some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mercredi 28 novembre 2018

The Dreamers (2003) (revised review)


Một review cũ viết lại nhân đạo diễn Bernardo Bertolucci vừa qua đời. 


Luôn được coi là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về nghệ thuật thứ bảy, nước Ý là cái nôi sản sinh ra nhiều đạo diễn danh tiếng như Federico Fellini, Michelangelo Antonioni, Roberto Rossellini, hay Vittorio De Sica. Các bộ phim Ý đã giành tới 14 giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, rất nhiều các nghệ sĩ của Ý cũng đã thành danh tại Hollywood và quốc tế như đạo diễn Sergio Leone, nữ diễn viên Sophia Loren, hay nhà soạn nhạc Ennio Morricone. Nhưng tính cho tới năm 2018, chỉ có duy nhất một đạo diễn người Ý từng giành giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất - Bernardo Bertolucci với bộ phim Hoàng đế cuối cùng (The Last Emperor, 1987). Cũng là bộ phim duy nhất do Ý đầu tư từng giành giải Oscar cho phim hay nhất, Hoàng đế cuối cùng là khúc ca bi tráng về cuộc đời đầy biến động của Phổ Nghi – hoàng đế cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc. Bên cạnh Hoàng đế cuối cùng, Bernardo Bertolucci còn có rất nhiều tác phẩm đáng nhớ trong sự nghiệp kéo dài hơn nửa thế kỷ của ông như Il conformista (1970), Last Tango in Paris (1972), hay 1900 (1976). Nhưng trong suốt gần hai thập niên cuối cùng trước khi qua đời vì bệnh ung thư phổi vào ngày 26 tháng 11 năm 2018 vừa qua, Bertolucci chỉ đem đến cho công chúng ba phim điện ảnh dài – Besieged (1998), The Dreamers (2003), và Me and You (2012). Trong số này thì có lẽ chỉ duy có The Dreamers là thực sự gây được nhiều tiếng vang vì những dấu ấn nghệ thuật đặc trưng cho vị đạo diễn người Ý ở buổi chiều tà của sự nghiệp.

The Dreamers (Những kẻ mộng mơ) là câu truyện tuổi mới lớn của hai anh em sinh đôi người Paris Isabelle (Eva Green), Théo (Louis Garrel) và Matthew (Michael Pitt), một thanh niên gốc California. Bộ ba Isabelle, Théo, và Matthew làm quen với nhau trong những ngày tháng Paris rực lửa vì hoạt động chống chính quyền của học sinh, sinh viên Pháp tham gia phong trào tháng Năm năm 1968. Vốn chẳng hào hứng với chính trị hay cách mạng, bộ ba tìm cách chạy trốn thực tại hỗn loạn bên ngoài bằng việc ẩn mình trong căn nhà của bố mẹ Théo, Isabelle để cùng nhau chìm đắm trong những suy nghĩ xa vời về triết học, âm nhạc, điện ảnh. Được sống giữa cái nôi văn hoá của thế giới, vừa đủ lớn để phần nào nắm được tinh thần tự do, giải phóng trong những tuyệt phẩm văn học, nghệ thuật vốn đang nở rộ trong thập niên 1960, và cũng vẫn đủ trẻ để chưa bị vướng bận bởi những suy nghĩ thực dụng về tiền bạc, về chính trị, Isabelle, Théo, và đặc biệt là Matthew đã có những ngày tháng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời để khám phá bản thân, và cũng để nhận ra rằng rồi một ngày gần đây thôi, “những kẻ mộng mơ” cũng sẽ phải đối diện với sự thật khắc nghiệt để sống một cách thực sự thay vì chỉ dừng lại ở những giấc mơ nghệ thuật dang dở. 

The Dreamers là một phim hiếm hoi đề cập đến thế hệ trẻ của Pháp trong giai đoạn “Mai 68” (tháng Năm năm 1968). Đây là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của nước Pháp khi mà xung đột về ý thức hệ giữa lớp sinh viên cánh tả và giới cầm quyền, đứng đầu là Charles De Gaulle – anh hùng nước Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ hai nhưng lại là chính trị gia mang quan điểm thiên hữu, lên đến cực điểm. Vốn là một dân tộc có dòng máu cách mạnh chảy trong huyết quản, lại sống trong một đất nước lấy Tự do (liberté) làm phương châm sống đầu tiên, người Pháp, nhất là sinh viên Pháp luôn sẵn sàng đứng lên chống đối bất cứ chính sách nào của chính phủ bị họ coi là sai trái. Cộng thêm những ảnh hưởng của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc và phong trào phản chiến chống Chiến tranh Việt Nam, phong trào biểu tình của sinh viên và thanh niên Pháp lên cao vào năm 1968 mà đỉnh điểm là tháng Năm – Mai 68. Nhưng cũng như nhiều cuộc “cách mạng nông nổi” khác, các cuộc biểu tình này cũng chẳng đi đến đâu, nước Pháp vẫn vậy, người dân Pháp vẫn vậy, chỉ có Đại học Paris (Université de Paris) bị giới cầm quyền Pháp chia nhỏ thành nhiều đại học nhỏ (nay là 13 đại học đánh số từ 1 đến 13) vì sợ sinh viên sẽ lại xách động một lần nữa.

