some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

vendredi 20 septembre 2013

Kon-Tiki (2012)



Dạo này thấy mọi người xôn xao vì vụ em Huyền Chíp, một bên nghi ngờ thì cho rằng em ấy dối trá, "chém gió" về chuyện "đi 25 nước với 700 đô", một bên ủng hộ thì cho rằng quan trọng là em ấy đã đi, đã trải nghiệm, còn em ấy đi bằng cách nào là chuyện thứ yếu. Tôi thì không quan tâm lắm, vì sách thì mình cũng chẳng mua chẳng đọc, em ấy có nói thật hay nói dối cũng chả ảnh hưởng gì đến mình. Nhưng đọc tranh luận của mọi người cũng thấy có chút liên quan, đó là về chuyện "đi để làm gì?". Do đặc thù công việc và cũng do ... may mắn nên tôi cũng có cơ hội đi một số nước, kể cả nước "độc" như Israel "của em Huyền Chíp". Nhưng do bản tính ... lười, nên tôi không thích đi lang bạt "trải nghiệm cuộc sống", tôi chỉ muốn vác balo đi thật chậm hoặc chui vào từng ngóc ngách bảo tàng, nghĩa trang để cảm nhận cái không khí, cái mùi vị văn hóa và bề dày lịch sử của nơi mình đến. Vì sở thích hơi kỳ dị như vậy, và vì "số phận" (nơi tôi chú ý đầu tiên ở các thành phố lớn thường là cái ... nghĩa trang!) nên tôi thường đi lang thang một mình, và thành thực mà nói tôi cũng muốn đi một mình hơn, bớt những câu nói chuyện, thêm những giờ phút tĩnh lặng suy nghĩ về không gian xung quanh mình, về âm hưởng thời gian, lịch sử của những công trình kiến trúc mà tôi đi qua. Mỗi một chuyến đi như thế là một kỷ niệm sâu sắc trong tôi, sâu sắc không phải ở chỗ tôi có thể nhớ được từng chi tiết đường phố, từng câu chuyện lịch sử đã nghe, mà ở chỗ nó đem lại cho tôi một cảm xúc riêng, thứ cảm xúc chỉ có thể gắn với địa danh đó. Như Brugge của Bỉ với tôi là cảm giác thanh bình, yên ả và lặng lẽ của một "Venice phương Bắc" với những tòa nhà nhỏ bé nhưng hết sức thanh lịch, như Firenze của Ý với tôi là sự bất ngờ và ngạc nhiên của một thành phố nhỏ bé nhưng chứa đựng vô vàn những dấu ấn của thời gian trên từng góc phố, từng cây cầu, như Moskva của Nga với tôi là cảm giác thân thương khi được trở về với những ký ức cũ, những giấc mơ, hình ảnh tưởng tượng thủa nhỏ qua trang sách Cầu vồng. Vì lẽ ấy nên tôi rất không thích những thành phố không có bản sắc - như Seoul, vốn được xây lại hoàn toàn sau chiến tranh, cuộc chiến tàn khốc đã hủy hoại tất cả vết tích lịch sử nguyên gốc của thành phố - giờ đây với tôi Seoul chỉ là một thành phố hiện đại đang cố chứng minh bề dày văn hóa của mình qua những tòa nhà, những chi tiết quy hoạch hoành tráng nhưng thiếu chiều sâu (giống các nhóm nhạc xinh đẹp nhảy giỏi mỗi tội hát không hay của K-pop).

Tất nhiên những người khác cũng sẽ có những giấc mơ, những ý định khác khi thực hiện chuyến đi của mình. Hình tôi đưa lên đầu bài này là poster phim Kon-Tiki, phim "bom tấn" của điện ảnh Na Uy năm 2012 và là ứng viên vòng cuối của Giải Oscar cho phim tiếng nước ngoài (nhưng thua một phim xuất sắc hơn rất nhiều là Amour của Michael Haneke). Kon-Tiki dựa trên câu chuyện có thật là chuyến hành trình vượt Thái Bình Dương trên chiếc bè Kon-Tiki của Thor Heyerdahl năm 1947. Hoàn toàn không sử dụng động cơ hoặc phương tiện hiện đại nào, chiếc bè gỗ của Thor Heyerdahl đã vượt qua gần 7000 km trong 101 ngày để chinh phục Thái Bình Dương - vốn là đại dương không hề "thái bình" chút nào. Thực hiện chuyến đi "điên dồ" như thế, tất nhiên Thor Heyerdahl cũng có mục đích của mình - đó là chứng minh khả năng vượt biển của thổ dân châu Mỹ ngày xưa, chứng minh rằng nhờ cái tài vượt biển bằng những chiếc bè mỏng manh ấy, thổ dân châu Mỹ đã đặt chân đến các hòn đảo ở phía bên kia của Thái Bình Dương và là tổ tiên của cư dân những hòn đảo này. Thor Heyerdahl thành công, ông đưa được chiếc bè Kon-Tiki từ bên này sang bên kia Thái Bình Dương, và dựa vào đó để viết nên quyển sách du hành hết sức hấp dẫn. Ngày bé tôi rất rất thích quyển sách này của Thor Heyerdahl, vì nó tràn đầy tinh thần lạc quan, tràn đầy những chi tiết sinh động và lý thú về chuyến đi trên biển như ... loài cá nào nướng lên ngon nhất, hay tại sao giông bão lại không thể quật đổ chiếc bè mỏng manh như vậy. Thời đó cứ mỗi lần đọc sách xong (tất nhiên tôi đọc đi đọc lại quyển này nhiều lần) tôi lại ước có ngày mình được đi lênh đênh trên biển như Thor Heyerdahl. Có điều là tôi thời đó, cũng như Thor Heyerdahl ngày đặt chân lên con bè, không biết rằng rút cục giả thuyết nhân chủng học của Thor Heyerdahl thực ra ... không đúng, vì tổ tiên của người dân trên các hòn đảo Thái Bình Dương là người châu Á di cư chứ không phải thổ dân châu Mỹ. Nhưng đúng hay sai cũng chẳng quan trọng đối với Thor Heyerdahl - người đã dám nghĩ, dám đi, và đã thực hiện thành công giấc mơ của mình, cũng chẳng hề gì nốt với tôi - người chỉ cần giữ được những giấc mơ, kỷ niệm đẹp ngày bé về chiếc bè Kon-Tiki. 

Nói ngoài lề dài dòng là vậy vì tôi chẳng có gì nhiều để nói về Kon-Tiki - phim. Xứng đáng là tác phẩm đắt giá nhất trong lịch sử điện ảnh Na Uy, Kon-Tiki có phần kĩ xảo rất tốt, các bối cảnh được làm chu đáo với chất lượng không kém gì phim Hollywood. Nhưng về nội dung thì phim phần nào đó làm tôi thất vọng. Phần đầu của phim - nói về những gian lao của Thor Heyerdahl trong quá trình đi thuyết phục giới khoa học tin vào giả thuyết nhân chủng học của mình và thuyết phục các nhà tài trợ mở ví cho dự án điên dồ của ông (đúng ra là "anh" vì khi đó Thor Heyerdahl mới có 33 tuổi) - được làm thực sự tốt, thực sự cảm động khi nói lên được sự khủng hoảng về niềm tin, về lẽ sống của cả Thor và những người bạn đồng hành tương lai của anh - những người hoặc là những anh hùng ... chẳng biết làm gì sau một cuộc chiến dài đằng đẵng (Chiến tranh thế giới thứ hai), hoặc chỉ đơn giản là một kỹ sư cố sống qua ngày đoạn tháng ở mảnh đất New York xa lạ bằng nghề buôn đồ điện tử. Hình ảnh của Thor được khắc họa đặc biệt xuất sắc ở phần đầu này, vừa là người đàn ông với đôi mắt sáng và niềm tin không gì lay chuyển vào giả thuyết của mình, vừa là một thanh niên đứng giữa sự ngờ vực của người đời và ánh mắt mỏi mòn của người vợ ở quê hương Na Uy xa xôi. Với rất nhiều bối cảnh ngột ngạt của những tòa nhà chọc trời và những ánh mắt vô cảm, với tông màu buồn bã của những trận mưa hay mùa Đông New York, phần đầu đã làm rất tốt công việc tạo tiền đề để nhân vật Thor Heyerdahl và những người bạn của anh bung ra sống, phiêu lưu, khám phá biển khơi vô tận trên con tàu Kon-Tiki. Nhưng rất tiếc là phần chính của phim - chuyến hải trình, thay vì khai thác những chi tiết hào hứng lý thú và đầy tính tương phản được mô tả trong cuốn sách của Thor Heyerdahl, lại tiếp tục phân tích tâm lý nhân vật, sự khủng hoảng niềm tin, niềm vui, nỗi buồn, những bước đi tìm lại lẽ sống của mỗi người trên khoảng không chật hẹp của chiếc bè. Tất nhiên thủ pháp điện ảnh này có thể sẽ thành công với nhiều bộ phim - nhưng không phải là với Kon-Tiki, bởi người xem muốn chứng kiến, muốn cảm nhận cuộc du hành thật sự trên biển khơi kia, cuộc du hành có một không hai với rất nhiều mạo hiểm nhưng cũng rất nhiều niềm tin, thay vì cuộc du hành "nội tâm" của mỗi nhân vật - vốn có thể tìm thấy trong rất rất nhiều bộ phim khác. Phần kết của phim - cuộc "đổ bộ" của chiếc bè lên những hòn đảo Thái Bình Dương - vì thế cũng trở nên kém hấp dẫn vì người xem đã quá mệt mỏi với chuyến đi dài và không lấy gì làm hấp dẫn của những tâm hồn trên chiếc bè Kon-Tiki. Tôi đã phải chờ rất lâu mới được chứng kiến tác phẩm yêu thích của mình được đưa lên màn ảnh lớn, nhưng rất tiếc bộ phim đã không đưa được cái tinh thần lạc quan-chinh phục của quyển sách, của Thor Heyerdahl tới người xem. Có lẽ sau khi xem phim sẽ chẳng mấy người nảy sinh được cảm hứng leo lên một chiếc bè để đi thật xa, để chứng minh bản thân, để cảm thấy tuổi trẻ không phí hoài vô ích. Đây mới là thất bại lớn nhất của bộ phim này.

lundi 9 septembre 2013

The Wind Rises (2013)




Tôi là người rất hâm mộ phim của Miyazaki, vì vậy khi The Wind Rises ra rạp Hàn Quốc, dù phim được chiếu dạng nguyên bản (tiếng Nhật) có phụ đề (tiếng Hàn) - hai thứ tiếng mà tôi mù tịt (!), tôi vẫn quyết tâm đi xem, đi xem để thí nghiệm xem cái lập luận "điện ảnh là ngôn ngữ phổ quát" có đúng không, và nhất là đi xem để trải nghiệm cảm giác được ngồi trong rạp phim thật để thưởng thức một bộ phim của đạo diễn mà tôi yêu thích.

The Wind Rises được mở đầu bằng một câu thơ của nhà thơ Pháp Paul Valéry:

"Le vent se lève!... Il faut tenter de vivre!"
(Gió nổi lên kìa! Hãy gắng lấy mà sống!)

Đây chính là tựa đề của The Wind Rises và gói gọn trong câu thơ nhẹ nhàng này cũng là cả nội dung của bộ phim - một tác phẩm "hoạt hình người lớn" nói về nỗ lực sống, nỗ lực vươn tới ước mơ của cả đời người giữa buổi tao loạn của xã hội bởi những hiểm họa thiên nhiên và hiểm họa do chính con người tạo ra. 

(Ghi chú: Do tôi xem phim "mù" - hoàn toàn không hiểu thoại tiếng Nhật-phụ đề Hàn nên phần tóm tắt có dựa thêm vào Wikipedia, vốn đang sở hữu một tóm tắt rất hay của The Wind Rises. Do cốt truyện cũng không phải khó đoán, nên tôi sẽ tóm tắt toàn bộ, tức là có cả SPOILER về kết phim.)

