some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

samedi 9 mars 2019

Period. End of Sentence. (2018)


Period. End of Sentence. là tên một bộ phim tài liệu ngắn dài 25 phút của nữ đạo diễn người Mỹ gốc Iran Rayka Zehtabchi về một chủ đề “khó nói” không chỉ với riêng chỉ em phụ nữ - tác động của kinh nguyệt và băng vệ sinh lên cuộc sống của những người phụ nữ nghèo. Lấy bối cảnh những con phố nghèo ở Hapur, nơi người dân Ấn Độ vẫn còn phải vật lộn hàng ngày để kiếm miếng ăn trong những căn nhà tuềnh toàng đến xơ xác. Cái nghèo triền miên và những hủ tục truyền đời khiến phần lớn phụ nữ Ấn Độ không có cơ hội dùng, hay thậm chí là không biết tới cả tác dụng của băng vệ sinh để giữ gìn vệ sinh trong những ngày “đến kỳ”. “Bản án” kinh nguyệt mà không có băng vệ sinh cũng gắn chặt với số phận của rất nhiều phụ nữ Hapur, khiến họ không có cơ hội học hành, đổi đời, và thậm chí không thể làm những việc cơ bản nhất như cầu nguyện thần linh trong các đền thờ Hindu khi kỳ kinh ập đến bởi định kiến của cả xã hội, nhất là phe nam giới, về sự “dơ dáy” đầy cấm kị của kinh nguyệt.
Làm thế nào để phụ nữ nghèo ở Hapur vượt qua tâm lý e ngại về kinh nguyệt – vốn chỉ là sự bất tiện về mặt sinh lý mà bất cứ người phụ nữ nào cũng phải đối mặt, và nhất là làm thế nào để cung cấp cho họ thứ tiện ích vừa hiệu quả vừa rẻ tiền để xử lý vấn đề vệ sinh trong thời kỳ kinh nguyệt là một câu hỏi không dễ gì giải quyết. Period. End of Sentence. cung cấp cho người xem một lời giải tiềm năng cho câu hỏi khó này – đó là sự kết hợp giữa chiếc máy làm băng vệ sinh từ bông gòn với kinh phí thấp, hiệu năng cao của nhà phát minh Arunachalam Muruganantham và quan trọng hơn thế là tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm của chính những người phụ nữ Hapur với ước vọng cởi trói cho chính cuộc đời họ.
Một đề tài tưởng như rất bình thường nhưng lại khó nói, thậm chí là điều kiêng kỵ với nhiều người như vấn đề kinh nguyệt và băng vệ sinh rõ ràng không phải là một lựa chọn dễ dàng cho các nhà làm phim tài liệu. Lý do là vì nhà làm phim nữ Zehtabchi vừa phải tìm được những khía cạnh mới mẻ, sáng tạo về một chủ đề “muôn năm cũ” mà chẳng mấy người đoái hoài, nhưng trong khuôn khổ của dòng phim tài liệu cô lại cũng không thể kịch tính hóa đề tài lạ này theo cái cách Brian De Palma đã tiếp cận cho tác phẩm giật gân Carrie (1976) hay miêu tả nó một cách nhẹ nhàng và thơ mộng như Isao Takahata đã làm trong kiệt tác hoạt hình Only Yesterday (1991). Nhưng Period. End of Sentence. đã cho thấy tiềm năng của một tác phẩm tài liệu hấp dẫn ngay từ cái tên của mình. Period trong tiếng Anh vừa có nghĩa là “dấu chấm câu”, vừa có nghĩa là chu kì kinh nguyệt, còn “end of sentence” vừa có thể hiểu là một sự kết thúc của một câu nói thông thường, vừa có nghĩa là dấu chấm hết cho một “bản án”. Quả thực, Period. End of Sentence. không chỉ đơn thuần là câu truyện về vai trò của kinh nguyệt và băng vệ sinh trong đời sống hiện đại của phụ nữ Ấn Độ, mà quan trọng hơn tác phẩm tài liệu ngắn này là một lời khích lệ mạnh mẽ gửi tới những người phụ nữ còn đang chịu cảnh hắt hủi, khinh thường trong các gia đình, xã hội còn chịu ảnh hưởng của những hủ tục, định kiến đầy chất gia trưởng. Qua Period. End of Sentence., Rayka Zehtabchi muốn gửi tới những người phụ nữ như cô lời nhắn rằng nếu họ có niềm tin, và chủ động đứng lên để thay đổi cuộc đời mình, thì chẳng điều gì, từ một “phiền phức” về mặt sinh lý như kinh nguyệt cho tới rào cản xã hội từ những người đàn ông luôn coi “đàn bà” là “công dân hạng hai”, có thể ngăn cản những người phụ nữ ấy đạt được những ước mơ vươn cao, vươn xa trong cuộc sống.
Tất nhiên một tác phẩm giành giải Oscar cho phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất không thể chỉ dừng lại với một thông điệp xã hội sâu sắc. Period. End of Sentence. thực sự là một bộ phim tài liệu hay bởi chỉ trong vòng 25 phút ngắn ngủi, Rayka Zehtabchi đã chia sẻ với người xem rất nhiều hình ảnh đáng nhớ về muôn mặt những người phụ nữ nghèo ở Hapur, già có, trẻ có, chủ động có, bị động có, xinh xắn có, chất phác có, nhưng ai ai cũng ấp ủ trong lòng một khát vọng đổi đời, khát vọng vươn lên từ bàn đạp đơn giản nhất – những chiếc băng vệ sinh. Thông qua những góc máy cận cảnh chan chứa sự chân thành của cả những người làm phim và những chủ thể của các cuộc phỏng vấn trong phim, Period. End of Sentence. giúp người xem, đặc biệt là những khán giả nam giới, hiểu thêm về lý do tại sao một vấn đề tưởng chừng “đơn giản” như việc không có băng vệ sinh lại có thể đẩy cuộc đời những người phụ nữ nghèo vào chỗ không lối thoát. Và cũng từ chính những góc máy ấy, chúng ta có thể cảm nhận sự đổi thay của xã hội, của cả những người đàn ông một khi những người phụ nữ đã dám mạnh mẽ xốc tới làm chủ số phận, giúp nhau cùng đẩy lùi những định kiến, nghi kị của người đời.
Mở đầu và kết thúc bằng hình ảnh những cô gái trẻ Ấn Độ sẵn sàng làm việc vất vả để thực hiện được ước mơ trở thành cảnh sát, trở thành những người phụ nữ được gọi một cách tôn trọng bằng chính cái tên của họ thay vì cái danh xưng “con của ông X” hay “vợ của ông Y”, rõ ràng Period. End of Sentence. không chỉ đơn thuần là một câu truyện điện ảnh được “chấm hết” sau 25 phút của nhà làm phim nữ Rayka Zehtabchi. Hẳn Zehtabchi khi hoàn tất bộ phim tài liệu này đã muốn tác phẩm của cô sẽ truyền được cảm hứng cho cả những người phụ nữ vươn lên, và cho cả xã hội trong việc chung tay, góp sức để những người phụ nữ ấy thực hiện được ước mơ của mình thông qua những giúp đỡ dù là nhỏ nhất. Tất nhiên nữ giới vẫn cần có ngày của riêng họ, vẫn muốn được tặng những bó hoa thể hiện sự trân trọng, yêu quý từ nửa kia của thế giới. Nhưng quan trọng hơn thế, họ cần sự tôn trọng, và ủng hộ không ngừng nghỉ để có thể đẩy lui những tàn dư của tư tưởng gia trưởng lạc hậu, để họ có thể chủ động nắm lấy số phận, chủ động thực hiện những hoài bão giành lấy vị trí xứng đáng trong một xã hội bình quyền.
=====