Mặc dù giành tới hai giải thưởng Oscar cho The Last Emperor (cho hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất) vào năm 1988, nhưng tuổi ba mươi vào những năm 1970 có lẽ mới là giai đoạn đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của Bernardo Bertolucci khi ông liên tiếp cho ra đời những tuyệt phẩm như Il conformista (1970), 1900 (1976), và đặc biệt là Last Tango in Paris (1972). Để có được cái tuổi 30 đầy đột phá ấy, Bernardo Bertolucci đã dành cả tuổi hai mươi để học hỏi, để sống, để trải nghiệm. Và đúng như tuyên bố của Bernardo Bertolucci, The Dreamers được làm ra để nói về tuổi trẻ của chính đạo diễn, người cũng trải qua cái tuổi hai mươi vào thời điểm những năm 1968 với niềm yêu thích điên cuồng nhạc rock và điện ảnh-đặc biệt là điện ảnh Làn sóng mới (Nouvelle Vague) của Pháp. Với nhạc nền là những bản rock của Jimi Hendrix, Jannis Joplin hay những khúc ca trữ tình Pháp phố biến thời thập niên 1960 của Charles Trenet và Françoise Hardy, The Dreamers có rất nhiều chi tiết, câu thoại, đoạn nhạc nhắc nhớ đến các bộ phim kinh điển, đặc biệt là các phim của thế hệ Làn sóng mới Pháp như A bout de souffre hay Les 400 coups. Đặc biệt có những trường đoạn Bertolucci cho quay lại y hệt những cảnh phim Làn sóng mới kinh điển như cảnh bộ ba Théo, Isabelle, Matthew chạy trong hành lang Bảo tàng Louvre. Tuy đã có nhiều bộ phim Pháp làm về giai đoạn “Mai 68” nhưng có lẽ hiếm có tác phẩm nào lại vừa thành công trong việc khắc họa sống động hình ảnh thanh niên Pháp những năm 1960, vừa mang đậm hơi thở của điện ảnh Pháp giai đoạn Làn sóng mới như The Dreamers. Hơn thế nữa, chứng kiến cái cách Matthew chìm sâu trong hơi thở nghệ thuật của Paris và những làn sóng tình cảm dạt dào của anh em Théo và Isabelle, có lẽ người xem cũng cảm nhận được phần nào hình ảnh của Bertolucci trong những năm tháng ông còn đang loay hoay tìm cho mình một chỗ đứng, một lẽ sống với nghệ thuật điện ảnh.

Một trong những khía cạnh gây tranh cãi nhất của The Dreamers là việc bộ phim có rất nhiều cảnh đặc tả Isabelle khoả thân và cảnh sinh hoạt tình dục giữa bộ ba Isabelle, Théo, và Matthew. Cũng như một tuyệt phẩm khác của Bernardo Bertolucci là Last Tango in Paris, bản gốc của The Dreamers bị gắn mác NC-17 – phim cấm khán giả dưới 17 tuổi vì những cảnh quay “nhạy cảm” dạng này và bộ phim vấp phải rất nhiều lời chỉ trích của những người cho rằng các cảnh quay khoả thân hay sinh hoạt tình dục chỉ làm bộ phim trở nên phản cảm trong mắt công chúng. Nhưng trong việc sản xuất một tác phẩm điện ảnh, bất cứ cảnh quay nào được giới thiệu đến người xem cũng là một lựa chọn nghệ thuật mang dấu ấn riêng của người đạo diễn. Và với cá nhân Bernardo Bertolucci, dù là Last Tango in Paris hay The Dreamers thì các cảnh quay khoả thân, hay sinh hoạt tình dục đều được thực hiện một cách hết sức trân trọng với những góc máy đẹp đẽ, nhạy cảm. Với riêng The Dreamers, những cảnh quay “nhạy cảm” khi được đặt vào bối cảnh chung của phim đều trở nên bình thường nhưng  hết sức cần thiết vì khi chứng kiến những phân đoạn đầy cảm xúc ấy, khán giả không hề cảm thấy có sự thô lậu, kích động ẩn dấu sau những hình ảnh rất đẹp về những người trẻ như Isabelle, như Théo, như Matthew. Những đường cong của Isabelle, những nụ hôn của cô dành cho Matthew – một chàng trai có vẻ đẹp tuổi đôi mươi không hề thua kém cô bạn người Pháp, hay những ánh mắt thương mến của ba người dành cho nhau trong những cảnh quay thân mật cả về mặt thể xác và tinh thần ấy chỉ làm nổi bật hơn những suy nghĩ trong trắng và ngơ ngác của cả bộ ba trước thời cuộc hỗn loạn. Trong ba người thì Matthew mang khuôn mặt ngây thơ nhất và anh cũng xa lạ nhất với thời cuộc với tư cách một người Mỹ không biết tiếng Pháp sống ở Paris mà không hề có bạn bè bản địa. Tuy nhiên chính Matthew lại nhanh chóng nhận ra nhất sự khắc nghiệt của cuộc sống bên ngoài, nhận ra rằng anh cùng hai người bạn chỉ là những kẻ ngờ ngệch đến xơ xác khi mà mồm thì luôn miệng triết học, điện ảnh, âm nhạc nhưng lại hoàn toàn xa lạ với cuộc sống. Vì thế mà Matthew muốn thoát ra khỏi cái ảo ảnh mà bộ ba tự tạo, anh cũng muốn kéo cả hai người bạn mình ra đối mặt với cuộc sống, để rồi nhận ra cái mong muốn của mình chỉ là mong muốn của một “kẻ mộng mơ” - “dreamer” - một hy vọng trong vô vọng về việc “cải tạo” hai con người mộng mơ thực sự, đưa họ trở lại với mặt đất. 

