some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

dimanche 30 mai 2010

Mother (2009), My Girlfriend is an Agent (2009)

Mother được coi là một trong những phim xuất sắc nhất của Hàn Quốc năm 2009. Đây là phim của Bong Joon-ho, đạo diễn hiện đang rất nổi ở Hàn Quốc với những tác phẩm thành công cả về thương mại và nghệ thuật như Memories of Murder hay The Host. Có thể coi Mother là "phần hai" của Memories of Murder, cũng là những câu chuyện xoay quanh việc tìm hung thủ giết người, nhưng Memories of Murder được nhìn dưới con mắt của người điều tra còn Mother được nhìn dưới con mắt của kẻ tình nghi gây án, liệu Bong có cho ra đời thêm một "phần ba" nữa dưới con mắt của nạn nhân không?

Mother kể về một người mẹ đi tìm công lý cho đứa con ngớ ngẩn của bà bị cảnh sát bắt và kết án vì tội giết một cô gái trẻ. Vì có chút ngớ ngẩn nên con trai bà chẳng thể nhớ ra mình đã làm gì trong buổi tối hôm xảy ra án mạng và quan trọng hơn cả, nó chẳng thể nhớ ra mình có phải người giết cô gái đó hay không. Và cuộc đi tìm sự thật được trao vào tay bà mẹ già yếu ớt, người chỉ có thứ vũ khí duy nhất là tình yêu vô hạn với đứa con trai.

Bong Joon-ho đã chứng tỏ mình là một đạo diễn xuất sắc của thể loại phim trinh thám, tôi rất thích cách ông đưa ra những chi tiết rất nhỏ tưởng chừng vu vơ để rồi sau đó khán giả phải "ồ" lên thích thú vì thấy tầm quan trọng của chi tiết đó (đúng kiểu The Usual Suspect): Một lão già nghèo khổ nhưng vẫn thối lại tiền khi bà mẹ đưa quá nhiều để mua một cái ô rách, hình ảnh hộp kim châm cứu liên tục xuất hiện trong phim, chi tiết thằng con trai nổi khùng lên mỗi khi bị gọi là thằng ngớ ngẩn, khung cảnh hỗn loạn ở nơi dựng lại hiện trường khi thằng con trai đột nhiên gỡ khẩu trang bịt mặt để chào bạn gái,... Phim gần như không có một chi tiết nào thừa hoặc vụn vặt, một điều hiếm gặp ở phim hình sự châu Á. Mother nhìn chung dễ xem hơn "một chút" so với bộ phim đầy tăm tối, dã man, ẩm ướt Memories of Murder, tuy nhiên nó vẫn chứa đựng quá nhiều những mặt trái của xã hội, cả phim người ta không thấy nổi một nhân vật nào tốt "gần như toàn diện", tâm hồn nhân vật nào cũng có chút gì đó hung dữ hoặc tuyệt vọng, chẳng nhẽ Bong Joon-ho thực sự thấy cuộc đời tăm tối đến vậy?

Dàn diễn viên trong phim diễn tốt (so với tiêu chuẩn phim Hàn), tuy vậy Kim Hye-ja, người thủ vai bà mẹ-một vai rất khó, vẫn bị over (diễn quá) trong một vài đoạn ở đầu phim, càng về cuối bà càng nhập vai hơn, đặc biệt là ánh mắt hoảng loạn của bà ở cuối phim hẳn sẽ còn làm ám ảnh nhiều khán giả. Người thủ vai đứa con trai ngớ ngẩn là Won Bin - ngôi sao trẻ một thời của điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc, đây là phim đầu tiên của anh sau 5 năm vì vậy Won Bin diễn chưa thực sự nhập vai, cái vẻ đẹp trai hiền lành của anh không giúp người xem thấy được sự ngơ ngác nhưng ẩn chứa mầm mống nổi loạn trong thằng con ngớ ngẩn. Tóm lại theo tôi đây là một phim xem được, hấp dẫn là đằng khác (vì có rất nhiều twist, đủ để khán giả bất ngờ từ đầu tới cuối nhưng cũng không bị quá liều lượng khiến khán giả chán) nhưng để tranh Oscar phim nước ngoài năm nay (đây là đại diện chính thức của Hàn Quốc) thì e rằng vẫn chưa đủ tầm.


Phim này quá sức nhảm nhí, đáng ra chỉ chấm một sao nhưng thôi cho thêm sao nữa cho mấy cảnh hài hước ở đầu và cuối phim. Mô-típ của My Girlfriend is an Agent khá đơn giản, rất phù hợp với chất của một phim hành động hài: Một cặp tình nhân rơi vào thế đối đầu do là đặc vụ của hai cơ quan điều tra khác nhau - mô-típ kiểu Mr. and Mrs. Smith (bản cũ của Hitchcock tôi chưa được xem, bản mới có Pitt và Jolie thì chỉ ở chất lượng trung bình thấp) hoặc trước đó là Prizzi's Honor của John Huston có Jack Nicholson đóng. Với những phim có kết cấu đơn giản thế này thì việc nó hay dở thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào cách đạo diễn xử lý các pha hành động và những chi tiết hài hước trong phim, phần hài hước của My Girlfriend is an Agent không đến nỗi tồi (như truyền thống của phim Hàn) nhưng phần hành động thì quá tệ, các pha hành động được biên đạo và quay rất qua loa, chưa kể việc phim đầy những lỗi kỹ thuật như ngồi trong lồng sắt Faraday mà vẫn dùng di động gọi thoải mái (trong khi chức năng đầu tiên của lồng Faraday là để phá sóng điện từ!) hay chọc gậy vào bánh xe máy rồi sau đó lại lấy xe chạy tiếp như thường. Một cái tệ nữa là cách phim sử dụng prototype của nhân vật phản diện là người Nga - đúng kiểu phim hành động Mỹ, trong khi cái prototype này đã lỗi thời từ quá lâu rồi, Chiến tranh Lạnh đã qua đến 20 năm mà vẫn còn bị ảnh hưởng từ những trò tuyên truyền của Mỹ thì quả thực quá tệ! Với một tác phẩm tệ thế này, tốt nhất là người xem nên chuyển sang xem một phim hành động-hài, 007-mocking hay hơn rất nhiều, đó là From Beijing with Love (Quốc sản 007) của Châu Tinh Trì.

lundi 24 mai 2010

Miss Marple


Agatha Christie phần I: Agatha Christie và phim hình sự

Agatha Christie phần II:

Nhân vật thám tử xuất hiện nhiều thứ hai trong các tác phẩm của Agatha Christie là Miss Marple, một lão bà thông minh, tinh tế và đặc biệt là khiêm tốn, ít nói trái ngược hẳn với phong cách huênh hoang tự cao của Hercule Poirot. Nhiều người, và bản thân tôi, khi bắt đầu đọc Miss Marple (như nhiều độc giả Việt Nam, tôi làm quen với Miss Marple bằng tiểu thuyết 4.50 from Paddington – một trong những tác phẩm hay nhất về Miss Marple) đều nghĩ rằng Miss Marple chính là hiện thân (cả về mặt dáng vẻ bên ngoài lẫn trí óc bên trong) của Agatha Christie, nhưng thực tế thì tiểu thuyết đầu tiên trong số 12 tiểu thuyết về Miss Marple, Murder at the Vicarage, được Agatha cho ra đời từ năm 1930 nghĩa là từ khi nữ nhà văn mới ở độ tuổi của bà vợ ông mục sư Griselda, một trong các nhân vật nữ chính của tác phẩm này. Và thực sự thì tôi cũng chẳng hề mong muốn việc Agatha Christie tạo ra Miss Marple để làm hiện thân của mình trên trang giấy, đơn giản vì tôi … rất ghét Miss Marple, nhân vật theo tôi là còn “đáng ghét” hơn cả Hercule Poirot – “người” bị Agatha Christie hắt hủi. Tôi ghét Miss Marple vì cách phá án và tiết lộ thủ phạm kiểu “vòng vo Tam Quốc” của bà, Miss Marple thường xuyên khiến các nhân vật trong truyện và độc giả ngoài đời phải “dài cổ” chờ đợi bà liên hệ các tình tiết vụ án với những câu chuyện rất “trời ơi đất hỡi” diễn ra ở cái làng St. Mary Mead của bà để rồi phải vò đầu bứt tai tự hỏi “những nhận xét vặt vãnh này thì có liên quan gì tới vụ án???”. Tất nhiên là chúng “có liên quan”, thậm chí là theo cái cách hết sức tinh tế và chỉ có thể xuất phát từ một con người có nhãn quan sâu sắc và toàn diện về cuộc sống nói chung và tâm lý, cách ứng xử của con người nói riêng. Nhưng dù có tinh tế đến mấy thì việc ngay cả ở những giờ phút cao trào Miss Marple vẫn tiếp tục từ từ, chậm rãi “kể lể” bằng giọng nói nhỏ nhẹ, hiền lành của bà chỉ khiến người đọc sốt ruột!

Trong số 12 tiểu thuyết của Agatha Christie về Miss Marple thì hay nhất có lẽ là những tiểu thuyết Agatha viết ở giai đoạn đầu (cho đến trước năm 1945) gồm Murder at the Vicarage, Sleeping Murder, The Body in the LibraryThe Moving Finger. Trong số này thì Sleeping Murder có số phận khá đặc biệt vì nó được Agatha viết từ khá sớm, từ giai đoạn đầu của Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng nó lại được bà “để dành” làm tiểu thuyết cuối cùng về Miss Marple, một quyết định chính xác vì tác phẩm tuy có cấu trúc truyền thống (kiểu vụ án phòng kín) và thậm chí là còn tương đối dễ đoán nhưng vẫn cực kì hấp dẫn người đọc thông qua cách dẫn dắt vụ án sáng tạo (và khó tin!) cùng tuyến nhân vật có chiều sâu. Trong giai đoạn sau (kể từ năm 1950) những tiểu thuyết của Agatha về Miss Marple tập trung khá nhiều vào việc phân tích tâm trạng nhân vật thay vì biến hóa với cách thức gây án, phá án, tiêu biểu là Nemesis, tiểu thuyết được ra đời chỉ vài năm trước khi nữ nhà văn qua đời. Tiểu thuyết này thuộc về dòng “phá án xảy ra trong quá khứ” mà Agatha từng rất thành công với Sleeping Murder, Five Little Pigs nhưng cũng có một số thất bại như Elephants Can Remember và chính Nemesis. Trong truyện Miss Marple phải phá án mà không hề có chứng cứ hay một gợi mở nhỏ nào, bà chỉ có thể sử dụng tài nhận xét và đối chiếu tâm lý con người của mình để tìm ra được thủ phạm với tư cách của một “Nữ thần báo oán” (Nemesis). Chỉ tiếc là Agatha Christie đã không thể tận dụng hết ý tưởng của mình khi bà quá sa đà vào những đoạn tự sự, suy nghĩ với nhịp kể rất chậm không hề thích hợp cho một tác phẩm trinh thám, đây cũng là nhược điểm của hầu hết các tiểu thuyết Agatha viết cuối đời (mà tiêu biểu nhất là tiểu thuyết rất tệ Postern of Fate – tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp của Agatha Christie). Trong số 8 tiểu thuyết về Miss Marple viết ở giai đoạn sau thì vượt trội hơn cả có lẽ là 4.50 from PaddingtonThe Mirror Cracked from Side to Side. Nếu như 4.50 from Paddington lôi cuốn người đọc bằng phần mở đầu cực kì hấp dẫn và pha chút rùng rợn thì The Mirror Cracked from Side to Side lại hay theo cách rất riêng, đó là đẩy nhanh dần nhịp độ của truyện cho tới phần tiết lộ hung thủ - một trong những phần cuối theo tôi là hay và bất ngờ nhất trong văn nghiệp của Agatha Christie. The Mirror Cracked from Side to Side còn có một điểm sáng khác đó là cách Agatha xây dựng nhân vật chính Marina Gregg – một ngôi sao điện ảnh theo kiểu Sunset Boulevard rất thật, “rất Hollywood” (thậm chí bà Gregg còn mắc bệnh “nghiện xin con nuôi” chẳng khác nào cái “mốt xin con nuôi” hiện nay của các ngôi sao Hollywood). Đọc các tiểu thuyết về Miss Marple độc giả có thể rút ra hai nhận xét nhỏ, đó là cách xây dựng vụ án khá truyền thống và sự xuất hiện của những nhân vật nữ nổi bật, ấn tượng. Ngoại trừ At Bertram’s Hotel viết theo “kiểu Sherlock Holmes” và Nemesis quá tập trung vào tâm lý thì các vụ án Miss Marple tham gia đều là những vụ án phòng kín (closed-room case) với những động cơ gây án “truyền thống” của Agatha Christie là “tiền”, “tình” (crime passionnel) và che giấu quá khứ. Điểm đặc biệt trong loạt tiểu thuyết về Miss Marple là Agatha Christie thường xuyên đưa vào những nhân vật chính (ở cả tuyến chính diện và phản diện) là nữ với tính cách, tâm lý, hành động được mô tả rất công phu, chi tiết và trong nhiều trường hợp còn lấn át cả Miss Marple (vốn đôi khi chỉ xuất hiện để tiết lộ hung thủ). Điều này là một nét riêng khác hẳn so với các tiểu thuyết Agatha viết về Hercule Poirot, vốn luôn là trung tâm của câu chuyện và xóa mờ các nhân vật phụ xung quanh vị thám tử này. Một điểm khác biệt nữa của Miss Marple so với Hercule Poirot đó là ý niệm về thời gian. Nếu như suốt mấy chục tập tiểu thuyết về Hercule Poirot người ta ít khi thấy sự biến đổi về tuổi tác, cách suy nghĩ của Poirot (trừ tiểu thuyết “cuối cùng” Curtain: Poirot’s Last Case) thì qua từng tiểu thuyết về Miss Marple, người đọc có thể cảm nhận rõ tác động của thời gian đối với các nhân vật và bối cảnh tiểu thuyết, đó là một Miss Marple già hơn, yếu hơn, chìm vào suy tư nhiều hơn qua từng tiểu thuyết, đó còn là một nước Anh sau chiến tranh đang phát triển không ngừng và tự bứt mình ra khỏi những mối quan hệ xã hội truyền thống vốn ăn sâu cắm rễ kể từ thời Nữ hoàng Victoria.