mardi 5 mars 2019

Green Book (2018)


Trong giới văn nghệ sĩ Mỹ thập niên 1960, Don Shirley (Mahershala Ali) có thể coi là một trường hợp đặc biệt khi ông không chỉ là một thiên tài piano cổ điển từng được đào tạo ở tận nước Nga xa xôi, mà ông còn sở hữu một bằng tiến sĩ tâm lý học và có thể nói thành thạo rất nhiều thứ tiếng. Tài năng và danh tiếng giúp Don Shirley có một cuộc sống đáng mơ ước với một căn hộ xa hoa nằm ngay phía trên Thính phòng Carnegie nổi tiếng và những người bạn quyền lực trong chính trường Mỹ như anh em tổng thống John F. Kennedy và và tổng trưởng lý Robert Kennedy. Nhưng dù có tài hoa đến mấy, giàu có đến mấy, thì có một sự thật Don Shirley vẫn phải chấp nhận, đó là làn da màu của nghệ sĩ piano tài năng này vẫn khiến ông trở thành nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đối với người da đen vẫn còn đang hoành hành ở nước Mỹ trong thập niên 1960. Đặc biệt là ở các bang miền Nam của Hoa Kỳ - kẻ thất trận trong cuộc Nội chiến Mỹ vì cố níu kéo chủ nghĩa nô lệ, người da đen bị phân biệt đối xử một cách tệ bạc không khác nhiều so với những năm thế kỷ 19 khi họ vẫn còn phải oằn mình làm nô lệ cho những chủ đồn điền da trắng. Bởi vậy mà khi Don Shirley quyết định lên đường cùng hai nghệ sĩ da trắng khác trong nhóm tam tấu của ông là Oleg (Dimeter Marinov) và George (Mike Hatton) để thực hiện tua lưu diễn xuyên qua các bang miền Nam nước Mỹ, Don Shirley cảm thấy rằng ông cần phải có một người tài xế đủ tin cậy trên những cung đường trải dài suốt nước Mỹ, và đủ mạnh mẽ để giúp Don Shirley vượt qua những trở ngại chắc chắn sẽ phải gặp từ nạn phân biệt chủng tộc của dân da trắng miền Nam nước Mỹ để có thể hoàn thành một cách tốt đẹp chuyến biểu diễn trước Giáng sinh của ông.