Tuy có một cái tứ rất hay về mâu thuẫn giữa tâm hồn mộng mơ và thực tại khắc nghiệt của những người trẻ, nhưng The Dreamers chưa hẳn đã là một bộ phim hoàn hảo về mặt cảm xúc như Last Tango in Paris. Dường như Bertolucci quá chú ý vào từng chi tiết, vào từng phân đoạn riêng lẻ mà lỏng tay với toàn cục, bởi vậy người xem có thể cảm thấy xúc động trước những cảnh quay riêng rẽ nhưng sau khi kết thúc bộ phim, mạch cảm xúc không còn đọng lại nhiều ngoài cặp mắt sâu thẳm buồn đến ngơ ngác của Isabelle ở cuối phim. Nhưng dù có thích The Dreamers hay không thì chẳng ai có thể phủ nhận rằng Eva Green chính là diễn viên nhập vai tốt nhất, không chỉ vì vẻ đẹp khác lạ và lôi quấn hay diễn xuất táo bạo mà còn bởi cô đã biến Isabelle thực sự trở thành một “daydreamer” - cô gái không chỉ xa rời cuộc sống mà còn xa rời ngay cả những cảm xúc bản thân và những người quen thuộc. 

Đã đúng nửa thế kỷ kể từ ngày “Mai 68” làm xáo trộn cuộc sống của người Paris và nước Pháp. Đã tròn ba thập niên kể từ ngày Bernardo Bertolucci được trao hai tượng vàng Oscar cao quý cho Hoàng đế cuối cùng. Bản thân đạo diễn người Ý cũng đã vừa từ biệt cuộc đời mà ông hết mực yêu quý vì căn bệnh ung thư phổi. Nhưng tuổi trẻ của ông, tuổi trẻ của những con người từng sống qua những ngày tháng của “Mai 68”, của điện ảnh Làn sóng mới sẽ vẫn còn lắng động trong lòng khán giả nhờ vào ánh mắt rất sâu, rất tình tứ của Eva Green trong vai cô gái mộng mơ Isabelle, nhờ vào The Dreamers – tác phẩm xuất sắc cuối cùng trong sự nghiệp của một đạo diễn huyền thoại.

=======

First Reformed (2017)


Từng có một thời Đức cha Ernst Toller (Ethan Hawke) tin vào Chúa trời và quân đội. Đó là khi Cha tuyên uý Toller phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ để truyền đức tin mãnh liệt của ông đến với binh sĩ Mỹ. Một trong những người lính được thụ hưởng những lời răn dạy về Chúa trời, về Đức tin của Cha Toller như thế chính là con trai của ông – người đã vâng theo lời khuyến khích của chính cha mình tham chiến tại Iraq, để rồi phải bỏ mạng ở nơi đất khách quê người vì cuộc chiến vô nghĩa ấy. 

Cái chết của con trai khiến Đức cha Ernst Toller mất hoàn toàn niềm tin vào quân đội, vào gia đình, vào chính bản thân mình. Xuất ngũ, ly dị vợ, cha Toller chỉ còn nơi nương tựa duy nhất đó là sự che chở của Chúa trời tại ngôi nhà thờ nhỏ First Reformed ở thị trấn nhỏ lạnh lẽo Snowbridge. First Reformed được xếp vào hàng địa danh lịch sử của bang New York với tuổi đời lên tới 250 năm, nhưng có nhiệt thành đến mấy với những bài giảng thì Đức cha Ernst Toller cũng chẳng thể thu hút được nhiều người đến dự lễ trong căn nhà thờ gỗ ọp ẹp hẻo lánh nhất là trong thời buổi những Đại giáo đoàn như Abundant Life đã dành lấy hầu hết những người theo đạo nhờ cơ sở vật chất hiện đại, tiện nghi, những bài giảng hợp thời, và những nốt thánh ca trầm bổng qua giọng hát của ca đoàn trẻ trung, nhiệt huyết. Dù vậy thì cha Toller vẫn chẳng bận lòng. Bởi dù có phải hàng ngày làm hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” cho những người khách đến thăm First Reformed, hay phải lặn lội vào tận trung tâm thành phố để làm “công tác ngoại giao” với Mục sư Jeffers (Cedric Kyles) thì cha Toller vẫn sẵn lòng để First Reformed tiếp tục là chỗ nương náu cho những tâm hồn còn vững niềm tin vào Chúa trời. 

Nhưng đến chính niềm tin tưởng chừng chẳng gì lay chuyển của Đức cha Ernst Toller cũng gặp phải thử thách khi Mary (Amanda Seyfried) - một trong số những con chiên ít ỏi còn trung thành với First Reformed nhờ ông thuyết phục chồng cô là Michael (Philip Ettinger) từ bỏ ý định thúc giục Mary đi phá cái thai đầu lòng của hai người. Là một nhà hoạt động môi trường cực đoan từng phải ngồi tù vì chống phá quyết liệt các hành động được coi là phá hoại môi trường của chính phủ và các tập đoàn lớn, Michael không muốn đứa con Mary đang mang trong bụng ra đời đơn giản vì không muốn đẩy đứa bé vào một xã hội đang tiến dần đến bờ vực diệt vong vì biến đổi khí hậu, vì một môi trường đã bị phá hoại tới mức không thể cứu vãn được. Thoạt nghe qua thì triết lý cực đoan tưởng chừng đơn giản, ngây thơ, và chứng tỏ một cuộc đời còn thiếu trải nghiệm của Michael rõ ràng chẳng thể tác động tới tâm trạng, suy nghĩ, và lòng tin vào Chúa trời của một người đã từng đối mặt với nhiều thử thách, đớn đau trong cuộc sống như cha Toller. Nhưng những sự kiện diễn ra sau cuộc gặp định mệnh giữa cha Toller và vợ chồng Mary – Michael hoá ra lại đánh dấu một bước ngoặt lớn lao cho cuộc sống một màu buồn tẻ của vị giáo sĩ. 

