some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mardi 27 avril 2010

How to Train Your Dragon (2010), Percy Jackson (2010), Shutter Island (2010)


How to Train Your Dragon là bộ phim 3D thứ hai tôi được xem, phim thứ nhất là một phim gì đó chiếu ở rạp Ngọc Khánh vào thời đầu những năm 90 khi 3D lần đầu du nhập vào Việt Nam. Nếu xét về tựa phim thì có lẽ How to Train Your Dragon là phim hoạt hình có cái tựa ... chán nhất trong vòng mấy năm trở lại đây, một cái tên không hề mang tính gợi mở và khó lòng gây được hứng thú với bất cứ người yêu phim nào, chứ đừng nói là với trẻ con. Nhưng hóa ra đây lại là một phim hoạt hình xuất sắc và trọn vẹn hơn nhiều so với những siêu phẩm "đầu khủng long đuôi chuột" gần đây của Pixar. Nói là trọn vẹn vì tuy chỉ xoay quanh cuộc "luyện rộng" của chú bé Hiccup và bạn rồng Toothless, How to Train Your Dragon vẫn giữ được một cốt truyện hấp dần từ đầu đến cuối với phần mở đầu kịch tính, phần giữa cảm động với nhiều tiếng cười và đặc biệt là đoạn kết bất ngờ và sáng tạo - điều tôi không hề thấy ở Up, Wall-E hay Ratatouille. Phần tạo hình của phim tuy không quá sáng tạo và cầu kì (theo kiểu Pixar) nhưng bù lại hình ảnh những chú rồng và làng Viking được xây dựng cực kì dễ thương, gần gũi với trẻ con, và đặc biệt là tận dụng được tối đa thế mạnh của 3D để tăng hiệu quả hình ảnh. Phần nhạc tuyệt vời và hình ảnh "cực kỳ 3D" đã biến How to Train Your Dragon trở thành bộ phim không chỉ hấp dẫn với trẻ con mà có lẽ đến người lớn cũng sẽ phải "jaw-dropping" khi chứng kiến những pha bay lượn trên không của Hiccup và người bạn thân, thậm chí theo tôi những trường đoạn bay lượn đó còn đẹp và giàu cảm xúc hơn nhiều so với những cảnh tương tự trong Avatar (một bộ phim mà tôi cũng đánh giá rất cao về mặt thị giác).

Có khen cũng phải có chê, tuy nội dung phim tương đối hoàn chỉnh nhưng tôi vẫn cảm thấy gợn vì cách miêu tả "phe rồng" quá bị động trong How to Train Your Dragon, chúng chỉ được coi như những thú nuôi, hoặc cùng lắm là bạn đồng hành của Hiccup và những người Viking trong cuộc tìm diệt con rồng chúa, thậm chí ngay cả Toothless cũng chỉ được Hiccup coi là con thú cưng (pet) của mình chứ không phải một người bạn (friend) thực sự. Khi Hiccup, để bảo vệ chú rồng cưng của mình, đã phải cố gắng lắm mới thốt ra được câu "don't kill him, because he's my pet", tôi đã bị hẫng vì không nghĩ rằng một tình bạn đẹp và thân thiết đến như vậy lại chỉ được Hiccup, đúng hơn là các nhà biên kịch của phim, coi là tình cảm giữa chủ và con thú nuôi. Tính bị động của "phe rồng" còn thể hiện ở chuyện hàng ngàn vạn chú rồng với nhiều quyền năng đa dạng lại không hiểu vì lý do gì chịu khuất phục trước con rồng chúa để rồi chỉ có thể tự giải phóng được mình sau khi Hiccup đứng lên lãnh đạo. Ở đây tôi chợt nghĩ đến cái học thuyết "freedom for the world" của Hoa Kỳ - đất nước luôn nhìn các quốc gia Trung Đông, Đông Á như những đất nước "rên xiết" dưới ách thống trị của một cá nhân và người dân ở đó thì đang "ngày đêm" mong ngóng người Mỹ tới "giải phóng" họ. Tất nhiên đây chỉ là những suy luận xa vời của riêng cá nhân tôi vì How to Train Your Dragon xét cho cùng chỉ là một phim dành cho con trẻ, chẳng việc gì các đạo diễn phải lồng vào một thông điệp sặc mùi chính trị như vậy. Và với tư cách một bộ phim dành cho trẻ thơ thì How to Train Your Dragon đã hoàn thành xuất sắc sư mạng của mình và xứng đáng đứng ngang với Shrek trong "hàng danh dự" những tác phẩm xuất sắc nhất của hãng Dreamwork.

Nói thêm một chút về phần kết của phim. Phần kết của How to Train Your Dragon khiến tôi thực sự bất ngờ vì tuy nó không hoàn toàn phá bỏ truyền thống "happy ending" của phim hoạt hình Hollywood nhưng cái chân giả của Hiccup đã đem lại cho trẻ con một bài học nhẹ nhàng, thực tế nhưng lại chưa từng xuất hiện ở phim Hollywood - đó là chiến thắng, thành công luôn đi kèm với sự nỗ lực, cố gắng và cả những mất mát, hơn thế cái cách đạo diễn để Hiccup, và trước đó là Gobber (người bị cụt một chân một tay vì đánh nhau với rồng), sống vui vẻ, thoải mái và hoàn toàn tự tin với phần cơ thể thiếu hụt cũng là một sự động viên đáng giá cho những đứa trẻ ở vào hoàn cảnh như vậy. Hy vọng một ngày nào đó Hollywood cũng sẽ có những tác phẩm giúp trẻ em thực sự hiểu được nỗi đau của chiến tranh và những sự mất mát khác như Isao Takahata đã làm với Only Yesterday và đặc biệt là Grave of the Fireflies.


Ngay sau khi công chiếu Percy Jackson đã bị vùi dập thảm hại, chứng tỏ những bộ phim chuyển thể tiểu thuyết-ăn theo Harry Potter vẫn chưa thể có cơ hội thành công ở Hollywood. Và thực sự thì nội dung, diễn xuất, dàn dựng của phim cũng hoàn toàn ... xứng đáng với những lời chê bai dành cho nó. Theo tôi thì Percy Jackson tuy là phim hướng tới đối tượng teen nhưng lại có nội dung cực kì nhảm, và tệ ở chỗ là nhảm theo hướng dung tục, chưa kể phần hình ảnh bị "ridiculous hóa" với những Poseidon khổng lồ nói chuyện với thằng con Percy Jackson tí hon, anh chàng bán thần Grover ... dê đúng như bề ngoài của mình hay Pierce Brosnan trong bộ dạng ... một con ngựa (nhưng vẫn diễn như thể "I'm Bond, James Bond"!) và rất nhiều những mô-típ "nhảm" tương tự. Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân tôi thì Percy Jackson vẫn có tính giải trí và hấp dẫn tương đối cao, nhất là với những ai từng ham mê thần thoại Hy Lạp, vì những ý tưởng "hiện đại hóa" các vị thần và truyền thuyết trong thần thoại Hy Lạp của phim đều khá độc đáo mà thú vị nhất có lẽ là hình tượng Medusa ... đeo kính đen (nhưng lại không biết dùng iPhone!). Một phim đáng tiền xem rạp nhưng cũng đáng với thang 2/5 sao.


