some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

samedi 28 novembre 2015

The Professor's Beloved Equation (2006)




“Điều gì đọng lại trong kí ức ta khi trí nhớ đã phai tàn?” – Câu hỏi mang đầy tính hiện sinh này là một trong những chủ đề yêu thích của điện ảnh thế giới với những bộ phim xuất sắc như Eternal Sunshine of the Spotless Mind, Memento, hay The Man Without a Past. Cũng đi tìm lời đáp cho câu hỏi ấy, bộ phim The Professor’s Beloved Equation của đạo diễn Takashi Koizumi, một chuyển thể điện ảnh của tiểu thuyết The Housekeeper and the Professor, lại khai thác một khía cạnh tưởng như khô khan và ít khi được nhắc tới trên màn ảnh lớn – tình yêu với Toán học và việc dạy Toán học.

Nhân vật chính của The Professor’s Beloved Equation là vị giáo sư già ẩn danh (Akira Terao), người từng được coi là một ngôi sao sáng của ngành lý thuyết số Nhật Bản. Sau một tai nạn giao thông ở tuổi 47, Giáo sư chỉ còn có thể ghi nhớ “hiện tại” trong vòng 80 phút trước khi những thông tin này bị xóa sạch khi bộ nhớ của Giáo sư quay lại thời điểm trước khi tai nạn xảy ra. Bởi thế, Giáo sư mãi trở thành con người của quá khứ - không có hiện tại, không có tương lai. Đồng hành với Giáo sư chỉ còn lại tình yêu với Toán học, với đội bóng chày Hanshin Tigers, và nỗi khắc khoải với những kí ức vốn đã dừng lại ở cái tuổi 47. Để chăm lo cho vị Giáo sư luôn sống với quá khứ ấy, cô gái trẻ Kyoko (Eri Fukatsu) được thuê làm người giúp việc trong căn nhà nhỏ nơi góc vườn của ông. Trái ngược với Giáo sư, mọi lo toan, suy nghĩ của bà mẹ đơn thân Kyoko gắn liền với hiện tại, nhất là với đứa con trai bé bỏng, tinh nghịch của cô (Takanari Saito). Câu chuyện của bộ phim được kể lại qua lời của cậu nhóc ấy – người lớn lên với cái biệt danh đáng yêu “Căn bậc hai” do Giáo sư đặt, và cả tình yêu với Toán học do ông truyền thụ, để rồi chính cậu trở thành một thầy giáo đưa niềm đam mê với khoa học ấy đến với những thế hệ học sinh mới.

Đúng như cái tên của mình – “Công thức yêu thích của Giáo sư”, phần lớn thời lượng của bộ phim tập trung mô tả ham mê bất tận của Giáo sư đối với những con số. Có lẽ chính cái tình yêu với những con số, vốn ánh lên trong cặp mắt sáng ngời của Giáo sư, đã giúp ông tiếp tục sống, tiếp tục làm Toán, bất chấp cuộc sống cô độc không có bạn bè, không có hiện tại. Nhưng sự xuất hiện của Kyoko và “Căn bậc hai” đã buộc ông phải tìm lời giải cho một bài toán mới khó khăn không kém – làm thế nào để kết nối với hai con người hết mực yêu quý ông với cái trí nhớ chỉ kéo dài 80 phút. “Công thức” cho bài toán ấy chính là cái cách ông truyền tải “món quà của Tạo hóa” – những con số đến với Kyoko và “Căn bậc hai”. Với nhiệt huyết và niềm đam mê tràn đầy, vị giáo sư già đã biến hai con người xa lạ trở thành những “tín đồ” nhiệt thành của Toán học, và hơn thế, kéo chính ông lại gần với thực tại bằng sợi dây tình người giữa ông và mẹ con Kyoko. Câu chuyện giản dị nhưng sâu sắc này đã được truyền tải rất hiệu quả bởi khả năng diễn xuất và sự ăn ý của bộ ba Akira Terao, Eri Fukatsu, và cậu bé Takanari Saito. Terao già dặn, hóm hỉnh, Fukatsu nhanh nhẹn, nhiệt thành, Saito hồn nhiên, dễ thương, mỗi người mỗi vẻ đã giúp bộ phim giữ được sự sống động và tươi mới bất chấp bối cảnh và kịch bản tương đối đơn giản, không nhiều cao trào của phim.  