First Reformed là tác phẩm mới nhất của đạo diễn kiêm nhà biên kịch Paul Schrader. Với những khán giả trẻ thì cái tên Paul Schrader có lẽ không để lại nhiều ấn tượng khi đã từ lâu ông chỉ giới thiệu đến với người xem những tác phẩm kinh phí thấp với nội dung ở mức nhàng nhàng như The Canyons (2013) – bộ phim vốn được nhớ tới nhiều hơn với sự xuất hiện của ngôi sao thất thế Lindsay Lohan hay Dog Eat Dog (2016) - bộ phim do một ngôi sao hết thời khác là Nicolas Cage thủ vai chính. Nhưng với những người yêu điện ảnh của thập niên 1970, thập niên 1980 thì chắc chắn không ai có thể quên những kịch bản Paul Schrader đã viết cho đạo diễn Martin Scorsese như Taxi Driver (1976), Raging Bull (1980), hay The Last Temptation of Christ (1988). Không chỉ dừng lại ở đó, trong số những cái tên nổi bật của thế hệ New Hollywood – thế hệ đã vực dậy sức sáng tạo của nền điện ảnh Mỹ trong thập niên 1970 thì Paul Schrader còn được nhớ tới bởi những bài phê bình, phân tích phim sắc sảo, và đặc biệt là những bài viết giới thiệu các nhà làm phim quốc tế như Robert Bresson hay Yasujiro Ozu đến với những người làm điện ảnh và công chúng yêu phim Hoa Kỳ. Chính bởi vậy mà dù đã lâu không có tác phẩm nào đáng chú ý, nhưng người ta vẫn chờ đợi cơ hội được thấy lại tinh thần phản kháng vị nhân sinh mà Paul Schrader đã từng thổi vào những tác phẩm đáng nhớ của Hollywood như Taxi Driver hay The Last Temptation of Christ

Thời khắc ấy cuối cùng cũng đã tới với First Reformed – một tác phẩm mang trong mình dòng màu phản kháng của anh chàng tài xế taxi Travis Bickle – nhân vật chính của Taxi Driver nhưng được đặt trong bối cảnh xã hội nước Mỹ hiện đại – nơi những lo âu về di chứng của chiến tranh, về bất bình đẳng giàu nghèo những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970 đã được thay thế bởi những mâu thuẫn và băn khoăn không thể giải đáp về những di chứng nặng nề của chủ nghĩa vật chất trong xã hội tư bản lên môi trường, lên đức tin tôn giáo, lên giá trị sống của mỗi con người. Cũng như anh chàng cựu binh Travis Bickle của Taxi Driver cô độc cùng cực tới mức phải lấy tấm gương phản chiếu để làm người bạn đồng hành, người cựu binh Ernst Toller của First Reformed cũng là một cá nhân lẻ loi chỉ biết chia sẻ suy tư với những trang nhật ký trong căn phòng tối tăm và những chai rượu uống dở. Và cũng như Travis Bickle đột nhiên thức tỉnh trước một xã hội đang dần mục nát vì tham nhũng, vì bất bình đẳng sau khi được chạm trán cô bé mại dâm vị thành niên Iris, ngọn lửa ham sống, tinh thần tự vấn trước những vấn đề nan giải của nước Mỹ hiện đại cũng chỉ được nhen nhóm trong lòng Đức cha Toller bởi người phụ nữ trẻ tuổi rụt rè nhưng đầy sức sống Mary. Nhưng khác với sự bạo liệt của Travis Bickle để lập tức phản kháng lại sự đè nén của các thế lực đen tối trong xã hội, người đàn ông trung niên Ernst Toller dường như cần nhiều thời gian hơn để dọn quang những bụi rậm băn khoăn trong tâm hồn chất chứa nhiều suy nghĩ, uẩn ức của ông trước khi tìm thấy con đường đi đích thực cho những tháng ngày còn lại của cuộc đời. Bởi vậy mà tuy có cấu trúc khá giống với Taxi Driver với nhiều mô-típ tương tự được trải đều từ đầu đến cuối phim, nhưng First Reformed lại tạo cho khán giả một cảm giác suy tư, nặng nề hơn hẳn nếu so với nhịp phim gấp gáp, đầy sức sống của Taxi Driver. Đã 41 năm kể từ ngày Taxi Driver ra mắt khán giả, có lẽ 41 năm ấy trải nghiệm cuộc đời, 41 năm thăng trầm ấy đã khiến cho Paul Schrader có một First Reformed vẫn phản kháng, vẫn lo âu, nhưng đã trầm ngâm, và bi quan hơn nhiều khi so với Taxi Driver. Dù vậy thì cách thức First Reformed phản ánh hiện thực và những mâu thuẫn của xã hội hiện đại vẫn là một đóng góp lớn của Paul Schrader cho điện ảnh Hollywood thời điểm hiện tại, bởi khán giả vẫn cần tới những bộ phim như thế để nhắc nhở cho họ về những khó khăn chúng ta đang đối mặt, những bài toán hóc búa về môi trường, về mặt trái của chủ nghĩa tư bản mà chúng ta vẫn cần phải tìm lời giải.