Cuối cùng là “listmania”, theo tôi năm tiểu thuyết “đáng đọc” nhất về Miss Marple, xếp theo thứ tự ưu tiên là:
  • Sleeping Murder
  • The Mirror Cracked from Side to Side
  • The Body in the Library
  • Murder at the Vicarage
  • 4.50 from Paddington

vendredi 21 mai 2010

2012 (2009), Tropic Thunder (2008)


Như mọi phim thảm họa khác (cụ thể hơn, phim thảm họa khác của Emmerich), 2012 có nội dung đơn giản, dễ hiểu. Cuối thập niên 2010, các nhà khoa học phát hiện ra rằng Mặt Trời bất ngờ hoạt động mạnh khiến cho Trái Đất phải hứng chịu một đợt gió Mặt Trời với mật độ neutrino cực lớn, chúng kích thích hoạt động bên trong lòng Trái Đất tương tự cơ chế gia nhiệt cho nước bằng lò vi sóng, kết quả cuối cùng là các mảng lục địa chuyển động dữ dội, loài người đứng trước thảm họa diệt vong vì siêu sóng thần, động đất và núi lửa. Để cứu vớt loài người và bản thân mình, các lãnh đạo thế giới quyết định họp lại để lên kế hoạch đóng chừng 10 con "thuyền Nô-ê" khổng lồ chống chọi được với cơn đại hồng thủy. Tất lẽ dĩ ngẫu là người thì nhiều mà chỗ trên thuyền thì có hạn, ai muốn sống sót phải hoặc là tinh hoa, lãnh đạo của các quốc gia lớn, hoặc là người đủ giàu để bỏ ra 1 tỷ USD mua vé cho bản thân, và cả những người bằng cách này hay cách khác trốn được lên tàu. Xong phần chủ đề, hay còn gọi là "xương sống" của bộ phim, diễn viên và các chi tiết khác chỉ là phần "thịt" đắp thêm. Tất nhiên, để hoàn thành "bộ xương" cho 2012, Emmerich đã bạo tay dùng tới 200 triệu USD để đầu tư cho phần kĩ xảo, CGI của 2012 quả thực xứng đáng đồng tiền bát gạo, thật, hoành tráng và ấn tượng bậc nhất so với những phim trước đó của ông.

(Lại) như mọi phim thảm họa khác, 2012 có tuyến nhân vật gồm 1 anh hùng - người sẽ cứu hoặc mỹ nhân, hoặc gia đình của anh ta, thoát khỏi thảm họa (trong phim này là anh nhà văn kiêm tài xế Jackson do John Cusack thủ vai), 1 kẻ phản diện chuyên thực hiện những hành động "đê hèn", "mất nhân tính" trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng để khán giả có thể trút giận (trong phim này là, dễ hiểu, một tỷ phú Nga tên Yuri), 1 vai người lãnh đạo sẵn sàng hy sinh vì nhân dân (trong phim này là, lại dễ hiểu nữa, tổng thống Mỹ da đen Obama, à quên, Wilson) cộng thêm một số nhân vật phụ khác trong các vai ngây thơ (=> chết), nhát gan quá mức (=> chết), dũng cảm quá mức (=> càng chết) và xinh đẹp (=> thường là chết, trừ phi nhân vật đó may mắn được là người yêu/vợ của nhân vật anh hùng). Nói như vậy là đủ để thấy 2012 cũng không có gì tiến bộ hơn so với các bộ phim trước đây của Emmerich, cũng không thể trách được vì họ (phải) dành phần lớn thời gian để ngụp lặn, la hét, khóc lóc, ôm hôn nhau, trao nhau những lời thắm thiết trước lúc chết, thì lấy đâu ra thời gian để khán giả biết tính cách, bản chất của họ.

Tuy vậy, nếu chỉ xét hơn nửa đầu của phim (cho đến trước khi thuyền đếm ngược để khởi hành) thì tôi sẵn sàng chấm phim 4/5 sao. Lý do vì Emmerich, thật ngạc nhiên, đã tránh được tất cả những cliché hay mắc phải ở dạng phim bom tấn nói chung và phim của chính ông nói riêng. Theo tôi thì phần đầu phim giới thiệu về "Thảm họa 2012" được làm đặc biệt tốt, cắt cảnh gọn, cung cấp thông tin vừa đủ và gây được hứng thú cho người xem. Bên cạnh một số lợn cợn không đáng kể về chuyện chọn tỷ phú Nga làm vilain (sao không phải tỷ phú Mỹ-với tỷ lệ đông gấp 1000 lần?) và anh tổng thống tốt quá mức chịu đựng thì 2012 đã có một phần đầu tiên vượt trội so với các bộ phim trước đó của Emmerich cả về nội dung và kĩ xảo. Các cliché về cảnh sinh ly tử biệt như giữa tiến sĩ địa chất Adrian và bố, Charlies Frost và ... bạn nghe đài, được đạo diễn xử lý rất khéo, tuy vẫn là cliché nhưng không quá bi lụy, vừa đủ để khán giả cảm động, vừa không "phá" tiết tấu nhanh của bộ phim mà anh nhà văn Jackson cùng đại gia đình đã tạo ra cực kì thành công bằng vô số pha hành động đẹp mắt trên limousine, trên máy bay với cái nền là một Los Angeles hoang tàn trong ngày hủy diệt. Ngay từ hồi xem trailer tôi đã thích thú với cách Emmerich "phá hoại" những địa danh quan trọng của Thế giới như Nhà thờ St. Pierre và Nhà nguyện Sistine ở Roma, tượng Chúa Cứu thế ở Rio de Janeiro, Nhà Trắng ở D.C... Phần này trong phim được làm rất giàu cảm xúc, không xúc động sao được khi ta "được" chứng kiến những địa danh tưởng chừng sẽ tồn tại vĩnh viễn như một chỉ dấu (trademark) của quốc gia, của thế giới như vậy đổ sụp. Lần này Tượng Nữ thần Tự Do được Emmerich "tha mạng" nhưng ông lại "quên" mất Tháp Eiffel hay Kim tự tháp Ai Cập (không hiểu do ý muốn chỉ động đến các địa danh liên quan đến đức tin tôn giáo, hết tiền làm CGI hay sợ "đụng hàng" với Transformers IIG.I. Joe - "sợ gì?" vì tuy cùng là blockbuster "rẻ tiền" nhưng 2012 vẫn xứng đáng ngồi "chiếu trên" so với 2 bộ phim kia). Vụ công trình kiến trúc nào rơi vào "tầm ngắm" của Emmerich cũng đã khiến dư luận bàn cãi sôi nổi, nhiều người chỉ trích rằng ông chỉ "nhè" các địa danh của Công giáo (Catholicism) mà "quên" các địa danh của Đạo Hồi (như thánh địa Mecca, cụ thể là hòn đá thiêng Kaba'a), Đạo Do Thái (như Bức tường than khóc) và Đạo Tin lành. Với tôi thì ... miễn là địa danh bị phá hủy phải thật nổi tiếng, thế là được.

Rất, rất tiếc là (non) nửa cuối của phim quá tệ, kịch bản xuống tay trông thấy còn Emmerich thì quá sa đà vào những cảnh cliché đến không thể chịu nổi mà ngay từ thời những phim thảm họa thập niên 1970 như The Towering Inferno, Poseidon đã lặp đi lặp lại và tới Titanic thì đã đạt tới đỉnh cao mà khó phim thảm họa nào ... cliché hơn nổi. Đến đây thì 2012 đã không còn giữ được cái phẩm chất quý giá nhanh, gọn của nó, nhịp phim bị cắt nát bởi những pha "dặn dò trước lúc đi xa", gào thét, la hét, thậm chí cả những cảnh vô lý tới khó tưởng tượng nổi (phim khoa học giả tưởng không có nghĩa là được bịa đặt kiểu gì cũng được, tất nhiên) - 1 thằng cu chừng 10 tuổi mà lặn ngụp như 1 anh hùng để "giúp ông bố", anh tiến sĩ lên tàu "chỉ mang sách không thèm mang bàn chải" trong khi số sách của anh chắc chỉ đáng 10Mb ebook "bản đẹp" trong máy tính?! Phần cuối "dở ẹc" đã kéo lùi chất lượng nói chung của phim xuống rất nhiều và có lẽ cũng khiến nhiều khán giả phải thất vọng sau phần đầu hay và hoành tráng. Nhạc phim theo tôi cũng dở, đoạn đầu thì không để ý lắm (vì phim hay, chi tiết lại dồn dập), nhưng đến đoạn lê thê phía sau thì thực sự phần nhạc chỉ càng khiến người xem phải cầu mong cho phim hết nhanh.

Thôi đành cố tìm thêm một số chi tiết "thú vị" cho phim vậy. Cái thú vị đầu tiên là về cơ sở khoa học, 2012 giải thích ngắn gọn nhưng khá "thật" về neutrino, còn dễ hiểu và gần với thực tế hơn nhiều so với phần nói về phản vật chất trong Angel & Demon. Cái thí nghiệm ở Ấn Độ để đo (detect) neutrino cũng là có thật ngoài đời, cách bố trí với bể nước khổng lồ dưới mỏ sâu là hoàn toàn chính xác, chỉ có điều cái thí nghiệm thật nó nằm ở Nhật Bản chứ không nằm ở "thị trường điện ảnh mới" Ấn Độ như trong phim. 2012 được làm rõ ràng để nhắm tới hai thị trường Trung Quốc và Ấn Độ, Ấn Độ trong phim thì "cứu sống" loài người bằng phát hiện về neutrino tác động tới Trái Đất, còn Trung Quốc trong phim thì là "cái nôi" cho các con "thuyền Nô-ê" thời hiện đại. Lúc đầu xem trailer tôi đã nghĩ có khi Emmerich định lồng tư tưởng tuyên truyền "độc lập cho Tây Tạng" cho phim này, hóa ra không phải, phim không nói gì nhiều tới chính trị (trừ việc, tất nhiên, nhấn mạnh Mỹ là "anh hai" của thế giới) lại tránh việc "nói xấu" các quốc gia khác (ngay cả tay "người xấu" tỷ phú Nga cũng tốt một cách đáng ngạc nhiên so với cách phim Mỹ thường mô tả về người Nga) vì thế chắc chắn 2012 sẽ hốt bạc ở thị trường quốc tế (thực ra là có động tới "tí ti" chuyện Tây Tạng thông qua tên anh nhân vật công nhân người Tây Tạng, anh này tên Tenzin tức là trùng với tên cúng cơm của Đạt-lai-lạt-ma). Ngoại trừ giả thuyết về "năm thảm họa 2012" do người Maya đưa ra (mà oái oăm thay thì nền văn minh của họ đã bị người Tây Ban Nha hủy diệt từ 400, 500 năm trước) thì phim cũng đụng rất nhiều tới các chi tiết tôn giáo, lịch sử và văn hóa khác có liên quan tới ngày tận thế như con tàu mà ông bố anh tiến sĩ Adrian đi là Genesis - trùng tên với Kinh Sáng thế của Công giáo, Noah con trai anh Jackson thì chính là "Nô-ê", con thuyền khổng lồ với muông thú thì hoàn toàn bệ nguyên từ "thuyền Nô-ê" trong Kinh Thánh, rồi cuốn sách có tiêu đề Atlantis gợi nhớ tới lục địa Atlantis từng biến mất trong huyền thoại, cái vết nứt hiện ra trên trần Nhà nguyện Sistine cắt đứt đúng điểm nối giữa ngón tay của Chúa và ngón tay của Adam - khi Chúa truyền sự sống cho Adam (cũng là truyền sự sống cho loài người), con thuyền sau khi thoát nạn hướng về phía Nam Phi tức là hướng về nơi được coi là cái nôi của loài người (Nam Phi là nơi người ta khai quật được bộ xương hóa thạch cổ nhất của tổ tiên người hiện đại),...