Người được Don Shirley thuyết phục để đảm nhận vị trí khó khăn này là Frank "Tony Lip" Vallelonga (Viggo Mortensen). Vốn là nhân viên “bảo an” tại hộp đêm nổi tiếng Copacabana của thành phố New York, người đàn ông gốc Ý có cái tên khó đọc này đột ngột thất nghiệp vì hộp đêm phải đóng cửa sửa chữa trong bối cảnh người vợ Dolores (Linda Cardellini) và hai đứa con trai đang rất cần những đồng tiền lương của Frank để trang trải cuộc sống. Chẳng thể đi cầm hết đồ đạc để lấy tiền trả tiền thuê nhà, và cũng không muốn đảm nhận những phi vụ mờ ám của những người đồng hương, Frank Vallelonga cuối cùng đành miễn cưỡng nhận lời Don Shirley để xa vợ con trong vòng 2 tháng trời rong ruổi trên những nẻo đường miền Nam nước Mỹ cũng người nghệ sĩ piano thiên tài. Gai góc là thế, dạn dày kinh nghiệm với dân giang hồ là thế, nhưng Frank cũng không thể ngờ rằng đây sẽ là một chuyến đi bão táp, đặc biệt là với người hành khách có nước da đen Don Shirley ngồi phía sau xe, bất chấp việc hai người đã cố gắng làm theo đúng hướng dẫn của quyển Sách xanh (“Green Book”) hướng dẫn đi lại cho các tay lái da đen. Qua từng chặng biểu diễn của Don Shirley, đi sâu từng dặm vào trong lòng miền Nam nước Mỹ, Frank Vallelonga và Don Shirley càng nhận ra rằng ngay giữa nước Mỹ hiện đại, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn còn hiện hữu một cách nặng nề đè chặt lên cuộc sống ngột ngạt của những người da đen vốn đã chịu đựng quá nhiều khổ đau trong suốt chiều dài lịch sử của nước Mỹ.

Green Book là bộ phim thứ 14 trong sự nghiệp đạo diễn của Peter Farrelly nhưng mới là thử nghiệm đầu tiên của đạo diễn 62 tuổi này với một thể loại mới ngoài phim hài. Mặc dù vẫn có đây đó một số chi tiết hài hước, nhưng Green Book không phải là một tác phẩm “thọc cười” – dòng phim đã giúp Peter Farrelly và người em trai Bobby Farrelly thành danh từ cách đây cả một phần tư thế kỷ với các tác phẩm như Dumb and Dumber (1994) hay There's Something About Mary (1998). Tuy là một lựa chọn nghệ thuật gây ngạc nhiên đối với nhiều khán giả, nhưng có lẽ việc thử nghiệm với một dòng phim mới cũng là điều cần thiết, nếu không nói là hơi muộn cho Peter Farrelly sau thất bại thảm hại về chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm gần đây của hai anh em như Movie 43 (2013) và Dumb and Dumber To (2014). Dựa trên câu truyện có thật của Frank Vallelonga và Don Shirley qua ngòi bút của chính con trai Frank là Nick Vallelonga, trong lần thử sức đầu tiên với phim chính kịch, Peter Farrelly đã lựa chọn một đề tài đang thu hút rất nhiều sự quan tâm ở Hollywood nhưng cũng không dễ để dựng thành một tác phẩm hay, hấp dẫn người xem, đó là nạn phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ nói chung và đặc biệt là ở các bang miền Nam nơi các đạo luật Jim Crow đã biến cuộc sống của người da đen trở thành địa ngục cho đến tận những thập niên cuối của thế kỷ 20.

