ tiếng Anh của họ cũng méo mó theo kiểu "nhà quê" miền Nam nước Mỹ, chất giọng miền Nam của Aldo Raine mà cứ câu thoại nào tuôn ra là cù khán giả cười câu đó có lẽ là điểm sáng duy nhất trong diễn xuất của Brad Pitt (thực ra Pitt cũng là người miền Nam vì vậy điều này chắc không quá khó khăn, nhất là khi Pitt vừa có một vai diễn đặc sệt miền Nam trong The Curious Case of Benjamin Button). Khả năng ngoại ngữ kém của người Mỹ được thể hiện rõ nhất trong đoạn nói tiếng Ý, 3 anh chàng Basterd thậm chí còn không thể phát âm nổi cái tên Ý giả của mình (tên người Ý đọc có trọng âm nặng, điều không dễ dàng với người Mỹ vốn có accent nhẹ) và hài hước nhất là anh chàng tự nhận mình "không biết tiếng Ý" hóa ra lại là người duy nhất nói được mấy câu tiếng Ý ra hồn.

Người thủ vai ngôi sao điện ảnh Đức Bridget von Hammersmark nói trên là Diane Kruger, một diễn viên tôi không ưa thích lắm vì cô có nét mặt tương đối ăn hình nhưng diễn xuất thì luôn cứng đờ và gượng gạo (gần đây có Pour Elle có khá hơn - phim này sắp được Hollywood làm lại). Ấy vậy mà ở Inglourious Basterds Kruger lại diễn cực tốt trong vai gián điệp hai mang von Hammersmark, phần thoại Anh-Đức-Pháp được Kruger đọc hoàn toàn "mượt" và không bị lẫn giọng, Tarantino có lẽ cũng đã tinh ý khi chọn một nữ diễn viên Đức từng đóng rất nhiều phim cả ở Pháp và Mỹ này.

Diễn viên tuyệt vời nhất của Inglourious Basterds hiển nhiên không phải ai khác ngoài Christoph Waltz, người thủ vai Hans Landa, "siêu sĩ quan" của Nazi với tài "suy nghĩ như người Do Thái", khả năng lập luận và biện bác siêu đẳng cùng trình độ tiếng Anh, Pháp, Ý (có lẽ còn nhiều nữa) không thể chê vào đâu được. Khác với Kruger, tôi chưa bao giờ thấy Waltz đóng phim Pháp vì vậy khi ông này mở mồm nói tiếng Pháp tôi đã rất ngạc nhiên vì chất giọng thuần thục và không hề lẫn accent nặng kiểu Đức của Hans Landa. Ngạc nhiên dẫn tới tò mò vì ngay lập tức Hans Landa đề nghị ông chủ nhà người Pháp chuyển sang nói tiếng Anh vì "trình độ tiếng Pháp có hạn" (thực tế không phải vậy), lúc đầu tôi tưởng đó là "lý do" để Tarantino chuyển thoại về tiếng Anh cho khán giả Mỹ dễ theo dõi, hóa ra không phải như vậy, việc Hans Landa chuyển từ tiếng Pháp sang tiếng Anh hoàn toàn có lý do riêng của nó (đúng như phong cách viết thoại của Tarantino - không bao giờ có thứ gì thực sự vu vơ).

Một nhân vật sĩ quan Đức khác cũng cực kì ấn tượng đó là tay Gestapo áo đen Hellstrom trong trường đoạn tại quán rượu. Lại một bộ óc tinh tường và cái tai thính nhạy khác, các nhân vật phe "xấu" trong phim này rõ ràng được đặc tả hay hơn nhiều lần so với các nhân vật phe "thiện" (mặc dù thực tế thì ít khi Tarantino phân định rạnh ròi cái ranh giới này trong phim ông). Nếu Tarantino nói tiếng Pháp - Đức tốt, hẳn ông đã thủ luôn vai tay chủ quán rượu, một vai "vớ vẩn" đúng kiểu Tarantino! (và Tarantino đã từng đóng một vai như vậy trong Death Proof). Cái góc quay từ phía sau người thứ ba trong trường đoạn đó cũng thường là trademark của Tarantino với điều kiện ông là ... cái vai trong khung hình, tiếc là bộ phim này đòi hỏi một người nói tốt cả tiếng Pháp và tiếng Đức. Diễn viên thủ vai "nhỏ tí" này thực tế cũng là một người gây ấn tượng với tôi trong Der Untergang (The Downfall).