Dù sao với nửa phần đầu và nhiều chi tiết thú vị như vậy, 2012 rõ ràng vẫn thuộc "top đầu" của dòng phim blockbuster trong mùa phim thất bát năm nay. Và tất nhiên với những ai hứng thú với kĩ xảo hoành tráng thì chắc chắn không thể bỏ qua bộ phim này, "mother of all disaster movies".


Một phim hài ở mức "xem được" với kịch bản tương đối sáng tạo nhưng được làm chưa "tới". Phim xây dựng theo chiều hướng parody cả các phim về chiến tranh Việt Nam và cả giới làm phim Hollywood với rất nhiều đoạn nhại lại một cách thú vị các bộ phim về chiến tranh Việt Nam kinh điển như Platoon, Born on the Forth of July, Fullmetal Jacket và đặc biệt là Apocalypse Now. Tuy nhiên dường như Ben Stiller mất phương hướng trong việc sử dụng "hết công suất" sự sáng tạo của mình vì vậy đoạn cuối của phim trở nên rất không đồng nhất và khiến bộ phim trở thành một tác phẩm hài giải trí hết sức bình thường mà không mang lại được suy nghĩ nào cho khán giả. Khá ngạc nhiên là IMDb trong phần Film Connections lại liệt kê thiếu rất nhiều, ví dụ cảnh đoàn "kỵ binh bay" nhại theo Apocalypse Now, Nick Nolte vốn là một ngôi sao phim hành động nay phải vào một vai ngớ ngẩn, anh chàng đạo diễn người Anh thì có vẻ ngoài giống hệt Paul Greengrass của loạt Bourne (cũng là một đạo diễn Anh),... Phim có mấy đoạn khá "bẩn thỉu" hay nói cách khác là hài tục tĩu, đặc biệt là những cảnh có Jack Black, Black có lẽ chỉ nên chuyên tâm với những vai như trong School of Rock hay Kungfu Panda, những vai làm trò tục tĩu kiểu Nacho Libre hay Tropic Thunder đã hết thời cùng với Mike Myers và Eddie Murphy. Vai của Robert Downey Jr. nhại khá "ngọt" Russell Crowe, nhất là với những ai từng xem Crowe trả lời phỏng vấn trên Inside the Actors Studio thì sẽ thấy là cách diễn của Downey Jr. giống hệt với phong cách ngoài đời của Crowe. Vai của Alpa Chino (cái tên đọc lên đã buồn cười!) rất tiếc là không được khai thác hết mức, anh chàng rapper bị rơi vào tình trạng "dở ông dở thằng" làm nền cho 3 nhân vật chính trong khi đáng ra vai này có thể nhại được rất nhiều từ Al Pacino và nhân vật "cậu bé" lính da đen trong Apocalypse Now do Laurence Fishburne (của The Matrix) thủ vai. Theo tôi thì với số tiền cực lớn (tới 150 triệu USD) này, Châu Tinh Trì thừa sức làm 10 bộ phim hài nhại phim chiến tranh (chủ đề Châu chưa từng chạm tới vì có lẽ không đủ kinh phí) với chất lượng và độ sáng tạo hơn hẳn.

mardi 18 mai 2010

Law Abiding Citizen (2009), Surrogates (2009), Phone Booth (2003), Bad Lieutenant: Port of Call New Orleans (2009)


Phim này có trailer rất hay, ý tưởng hấp dẫn, 2 diễn viên chính đầy vẻ "cool" và cháy nổ hành động ầm ầm. Vậy nên tôi không hiểu sao phim này lại kém ăn khách đến thế, hình như chỉ vừa đủ thu hồi vốn (tiền làm phim + quảng cáo), giờ xem thì mới biết là phim này cũng "mắc bệnh" giống The Score, nghĩa là ... cái gì hay nhất thì phô hết lên trailer rồi.

Cuộc sống hạnh phúc của anh kĩ sư hiền lành Shelton cùng vợ và con gái bị đảo lộn hoàn toàn sau khi 2 tên trộm đột nhập vào nhà đâm anh trọng thương và sát hại vợ con Shelton ngay trước mắt anh. Công tố viên phụ trách vụ án là Rice, một luật sư thông minh, có sự nghiệp thành đạt và hiếm khi thua cuộc (= khiến tội phạm bị kết án) trên tòa. Để đảm bảo lý lịch "thành công" của mình, Rice thương lượng để 1 tên trộm đứng ra làm chứng chống lại tên trộm còn lại và vì thế được tha chết (dù chính hắn mới là kẻ ra tay giết người) bất chấp lời cầu xin của Shelton. Phiên tòa kết thúc bằng cái bắt tay "thân mật" giữa tên trộm được tha và Rice, Shelton chứng kiến toàn bộ cảnh đó từ xa, với ánh mắt đã hoàn toàn lạnh lẽo vô cảm, rồi biến mất.

10 năm sau, Shelton quay trở lại, tất nhiên, để trả thù. Ngay đến tên trộm bị kết án tử hình bằng án tiêm thuốc độc cũng không thoát nổi tay Shelton, anh bằng cách nào đó đã khiến gã chết một cách hết sức đau đớn chứ không "nhẹ nhàng" như thủ tục tử hình thông thường. Với tên trộm còn lại, hình phạt của Shelton còn khủng khiếp hơn nhiều lần, gã bị Shelton cắt từng bộ phận trên cơ thể trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo và thậm chí còn phải chính mắt chứng kiến người khác cắt chân, cắt tay, cắt dương vật của mình. Tự tay giết xong hai kẻ gây ra cái chết của vợ con, Shelton sẽ chạy trốn? Không, anh ta thản nhiên để cảnh sát bắt, tống giam với tội danh giết người để từ trong tù thực hiện nốt phần còn lại của kế hoạch - trả thù Rice và cả hệ thống tư pháp của thành phố Philadelphia. Và thật kinh ngạc là Shelton lại tiếp tục thành công, không hiểu bằng cách nào mà từ buồng biệt giam của mình, anh ta lại tiếp tục thành công trong việc cho Rice nếm mùi đau đớn khi phải tận mắt chứng kiến cái chết của từng cộng sự thân tín một. Không dừng lại ở đó, Shelton còn tiến tới giải quyết cả thẩm phán và thị trưởng của thành phố, còn Rice thì vẫn quay cuồng trong mớ manh mối rối tung với hy vọng tìm ra được cách thức mà Shelton thực hiện các vụ án mạng.

Rõ ràng ý tưởng của Law Abiding Citizen là rất hấp dẫn và nửa đầu của phim cũng khai thác khá tốt cái ý tưởng "trong tù gây án" này, khán giả liên tục được giật mình vì những cái chết "trên giời rơi xuống" mà không hiểu bằng cách nào Shelton đã thực hiện được từ trong tù. Tiếc là ở nửa cuối của phim, đặc biệt là phần hạ màn thì lại quá thường, có vẻ như đạo diễn (và biên kịch) của Law Abiding Citizen bị cạn ý tưởng nên sa đà vào những pha hành động không có nhiều ý nghĩa và những câu thoại triết lý nửa mùa của Rice, Shelton và bà thị trưởng (do Viola Davis của Benjamin Button đóng - Obama lên có khác, lãnh đạo Mỹ trên phim giờ ... toàn da đen). Thỉnh thoảng phim thậm chí còn sa vào cliché (giữa Rice với vợ con, Rice và nữ đồng nghiệp,...) là thứ mà tưởng như đã "tuyệt chủng" trong phim hành động Hollywood từ lâu. "Đầu voi đuôi chuột" nên Law Abiding Citizen cuối cùng chỉ ngang hàng với hàng tá phim hành động ra mắt mỗi năm, diễn xuất căng cứng của Jamie Foxx và Gerard Butler tất nhiên chẳng giúp được gì cho chất lượng phim, vì vậy dễ hiểu vì sao phim không ăn khách như vậy.


Phim gì mà nhìn cái poster đã thấy nản, không lôi cuốn được người xem, Bruce Willis trông cũng đã quá mệt mỏi trong vai trò một người hùng hành động.

Surrogates bắt đầu với ý tưởng khá độc đáo, con người do quá lười biếng/sợ hãi với cuộc sống bên ngoài nên dần lệ thuộc vào những surrogate - những người máy thay thế, các surrogate với hình dạng đẹp đẽ, sức mạnh phi thường, trở thành "người chủ" thực sự của xã hội khi mà người chủ của chúng chỉ nằm bẹp trong nhà thỏa mãn với việc điều khiển thông qua máy tính. Vì người máy thì không thể bị "giết", tỉ lệ tội phạm, đặc biệt là án mạng, giảm xuống nhanh chóng và con người có được điều họ mong muốn khi tạo ra surrogate - một xã hội thanh bình. Nhưng một vụ án đã làm thay đổi tất cả vẻ ngoài đẹp đẽ đó - một surrogate bị phá hủy bởi vũ khí bí hiểm đã kéo theo cả cái chết của người điều khiển nó, điều gì sẽ xảy ra nếu như toàn bộ surrogate bị phá hủy theo cách tương tự? Loài người có bị diệt vong? Câu trả lời sẽ nằm trong tay (như thường lệ) Bruce Willis - viên thanh tra duy nhất phát hiện ra sự nguy hiểm của việc dùng surrogate và "chập chững" tự điều tra bằng chính bản thân mình.

Một phim về người máy tất nhiên người xem sẽ chú ý tới đầu tiên là phần kĩ xảo, và kĩ xảo của Surrogates được làm rất tốt, nếu không nói là xuất sắc. Các surrogate được tạo ra trên CGI một cách tinh tế khi chúng vừa thật-hình ảnh thật, cử động thật, lại vừa giả-vẻ ngoài giả tạo để nêu bật được cái chất "người máy" của chúng. Các pha hành động truy đuổi trong phim cũng được làm cực tốt với những pha phi qua mái nhà, nhảy tránh ô tô ấn tượng.

Nhưng tất cả chỉ có vậy, ý tưởng tốt (hóa ra là xuất phát từ một truyện tranh có sẵn) của Surrogates đã trở thành vô giá trị bởi một kịch bản non tay, thiếu hẳn chất kịch tính, căng thẳng cần có của phim hành động. Các câu chuyện vệ tinh của phim như quan hệ giữa Bruce Willis và vợ (do diễn viên dịu dàng nhất cái xứ Hollywood là Rosamund Pike đóng), giữa Willis và cô đồng nghiệp "có vẻ" bí ẩn nhưng cũng lại không được khai thác tới nơi tới chốn dẫn đến những tình huống (và cái chết) rất lãng nhách mà vẫn khiến khán giả chới với vì không biết phim định hướng tới điều gì. Kết quả tất yếu là Surrogates trở thành một blockbuster thất bại cả về thương mại và nghệ thuật của mùa phim hành động năm nay. 2 sao.

Thực ra cốt truyện và ý tưởng của Surrogates hoàn toàn không xạ lạ với người yêu thích phim Nhật vì nó gần như y hệt với Ghost in the Shell, tất nhiên tác phẩm của Mamoru Oshii nằm ở một "level" khác hẳn về cả nội dung, sự sáng tạo và cách dẫn dắt câu truyện. Lẽ ra với số tiền làm Surrogates, Hollywood có thể làm một live action của Ghost in the Shell vì với khả năng CGI siêu việt như đã chứng tỏ trong Surrogates thì tôi tin là Hollywood đủ sức biến những hình ảnh tưởng tượng sáng tạo đến kinh ngạc của Mamoru Oshii trở thành hiện thực. Tất nhiên đó là về hình ảnh, còn nội dung thì là vấn đề khác, nhất là sau khi Hollywood đã tàn phá "thành công" một loạt tác phẩm kinh điển của Nhật như Dragonballs, Blood: The Last Vampire hay Astroboy, oái oăm là tác phẩm mà Hollywood làm lại từ manga/anime Nhật hay nhất lại là một tác phẩm ăn cắp - The Lion King - "phiên bản Disney" của Osamu Tezuka. Có lẽ Nhật nên "thả" cho các "bạn" Mỹ ăn cắp thêm vài tác phẩm nữa chăng.


Phone Booth có ý tưởng khá đơn giản (nhưng hiệu quả), một anh chàng bảnh bao (có vẻ) thông minh nhanh nhậy bị lôi vào trò đùa của một tay sát thủ. "The Voice", bằng khẩu súng bắn tỉa của mình, buộc gã trai bảnh phải bám dính lấy cái bốt điện thoại nếu không muốn bị giết hoặc phải chứng kiến người khác chết dưới tay "The Voice". Tệ hơn nữa, "The Voice" bắt anh chàng khốn khổ phải thú nhận mọi tội lỗi lớn nhỏ của mình với người vợ yêu quý ngay trước con mắt theo dõi của cả triệu người dân New York. Dù đã làm mọi việc theo yêu cầu nhưng gã trai vẫn không thể thoát khỏi sự điều khiển của "The Voice" trong khi xung quanh anh là cảnh sát lăm lăm súng sẵn sàng bắn hạ "kẻ tình nghi" đang ở trong cảnh khóc dở mếu dở.