Nhân vật chính của The Wind Rises là Jiro, một chàng trai Nhật Bản sinh ra vào buổi giao thời của nước Nhật cũ và nước Nhật mới với niềm yêu thích khoảng không vô tận. Thời thơ ấu của Jiro gắn liền với những giấc mơ được lái máy bay chinh phục bầu trời và vượt qua những không gian cũ kỹ của nước Nhật. Nhưng chiếc máy bay trong mơ của Jiro thường bị những chiếc máy bay chiến đấu gớm ghiếc mang hình thập tự sắt (biểu tượng của quân đội Đức quốc xã) phá hỏng, còn giấc mơ chinh phục bầu trời của cậu cũng gặp phải một trở ngại không thể vượt qua khác - Jiro bị cận nặng và hiển nhiên là không thể trở thành phi công. Nhưng cảm hứng từ Caproni, một kỹ sư hàng không người Ý với vẻ ngoài bảnh bao lãng tử và những thiết kế không kém phần phóng túng (trông tạo hình của Caproni trong phim này như "phiên bản người" của chàng phi công Porco Rosso trong bộ phim cùng tên của Miyazaki), đã đem lại cho Jiro một giấc mơ chinh phục bầu trời thậm chí còn đẹp hơn - đó là tự tay thiết kế ra những chiếc máy bay cho nước Nhật. Vượt qua cơn đại địa chấn phá hủy cả thành phố Tokyo năm 1923, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống của một sinh viên kỹ thuật trên mảnh đất đang phải gồng mình phục hồi sau trận động đất, Jiro cuối cùng đã đạt được ước mơ của anh là trở thành một kỹ sư thiết kế máy bay chiến đấu, đồng thời anh cũng tìm thấy được một nửa trái tim của mình - Naoko, một cô gái bé nhỏ, yếu đuối, nhưng luôn hết mực xinh tươi, hết mực yêu đời.

Trở thành kỹ sư thiết kế hàng không chỉ là bước đầu tiên trên con đường chinh phục khoảng không của Jiro. Con đường ấy còn vô số chông gai, thử thách, những vụ bay thử thất bại, những thiết kế tưởng như hoàn hảo nhưng lại nhanh chóng trở thành những khung xương tan nát chỉ sau vài lần tăng tốc, những bí kíp kỹ thuật tưởng như chỉ người Đức mới có thể đạt tới, và cả căn bệnh ho lao gặm nhấm sự sống của Naoko - người mà Jiro yêu quý nhất. Nhưng chẳng gì mạnh hơn được niềm tin, chẳng gì mạnh hơn được tinh thần hy sinh của con người Nhật Bản nhỏ bé, Jiro hy sinh tất cả tuổi trẻ và sức lực để hoàn thiện thiết kế máy bay chiến đấu, Naoko hy sinh hạnh phúc ngắn ngủi của bản thân để quay lưng bước đi giúp người chồng mới cưới tập trung thực hiện ước mơ thủa bé. Và rồi thiết kế của Jiro cũng bay cao vượt qua mọi thử thách của khoảng không, đó chính là chiếc Mitsubishi A5M - tiền thân của chiếc Mitsubishi A6M 'Zero' - chiến đấu cơ xuất sắc nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai. 

Ngọn gió cuộc đời vẫn tiếp tục thổi. Chiến tranh tất nhiên chẳng thể đem lại hạnh phúc cho ai, những thiết kế thân yêu của Jiro sớm trở thành đống tro tàn trong thất bại của Đế quốc Nhật Bản, chỉ còn mình anh bước đi trong sự nuối tiếc và nỗi cô đơn khi mà Naoko đã đi xa mãi. Nhưng trong giấc mơ của mình, Jiro lại thấy Caproni và Naoko ở bên, động viên anh hãy tiếp tục sống, sống tiếp với giấc mơ dang dở, sống tiếp với niềm tin mà Naoko đã đặt trọn cho anh, bởi, gió vẫn thổi, và con người vẫn phải gắng mà tiếp tục sống, tiếp tục mơ ước.

Có thể nói The Wind Rises là bộ phim hoạt hình-dành-cho-người-lớn thực sự đầu tiên của Miyazaki. Mặc dù từ lâu chính Miyazaki đã tâm sự rằng ông chẳng còn thể giữ được cái hồn nhiên, trong trẻo như thời của Totoro, nhưng các bộ phim của ông (đặc biệt là tác phẩm gần đây nhất - Ponyo) vẫn được sáng tác với đối tượng khán giả chính là trẻ em dù cho những thông điệp "người lớn" về môi trường, về lẽ sống đã dần được lồng đâu đó trong Mononoke hay Chihiro. Nhưng The Wind Rises là một bộ phim khác hẳn. Xét trên khía cạnh nào đó, đây có thể coi là phiên bản "người lớn" của Kiki - nhưng với nhân vật chính là nam (lần đầu tiên kể từ Nausicaa cách đây 20 năm Miyazaki "cho" nhân vật chính là nam!), cũng là những bỡ ngỡ vào đời, cũng là những trăn trở để thực hiện giấc mơ thủa nhỏ. Nhưng lần đầu tiên khán giả của Miyazaki được thấy người đạo diễn yêu quý của mình đề cập tới tình yêu, một tình yêu thật sự với những ánh mắt, nụ cười đắm đuối, những nụ hôn nồng cháy, những giây phút hạnh phúc nhỏ bé đến xao lòng, và tất nhiên là cả những hy sinh, những mất mát lớn lao có, nhỏ bé giản dị có, mà ai đã hoặc đang yêu đều từng gặp trong đời. Đúng với chất Miyazaki, tình yêu giữa Jiro và Naoko được xây dựng một cách rất giản dị, chẳng có nút thắt mở, chẳng có những khúc quanh không ai ngờ tới, chỉ có những khoảnh khắc lặng lẽ nhưng cảm động của tình yêu được đặt trong những bối cảnh hoặc là thiên nhiên bao la rộng lớn với rất nhiều mảng màu sáng, hoặc là những góc phòng chật hẹp nhưng ấm cúng với tông màu trầm. Ngay cả những nỗ lực đạt tới ước mơ của Jiro cũng được xây dựng một cách đơn giản - chiến tranh là một mảnh đất màu mỡ cho các cao trào, những bi kịch đau thương tột độ, nhưng Miyazaki hoàn toàn bỏ qua những cách xử lý kịch bản thường gặp đó, ông chỉ tập trung trau chuốt cho hình ảnh của Jiro - từ một cậu bé ngây thơ tới một người đàn ông kiên nghị với con đường đã chọn, một người đàn ông dù gặp phải vô vàn khó khăn trên đường đời với nhiều lần vấp ngã nhưng vẫn luôn đứng lên một cách tự tin để tiếp tục bước tới. Thật lạ là cách tạo hình của Jiro rất giống với cách tạo hình của ông bố trong Totoro, còn em gái của anh lại được khắc họa giống hệt với hình ảnh của bé Mei cũng trong Totoro, một điểm trùng lặp có vẻ "ngược đời" khi Totoro luôn được coi là tác phẩm trong sáng nhất của Miyazaki. Nhưng khi nhìn lại, người xem sẽ nhận ra rằng cái phong thái bình thản, tin tưởng của Jiro cũng phản chiếu hình ảnh của ông bố bé Mei trong Totoro. Thật tiếc, Naoko đã rời khỏi cuộc đời Jiro mãi mãi, nếu không những "fan cuồng" của Miyazaki như tôi hoàn toàn có lý do để liên tưởng tới chuyện Totoro chính là bối cảnh sau chiến tranh của The Wind Rises, khi mà Jiro phải một tay chăm sóc hai đứa nhỏ để Naoko dưỡng bệnh. Nhưng chiến tranh chẳng bao giờ đem lại một cái kết đơn giản và hạnh phúc như thế...


Với nhiều người, có lẽ The Wind Rises sẽ không đem lại nhiều ngạc nhiên thú vị kiểu Chihiro, Howl, Mononoke hay những giây phút đáng yêu kiểu Ponyo, nhưng với riêng mình tôi đã cảm thấy quá thỏa mãn với những khung hình khắc họa quang cảnh thiên nhiên hùng vĩ tuyệt đẹp của Nhật Bản, những con tàu đi trên thảo nguyên phía trên là mây trắng, những cánh buồm in bóng trên mặt biển bao la, rồi cả những cảnh đời tấp nập trong một Tokyo của cũ-mới đan xen. Với một cốt truyện chặt chẽ và trọn vẹn hơn hẳn Porco Rosso, có lẽ Miyazaki cũng đã phần nào cảm thấy thỏa mãn với giấc mơ chinh phục khoảng không của ông qua The Wind Rises, khi mà bầu trời và những chiếc máy bay đủ mọi hình dáng được dành một phần lớn thời lượng của phim. Trong thời buổi "máy vẽ" như hiện nay, những chuyến bay, những đám mây, những màu sắc của bầu trời khắc họa trong The Wind Rises đem lại cho người xem cảm giác họ đang được xem những bức tranh màu nước với rất nhiều tâm hồn của người vẽ thay vì những kỹ xảo tinh vi nhưng vô hồn của máy tính. Và được xem những "bức tranh" ấy trên màn hình lớn của rạp chiếu lại càng cảm động hơn nữa - nhất là đối với tôi, một người hâm mộ phim của Miyazaki đã lâu nhưng chưa từng được xem rạp bất cứ phim nào của ông. Một niềm xúc động nho nhỏ khác nữa khi xem The Wind Rises đó là tôi lại được nghe phần nhạc phim có phong cách nhẹ nhàng, tinh tế, thủ thỉ như kể chuyện của Joe Hisaishi - nhà soạn nhạc "ruột" của Miyazaki, tôi vẫn ước được một lần ngồi Budokan nghe hòa nhạc của Joe Hisaishi - một mong ước có lẽ là hơi xa vời, nhưng ngồi rạp xem phim và nghe nhạc của Joe Hisaishi cũng đủ là một điều gì đó đáng nhớ.

Có tin nói Miyazaki coi The Wind Rises là bộ phim cuối cùng của mình. Với một đạo diễn "mới" 72 tuổi (vẫn là "trẻ" so với tuổi trung bình của người Nhật) và đã từng tuyên bố "giải nghệ" sau Ponyo thì có lẽ mọi người cũng chưa nên buồn vì phải xa Miyazaki. Nhưng sau khi xem The Wind Rises, tôi lại cảm thấy có lẽ cái tin "giải nghệ" kia cũng đáng tin phần nào. Bởi với một bộ phim mang phong cách khác hẳn, với những luồng suy tư khác hẳn như bộ phim này, có lẽ Miyazaki đã muốn nói nốt những gì ông còn giữ lại trong lòng, thỏa mãn nốt cái giấc mơ sáng tạo với khoảng không của ông, để rồi kết thúc ngỏ với một câu nói mang đầy tính tự sự - "Gió vẫn thổi". Trong hội họa, họa sĩ tôi yêu thích nhất là một người Nga có tên Isaac Levitan, một "chuyên gia" vẽ trời và nước. Bức tranh cuối cùng của ông có tên "Hồ/Nước Nga" - một bức tranh thiên nhiên hết sức giản dị với bầu trời rộng lớn và những đám mây xốp ngả ánh hoàng hôn. The Wind Rises cũng giản dị như thế, cũng chỉ là một bức tranh về niềm tin, về giấc mơ của con người được đặt trong bối cảnh thiên nhiên với rất nhiều bầu trời và rất nhiều mặt nước. Nếu đây là tác phẩm cuối cùng của Miyazaki, thì có lẽ ta cũng nên cảm thấy vui vì đạo diễn đã để lại cho người hâm mộ mình một lời ngỏ giản dị và đáng nhớ đến vậy.

=====

Sau khi xem phim tôi nhận ra một điều nho nhỏ, không rõ có phải ẩn ý của Hayao Miyazaki thật hay chỉ là sự suy diễn quá mức của tôi. Đó là những trường đoạn có sự xuất hiện của Naoko luôn gắn với những con tàu hỏa cũ kĩ, xù xì màu tối và thường được lọt thỏm giữa mảng xanh bạt ngạt của thiên nhiên nước Nhật, trong khi đó Jiro là đồng nghĩa với máy bay, với khoảng không cao rộng, với những mảng màu thật sáng, với trời và mây. Phải chăng cái cách Naoko lặng lẽ lùi vào bóng tối, để rồi Jiro, sau hết thất bại này đến thất bại khác, vươn lên chinh phục bầu trời cũng chính là sự thay thế của máy bay đối với tàu hỏa, sự thay thế của cái mới, cái tân tiến-và nhiều khi chứa đầy hiểm nguy đối với cái cũ, mộc mạc, giản dị.