Được đặt trong một bối cảnh lịch sử giàu sự kiện, có bộ đôi nhân vật chính có thật với nhiều nét tính cách đặc sắc, Green Book đã thành công trong việc kể lại một câu truyện đáng nhớ về cuộc hành trình “khám phá” tệ phân biệt chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ của Don Shirley và Frank Vallelonga, và cũng là cuộc hành trình khai phá cho một tình bạn mới mẻ giữa hai con người tưởng chừng không thể khác biệt hơn. Với nhiều phân đoạn gây sốc vì sự phân biệt chủng tộc tàn nhẫn nhưng lộ liễu đến mức khó tin ở một quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ, chắc chắn Green Book sẽ góp thêm một tiếng nói mới ở Hollywood để giúp khán giả hiểu hơn về những nỗi đau mà người da màu đã và đang phải chịu đựng vì nạn phân biệt chủng tộc, nhất là ở các bang miền Nam nước Mỹ. Một số cảnh quay đẹp về thiên nhiên nước Mỹ, về cách bộc lộ tâm sự, tình cảm rất khác nhau của một Don Shirley lịch lãm nhưng cô độc và một Frank Vallelonga thô lỗ nhưng luôn tràn đầy tình yêu cho những người thân thiết của Green Book cũng giúp bộ phim mới nhất của Peter Farrelly trở nên dễ xem và lôi cuốn bất chấp chủ đề nặng nề của tác phẩm. Tuy vậy, có lẽ vì đây mới là tác phẩm chính kịch đầu tiên của mình, nên cách Peter Farrelly truyền tải các thông điệp về bình đẳng sắc tộc, về sự cần thiết của tình cảm trân trọng giữa người với người trong một xã hội hiện đại có cảm giác gượng ép và tương đối lộ liễu. Thay vì những hình ảnh ẩn dụ nhẹ nhàng mang tính khơi gợi giúp khán giả tự tìm cho mình một thông điệp đẹp từ bộ phim, đa phần các chi tiết hay câu thoại mang tính biểu tượng trong phim đều được lồng ghép một cách khá vụng, khiến khán giả cảm thấy mình đang bị ép phải cảm nhận, phải hiểu những ý tưởng cụ thể của đạo diễn. Và một khi đã bị gò bó như vậy, thì dù thông điệp, ý tưởng có đẹp đến mấy, người xem vẫn sẽ có cảm giác gợn không cần thiết đối với một tác phẩm khá nhẹ nhàng và giàu cảm xúc như Green Book. Thêm vào đó, việc biểu đạt các thông điệp của phim qua những mô-típ truyền thống, gò bó cũng khiến Green Book phần nào trở nên “dễ đoán” và mất đi sự mới mẻ đáng có trong một tác phẩm tiểu sử về hai nhân vật hết sức đặc biệt nhưng chưa từng được khai thác trên màn ảnh lớn như Don Shirley và Frank Vallelonga. Về một khía cạnh nào đó, Green Book có thể coi là một phiên bản ngược của Driving Miss Daisy (1989) – bộ phim chỉ trích chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ thập niên 1940, 1950 thông qua những chuyến đi của người tài xế da đen Hoke Colburn (Morgan Freeman) và bà goá phụ người Do Thái giàu có Daisy (Jessica Tandy). Nhưng sự trùng hợp giữa hai tác phẩm có lẽ chỉ dừng lại ở đó, vì Driving Miss Daisy của đạo diễn Bruce Beresford là một tác phẩm hết sức sâu sắc với những thông điệp nhẹ nhàng nhưng mang tính gợi mở rất cao. Chất lượng nghệ thuật vượt trội của Driving Miss Daisy sau đó đã được chứng minh bằng bốn tượng vàng Oscar tại lễ trao giải của Viện hàn lâm điện ảnh Mỹ năm 1990, trong đó có ba giải rất quan trọng là giải Oscar cho phim hay nhất, kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, và vai nữ chính xuất sắc nhất. Với cách tiếp cận thua kém nhiều mặt, sẽ là rất khó để Green Book có thể lặp lại thành tích của Driving Miss Daisy trong mùa trao giải điện ảnh năm 2019.