Thực ra trong phim này Tarantino còn sử dụng một diễn viên cực giỏi ngoại ngữ khác, đó là Julie Dreyfus, cô là người Pháp nhưng nói thông thạo tiếng Đức, Nhật, Anh. Vai của Dreyfus trong Inglourious Basterds khá nhỏ và chỉ đủ "đất" để cô phô diễn trình độ tiếng Đức, nhưng nếu ai đã từng xem Kill Bill Vol. 1 thì đều đã được nghe thứ tiếng Nhật và Anh không chê vào đâu được của cô gái Pháp (Dreyfus, có lẽ là gốc Do Thái?) này.

Nói về ngoại ngữ người ta thường có câu: Tiếng Anh là thứ tiếng của giao tiếp kinh doanh, tiếng Ý là tiếng cho tình yêu, tiếng Pháp là tiếng cho văn học nghệ thuật và tiếng Đức là thứ tiếng cho chiến tranh. Câu nói này dựa vào accent đặc trưng của người bản địa khi nói thứ tiếng đó và cũng dựa vào lịch sử của các quốc gia liên quan - người Anh, Mỹ thì luôn tính toán sòng phẳng, người Ý luôn mơ mộng với tình yêu, người Pháp chỉ biết tới nghệ thuật còn người Đức nổi tiếng với kỷ luật và khả năng chiến đấu. Inglourious Basterds chính là minh chứng cho câu nhận xét này, anh lính đẹp trai Zoller luôn đong đưa với Shosanna bằng tiếng Pháp, có đoạn nào đậm chất "kinh doanh" hơn đoạn Landa "mặc cả" điều kiện đầu hàng với OSS, có câu thoại nào điên loạn hơn ba tiếng "Nein, nein, nein!" mà Hitler thốt ra khi nghe cấp dưới trình bày về nhóm Basterds.

Vừa rồi chỉ là một khía cạnh rất nhỏ để cho thấy Tarantino đã trân trọng tác phẩm của mình (và vì thế, trân trọng khán giả) đến mức nào. Mà thực ra thì có ai là không nhận ra điều này ngay khi tiếp xúc với cái tựa đề rất ... trẹo mồm của phim?

vendredi 4 décembre 2009

Winslet the Witch


Hihi giờ mới biết đến cái này:

How does she foretell her own future?


If you do a film about Holocaust, you're guaranteed an Oscar.

So true for your case =))!


dimanche 29 novembre 2009

Ikiru (1952)


Ikiru bắt đầu với phong cách khiến tôi liên tưởng tới Sunset Blvd. - đạo diễn tuyên án "tử hình" nhân vật chính, Kanji Watanabe, bằng căn bệnh ung thư dạ dày giai đoạn cuối. Kanji Watanabe là một công chức mẫn cán, suốt 30 năm ông làm việc không ngơi nghỉ một ngày nào ở phòng Hành chính công thành phố, nhưng với cái giấy báo tử của bác sĩ ("Bác cứ về nhà ăn món gì mình thích"), ông biết rằng mình chỉ còn sống được chưa đầy một năm nữa.

Oái oăm là khi cái chết cận kề, Watanabe mới nhận ra rằng trong suốt 30 năm trời, ông chưa bao giờ thực sự sống với đúng cái nghĩa của động từ đó. Ông chỉ ngày ngày đến công sở, đóng dấu vào công văn do cấp dưới đưa lên để chứng tỏ mình đã đọc qua, ăn một bát mì vào giờ nghỉ buổi trưa, lại đóng dấu, rồi trở về với căn phòng trống lạnh lẽo cùng bức ảnh thờ của người vợ đã qua đời từ lâu và tấm bằng khen "25 năm phục vụ" của thành phố. Watanabe tự biện hộ: "Nhưng ông sống như vậy, ở một mình gà trống nuôi con như vậy, cũng chỉ là vì tương lai của cậu con trai duy nhất!", một lời biện hộ chỉ càng khiến ông đau khổ hơn bao giờ hết khi mà con trai của ông đã lấy vợ và quên sạch tình cảm cha con trước kia, giờ anh ta chỉ còn biết tới vợ và món tiền hưu trí mà ông Watanabe đã dành dụm được sau bấy nhiêu năm. Watanabe bàng hoàng nhận ra rằng mình thực sự là một "Xác ướp" - biệt danh mà cô gái trẻ nhân viên cấp dưới đặt cho ông, Watanabe thậm chí không thể tự tử, không thể chết vì ông chưa bao giờ sống trong suốt quãng đời nhạt nhẽo của mình.