Shutter Island làm tôi hơi bất ngờ (theo chiều hướng thất vọng) vì nó có cốt truyện khá rối và nhiều ảo giác, trái ngược với cách kể chuyện sáng sủa, rõ ràng ngay cả với những bộ phim có nội dung nhiều lớp mà Scorsese thực hiện từ đầu thập niên 2000. Có lẽ Scorsese muốn thử nghiệm với phong cách mới chăng? Nhưng tôi cho rằng đây là một trong những lý do khiến Shutter Island bị hoãn chiếu để rồi tung ra vào thời điểm khá dở dang cho cả việc kiếm giải và kiếm tiền. Kết quả thực tế đã chứng minh rằng sự lo lắng của các nhà phát hành (và bản thân Scorsese?) là đúng khi bộ phim không thực sự ăn khách và nó cũng không được giới phê bình đón nhận nồng nhiệt cho lắm.

Shutter Island được mở đầu cực kì hứa hẹn với một khung cảnh u ám, bẩn thỉu nhày nhụa (production value có lẽ là điểm cộng lớn nhất của phim - về mặt này thì Shutter Island không hề thua kém Gangs of NY, phim sử thi hoành tráng nhất của Scorsese trong vòng mấy chục năm trở lại), tôi đặc biệt thích cách Scorsese mô tả các bệnh nhân ở hòn đảo, mỗi người mỗi vẻ (ấn tượng nhất là hình ảnh thoáng qua của một bà lão gầy gò không khác gì bóng ma đang đưa ngón tay ra dấu im lặng với Teddy) nhưng sự xuất hiện của họ đều giúp hòn đảo "điên" trở nên đáng sợ, điên loạn và tàn bạo hơn - dù phim cực kì ít cảnh bạo lực. Tuy nhiên phần dẫn nhập cực hay đã không được Scorsese tận dụng khi phim dần sa đà vào việc mô tả những giằng xé nội tâm của Teddy (một cái tên hoàn toàn trái ngược với số phận và tính cách của nhân vật mang nó) khiến phim trở nên dễ đoán và đi vào lối mòn của một phim noirpsy kinh điển. Ở đây tôi đoán là Scorsese thực sự muốn quay trở lại với truyền thống phim noir có từ thời Double Indemnity của Billy Wilder nhưng "thời thế nay đã khác" và gu thưởng thức của khán giả đã không còn dành nhiều chỗ cho những bộ phim nặng nề dạng này. Phần kết phim, vốn khiến nhiều khán giả bất bình, theo tôi lại là yếu tố cứu vãn cho bộ phim nhờ sự độc đáo của nó - một câu trả lời kiêm câu hỏi, dù thích hay không thích thì chắc chắn mọi khán giả sau khi rời rạp sẽ vẫn phân vân vì câu hỏi đau đớn của Teddy: "Which would be worse, to live as a monster or to die as a good man?". Thực ra cách kết hẫng hụt này đã trở thành phong cách của Scorsese từ lâu, cả The Aviator, Gangs of NYThe Departed đều có phần kết khá "ngang" và dễ gây khó chịu với những người muốn có một cái kết gọn gàng, giải quyết mọi vấn đề. Câu hỏi ở đây chỉ là Scorsese muốn nói lên điều gì sau những cái kết dang dở ấy - hay chỉ đơn giản là ông ... không thể kết thúc nổi cho câu chuyện mình đang kể?

Có nhiều bộ phim cần thời gian để "chín" nhưng tôi không nghĩ Shutter Island có thể nằm trong số đó, đây chỉ đơn giản là một thử nghiệm "thành công một nửa" của Scorsese. Cũng đáng tiếc cho Leo khi anh đã bỏ lỡ vai lớn, có chiều sâu, nhiều đất diễn này với diễn xuất không khác gì những vai "hùng hổ" thời gian gần đây, có lẽ Leo cần một lần "lột xác" thứ ba để có thể thực sự trở thành một diễn viên lớn của Hollywood chứ không chỉ đơn giản là một ngôi sao hạng A như hiện nay. Ba sao.

mardi 20 avril 2010

Up in the Air (2009), Avatar (2009)


Nói ngắn gọn thì Up in the Air là trung bình cộng của Juno Thank You for Smoking, hai bộ phim trước của đạo diễn-biên kịch Jason Reitman (anh này là con trai của Ivan Reitman, đạo diễn nổi tiếng của Ghostbusters). Up in the Air vừa có phần thoại hài hước, mỉa mai và thoáng chút u buồn của Smoking, lại vừa có chút gì đó thư thái và cách xử lý bi kịch nhẹ bẫng theo kiểu Juno.

Up in the Air (Lênh đênh hoặc Chới với) là chân dung của Ryan Bingham (diễn bởi the cool man George Clooney), một chuyên gia ... đuổi việc với công việc duy nhất là thay mặt các ông chủ đứng ra sa thải "hộ" nhân viên của họ - tất nhiên trong thời buổi kinh tế suy thoái hiện nay thì Bingham có lẽ là người duy nhất ... ăn nên làm ra nhờ công việc kì quái của mình. Công việc của Bingham càng thành công bao nhiêu thì cuộc đời riêng của anh càng đơn giản, hay nói cách khác là càng buồn bã bấy nhiêu, Ryan coi máy bay là ô tô riêng, coi khách sạn là nhà, anh như kẻ lữ hành cô độc lang bạt hết thành phố này tới thành phố khác mà không hề biết tới cảm giác ấm cúng của một gia đình hay một người yêu quý sẵn sàng chờ anh ở nhà trong khi Bingham đang "up in the air". Cuộc sống phẳng lặng của Bingham chỉ thay đổi khi có sự xuất hiện của Alex (Vera Farmiga), một phụ nữ cũng có cuộc sống "xê dịch" như anh và thỉnh thoảng lại chia sẻ với Bingham một đêm ở khách sạn, cùng Natalie (Anna Kendrick), cô nhân viên trẻ tuổi, thông minh nhưng thiếu kinh nghiệm nghề nghiệp và cuộc sống. Alex giúp Bingham nhận ra rằng anh cần một thứ gọi là "tình cảm gia đình", còn Natalie, với tuổi trẻ và sự bồng bột của mình, làm Bingham nhận thấy anh chưa bao giờ thực sự "sống" với đúng nghĩa của nó. Liệu Bingham có thể thay đổi hay anh mãi mãi chỉ là một người đàn ông chới với giữa cuộc đời.

Tuy mang màu sắc bi kịch và không khí tương đối ảm đạm với gam màu chủ yếu là xám, trắng, nhưng Up in the Air được Reitman xử lý rất sáng tạo theo kiểu "nhẹ nhàng" hóa bi kịch như Juno. Đúng với cái tên của nó ("chới với"), bộ phim không tìm cách đưa ra lời giải đáp cho Bingham, cũng không tìm cách bi kịch hay kịch tính hóa cuộc sống nhàm chán của anh, đơn giản chỉ là một lát cắt về nước Mỹ trong thời buổi khủng hoảng về kinh tế và những giá trị gia đình. Mô tả chân dung về một con người cô độc, Up in the Air thực chất là một bộ phim đề cao về ý nghĩa của gia đình, từ đầu tới cuối phim người xem được chứng kiến cuộc hành trình của Bingham tới cái giá trị mà lâu nay anh vẫn bỏ qua đó. Bộ phim bỏ ngỏ về kết cục, khán giả sẽ phải tự đoán xem liệu Bingham có "tới đích" không hay vẫn sẽ tiếp tục là người lữ hành đơn độc, nhưng chính nhờ thế mà giá trị của gia đình lại càng được nhấn mạnh, đây có lẽ là lý do vì sao phim rất được đón nhận bởi giới phê bình và khán giả Mỹ tuy rằng cả về nội dung và cách thực hiện của phim chưa hẳn đã đủ sức nặng của một tác phẩm lớn. Up in the Air cũng thành công nhờ một dàn diễn viên chất lượng và đẹp (cả nghĩa đen và nghĩa bóng), một Clooney lịch lãm, hài hước, một Farmiga đằm thắm, sâu sắc, một Kendrick trẻ trung, sôi nổi và giàu sức sống, cả ba đã diễn hoàn hảo vai của mình, nhập vai nhưng vẫn nhẹ nhõm - một ưu điểm của nhân vật do Reitman xây dựng nhưng cũng lại là nhược điểm trong các giải thưởng điện ảnh, nơi chú trọng tới những vai diễn đòi hỏi kịch tính cao. Nếu như Clooney đã là diễn viên hạng A của Hollywood từ lâu, Farmiga cũng đã có danh tiếng nhất định thì Kendrick sau phim này hẳn sẽ được coi là một ngôi sao trẻ với thực lực của Hollywood, tuy không xinh một cách rực rỡ nhưng Kendrick trông rất thông minh và thực sự cách diễn của cô cũng tương xứng với vẻ ngoài của mình. Tóm lại, Up in the Air, tuy có thể không giành Oscar, nhưng vẫn sẽ là một trong những phim (về) gia đình hay nhất của năm 2009.