=====
Tự dưng tôi lại thấy buồn khi nghĩ tới Satoshi Kon - một đạo diễn phim hoạt hình Nhật Bản khác mà tôi cũng rất rất hâm mộ. Kon mất quá sớm, có lẽ nếu còn sống, còn thời gian để trải nghiệm, ông cũng sẽ đem lại cho người hâm mộ như tôi những cảm xúc hoàn toàn khác biệt như cách Miyazaki tạo ra bất ngờ The Wind Rises cho khán giả hâm mộ phim của ông.

====
Trong trả lời phỏng vấn trước thềm lễ trao giải Oscar, Toshio Suzuki, nhà sản xuất của The Wind Rises cũng đã kể lại rằng Miyazaki khi làm phim để ý rất nhiều tới việc dựng bối cảnh thiên nhiên và mây trời cho phim, bản thân ông đã quan sát mây, đặc biệt là mây chiều lúc hoàng hôn rất nhiều để vẽ bối cảnh cho phim, và ông cũng đề nghị các hoạ sĩ bối cảnh nghiên cứu tranh của Levitan để dựng bối cảnh cho phim - Như vậy là nhận xét của tôi về sự tương đồng giữa "bức tranh" The Wind Rises và tranh của Levitan hoá ra lại có cơ sở thật.

http://www.youtube.com/watch?v=Retti0LEr_A#t=1h41m


samedi 7 septembre 2013

The World's End (2013)


The World's End là phần cuối cùng của bộ ba phim "kem Cornetto" - bộ ba phim hài thuộc loại xuất sắc nhất của điện ảnh Anh đầu thế kỷ 21 - của đạo diễn Edgar Wright và bộ đôi Simon Pegg-Nick Frost. Nói là "kem Cornetto" vì mỗi phim trong bộ ba (trước The World's EndShaun of the Dead năm 2004 và Hot Fuzz năm 2007) đều có hình ảnh của một màu kem Cornetto khác nhau cũng như mang một "vị kem" khác nhau - Shaun of the Dead là phim zombie, Hot Fuzz là phim cảnh sát, và cuối cùng The World's End là phim khoa học giả tưởng kiểu "ngày tận thế". 

The World's End là một trong những phim tôi mong đợi nhất năm nay, lý do đơn giản vì hai phần trước của "kem Cornetto" là hai trong số những phim hài đương đại tôi thích nhất. Tôi thích phim hài kiểu Anh, nó mang chút gì đó dí dỏm, chua cay, gây cười dựa vào những tình huống hoặc câu thoại ẩn dụ mà người xem phải suy nghĩ mới cười được. Đây là phong cách khác hẳn với đa số phim hài Mỹ thời gian gần đây (hài của Judd Apatow, hài kiểu The Hangovers hay Bridgemaids) vốn dựa rất nhiều vào hài hình thể, những chi tiết hài hơi tục hoặc cách diễn, tình tiết kiểu "thô thiển" (đến ngay cả diễn viên vào loại "uyên bác" như Nathalie Portman đóng hài cũng phải vào những vai kiểu thô thiển, quả là khó chấp nhận). Tôi còn thích phim "kem Cornetto" vì nó gợi nhớ đến những tác phẩm của Châu Tinh Trì - diễn viên tôi yêu thích (và yêu quý) nhất. Phim "kem Cornetto" thường lấy bối cảnh là các dòng phim ăn khách, nhiều "fan ruột", có sức sống dài lâu của Hollywood (phim zombie, phim cảnh sát, phim giả tưởng) để kể những câu chuyện tương đối đơn giản nhưng xúc động (và hài hước, tất nhiên) về tình bạn, tinh thần lạc quan yêu đời của cặp đôi Pegg-Frost với rất nhiều chi tiết ngạc nhiên nhỏ nhỏ nhưng sáng tạo, gợi nhớ (pay homage) tới những bộ phim kinh điển của dòng phim mà nó (phim "kem Cornetto") nói tới. Làm một phép đơn giản thì cặp Pegg-Frost của "kem Cornetto" chính là cặp Châu Tinh Tinh-chú Đạt (Ngô Mạnh Đạt) của phim Châu Tinh Trì, Shaun of the Dead với phim zombieOut of the Dark với phim "cương thi" (dù chất lượng thì phải so sánh với Đội bóng Thiếu Lâm - vì theo tôi Shaun of the Dead là tác phẩm xuất sắc nhất của bộ ba "kem Cornetto"), còn cả Hot FuzzFight Back to School đều gợi nhớ tới dòng phim cảnh sát. Xem phim "kem Cornetto", cũng như xem phim Châu Tinh Trì, luôn đem lại cho tôi cảm giác rất sung sướng vì không chỉ được thưởng thức một bộ phim hay, hài hước, mà còn được nhớ lại rất nhiều những bộ phim hay, đáng nhớ khác của quá khứ. Dù vậy, có vẻ phim "kem Cornetto" không được lòng công chúng Mỹ cho lắm, cả ba phim chỉ kiếm tiền ở mức vừa phải - doanh thu chỉ ở mức phim độc lập của Hollywood, và kể cả một phim Hollywood nhưng mang "vị kem Cornetto" là Paul (có sự tham gia của cả Pegg và Frost) cũng không hẳn thành công, dù khẩu vị hài đậm chất Anh đã được sửa cho "thô" hơn theo kiểu Mỹ.

Bối cảnh mới (phim khoa học giả tưởng, với "người ngoài hành tinh" và robot tạo hình "cũ kỹ" kiểu The Day the Earth Stood Still), nhân vật mới (lần này "kem Cornetto" có sự xuất hiện của dàn diễn viên tiếng tăm nhất, từ "bác sĩ Watson" Martin Freeman cho tới "Bond's girl" Rosamund Pike), nhưng The World's End vẫn trung thành với cách tiếp cận quen thuộc của bộ ba phim "kem Cornetto". Gary "the" King (Simon Pegg), một tay nghiện rượu hạng nặng, quyết định tìm lại những người bạn cũ của mình là doanh nhân thành đạt Andy (Nick Frost - trong một vai diễn đổi chỗ với Simon Pegg của hai phim trước), "người đàn ông của gia đình" Peter (Eddie Marsan), cò bất động sản Oliver "O-Man" (Martin Freeman) và thầu xây dựng Steven (Paddy Considine). Năm người đàn ông ở tuổi trung niên với những công việc khác nhau, những số phận khác nhau, và những cuộc đời khác nhau, nhưng hai mươi năm trước họ từng là năm "chàng lính Ngự lâm" sát cánh bên nhau trong cuộc chinh phục ... 12 quán bar ở thành phố nhỏ bé Newton Haven với mục tiêu đơn giản - mỗi quán bar, một cốc bia. Mục tiêu tưởng chừng đơn giản nhưng năm người đã không đạt được, cuộc vui dang dở, để rồi hai chục năm sau Gary, trong những giờ phút tỉnh táo hiếm hoi của đời mình, quyết tâm làm lại bằng được với những người bạn cũ. Nhưng Newton Haven của 20 năm trước đã không còn, thay vào đó là một Newton Haven với ... toàn người ngoài hành tinh, tuy có bộ dạng con người nhưng không có trí nhớ - hoặc đúng hơn là có trí nhớ được lưu theo kiểu lựa chọn ("selective memory"), không có linh hồn, không có cả dòng máu chảy trong người - thay vào đó là một thứ chất lỏng màu xanh rất kiểu phim khoa học giả tưởng của thời xưa cũ. Muốn uống đủ 12 cốc bia, Gary và những người bạn phải vượt qua sự cản trở của lũ người ngoài hành tinh quái dị với tham vọng chiếm lĩnh địa cầu và linh hồn của loài người - bao gồm cả "năm chàng lính Ngực lâm", nhưng những thử thách ở Newton Haven cũng là cơ hội để Gary và các bạn tìm lại chính mình, tìm lại tình bạn tưởng chừng đã mất ở những thời khắc cuối cùng của một Trái Đất hiện đại (The World's End vừa là tên quán bar cuối cùng trong chuỗi 12 quán, vừa để chỉ cái kết của phim).

Thành thực mà nói thì tôi không đủ trình độ để phân tích sâu The World's End, vì phim này gợi nhớ tới dòng phim khoa học giả tưởng "đời cũ" những năm 1950, 1960 - những phim mà tôi chưa bao giờ có cơ hội xem. Nhưng nhìn chung, The World's End vẫn giữ được phong độ của Shaun of the DeadHot Fuzz, tuy là phần mở đầu của phim khá chậm và hơi "buồn ngủ". Do có cốt truyện và tuyến nhân vật phức tạp hơn hai phần trước (có tới 5 nhân vật thay vì 2 nhân vật chính, đả động tới cả quá khứ-hiện tại đan xen thay vì đi ngay vào đề) nên The World's End khởi động khá chậm để dành thời gian giới thiệu nhân vật và bối cảnh phim. Nhưng nhịp độ của phim dần được đẩy lên cao qua từng bối cảnh (là các quán bar - 12 quán có lẽ là ... hơi nhiều nên một số bối cảnh/quán bar không được giới thiệu kỹ gây chút gì đó hẫng hụt cho người xem) lên đến đỉnh điểm là quán The World's End. Nếu ai đã từng xem phim "kem Cornetto" thì sẽ thấy rất quen thuộc với phong cách hành động của phim - giao chiến trong quán bar với nhạc nền hoành tráng (tuy không được "cảm xúc dâng trào" như trường đoạn "Don't Stop Me Now" của Shaun of the Dead), các pha đuổi bắt nhảy qua hàng rào, cắt cảnh nhanh, đột ngột, những bất ngờ nho nhỏ rải rác từ đầu tới cuối phim. Nhưng cái đáng nói ở đây là cách Edgar Wright lồng những trường đoạn suy tư hết sức cảm động vào giữa những pha hài hước và hành động của phim một cách rất ngọt, nhẹ nhàng, sâu sắc, nhưng lại không phá hỏng nhịp phim hay khiến phim trở nên sến hay não nề (cũng phải nói thêm là hàm lượng hài của phim là thấp hơn tương đối so với Shaun of the Dead hay Hot Fuzz). Xét cho cùng, những nhân vật của "kem Cornetto" là những con người thất bại - những "đứa trẻ to xác" vô lo vô nghĩ về cuộc đời, những người đàn ông ... vô trách nhiệm, chỉ yêu quý sự tự do với khẩu hiệu ... "It's our basic human right to be fucked-up" và vì thế bỏ phí cả cuộc đời để mơ tưởng về những giấc mơ thời trai trẻ vốn chẳng bao giờ trở thành hiện thực. Nhưng những nhân vật ấy vẫn được khán giả hết sức yêu quý vì họ đem lại cho điện ảnh một cái nhìn lạc quan về cuộc đời, kể cả trong những giờ phút lo âu, hiểm nguy nhất, vì họ tượng trưng cho tình bạn vô tư của tuổi trẻ - tình bạn trường tồn bất kể thời gian, bất kể những thất bại, sai lầm của cuộc đời mỗi người. Trong The World's End, mùi vị đầy chất suy tư này của "kem Cornetto" được nhấn mạnh hơn cả, với một cái kết mất mát-nhưng vui vẻ kiểu Shaun of the Dead, với những giọt nước mắt, những lời thú nhận đắng lòng của Pegg, của Frost. Mùi vị này khiến cho người xem nhận ra rằng bộ ba "kem Cornetto" rút cuộc cũng chỉ là một câu chuyện về những giấc mơ chẳng bao giờ thành hiện thực, về những thất bại mà đời người ai cũng gặp phải, nhưng được kể với một cái nhìn lạc quan, cái nhìn luôn ẩn chứa tình cảm bạn bè chân thành hết mực. Đến đây tự dưng tôi lại nhớ đến cảnh Tôn Ngộ Không (Châu Tinh Trì) mỉm cười quay lưng cất bước trong đoạn kết của A Chinese Odyssey Part 2, một nụ cười có lẽ là chua chát nhất trong cả sự nghiệp dài của họ Châu, nhưng không vì thế mà mất đi cái tính lạc quan thường trực trong mỗi cử chỉ, mỗi ánh mắt của vua hài Hồng Kông. 