Chuyển thể gần như nguyên vẹn từ cuốn tiểu thuyết hết sức ăn khách của nữ nhà văn Yoko Ogawa, The Professor’s Beloved Equation đã giữ được cách giải thích hết sức trong sáng, dễ hiểu và thú vị của tác phẩm gốc về những khái niệm Số học không phải ai cũng biết, cũng nắm vững như “số bạn bè”, “số hoàn chỉnh”. Bên cạnh điểm sáng đó, bộ phim còn đem lại cho khán giả cảm giác nhẹ nhõm với những nhân vật có phong thái sống hết sức lạc quan, tích cực, và cách giải quyết tình huống nhẹ nhàng đậm chất nhân văn. Bởi thế, tuy nhịp phim có đôi lúc đứt đoạn và kịch bản phim có lẽ không được chắc tay như những bộ phim về khoa học hoặc nghề giáo khác như Good Will Hunting hay Dead Poets Society, gam màu tươi sáng của The Professor’s Beloved Equation lại giữ cho bộ phim một vẻ duyên dáng riêng. Quan trọng hơn cả, bộ phim đã cho thấy rằng bất cứ ai, từ những đứa trẻ ham chơi như “Căn bậc hai” hay những phụ nữ luôn bận bịu với công việc nội trợ như Kyoko, cũng có thể yêu thích, đam mê Toán học – thứ khoa học “khó gần, khó hiểu”, nếu như họ có được một Người thầy đam mê, nhiệt huyết, yêu khoa học, yêu học trò như Giáo sư. 

Tại Giải thưởng Nobel năm 2015, có tới hai nhà khoa học Nhật được vinh danh, góp phần đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có số giải Nobel về khoa học nhiều thứ hai trong thế kỷ 21, chỉ sau Hoa Kỳ. Với những câu chuyện như của “Căn bậc hai” và Giáo sư trong The Professor’s Beloved Equation, hay như của cô bé Totto-chan và Thầy Kobayashi trong Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ, có lẽ ta có thể hiểu được một phần nào lý do của những thành công đó. Hãy trân trọng tri thức và sáng tạo, hãy trân trọng những người Thầy yêu nghề đang miệt mài truyền lửa đam mê khoa học. 

Beasts of No Nation (2015)




“The first casualty of war is innocence.” (“Sự ngây thơ là nạn nhân đầu tiên của chiến tranh.”)

“If you run, the beast will get you. If you stay, the beast will eat you.” (“Nếu bạn bỏ chạy, con thú ấy sẽ bắt được bạn. Nếu bạn ở lại, con thú ấy sẽ ăn thịt bạn.”)

Trên đây là hai câu dẫn đề (“tagline”) cho hai bộ phim nổi tiếng Platoon (Trung đội, 1986) của Oliver Stone và City of God (Thành phố của Chúa, 2002) của Fernando Meirelles. Tuy lấy bối cảnh rất khác nhau – Platoon là Chiến tranh Việt Nam còn City of God là những cuộc chiến băng đảng ở Rio de Janeiro (Brazil), nhưng cả hai bộ phim đều kể lại những câu chuyện về sự hủy hoại của nhân cách, của những suy nghĩ ngây thơ trong mỗi con người bởi sức tàn phá của bạo lực, của lòng tham, của những thiếu thốn tột cùng cả về vật chất và tinh thần. Cũng khắc họa một bi kịch tương tự như vậy, nhưng lần này là ở một quốc gia Tây Phi xa xôi, Beasts of No Nation (Những con thú không chốn nương thân) là một bộ phim hòa trộn cả PlatoonCity of God với nhân vật chính là những đứa trẻ (như trong City of God) bị ném vào bối cảnh chiến tranh không giới tuyến (như trong Platoon) để rồi phải trở thành những tên lính – những con thú khát máu. 