Vậy thế nào là "sống"? Watanabe tìm câu trả lời bằng cách tung tiền vào những cuộc vui nơi quán rượu, tiệm trà, vũ trường thoát y, nhưng lời giải đáp thực sự cho câu hỏi của ông hóa ra lại nằm ở cô nhân viên trẻ trung, đầy sức sống và ham sống bằng mọi giá. Cô đã làm cho Watanabe nhận ra rằng cuộc sống, dù chỉ kéo dài một ngày, một tháng hay một năm, cũng là vô giá khi con người ta biết cố gắng hết sức để đạt được những mục đích có ý nghĩa mà mình mong muốn. Và Watanabe được tái sinh lần thứ hai trong đời, ông bắt đầu thực sự sống trong tiếng hát "Happy Birthday" của một nhóm học sinh dành cho nhau, nhưng thực ra là của đạo diễn Akira Kurosawa dành cho nhân vật của mình.

Watanabe đã sống như thế nào trong những tháng ngày cuối cùng ấy? Akira Kurosawa chỉ cho người xem biết lờ mờ thông qua cuộc cãi vã của đám đồng nghiệp trong đám tang của ông, một ngày sau khi Watanabe qua đời trên một chiếc xích đu giữa trời tuyết trong công viên nhỏ mà ông đã dành hết tâm huyết để nó được xây dựng. Công viên "của Watanabe" được xây dựng trên một bãi bùn lầy mà người dân đã muốn xóa sổ nó để thay thế bằng một sân chơi cho trẻ con từ lâu, nhưng khi họ tới tòa thị chính để đề nghị thì họ nhận được câu trả lời:

Xây công viên => Việc của phòng Công viên => liên quan đến vệ sinh => Việc của phòng Y tế => Việc của phòng Vệ sinh => Việc của phòng Vệ sinh môi trường => Việc của phòng Phòng dịch => Việc của phòng Bệnh truyền nhiễm => bãi lầy có nước thải => Việc của phòng Thoát nước => bãi lầy trước có một con đường chạy qua => Việc của phòng Giao thông => Chờ đợi quyết định của phòng Quy hoạch => liên quan tới phòng Tái quy hoạch khu phố => bãi lầy có nước => liên quan tới phòng Phòng cháy chữa cháy => xây sân chơi cho trẻ em => việc của phòng Chăm sóc trẻ em => liên hệ với tổ trưởng khu phố => liên hệ với Phó thị trưởng => giới thiệu sang phòng Hành chính công => giới thiệu sang phòng Thiết kế,....