Tuy nội dung không có gì đáng nói nhưng về mặt hình ảnh thì Avatar thực sự xứng đáng với vị trí phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh. Từng ý tưởng hình ảnh riêng lẻ của Avatar không hẳn đã mang tính đột phá - chúng vẫn phảng phất những hình ảnh tưởng tượng trong Final Fantasy hay các phim hoạt hình của Miyazaki, nhưng kết hợp chúng lại một cách hoàn hảo với quy mô rộng lớn, style thống nhất, hình ảnh mượt mà thì khán giả chỉ có thể chứng kiến ở thế giới Pandora của Avatar. Nói ngắn gọn thì phần phần hình ảnh của phim sẽ blow your mind.

Nhiều người (có vẻ) chê cốt truyện đơn giản của Avatar, tôi thì nghĩ Cameron đã có một lựa chọn cực kì đúng đắn, phim blockbuster có phần hình ảnh, kĩ xảo tuyệt hảo như Avatar cần có một nội dung đơn giản, đồng nhất, thiện ác phân minh để khán giả dễ hiểu và dễ cảm trong khi vẫn thưởng thức được phần hình ảnh của phim. Tôi thích Cameron ở một điểm khác là thông điệp chính trị, tuyên truyền trong phim của ông rất nhẹ, chính xác hơn nữa là gần như không có, Cameron không biến tác phẩm của mình thành một vở tuồng tuyên truyền cho sức mạnh Mỹ, dè bỉu các nền văn minh phương Đông (Iran, Nga, Trung Quốc) như rất, rất nhiều các phim Hollywood khác. Avatar cũng vậy, tuy nhiều người có thể suy luận rằng bộ phim ám chỉ chuyện Mỹ xâm chiếm Iraq để cướp dầu, người khác lại lý luận chuyện cái cây đổ sụp giống hình ảnh vụ 11 tháng 9, nhưng thực tế thì bộ phim chỉ tập trung vào cái chủ đề muôn thuở của văn học và điện ảnh về "to be or not to be", về tình yêu-sự phản bội, tương tự vô vàn tác phẩm khác, từ ... Mỵ Châu-Trọng Thủy của Việt Nam đến Pocahontas hay Dances with Wolves của Hollywood. Tương tự như Titanic, nội dung của Avatar tuy có hơi sến (một gia vị cần thiết cho tác phẩm hướng tới số đông khán giả) nhưng hoàn chỉnh, có đủ "mở bài, thân bài, kết luận", có cao trào kịch tính, niềm vui, nỗi buồn và nhất là không bị nhảm hay "đầu voi đuôi chuột" như vô số phim trong thời gian gần đây, đó đã là một thành công quá lớn của bộ phim này. Vì thế nếu như Avatar có "nhỡ" được trao Best Picture trong mùa giải Oscar năm nay thì theo tôi đó cũng không có gì là "đáng buồn" cho Hollywood, nhất là trong một năm không có quá nhiều phim vượt trội như năm 2009.

dimanche 18 avril 2010

Runaway Jury (2003), Harry Brown (2009), The Damned United (2009)


Một phim về tòa án chính hiệu theo kiểu 12 Angry Men, cũng nói về một bồi thẩm đoàn (jury) và cách họ đi tới quyết định cuối cùng trong một vụ án liên quan tới ngành công nghiệp súng đạn của Mỹ, nhưng khác là 12 Angry Men đề cập tới đấu tranh nội bộ giữa các bồi thẩm viên (juror) trong khi Runaway Jury đề cập tới sự tác động từ bên ngoài, đúng hơn là từ phe nguyên cáo và phe bị cáo đối với bồi thẩm đoàn để họ đưa ra quyết định có lợi cho mình.

Runaway Jury có nửa đầu phim khá xuất sắc với nhịp phim nhanh, nhiều chi tiết thông minh đậm chất phim tòa án và đặc biệt là diễn xuất ấn tượng của Gene Hackman trong vai Rankin Fitch, chuyên gia cố vấn về bồi thẩm đoàn và là người nhận tiền của bên bị (ngành công nghiệp súng đạn) với nhiệm vụ tác động để bồi thẩm đoàn ra quyết định có lợi cho bên bị. Một Rankin Fitch thông minh, sắc sảo, lạnh lùng và tàn nhẫn được Hackman diễn hết sức thành công với hai cảnh ấn tượng là cảnh Fitch đưa ra nhận xét về các ứng cử viên cho bồi thẩm đoàn và cảnh Fitch cùng Marlee (Rachel Weisz xinh đẹp) ngã giá. Vai Fitch khiến tôi liên tưởng tới vai tay cảnh sát trưởng mà Hackman từng đóng thành công trong Unforgiven. Thật ngạc nhiên là người bạn thân từ ngày mới vào nghề của Hackman, một huyền thoại điện ảnh khác của Hollywood - Dustin Hoffman lại nhận và đóng một vai hết sức mờ nhạt không để lại chút ấn tượng nào - Wendall Rohr, luật sư của bên nguyên. Vai "chính nhất" của phim - Nicholas Easter, bồi thẩm viên và là người có khả năng tác động tới quyết định cuối cùng của bồi thẩm đoàn, được giao cho John Cusack, trông Cusack thông minh, cách diễn của anh cũng tự nhiên và sáng sủa nhưng không hiểu sao vai Easter vẫn không để lại nhiều ấn tượng, có lẽ một phần vì bề ngoài quá hiền lành của Cusack.

Đáng ra Runaway Jury có thể trở thành một phim hay nếu phần kết của phim cũng được làm tốt như phần đầu. Cảnh hạ màn của phim có độ bất ngờ và kịch tính không cao cùng nhịp độ tương đối chậm đã làm phim mất khá nhiều điểm. Xem xong phim có lẽ người ta chỉ nhớ nhất ánh mắt sắc sảo của Hackman khi "lựa chọn" bồi thẩm viên. Tất nhiên đây vẫn là một phim giải trí tốt và là một tác phẩm chắc tay của dòng phim tòa án vốn khó cho ra đời phim xuất sắc này.