Beasts of No Nation là câu chuyện về Agu (Abraham Attah), cậu bé mảnh khảnh với thân hình khẳng khiu của một đứa trẻ chưa qua tuổi dậy thì và tâm hồn vô tư, nhí nhảnh của đứa con được may mắn sinh ra trong một gia đình hạnh phúc. Nhưng tuổi thơ của Agu nhanh chóng bị cắt đứt bởi chiến tranh, khi những cuộc giao tranh khốc liệt giữa các phe phái khiến gia đình cậu phải ly tán, kẻ còn, người mất, còn bản thân Agu thì rơi vào tay của gã Chỉ huy trưởng “Commandant” (Idris Elba) và nhanh chóng trở thành một người lính giữa vô vàn “lính trẻ em” khác trong tiểu đoàn của gã. So với những cái chết và nỗi sợ hãi tột độ ập lên đầu Agu ngay những thời khắc đầu tiên của cuộc chiến, thì “đời lính” trong tiểu đoàn của Chỉ huy trưởng thoạt khiến cậu bé bình tâm và nuôi lại hy vọng tìm về với gia đình. Nhưng rồi nhanh chóng Agu nhận ra rằng cái tiểu đoàn “lính trẻ em” mà cậu đang lạc vào luôn ẩn chứa điều gì đó bất an, và đằng sau những những câu nói hùng hồn kích động tinh thần và phong thái dũng cảm ngoài chiến trường, gã Chỉ huy trưởng dường như cũng che dấu một vết rách rộng hoác trong tâm hồn. Nhưng bàng hoàng hơn đối với Agu là khi cậu bé nhận ra rằng chính tâm hồn ngây thơ và niềm tin vào tình người, vào Chúa của cậu cũng dần bị bạo lực và chết chóc của chiến tranh phá nát. Từ một đứa trẻ ngây thơ trong gia đình, giờ đây Agu chỉ còn là một con thú sống theo bản năng, một con thú không chốn nương thân.

Đạo diễn của Beasts of No Nation là Cary Joji Fukunaga, người khởi đầu sự nghiệp điện ảnh cũng với một bộ phim về đề tài ảnh hưởng của sự nghèo khó và tội ác lên tuổi thơ (Sin Nombre năm 2009). Tuy vậy Fukunaga được biết tới nhiều nhất có lẽ là nhờ mùa đầu tiên của loạt phim truyền hình True Detective – loạt phim truyền hình gây tiếng vang lớn năm 2014 do Fukunaga thực hiện lấy đề tài tội ác và diễn biến tâm lý của những người dính dáng đến chúng. Ở Beasts of No Nation, người xem lại được thấy những thủ pháp quen thuộc đã tạo dựng tên tuổi cho Fukunaga trong True Detective như sử dụng tông màu hoặc ngả vàng, hoặc tương phản tạo dựng không khí trầm buồn cho phim; dùng những cú bấm máy dài theo chân các nhân vật giúp cảnh quay có cảm giác thực tế như phim tài liệu; và sử dụng nhiều khung hình cận cảnh và những lời kể, thuyết minh để chia sẻ hết mức có thể với khán giả những suy nghĩ, biến động trong tâm hồn các nhân vật của phim. Phong cách đạo diễn rất chắc tay này của Fukunaga đã giúp Beasts of No Nation lôi cuốn hơn nhờ bố cục chặt chẽ và nhịp phim đều đặn với những khoảng nghỉ cần thiết để khán giả kịp cảm nhận những thời khắc cao trào của các trận chiến, của sự đối lập giữa Agu và Chỉ huy trưởng, của sự tương phản giữa nhân tính và vô nhân tính. Bố cục chặt chẽ của phim cũng đã giúp Beasts of No Nation khỏa lấp được phần nào khiếm khuyết của chính Fukunaga khi xây dựng kịch bản phim, một kịch bản chưa hẳn hợp lý với phần dẫn nhập dài quá mức cần thiết trong khi thời lượng dành để phát triển các nhân vật đôi khi tạo cảm giác thiếu hụt. Bố cục mang chất điện ảnh của Beasts of No Nation càng tỏ ra có hiệu quả trong việc lưu giữ cảm xúc cho khán giả khi ta so sánh tác phẩm này với loạt phim True Detective của Fukunaga, khi sự chênh lệch chất lượng giữa những tập đầu xuất sắc và những tập cuối lê thê khó lòng khơi nguồn cảm xúc cho người xem từ đầu cho tới cuối của loạt phim. 