Người thủ vai anh chàng khốn khổ là Colin Farrell, anh chiếm hầu hết thời lượng diễn xuất của phim (gần tương tự như Tom Hank trong Cast Away), vì thế Phone Booth có thành công hay không là phụ thuộc phần lớn vào Farrell. Thật may là anh chàng chuyên trị phim hành động này (mà tôi vẫn tưởng là "không biết diễn" cho đến khi xem In Bruges) đã hoàn thành tương đối tốt vai diễn, dù rằng nhìn Farrell diễn thì tôi lại nghĩ ngay đến Tom Cruise, cũng dáng vẻ đấy, đôi mắt đấy, cách diễn over đấy, tôi tin là Cruise vào vai này sẽ đạt hơn Farrell nhiều (trùng hợp là vợ của Cruise, Katie Holmes lại đóng vai "bồ nhí" của Farrell trong phim này).

Thực ra Phone Booth không quá hấp dẫn nhưng nhờ đạo diễn (Joel Schumacher "của" Batman & Robin) biết tiết chế thời lượng (phim rất ngắn, 81 phút) và các chi tiết "sến" nên độ giải trí của phim vẫn ở mức tốt (mà không nhảm). Một thành công vừa phải cho Schumacher và Farrell trong một thể loại khó tạo ra sự đột phá nào khác này.


Bad Lieutenant: Port of Call New Orleans kể về quá trình sa ngã của viên trung úy (lieutenant) Terrence McDonagh từ một viên cảnh sát giỏi nghề, có đạo đức trở thành một trung úy tồi (bad lieutenant) vì nghiện ma túy - thứ thuốc giảm đau của McDonagh để chống lại căn bệnh đau lưng hành hạ. Phim này trùng tên với Bad Lieutenant, phim đen (film noir) nổi tiếng năm 1992 của Abel Ferrera, hai phim có điểm tương đồng là cùng nói về sự sa ngã không thể hãm lại được của một viên cảnh sát tốt, nhưng tất cả chỉ có vậy, tuy cùng có màu sắc u ám nhưng Bad Lieutenant: Port of Call New Orleans xem nhẹ nhàng hơn Bad Lieutenant và cách diễn của Nicholas Cage cũng thiên về điên hơn là doomed như Harvey Keitel trong bộ phim năm 1992.

Ngoại trừ diễn xuất khá ấn tượng của Nicholas Cage (vai diễn nghiện ma túy này của Cage rất gần với vai tay nhà văn nghiện rượu mà anh từng đóng cực kì xuất sắc trong Leaving Las Vegas - lâu lắm rồi mới thấy diễn xuất mặt của Cage không bị khô cứng và "lờ đờ" như "thường thấy" trong các phim thương mại) thì Bad Lieutenant không thực sự là một bộ phim ám ảnh người xem như bộ phim năm 1992. Phim có khá nhiều điểm tôi không hiểu, ví dụ hình ảnh cá sấu? hình ảnh con cự đà? phần hạ màn (spoiled!) quá nhẹ nhàng cho cuộc đời McDonagh? ý nghĩa cuối cùng của bộ phim khi mà (spoiled!) không có ai bị trừng phạt? Eva Mendes có một vai gần như y hệt vai cô diễn trong Training Day, cũng là người tình của một viên cảnh sát sa ngã, và diễn xuất của cô thì vẫn nhàn nhạt như vậy. Michael Shannon của Revolutionary Road nhận một vai nhỏ đến bất ngờ trong phim mà không xem bảng cast chắc tôi cũng không nhận ra được sự có mặt của anh. Có lẽ phim sẽ làm hài lòng những người hâm mộ Nicholas Cage và Werner Herzog (như Roger Ebert), và chỉ dừng lại ở đó.

dimanche 16 mai 2010

Michael Jackson's This Is It


Đây là bài viết của tôi lúc biết tin Michael Jackson qua đời:

The King is dead

Mấy ngày không online, tôi lên vnexpress.net và đọc được ngay ở trang nhất tin Michael Jackson vừa qua đời, tự dưng thấy buồn buồn và có chút gì đó tiếc nuối. Có lẽ không phải mình tôi thấy buồn trước cái tin Ông vua nhạc Pop qua đời, dù đỉnh cao của “Vua” đã qua đi từ lâu, cũng chẳng phải vô lý khi vnexpress.net hay vietnamnet.vn đều đưa tin tức về cái chết của Michael Jackson ở mục Quốc tế thay vì mục Văn hóa như đối với mọi nghệ sĩ khác. Giống như nhiều người Việt Nam ở vào cái thời đất nước mới mở cửa về văn hóa những năm 90, tôi biết đến Michael Jackson lần đầu tiên qua những băng VHS chất lượng nhòe nhoẹt vì sang đi sang lại quá nhiều lần. Ở vào cái thời Madonna vẫn còn tóc dựng ngược hát Papa Don’t Preach hay hai anh chàng Pet Shop Boy đang bải hoải It’s a Sin với bộ mặt lạnh lùng thì Michael Jackson đã làm tất cả những ai có cơ hội xem clip của anh phải kinh ngạc về mức độ giải trí mà Michael mang lại cho những bài hát. Không chỉ tự sáng tác, tự hát với chất giọng thanh hiếm có, Michael còn khiến giới trẻ phát cuồng với những bước Moon Walk, những điệu nhảy nóng bỏng (tất nhiên thua xa những clip Hip Hop, R&B hiện đại), các màn chào sân khấu hoành tráng và cả những video clip được dàn dựng công phu không kém (thậm chí là hơn nhiều lần) các bộ phim Hollywood. Khi mà VTV3 còn chưa xuất hiện, MTV là khái niệm xa vời, cơ hội xem phim blockbuster Hollywood là không bao giờ có thì với người Việt, cụ thể là bố con tôi, quả thực chẳng có “bộ phim” nào hay hơn những Black or White, Heal the World hay History.

Có lẽ giới trẻ Việt Nam ngày ấy ai cũng ít nhiều yêu thích Michael Jackson, nửa vì những điệu nhảy điêu luyện, nửa vì các bài hát có nội dung đẹp được trình bày bằng chất giọng đẹp chẳng kém của Michael. Hiếm thấy một nghệ sĩ giải trí nào lại dành nhiều sáng tác cho những đề tài xã hội ít tính giải trí như Michael Jackson, từ chống chiến tranh với Heal the World, xóa đói nghèo với We are the World, bảo vệ môi trường với Earth Song, phản đối nạn phân biệt chủng tộc với Black or White và cả tuyên truyền phòng chống AIDS với Gone Too Soon. Đáng khâm phục hơn nữa là chất lượng nghệ thuật của những ca khúc “tuyên truyền” mà Michael Jackson sáng tác và trình diễn không hề thua kém những sáng tác nổi tiếng khác của anh như Thriller, Billy Jean. Đó là điều làm Ông vua nhạc Pop được người nghe (và xem) nhạc yêu quý nhất, nó giúp khỏa lấp đi một bộ mặt khác của Michael vốn được giới truyền thông báo chí “yêu quý”, đó là đời tư rắc rối và những hành xử gây nhiều tranh cãi của Michael Jackson, nhiều khi trái ngược hẳn với những ca từ đẹp đẽ do chính anh sáng tác. Phải chăng vì bị đào tạo từ bé để trở thành một nghệ sĩ giải trí, Michael đã không được chuẩn bị cho những thành công ập đến liên tiếp ngay khi anh chỉ vừa mới trưởng thành, đời tư của Michael Jackson dần bị báo chí, truyền hình làm cho méo mó, dị dạng hệt như chính những gì anh đã làm cho khuôn mặt của chính mình.

Những năm tháng biểu diễn liên tục ở các sân khấu lớn trước hàng trăm ngàn khán giả mang lại cho Michael Jackson tiền bạc, rất nhiều tiền, nhưng nó cũng dần lấy đi của anh sức khỏe, sự tỉnh táo và biến anh trở thành một ông “Vua” cô độc. Bị đánh cắp mất tuổi thơ, Michael tự xây dựng một Neverland để biến mình thành Peter Pan trẻ mãi không già cùng những đứa trẻ anh yêu quý, kết quả là một trong số đó lôi anh ra tòa kiện vì tội “Lạm dụng tình dục” trong một vụ án chẳng có kết thúc dù nó lôi cả nước Mỹ vào cuộc. Bị (hay được) gắn cho cái mác Ông Vua nhạc Pop, Michael Jackson đi tới chỗ cưới con gái của Ông vua nhạc Rock&Roll trong một đám cưới cũng chẳng đi đến đâu. Cuộc đời Michael Jackson khiến tôi nghĩ đến một nhân vật nổi tiếng trong điện ảnh – Charles Foster Kane hay Citizen Kane, người thành công rực rỡ trong sự nghiệp để rồi chết trong cô độc ở Xanadu, dinh thự khổng lồ mà Kane xây cho riêng mình. Nói cho chính xác thì cuộc đời Michael Jackson không đến nỗi bi thảm như thế, anh có bạn – Elizabeth Taylor, một huyền thoại điện ảnh cũng có đời tư chìm nổi chẳng kém gì Michael, anh vẫn còn rất nhiều fan – những người đã đổ lệ trước cổng tòa án năm nào khi thần tượng của họ được tuyên trắng án, nay lại phải đổ lệ nơi cổng bệnh viện trước tin Michael đột tử, ông Vua nhạc Pop thậm chí còn có ba đứa con, những “động lực sống” giúp Michael tiếp tục sống, tiếp tục tập luyện cho ngày trở lại với sàn diễn cho dù sức khỏe của anh ngày một suy tàn. Một con người của công chúng trong suốt 40 năm như Michael có lẽ mong chờ ngày đó lắm, cái ngày anh lại đứng đầu bảng xếp hạng Billboard, cái ngày anh lại nhảy lên sàn diễn giữa tiếng hò reo của muôn vạn người hâm mộ. Michael Jackson chẳng còn bao giờ có cái cơ hội ấy, nhưng liệu kể cả khi anh vẫn còn sống, vẫn còn biểu diễn thì ngày ấy có đến không, khi mà Michael đã từng thất bại một lần, và trong cái thế hệ đình đám của anh đến giờ cũng chỉ còn duy nhất Madonna vẫn còn đứng được ở đỉnh cao? Trong những khuôn mặt nổi bật của văn hóa Mỹ ập đến với Việt Nam thời đầu thập niên 90 còn có Mike Tyson-võ sĩ thép và Macaulay Culkin-ngôi sao nhỏ của Ở nhà một mình. Cũng giống như Michael, cả Tyson và Culkin đều là những thần đồng trong lĩnh vực của họ với những thành công đến từ rất sớm. Và buồn thay cũng giống như Michael, cả hai đều chìm dần vào quên lãng với những bê bối đời tư, Culkin lập gia đình năm 18 tuổi để rồi không bao giờ còn nhận được những vai lớn như khi còn bé, Tyson thậm chí còn bị tống vào tù, phá sản và phải đi … đóng phim khiêu dâm để trả nợ. Giờ đây Michael Jackson đã qua đời, không hiểu Culkin và Tyson còn hay nghĩ đến những giờ phút vinh quang của quá khứ hay không, không hiểu họ sẽ tiếp tục sống trên cái Sunset Boulevard của mình như thế nào? Ngẫm ra chưa chắc Michael đã “Gone Too Soon”, dù sao anh vẫn còn chút hào quang ngày nào, và những bài hát của anh có lẽ vẫn sẽ còn được người ta nghe đi nghe lại, xét đến tận cùng của một người nghệ sĩ, được người khác thưởng thức giọng hát hẳn đã là lời an ủi You Are Not Alone rồi. Vậy thì tạm biệt anh Michael Jackson, “There’s a place in your heart, and I know that it is love”!

===

Để nhận xét về Michael Jackson's This Is It với tư cách của một bộ phim tài liệu thì thật khó, vì thực sự This Is It mang dáng dấp của một phim tài liệu gia đình ghi lại những hình ảnh luyện tập của Michael cùng các phụ tá cho loạt lưu diễn (không bao giờ thành hiện thực) This Is It hơn là một bộ phim tài liệu thực sự với một cốt truyện xuyên suốt. This Is It mở đầu bằng những ngày tuyển lựa với hình ảnh các vũ công sung sướng và cảm động đến tột độ vì được chọn biểu diễn cho chương trình, có người thậm chí còn nghẹn ngào đến không nói nên lời, mà cũng phải thôi vì đâu phải ai cũng có cơ hội làm việc bên cạnh ông Vua nhạc Pop trong lần trở lại quyết định này. Tiếp đó This Is It cho người xem chứng kiến những bài hát lẽ ra sẽ được biểu diễn trong loạt lưu diễn, vẫn là một Michael Jackson với chất giọng thiên thần và những bước nhảy của một vũ công thượng hạng, khuôn mặt của anh tuy đã in hằn dấu vết tàn phá của thời gian và những cuộc phẫu thuật, vẫn tràn đầy sức sống, sức sáng tạo và tình yêu âm nhạc, chẳng có dấu hiệu gì cho thấy người nghệ sĩ xuất chúng ấy (prima ballerina - như cách gọi của Roger Ebert) lại đang chịu sức ép nặng nề của căn bệnh trầm cảm và hàng lô thuốc tống vào dạ dày mỗi ngày để rồi đột ngột qua đời khi chưa kịp chứng tỏ cho công chúng là anh vẫn thực sự là một nghệ sĩ xuất chúng. Những ai yêu quý Michael chắc chắn sẽ cảm thấy xúc động và tiếc nuối khi chứng kiến ông Vua sung sức đến thế, khi nghe những bài hát dù đã ra đời và nổi tiếng hơn 20, 30 năm vẫn tươi mới qua giọng ca của Michael.