Lần đầu tiên được thấy Michael Caine đóng một phim hành động, nhưng hóa ra phong thái của ông cũng không khác nhiều so với The Quiet American. Harry Brown có cốt truyện khá giống với Gran Torino, cũng nói về một "lão già gân" (Harry Brown) quyết định ra tay "hành hiệp" trừ bỏ lũ côn đồ đã gây ra cái chết của người bạn thân thiết của ông cùng nỗi hoảng sợ trong cả khu tập thể nghèo ở ngoại ô London. Nhưng khác với Gran Torino, Harry Brown có không khí căng thẳng, tăm tối và sực mùi bạo lực hơn nhiều, bộ phim rất gần gũi với phong cách phim tội ác của Anh vốn mang màu sắc hiện thực cao độ, vừa tàn bạo, vừa bẩn thỉu với những nhân vật gần gũi với đời thường thay vì type anh hùng, siêu anh hùng như trong phim Hollywood. Tuy nhiên dường như quá chú trọng đến việc mô tả tác động của xã hội hỗn loạn đến từng cá nhân như Brown, nữ thanh tra Frampton (Emily Mortimer) mà phim bỏ lơi mất phần điều tra-hành động đáng ra phải là trọng tâm, vì vậy nội dung Harry Brown trở nên nặng nề, nặng nề trong từng chi tiết, từng nhân vật và càng về cuối càng tăm tối với một phần kết bất ngờ thì ít mà căng thẳng nặng nề thì quá nhiều. Điểm sáng của phim có lẽ là diễn xuất rất tốt của Michael Caine trong vai Harry Brown (dù sao cũng là một vai lạ so với phong cách gần đây của ông) và đặc biệt là của Emily Mortimer trong vai nữ thanh tra Frampton. Tuy hơi vô lý (nữ thanh tra mà yếu đuối thế?!) nhưng thực sự cách diễn của Mortimer đã biến Frampton trở thành con người mỏng manh nhất trong bối cảnh hỗn loạn của vùng ngoại ô London, hình ảnh nữ thanh tra yếu đuối từ hình dáng nhỏ bé cho tới ánh mắt buồn bã và bất lực trước cái ác có lẽ mới là hình ảnh ấn tượng nhất của phim. Một phim noir không tồi nhưng hơi thiếu chất giải trí.


Bộ phim kể về những thăng trầm trong giai đoạn đầu sự nghiệp của Brian Clough - một trong những huấn luyện viên nổi tiếng nhất thế kỷ 20 ở Anh. Phim đã "điện ảnh hóa" khá nhiều chi tiết trong cuộc đời thật của Clough vì vậy nếu ai đã biết về tiểu sử của Clough sẽ bị hẫng khi xem phim (và ngược lại). Phim được xây dựng theo kiểu Frost/Nixon của năm ngoái, vẫn với diễn xuất ấn tượng của Michael Sheen, lần này có thêm sự trợ giúp của một diễn viên rất đáng mến (cả về bề ngoài và diễn xuất) của điện ảnh Anh là Timothy Spall (mà chắc nhiều người chỉ biết tới qua vai diễn "đáng ghét" Peter Pettigrew trong loạt Harry Potter). Phim xem hay theo kiểu The Queen, tức là khiến khán giả có cảm giác như xem một bộ phim tài liệu với những chi tiết gần gũi với đời thường, nhưng nhược điểm của những phim kiểu này là kịch tính ít khi được đẩy lên tối đa, xung đột chủ yếu ẩn phía sau khuôn mặt, cử chỉ của các diễn viên vì vậy khán giả đôi khi sẽ cảm thấy phim bị trùng và thiếu tính giải trí cần thiết. The Damned United được quay đẹp, dù tông màu của phim khá u ám nhưng phong cảnh nước Anh (vốn xù xì như chính thứ bóng đá thô ráp thời thập niên 1970) lên phim vẫn rất ấn tượng và hợp với chủ đề của phim. Hơi tiếc là phim chủ yếu tập trung vào khắc họa tâm trạng của Brian Clough vì vậy những người hâm mộ bóng đá sẽ không được chứng kiến những pha bóng kịch tính, những trận đấu kinh điển vốn là thứ "lẽ ra có thì tốt hơn" trong một phim thể thao thế này.

dimanche 11 avril 2010

A Hero Never Dies (1998), Kung Fu Chefs (2009), My Name is Fame (2006)


Bốn sao cho người hâm mộ phim của Đỗ Kỳ Phong, ba sao rưỡi cho người hâm mộ phim hành động Hồng Kông, hai sao cho các nhóm khán giả khác. A Hero Never Dies mang đầy đủ tất cả những gì "Đỗ Kỳ Phong nhất" - nhân vật có tính cách tối giản, cách kể chuyện không dựa vào cốt truyện, các pha hành động trau chuốt mang tính nghệ thuật cao, nhiều hình ảnh và chi tiết mang tính trừu tượng. Bộ phim (tiếng Hoa là Chân tâm anh hùng) nói về hai tay sát thủ Jack (Lê Minh) và Martin (Lưu Thanh Vân) từ chỗ đối đầu quay sang sát cánh chiến đấu để trả thù ông chủ cũ của họ, những người đã dồn Jack và Martin vào chỗ chết và còn giết chết người yêu của cả hai người. Cái khác của A Hero Never Dies có lẽ là mức độ bạo liệt (extreme) được đẩy lên đến cùng cực mà hình ảnh tiêu biểu là Martin bị cụt cả hai chân, phải khó nhọc lê từng bậc thang để lập kế trả thù. Một truyền thống đã có từ thời Dự Nhượng nuốt than báo thù cho chủ (trong Sử ký của Tư Mã Thiên) và được bậc thầy Ngô Vũ Sâm đưa tới mức độ dữ dội nhất nhưng cũng là thẩm mỹ, hoành tráng nhất trong Bullet in the Head (1990, phim Hồng Kông có lẽ là tiêu biểu nhất cho dòng phim chống Việt Nam) nay được Đỗ Kỳ Phong lập lại với cái "phom" nhân vật và phong cách dàn dựng các pha hành động quen thuộc của họ Đỗ. Bên cạnh "đại ca" Ngô Vũ Sâm, Đỗ Kỳ Phong còn pay homage cho một bậc thầy phim tội phạm khác, đó là Francis Ford Coppola với một trường đoạn "trong bệnh viện" y hệt The Godfather. Lê Minh quả thực là một diễn viên trung bình, anh đẹp trai nhưng diễn xuất vô cùng khô cứng, vai Jack trong phim này của Lê Minh cũng không thoát khỏi số phận đó, nó cũng "cool cool" nhưng nhàn nhạt như vai Lê đóng trong Fallen Angels của Vương Gia Vệ (nhưng còn tệ hơn, cũng có thể vì Fallen Angels dù sao cũng hay hơn?), Lưu Thanh Vân thì như thường lệ vẫn là điểm sáng của phim với cách diễn thoáng chút ranh ma nhưng cũng phớt đời đúng kiểu sát thủ. Dù sao đây cũng là một phim "must" cho ai hâm mộ phim hành động Hồng Kông nói chung và phim của Đỗ Kỳ Phong nói riêng.