Nhìn chung theo tôi The World's End chưa xuất sắc bằng Shaun of the Dead (phim đầu tiên của một bộ ba thường được nhớ tới nhất vì tính độc đáo, bất ngờ của nó) nhưng đã là quá hoàn chỉnh để kết thúc bộ ba "kem Cornetto" bằng một nốt cao tươi tắn, lạc quan, giữ được cái tinh thần chung của hai tác phẩm trước nó. Và như thế cũng là đủ để người yêu phim có được một bộ ba phim hài xuất sắc để tìm thấy những phút giây vui vẻ, tích cực trong những thời khắc buồn bã của cuộc đời mà ai cũng có.

mardi 3 septembre 2013

Snowpiercer (2013)


Năm nay có thể coi là một năm đáng nhớ của điện ảnh Hàn khi cùng lúc có tới 3 đạo diễn Hàn có phim tiếng Anh dạng bán-Hollywood (do các hãng phim - tuy không phải Big Six, nhưng vẫn thuộc Hollywood - phát hành) ra rạp là Park Chan-wook (Stoker), Kim Ji-woon (The Last Stand) và Bong Joon-ho (Snowpiercer). Điểm chung của Park, Kim và Bong là cả ba đều chuyên trị phim hành động dạng film noir/dark comedy có tông màu tối và phong cách rất riêng không lẫn vào đâu được. Có lẽ các hãng phim Hollywood chọn các đạo diễn có sở trường phim hành động vì dù sao với khán giả Mỹ (đối tượng chính của phim Hollywood), phim hành động vẫn là dễ hiểu, dễ cảm thụ hơn cả, chứ "nhập" những đạo diễn chuyên trị phim tâm lý kiểu Lee Chang-dong hay Kim Ki-duk về thì khả năng lỗ là cầm chắc. Trước đây Hồng Kông cũng từng rơi vào tình trạng tương tự khi mà Ngô Vũ Sâm và Từ Khắc sau khi gây dựng được tiếng tăm trong nước ngay lập tức được mời ra nước ngoài, trong khi những đạo diễn phim tâm lý nổi tiếng thời đó như Quan Cẩm Bằng hay Phương Dục Bình thì chẳng được đoái hoài. 

Trong số 3 phim kể trên thì Snowpiercer là phim ra rạp muộn nhất - tận cuối mùa phim Hè mới được công chiếu, trong khi The Last StandStoker ra rạp từ đầu năm, và cũng là phim được mong chờ nhất vì đây là phim có dàn diễn viên tiếng tăm nhất (từ "Captain America" Chris Evans, Tilda Swinton - một trong những nữ diễn viên cá tính nhất hiện nay của Hollywood, cho tới diễn viên vào tầm huyền thoại sống là John Hurt và tất nhiên là không thể thiếu diễn viên "ruột" của Bong là Song Kang-ho - một trong những diễn viên xuất sắc, nếu không nói là diễn viên xuất sắc nhất - của điện ảnh Hàn Quốc) và Bong Joon-ho cũng là đạo diễn có phong cách "dễ vào" nhất trong số 3 đạo diễn - The Host của Bong dù ra rạp từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn là phim ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn. Dù chưa ra rạp quốc tế (có lẽ anh em nhà Weinstein sẽ còn ém phim này cho tới hết mùa phim Hè để tránh bom tấn, vả lại càng chiếu muộn thì khả năng góp mặt tại các giải thưởng điện ảnh đầu năm sau là càng lớn - về khoản này thì không ai ở Hollywood qua mặt được nhà Weinstein cả*) nhưng có lẽ Snowpiercer tương đối ăn khách ở Hàn Quốc, dù là phim bị rate +15 (cấm người dưới 15 tuổi) nhưng phim đã nằm rạp được hơn một tháng (kể từ đầu tháng 8) - đâm tôi dù sang Hàn muộn vẫn có dịp được xem phim.Cũng phải nói thêm là dù đây là phim Hàn chính hiệu (đạo diễn Hàn, nhà sản xuất Hàn - CJ Entertainment) nhưng phim dùng 100% tiếng Anh, kể cả các đoạn hội thoại tiếng Hàn của Song Kang-ho và Go Ah-sung cũng hoặc là được "dub" bằng máy hoặc là có "hard-sub" ngay trên phim. 

Giờ mới vào phần chính - nội dung phim. Sử dụng bối cảnh đang rất được ưa chuộng hiện nay ở Hollywood là bối cảnh hậu tận thế (post-apocalypse) và chủ nghĩa toàn trị (totalitarianism) lên ngôi, Snowpiercer nói về những hành khách trên con tàu xuyên băng "Snowpiercer" - nơi cuối cùng còn tồn tại sự sống của con người 17 năm sau khi Trái Đất bị đưa trở lại kỷ Băng Hà do sai lầm của con người vào năm 2014. Tương tự như một phim post-apocalypse khác trong mùa phim Hè năm nay là Pacific Rim, Snowpiercer vào đề rất nhanh - Bong Joon-ho chỉ dành khoảng 5 phút để nói về sự kiện năm 2014 khi con người phóng hóa chất lên bầu khí quyển để chống lại sự nóng lên toàn cầu, và rồi để lại hậu quả khôn lường là nhiệt độ Trái Đất đột ngột giảm xuống, loài người bị cái lạnh và băng giá đẩy tới bờ vực diệt vong (thật tình cờ là hôm qua tôi cũng vừa xem được ... một nửa phim An Inconvenient Truth - một trong những phim tài liệu nổi tiếng nhất về đề tài Trái Đất nóng lên). Hy vọng cuối cùng của loài người là con tàu Snowpiercer - một dạng "thuyền của Nô-ê thời hiện đại" với động cơ vĩnh cửu và đủ mọi tiện nghi để những hành khách trên con tàu này sống năm này qua tháng khác trên những tuyến đường sắt phủ băng trắng xóa xuyên lục địa. Khi mà mấy tỷ con người bị thu nhỏ lại thành một cộng đồng hành khách, thì con tàu Snowpiercer cũng trở thành một xã hội thu nhỏ - với những mâu thuẫn, bất công, khoảng cách được phóng đại nhiều lần. Ở phía đầu tàu là những hành khách "hạng nhất" giàu có, những người có đủ tiền của để mua cho một mình chỗ ngồi (thực chất là chỗ ở) tiện nghi, còn ở phía đuôi tàu là đám tù nhân và khách "hạng thường", những người phải chui rúc trên những chiếc giường tầng bẩn thỉu và tồn tại qua ngày bằng những miếng "protein tổng hợp" của Wilford - ông chủ con tàu, phân phát (về cuối phim chắc chắn nhiều khán giả sẽ phải lắc đầu lè lưỡi về câu truyện và nguồn gốc khủng khiếp của những miếng "protein tổng hợp" đen ngòm này). Phân hóa xã hội tất nhiên phải đi kèm với bạo lực, quân đội, cảnh sát. Đám đông đen đúa nơi đuôi tàu luôn phải chịu cảnh đàn áp của đội quân tay sai của những hành khách "đầu tàu" với súng ống, dùi cui, và sự lạnh lùng đến tàn bạo. Lý do cho sự phân hóa tàn nhẫn này theo Wilford - thông qua lời của mụ quản lý quái gở Mason (Tilda Swinton) là vì cũng như tự nhiên, xã hội trên con tàu phải đảm bảo sự cân bằng để tồn tại, và sự cân bằng này dựa trên những bổn phận và vị trí tự nhiên của từng cá thể trong cộng đồng - nếu như ở xã hội loài người, vị trí/bổn phẩn được xác định khi một con người sinh ra thì ở xã hội trên con tàu Snowpiercer, vị trí/bổn phẩn được xác định bằng chính tấm vé mà các hành khách cầm trên tay khi bước lên con tàu này 17 năm trước. Tất nhiên lý lẽ này khó mà được những con người đuôi tàu chấp nhận, nhất là khi họ đã phải chịu cảnh khổ sở suốt 17 năm trời và chứng kiến những người thân thiết của họ lần lượt chết dưới tay lũ quân đội tàn bạo hay con em họ bị Wilford cướp đi mà chẳng có nổi một lời giải thích. Bất công dẫn tới bạo động, và bạo động cần tới những người đủ thông minh, dám đứng đầu - đó là anh chàng râu ria Curtis (Chris Evans - phim này Evans có tạo hình bẩn thỉu, râu ria mà nếu không nhìn kỹ đôi mắt của nhân vật không ai có thể nhận ra đây chính là Captain America oai phong lẫm liệt) và ông già tật nguyền Giliam (John Hurt) với sự giúp đỡ của bố con người Hàn Minsu (Song Kang-ho) và Yona (Go Ah-sung) - những người duy nhất có khả năng mở các cánh cửa ngăn cách toa tàu. Và rồi từng toa tàu bị vượt qua, đổi lại bằng rất nhiều máu (của cả những người đầu tàu và đuôi tàu) để lộ ra những sự thật khủng khiếp về cái xã hội trên con tàu Snowpiercer, nơi học thuyết chọn lọc tự nhiên bị đẩy lên với tốc độ nhanh hơn nhiều lần, và mỗi con người cũng trở nên gai góc, bạo liệt, điên loạn hơn bất kể đó là một hành khách sung túc nơi đầu tàu hay những con người bẩn thỉu chui rúc nơi đuôi tàu. 

Snowpiercer đánh dấu một bước ngoặt lớn của Bong Joon-ho, từ những bộ phim nội địa với dàn diễn viên nội địa có quy mô nhỏ chỉ gồm vài nhân vật chính và một số nhân vật vệ tinh, Bong quay sang sử dụng một dàn diễn viên dạng cast ensemble với rất nhiều diễn viên nổi tiếng, nổi tiếng dạng "thực lực" mà nếu xử lý không khéo rất có thể phim sẽ rơi vào tình trạng "loạn vai chính" hoặc bỏ phí khả năng của diễn viên. Rất may là Bong đã vượt qua được thử thách lớn này, các nhân vật trong phim được đo ni đóng giày rất cẩn thận cho từng diễn viên sao cho không chỉ nhân vật đó, dù là nhân vật phụ, được khắc họa một cách rõ nét (một điều cực kỳ khó với cast ensemble) mà còn tận dụng được thế mạnh của từng diễn viên - nét anh hùng không thể giấu được của Chris Evans, vẻ thâm trầm của John Hurt, sự "quái" của Tilda Swinton và tất nhiên là cái "dị" tiềm ẩn của Song Kang-ho. Xem xong phim, chắc chắn khán giả sẽ vẫn nhớ từng nhân vật, dù đó chỉ là anh chàng Grey (Luke Pasqualino) giỏi võ nhưng không có một câu thoại nào hay lão họa sĩ vô danh (Clark Middleton) với những bức tranh vô giá thay thế cho hình ảnh những đứa con bị đánh cắp của hành khách đuôi tàu. Có thể nói là trừ phân đoạn cuối cùng bị làm hơi vụn, toàn bộ phim đã được Bong Joon-ho xử lý rất kỹ lưỡng để từng phút giây xuất hiện của từng nhân vật được trân trọng hết mức có thể sao cho nhân vật đó có thể "nói" lên được vị trí của mình trong phim. Tuy nhiên cũng phải nói rằng các diễn viên trong phim, ngoại trừ Tilda Swinton luôn cực kỳ xuất sắc trong mọi vai diễn, mới chỉ diễn tròn vai chứ chưa có ai thực sự nổi trội, có chăng chỉ có thể là Song Kang-ho với nét dị-mà-duyên rất riêng của mình đã ít nhiều giữ được phong độ, còn kể cả Chris Evans cũng chưa thực sự có gì đột phá ngoài những vai diễn dạng "anh hùng" khuôn mẫu từ nhiều năm qua. 