Chắc nhiều người xem xong bộ phim này sẽ buột miệng "Giá mà...". Nhưng "Yesterday is HIStory", Michael đã trở thành huyền thoại còn This Is It đã trở thành một bộ phim xứng đáng như một khúc nguyện cầu (requiem) cho huyền thoại âm nhạc ấy. Yes, this is it.

mardi 11 mai 2010

Inside the Actors Studio


Đây là talkshow tôi rất yêu thích. Nó được xây dựng như một giờ học của sinh viên trường điện ảnh The Actors Studio (nơi xuất thân của vô số huyền thoại Hollywood từ Brando cho tới Al Pacino) vì vậy tính nghiêm túc được đặt lên hàng đầu, các ngôi sao dù là nổi tiếng đến mấy (thực tế thì talkshow chỉ mời toàn người nổi tiếng) đều ăn mặc cực kì lịch sự, chủ yếu là lễ phục với gam màu tối, host của chương trình (James Lipton) cũng chủ yếu đặt những câu hỏi xoáy sâu vào nghiệp diễn xuất, cách suy nghĩ, làm việc của khách mời chứ không bao giờ đi vào đời tư hay đùa cợt về những chuyện ngồi lê đôi mách. Vì vậy xem Inside the Actors Studio rất "sướng", vừa được chứng kiến một bộ mặt khác, bộ mặt không hề phù hoa hào nhoáng mà gần gũi với cuộc sống thực, của các ngôi sao điện ảnh (đôi khi là đạo diễn), vừa được nghe họ nói chuyện về điện ảnh với sự đam mê và thái độ làm việc nghiêm túc thể hiện qua từng câu trả lời phỏng vấn. Một ưu điểm khác của talkshow này là giọng của khách mời đều rất hay dù là ngữ điệu Anh-Anh, Anh-Úc hay Anh-Mỹ, đây cũng là điều gần như đương nhiên vì không có đài từ chuẩn thì khó mà trở thành diễn viên tốt được.

Xem Inside the Actors Studio, ngoài chuyện được biết về quá trình làm các bộ phim nổi tiếng, quá trình các diễn viên chuẩn bị cho vai diễn của họ, khán giả còn được thấy một phần nào đấy con người thật của các ngôi sao. Ví dụ Renée Zellweger vốn "nhí nhố" là thế với Bridget Jones's Diary hóa ra lại là một người cực kì nghiêm túc trong khi Kevin Spacey lại có tài lẻ bắt chước rất giống các huyền thoại điện ảnh. Xem khách mời trả lời phỏng vấn mới thấy có những người đã già nhưng vẫn còn đầy sức sáng tạo như Meryl Streep, bà trả lời rất vui vẻ, hóm hỉnh và trẻ trung, trái lại có những người đã tỏ rõ dấu hiệu của tuổi tác như Robert De Niro, ông trả lời phỏng vấn phải nói là nhạt và khiến người xem có đôi chút chưng hửng nếu so sánh với các vai diễn tuyệt vời trước kia của De Niro. Tất nhiên, cũng có những người "phim thế nào đời là vậy", tiêu biểu là Russell Crowe với cách trả lời trầm lắng, chậm rãi nhưng sâu sắc hay Robin Williams, người gần như là duy nhất vẫn cố đùa nghịch dù là trên ghế khách mời.

Inside the Actors Studio luôn kết thúc bằng phần trả lời câu hỏi từ phía khán giả (sinh viên trường The Actors Studio) vốn không hứng thú lắm vì những gì hay nhất thì host James Lipton đều đã khai thác (Lipton nghiên cứu khách mời kĩ tới mức ông thường xuyên khiến họ phải thốt lên "How could you know that!" - tôi rất rất thích đoạn mở đầu chương trình khi Lipton đọc một đoạn giới thiệu ngắn, cô đọng xúc tích nhưng vẫn rất hấp dẫn, về các vai diễn đáng chú ý và giải thưởng của khách mời), trước đó thì khách mời được đề nghị trả lời 10 câu hỏi ngắn:
  1. What is your favorite word?
  2. What is your least favorite word?
  3. What turns you on?
  4. What turns you off?
  5. What sound or noise do you love?
  6. What sound or noise do you hate?
  7. What is your favorite curse word?
  8. What profession other than your own would you like to attempt?
  9. What profession would you not like to do?
  10. If Heaven exists, what would you like to hear God say when you arrive at the Pearly Gates?
Đây có lẽ là phần "giải trí" nhất của talkshow, buồn cười là "curse word" luôn bị censor ấy vậy mà câu hỏi thì vẫn cứ được đặt ra, khá ngạc nhiên là đạo diễn Martin Scorsese, "trùm phim tội ác", lại là con chiên ngoan đạo tới mức ông không hề có "curse word".

Tóm lại Inside the Actors Studio có lẽ là talkshow hay nhất cho cả người yêu điện ảnh và người muốn yêu điện ảnh. Tất cả clip của talkshow này đều được post lên YouTube. Thật tiếc là một số diễn viên tôi yêu thích như Jack Nicholson hay Edward Norton lại chưa từng tham gia chương trình.

vendredi 7 mai 2010

Diệp Vấn 2: Tông sư truyền kỳ


Wow, phim Trung Quốc-Hồng Kông làm ngày càng tiến bộ và dần theo kịp được với phim Hollywood.

Trước hết phải nói luôn rằng Diệp Vấn 2 là một phim sặc mùi dân tộc chủ nghĩa Đại Hán của Trung Quốc, thật ngạc nhiên khi mảnh đất Hồng Kông từng suốt gần một thế kỷ tự hào vì cách suy nghĩ và đường lối chính trị tự do, trung dung, gần gũi nước Anh nay đã lại thường xuyên cho ra đời những bộ phim tuyên truyền nhiệt liệt cho chủ nghĩa Sô-vanh mới kiểu Trung Quốc - tô hồng người Hoa và chủ nghĩa yêu nước của họ, bôi đen người nước ngoài một cách lố lăng nhất (người Nhật trong Diệp Vấn 1 và trong tập này là người Anh). Tiến một bước xa hơn, Diệp Vấn 2 thậm chí còn ẩn chứa thông điệp ngoại giao ngầm của một Bắc Kinh ngày càng mạnh mẽ nhưng vẫn muốn có được hình ảnh tốt trong mắt các nước khác. Tôi là người rất ghét trào lưu chính trị hóa điện ảnh trong các phim Trung Quốc và kể cả Hồng Kông trong thời gian gần đây, mặc dù vậy nếu dẹp những thông điệp thô thiển đó sang một bên thì Diệp Vấn 2 vẫn là một bộ phim võ thuật cực kì có chất lượng và không hề thua kém, nếu không nói là có phần còn vượt trội, so với Diệp Vấn 1.

Diệp Vấn 2 nói về giai đoạn định cư đầy khó khăn của võ sư Diệp Vấn (Chân Tử Đan) ở Hồng Kông. Gia đình túng thiếu, người vợ Trương Vĩnh Thành (Hùng Đại Lâm) lại đang mang thai, Diệp Vấn buộc phải chạy vạy để mở một lớp dạy Vịnh Xuân quyền trên gác mái một khu chung cư. Vịnh Xuân ở Phật Sơn danh tiếng là thế nhưng sang Hồng Kông lại là một cái tên vô danh không ai biết tới, kết quả là lớp học của Diệp Vấn chỉ có lác đác vài môn sinh mà đa phần là môn sinh nghèo thậm chí còn không đủ tiền trả học phí cho sư phụ. Chẳng những thế, môn sinh có triển vọng nhất của Diệp Vấn là Hoàng Thuần Lương (Hoàng Hiểu Minh) lại gặp rắc rối với đệ tử phái Hồng gia của Hồng Chấn Nam (Hồng Kim Bảo), một võ sư có thế lực ở Hồng Kông, khiến cho Diệp Vấn cuối cùng phải giải tán lớp học vì thường xuyên bị Hồng gia phá rối. Trong lúc ấy tại Hồng Kông đột ngột xuất hiện một tay đấm quyền Anh vô địch có biệt danh Twister (Darren Shahlavi - một diễn viên kiêm võ sĩ người Anh) liên tục hùng hổ đòi thách đấu với các võ sĩ người Trung Quốc và tỏ ra khinh thường võ thuật Trung Quốc. Cực chẳng đã, Hồng Chấn Nam và Diệp Vấn phải khép lại xích mích cá nhân để thượng đài bảo vệ danh dự cho nền võ đạo của người Hoa.

Nếu chỉ xét về nội dung thì thực ra Diệp Vấn 2 không có gì đặc sắc hơn so với những bộ phim võ thuật-dân tộc chủ nghĩa khác của Hồng Kông như Tinh võ môn hay Hoắc Nguyên Giáp (đều của Lý Liên Kiệt), vẫn chỉ là những võ sĩ người Hoa vượt qua mọi khó khăn để đánh bại kẻ thù nước ngoài hùng mạnh. Nhưng về cách thể hiện thì Diệp Vấn 2 đã có bước đột phá lớn, phim được xây dựng theo phong cách phim thể thao, đặc biệt là phim quyền Anh (boxing movie) của Hollywood mà đại diện tiêu biểu là Rocky, Raging Bull (hơi khập khiễng vì đây là bộ phim ở tầm cỡ khác hẳn) hay gần đây là Cinderella Man. Thay vì tập trung vào những câu thoại hay hình ảnh mang tính trượng nghĩa, thượng võ theo kiểu Trung Quốc truyền thống, Diệp Vấn 2 đi sâu khai thác những xung đột tinh thần của các cao thủ võ thuật Trung Hoa trong thời điểm giao thời giữa truyền thống và hiện đại. Người xem được chứng kiến hai hình ảnh tuy rất khác nhau của Diệp Vấn và Hồng Chấn Nam, một mảnh khảnh-một to béo, một ngay thẳng-một mưu mô tính toán, nhưng thực tế lại chỉ là hình ảnh duy nhất của người võ sư Trung Hoa cương trực, trọng nghĩa khinh tài nhưng lại phải bươn chải kiếm sống, thậm chí là luồn cúi, vì sự mưu sinh của gia đình trong cảnh xã hội tao loạn. Quả thực Hồng Kim Bảo là sự bổ sung rất tốt cho Chân Tử Đan, hai người diễn rất hợp với nhau cả trong những cảnh giao đấu lẫn những cảnh đối thoại trực diện, tương tự như Sát Phá Lang, Hồng Kim Bảo, bất chấp vị trí "trưởng môn" làng phim võ thuật của ông, đã nhận một vai tương đối "xấu" và ít đất diễn để giúp Chân Tử Đan vừa thể hiện được khả năng võ thuật của mình vừa chiếm lĩnh được màn ảnh bằng hình ảnh anh hùng-phi anh hùng Diệp Vấn. Vốn chưa từng đánh giá cao họ Chân về tài nghệ diễn xuất nhưng tôi phải thừa nhận rằng ở lần này anh đã hoàn thành rất tốt vai Diệp Vấn, có khi còn xuất sắc hơn cả cách anh thể hiện ở phần 1. Một điều thú vị khác của Diệp Vấn 2 là việc ... Chân Tử Đan bị nện cho tơi tả trong phim, một điều rất hiếm khi gặp trong phim do ngôi sao này thủ vai chính, có lẽ Chân đã dần biết ghìm cái cá tính mạnh của mình để nhận những vai diễn có chiều sâu hơn những vai "anh hùng vô địch" như trước kia. Không hiểu có phải vì quá tập trung cho hai nhân vật của Hồng Kim Bảo và Chân Tử Đan hay không mà tuyến nhân vật phụ của Diệp Vấn 2 khá mờ nhạt và có thể coi là phí phạm vì có những nhân vật được giới thiệu, trau chuốt từ đầu phim như vai Hoàng Thuần Lương (sau này là võ sư Vịnh Xuân có tiếng) hay tay cảnh sát nhu nhược (Trịnh Tắc Sĩ, một diễn viên có tiếng của điện ảnh Hồng Kông) ở nửa sau của phim lại trở nên chìm nghỉm và cuối cùng chỉ là một trong vô số những "cổ động viên" của Diệp Vấn trong lần thượng đài với Twister. Bản thân Hoàng Hiểu Minh, Trịnh Tắc Sĩ hay ngay cả Nhậm Đạt Hoa (trong vai Chu Thanh Tuyền của Diệp Vấn 1, nay đã mất trí) cũng diễn xuất quá thường và chẳng để lại chút ấn tượng nào đối với khán giả. Về tuyến nhân vật phản diện thì cái cách xây dựng nhân vật ác hống hách, tàn bạo, "một màu" vốn tưởng như đã "tuyệt chủng" trong phim võ thuật Hồng Kông nay lại được đạo diễn của phim lấy lại để mô tả những người Anh (thay cho người Nhật ở phần 1), chi tiết này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của Diệp Vấn 2, đặc biệt là phần giữa, rất may là những cảnh chiến đấu nhiều và dàn trải suốt từ đầu đến cuối đã khỏa lấp được phần nào khiếm khuyết lớn đó.