Từ ngày Châu Tinh Trì cho ra đời tác phẩm xuất sắc Kung Fu Hustle, điện ảnh Hồng Kông thi nhau cho ra đời các bộ phim có cấu trúc Kung Fu + XYZ với XYZ được nhại lại từ ... chính các phim khác của Châu Tinh Trì, chất lượng thì đương nhiên càng ngày càng tệ phản ánh đúng sự đi xuống của điện ảnh xứ Cảng Thơm mấy năm trở lại đây. Nhìn cái tên Kung Fu Chefs ai am hiểu phim Hồng Kông chắc cũng đoán ngay ra được nó sẽ là công thức "đấu võ Kung Fu" + "nấu ăn kiểu The God of Cookery" với chất lượng "tệ kiểu Kung Fu whatever". Cuối cùng thì quả thực ... Kung Fu Chefs là một phim tệ với kịch bản lộn xộn, hổng lỗ chỗ đến mức khó mà kể được nó định nói về cái gì ngoài điểm nhấn là vài pha đấu võ và thi nấu ăn. Cũng may là người chịu trách nhiệm cho các pha đấu võ là Hồng Kim Bảo - người khổng lồ thập niên 1980 duy nhất còn sót lại cho đến ngày nay, các pha nấu ăn cũng được thực hiện đẹp mắt và ... ngon miệng không kém gì The God of Cookery, vì vậy rút cục Kung Fu Chefs vẫn đáng được xếp vào hạng "xem được" của phim giải trí Hồng Kông, một bất ngờ cho dòng Kung Fu whatever này.


Một phim chỉ cỡ 3 sao nhưng 4 sao cho diễn xuất của Lưu Thanh Vân (giúp Lưu có Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông - HKFA đầu tiên sau ... 7 lần đề cử) và sự xinh xắn đáng yêu của "phát hiện" Hoắc Tư Yến (Huo Si-yan).

Lưu Thanh Vân vào vai Phan Gia Huy (Poon Ka-Fai), một diễn viên từng giành HKFA cho diễn viên triển vọng nhưng rồi mãi không thể thành "sao" do không hòa nhập được với ngành công nghiệp điện ảnh và cũng vì tính cách khó chịu, thường xuyên mắng mỏ bạn diễn vì họ không thể chú tâm tới diễn xuất được như Phan. Ở vào thời điểm sự nghiệp bắt đầu lụi tàn, Phan Gia Huy bất chợt được Ngô Hiểu Phi (Hoắc Tư Yến), một cô gái trẻ xinh đẹp người Đại lục, nhận làm "sư phụ" vì hâm mộ sự tận tâm với vai diễn của anh. Nhanh chóng nhận ra triển vọng thực sự ở cô học trò nhỏ, Phan Gia Huy bỏ hết tâm sức để giúp A Phi trở thành một diễn viên nổi tiếng thực sự (tên phim tiếng Hoa là Ngã yếu thành danh - Tôi phải/cần nổi tiếng). Và rồi A Phi cũng được đạo diễn tên tuổi Trần Gia Thượng (đạo diễn của Beast Cops) để mắt tới và chọn cô cho một vai diễn lớn ở Nhật Bản, chia tay cô học trò, Phan Gia Huy mới nhận ra rằng không chỉ anh đã thay đổi A Phi, mà chính A Phi cũng đã thay đổi anh, đã đem lại cho anh sự khao khát với những vai diễn, với tình yêu điện ảnh vốn tưởng như đã khô cạn trong Phan. Cùng với sự động viên của người bạn cùng tên Lương Gia Huy (Tony Leung Ka-Fai), Phan quyết tâm thuyết phục đạo diễn Hứa An Hoa (Ann Hui, đạo diễn của Thuyền nhân) trao cho anh một cơ hội mới.

Mô-típ ngôi sao già ở buổi xế chiều - ngôi sao trẻ ở buổi ban mai là một mô-típ đã được Hollywood làm đi làm lại nhiều lần với vô số tác phẩm đã trở thành kinh điển như A Star is Born, All About Eve, Sunset Boulevard, vì vậy đạo diễn của My Name is Fame đã rất sáng suốt khi không khai thác mô-típ này theo hướng bi kịch truyền thống (đồng nghĩa với việc Phan Gia Huy chắc chắn sẽ có một kết cục bi thảm), thay vào đó My Name is Fame chỉ như một phim hài nhẹ nhàng để gợi nhớ tới điện ảnh Hồng Kông, có lẽ ở đây có hàng trăm, hàng nghìn những Phan Gia Huy, những Ngô Hiểu Phi đang chờ đợi cơ hội của mình và My Name is Fame chính là lời động viên tốt nhất cho họ - hãy cứ cố gắng, rồi thành công sẽ tới! Ngay từ việc đặt tên nhân vật chính là Phan Gia Huy - chơi chữ từ Lương Gia Huy (vốn cũng xuất hiện trong phim với tư cách "con dế mèn của Pinochio") cũng đã nói lên ý đồ đó của đạo diễn - Lương Gia Huy vốn là một diễn viên cực kì triển vọng của điện ảnh Hồng Kông, "Big Tony" nổi tiếng từ rất trẻ nhưng rồi nhanh chóng sa sút và bị "Little Tony" (Tony Leung Chiu-Wai - Lương Triều Vỹ) vượt mặt lúc nào không hay, mãi về sau sự nghiệp của Lương Gia Huy mới lại được hồi phục nhờ sự phấn đấu không ngừng nghỉ của anh cùng sự trợ giúp từ những tên tuổi trong nghề như Đỗ Kỳ Phong (người đã chọn Lương vào vai diễn rất quan trọng trong Hắc xã hội). Người hâm mộ điện ảnh Hồng Kông còn yêu thích My Name is Fame vì trong phim có rất nhiều vai khách mời (cameo) là các nhân vật tên tuổi của điện ảnh xứ Cảng thơm (vào vai chính họ!) như các đạo diễn Hứa An Hoa, Trần Gia Thượng, Trần Quả (Fruit Chan), các ngôi sao Trịnh Y Kiệt (Ekin Cheng), Chu Lệ Kì (Niki Chow), Tiết Khải Kỳ (Fiona Sit). Việc chọn Lưu Thanh Vân cho vai Phan Gia Huy cũng đã đủ khiến nhiều người yêu điện ảnh Hồng Kông cười "nổ bụng" vì Lưu Thanh Vân đúng là một ... Phan Gia Huy thứ thật, anh xấu trai, không ăn hình vì vậy không thể nổi tiếng bằng các bạn đồng niên như Lưu Đức Hoa, Lê Minh và mãi mà không đoạt nổi một giải HKFA nào (dù sao thì Lưu Thanh Vân cũng được an ủi bằng giải HKFA đầu tiên nhờ chính vai Phan Gia Huy này, và ngoài đời thì anh cũng có cô vợ rất xinh đẹp và nổi tiếng - Quách Ái Minh, cựu hoa hậu Hồng Kông). Người đóng cặp với Lưu Thanh Vân là một phát hiện mới của điện ảnh Hồng Kông - Hoắc Tư Yến, một diễn viên có nét xinh xắn đáng yêu đúng kiểu của con gái Tô Hàng (Tô Châu - Hàng Châu), tuy nhiên vai của cô bị lồng tiếng khá dở (phim Hồng Kông ít khi thu tiếng trực tiếp) nên nếu khán giả nào khó tính thì chắc cũng bị giảm đôi phần hứng thú khi xem "A Phi" diễn xuất. My Name is Fame làm tôi nhớ tới Viva Erotica của Nhĩ Đông Thăng, một bộ phim khác cũng nói về điện ảnh Hồng Kông (nhưng là về điện ảnh ... cấp III), cặp đôi trong Viva Erotica là Trương Quốc Vinh - Thư Kỳ (một diễn viên phim cấp III khi đó) có rất nhiều điểm tương đồng với cặp Lưu Thanh Vân - Hoắc Tư Yến, tuy nhiên kịch tính trong Viva Erotica cao hơn nhiều so với My Name is Fame và diễn xuất của Thư Kỳ cũng tốt hơn nhiều so với Hoắc Tư Yến (vai diễn trong Viva Erotica đã "kéo" Thư Kỳ lên hàng diễn viên "thực sự" để rồi nổi tiếng được như ngày nay), Viva Erotica còn có một yếu tố bất ngờ khác đó là diễn xuất khác lạ (và tuyệt vời) của Từ Cẩm Hồng, diễn viên trước đó chỉ được biết tới qua những vai "ông ba bị" (đặc biệt ấn tượng là vai Ngao Bái trong Tân Lộc Đỉnh ký của Châu Tinh Trì) hay phim cấp III. Mặc dù vậy thì My Name is Fame vẫn là một tác phẩm đáng xem, trong thời buổi khó khăn có lẽ người ta cần nhiều những bộ phim nhẹ nhàng và có tính động viên thế này.