Phần xuất sắc nhất của Snowpiercer có lẽ là bối cảnh và hành động. Sở trường của Bong Joon-ho là các bối cảnh hẹp, và còn bối cảnh nào hẹp nào tốt hơn những toa tàu dài ngột ngạt khó thở của Snowpiercer để Bong thể hiện khả năng của mình.** Mỗi một toa tàu là một không gian khác nhau, thậm chí là một thế giới khác nhau - những góc cạnh của xã hội "thật" được thu nhỏ vào từng toa tàu, chắc chắn khán giả khi xem Snowpiercer sẽ thấy ngạc nhiên và thú vị khi thấy những góc cạnh của xã hội lớn được thu nhỏ lại sẽ trở nên khác biệt, tương phản với nhau đến chừng nào, mà trên hết là sự tương phản của cái đau đớn, nghèo khổ nơi đuôi tàu vào sự sung túc đến kinh ngạc nơi đầu tàu. Bối cảnh chật hẹp cũng là một "vườn ươm" rất tốt cho các pha hành động, giao đấu. Chắc chắn khi xem phim nhiều khán giả sẽ liên tưởng tới màn "cầm búa vượt hành lang" của Choi Min-sik trong Oldboy (của Park Chan-wook - cũng chính là nhà sản xuất của Snowpiercer) nhưng cách xử lý các pha hành động của Bong Joon-ho vẫn có nét riêng, đó là sự dứt khoát, táo bạo (táo bạo trong cách sắp xếp bố trí pha hành động-choreography, táo bạo trong cách xử lý số phận những nhân vật tham gia pha hành động đó - có lẽ khán giả sẽ phải nhiều phen giật mình khi xem phim vì cách xử lý này) và đặc biệt là mùi vị dark comedy rất riêng của Bong, dù là ở những cảnh máu me bạo liệt nhất. [SPOILER] Một ví dụ điển hình là phân đoạn giao đấu giữa hành khách đuôi tàu vào "đội cây búa", tuy chỉ diễn ra trên một toa tàu duy nhất nhưng môi trường hành động (sáng/tối, vũ khí sử dụng) thay đổi tới ba lần, và đúng vào thời khắc đỉnh điểm của cuộc chiến thì đột ngột cả "đội cây búa" dừng lại để ... hô "Chúc mừng năm mới" - thoạt nhìn thì tưởng rất nhảm, rất không liên quan nhưng đó lại chính là phong cách dark comedy rất riêng của Bong, trong đó những khoảng lặng (interlude) được tạo ra ngay giữa những trường đoạn cao trào nhất để cốt truyện không bị sa đà trở thành phim hành động thuần túy mà vẫn giữ cho phim màu sắc dark comedy riêng. Trừ phân đoạn cuối cùng (như đã nói ở trên là bị vụn), từng phân đoạn cho từng toa tàu đã chứng tỏ Bong là đạo diễn hết sức tài năng, tỉ mỉ, và trên hết là độc đáo - sự độc đáo riêng không thấy ở bất cứ đạo diễn Hollywood nào khác. Tất nhiên, ưu điểm đôi khi cũng có thể trở thành nhược điểm, vì liều lượng dark comedy của Snowpiercer có lẽ hơi nhiều (theo đúng phong cách phim Hàn) làm chất triết lý hiện sinh ẩn sau cái xã hội thu nhỏ của phim bị giảm đi phần nào, khiến cho phim trở nên khó xếp thể loại và làm mất phương hướng cho phần kết phim. 

Tôi đã nói tới 3 lần về phần kết phim. Có thể nói đây là phần gây lo âu nhất của Snowpiercer, vì nó làm tôi liên tưởng tới một phiên bản hành động của The Truman Show - một trong những dark comedy xuất sắc nhất thập niên 1990. Trở thành một "The Truman Show hành động" cũng có nghĩa là Snowpiercer đã thất bại trong concept làm tăng xung đột bằng cách thu nhỏ xã hội để từ đó khắc họa xã hội thông thường một cách chua cay thông qua cuộc sống trên con tàu Snowpiercer. Nếu như The Host là một monster movie pha trộn dark comedy tuyệt vời còn Mother để lại trong lòng khán giả rất nhiều suy tư về lẽ sống, về sự tồn tại của con người qua chất hiện sinh của phim, thì ở bộ phim mới nhất của mình, dù cùng sử dụng cách kết "mở" nhưng Bong Joon-ho đã hơi "mất lái" ở phần cuối khi làm khán giả phân vân không hiểu đâu là ý mà đạo diễn phim muốn nói tới và cũng chẳng biết là phải giữ lại cho mình những suy nghĩ gì sau khi xem phim. Một điểm trừ nữa của phim là phần nhạc phim chưa được "ép phê" khi chưa nêu bật được sự khác biệt giữa từng toa tàu/từng góc cạnh của xã hội dù rằng soạn nhạc cho phim là Marco Beltrami cũng là một tên tuổi của Hollywood.

Nói tóm lại thì tuy chưa vượt lên được tầm xuất sắc nhưng Snowpiercer cũng đã có thể coi là một khởi đầu thành công của Bong Joon-ho trong việc giữ được nét riêng của mình trước những yêu cầu gắt gao (về mặt thị trường và văn hóa) của Hollywood. Biết đâu trong bối cảnh một mùa phim Hè "thất bát" về mặt chất lượng như năm nay, Snowpiercer lại có cơ hội trong các giải thưởng phim cuối năm, nhất là với tài nghệ lobby siêu hạng của Harvey Weinstein.

============
On a second thought, tự dưng tôi nhận ra cách tiếp cận hay concept của Bong Joon-ho trong việc thu nhỏ xã hội vào trong con tàu Snowpiercer cũng chính là cách tiếp cận Michael Haneke sử dụng cho tuyệt phẩm The White Ribbon của ông. Đặc biệt là trong Snowpiercer, một phân đoạn khá dài được dùng để mô tả một lớp học với những đứa trẻ đáng sợ không kém gì những đứa trẻ mầm mống của chủ nghĩa phát xít trong The White Ribbon, chỉ khác là Bong vẫn bơm vào bối cảnh đáng sợ này một liều đáng kể dark comedy đâm hiệu quả, sự ám ảnh của phân đoạn này cũng phần nào đó bị giảm sút.

============
*: Vanity Fair có một bài rất hay về tài năng hô phong hoán vũ ở Hollywood của Harvey Weinstein.
**: Nếu ai từng chơi Bioshock, đặc biệt là phần mới Bioshock Infinite sẽ nhận thấy là bối cảnh steampunk của Snowpiercer khá giống với Bioshock, và thực tế là cốt truyện của cả hai cũng có phần nào đó tương đồng. 

jeudi 4 avril 2013

Roger Ebert (1942 - 2013)


Hôm nay (giờ Mỹ vẫn là ngày 4/4) là một ngày buồn đối với người hâm mộ điện ảnh, vì Roger Ebert đã qua đời. Chuyện ông phải chống chọi với ung thư từ lâu thì ai cũng biết, nhưng hàng ngày vẫn thấy review mới trên trang web của ông, dù đa phần là người khác viết, nên vẫn cứ nghĩ Ebert vẫn khỏe, vẫn viết, và quan trọng nhất là vẫn đang xem phim và truyền lửa yêu phim đến mọi người. Thành ra tin Ebert mất thật sự đột ngột đối với cá nhân tôi.

Tôi đọc review phim nhiều, kể cả đọc các sách lý luận phê bình phim, nhất là sách Pháp - vốn thích viết kiểu hàn lâm chua cay, nhưng thích đầu tiên và thích lâu nhất cho đến tận bây giờ vẫn là Ebert. Trừ những phim quá tệ, không thể khen vào chỗ nào được nữa, còn lại review của Ebert đều rất nhẹ nhàng, cách nhận xét dễ chịu, không đi sâu vào học thuật, chấm tỉa góc máy, kỹ thuật quay, dựng nọ kia. Cảm giác Ebert viết review phim trước hết là với tư cách của một người yêu phim, sau đó mới là trách nhiệm của một nhà phê bình phim, thế nên đọc review của ông người ta, mà cụ thể ở đây là tôi, dễ dàng "lây" cái tình yêu điện ảnh của Ebert tỏa ra trong review của ông, tình yêu đối với những bộ phim hay, những câu chuyện đẹp, những ý tưởng điện ảnh sáng tạo. Kể cả với những bài phê bình của ông trong loạt The Great Movies, tức là loạt phim "hay sẵn" mà ông bình sâu thêm một lần nữa, thì khi đọc xong cái đọng lại lớn nhất trong tôi cũng vẫn là tình yêu của Ebert đối với điện ảnh, sau đó mới là kiến thức uyên bác và con mắt tinh tế của ông. Ví dụ như khi đọc review The Great Movies của Ebert cho Ikiru của Kurosawa hay Tokyo Story của Ozu, tôi thực sự thấy được sự đồng cảm lớn lao, có lẽ tình yêu điện ảnh dễ kết nối được với nhau, bất kể những khác biệt về học vấn, về nền tảng văn hóa.  Mất Ebert quả thực là một mất mát lớn đối với giới phê bình và với cả dân mê phim như tôi...

100% phim tôi đã xem, phim nào tôi cũng phải đọc lại review của Ebert (tất nhiên không phải phim nào cũng có review, nhất là phim châu Á hay phim Pháp). Không phải phim nào tôi cũng đồng ý với cách nhìn nhận của Ebert, thậm chí nhiều review của ông (nhất là giai đoạn gần đây) tôi còn thấy khá boring và chấm điểm nới tay (phim cuối cùng do chính Ebert review trên trang của ông là The Host, một phim tệ!, vẫn được nhận tới 2 sao rưỡi, nghĩ lại cũng hơi buồn, cả cuộc đời thưởng thức phim mà lại phải kết thúc sự nghiệp-và cuộc đời bằng một bộ phim dở như vậy, hẳn Ebert cũng khó mà vui được). Nhưng giọng văn giản dị mà vẫn tinh tế (Ebert chọn từ rất hay và thường xuyên dùng những so sánh có giá trị văn học rất lớn) của ông vẫn khiến tôi cảm thấy thích thú, thích thú vì một cách nhìn sâu sắc đối với bộ phim (mà mình chưa thể có, và rất muốn có!), thích thú vì được đọc một bài báo hay, một đoạn tản văn sâu sắc, thích thú vì học hỏi được thêm nhiều điều, thích thú vì cảm thấy tình yêu với điện ảnh của mình lại được bồi đắp thêm thông qua review của Ebert. Giờ Ebert mất rồi, cái cảm giác đó có lẽ không thể tìm lại được (Roeper et al. chưa ai viết được tới tầm của ông), có lẽ đành bằng lòng với review của những người khác, và chút gì đó hẫng hụt trong lòng.

Tam biệt ông, Ebert. Cảm ơn ông vì tình yêu điện ảnh ông đã truyền cho tôi, và rất nhiều người khác.

mardi 22 janvier 2013

Life of Pi (2012)



Thật khó để bình luận Life of Pi khi chưa đọc qua tiểu thuyết gốc, và thật không may là tôi nằm trong số đó. Nhưng đi thì vẫn cứ muốn đi, vì đã ấp ủ đi xem IMAX từ lâu, và một bộ phim được gần như toàn bộ giới phê bình phim, trong đó có hải đăng Roger Ebert, đánh giá rất rất cao về mặt hình ảnh như Life of Pi thì hẳn sẽ không làm tôi thấy phí khoản tiền vé 3D IMAX gấp đúng 2 lần giá vé thường.