Diễn xuất không ấn tượng của dàn diễn viên là một điểm yếu khác của Green Book. Ngoại trừ Linda Cardellini phần nào chứng tỏ được năng lực của cô qua vai Dolores Vallelonga, dàn diễn viên phụ của Green Book không để lại dấu ấn nào đối với khán giả và thậm chí một số nhân vật phụ còn tạo cho người xem cảm giác họ đang được xem các diễn xuất ở tầm nghiệp dư vốn phù hợp với các bộ phim hài “nhảm” hơn là một tác phẩm nói về đề tài nghiêm túc, cần sức nặng như Green Book. Ngay cả Mahershala Ali trong vai Don Shirley và Viggo Mortensen trong vai Frank Vallelonga cũng chỉ có thể được coi là những diễn xuất tròn vai, nhất là khi so sánh với những vai diễn đáng nhớ hơn nhiều của hai diễn viên đầy thực lực này như vai Juan trong Moonlight (2016) – diễn xuất giúp Mahershala Ali giành giải Oscar cho vai nam phụ nhất, hay vai Tom Stall của Viggo Mortensen trong A History of Violence (2005) – một trong những vai diễn đáng nhớ của dòng phim hành động Hollywood trong vòng hai thập niên vừa qua. Có lẽ sự tương tác giữa Don Shirley và Frank Vallelonga, chứ không phải chân dung riêng của từng nhân vật, qua sự thể hiện của Ali và Mortensen mới là điểm nhấn lớn nhất về mặt xây dựng nhân vật và diễn xuất của Green Book. Tất nhiên là dù có tài năng đến mấy nhưng Mahershala Ali và Viggo Mortensen cũng khó lòng vượt ra khỏi cách tiếp cận kịch bản mang nhiều tính gượng ép của Peter Farrelly, nhưng khán giả hẳn vẫn cảm thấy đáng tiếc khi Ali và Mortensen không có cơ hội để khắc hoạ một cách sống động hơn, đa chiều hơn hình ảnh của Don Shirley và Frank Vallelonga.

Tuy còn nhiều khuyết điểm, nhưng chắc chắn sau khi xem phim, không một khán giả nào có thể phủ nhận rằng Green Book được Peter Farrelly đem tới cho khán giả với sự trân trọng dành cho nhân vật của ông, dành cho chủ đề mà ông muốn khai thác. Chỉ riêng chi tiết này thôi cũng đã khiến Green Book trở thành một tác phẩm đáng xem sau những thất bại khó tin trong sự nghiệp của anh em nhà Farrelly với những tác phẩm “siêu tệ” như Movie 43. Nhưng Green Book còn là một bộ phim nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa đó nằm ở chân dung hai con người sâu sắc theo những cách riêng đang tìm đến nhau qua một tình bạn lạ lùng. Ý nghĩa đó nằm ở cách thức bộ phim làm người xem bị sốc vì nạn phân biệt chủng tộc vô nhân đạo ở miền Nam nước Mỹ. Và ý nghĩa đó còn nằm ở thông điệp thúc đẩy chúng ta, bất kể màu da, địa vị, phải gắng sống một cách có ý nghĩa, có lòng tự trọng, biết giữ gìn phẩm giá không chỉ của bản thân mà còn của những người xung quanh. Bởi thế, chúng ta hoàn toàn có thể coi Green Book là một bộ phim đẹp, một tác phẩm đáng xem, và nên xem của điện ảnh Hollywood trong năm 2018.


========

The Favourite (2018)


Nước Anh vào những năm đầu thế kỷ 18 là một quốc gia quân chủ, vì vậy người nắm giữ quyền lực tối thượng ở đất nước này vẫn là Nữ hoàng Anne (Olivia Colman). Tuy nhiên, với thể trạng yếu đuối, lại trải qua rất nhiều mất mát trong đời tư như việc không có con nối dõi dù đã mang thai tới 17 lần, Nữ hoàng Anne có cuộc sống thu mình trong bốn bức tường của cung điện hoàng gia với 17 chú thỏ đại diện cho 17 đứa con đã lìa trần. Hoàn toàn đối lập với Nữ hoàng Anne, phu nhân của công tước Marlborough - Sarah Churchill (Rachel Weisz) có tính cách mạnh mẽ hiếm có ở một phụ nữ của thế kỷ 18, bà không màng những thú vui “tầm thường” như đua ngỗng, nuôi thỏ mà chỉ hào hứng với những môn thể thao đầy chất nam tính như bắn súng, cưỡi ngựa. Khác nhau là thế, nhưng Sarah Churchill lại được Nữ hoàng Anne coi là sủng phi, là nguời bạn tâm giao, người cố vấn tin cậy vì chỉ có Sarah mới dám nhìn thẳng vào mặt Nữ hoàng để nói lên những điểm xấu của bà, chỉ có Sarah mới nhớ được những kỉ niệm chung từ thủa niên thiếu của hai người, và cũng chỉ có Sarah mới biết được những bí mật thầm kín mà Nữ hoàng Anne chắc chắn không muốn lộ cho bất cứ một ai khác trên vương quốc rộng lớn của bà.