Nếu như tiếng vang của Taxi Driver không chỉ đến từ một kịch bản mang đầy hơi thở cuộc sống mà còn đến từ diễn xuất đã đi vào huyền thoại của Robert De Niro trong vai Travis Bickle, thì Paul Schrader có lẽ cũng đã hài lòng với lựa chọn Ethan Hawke cho vai Đức cha Ernst Toller của First Reformed. De Niro bùng nổ, ngạo nghễ bao nhiêu trong Taxi Driver thì Ethan Hawke lại lặng lẽ, trầm mình bấy nhiêu trước số phận cô đơn, trước một xã hội hiện đại đang bắt đầu có những dấu hiệu suy tàn. Xem Ethan Hawke diễn xuất, người xem luôn có cảm giác bất an trước một tâm hồn cô độc đang dần mất đi chỗ bám víu cuối cùng là đức tin vào Chúa trời nhưng cũng lại đang dần tìm thấy trong đêm tối cuộc đời sợi dây yêu sống. Có lẽ sẽ là hơi quá lời khi nói rằng Travis Bickle của Robert De Niro là hình ảnh phản kháng của Paul Schrader những năm trai trẻ, còn Ernst Toller của Ethan Hawke là tâm hồn buồn bã, nặng gánh suy tư của Paul Schrader trong buổi xế chiều của cuộc đời. Nhưng quả thực với những người yêu điện ảnh – những người đã dõi theo từng bước đường sự nghiệp của Paul Schrader, thì sự tương phản giữa hai vai diễn hết sức xuất sắc nhưng cách nhau tới hơn bốn thập niên của De Niro và Hawk hẳn đã đem lại nhiều cảm xúc, suy tư về bộ mặt đổi thay của xã hội, về cách tư duy vốn đã không còn như xưa của con người hiện đại. 

Taxi Driver dù đầy bạo lực, dù đầy những hình ảnh tăm tối của nước Mỹ nhưng cuối cùng lại khơi dậy trong lòng khán giả sự tin tưởng nhất định vào những tâm hồn Mỹ mạnh mẽ có khả năng thay đổi xã hội theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Ngược lại, First Reformed tuy thanh bình, nhẹ nhàng nhưng lại ẩn chứa nhiều suy nghĩ bi quan về đà tụt dốc không gì có thể cứu vãn của xã hội hiện đại trước những tổn hại nặng nề về môi trường, về giá trị niềm tin. Trong bối cảnh một nước Mỹ đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết về mặt chính trị và về quan điểm đối với vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta có lẽ cũng có thể hiểu được phần nào sự khác biệt về thế giới quan, về nhân sinh quan của Paul Schrader muốn truyền tải tới khán giả sau hơn bốn thập niên kể từ Taxi Driver. Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng dù đối diện với cuộc khủng hoảng niềm tin và sức khoẻ tưởng chừng không bao giờ có hồi kết, nhưng Đức cha Ernst Toller vẫn luôn suy tư, vẫn luôn tìm kiếm để gắng lấy lại ý nghĩa cho cuộc đời, gắng làm được điều gì đó vì một xã hội tốt đẹp hơn. Đó có lẽ cũng là thông điệp nhà làm phim đã ở vào buổi xế chiều của sự nghiệp Paul Schrader muốn truyền tải tới người xem – dù bất lực, dù bi quan, nhưng nếu muốn tìm thấy lại ý nghĩa của cuộc sống, muốn không trở nên cô đơn đến cùng cực giữa dòng đời thì cách duy nhất là chúng ta phải tự cải cách bản thân, tự dò đường để nhận ra những bất công, những vấn đề nan giải của cuộc sống để rồi từ đó tìm thấy lẽ sống cho riêng mình.

======

lundi 5 novembre 2018

Bohemian Rhapsody (2018)


Năm 1970, tại sân bay Heathrow, London người ta chợt thấy sự xuất hiện của một anh chàng công nhân bốc dỡ trẻ tuổi vụng về, gầy gò, răng “hô”, luôn lẩn thẩn cầm theo giấy bút để ghi lại ca từ cho những bài hát tự sáng tác. Đó là Farrokh “Freddie” Bulsara (Rami Malek) – cậu sinh viên kiêm ca sĩ nghiệp dư xuất thân từ một gia đình nhập cư gốc Parsi chạy nạn đến Anh từ mảnh đất xa xôi Zanzibar (nay thuộc Tanzania). Là cậu con trai yêu quý của ông bà Bomi (Ace Bhatti) và Jer Bulsara (Meneka Das) nhưng Freddie luôn làm họ phiền lòng vì không chịu quyết tâm học hành kiếm lấy một nghề nghiệp ổn định mà chỉ quanh quẩn hàng đêm với các câu lạc bộ âm nhạc – sân khấu của các ban nhạc nghiệp dư vô danh. Trong một đêm nhạc như thế, Freddie làm quen được với hai nhạc sĩ nghiệp dư là tay ghi-ta Brian May (Gwilym Lee) và nghệ sĩ trống Roger Taylor (Ben Hardy) của nhóm nhạc vừa tan rã vì thiếu ca sĩ Smile. Bằng tình yêu âm nhạc, và chất giọng cao hiếm có đối với một nam ca sĩ, Freddie đã thuyết phục thành công cậu sinh viên vật lý vũ trụ Brian và nha sĩ tương lại Roger bỏ ngang những môn học nhàm chán để tập trung cho ban nhạc mới với cái tên Queen. Với cá nhân Freddie, anh quyết tâm biến Queen trở thành cuộc đời mới của mình bằng việc thay đổi họ từ Bulsara sang Mercury, và bỏ hết thời gian, tâm sức cho các ca khúc của Queen, và cho người bạn gái mới quen Mary Austin (Lucy Boynton). Tài năng của Freddie Mercury, và sự ăn ý của anh cùng Brian, Roger, và tay ghi-ta bass John Deacon (Joseph Mazzello) đã nhanh chóng biến Queen trở thành ban nhạc được cả thế giới chú ý. Con đường đi tới vinh quang của Freddie Mercury và nhóm Queen mà đỉnh cao là buổi biểu diễn được đánh giá là huyền thoại bậc nhất trong lịch sử nhạc Rock tại nhạc hội Live Aid năm 1985, cùng quá trình thai nghén các nhạc phẩm đáng nhớ của Queen như Bohemian Rhapsody, như Love of My Life là nội dung chính của Bohemian Rhapsody – bộ phim mới nhất của đạo diễn Bryan Singer.