Đóng góp vào thành công của Beasts of No Nation không thể không kể tới diễn xuất xuất sắc của bộ đôi diễn viên chính Abraham Attah – Idris Elba. Cậu bé vô danh người Ghana đã khiến khán giả phải bất ngờ khi thể hiện hết sức thành công sự chuyển biến trong tâm hồn của Agu từ một đứa trẻ ngây thơ, tinh nghịch tới một tên lính cằn cỗi, mất niềm tin vào cuộc sống. Bởi vậy không ngạc nhiên khi với vai diễn này Attah đã được Ban Giám khảo Liên hoan phim Venice trao Giải thưởng Marcello Mastroianni dành cho diễn viên mới xuất sắc nhất – giải thưởng từng giúp những cái tên như Gael Garcia Bernal (năm 2001), Moon So-ri (2002), và Jennifer Lawrence (2008) được công chúng biết tới. Đối nghịch với Attah hồn nhiên, mảnh khảnh là một Idris Elba cao lớn, lọc lõi luôn khiến người khác phải nể phục và khiếp sợ. Tạo dựng tên tuổi nhờ những vai diễn thủ lĩnh đòi hỏi uy lực diễn xuất mạnh mẽ như vị lãnh tụ Nelson Mandela trong Mandela: Long Walk to Freedom (2013) hay viên chỉ huy Stacker Pentecost trong Pacific Rim (2013), việc thể hiện chất lãnh đạo của “Chỉ huy trưởng” là điều hoàn toàn nằm trong khả năng của Elba. Nhưng không dừng lại ở đó, Elba còn tỏ ra xuất sắc trong việc khắc họa những góc khuất của gã Chỉ huy trưởng với đủ cả tham lam, độc ác, và thậm chí là những giờ phút dễ tổn thương tưởng chừng không thể bắt gặp ở một tay chiến binh dày dặn kinh nghiệm trận mạc. Sự tương phản giữa cái ngây thơ của Attah và kinh nghiệm tiết chế của Elba đã giúp bộ phim tái hiện rõ ràng hơn sức tàn phá khủng khiếp của chiến tranh lên tâm hồn và nhân tính của những người bị cuốn vào vòng xoáy đó. Xứng đáng với những lời ngợi khen còn là dàn diễn viên phụ của Beasts of No Nation với rất nhiều diễn viên không chuyên thủ vai những đứa trẻ-người lính trong tiểu đoàn của Chỉ huy trưởng. Tuy không nhiều đất diễn, nhưng với những ánh mắt, cử chỉ lúc ngây thơ nồng nhiệt, lúc hằn học lạnh lùng, những diễn viên nhí của bộ phim cũng đã hoàn thành nhiệm vụ trong việc tạo nên một bức tranh toàn cảnh nhiều màu sắc và rất đáng nhớ về nạn bắt trẻ em đi lính trong các cuộc xung đột ở châu Phi.

Theo tôi Beasts of No Nation là một bộ phim thành công. Có thể kịch bản mang phong cách rất truyền thống của bộ phim không đem lại nhiều đột phá hay bất ngờ cho khán giả. Có thể thời lượng trên hai tiếng của Beasts of No Nation vẫn còn những giây phút trùng nhịp có cảm giác thừa thãi. Tuy nhiên cái cách Fukunaga chăm chút cho từng khung hình, cái cách Attah và Elba nỗ lực trong từng cảnh quay, cũng đã đủ nhắc nhớ người xem rằng ở đâu đó ở châu Phi vẫn còn rất nhiều những bi kịch bị lãng quên của những đứa trẻ-người lính như Agu. Những bi kịch trên phim như vậy của Agu, và thậm chí là của gã Chỉ huy trưởng, không chỉ khiến người xem cảm nhận sâu sắc hơn về sự vô nghĩa và tàn bạo của chiến tranh, mà còn là lời kêu gọi chúng ta – thế giới cần phải nỗ lực hơn nữa để chúng không tái diễn với những số phận, mảnh đời khác, ở những quốc gia, thời khắc khác. 



Timbuktu (2014)









Với những người yêu thích lịch sử hoặc du lịch, địa danh Timbuktu hẳn sẽ gợi lên hình ảnh một đô thị cổ huyền bí nổi lên giữa sa mạc Sahara mênh mông với vô vàn những ngôi nhà vuông vắn phủ màu nâu sồng của đất nung và những đền thờ Hồi giáo mang hình dáng của những kim tự tháp cổ xưa. Nhưng nếu không theo dõi tình hình thời sự Bắc Phi – một chủ đề hiếm khi được truyền thông nhắc tới, chắc không nhiều người trong số họ ngờ rằng Timbuktu ngày nay chỉ còn là một thị trấn cằn cỗi hoang tàn hằn dấu tích xung đột tôn giáo, sắc tộc. Chỉ trong vỏn vẹn nửa thập kỷ gần đây, Timbuktu đã vài lần trở thành chiến địa giữa quân đội chính phủ Mali và phiến quân Hồi giáo cực đoan, những kẻ mong muốn dựng nên một nhà nước riêng vận hành bởi bộ luật Sharia hà khắc. Bộ phim Timbuktu của đạo diễn người Mauritani Abderrahmane Sissako khắc hoạ một hồi buồn như thế của Timbuktu, khi thị trấn cổ này rơi vào tay nhóm phiến quân Ansar Dine có nguồn gốc du mục và mang tham vọng “giáo hoá” người dân mọi sắc tộc ở đây bằng Sharia, tước đi của họ niềm vui được sống để thay vào đó là những luật lệ cực đoan, khắc nghiệt, vô nhân tính.