Có thiên hướng hoạt động chính trị và làm giàu thậm chí còn nổi trội hơn nhiều chính trị gia đương thời, tất nhiên Sarah Churchill không thể bỏ qua lợi thế độc nhất vô nhị của bà là cầu nối giữa vị Nữ hoàng ẩn dật và Quốc hội – nơi đưa ra những quyết định mang tính sống còn cho Vương quốc Anh. Lúc ngầm tác động, lúc cưỡng ép một cách công khai, lúc lợi dụng quan hệ thân thiết với vị Ngoại trưởng Sidney Godolphin (James Smith), Sarah buộc Nữ hoàng Anne phải đưa ra quyết định tăng thuế để phục vụ cho cuộc viễn chinh chống lại quân Pháp do chính chồng bà là Công tước Marlborough (Mark Gatiss) làm tổng tư lệnh bất chấp sự phản đối kịch liệt từ phe đối lập của chính trị gia Robert Harley (Nicholas Hoult).

Đang ở đỉnh cao quyền lực, Sarah Churchill chẳng buồn chối từ việc cưu mang người em họ xa Abigail Hill (Emma Stone) – cô gái mang trong mình chút dòng máu quý tộc nhưng bị đẩy đến thân phận cùng khổ vì người cha ham mê cờ bạc. Xinh đẹp, trẻ trung, luôn biết cách ca ngợi người khác thay vì chỉ biết chỉ trích không ngừng nghỉ như Sarah Churchill, Abigail nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều người trong Hoàng cung, trong đó có Nữ hoàng Anne. Không mong muốn gì hơn là lấy được lại địa vị quý tộc và cưới anh chàng Nam tước đẹp trai Samuel Masham (Joe Alwyn), Abigail nhận ra rằng mình phải chiếm được tình cảm của Nữ hoàng Anne và chiếm lấy vị trí sủng phi của người ân nhân Sarah Churchill. Tất nhiên về phần mình, Sarah Churchill cũng không muốn nhả ra vị trí đầy quyền lực và bổng lộc phía sau lưng Nữ hoàng Anne. Cuộc chiến nơi thâm cung giữa Abigail và Sarah sẽ không chỉ làm thay đổi cuộc đời của hai người phụ nữ đầy toan tính, mà sẽ còn tác động tới vận mệnh của cả nước Anh trong buổi hoàng hôn của thể chế quân chủ.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây điện ảnh châu Âu đã chứng kiến sự vươn lên của một thế hệ đạo diễn trẻ đầy tài năng mà một trong số đó là đạo diễn người Hy Lạp Yorgos Lanthimos. Bắt đầu gây tiếng vang ở tầm quốc tế với Dogtooth (2009) – tác phẩm giành giải Un Certain Regard tại Liên hoan phim Cannes và được đề cử giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, Lanthimos đã nhanh chóng chứng tỏ rằng mình không chỉ xuất sắc với các bộ phim lấy bối cảnh Hy Lạp khi anh hợp tác với hãng Film4 Productions của Anh để cho ra đời hai bộ phim đặc sắc là The Lobster (2015) và The Killing of a Sacred Deer (2017). Nói chung các tác phẩm của Yorgos Lanthimos đều là những tác phẩm độc lập với kinh phí thấp và dựa nhiều vào thế mạnh là cách kể truyện của đạo diễn cũng như cách xây dựng nhân vật có cá tính khác biệt để lôi cuốn khán giả.