Với cái mê cung hành chính không có lối thoát này thì chắc chắn những người dân chẳng bao giờ có thể thực hiện nguyện vọng của mình nếu không có sự hiện diện của Watanabe, một con ốc mẫn cán từng lặng lẽ nằm yên suốt 30 năm trong cái bộ máy đồ sộ nhưng vô hồn và vô tích sự ấy. Bằng sức mạnh tinh thần của một con người mới tìm lại được mục đích sống, Watanabe đã dồn hết tâm sức để tới từng mắt xích trong mê cung hành chính, van nài từng cái "xác ướp" như ông một thời, để họ "động đậy" khởi động dự án công viên. Cuối cùng thì cái công viên nhỏ bé nhưng có ích ấy cũng được hoàn thành, ấy vậy mà trong ngày khánh thành Watanabe chẳng có tên trong bài diễn văn của ngài Phó thị trưởng, ngay đến trong bữa ăn sau đám tang, hầu như tất cả đồng nghiệp của ông cũng không thừa nhận rằng Watanabe có công đầu trong việc xây dựng nó. Thậm chí họ còn tranh cãi nhau vì không thể hiểu nổi tại sao cái "Xác ướp" ấy lại "sống dậy" để sống trong quãng thời gian cuối cùng của cuộc đời? Hiểu làm sao được khi chính bản thân từng người trong số đồng nghiệp của Watanabe cũng là một "xác ướp", và cái chết hay những tháng ngày ý nghĩa cuối cùng của Watanabe cũng chẳng thể khiến những "xác ướp" ấy thay đổi cách sống, đúng hơn là cách tồn tại của họ. May ra, chỉ có chúng ta, những người xem cuộc đời của Watanabe ở góc nhìn thứ ba, có thể cảm nhận được chút gì đó từ những câu hát da diết mà Watanabe ngâm nga trong những giây phút cuối cùng trên chiếc xích đu: "Cuộc đời ngắn ngủi, hãy yêu đi hỡi những tâm hồn tinh khiết, trước khi cái màu đỏ trẻ trung, phai tàn trên đôi môi của bạn. Trước khi những đam mê dào dạt, nguội đi trong lòng bạn. Hỡi những người không biết tới ngày mai."

Ikiru ra đời trong hoàn cảnh nước Nhật bắt đầu tái sinh từ tro tàn của cuộc chiến, Akira Kurosawa làm bộ phim này vào giai đoạn rực rỡ nhất trong sự nghiệp của ông, 1 năm sau Rashomon và 2 năm trước Bảy samurai. Không được triển khai bằng phong cách dữ dội như hai tác phẩm nổi tiếng thế giới từ rất sớm kia, Akira Kurosawa chọn cho Ikiru một nhịp phim chậm rãi khi mà mọi xung đột, căng thẳng đều chỉ là những đợt sóng ngầm trong tâm hồn mỗi nhân vật. Vì thế thay vì một Toshiro Mifune bạo liệt, bùng nổ, Akira đã chọn Takashi Shimura, một diễn viên "ruột" khác của ông, cho vai Kanji Watanabe. Shimura không có được cái thần thái ấn tượng như Mifune nhưng lại biết cách diễn sao cho khán giả cảm nhận được tâm sự ẩn sau cái vẻ bình thường, thậm chí là hơi thụ động, kiểu Á Đông của ông. Và có lẽ ông đã dồn tất cả những gì tinh túy nhất trong tài nghệ diễn xuất của mình cho vai Kanji Watanabe này. Với rất nhiều cú may quay cận cảnh mà tiêu điểm duy nhất chỉ là khuôn mặt đầy khắc khổ của Watanabe, Shimura đã truyền cho khán giả đủ mọi cung bậc cảm xúc khác nhau, từ hoảng loạn sợ hãi khi nghe một bệnh nhân mô tả triệu chứng của căn bệnh quái ác, tới đau đớn tột cùng vì sự bất hiếu của con trai hay hạnh phúc vì tìm lại được lẽ sống đã mất và cuối cùng là sự thanh thản của một người sắp chết, nhưng đã được sống trong những tháng ngày cuối cùng. Cũng như chính Watanabe trong phim, Shimura đã tận dụng tới từng thời khắc xuất hiện trên khung hình của ông để biến câu chuyện bình thường về một người đàn ông bình thường trở thành một tác phẩm khiến khán giả xúc động sâu sắc đến vậy.