Bohemian Rhapsody là tác phẩm tiểu sử đầu tiên về cuộc đời của Freddie Mercury – một trong những nghệ sĩ nhạc Rock được công chúng hâm mộ nhất trong suốt nửa thế kỷ qua, từ khi ông còn tung hoành trên những sân khấu lớn thập niên 1970, thập niên 1980 cho tới tận ngày hôm nay khi Mercury đã qua đời được hơn một phần tư thế kỷ. Có lẽ bởi vậy mà việc lựa chọn được một gương mặt thật xứng đáng để vào vai thủ lĩnh của nhóm Queen là khó khăn đầu tiên và lớn nhất đối với những nhà sản xuất của Bohemian Rhapsody kể từ khi dự án thực hiện tác phẩm này được Brian May – tay ghi-ta chính của nhóm Queen công bố lần đầu vào năm 2010. Từ tên tuổi lớn của dòng phim hài Anh quốc Sacha Baron Cohen cho tới ngôi sao người Anh của bộ phim Perfume Ben Whishaw được các nhà sản xuất phim cân nhắc mời vào vai Freddie Mercury nhưng rồi cả hai đều bỏ cuộc giữa chừng vì những khác biệt trong cách tiếp cận khi đưa Mercury lên màn ảnh lớn. Tưởng chừng dự án Bohemian Rhapsody sẽ trở nên bế tắc từ khâu chọn lựa diễn viên, nhưng rồi công chúng lại hết sức bất ngờ với tin Rami Malek – một diễn viên người Mỹ vốn chủ yếu được biết tới qua loạt phim truyền hình Mr. Robot lại là cái tên được đạo diễn Bryan Singer chọn mặt gửi vàng cho vai diễn Freddie Mercury. Bất chấp việc vai diễn Elliot Alderson trong Mr. Robot của Malek luôn được coi là một trong những nhân vật đáng chú ý nhất của truyền hình Mỹ từ năm 2015 trở lại đây, những fan trung thành của nhóm Queen và người yêu điện ảnh nói chung ngay lập tức đã tỏ ý lo ngại với lựa chọn của đạo diễn Singer, không chỉ vì Malek là người Mỹ, mà quan trọng hơn cả là vì nam diễn viên này có vẻ ngoài không giống so với Freddie Mercury và anh cũng chưa bao giờ thể hiện được tài năng ca hát trên màn ảnh lớn. Đây là một lo lắng hoàn toàn có cơ sở bởi một trong những điểm thu hút khán giả đầu tiên ở bất cứ bộ phim tiểu sử nào là việc liệu diễn viên trong phim có giống với nhân vật ngoài đời mà họ thủ vai hay không. Những hoài nghi như vậy có lẽ cũng đặt thêm gánh nặng lên vai của Rami Malek, bởi không chỉ bị soi xét về khả năng diễn xuất, anh sẽ bị hàng triệu người yêu nhạc Queen chỉ trích nếu hình tượng Freddie Mercury mà anh mang lên màn ảnh lớn không “giống” với hình ảnh Freddie Mercury mà họ vẫn lưu giữ trong tim suốt nhiều thập niên qua.