Nếu so với các tác phẩm kể trên, thì dự án mới nhất của Yorgos Lanthimos – The Favourite (“Sủng phi”) là bộ phim có kinh phí lớn nhất – điều kiện cần của bất cứ tác phẩm nào lấy đề tài lịch sử. Tuy 15 triệu đô la không phải là con số quá lớn, nhất là khi so sánh với các sản phẩm điện ảnh của Hollywood, nhưng bất cứ ai sau khi xem The Favourite cũng sẽ phải thừa nhận rằng bộ phim mới nhất của Lanthimos đã tái hiện thành công không khí của một nước Anh đầy tương phản của thế kỷ 18, nơi giới quý tộc sống trong những lâu đài xa hoa tráng lệ, tận hưởng đủ mọi của ngon vật lạ, và giải trí với những trò chơi dị hợm chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu, trong khi bên ngoài những lâu đài, những biệt thự nguy nga, người dân nghèo của Anh vẫn phải đi lại trên những con đường lầy lội đầy bùn đất, và vật lộn sinh tồn bằng đủ mọi thứ nghề nghiệp mạt hạng. Để tạo ra những hình ảnh gần gũi nhất có thể với một nước Anh xưa cũ, Yorgos Lanthimos đã tìm được cho mình Robbie Ryan – nhà quay phim người Ireland từng rất thành công với các bộ phim đậm chất Anh như Wuthering Heights (Đỉnh gió hú, 2011) hay Philomena (2013), và đặc biệt là huyền thoại phục trang từng giành tới ba giải Oscar cho phục trang xuất sắc nhất là Sandy Powell. Quả thực không hổ danh là cái tên đứng sau những bộ trang phục lộng lẫy và đáng nhớ của Shakespeare in Love (1998), The Aviator (2004), hay The Young Victoria (2009), Powell đã giúp Rachel Weisz và Emma Stone vừa hoà mình vào dòng chảy lịch sử với những bộ cánh hết sức cổ điển, nhưng lại vẫn đưa vào đó những nét điểm xuyết riêng để tôn nên vẻ đẹp riêng của bộ đôi nữ chính trong cuộc chiến nơi thâm cung.

Nhưng dù có cố gắng đến mấy thì Powell và Ryan cũng chỉ có thể giúp thuyết phục khán giả về sự chân thực, gần gũi của các bối cảnh The Favourite với chốn cung đình của Nữ hoàng Anne. Hơi thở lịch sử, không khí thời đại của The Favourite chỉ có thể đến từ một kịch bản tốt của bộ đôi Tony McNamara và Deborah Davis, và đặc biệt là từ con mắt và cái đầu của đạo diễn Yorgos Lathimos. Nước Anh của thế kỷ 18 chứng kiến sự suy tàn của hoàng gia Anh mà đại diện tiêu biểu chính là Nữ hoàng ẩn dật và yếu đuối Anne trước những mầm mống của thể chế dân chủ thông qua Quốc hội với hai đảng của những chính trị gia có quan điểm hết sức khác biệt về vận mệnh và sự thịnh vượng của đất nước như Godolphin và Harley. Nhưng yếu tố quan trọng nhất khiến cho chế độ quân chủ của nước Anh mất đi quyền lực tuyệt đối ở xứ đảo sương mù là sự đối lập giữa một bên là cuộc sống xa xỉ, vô độ của những kẻ có quyền và có tiền vốn chẳng mảy may quan tâm tới số phận của những người lính đang chiến đấu ngoài biên ải hay những người phục vụ ngày ngày cặm cụi phục vụ họ, và một bên là tầng lớp dân nghèo đang oằn mình chịu ách sưu thuế để phục vụ cho cuộc sống trác táng vô độ của tầng lớp trên. Cái lò lửa âm ỉ trong thế kỷ 17 và 18 đó đã dần thúc đẩy nước Anh trở thành một trong những quốc gia dân chủ sớm nhất trong lịch sử loài người, nơi các ông hoàng bà chúa vẫn có một vị trí được tôn trọng trong xã hội nhưng chỉ khi họ thực sự phục vụ lợi ích của đại đa số người dân vương quốc của họ. Với The Favourite, người xem hoàn toàn có thể cảm nhận được cái hơi nóng ngấm ngầm nhưng báo trước cho những biến đổi lớn lao đó của xã hội Anh quốc. Quan trọng hơn thế, The Favourite còn tránh được cái bẫy lên gân với nhịp phim chậm chạp của nhiều tác phẩm lịch sử nói về chế độ phong kiến. Trái lại, Yorgos Lathimos sử dụng cách kể chuyện rất có duyên với nhiều chi tiết hài hước vừa đủ để chọc cười khán giả nhưng không quá đà để biến The Favourite trở thành một tác phẩm châm biếm đơn thuần. Việc phân chia bộ phim thành nhiều chương với nhịp phim được thay đổi nhịp nhàng theo những nốt nhạc cổ điển của Johann Sebastian Bach, của George Frideric Handel cũng tạo cho bộ phim dài tới 120 phút này có đủ sức lôi cuốn khán giả kể cả trong những giờ phút nặng nề của cuộc chiến-không-có-người-tốt nơi hậu cung hoàng gia Anh. 