Timbuktu mở đầu bằng cuộc đuổi bắt chú linh dương đơn độc giữa sa mạc bởi một nhóm phiến quân Hồi giáo cờ đen. Dù nhanh nhẹn đến mấy nhưng chú linh dương cũng khó lòng thoát nổi tốc độ của chiếc Toyota – dòng xe yêu thích của chủ nghĩa cực đoan, và những khẩu súng AK của nhóm “chiến binh Thánh chiến” vốn muốn dồn con vật đáng thương tới đường cùng thay vì bắn hạ. Tiếp đó, cũng bằng chính họng súng AK ấy, những kẻ phiến quân lại lấy những bức tượng gỗ đậm màu truyền thống châu Phi ra làm bia tập ngắm. Hai cảnh quay rất ngắn nhưng mang đầy tính biểu tượng này sẽ được lặp đi lặp lại trong suốt cả bộ phim, với cùng một kẻ thủ ác – những phiến quân cực đoan, nhưng thế chỗ cho chú linh dương khốn khổ và những bức tượng vô tri vô giác là những người dân đầy cam chịu của xứ Timbuktu và cuộc sống vốn đã quá nhiều khắc nghiệt của họ. Trong số đó, Timbuktu lấy tâm điểm là gia đình du mục của vợ chồng Kidane – Satima và cô con gái dễ thương Toya. Sống cuộc đời du mục dưới mái lều trơ trọi nơi cồn cát trùng điệp với nguồn sống duy nhất chỉ là vài chú bò gầy guộc, nhưng Kidane, Satima và Toya vẫn vui vẻ tận hưởng những khoảnh khắc hạnh phúc của cuộc sống, từ một bát sữa bò buổi sớm tới những tiếng đàn ghita của Kidane vang lên lúc hoàng hôn. Nhưng cái hạnh phúc ấy chẳng thể bền lâu trước bóng ma của đám phiến quân xa lạ, những kẻ ập đến Timbuktu với cái danh “Thánh chiến” để áp đặt mọi người phải sống, phải suy nghĩ, phải hành động theo ý chúng. Cái cách gọng dây thòng lọng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan dần siết chặt những mạch sống hiếm hoi còn lại của Timbuktu được bộ phim kể lại qua câu chuyện đắng lòng của gia đình Kidane, và qua những lát cắt buồn bã không kém về cuộc đời của những người dân Timbuktu khác, những người chỉ mong muốn một cuộc sống đơn giản với tiếng hát, tiếng đàn, với những trận bóng giữa sa mạc.