Về mặt kỹ thuật thì Diệp Vấn 2 cũng có nhiều điểm đáng khen ngợi. Phim được quay rất đẹp với gam màu ngả vàng rất hợp với chủ đề "the last hero in China" của phim, các góc quay đẹp cũng giúp tôn lên những pha song đấu của Diệp Vấn và những đối thủ của ông khi mà phần chỉ đạo hành động của Hồng Kim Bảo tuy mẫu mực, đặc trưng cho chất cận chiến của Vịnh Xuân nhưng lại không thực sự đột phá và còn bị làm vụn bởi phần biên tập không thực sự khiến tôi vừa ý. Diệp Vấn 2 còn tiệm cận được với chất lượng của các bộ phim thể thao Hollywood thông qua một yếu tố quan trọng khác - nhạc phim, nhạc sĩ người Nhật Kenji Kawai đã sử dụng một cách tuyệt vời các đoạn nhạc cổ điển pha lẫn truyền thống Trung Quốc để lồng vào các trận đấu trong phim, đặc biệt là trận thượng đài giữa Twister và Diệp Vấn để biến nó thực sự trở thành một trường đoạn song đấu đáng nhớ của điện ảnh Hồng Kông mấy năm trở lại đây.

Với rất nhiều những ưu điểm kể trên thì tôi tin là Diệp Vấn 2 sẽ là một bộ phim ăn khách và có phần tiếp theo. Dù sao thì câu chuyện được biết tới nhiều nhất về Diệp Vấn vẫn chưa được các nhà biên kịch sử dụng - đó là quá trình Diệp Vấn giúp Lý Tiểu Long khổ luyện thành tài. Tôi cũng hy vọng là bộ đôi Chân Tử Đan-Hồng Kim Bảo sớm có những kế hoạch hợp tác mới vì với những Sát Phá Lang hay Diệp Vấn 2 này, có lẽ những bộ phim có sự góp mặt của hai người sẽ đáp ứng được sự mong chờ của khán giả yêu phim võ thuật.

mardi 4 mai 2010

El secreto de sus ojos (2009)


El secreto de sus ojos (The Secrets in Their Eyes) là bộ phim đã bất ngờ giành chiến thắng ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 82, vượt qua ít nhất hai ứng cử viên cực kì nặng ký khác là Un prophète của Pháp và Das Weisse Band của Đức. Đây là một trong những ngạc nhiên hiếm hoi của Oscar 2010 và tất nhiên cũng khiến tôi tò mò muốn xem nó có thực sự là một "bất ngờ xứng đáng" như Departures của Nhật đã làm được một năm trước đó hay không.

Bộ phim bi của Argentina xoay quanh vụ án mạng-hiếp dâm tàn bạo dẫn tới cái chết của Lilliana Morales, một cô gái trẻ, xinh đẹp và đang tràn ngập hạnh phúc với người chồng mới cưới Ricardo Morales. Vụ án được giao cho công tố viên Benjamín Espósito và người phụ tá suốt ngày say xỉn Pablo Sandoval. Espósito vốn chỉ là một viên chức quèn của tòa án, sắp bước vào tuổi trung niên ông vẫn chỉ sống một cuộc sống yếm thế với mối tình câm lặng dành cho nữ luật sư đang lên Irene Menéndez-Hastings, người mà Espósito luôn coi là "ngoài tầm với". Vụ án đã đem Espósito quay lại với cuộc sống, cảm động trước tình cảm sâu đậm của Ricardo đối với người vợ bị giết hại dã man, Espósito và Sandoval đã lăn lộn tìm mọi cách để bắt được thủ phạm - Isidoro Gómez, một người bạn cũ của Lilliana và cũng yêu thầm cô như cái cách Espósito dành tình yêu cho Irene. Cuối cùng thì Gómez cũng bị bắt, nhưng rồi trong hoàn cảnh chính trị phức tạp ở Argentina những năm 1970, gã lại được thả ra để làm tay chân cho chính quyền, một thế lực mà Irene hay Espósito không thể chống lại. Tất nhiên, Gómez sẽ quay lại trả thù Espósito, liệu ông có thể thực thi công lý với tên tội phạm này? Liệu Espósito có thể vượt qua hàng rào ngăn cách về địa vị, về số phận để bộc lộ tình cảm với Irene? Và ít ra thì liệu ông có thể sống có ý nghĩa trong phần đời còn lại khi mà vụ án duy nhất khiến ông "sống" lại là một vụ án thất bại?

How do you live a life full of nothing?

El secreto de sus ojos khiến tôi liên tưởng tới Revanche, bộ phim của Áo tranh giải Oscar năm 2009, cả hai đều là những tác phẩm về "tội ác và trừng phạt", cùng nói về những tình cảm ẩn sâu bên trong đôi mắt thay vì được nói ra thành lời, cùng đề cập tới số phận trớ trêu khiến những người yêu nhau chẳng thể sống hạnh phúc bên nhau vì lý do này, lý do khác. Sự khác biệt có chăng chỉ nằm ở cách thể hiện, nếu như Revanche có thể coi như một truyện ngắn sử dụng giọng văn hiện đại thì El secreto de sus ojos lại là cuốn tiểu thuyết cổ điển với thứ ngôn ngữ điện ảnh kinh điển, trầm mặc. Phần lớn bộ phim, đúng như cái tên của nó (Bí mật trong đôi mắt), sử dụng rất nhiều góc nhìn người thứ nhất để kể chuyện, từ cốt chuyện được dựng lại thông qua cuốn tiểu thuyết viết nháp của Espósito đến các góc máy chủ quan khiến cho người xem có cảm giác như cuộc đời của Espósito, của Sandoval, của Irene, của Ricardo, của Gómez đang được chứng kiến bởi một cặp mắt vô hình, nó luôn muốn xoáy sâu vào đôi mắt của mỗi nhân vật để tìm xem họ đang muốn nói tới điều gì, đang nghĩ về điều gì. Tuy đôi lúc "cặp mắt vô hình" khiến các khung hình của bộ phim trở nên khó theo dõi nhưng theo tôi đây là một lựa chọn độc đáo, tinh tế và thông minh của đạo diễn vì nó giúp người xem gắn bó hơn với những nhân vật trong phim và vì thế theo được cái nội dung cực kì nặng nề của nó. Như đã nói ở trên thì câu chuyện "tội ác và trừng phạt" của El secreto de sus ojos thực ra không có gì đột phá, nhưng bộ phim lại rất mạnh ở một điểm khác, đó là cách xây dựng những cung bậc tình cảm khác nhau của từng nhân vật thông qua ánh mắt, cử chỉ và phần nhạc phim tuyệt vời. Hiếm có bộ phim hình sự nào mà từng nhân vật, kể cả tuyến chính diện, tuyến phản diện cho tới những nhân vật rất phụ như cô vợ Lilliana của Ricardo lại được khắc họa có chiều sâu như ở El secreto de sus ojos, đặc biệt khán giả hoàn toàn có thể cảm nhận được sự rụt rè, những nỗi buồn thầm kín, sự sợ hãi, nỗi cô đơn của họ một cách cực kì rõ ràng chỉ thông qua một yếu tố duy nhất - đôi mắt. Những ánh mắt mang đủ nốt thăng, trầm trong tình cảm con người của El secreto de sus ojos ấn tượng tới mức tôi hoàn toàn bỏ qua nội dung tương đối bình thường và phần kết rất sến của phim. Thậm chí những nút thắt mở (twist) của phim cũng trở nên tuyệt hay bất chấp việc chúng rất dễ đoán đối với những người hâm mộ phim trinh thám - tất cả là nhờ diễn xuất hàm chứa của các nhân vật, thậm chí theo tôi thì diễn viên thủ vai Sandoval hoàn toàn xứng đáng với một đề cử cho hạng mục Vai nam phụ xuất sắc ở lễ trao giải Oscar.

Có thể nhiều người sẽ không hài lòng với việc Das Weisse Band vuột giải Oscar vào tay một bộ phim dung dị như El secreto de sus ojos, cũng giống như cách Waltz with Bashir thua Departures một năm trước đó, nhưng cá nhân tôi thì vẫn hoàn toàn hài lòng với lựa chọn của Viện hàn lâm, vì họ đã giúp tôi biết thêm được một bộ phim nữa tuyệt hay về tình người, về số phận, về cái cách con người chọn cho mình một số phận và sống với chọn lựa của mình.

lundi 3 mai 2010

Notorious (1946), Dr. Strangelove (1964)


Xem Notorious của Hitchcock mà cảm giác như đang quay lại Casablanca của Curtiz, Ingrid Bergman vẫn chiếm lĩnh màn ảnh trong một vai tương tự, với vẻ đẹp long lanh tương tự, Claude Rains thì đảm nhận một hình ảnh tốt xấu thật giả lẫn lộn cũng tương tự, và Cary Grant thì thay thế "hoàn hảo" hình ảnh người anh hùng cứng quèo như đá của Humphrey Bogart. Nếu như Casablanca làm người xem yêu thích vì sự "truyền thống" trong cả nội dung và cách thực hiện thì Notorious, như mọi phim khác của Hitchcock, lôi cuốn khán giả bằng phần hình ảnh ấn tượng và cách dẫn chuyện thông minh. Notorious làm tôi khá bất ngờ vì sự "táo bạo" của Hitchcock trong những cảnh tình cảm giữa Grant và Bergman, không ngờ là hai người có thể "âu yếm" đến mức thế trong giai đoạn điện ảnh Hollywood vẫn còn chịu những quy định cực kì ngặt nghèo về mặt hình ảnh.

Nếu như Bergman vẫn khiến tôi thán phục vì vẻ đẹp long lanh và cách tận dụng tối đa những cảnh quay mờ ảo "lệch tiêu cự" thì tôi lại phải một lần nữa thất vọng vì diễn xuất cứng đờ và biểu hiện như diễn viên kịch của Grant. Dù đã xem một số phim nhưng tôi chưa bao giờ nuốt nổi cách diễn biểu hiện theo kiểu Bertolt Brecht của thế hệ nam diễn viên Hollywood cũ như Grant, Jimmy Stewart, Bogart, Gregory Peck, xem rất kịch và giả, thua rất xa so với thế hệ đàn em Brando, Al Pacino, Hoffman, những đại diện của trường phái method actor. Vì thế mà hứng thú của tôi với Notorious cũng giảm đi phần nào, tôi cho phim này dù hay cũng còn thua khá xa tuyệt phẩm của Hitchcock giai đoạn sau là Vertigo hay Rear Window (không tính North by Northwest vì nó nghiêng về phía phim hành động hơn). Thậm chí nếu đặt cùng với bộ film noir đương thời như Double Indemnity thì Notorious cũng khó lòng sánh được về độ trau chuốt của kịch bản và diễn xuất của dàn diễn viên chính. Dù sao thì sau này chắc chắn Notorious vẫn được nhớ đến vì hình ảnh tuyệt vời của Bergman trong phim, có lẽ chẳng bao giờ Hollywood còn tìm được một hình tượng đặc biệt như thế trên màn ảnh lớn.


Tôi không thực sự ấn tượng vì bộ phim được coi là "tuyệt tác của tuyệt tác" này, có lẽ cái sense of humour của bộ phim không hợp với tôi hoặc có thể do đề tài của phim đã bắt đầu dated và bị khai thác quá nhiều trong các bộ phim khác. Chỉ có diễn xuất của Peter Sellers thì thực sự không thể chê vào đâu được, nếu không đọc Wikipedia thì chắc tôi không thể đoán ra rằng một mình Sellers đóng tới ba vai hoàn toàn khác nhau, đúng là ... seller (hãng Columbia "bắt" Kubrick phải chọn Sellers cho các vai chính vì đây là cái tên đảm bảo doanh thu cho phim). Diễn xuất của George C. Scott được khen ngợi không kém nhưng tôi không thấy hào hứng lắm vì Scott diễn cương nhiều quá, lại cương theo đúng kiểu diễn viên Hollywood cổ điển thời "tiền method acting". Mọi người hay nói "phim kiệt tác thì cứ mỗi lần xem lại tìm ra được một điều gì đấy mới", hy vọng là câu này đúng với Dr. Strangelove trong lần tới tôi xem.

dimanche 2 mai 2010

As Good as It Gets (1997)


Jack Nicholson quả thực là một diễn viên kì lạ. Không có vẻ đàn ông lịch lãm như Paul Newman, không "thèm" để ý để nhan sắc ngày một béo hói phệ, không phải dạng diễn viên nhập vai (method actor) đến "điên cuồng" như Dustin Hoffman, Jack "the Winner" vẫn trụ vững ở Hollywood suốt 4 thập niên khi mà tất cả những người bạn từng nổi lên cùng giai đoạn New Hollywood với Jack Nicholson như Gene Hackman, Dustin Hoffman, Robert De Niro, Harvey Keitel, Al Pacino,... đều đã dần lùi vào hậu trường hoặc chuyển sang những vai diễn phụ không mấy tiếng vang. Chỉ mình Jack Nicholson vẫn đứng đó, không cần tới cái "thành tích" 3 Oscar (đến Hillary Swank cũng có tới 2 còn gì), Jack vẫn khiến người ta thực sự nhớ tới thông qua những vai diễn ấn tượng trải đều suốt từ giữa thập niên 1960 cho tới nay. Thật khó mà giải thích cái sự thành công của ông, nhưng có lẽ ai đã xem Jack đóng đều bị cuốn hút bởi cái uy lực diễn xuất mạnh mẽ ẩn sau ánh mắt và nụ cười mỉm đã thành "trademark" của Jack.