Thành công trong tư cách một tác phẩm lịch sử, và The Favourite của Yorgos Lathimos cũng hết sức thành công trong việc xây dựng nhân vật khi đây có lẽ là tác phẩm phim bi với bộ ba nhân vật đặc sắc bậc nhất của điện ảnh thế giới năm 2018. Để tạo ra một nhân vật ba chiều với nhiều góc cạnh về tính cách, số phận đã khó. Để tạo ra ba nhân vật nữ với chiều sâu về tâm trạng nhưng vẫn hoàn toàn khác biệt còn khó hơn thế rất nhiều. Và bộ ba Sarah Churchill của Rachel Weisz, Abigail Hill của Emma Stone, và Nữ hoàng Anne của Olivia Colman là một bộ ba như thế. Thoạt xem, khán giả đã có thể cảm nhận ngay một Sarah mạnh mẽ, cương quyết đến tàn nhẫn, đẹp một cách sắc sảo. Đối đầu với cô là một Abigail chu đáo, thông minh với đầy mưu mô, nhưng lại có vẻ đẹp dịu hiền hút mắt. Và hoàn toàn tương phản với cả hai người phụ nữ trong cuộc đua tranh giành ngôi sủng phi là một vị nữ hoàng yếu đuối, nhợt nhạt, cả đời dựa dẫm vào những người hầu cận. Nhưng càng bị cuốn hút vào từng chương phim của The Favourite, người xem lại càng nhận ra rằng Yorgos Lathimos đã đưa lên màn ảnh lớn ba nhân vật với nhiều lớp tính cách hơn thế và cũng không thiếu những nét bí ẩn vốn chỉ được bộc lộ qua những lời nói hay hành động tưởng chừng bâng quơ. Nữ hoàng Anne có thể ưa thích cuộc sống ẩn dật, xa rời chính trị để gặm nhấm nỗi đau của cuộc sống riêng, nhưng khi cần vẫn có thể quyết đoán đến mức khó tin. Những giờ phút xảo quyệt của Abigail vẫn không thể xoá nhoà trong mắt khán giả khát vọng chính đáng của một cô gái trẻ muốn được sống một cuộc sống hạnh phúc đúng với vị trí của cô trong xã hội. Và đằng sau sự cứng rắn của Sarah cũng vẫn là những giờ phút yếu mềm luôn hiện hữu trong bất cứ người phụ nữ nào. Sự tương tác nhịp nhàng, lúc cạnh tranh, lúc hợp tác của bộ ba này đã biến The Favourite trở thành bộ phim hấp dẫn từ những phút đầu tiên cho đến những cảnh cuối cùng bởi khán giả dù yêu, dù ghét bất cứ nhân vật nào thì cũng luôn cảm thấy hứng thú muốn tìm hiểu xem liệu đạo diễn sẽ trao cho từng người một số phận thế nào sau cuộc chiến tàn khốc để giành lấy thứ quyền lực phù du nơi cung cấm.

Với bộ ba nhân vật nữ ở trung tâm tác phẩm và những nhân vật nam phụ mang nhiều nét tầm thường, nhạt nhẽo đúng với tính cách của những chính trị gia nửa mùa rỗng tuếch, The Favourite chắc chắn sẽ được nhiều khán giả đánh giá cao với tư cách một bộ phim nữ quyền – một tác phẩm khắc hoạ một cách chỉn chu, có chiều sâu những nhân vật nữ giới ở các vị trí quyền lực với nhiều khát vọng và niềm tin còn mạnh mẽ hơn nam giới. Người yêu lịch sử, đặc biệt là những người yêu lịch sử nước Anh giai đoạn thế kỷ 17, 18 hẳn cũng sẽ yêu thích bộ phim vì cách mô tả đầy chân thực một giai đoạn nhiều biến động của xứ đảo sương mù. Và với người yêu điện ảnh nói chung, The Favourite cũng xứng đáng là một trong những bộ phim đáng được “sủng ái” của năm 2018 vì cách xây dựng nhân vật hết sức xuất sắc và đáng nhớ. Cuộc đua đến giải Oscar lần thứ 91 vẫn còn xa, nhưng với chất lượng làm phim xuất sắc và diễn xuất đáng nhớ của bộ ba Rachel Weisz – Emma Stone – Olivia Colman, chắc chắn The Favourite sẽ còn xuất hiện nhiều lần trong các bài báo đưa tin về giải thưởng – một sự công nhận xứng đáng cho tác phẩm mới nhất của đạo diễn Yorgos Lanthimos.


======