Nhưng ngoài việc là một bộ phim tiểu sử về một nhân vật có thật thì Bohemian Rhapsody còn là một tác phẩm điện ảnh – nơi các nhà làm phim thể hiện khả năng sáng tạo với những thử nghiệm nghệ thuật khiến công chúng phải ngạc nhiên. Một trong những ví dụ điển hình cho khía cạnh này của các bộ phim tiểu sử là việc đạo diễn Danny Boyle lựa chọn Michael Fassbender – nam diễn viên có vẻ ngoài hoàn toàn không giống Steve Jobs để vào vai người sáng lập hãng Apple trong bộ phim cùng tên Steve Jobs (2015). Chắc chắn bất cứ người xem nào sau những phút đầu của Steve Jobs cũng sẽ cảm thấy “nhột nhạt” vì ngoài phần trang phục và đầu tóc thì hình ảnh Steve Jobs mà Fassbender giới thiệu với họ hoàn toàn không giống một chút nào so với hình ảnh thật của Steve Jobs vốn đã trở nên quá quen thuộc với công chúng qua các buổi giới thiệu sản phẩm của hãng Apple. Nhưng rồi càng xem, họ càng bị cuốn hút bởi một Steve Jobs-điện ảnh với cái thần thái không lẫn đi đâu được của một Steve Jobs-huyền thoại. Không biết có phải được khích lệ từ thành công này của Fassbender hay không mà ngay từ những phút đầu tiên của Bohemian Rhapsody, Rami Malek đã lập tức gạt bỏ được sự nghi ngại của công chúng với diễn xuất nhẹ nhàng, thanh thoát, tràn đầy khí chất yêu nhạc, yêu người, và yêu đời của Freddie Mercury. Từ một cậu thiếu niên nhập cư rụt rè trước cuộc đời đến “nhạc trưởng” của hàng trăm nghìn khán giả trong các buổi biểu diễn của Queen. Từ một chàng thanh niên chỉ biết đến gia đình, cô bạn gái Mary Austin, và bộ ba Brian May – Roger Taylor – John Deacon của nhóm Queen đến ông hoàng của những buổi tiệc thâu đêm suốt sáng với những người bạn đồng tính. Tất cả những sắc thái rất khác nhau đó của Freddie Mercury được Rami Malek thể hiện một cách thuyết phục tới mức khán giả nhanh chóng quên đi rằng quả thực dù có hoá trang đến mấy thì diện mạo của Malek cũng không có nhiều điểm tương đồng với hình ảnh Mercury trên những đoạn băng phỏng vấn mà người ta có thể dễ dàng tìm thấy trên YouTube. Đó là bởi Rami Malek đã đem tới cho người xem cả hai khuôn mặt hết sức khác nhau, hết sức khó thể hiện của Freddie Mercury – đó là khuôn mặt rực lửa, đắm say với sân khấu của một “Bà hoàng” của âm nhạc của công chúng, và khuôn mặt yếu đuối, thèm khát một tình yêu đích thực, thèm khát được sống với chính mình của một ngôi sao chỉ biết làm bạn với những chú mèo trong căn biệt thự xa hoa vắng bóng người. Nụ cười thường trực trên môi trong các buổi phỏng vấn truyền hình, hình ảnh đầy chất anh hùng ca giữa sân vận động Wembley, đó là những gì công chúng thường nhớ tới về Freddie Mercury – huyền thoại âm nhạc. Nhưng để đi vào sâu hơn trong những cung bậc cảm xúc của Mercury, để hiểu hơn những gì ông đã phải trải qua để vươn tới vinh quang, để tìm thấy lại vinh quang trong quãng đời ngắn ngủi, có lẽ họ sẽ phải tìm tới Freddie Mercury của Bohemian Rhapsody qua diễn xuất xuất sắc của Rami Malek.

Tuy có một Rami Malek hết sức xuất sắc nhưng Bohemian Rhapsody khó có thể được coi là một bộ phim trọn vẹn. Không trọn vẹn ngay từ quá trình sản xuất khi đạo diễn chính của tác phẩm này là Bryan Singer bị hãng 20th Century Fox sa thải khi Bohemian Rhapsody đã quay được hơn hai phần ba vì những rắc rối trong đời tư và trong quan hệ với chính các diễn viên của phim như Rami Malek. Không trọn vẹn cũng vì những người thân cận nhất và yêu quý Freddie Mercury bậc nhất như Jim “Miami” Beach – người quản lý lâu năm của nhóm Queen hay tay ghi-ta Brian May có tiếng nói rất lớn đối với kịch bản của Bohemian Rhapsody (Beach cũng là một trong hai nhà sản xuất của bộ phim), bởi vậy họ toàn toàn có lý do để giữ cho hình ảnh của Mercury trên phim là những hình ảnh đẹp đẽ nhất, đáng quý nhất, gần gũi nhất với những gì người hâm mộ vẫn mang theo trong tim của thủ lĩnh nhóm Queen. Chính việc những người thân thiết với Freddie Mercury ngay từ đầu đã muốn Bohemian Rhapsody là một bức chân dung thật đẹp về ông đã khiến Sacha Baron Cohen – một diễn viên có tài và có diện mạo khá gần gũi với Mercury phải bỏ cuộc. Và cũng chính sự chăm chút có phần hơi quá đà này đã khiến Bohemian Rhapsody về tổng thể không thực sự là một bộ phim tiểu sử xuất sắc khi mà hầu hết những chi tiết được giới thiệu trên phim về cuộc đời Freddie Mercury đều là những gì công chúng đã được biết đến qua sách báo, qua các bộ phim tài liệu về Mercury và nhóm Queen. Những ai mong đợi được nhìn thấy một Mercury khác, một Mercury chưa từng được nhắc tới qua báo chí, phim ảnh chắc chắn sẽ cảm thấy thất vọng với Bohemian Rhapsody, đặc biệt là khi những nhân vật được coi là quan trọng trong đời tư của Mercury như cô bạn gái Mary Austin, như người bạn trai cuối đời Jim Hutton, như nghệ sĩ DJ Kenny Everett chỉ được giới thiệu một cách hời hợt qua diễn xuất không nhiều ấn tượng của Lucy Boynton, Aaron McCusker, và Dickie Beau. Đáng tiếc nhất trong số này có lẽ là trường hợp của Mary Austin – người phụ nữ xinh đẹp, thông minh, và hết mực nhạy cảm, người được Freddie Mercury tin tưởng, yêu thương cả cuộc đời tới mức giao phó cho cô việc chôn cất nắm tro tàn của Mercury sau khi ông qua đời. Những ai đã từng xem các bộ phim tài liệu về nhóm Queen và Freddie Mercury như Freddie Mercury, the Untold Story (2000) chắc chắn sẽ không thể quên cái cách Mary Austin nói về Mercury với ánh mắt tràn đầy yêu thương, với giọng nói run run khi nhắc nhớ những giờ phút quan trọng khi Mercury thừa nhận với cô việc mình là người lưỡng tính. Người xem Bohemian Rhapsody khó có thể cảm nhận được những nốt cảm xúc tương tự như vậy từ diễn xuất của Lucy Boynton, một phần vì cô có quá ít đất diễn trong một tác phẩm nhẽ ra nên dành nhiều thời gian hơn cho những tương tác cá nhân vốn đã góp phần tạo dựng nên cuộc đời và sự nghiệp của Freddie Mercury. Và thật ra với những hạn chế về mặt kịch bản từ ngay trong quá trình sản xuất của Bohemian Rhapsody thì việc có thêm đất diễn chưa hẳn đã là điều kiện đủ để các diễn viên phụ toả sáng, bởi nếu so với hình ảnh lấp lánh của Rami Malek trong vai Freddie Mercury thì Gwilym Lee, Ben Hardy, và Joseph Mazzello đều tỏ ra mờ nhạt trong vai bộ ba còn lại của Queen Brian May – Roger Taylor – John Deacon. 