jeudi 1 avril 2010

Best Hong Kong films of the 90s (by LoveHKFilm.com)

Tiếp nối loạt bình chọn Phim HK hay nhất thập niên 2000, trang LoveHKFilm.com lại tiếp tục bình chọn Phim HK hay nhất thập niên 1990. Có bình chọn mới thấy chất lượng vượt trội của phim HK ở giai đoạn này so với thập niên 2000, rất nhiều phim hay và đáng nhớ, có lẽ là đáng nhớ nhất đối với nhiều người mê phim Việt Nam vì cả một thời Fafilm chỉ chuyên nhập phim điện ảnh/truyền hình của Hồng Kông.

Sau đây là kết quả, tên phim được ghi bằng cả tiếng Anh và phiên âm Hán Việt/tiếng Việt, tên đạo diễn chỉ dùng phiên âm Hán Việt, tên tiếng Anh của họ có thể tìm thấy ở liên kết tới trang LoveHKFilm.com. Vì có rất nhiều phim hay nên tôi chỉ dẫn ra ở đây Top 30:

30. Cao độ giới bị (
Full Alert - 1997, Lâm Linh Đồng)
Thành công cuối cùng của Lâm Linh Đồng - một trong những tên tuổi lớn nhất của phim hành động Hồng Kông thập niên 1990. Trong
Cao độ giới bị, Lâm Linh Đồng tiếp tục thử nghiệm xu hướng phim hành động-phản-anh-hùng mà ông từng rất thành công trong bộ ba On Fire thời thập niên 1980.

29. Học trường uy long (
Fight Back to School - 1991, Trần Gia Thượng)
Châu Tinh Trì không chỉ biết chơi bài, anh còn biết ... bắn súng và đóng giả học sinh.
Học trường uy long với ý tưởng kịch bản độc đáo - "siêu đặc nhiệm" Châu Tinh Trì phải đóng giả một học sinh để điều tra vụ mất súng của cấp trên - đã tạo điều kiện để Châu chứng tỏ khả năng diễn hài của mình và vươn lên trở thành ông vua phim hài ở xứ Cảng Thơm.

28. Kim chi ngọc diệp (
He's a Woman, She's a Man - 1994, Trần Khả Tân)
Nếu như Châu là vua phim hài thì Trần Khả Tân là vua phim lãng mạn của Hồng Kông trong thập niên này mà dấu ấn đầu tiên là
Kim chi ngọc diệp. Bộ phim nói về mối quan hệ "dở khóc dở cười" của một cô gái giả trai và một anh chàng cư xử như con gái này thành công cũng nhờ vào diễn xuất tuyệt vời của Trương Quốc Vinh và Viên Vịnh Nghi.

27. Đao (
The Blade - 1995, Từ Khắc)
Phim võ thuật lớn cuối cùng của Từ Khắc trong thập niên 1990. Cũng không khó hiểu vì trong
Đao, Từ Khắc đã vận dụng toàn bộ khả năng và sức sáng tạo của ông trong cách dẫn chuyện, xây dựng nhân vật và dàn dựng hình ảnh để cho ra đời một tác phẩm võ thuật-phản-anh-hùng trong bối cảnh sa mạc (của thiên nhiên, của lòng người) với gam màu đỏ chói chang khó quên với bất cứ ai từng được xem bộ phim này.

26. Người trong giang hồ (
Young and Dangerous - 1996, Lưu Vỹ Cường)
Không cần nội dung sâu sắc, không cần diễn xuất vượt trội,
Người trong giang hồ của Lưu Vỹ Cường vẫn trở thành một trong những phim Hồng Kông đáng nhớ nhất và có sức sống lâu dài nhất của điện ảnh hòn đảo này trong 20 năm qua. Bộ phim "tô hồng" giới Xã hội đen này đã biến những cái tên như Trịnh Y Kiệt (aka. Trần Hào Nam) hay Trần Tiểu Xuân (aka. Gà Rừng) trở thành "đại diện" cho hình ảnh những tay anh chị của Xã hội đen Hồng Kông đối với khán giả quốc tế.

25. Quốc sản 007 (
From Beijing with Love - 1994, Lý Lực Trì)
Châu Tinh Trì +
007 = tuyệt phẩm. Bộ phim gần gũi với những tác phẩm "nhại" tại Hollywood thời thập niên 1980 của Leslie Nielsen này vẫn mang những dấu ấn riêng của phim hài Hồng Kông, hay chính xác hơn là phim hài "kiểu Châu Tinh Trì".

24. Bạch phát ma nữ (
The Bridge with White Hair - 1994, Vu Nhân Thái)
Trương Quốc Vinh + Lâm Thanh Hà ở đỉnh cao của hai người, tất nhiên kết quả chỉ có thể là một bộ phim đáng nhớ, nếu không nói là đáng nhớ nhất của dòng phim kiếm hiệp lãng mạn của Hồng Kông thập niên 1990. Mối tình đẹp nhưng bi thảm của hai đại cao thủ theo kiểu Romeo và Juliet này có lẽ sẽ còn được ghi nhớ dài lâu trong lịch sử điện ảnh Hồng Kông khi mà Trương Quốc Vinh đã từ giã cõi đời còn Lâm Thanh Hà cũng mãi lui khỏi màn ảnh lớn.

23. Tiếu ngạo giang hồ: Đông Phương Bất Bại (
Swordsman II - 1991, Trình Tiểu Đông)
Trước Từ Khắc (nhà sản xuất của
Tiếu ngạo giang hồ: Đông Phương Bất Bại), có lẽ không ai nghĩ tới việc cho một nữ diễn viên thủ vai Đông Phương Bất Bại - một trong những nhân vật phản diện đặc sắc nhất của Kim Dung. Nhưng Từ Khắc đã dũng cảm (và thành công) khi trao vai này cho mỹ nhân Lâm Thanh Hà để rồi điện ảnh Hồng Kông nhận ra rằng không cô gái giả trai nào có thể có ánh mắt sắc bén và tinh anh hơn Lâm. Đó là còn chưa kể tới việc Tiếu ngạo giang hồ còn có sự tham gia của Lý Liên Kiệt, Lý Gia Hân và Quan Chi Lâm, những diễn viên mà chỉ cái tên của họ thôi cũng đủ lôi khán giả tới rạp.

22. Câu chuyện cảnh sát III (
Police Story III: Supercop - 1992, Đường Quý Lễ)
"Câu chuyện" lớn cuối cùng của viên cảnh sát Trần Gia Câu. Đến giờ chắc nhiều người đã quên bộ phim này "nói về cái gì" nhưng chắc chắn họ sẽ vẫn còn nhớ những pha hành động siêu đẳng và chân thật do Thành Long và Dương Tử Quỳnh thực hiện.