Dù có nhiều tầng ý nghĩa và từng được coi là không thể chuyển thể thành phim - unfilmable, nhưng qua tay của Lý An và biên kịch David Magee, Life of Pi trở nên rất dễ theo dõi, kể cả với những người chưa từng đọc tiểu thuyết gốc như tôi. Piscine Patel hay "Pi" lớn lên giữa vườn thú của gia đình ở Pondichéry, Ấn Độ với câu hỏi thường trực trong đầu - Chúa là ai? Chúa có ý nghĩa thế nào với cuộc đời của cậu? Đúng như cái tên dài bất tận của mình (3,1415....), Pi tìm mọi cách để giải đáp cho câu hỏi của mình và tìm ra ý nghĩa chân thực của cuộc đời, cái ý nghĩa mà cậu chưa thể tìm thấy trong một gia đình pha trộn giữa lý tính khoa học tuyệt đối của ông bố và niềm tin tôn giáo bất diệt của bà mẹ. Cuộc sống bình yên của Pi trở nên xáo trộn khi cả gia đình cậu phải di cư sang Canada, mang theo cả bầy thú, để rồi gặp nạn giữa biển ở nơi sâu thẳm nhất của quả Địa Cầu - Vực Marianna. Kịp bám vào chiếc xuồng cứu sinh, Pi sống sót, nhưng những ngày tháng lênh đênh trên biển của cậu còn là chuỗi ngày đấu tranh sinh tồn khắc nghiệt hơn nhiều, khi đồng hành với cậu trên chiếc xuồng nhỏ là một con hổ dữ có tên Richard Parker. Bộ phim mở đầu bằng cảnh một Pi Patel trưởng thành đang hồi tưởng lại quá khứ, vậy nên khán giả đã biết được kết cục của câu chuyện, nhưng làm thế nào để Pi vượt qua chuỗi ngày tuyệt vọng trên biển, chiến thắng được con hổ dữ thì lại là một câu chuyện dài, một câu chuyện siêu thực.

Một trong những đặc điểm của người Trung Quốc là khả năng giữ gìn bản sắc ở mức tuyệt đối. Nhờ nền tảng văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng sâu đậm mà dân tộc Trung Hoa dù trong hoàn cảnh nào cũng không bị đồng hóa, thậm chí họ còn đồng hóa ngược những người thống trị mình (trong trường hợp nhà Nguyên và nhà Thanh). Có lẽ bởi vậy mà đạo diễn người Hoa dù đi đâu cũng mang theo mình những nét rất riêng (tiêu biểu là Ngô Vũ Sâm), và vì thế thông thường họ ... không thể thành công ở bình diện quốc tế vì không có khả năng "quốc tế hóa" ngôn ngữ điện ảnh của mình. TRỪ một người - Lý An. Phim của Lý An cực kì đa dạng, mang nhiều bối cảnh văn hóa đặc thù khác nhau, từ tình phụ tử truyền thống kiểu Hoa trong Ẩm thực nam nữ đến không khí Anh kiểu "Jane Austen" trong Sense and Sensibility hay hơi thở lạnh lẽo miền Tây nước Mỹ trong Brokeback Mountain. Tài năng của Lý An thể hiện ở chỗ dù trong môi trường nào, phim của ông cũng "ra chất", dù chẳng bao giờ sử dụng kịch bản quá bạo liệt nhưng vẫn để lại chút gì đó trong lòng khán giả, kể cả về nội dung, kể cả về cái không khí, hơi thở nhẹ nhàng của bối cảnh phim. Life of Pi cũng không nằm ngoài số đó, phim được đặt trong cái nền văn hóa khá dị biệt, một phần lý trí-hiện đại kiểu Pháp (Pondichéry là thuộc địa của Pháp tại Ấn Độ trong nhiều năm), một phần truyền thống dị biệt kiểu Ấn, và một phần nữa vô cùng vĩ đại và hoang sơ - của thiên nhiên, của mặt biển. Thật tiếc tôi chưa đọc tiểu thuyết nên không hiểu Life of Pi từng được coi là unfilmable vì lý do gì, nhưng cách kể chuyện của Lý An quả thực vẫn dung dị, dễ hiểu như vậy, và ẩn đằng sau cũng lại vẫn là vô số câu hỏi đặt ra cho khán giả, như cái cách mặt biển phẳng lặng ẩn chứa biết bao loài sinh vật và bão tố trong lòng. Phần lớn bối cảnh của phim diễn ra trong một không gian rất đặc thù - con thuyền chật hẹp với chỉ hai nhân vật (một nhân vật thậm chí còn không ... có thoại vì hổ hẳn nhiên không biết nói) được đặt giữa không gian bao la, tuyệt đẹp và khôn lường của biển cả. Lý An đã rất khéo léo xử lý bối cảnh đặc thù này của Life of Pi để vừa làm bật lên cái ngột ngạt, khắc nghiệt của cuộc chiến sinh tồn trên con thuyền nhỏ, vừa đem đến cho khán giả một không gian bao la thoáng đãng của biển-trời. So sánh hơi khập khiễng nhưng xem Life of Pi tôi lại nghĩ tới Cast Away, không rõ có phải vì Tom Hanks quá xuất sắc trong Cast Away không (và vì thế làm lu mờ mọi yếu tố khác của phim) mà tôi cảm giác Robert Zemeckis hoàn toàn dưới tầm Lý An nếu so về khả năng tận dụng bối cảnh phim. Một điểm xuất sắc khác của phim là những yếu tố bất ngờ được trải đều trong phim, từ phút đầu tiên tới phút cuối cùng, đặc biệt đoạn kết của phim hẳn làm nhiều người (những người chưa đọc tiểu thuyết) phải sửng sốt và lật lại cả bộ phim (như cái cách Atonement đã làm được). Nhờ những bất ngờ, từ nhỏ nhỏ như chất hung bạo không hề thay đổi của con hổ Richard Parker đến bất ngờ choáng ngợp như hòn đảo kỳ lạ của loài meerkat, mạch phim của Life of Pi trở nên rất mạch lạc, lôi cuốn khán giả nhưng không bị sa đà vào những tình tiết bi lụy quá mức. Đây có lẽ là một năm đáng mừng của người xem phim "thông thường" vì có rất nhiều những bộ phim xuất sắc được dựng nên từ những kịch bản rất truyền thống dễ hiểu (conventional), từ Life of Pi cho tới Tarantino (vâng, đến Tarantino cũng làm phim "dễ hiểu"!) với Django Unchained.

Ca ngợi lên, ca ngợi xuống, thì trải nghiệm tuyệt vời nhất với Life of Pi vẫn nằm ở phần hình ảnh và kỹ xảo của phim. Thật tiếc (lại thật tiếc!) là tôi chưa được xem Avatar để có sự so sánh, nhưng quả thực xem Life of Pi với định dạng màn hình cong IMAX là vô cùng đáng đồng tiền bát gạo. Cả hiệu ứng 3D và sự hùng vĩ, hoành tráng của thiên nhiên đều được Lý An đẩy lên tới mức xuất sắc. Nếu như những hình ảnh 3D ấn tượng nhất của phim nằm ở ngay ... đoạn mở đầu với vườn thú nhà Patel, thì những cảnh quay hoành tráng theo kiểu phim tài liệu màn ảnh rộng được trải dài suốt phim. Chính cái sự thiếu tinh tế vốn có của bối cảnh chật hẹp nơi con xuồng cứu sinh đã tạo điều kiện để Lý An phát huy hết con mắt điện ảnh của ông với vô số bối cảnh tuyệt đẹp và ấn tượng của mặt biển bao la, từ cảnh quay ngược từ dưới biển cậu bé Pi trôi nổi giữa biển khơi với con tàu đang chìm dần phía xa (gợi nhớ đến cảnh mở đầu của Sunset Boulevard?) đến cảnh quay con xuồng bé nhỏ từ trên xuống với vô vàn sinh vật biển vây quanh (giống hệt với bìa của tiểu thuyết gốc!) cho tới những cảnh quay hết sức giản dị - mặt biển phẳng lặng không một gợn sóng, có thể là màu đen của màn đêm, màu hổ phách của hoàng hôn hay màu xanh thẳm đúng chất biển cả, nhưng trên cái khung cảnh đó chỉ có duy nhất một con xuồng bé nhỏ, với hai sinh linh gắn kết bởi hy vọng sinh tồn và sự cô độc. Tất cả đều được Lý An khắc họa vô cùng đẹp, choáng ngợp và lôi cuối, đủ để khán giả cảm thấy mình nhỏ bé giữa thiên nhiên bao la, nhưng cũng đủ để họ thấy yêu quý hơn thiên nhiên, biển cả với những vẻ đẹp hết sức bất ngờ mà có lẽ đời người chẳng mấy ai có đủ may mắn (hoặc bất hạnh) để chứng kiến - bản thân tôi cũng rất muốn được một lần chứng kiến cảnh cả mặt biển rực sáng bởi những con sứa và sinh vật phù du, nhưng để rơi vào cảnh đắm tàu rồi mới được chứng kiến cảnh đó thì có lẽ là ... hơi quá sức. Hòn đảo kỳ lạ của loài meerkat cũng là một điểm nhấn của phim, chỉ có thể nhận xét là Lý An đã dựng quá xuất sắc bối cảnh này, tự nhiên, sống động, chân thật đến mức có lẽ không một khán giả nào (chưa đọc tiểu thuyết) khi mới xem lại không tin là hòn đảo như thế có thật.Nghĩ đi nghĩ lại thì giờ Hollywood có quá nhiều phim "hoành tráng", nhưng bối cảnh hoành tráng mà lại thực sự tự nhiên, giản dị như của Life of Pi thì liệu có nổi mấy phim?

Năm nay Life of Pi được coi là ứng viên nặng ký cho giải Oscar. Theo cách thống kê thông thường (nặng ký cho Oscar phim hay nhất = có đề cử cho cả phim, đạo diễn, biên kịch, biên tập) thì rõ ràng Life of PiLincoln sẽ là hai đối thủ xứng tầm ở lễ trao giải lần thứ 85 (tôi đã xem Silver Linings Playbook, một phim rất hay nhưng chưa ngang tầm với hai ông lớn này). Tôi hy vọng Life of Pi sẽ thắng giải, vì Oscar cần một tác phẩm nhẹ nhàng và tươi sáng thế này.

(Phim này tôi ch chấm 4(.13) sao vì tôi tin là nếu tước đi định dạng 3D, tước đi màn ảnh rộng thì phim sẽ giảm đi ít nhiều tính hấp dẫn)

(Vừa ngồi viết review Life of Pi vừa cắm tai nghe OST của phim Pi's Lullaby, tự dưng lại thấy khoan khoái như đang xem lại mặt biển mênh mông trong phim)

vendredi 11 janvier 2013

Vài dòng vụn vặt


Tôi đang xem Amour của Haneke, khó xem, như mọi bộ phim khác của Haneke, nhưng khiến người xem phải suy nghĩ. Tự dưng xem phim này của Haneke thấy nhớ Ozu, vì Haneke cũng gần như chỉ dùng góc quay cố định, tầm trung, nhân vật bước vào khung hình và bước ra khỏi khung hình như thể họ đang sống cuộc sống của họ. 

Xem Amour tự dưng nghĩ, một bộ phim hay phải là một bộ phim gợi mở được trí tưởng tượng, suy nghĩ của người xem. Tại sao phim hoạt hình cho trẻ em lại giàu màu sắc, hình ảnh, rất chú trọng tính độc đáo - vì trẻ em cần lượng thông tin, chi tiết lớn để tạo lập những tưởng tượng riêng trong đầu óc non nớt của các em. Còn tại sao phim dành cho người lớn nhiều khi chỉ cần minimalist như Ozu, hay như Amour này, lại là đủ - vì người lớn đã trải qua quá nhiều điều trong cuộc đời, đã tự mình làm đầy bộ óc với đủ hỉ - nộ - ái - ố, họ chỉ cần một sự gợi mở tinh tế (bấm đúng nút/gãi đúng chỗ ngứa) để lấy lại những kỷ niệm, hình ảnh trong kí ức, hay để tưởng tượng ra những giấc mơ họ đã mơ nhiều lần trong đời. Và vì thế những bộ phim "rượu thịt ê hề" kiểu blockbuster, nơi mọi thứ đều được bầy biện, nơi khán giả được chỉ tay, bị thét to vào tai "đây là người xấu", "kia là kẻ ác", "đây là ý nghĩa của bộ phim" bla bla bla, chẳng bao giờ có thể coi là những bộ phim hay (cùng lắm chỉ là phim giàu tính giải trí). Cái concept "phim hay" này hơi giống với một post tôi vừa đọc trên 9gag "The winner of a sad short story contest" http://9gag.com/gag/6303531.


Đó, chỉ cần 2 câu, 4 chữ ngắn ngủi, vậy mà nỗi buồn cũng đã đủ sâu đậm để lan tỏa sang người đọc. 