Ngay cả lựa chọn vốn sẽ làm hài lòng nhiều người yêu nhạc Queen của các nhà làm phim là tái dựng lại gần như toàn bộ 21 phút biểu diễn huyền thoại của Freddie Mercury và nhóm Queen trong nhạc hội Live Aid ngày 13 tháng 7 năm 1985 tại sân vận động Wembley cũng không hẳn là một lựa chọn tốt về mặt nghệ thuật. Bởi dù có cố gắng đến mấy thì Malek, hay bất cứ nam diễn viên nào của Hollywood cũng có thể tái hiện hoàn toàn hào quang trên sân khấu của Freddie Mercury – một trong những ca sĩ với uy lực sân khấu mạnh mẽ nhất trong lịch sử dòng nhạc Rock. Và cũng chẳng kỹ xảo điện ảnh nào có thể thực sự mô tả lại sức nóng mãnh liệt của 72 nghìn người xem cuồng nhiệt năm xưa tại sân Wembley khi cuốn theo giọng ca hào hùng của Mercury trong Bohemian Rhapsody hay We Are the Champions. Với 21 phút quý giá trong thời lượng 2 tiếng 14 phút đó của bộ phim, các nhà làm phim hoàn toàn có thể dành nhiều thời gian hơn cho những phút riêng tư của Freddie Mercury, đặc biệt là trong giai đoạn cuối đời nhiều biến động, hay để giới thiệu những ca từ tuyệt đẹp nhưng cũng bi tráng và phần nào phản ánh niềm tin lấp lánh vào cuộc đời của Mercury kể cả khi đã cận kề cái chết của hai bài hát Don’t Stop Me Now và The Show Must Go On – hai khúc ca chỉ được vang lên khi bộ phim đã kết thúc. Tất nhiên dù có chê trách như vậy nhưng khó khán giả nào, đặc biệt là những người yêu nhạc của nhóm Queen, có thể quên được cách bộ phim tái hiện lại quá trình Freddie Mercury và các bạn nhạc của anh thai nghén siêu phẩm Bohemian Rhapsody, hay cái cách những nốt nhạc của Love of My Life gắn chặt với tình yêu và số phận của chính Freddie Mercury. Chừng ấy thôi có lẽ đã là quá đủ để sau khi theo dõi bộ phim người yêu nhạc lại cắm tai nghe để đung đưa theo những giai điệu của Queen, hay để những người trẻ vốn chỉ quen với Rap, với K-Pop lên YouTube tìm kiếm những đoạn phim quay lại các buổi biểu diễn sống với hàng trăm nghìn khán giả nơi Freddie Mercury là nhạc trưởng, là “Bà hoàng”, là vị thánh âm nhạc. 

Sau khi công chiếu Bohemian Rhapsody đã vấp phải một số chỉ trích từ giới phê bình vì nội dung nhạt nhoà, và vì cách đề cập thiếu điểm nhấn, thiếu chi tiết phần về giới tính, về quan hệ đồng giới, về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS của Freddie Mercury. Đó là những chỉ trích hoàn toàn xác đáng vì quả thực kịch bản của Bohemian Rhapsody là quá “hiền lành” so với cuộc đời nhiều biến động của Mercury, và việc “thay ngựa giữa dòng” cho vai trò đạo diễn phim đã làm mạch cảm xúc của phim phần nào thiếu đi hiệu quả cần thiết. Nhưng với những người yêu nhạc, những người muốn tìm những giờ phút yên bình với một tác phẩm về một thiên tài âm nhạc đầy dị biệt, thì Bohemian Rhapsody vẫn là một lựa chọn hoàn toàn hợp lý. Bởi hãy cứ nhìn vào cách Rami Malek hoá thân vào hình tượng Freddie Mercury bùng nổ trên sân khấu khi thể hiện Bohemian Rhapsody, người xem chắc chắn sẽ cảm thấy nhẹ lòng khi nhớ ra rằng dù đã chia tay chúng ta hơn một phần tư thế kỷ, Mercury vẫn có thể truyền cảm hứng sống, truyền cảm hứng yêu đời, yêu người cho người yêu nhạc qua những khúc ca bất hủ của Queen – những bài hát với ca từ “dễ hiểu” có, “khó hiểu” có, nhưng luôn tràn đầy cảm xúc để có thể đi thẳng vào lòng người như Bohemian Rhapsody, như Love of My Life, như Radio Ga Ga.

=====