21. Thiên nhược hữu tình (
A Moment of Romance - 1990, Trần Mộc Thắng)
Giống như
Người trong giang hồ, Thiên nhược hữu tình trở thành một hiện tượng của điện ảnh Hồng Kông không vì nội dung sâu sắc hay diễn xuất tuyệt vời, đơn giản vì bộ phim quá ấn tượng với mối tình ướt át (cả nghĩa đen và nghĩa bóng) của Lưu Đức Hoa cùng Ngô Thiến Liên.

20. Thiết hầu (
Iron Monkey - 1993, Viên Hòa Bình)
Một bộ phim võ thuật xuất sắc của Viên Hòa Bình với nội dung đơn giản đủ để tôn lên những pha giao đấu sáng tạo do họ Viên dàn dựng. Tất nhiên bộ phim còn đáng nhớ vì diễn xuất mộc mạc và trình độ võ thuật điêu luyện của Chân Tử Đan ở giai đoạn anh còn chưa trở thành "sao" và vẫn còn biết nhường đất diễn cho các diễn viên khác.

19. Tinh võ anh hùng (
Fist of Legend - 1994, Trần Gia Thượng)
Bộ phim tiếp nối
Tinh võ môn của Lý Tiểu Long này đã không làm phụ danh tác phẩm đi trước, tất cả nhờ một cái tên: Lý Liên Kiệt. Nội dung đậm chất dân tộc chủ nghĩa kiểu Hồng Kông của phim đã trở nên lỗi thời nhưng các pha giao đấu do họ Lý thực hiện thì vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong thời buổi người ta bắt đầu "giao đấu bằng CGI" nhiều hơn giao đấu thật như hiện nay.

18. Vua hài kịch (
King of Comedy - 1999, Châu Tinh Trì)
Tuy mang cái tên "Vua hài kịch" nhưng đây là bộ phim ít chất hài nhất của họ Châu trong thập niên 1990 với câu chuyện gần như là tiểu sử của chính Châu Tinh Trì trong giai đoạn lận đận đầu sự nghiệp. Tất nhiên dù có như vậy thì Châu Tinh Trì vẫn chứng tỏ sức hút của anh bằng tài năng diễn xuất và đạo diễn thượng hạng, đây cũng là bộ phim giới thiệu cho Hồng Kông một cái tên mới sáng giá - Trương Bá Chi.

17. Đông Tà Tây Độc (
Ashes of Time - 1994, Vương Gia Vệ)
Một bộ phim của nhiều cái "nhất" trong sự nghiệp của Vương Gia Vệ: Bộ phim kiếm hiệp duy nhất, bộ phim có kinh phí lớn nhất, bộ phim gây chia rẽ dư luận nhất, bộ phim có nhiều "sao" nhất, và có lẽ sẽ là một trong những phim đáng nhớ nhất. Với mỗi người cái "đáng nhớ" của
Đông Tà Tây Độc sẽ là một thứ khác nhau, quang cảnh sa mạc hùng vĩ và đầy màu sắc, diễn xuất hư ảo của Lâm Thanh Hà trong vai kép, cái kết bi thảm theo kiểu Vương Gia Vệ, hoặc thậm chí là cách họ Vương đã "phá" triết lý chưởng Kim Dung, tất cả chỉ để nói lên rằng Đông Tà Tây Độc xứng đáng với vị trí cao hơn trong danh sách này.

16. Tân Tây
du ký (A Chinese Odyssey - 1995, Lưu Trấn Vỹ và Châu Tinh Trì)
Với tác phẩm nhại
Tây du ký này, Châu Tinh Trì chứng tỏ cho điện ảnh Hồng Kông thấy rằng anh không chỉ là một diễn viên hài lớn, anh còn là một diễn viên lớn. Diễn xuất của Châu đã biến bộ phim có nội dung tương đối lộn xộn này trở thành chuyển thể Tây du ký xuất sắc nhất ở Hồng Kông trong suốt mấy chục năm qua.

15. Đọa lạc thiên sứ (
Fallen Angels - 1995, Vương Gia Vệ)
Một minh chứng cho sự nổi tiếng của Vương Gia Vệ với khán giả nước ngoài khi mà
Đọa lạc thiên sứ hoàn toàn ... không xứng đáng với một vị trí trong Top 30. Tiếp nối Trùng Khánh Sâm Lâm về mặt cốt truyện và cách xây dựng hình ảnh, nhân vật nhưng bộ phim này của Vương khó có thể làm vừa lòng khán giả khi nó để chất ảo giác (psy) chiếm chỗ quá nhiều của những câu thoại, tình tiết giản đơn nhưng nhiều ý nghĩa.

14. Tân bất liễu tình (
C'est la vie, mon chéri - 1993, Nhĩ Đông Thăng)
"Wonder boy" của điện ảnh Hồng Kông thời đầu thập niên 1990, Nhĩ Đông Thăng chứng tỏ tài năng của mình bằng việc biên kịch và đạo diễn
Tân bất liễu tình - một bộ phim hài tình cảm với cách xử lý nhẹ nhàng và ấn tượng đến bất ngờ về một mối tình bi thảm-từ đầu phim. Tân bất liễu tình cũng là

13. Xuân quang xạ tiết (
Happy Together - 1997, Vương Gia Vệ)
Xuân quang xạ tiết là bộ phim mang lại cho Vương Gia Vệ giải thưởng quốc tế lớn đầu tiên - Giải đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes. Có lẽ đây cũng là tác phẩm của Vương trong thập niên 1990 gần gũi nhất với Tâm trạng khi yêu - bộ phim xuất sắc nhất thập niên 2000 của đạo diễn này.

12. Phương Thiếu Ngọc (
Fong Sai-yuk - 1993, Nguyên Khuê)
Một phim võ thuật kiểu truyền thống (đạo diễn của bộ phim - Nguyên Khuê - xuất thân là một chỉ đạo võ thuật) nhưng vẫn trở thành đáng nhớ nhờ diễn xuất hài hước chọc cười của Tiêu Phương Phương, vẻ đẹp của Lý Gia Hân và tất nhiên là những pha giao đấu của Lý Liên Kiệt.

11. Điềm mật mật (Comrades, Almost a Love Story - 1996, Trần Khả Tân)
Phim tình cảm tiêu biểu nhất của Hồng Kông thập niên 1990. Được làm trước khi Trung Quốc lấy lại Hồng Kông đúng một năm, Điềm mật mật (tên một ca khúc nổi tiếng của nữ ca sĩ Đặng Lệ Quân) nói về thân phận và mối tình đẹp của một đôi trai gái người Đại lục nhập cư tại xứ Cảng thơm - một cốt truyện hoàn hảo để Trần Khả Tân dùng tài đạo diễn của mình biến bộ phim trở thành một thành công lớn cả về thương mại và nghệ thuật.


10. Thần ăn (God of Cookery - 1996, Châu Tinh Trì và Lý Lực Trì)
Thần ăn là bộ phim có thứ hạng cao nhất của Châu Tinh Trì trong danh sách và cũng có thể coi là bộ phim "Châu Tinh Trì nhất" trong số chừng ba mươi bộ phim mà ngôi sao hài này tham gia trong thập niên 1990.


09. A Phi chính truyện (Days of Being Wild - 1991, Vương Gia Vệ)
Nếu có một cuộc bình chọn khác thì hẳn Vương Gia Vệ sẽ được bầu là "đạo diễn Hồng Kông của thập niên [1990]". Và chính A Phi chính truyện với diễn xuất hư ảo của Trương Quốc Vinh đã tạo dựng tên tuổi cho Vương với phong cách đặc trưng không thể lẫn với bất cứ ai khác trong làng điện ảnh Hồng Kông.