Nhà sản xuất của Timbuktu là Sylvie Pialat, người vợ goá của đạo diễn quá cố từng giành giải Cành cọ vàng Maurice Pialat. Sinh thời đạo diễn Pialat được biết tới nhiều nhất qua những bộ phim đượm màu buồn mô tả những số phận ham sống nhưng bị đè nặng bởi xung đột nội tâm. Nhưng chất buồn rất Pháp ấy của Pialat có lẽ khó lòng so sánh được với những bi kịch đến nghẹt thở nơi sa mạc của Timbuktu. Đạo diễn Sissako đã cực kì thành công trong việc truyền tải sự tuyệt vọng đến người xem bằng cả những câu chuyện kể trực diện mộc mạc và cả những cảnh quay mang đầy tính biểu tượng, đẹp mà buồn đến nao lòng. Một cảnh quay như thế là trận bóng-không có bóng của những cậu bé Timbuktu mong mỏi một ngày sẽ trở thành “Zidane mới”, trở thành “Messi mới” nhưng lại bị cấm đoán bởi những kẻ bịt mặt coi trò chơi đơn giản ấy là thứ tội lỗi – “haram” của đạo Hồi. Không cần biết tới thực tế rằng chính huyền thoại sân cỏ Zidane cũng là một người Hồi giáo, những kẻ tôn sùng chủ nghĩa cực đoan luôn lăm lăm AK và đòn roi để tước trái bóng khỏi chân những đứa trẻ Timbuktu, buộc chúng phải chơi, phải “ăn mừng”, phải tự tưởng tượng ra một trái bóng vô hình để thay thế niềm vui bị đánh cắp. Những cảnh quay đẹp đầy chất ẩn dụ như vậy được trải đều suốt bộ phim, xen kẽ giữa những mẩu chuyện đơn giản nhưng hàm chứa rất nhiều nỗi buồn như câu chuyện về người phụ nữ bán cá bị bắt phải đeo găng tay dài “theo đúng phép tắc Hồi giáo” bất chấp việc chẳng loại vải nào có thể tránh được cái mùi tanh tưởi của cá trong cái cảnh thiếu nước liên miên nơi sa mạc. Tuy có đôi chỗ mạch phim có cảm giác bị đứt đoạn bởi sự xen kẽ liên tiếp như vậy, nhưng cách kể chuyện, và dựng phim này của đạo diễn Sissako thực sự đã giúp người xem hiểu được sự bất nhẫn của chủ nghĩa cực đoan, sự tuyệt vọng của những nạn nhân vô tội, và đi cùng với đó là nỗi buồn dài mãi của mảnh đất Timbuktu từng một thời là niềm tự hào châu Phi, là huyền thoại khiến nhiều nhà thám hiểu châu Âu phải ngưỡng mộ.

Bối cảnh sa mạc trong buổi tao loạn của Timbuktu gợi nhớ tới một tác phẩm xuất sắc khác cũng nói về sự vô nghĩa của bạo lực, sự bí ẩn của sa mạc và những con người sống trong nó, đó là The English PatientBệnh nhân người Anh (1996) của đạo diễn Anthony Minghella. Tuy nhiên nếu như The English Patient vẫn khiến người xem cảm thấy ấm lòng vì cái cách những con người khác biệt về ngôn ngữ, về văn hóa, về tôn giáo xích lại gần nhau bởi có chung sự trân trọng dành cho tình người, thì ở Timbuktu người ta chỉ có thể thấy tình người bị tàn phá, không phải bởi bất đồng ngôn ngữ, không phải bởi bất đồng tôn giáo, mà bởi sự mù quáng đến không thể tưởng tượng nổi của một nhóm người nhân danh đức tin, nhân danh tôn giáo để thực thi những tham vọng, tính toán cá nhân bất chấp nỗi đau của đồng loại. Không phải giáo lý đạo Hồi, không phải lý tưởng “Thánh chiến”, chính những tham vọng riêng ấy của nhóm người cực đoan dám chà đạp lên bất cứ ai không tuân theo mệnh lệnh của chúng mới là cội nguồn tội ác, mới là nguồn gốc gây nên những nỗi đau không dứt ở xứ Timbuktu.

Năm 2014 trong cuộc đua giành Giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất, Timbuktu bị coi là một ứng cử viên yếu thế bởi câu chuyện giản dị về một đề tài không nhiều người quan tâm của bộ phim khó lòng so sánh được với những câu chuyện nặng ký như Leviathan của Nga hay Ida của Ba Lan. Quả thực Ida – một bộ phim nói về đề tài yêu thích của Hollywood là nạn diệt chủng người Do Thái trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã trở thành tác phẩm thắng cuộc. Tuy nhiên, vào chính lúc này, qua những sự kiện đau buồn do chủ nghĩa cực đoan vừa gây ra trên khắp thế giới, có lẽ người xem mới lại cảm nhận được sâu sắc hơn cái thông điệp phổ quát mang tính thời đại của Timbuktu về hiểm họa của chủ nghĩa cực đoan đối với thế giới, đối với cuộc sống của mỗi người dân bình thường. Nếu không chung tay loại bỏ tận gốc mầm mống của sự cuồng tín, của trào lưu cực đoan trong bất cứ tôn giáo, tín ngưỡng, trào lưu chính trị nào, chẳng ai có thể chắc rằng những số phận buồn như của gia đình Kidane, như của những đứa trẻ-không thể chơi bóng xứ Timbuktu, sẽ không lặp lại ở một mảnh đất khác, những xứ sở khác, những xứ sở của chính chúng ta.