As Good as It Gets là một thành công như thế của Jack Nicholson. Bộ phim có nội dung nhẹ nhàng, nhiều câu thoại ý nhị, sâu sắc theo kiểu James L. Brooks (cha đẻ của loạt phim hoạt hình nổi tiếng The Simpsons) nhưng kết cấu và cách xử lý tình huống vẫn bị đi theo "lối mòn" của phim tình cảm Hollywood, ấy vậy mà As Good as It Gets vẫn cực kì hấp dẫn nhờ diễn xuất của cặp diễn viên chính Helent Hunt và Jack Nicholson. As Good as It Gets làm tôi liên tưởng tới Jerry Maguire, một bộ phim tình cảm hài ra đời trước đó một năm cũng với nội dung nhẹ nhàng và nhiều câu thoại ấn tượng (còn nhiều hơn cả As Good as It Gets), cũng có diễn xuất nhắng nhít của Cuba Gooding Jr., cũng có mối tình của một anh "trai tân" với một bà mẹ trẻ luôn đặt đứa con lên hàng đầu, nhưng kết cục là As Good as It Gets có nhiều Oscar hơn hẳn, tất cả cũng là nhờ cặp Jack-Helen.

Trong phim Jack Nicholson thủ vai Melvin Udall, một nhà văn nổi tiếng với độc giả nữ nhờ hơn sáu chục quyển tiểu thuyết tình cảm ăn khách (Sydney Sheldon chăng?) nhưng lại luôn gây tai tiếng với hàng xóm vì căn bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive-compulsive disorder). Có lẽ vì bị bố mẹ "gọt giũa" quá đáng từ nhỏ nên Melvin Udall dần trở thành một con người thu hẹp trong không gian riêng của mình với cách sống khác thường và đặc biệt là cách nói chuyện luôn xúc phạm người khác bằng thứ ngôn từ "văn vẻ" nhất. Với Melvin, không có định nghĩa nào trên thế giới có tên "tế nhị", ông luôn nói thẳng toẹt những gì hiện ra trong đầu bất chấp việc người khác có muốn nghe không hay thực sự đó là những gì ông muốn nói hay không. Vì thế mà tuy "mến mộ" cô hầu bàn Carol Connelly đã lâu mà Melvin không làm cách nào "cưa đổ" được cô dù cho ông chính là người đã làm cuộc đời Carol trở nên tươi sáng sau khi tài trợ miễn phí việc chữa bệnh cho đứa con trai yêu quý của cô. Lý do cho thất bại của Melvin thì có nhiều, nhưng đầu tiên và trên hết vẫn là do cách cư xử quái dị của ông, vừa tuôn ra những lời tỏ tình cảm động nhất, dễ làm phụ nữ mủi lòng nhất, ông lại đế ngay đằng sau một loạt câu "loạn ngôn" khiến ngay Carol vốn rất thoải mái cũng phải tuyên bố: "I'm not going to sleep with you! I will never sleep with you, never, ever! Not ever!" (Carol gặp khó khăn về ngôn ngữ, "not ever" = "never ever").

Trong một vai diễn vừa dễ (các vai có vấn đề về thần kinh là "nghề của chàng" với Jack) vừa khó (đây là phim tình cảm hài, không thể bắt khán giả phải căng thẳng với một nhân vật dở người từ đầu đến cuối), Jack Nicholson đã hoàn toàn chinh phục người xem. Melvin "của Jack Nicholson" vừa khiến người ta buồn cười vì cách cư xử dở người và thiếu tế nhị đến "không thể tin được", lại vừa khiến khán giả (nhất là đàn ông, mà có lẽ cả phụ nữ?) phải trầm trồ vì những phút tỏ tình hay "vô tiền khoáng hậu". Nhìn ánh mắt như xuyên thấu vào tâm hồn của Jack cùng những câu thoại như thế này thì làm sao có thể trách việc Carol không thể nào bỏ được "lão dở hơi":

Melvin Udall: I've got a really great compliment for you, and it's true.
Carol Connelly: I'm so afraid you're about to say something awful.
Melvin Udall: Don't be pessimistic, it's not your style. Okay, here I go: Clearly, a mistake. I've got this, what - ailment? My doctor, a shrink that I used to go to all the time, he says that in fifty or sixty percent of the cases, a pill really helps. I *hate* pills, very dangerous thing, pills. Hate. I'm using the word "hate" here, about pills. Hate. My compliment is, that night when you came over and told me that you would never... well, you were there, you know what you said. Well, my compliment to you is, the next morning, I started taking the pills.
Carol Connelly: I don't quite get how that's a compliment for me.
Melvin Udall: You make me want to be a better man.
Carol Connelly: ...That's maybe the best compliment of my life.

hay

Melvin Udall: I might be the only person on the face of the earth that knows you're the greatest woman on earth. I might be the only one who appreciates how amazing you are in every single thing that you do, and how you are with Spencer, "Spence," and in every single thought that you have, and how you say what you mean, and how you almost always mean something that's all about being straight and good. I think most people miss that about you, and I watch them, wondering how they can watch you bring their food, and clear their tables and never get that they just met the greatest woman alive. And the fact that I get it makes me feel good, about me.

Từng bước chân, từng cái nheo mắt, từng cử chỉ dù là nhỏ nhất đều được Jack Nicholson tận dụng tối đa để làm bật lên cái vẻ vừa điên khùng vừa ... đáng yêu của Melvin Udall. Có lẽ hiếm có ai về cuối sự nghiệp lại vừa diễn tốt được cả những vai "lowkey" (trầm) và "highkey" (bùng nổ) như Jack, ví dụ điển hình chính là vai Harry Sanborn trong Something's Gotta Give mà Jack đóng sau As Good as It Gets 5 năm, cùng là hai bộ phim tình cảm hài lãng mạn, nhưng cách diễn của Jack trong hai bộ phim là hoàn toàn trái ngược với một Harry luôn ở trạng thái "highkey" (tới mức đau tim) khác hẳn với Melvin luôn tự mình kìm nén cảm xúc với bề ngoài cực kì "lowkey". Xem As Good as It Gets, tôi lại hy vọng Jack Nicholson sẽ tiếp tục cho khán giả bất ngờ với những vai diễn mới lạ lùng và ấn tượng theo đúng phong cách của ông, nhưng Jack "the Winner" nay cũng đã vào cái tuổi "thất thập cổ lai hy", chẳng biết ông còn hứng thú sáng tạo không hay chỉ còn hứng thú ngồi cổ vũ L.A. Lakers thi đấu, thôi thì đành hy vọng.

Vanilla Sky (2001)


Thật khó mà nhận xét xem Vanilla Sky là một phim hay hay dở vì với cốt truyện phức tạp và nhiều lớp nghĩa thế này thì ít nhất phải xem phim 2 lần mới có thể hiểu sơ sơ xem phim nói về điều gì (một dạng phim kiểu Magnolia). Tuy nhiên thì Vanilla Sky vẫn có những trademark của Cameron Crowe đó là phần thoại catchy với rất nhiều câu thoại ấn tượng, lãng mạn, cùng với cách xây dựng nhân vật nữ chính (trong phim này là Cameron Diaz/Penélope Cruz) rất đẹp, nổi bật và giàu cảm xúc không kém gì các vai nữ của Say Anything, Jerry MacguireAlmost Famous, và tất nhiên phần nhạc phim vẫn được Crowe (một cựu phóng viên của The Rolling Stone và có vợ là giọng nữ của ban Heart) làm tuyệt vời. Một số câu thoại hay trong phim:

Sofía: I think she's the saddest girl to ever to hold a martini.
===
Julie: Don't you know that when you sleep with someone, your body makes a promise whether you do or not.
===
Brian: Just remember, the sweet is never as sweet without the sour, and I know the sour.
===
David: My father wrote about this in his book. Chapter 1... Page 1... Paragraph 1: What is the answer to 99 out of 100 questions?... Money.

Là một phim psy với rất nhiều ảo giác (thậm chí là khó có thể phân biệt đâu là hiện thực, đâu là ảo ảnh trong phim) nhưng ảo giác hay không thì các pha lãng mạn trong phim vẫn được thực hiện đẹp theo "kiểu Crowe", trường đoạn hay nhất có lẽ là đêm đầu tiên của Cruise và Cruz, chẳng cần những pha "nóng bỏng", chỉ cần những câu thoại nhẹ nhàng và cái nhìn, cử chỉ của hai người, khán giả cũng có thể cảm nhận được sợi dây gắn kết giữa hai nhân vật. Cruise và Cruz còn có một đoạn "tâm sự trên giường" rất hay và lãng mạn:

Sofia: Do you love me? I mean, really love me?
Sofia: Because if you don't...
Sofia: I'll just have to kill you.
David: You see, my next life?
David: In my next life... I'm gonna come back as this mole right here. (chỉ tay lên ngực trần của Sofia)
David: Seriously, this mole.
David: You'll have to wear bikini tops to work and loose-fitting shirts... so that I can breathe.

Những câu thoại và cử chỉ khiến tôi liên tưởng đến Ralph Fiennes và Kristin Scott-Thomas trong The English Patient, hai đoạn đều đẹp và lãng mạn như nhau nhưng The English Patient đáng nhớ hơn có lẽ vì cốt truyện giản dị và cái kết u sầu của nó?

Một phim nên xem và nên xem nhiều hơn một lần (và tất nhiên xứng đáng hơn nhiều cái điểm 6.9 của nó trên IMDb).

samedi 1 mai 2010

City on Fire (1987), Full Alert (1997), Beast Cops (1998)


Một tác phẩm kinh điển cho dòng phim hành động thập niên 1980, đặc biệt là phim hình sự-xã hội đen của Hồng Kông. City on Fire (tên tiếng Trung kêu hơn nhiều - Long hổ phong vân) còn được nhớ tới vì nhiều fan hâm mộ phim Hồng Kông vẫn "hậm hực" rằng Reservoir Dogs của Quentin Tarantino chẳng qua chỉ là một bản remake của bộ phim này.

City on Fire sử dụng mô-típ nổi tiếng của phim hình sự Hồng Kông - cảnh sát làm nội gián phải đứng trước dilemma (tình trạng khó xử) giữa nhiệm vụ (chỉ điểm kẻ phạm tội) và tình nghĩa (bảo vệ tình huynh đệ với kẻ phạm tội), một mô-típ sau này tiếp tục được áp dụng thành công trong các bộ phim khác như Hard Boiled của Ngô Vũ Sâm (với Lương Triều Vỹ vào vai cảnh sát nội gián) và Vô gian đạo của Lưu Vỹ Cường (với, vẫn, Lương Triều Vỹ vào vai cảnh sát nội gián) - Lưu Vỹ Cường chính là quay phim của City on Fire, có rất nhiều đạo diễn Hồng Kông thành danh từ chân quay phim. Nhưng Lương Triều Vỹ không tham gia City on Fire, anh chắc vẫn còn bận đóng chưởng bộ (phim truyền hình cổ trang), người thủ vai tay cảnh sát nội gián Cao Thu không ai khác ngoài Châu Nhuận Phát. Cao Thu có nhiệm vụ luồn vào hàng ngũ một băng cướp để moi thông tin về kế hoạch đánh cướp của chúng nhờ đó giúp cảnh sát bắt được băng cướp đồ trang sức này ngay tại trận. Ở phía đối diện, Lý Tu Hiền (người chuyên trị đóng ... cảnh sát) vào vai tay anh chị A Hổ khét tiếng từng thẳng tay giết cảnh sát để yểm trợ đồng bọn. Cao Thu nhanh chóng thu phục được lòng tin của A Hổ, nhưng đồng thời cũng dần nhận ra rằng A Hổ là một tay giang hồ "thứ thật", trọng nghĩa khí và quan tâm chân thành đến đàn em - điều mà cấp trên của Cao Thu, những cảnh sát "thứ thật", không hề có đối với một điệp viên nằm vùng như Cao Thu (trừ cấp trên trực tiếp của anh, một sĩ quan già luôn bị lấn áp bởi tay thanh tra trẻ tuổi, tay sĩ quan này do Trương Diệu Dương - người sau này ... chuyên trị vai xã hội đen, đóng). Cao trào của bộ phim là khi băng cướp tiến hành một phi vụ lớn - Cao Thu phải đứng trước lựa chọn sinh tử, hoặc quay lưng lại với tình nghĩa chân thành mà A Hổ dành cho mình để tố cáo A Hổ, hoặc theo A Hổ đến cùng để rồi vi phạm nhiệm vụ mà mình được giao. Hơn thế, Cao Thu còn phải gắng sống sót để nối lại tình cảm với người bạn gái (do Ngô Gia Lệ - ngôi sao của ... phim cấp III Naked Killer đóng).