08. Hoàng Phi Hồng II (Once Upon a Time in China II - 1991, Từ Khắc)
"
Hoàng Phi Hồng I hay Hoàng Phi Hồng II hay hơn?" Đó luôn là câu hỏi cho người hâm mộ phim võ thuật Hồng Kông kể từ ngày Từ Khắc bắt tay với Lý Liên Kiệt để thực hiện loạt phim đáng nhớ nhất trong số hàng trăm bộ phim về huyền thoại võ thuật này. Với tôi có lẽ phần II "hay hơn" vì đây là lần duy nhất người ta được chứng kiến ngôi sao võ thuật hàng đầu Lý Liên Kiệt giao đấu với "người thừa kế" của anh là Chân Tử Đan bằng những pha võ do Viên Hòa Bình chỉ đạo. Đó chỉ là một trong vô vàn lý do khác để Hoàng Phi Hồng II trở thành một bộ phim "must" của người hâm mộ bên cạnh bàn tay đạo diễn của "Steven Spielberg Hồng Kông" Từ Khắc hay vẻ đẹp của Quan Chi Lâm.



07. Hoàng Phi Hồng (
Once Upon a Time in China - 1990, Từ Khắc)
Như đã nói ở trên, Hoàng Phi Hồng 1 hay 2 hay hơn luôn là chủ đề tranh cãi của người hâm mộ, và trong cuộc bầu chọn này thì tập 1 đã xếp trên (dù chỉ một bậc), có lẽ là nhờ vào vai phụ của Trương Học Hữu hoặc cái tính "đầu tiên" của tác phẩm này.


06. Ám chiến (Running out of Time - 1999, Đỗ Kỳ Phong)
Tương tự như
Đọa lạc thiên sứ, Ám chiến có được vị trí cao như vậy có lẽ là nhờ nhiều vào danh tiếng của Đỗ ở trường quốc tế nhiều hơn chính chất lượng của bộ phim. Đây đơn thuần là một phim hành động giải trí với cách giải quyết tình huống thông minh và xây dựng nhân vật tương đối ấn tượng, nhưng điểm đáng nhớ nhất ở bộ phim này có lẽ ở việc nó trở thành điểm mốc đánh dấu sự trưởng thành về diễn xuất của Lưu Đức Hoa, nếu Đỗ không chọn "thiên vương" Lưu Đức Hoa cho vai tay trộm thông minh trong Ám chiến thì chắc Lưu khó lòng được coi là một diễn viên "tốt" với nhiều giải thưởng về diễn xuất như sau này.


05. Túy quyền II (Drunken Master II - 1994, Lưu Gia Lương)
Trước khi từ giã những bộ phim võ thuật kiểu truyền thống vốn là bệ phóng đưa anh lên vị trí ngôi sao, Thành Long đã mời Lưu Gia Lương - đạo diễn của
36 phòng Thiếu Lâm nổi tiếng, hợp tác để thực hiện phần hai của Túy quyền (do Viên Hòa Bình đạo diễn) - tác phẩm lớn đầu tiên của Thành Long. Và không phụ công những người hâm mộ "ruột" của phim võ thuật truyền thống nói chung và "phim Thành Long" nói riêng, Túy quyền II đã trở thành tác phẩm "võ thuật tinh tuyền" đáng nhớ nhất của thập niên 1990. Từ những pha giao đấu sáng tạo, nhanh, thật (do võ sư thứ thật Lưu Gia Lương dàn dựng) tới các màn đấu khẩu đậm chất văn hóa Quảng Đông giữa Thành Long và Mai Diễm Phương, và tất nhiên là cả sự xuất hiện của những tên tuổi lừng danh một thời của Thiệu Thị như Địch Long và Lưu Gia Lương, tất cả đã giúp Túy quyền II trở thành một "the last bow" xứng đáng cho sự nghiệp của Thành Long ở Hồng Kông.


04. Điệp huyết nhai đầu (Bullet in the Head - 1990, Ngô Vũ Sâm)
Tính từ có thể dùng để mô tả Điệp huyết nhai đầu là "over-the-top". Những giới hạn của phim hành động Hồng Kông được đẩy lên tận cùng với câu chuyện về tình bạn và sự phản bội của ba thanh niên Hồng Kông vì số phận mà rơi vào giữa cuộc chiến Việt Nam tàn khốc. Không có nhiều đột phá về nghệ thuật, Điệp huyết nhai đầu lôi kéo khán giả có lẽ nhờ vào diễn xuất đầy lửa của Trương Học Hữu và những liên hệ của bộ phim với Sự kiện Thiên An Môn đẫm máu xảy ra trong giai đoạn này.


03. Sinh hỏa (The Mission - 1999, Đỗ Kỳ Phong)
Trước
Sinh hỏa, Đỗ Kỳ Phong được coi là một đạo diễn chắc tay của điện ảnh Hồng Kông, nhưng kể từ Sinh hỏa, họ Đỗ đã nhanh chóng được coi là ông vua mới của làng phim hành động tại hòn đảo này với cách xây dựng nhân vật, dàn cảnh và tạo dựng cốt truyện độc đáo "kiểu Đỗ Kỳ Phong". Dù sau này Đỗ Kỳ Phong còn có nhiều phim lớn khác như Đại hòa thượng hay Hắc xã hội, Sinh hỏa vẫn được coi là dấu ấn đầu tiên và đậm nét nhất của ông.


02. Lạt thủ thần tham (
Hard Boiled - 1992, Ngô Vũ Sâm)
"The last bow" của Ngô Vũ Sâm với điện ảnh Hồng Kông, Lạt thủ thần tham mang đầy đủ những gì tinh túy nhất của họ Ngô, từ cách xây dựng hình ảnh một Châu Nhuận Phát trượng nghĩa, phớt đời đến những pha hành động "gunfu" trong bệnh viện được dàn dựng kĩ lưỡng và hoành tráng, bên cạnh đó là cốt truyện thiện ác bất phân của một cảnh sát nằm vùng (Lương Triều Vỹ) mà sau này Vô gian đạo đã sử dụng gần như y nguyên để trở thành bộ phim đáng nhớ nhất của thập niên 2000.


01. Trùng Khánh Sâm Lâm (
Chungking Express - 1994, Vương Gia Vệ)
Từ một bộ phim "làm ngoài kế hoạch", tận dụng những thứ "dư thừa" của Đông Tà Tây Độc, Trùng Khánh Sâm Lâm đã trở thành tác phẩm có sức sống dài lâu và được yêu thích nhất của Vương Gia Vệ. Vẻ phớt tỉnh của Lương Triều Vỹ, nét hồn nhiên của Vương Phi, cặp kính đen và mái tóc giả bí ẩn của Lâm Thanh Hà, cặp mắt buồn bã của Takeshi Kaneshiro,... có rất nhiều lý do để một bộ phim đơn giản, nhẹ nhõm như Trùng Khánh Sâm Lâm trở thành một bộ phim xuất sắc với bất cứ người mê phim nào. Đây cũng là lựa chọn của tôi cho vị trí thứ nhất mặc dù tôi chủ yếu hâm mộ phim võ thuật và hài Châu Tinh Trì.

Còn đây là Top 10 của tôi:
01.
Trùng Khánh Sâm Lâm (1994)
02.
Hoàng Phi Hồng II (1992)
03.
Tân Tây du ký (1995)
04.
Sinh hỏa (1999)
05.
Tiếu ngạo giang hồ: Đông Phương Bất Bại (1992)
06.
Thần ăn (1996)
07.
Túy quyền II (1994)
08.
Đao (1995)
09.
Vua hài kịch (1999)
10.
Tân bất liễu tình (1993)