Đây cũng là lý do vì sao những diễn viên nổi tiếng, có tài năng thực sự, thường có khuôn mặt, ánh mắt hoặc ám ảnh đến kinh người, hoặc lập tức mang lại cho khán giả một cảm giác bình yên, thanh thản, kể cả khi họ ở ngoài đời thực. Vừa xem mấy bức ảnh "đời thường" của Hồng Ánh, cô không phải người thuộc dạng xinh đẹp tuyệt trần, nhưng xem ảnh thôi cũng đủ thấy ở cô toát ra một vẻ đẹp dịu rất điện ảnh. Vậy mới biết người làm nghề casting phải có con mắt tinh tường đến thế nào.

jeudi 10 janvier 2013

Best Hong Kong Films Ever

No kiddingFuture Cops (Siêu cấp học giáo bá vương, 1993) của Vương Tinh quả thực có tên trong danh sách này.

(Viện hàn lâm vừa công bố các ứng viên cho giải Oscar 2013, nhưng chủ đề này hay hơn)

Tình hình điện ảnh Hồng Kông có vẻ ảm đạm, phim ăn khách hiếm, mà phim "đỉnh cao" lại càng hiếm hơn, một phần vì thế hệ vàng 80, đầu 90 chẳng có người thay thế (Nhất đại tông sư của Vương Gia Vệ vừa công chiếu ngày hôm qua - 9/1, có lẽ đây lại là một tuyệt phẩm nữa của họ Vương, nhưng những tác phẩm kén người xem, kém doanh thu như của Vương Gia Vệ thì chưa, và có lẽ sẽ không bao giờ có thể là cứu cánh cho cả nền điện ảnh Cảng Thơm), một phần quan trọng nữa là vì điện ảnh Hồng Kông giờ đang đứng vào cái thế lỡ dở, cố gắng giữ vững bản sắc "Hồng Kông" nhưng cũng lại phải cố hòa mình vào dòng chảy điện ảnh Trung Quốc để tận dụng thị trường khổng lồ với nguồn tài chính và khán giả vô tận của người "anh cả" Đại lục.

Có lẽ vì cái sự ảm đạm ấy mà trang web tôi rất yêu thích - Lovehkfilm, quanh đi quẩn lại chỉ sôi nổi nhất có hoạt động bầu "Best film", hết của thập niên 2000, 1990, 1980 và bây giờ là "Best Hong Kong Films Ever". Nghe tiêu đề thì oai nhưng chưa bầu thì cũng biết phần đông những người sẽ bầu toàn dạng fanboy từ thủa bé của những Ngô Vũ Sâm, Từ Khắc, Vương Gia Vệ, thế nên kết quả quanh đi quẩn lại sẽ chỉ xoay quanh những bộ phim đã xuất hiện trong các cuộc bầu chọn trước kia. Và kết quả cuối cùng thì ... đúng thế thật.

Dưới đây là top 10:


10. Đội bóng Thiếu Lâm (Shaolin Soccer, 2001, Châu Tinh Trì)
9. Đao Mã Đán (Peking Opera Blues, 1986, Từ Khắc)
8. Thiến nữ u hồn (A Chinese Ghost Story, 1987, Trình Tiểu Đông)
7. Câu chuyện cảnh sát (Police Story, 1985, Thành Long)
6. Lạt thủ thần tham (Hard Boiled, 1992, Ngô Vũ Sâm)
5. Điệp huyết song hùng (The Killer, 1989, Ngô Vũ Sâm)
4. Tâm trạng khi yêu (In the Mood for Love, 2000, Vương Gia Vệ)
3. Bản sắc anh hùng (A Better Tomorrow, 1986, Ngô Vũ Sâm)
2. Vô gian đạo (Infernal Affairs, 2002, Lưu Vỹ Cường & Mạch Triệu Huy)
1. Trùng Khánh Sâm Lâm (Chungking Express, 1994, Vương Gia Vệ)

Nhìn vào Top 10 có thể thấy một điều rằng phim võ hiệp (wuxia) tinh tuyền hoàn toàn vắng bóng! Phim võ hiệp xếp cao nhất trong danh sách này là Túy quyền 2 (Drunken Master 2, 1994, Lưu Gia Lương) chỉ xếp thứ 14. Điều này chứng tỏ là ngay cả trong đội ngũ fanboy phim Hồng Kông thì tâm lý đánh giá thấp phim võ hiệp vẫn tồn tại, đây quả thực là điều đáng tiếc vì trong số 4 thể loại "tinh tuyền" của điện ảnh Hồng Kông (võ hiệp - cảnh sát/xã hội đen - hài - tình cảm lãng mạn, không tính phim cấp III) thì võ hiệp mới chính là thể loại lâu đời và có sức sống bền bỉ nhất, có lẽ kết quả này cũng phản ánh một điều rằng dù Chân Tử Đan vẫn chăm chỉ đóng phim nhưng võ hiệp chẳng còn được vị thế như xưa. 

Ngoài bất ngờ của phim võ hiệp thì các kết quả còn lại có lẽ không có gì ... đáng bàn vì những bộ phim đã được đứng ở đây đều đã được thời gian thử thách, phim "mới nhất" là Vô gian đạo ra đời cách đây cũng đã 11 năm. Vị trí đầu tiên của Trùng Khánh Sâm Lâm cũng là điều không ai có thể bàn cãi, một phần vì phim quá hay, một phần nữa là vì tất cả phiếu bầu cho bộ phim này có lẽ đều chất chứa sự tiếc nuối đối với điện ảnh Hồng Kông của một thời "tinh tuyền" đã qua mà Trùng Khánh Sâm Lâm là đại diện tiêu biểu nhất, một bộ phim của những câu thoại lãng đãng, u uất, của những gương mặt thoảng nét buồn, của những ngôi sao đã mãi đi vào quá khứ (Lâm Thanh Hà).

Dưới đây là Top 20 phim do tôi bầu chọn, trong ngoặc là vị trí thực tế của phim trong "bảng phong thần" cuối cùng (tôi là fan ruột của Châu Tinh Trì nên bầu cho họ Châu hơi bị nhiều, và vì thế bỏ qua nhiều phim của Ngô Vũ Sâm, thực ra tôi vẫn bầu theo kiểu phim "đáng nhớ" nhất chứ có lẽ chưa chắc đã phải phim hay nhất, nếu bầu phim hay nhất thì Hứa An Hoa đã phải có vài phim trong list):

20. 2046 (2004, Vương Gia Vệ) (51)
19. Bạch phát ma nữ truyện (The Bride with White Hair, 1993, Vu Nhân Thái) (62)
18. Người trong giang hồ (Young and Dangerous, 1996, Lưu Vỹ Cường) (110)
17. Tân Tây Du Ký (A Chinese Odyssey, 1995, Lưu Trấn Vỹ & Châu Tinh Trì) (22)
16. Thần ăn (God of Cookery, 1996, Châu Tinh Trì & Lý Lực Trì) (24)
15. Thập tam thái bảo (Shanghai 13, 1984, Trương Triệt) (-)
14. Cương thi tiên sinh (Mr. Vampire, 1985, Lưu Quan Vĩ) (37)
13. Tuyệt đỉnh công phu (Kungfu Hustle, 2004, Châu Tinh Trì) (20)
12. Hoàng Phi Hồng 2: Nam nhi đương tự cường (Once upon a Time in China II, 1991, Từ Khắc) (23)
11. Kế hoạch A (Project A, 1983, Thành Long) (30)
10: Hắc xã hội (Election, 2005, Đỗ Kỳ Phong) (34)
09. Bản sắc anh hùng (A Better Tomorrow, 1986, Ngô Vũ Sâm) (3)
08. Tâm trạng khi yêu (In the Mood for Love, 2000, Vương Gia Vệ) (4)
07. Lâm Thế Vinh (The Magnificent Butcher, 1979, Viên Hòa Bình) (148)
06. Đội bóng Thiếu Lâm (Shaolin Soccer, 2001, Châu Tinh Trì) (10)
05. Vô gian đạo (Infernal Affairs, 2002, Lưu Vỹ Cường & Mạch Triệu Huy) (2)
04. Thiến nữ u hồn (A Chinese Ghost Story, 1987, Trình Tiểu Đông) (8)
03. Câu chuyện cảnh sát (Police Story, 1985, Thành Long) (7)
02. Thiếu Lâm tam thập lục phòng (The 36th Chamber of Shaolin, 1978, Lưu Gia Lương) (41)
01. Trùng Khánh Sâm Lâm (Chungking Express, 1994, Vương Gia Vệ) (1)

Dưới đây là một số thống kê từ 200 bộ phim trong danh sách bầu chọn. Thật bất ngờ là Đỗ Kỳ Phong có tới 20 phim trong danh sách, chiếm 1/10 tổng số phim và gấp đúng hai lần số phim của đạo diễn đứng thứ hai là Từ Khắc. Nhưng MVP của danh sách này có lẽ phải là Vương Gia Vệ vì trong cả sự nghiệp chậm chạp của mình ông mới cho ra đời được 8 phim, và cả 8 đều đã nằm trong danh sách (không kMy Blueberry Night không được tính là phim Hồng Kông).





Và cuối cùng là danh sách đầy đủ:


1. CHUNGKING EXPRESS (1994), directed by Wong Kar-Wai
2. INFERNAL AFFAIRS (2002), directed by Andrew Lau and Alan Mak
3. A BETTER TOMORROW (1986), directed by John Woo
4. IN THE MOOD FOR LOVE (2000), directed by Wong Kar-Wai
5. THE KILLER (1989), directed by John Woo
6. HARD BOILED (1992), directed by John Woo
7. POLICE STORY (1985), directed by Jackie Chan
8. A CHINESE GHOST STORY (1987), directed by Ching Siu-Tung
9. PEKING OPERA BLUES (1986), directed by Tsui Hark
10. SHAOLIN SOCCER (2001), directed by Stephen Chow
11. THE MISSION (1999), directed by Johnnie To
12. DAYS OF BEING WILD (1991), directed by Wong Kar-Wai
13. BULLET IN THE HEAD (1990), directed by John Woo
14. DRUNKEN MASTER II (1994), directed by Lau Kar-Leung
15. RUNNING OUT OF TIME (1999), directed by Johnnie To
16. COMRADES, ALMOST A LOVE STORY (1996), directed by Peter Chan
17. ONCE UPON A TIME IN CHINA (1991), directed by Tsui Hark
18. ASHES OF TIME (1994), directed by Wong Kar-Wai
19. FALLEN ANGELS (1995), directed by Wong Kar-Wai
20. KUNG FU HUSTLE (2004), directed by Stephen Chow
21. EXILED (2006), directed by Johnnie To
22. A CHINESE ODYSSEY PART I: CINDERELLA (1995) and A CHINESE ODYSSEY Part II: PANDORA’S BOX (1995), directed by Jeff Lau and Stephen Chow
23. ONCE UPON A TIME IN CHINA 2 (1992), directed by Tsui Hark
24. GOD OF COOKERY (1996), directed by Stephen Chow
25. THROWDOWN (2004), directed by Johnnie To
26. A MOMENT OF ROMANCE (1990), directed by Benny Chan
27. FIST OF FURY (1972), directed by Lo Wei
28. CROUCHING TIGER HIDDEN DRAGON (2000), directed by Ang Lee
29. GOD OF GAMBLERS (1989), directed by Wong Jing
30. PROJECT A (1983), directed by Jackie Chan
31. HERO (2002), directed by Zhang Yimou
32. FONG SAI YUK (1993), directed by Corey Yuen Kwai
33. RED CLIFF (2008) and RED CLIFF II (2009), directed by John Woo
34. ELECTION (2005), directed by Johnnie To
35. AN AUTUMN’S TALE (1987), directed by Mabel Cheung
36. INFERNAL AFFAIRS 2 (2003), directed by Andrew Lau and Alan Mak
37. MR. VAMPIRE (1985), directed by Ricky Lau Koon-Wai
38. COME DRINK WITH ME (1966), directed by King Hu
39. HAPPY TOGETHER (1997), directed by Wong Kar-Wai
40. FIST OF LEGEND (1994), directed by Gordon Chan
41. THE 36TH CHAMBER OF SHAOLIN (1978), directed by Lau Kar-Leung
42. ELECTION 2 (2006), directed by Johnnie To
43. SWORDSMAN II (1991), directed by Ching Siu-Tung
44. THE PRIVATE EYES (1976), directed by Michael Hui
45. CITY ON FIRE (1987), directed by Ringo Lam
46. BEAST COPS (1998), directed by Gordon Chan and Dante Lam
47. MADE IN HONG KONG (1997), directed by Fruit Chan
48. ROUGE (1988), directed by Stanley Kwan
49. PEDICAB DRIVER (1989), directed by Sammo Hung
50. EASTERN CONDORS (1987), directed by Sammo Hung
51. 2046 (2004), directed by Wong Kar-Wai
52. ONE NITE IN MONGKOK (2004), directed by Derek Yee
53. KING OF COMEDY (1999), directed by Stephen Chow
54. IP MAN (2008), directed by Wilson Yip
55. DRUNKEN MASTER (1978), directed by Yuen Woo-Ping
56. SHANGHAI BLUES (1984), directed by Tsui Hark
57. NEEDING YOU… (2000), directed by Johnnie To and Wai Kai-Fai
58. RUNNING ON KARMA (2003), directed by Johnnie To and Wai Kai-Fai
59. ZU: WARRIORS FROM THE MAGIC MOUNTAIN (1983), directed by Tsui Hark
60. MAD DETECTIVE (2007), directed by Johnnie To and Wai Kai-Fai
61. THE PRODIGAL SON (1981), directed by Sammo Hung
62. THE BRIDE WITH WHITE HAIR (1993), directed by Ronny Yu
63. A SIMPLE LIFE (2011), directed by Ann Hui
64. PROJECT A PART II (1987), directed by Jackie Chan
65. IRON MONKEY (1993), directed by Yuen Woo-Ping
66. FULL CONTACT (1992), directed by Ringo Lam
67. DANGEROUS ENCOUNTER - 1ST KIND (1980), directed by Tsui Hark
68. FLIRTING SCHOLAR (1993), directed by Lee Lik-Chi
69. THE BLADE (1995), directed by Tsui Hark
70. DRAGON INN (1992), directed by Raymond Lee - 48.5 points
71. LOST IN TIME (2003), directed by Derek Yee
72. LONG ARM OF THE LAW (1984), directed by Johnny Mak
73. BOAT PEOPLE (1982), directed by Ann Hui
74. ON THE RUN (1988), directed by Alfred Cheung
75. THE LONGEST NITE (1998), directed by Patrick Yau
76. HE’S A WOMAN, SHE’S A MAN (1994), directed by Peter Chan
77. THE WAY WE ARE (2008), directed by Ann Hui
78. CRIPPLED AVENGERS (1978), directed by Chang Cheh
79. DIRTY HO (1979), directed by Lau Kar-Leung
80. LUST, CAUTION (2007), directed by Ang Lee
81. PRISON ON FIRE (1987), directed by Ringo Lam
82. SPL (2005), directed by Wilson Yip
83. THE WAY OF THE DRAGON (1972), directed by Bruce Lee
84. CENTRE STAGE (1992), directed by Stanley Kwan
85. LIFE WITHOUT PRINCIPLE (2011), directed by Johnnie To
86. FROM BEIJING WITH LOVE (1994), directed by Stephen Chow and Lee Lik-Chi
87. THE BIG BOSS (1971), directed by Lo Wei
88. THE MILLIONAIRES’ EXPRESS (1987), directed by Sammo Hung
89. THE LOVE ETERNE (1963), directed by Li Han-Hsiang
90. BODYGUARDS AND ASSASSINS (2009), directed by Teddy Chen
91. ALL ABOUT AH LONG (1989), directed by Johnnie To
92. HE AIN’T HEAVY, HE’S MY FATHER! (1993), directed by Peter Chan and Lee Chi-Ngai
93. LOVE ON DELIVERY (1994), directed by Lee Lik-Chi
94. THE WILD, WILD ROSE (1960), directed by Wong Tin-Lam
95. TOO MANY WAYS TO BE NO. 1 (1997), directed by Wai Ka-Fai
96. DRAGONS FOREVER (1988), directed by Sammo Hung
97. THE HEROIC TRIO (1993), directed by Johnnie To and Ching Siu-Tung
98. A HERO NEVER DIES (1998), directed by Johnnie To
99. SNAKE IN THE EAGLE’S SHADOW (1978), directed by Yuen Woo-Ping
100. WHEELS ON MEALS (1984), directed by Sammo Hung
101. GREEN SNAKE (1993), directed by Tsui Hark
102. PTU (2003), directed by Johnnie To
103. NAKED KILLER (1993), directed by Clarence Fok
104. FULL ALERT (1997), directed by Ringo Lam
105. ONCE A THIEF (1991), directed by John Woo
106 (TIE). POLICE STORY 2 (1988), directed by Jackie Chan
106 (TIE). SPOOKY ENCOUNTERS (1980), directed by Sammo Hung
108. ENTER THE DRAGON (1973), directed by Robert Clouse
109. THE ARCH (1968), directed by Cecile Tang Shu-Shuen
110. YOUNG AND DANGEROUS (1996), directed by Andrew Lau
111. FEARLESS (2006), directed by Ronny Yu
112. PERHAPS LOVE (2005), directed by Peter Chan
113. AS TEARS GO BY (1988), directed by Wong Kar-Wai
114. TIME AND TIDE (2000), directed by Tsui Hark
115 (TIE). JULY RHAPSODY (2001), directed by Ann Hui
115 (TIE). THE FIVE VENOMS (1978), directed by Chang Cheh
115 (TIE). WILD SEARCH (1991), directed by Ringo Lam
118. SONG OF THE EXILE (1990), directed by Ann Hui
119. OUR SISTER HEDY (1957), directed by Tao Qin
120. HEROES OF THE EAST (1978), directed by Lau Kar-Leung
121. CURSE OF THE GOLDEN FLOWER (2006), directed by Zhang Yimou
122 (TIE). CHICKEN AND DUCK TALK (1988), directed by Clifton Ko
122 (TIE). MY LEFT EYE SEES GHOSTS (2002), directed by Johnnie To and Wai Kai-Fai
124. FORBIDDEN CITY COP (1996), directed by Vincent Kok and Stephen Chow
125. POLICE STORY 3: SUPERCOP (1992), directed by Stanley Tong
126. DUEL TO THE DEATH (1983), directed by Ching Siu-Tung
127. DR. MACK (1995), directed by Lee Chi-Ngai
128. ALL’S WELL END’S WELL (1992), directed by Clifton Ko
129. THE YOUNG MASTER (1980), directed by Jackie Chan
130. THE CHINESE FEAST (1995), directed by Tsui Hark
131 (TIE). LOST AND FOUND (1996), directed by Lee Chi-Ngai
131 (TIE). MEN SUDDENLY IN BLACK (2003), directed by Pang Ho-Cheung
133. FINAL VICTORY (1986), directed by Patrick Tam
134. MIRACLES (1989), directed by Jackie Chan
135. WU XIA (2011), directed by Peter Chan
136. CHINESE ODYSSEY 2002 (2002), directed by Jeff Lau
137. PROTÉGÉ (2007), directed by Derek Yee
138. A FIGHTER’S BLUES (2000), directed by Daniel Lee
139. ROYAL TRAMP I & ROYAL TRAMP II (1992), directed by Wong Jing
140. JIANG HU: THE TRIAD ZONE (2000), directed by Dante Lam
141. C’EST LA VIE, MON CHERI (1993), directed by Derek Yee
142. THE BEAST STALKER (2008), directed by Dante Lam
143. AH YING (1983), directed by Allen Fong
144. THE DEAF AND MUTE HEROINE (1971), directed by Wu Ma
145. THE EAGLE SHOOTING HEROES (1993), directed by Jeff Lau
146. THE BIG HEAT (1987), directed by Johnnie To and Andrew Kam
147. METADE FUMACA (1999), directed by Riley Yip
148. THE MAGNIFICENT BUTCHER (1979), directed by Yuen Woo-Ping
149. EXPECT THE UNEXPECTED (1998), directed by Patrick Yau
150. ONE-ARMED SWORDSMAN (1967), directed by Chang Cheh
151. ALL FOR THE WINNER (1990), directed by Jeff Lau
152. JUSTICE, MY FOOT! (1992), directed by Johnnie To
153. GOD OF GAMBLERS 2 (1991), directed by Wong Jing
154 (TIE). MY HEART IS THAT ETERNAL ROSE (1989), directed by Patrick Tam
154 (TIE). NOMAD (1982), directed by Patrick Tam
156. FUTURE COPS (1993), directed by Wong Jing
157. BIG BULLET (1996), directed by Benny Chan
158. WINNERS AND SINNERS (1983), directed by Sammo Hung
159. MAMBO GIRL (1957), Evan Yang
160. INTIMATE CONFESSIONS OF A CHINESE COURTESAN (1972), Chor Yuen
161. FULLTIME KILLER (2001), directed by Johnnie To and Wai Ka-Fai
162. BOXER FROM SHANTUNG (1972), directed by Chang Cheh and Pao Hsueh-Li
163. SCHOOL ON FIRE (1988), directed by Ringo Lam
164. MCDULL, PRINCE DE LA BUN (2004), directed by Toe Yuen
166 (TIE). THE TAI-CHI MASTER (1993), directed by Yuen Woo-Ping
166 (TIE). YOUNG AND DANGEROUS 3 (1996), directed by Andrew Lau
168. AIR HOSTESS (1959), directed by Evan Yang
168 THE STOOL PIGEON (2010), directed by Dante Lam
169 (TIE). A BETTER TOMORROW 2 (1987), directed by John Woo
169 (TIE). SUMMER SNOW (1995), directed by Ann Hui
171. THE BARE-FOOTED KID (1993), directed by Johnnie To
172. YOUNG AND DANGEROUS: THE PREQUEL (1998), directed by Andrew Lau
173. ODD COUPLE (1979), directed by Lau Kar-Wing
174. THE BLOOD BROTHERS (1973), directed by Chang Cheh
175 (TIE). ACCIDENT (2009), directed by Soi Cheang
175 (TIE). JUST ONE LOOK (2003), directed by Riley Yip
175 (TIE). THE ODD ONE DIES (1997), directed by Patrick Yau
178. REIGN OF ASSASSINS (2009), directed by Su Chao-Bin
179. JULIET IN LOVE (2000), directed by Wilson Yip
180. THE TWINS EFFECT (2003), directed by Dante Lam
181. SO CLOSE (2002). directed by Corey Yuen
182. THE EIGHT DIAGRAM POLE FIGHTER (1983), directed by Lau Kar-Leung
183. MY YOUNG AUNTIE (1981), directed by Lau Kar-Leung
184. SEX AND ZEN (1991), directed by Michael Mak
185. SPARROW (2007), directed by Johnnie To
186. GALLANTS (2010), directed by Derek Kwok and Clement Cheng
187 (TIE). CAGEMAN (1992), directed by Jacob Cheung
187 (TIE). THE CASE OF THE COLD FISH (1995), directed by Jamie Luk Kin-Ming
187 (TIE). THE MAGIC BLADE (1976), directed by Chor Yuen
190. KING BOXER (1972), directed by Jeng Cheong-Woh
191. MY LIFE AS MCDULL (2001), directed by Toe Yuen
192. OUT OF THE DARK (1995), directed by Jeff Lau
193. STORY OF RICKY (1992), directed by Lam Nai-Choi
194. HONG KONG 1941 (1984), directed by Leung Po-Chi
195. AFTER THIS, OUR EXILE (2006), directed by Patrick Tam
196. OVERHEARD (2009), directed by Alan Mak and Felix Chong
197. THE DIARY OF A BIG MAN (1988), directed by Chor Yuen
198 (TIE). LAST HURRAH FOR CHIVALRY (1979), directed by John Woo
198 (TIE). LEGENDARY WEAPONS OF CHINA (1982), directed by Lau Kar-Leung
200. IN THE LINE OF DUTY 4 (1989), directed by Yuen Woo-Ping