Ikiru có nghĩa là Sống, một cái tiêu đề đủ để nói lên nội dung chính của bộ phim - Thế nào là sống và thế nào là không sống? Bằng cách dẫn chuyện cảm động và tinh tế, chẳng cần tới những câu thoại to tát hoa mỹ, Akira Kurosawa đã khiến người xem sau khi chứng kiến những tháng ngày cuối của của Kanji Watanabe phải tự đặt cho mình câu hỏi, liệu ta có là "xác ướp"? Trong phim, sau khi suy luận được rằng Watanabe đã biết mình bị ung thư giai đoạn cuối trước khi bắt tay vào vận động xây công viên, nhiều đồng nghiệp của ông đã chép miệng: "Trong hoàn cảnh ấy thì tôi cũng làm được như thế!", ngay lập tức một người cấp dưới của Watanabe, người lặng lẽ ngồi ngoài cuộc tranh luận vô bổ lên tiếng: "Nhưng chúng ta ai chẳng có thể chết một cách bất ngờ?!" Đúng như vậy, biện minh cho lý do mình là "xác ướp" luôn dễ hơn rất nhiều so với việc thực sự sống, thực sự làm được những việc có ích cho cuộc đời. Xem Ikiru, tôi có cảm giác như đang đọc một truyện ngụ ngôn hay một vở kịch của Shakespeare được lồng trong cái vỏ hiện đại của nghệ thuật thứ bảy vì bộ phim thực sự giản dị với những quy luật, những câu hỏi đã có từ muôn đời. Tôi tin là cũng như truyện ngụ ngôn, như Shakespeare, Ikiru sẽ còn giá trị lâu dài vì chừng nào còn "xác ướp", chừng đó còn cần có những câu chuyện về "xác ướp" và cách thoát khỏi vỏ bọc đó. (Ikiru được Akira Kurosawa sáng tác dựa theo truyện vừa Cái chết của Ivan Ilyich của Lev Tonstoi nhưng Cái chết của Ivan Ilyich có màu sắc u ám hơn nhiều và vì thế khó tiếp cận hơn, so sánh vui thì có thể nói Ikiru là "trung bình cộng" của Cái chết của Ivan Ilyich và truyện ngắn Viên mõ tòa (L'Huissier) của Marcel Aymé.)

Bài hát được nói tới trong phim (Gondola no Uta)



Coming-up-age movies

Top 10 (xếp theo thứ tự ABC):

01. Almost Famous (Cameron Crowe) - IMDb: 8.0 - Trailer
Lester Bangs: The only true currency in this bankrupt world... is what you share with someone else when you're uncool.
02. L'Auberge espagnole (Cédric Klapisch) - IMDb: 7.3 - Trailer
Wendy: Why do you always have to smoke joints in *my* room?
Alessandro:
Because it's comfortable.
Lars:
It's the only clean place in the apartment.
03. Battle Royale (Kinji Fukasaku) - IMDb: 8.0 - Trailer
Teacher Kitano: So today's lesson is, you kill each other off till there's only one left. Nothing's against the rules.
04. Big (Penny Marshall) - IMDb: 7.2 - Trailer
Josh: You don't get it, do you? This is important!
Billy:
I'm your best friend. What's more important than that, huh?
05. The Classic (Kwak Jae-yong) - IMDb: 7.7 - Trailer

06. Elephant (Gus Van Sant) - IMDb: 7.3 - Trailer
Alex: Well this is it. We're gonna die today. I've never even kissed anyone before, have you?
07. The Girl Who Leapt Through Time (Mamoru Hosoda) - IMDb: 8.0 - Trailer

08. Good Will Hunting (Gus Van Sant) - IMDb: 8.0 - Trailer
Sean: Real loss is only possible when you love something more than you love yourself.
09. Say Anything... (Cameron Crowe) - IMDb: 7.5 - Trailer
Lloyd Dobler: She's gone. She gave me a pen. I gave her my heart, she gave me a pen.
10. Whisper of the Heart (Yoshifumi Kondo) - IMDb: 8.0 - Trailer


Một số phim hay khác:
01. 10 Things I Hate About You (Gil Junger)
02. American Pie (Paul & Peter Weitz)
03. Back to the Future (Robert Zemeckis)
04. The Breakfast Club (John Hughes)
05. Dead Poets Society (Peter Weir)
06. The Dreamers (Bernardo Bertolucci)
07. Election (Alenxander Payne)
08. Entre les murs (Laurent Cantet)
09. The Graduate (Mike Nichols)
10. Juno (Jason Reitman)
11. Kiki's Delivery Service (Hayao Miyazaki)
12. Little Manhattan (Mark Levin)
13. Let The Right One In (Tomas Alfredson)
14. My Sassy Girl (Kwak Jae-yong)
15. Nick and Norah's Infinite Playlist (Peter Sollett)

Có thể tham khảo thêm ở đâyở đây.