Nhìn chung kịch bản của City on Fire không có đột phá nào đáng kể, phim cũng được kể theo trình tự thông thường và không sử dụng twist and turn (khác hẳn với Reservoir Dogs). Nhưng những điểm đó chưa bao giờ là thế mạnh của đạo diễn Lâm Linh Đồng, ông nổi tiếng nhờ tài đạo diễn những cảnh quay hành động hoành tráng, mang tính hình tượng (iconic) cao, đồng thời luôn giữ được nhịp phim dồn dập, cuốn hút mà không cần nhờ tới những "kĩ xảo" về mặt kịch bản. City on Fire thể hiện rất rõ những đặc điểm này của Lâm Linh Đồng. Với một kịch bản không lấy gì làm mới lạ, bộ phim vẫn lôi cuốn người xem nhờ nhịp phim nhanh, được đẩy dần lên cho tới trường đoạn cao trào và tránh được những phút bi lụy không đáng có (mà một đạo diễn khác non tay hơn sẽ rất dễ mắc phải nếu tập trung khai thác quan hệ giữa Cao Thu và bạn gái). Đóng góp đáng kể vào thành công này là diễn xuất tưng tửng nhưng cuốn hút (charismatic) của Châu Nhuận Phát, anh vừa tỏ ra mình là một tay xã hội đen hạng 3 lêu lổng, cợt nhả, lại vừa thể hiện được rằng đằng sau cái mặt nạ "nham nhở" đó là một cảnh sát, đúng hơn là một con người biết trân trọng sứ mệnh được giao và cả nghĩa khí theo kiểu giang hồ. Tất nhiên, City on Fire còn gây ấn tượng lớn với khán giả nhờ nhiều cảnh hành động mang tính hình tượng rất cao: ông già mù thổi saxophone giữa màn đọ súng ác liệt; Mexican standoff "kiểu The Good, The Bad and the Ugly" giữa ba người của băng tội phạm (mà sau này Reservoir Dogs lặp lại y hệt); đạn xuyên qua vách tôn tạo thành những lỗ hổng kiểu "thiên hà" cho ánh sát lọt vào (mà sau này Léon của Luc Besson lặp lại tương tự);... Tất nhiên nhiều phim hành động kiểu truyền thống khác của Hồng Kông cũng cố gom hết các yếu tổ "ấn tượng" như vậy vào một tiếng rưỡi phim (thời lượng trung bình của hầu hết phim Hồng Kông) nhưng kết hợp một cách thành công, tránh được những lỗi ngớ ngẩn về quay phim, dựng phim thì có lẽ không ai bằng được Lâm Linh Đồng (tất nhiên không kể tới phim gunfu của Ngô Vũ Sâm).

City on Fire xứng đáng là một tác phẩm "must" (Pháp giờ rất chuộng từ này?!) cho những người yêu phim Hồng Kông và những người thích phim hành động, nhất là vào thời buổi những phim hành động kiểu "tinh tuyền" thế này không còn đất sống.

Còn về so sánh giữa City on FireReservoir Dogs, đúng là hai phim có một vài đoạn giống nhau (nếu khiên cưỡng có thể cộng thêm cả chi tiết kịch bản Cao Thu làm nội gián -nhưng cái này thì nhiều phim hành động khác của Hồng Kông cũng làm tương tự) nhưng cách thực hiện, ý tưởng phim của hai tác phẩm hoàn toàn khác nhau. "Buộc tội" Quentin Tarantino remake Lâm Linh Đồng vì những chi tiết giống nhau này cũng chẳng khác nào chê bai Inglourious Basterds của Quentin chỉ là tác phẩm "làm lại" từ The Dirty Dozen. Cần nhớ rằng phong cách của Lâm Linh Đồng là tập trung vào nhịp phim + hành động, phong cách của Quentin, ngay từ Reservoir Dogs, đã là tập trung vào thoại + cách dựng phim độc đáo, riêng hai phong cách này đã không thể trộn lẫn về mặt ý tưởng, đừng nói tới chuyện remake của nhau.


Sau City on Fire, Lâm Linh Đồng thực hiện thêm một số phim thành công khác rồi tiếp bước Ngô Vũ Sâm và Từ Khắc sang Hollywood tìm cơ hội. Và cũng ... giống như Ngô Vũ Sâm và Từ Khắc, Lâm Linh Đồng thất bại vì không thể thích ứng nổi với cách làm phim ở xứ sở công nghiệp này. Trở về Hồng Kông, Lâm Linh Đồng thực hiện Full Alert, một phim hành động "tinh tuyền" theo đúng "ước vọng".

Full Alert (dịch nguyên từ tiếng Trung - Cao độ giới bị) là cuộc đối đầu giữa thanh tra Bao (Lưu Thanh Vân) và tay tội phạm Mạch Khôn (Ngô Chấn Vũ). Khác với mô-típ phim hành động thông thường, Mạch Khôn ... bị bắt ngay đầu phim vì tội giết người, tuy nhiên thanh tra Bao lại nghi ngờ rằng Mạch Khôn dễ dàng để cảnh sát còng tay là vì muốn che dấu một âm mưu lớn hơn nhiều lần - đánh cướp một kho bạc nào đó ở Hồng Kông. Vấn đề nằm ở chỗ thanh tra Bao không thể khai thác được từ Mạch Khôn thông tin gì về âm mưu đó khi Mạch Khôn nhất quyết không hé môi về địa điểm dự định đánh cướp cũng như các đồng phạm của y. Táo tợn hơn nữa, Mạch Khôn còn tìm được cách vượt ngục nhờ cướp chiếc máy bay trực thăng chở thẩm phán đỗ trong sân nhà tù. Liệu thanh tra Bao có thể ngăn cản được một tay tội phạm thông minh và bản lĩnh như Mạch Khôn, liệu trong lúc đối đầu, ai sẽ chứng tỏ mình là kẻ máu lạnh hơn với khẩu súng trong tay.

Với Full Alert, Lâm Linh Đồng một lần nữa không làm người hâm mộ thất vọng khi ông thực hiện một bộ phim hành động đúng nghĩa, nhanh, dứt khoát, các cung đột cảm xúc được đẩy lên cao, nhiều cảnh hành động mang tính biểu tượng. Nếu như ở City on Fire, Lâm Linh Đồng đặt cho khán giả câu hỏi "nhiệm vụ và tình nghĩa cái nào quan trọng hơn?" thì ở bộ phim này, người xem được chứng kiến những giằng xé nội tâm của cả thanh tra Bao và Mạch Khôn về lựa chọn giữa phần "người" (lương tâm) và phần "con" (ra tay tàn bạo, lạnh lùng) để có thể hoàn thành mục đích. Khó có thể tìm được cặp diễn viên nào phù hợp hơn cho những nhân vật kiểu này như Lưu Thanh Vân và Ngô Chấn Vũ, và cả hai đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình - những "cỗ máy" có bề ngoài lạnh lùng, hiệu quả nhưng bên trong lại ẩn chứa khối cảm xúc hỗn độn chỉ chờ dịp để nổ tung. Tiếc là giữa 1997 với 1987 đã có khoảng cách 10 năm, một thời gian dài cho những biến đổi về gu thưởng thức cũng như phong cách làm phim, vì vậy Full Alert dù rất gọn gàng, chặt chẽ vẫn trở nên có chút gì đó mệt mỏi và lạc mốt. Có thể thấy rõ hơn điều này nếu ai từng xem Triangle, một phim "bộ ba" do Từ Khắc - Lâm Linh Đồng - Đỗ Kỳ Phong thực hiện, phần do Lâm Linh Đồng lệch hẳn (kém hấp dẫn hơn, không "hiện đại" bằng) so với phần do Đỗ Kỳ Phong thực hiện. Vì vậy nên chỉ có thể cho phim 3 sao thay vì 4 sao như City on Fire.


Để thấy rõ hơn sự "lỗi mốt" của Full Alert có thể so sánh nó với bộ phim hình sự - hành động ra đời sau nó chỉ một năm - Beast Cops (dịch nguyên từ tiếng Trung - Dã thú hình cảnh) của bộ đôi Trần Gia Thượng và Lâm Siêu Hiền.

Mike (Vương Mẫn Đức), một cảnh sát tài năng của đội phản ứng nhanh, bị "đầy" xuống làm thanh tra đường phố vì tội phản ứng cấp trên. Trong vai trò mới, Mike-một cảnh sát mẫu mực, chỉn chu, "phải" cộng tác với Đông (Hoàng Thu Sinh), một thanh tra vốn làm việc quá lâu giữa đám xã hội đen tới mức cũng gần như trở thành một tay xã hội đen thứ thật, "đại ca Đông" cũng ham đánh bạc, ăn ở bừa bãi, che chở cho trùm giang hồ Roy (Trương Diệu Dương) và thậm chí là quan hệ với một phụ nữ đã lập gia đình (Xa Nguyên Nguyên). Nhưng qua thời gian làm việc, Mike cũng dần hiểu rằng Đông, dù có vẻ ngoài của một Beast Cop, vẫn là một cảnh sát đáng kính trọng vì dù sống giữa đám xã hội đen, "đại ca Đông" vẫn luôn giữ được phẩm cách (dignity) của mình, hơn thế chính nhờ Đông mà Mike tìm được "tình yêu" của mình - Yo Yo (Châu Hải Mỵ aka. Như Ý xinh đẹp của Mạt đại hoàng tôn), một ... má mì trong khu phố và là người yêu cũ của Roy-vốn đã bỏ trốn sang Canada vì phạm tội giết người. Nửa thời gian đầu của bộ phim trôi qua bình lặng nhưng giàu màu sắc với việc mô tả cuộc sống và công việc thường nhật của bộ đôi Mike - Đông cùng những con người sống trong khu xã hội đen. Rắc rối đến khi Hoa (Đàm Diệu Văn), một tay xã hội đen từng được "đại ca Đông" quan tâm bảo ban đột nhiên trở mặt và thể hiện lòng tham quyền lực vô độ, Hoa thậm chí sẵn sàng ra tay giết Roy-đại ca cũ của gã, để giành ngôi bá chủ khu xã hội đen. Đến đây "đại ca Đông" mới ngộ được một điều rằng mình không thể mãi đứng ở ranh giới giữa BeastCop, nhưng việc quay trở lại hàng ngũ Cop cũng không dễ dàng gì khi ông phải đối đầu với một con Beast tàn bạo như Hoa.

Điểm mạnh của Beast Cops hoàn toàn không nằm ở phần hành động, các trường đoạn hành động của phim không nhiều (trừ đoạn cao trào) và phần lớn được dàn dựng theo phong cách lạnh-gọn-tàn bạo gần với thực tế chứ không còn đẹp mắt kiểu gunfu như thời đầu thập niên 1990. Bù lại, Beast Cops lại xây dựng được một diện mạo mới mẻ cho hình tượng cảnh sát trong phim xã hội đen Hồng Kông, đó là một "đại ca Đông" với dòng máu nửa xã hội đen, nửa cảnh sát và cách hành xử cũng vừa quái dị vừa trượng nghĩa theo kiểu giang hồ pha anh hùng. Hoàng Thu Sinh, với cách diễn cương (over-the-top) quen thuộc đã giúp cho hình tượng này thực sự trở nên sinh động và cuốn hút người xem, ông diễn tốt, nhập vai không chỉ những đoạn điên điên khùng khùng của Đông mà cả những đoạn mô tả sự phân vân giữa cái thiện và cái ác, sự cô đơn vì thiếu sự quan tâm của người phụ nữ duy nhất "đại ca Đông" có tình cảm. Điểm gợn duy nhất của phim là việc Beast Cops quay trong bối cảnh đường phố thật, đồng nghĩa với việc không sử dụng diễn viên quần chúng, nói cách khác là quần chúng "thật" sẽ nhìn chằm chằm vào các diễn viên đang diễn, khiến cho người xem luôn thấy mình đang phải "xem phim" chứ không được chứng kiến một bộ "phim như thật". Cộng thêm kịch bản tương đối đơn giản và việc nhân vật "ác" Hoa hơi nhạt nhòa, không tương xứng với cặp Mike-Đông nên chỉ có thể chấm Beast Cops 3 sao. Dù gì thì đây vẫn là một phim hay, ngạc nhiên hơn nữa là được chứng kiến một vai diễn có hồn của Châu Hải Mỵ, người chỉ được làm "bình hoa di động" trong Fight Back to School 3 của Châu Tinh Trì.