some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mercredi 30 décembre 2020

91st Academy Awards

 

Có thể nói rằng hai năm vừa qua là khoảng thời gian hết sức sóng gió đối với điện ảnh Hollywood. Một mặt, sự bùng nổ của phong trào #metoo từ tháng 10 năm 2017 đã kéo theo sự sụp đổ của một loạt tên tuổi lớn của điện ảnh Mỹ như Harvey Weinstein, Kevin Spacey, và gần đây nhất là Bryan Singer. Cùng lúc đó, việc Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ đã khiến người dân Mỹ, trong đó có cả giới văn nghệ sĩ ở Hollywood ngày một chia rẽ về mặt chính trị và biến các buổi lễ trao giải điện ảnh cuối năm 2017, đầu năm 2018 trở nên ngột ngạt với những tuyên môn vị nhân sinh vượt xa khỏi tôn chỉ vị nghệ thuật của điện ảnh. Nhưng dù có căng thẳng hay chia rẽ đến mấy, thì người làm phim và công chúng yêu phim vẫn sẽ chờ đợi đến ngày 24 tháng 2 sắp tới để được chứng kiến lễ trao giải thưởng điện ảnh quan trọng nhất của năm – lễ trao giải Oscar lần thứ 91 tại Nhà hát Dolby, Hollywood. 

Trong một năm không thực sự có một tác phẩm vượt trội về số lượng đề cử, giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ năm nay chứng kiến cuộc đua chật chội của nhiều ứng cử viên có chất lượng ngang ngửa khi có tới 8 phim có ít nhất 5 đề cử là The Favourite và Roma (cùng có 10 đề cử), A Star Is Born và Vice (8 đề cử), Black Panther (7 đề cử), BlacKkKlansman (6 đề cử), và Bohemian Rhapsody và Green Book (cùng 5 đề cử). Không hề ngạc nhiên khi đây cũng chính là 8 cái tên đang đua tranh giành lấy tượng vàng quan trọng nhất – giải Oscar cho phim hay nhất và gợi người yêu điện ảnh nhớ tới cuộc đua khốc liệt tại giải Oscar lần thứ 88 năm 2016 khi không một ứng viên nào chiếm ưu thế thực sự ở hạng mục phim hay nhất cho tới tận thời điểm diễn viên gạo cội Morgan Freeman mở phong bì để xướng danh Spotlight cho tượng vàng Oscar cuối cùng. Một trong những lý do khiến cuộc đua năm 2015 trở nên quyết liệt là việc các giải phim hay nhất quan trọng như giải Quả cầu vàng cho phim hay nhất, giải phim hay nhất của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh Quốc (BAFTA), hay giải của các hiệp hội đạo diễn (DGA), nhà sản xuất (PGA), biên kịch (WGA), và diễn viên điện ảnh Hoa Kỳ (SAG) lần lượt được chia đều cho các ứng viên nặng ký năm đó là Spotlight của đạo diễn Tom McCarthy, The Big Short của Adam McKay, và The Revenant của Alejandro G. Iñárritu. Một thành viên khác của bộ “ba người bạn Mexico” (cùng với Iñárritu và Guillermo del Toro – đạo diễn của bộ phim giành giải Oscar phim hay nhất năm ngoái The Shape of Water) là Alfonso Cuarón chính là tác giả của bộ phim đang chiếm ưu thế nhất trong cuộc chiến tiếp nối “ngôi báu” của The Shape of Water năm nay là Roma. Tác phẩm đen trắng lấy bối cảnh Mexico do hãng Netflix phát hành này đã giành tới 22 giải “phim hay nhất” trong mùa giải thưởng điện ảnh 2018-2019, trong đó có giải BAFTA cho phim hay nhất và cũng là bộ phim có điểm trung bình cao nhất (9.6) trong số các ứng viên năm nay trên trang thống kê phê bình điện ảnh Metacritic. Tuy nhiên, Alfonso Cuarón lại phải chứng kiến Bohemian Rhapsody của đạo diễn nhiều tai tiếng Bryan Singer và Green Book của chuyên gia phim hài Peter Farrelly chiến thắng tại hạng mục phim hay nhất của giải Quả cầu vàng năm nay khi mà Roma của ông chỉ được đề cử ở hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Tác phẩm về nạn phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ những năm giữa thế kỷ 20 Green Book cũng chính là tác phẩm giành giải thưởng quan trọng khác được coi là chỉ dấu cho tiềm năng đoạt giải Oscar phim hay nhất là giải PGA nhà sản xuất phim xuất sắc nhất năm. Điều khiến giới dự đoán phải vò đầu bứt tai hơn thế là việc Green Book lại không nằm trong top 3 các bộ phim giành nhiều danh hiệu “phim hay nhất” trong mùa giải thưởng năm nay bởi xếp ngay sau Roma là The Favourite – tác phẩm về cuộc chiến chốn thâm cung trong triều đình Anh quốc của đạo diễn người Hy Lạp Yorgos Lanthimos và If Beale Street Could Talk – bộ phim mới nhất của đạo diễn từng đứng lên bục vinh quang hai năm trước đây với Moonlight là đạo diễn da màu Barry Jenkins. Trớ trêu thay là trong khi The Favourite chủ yếu được đánh giá cao trong các hạng mục diễn xuất, thì If Beale Street Could Talk thậm chí còn không nằm trong danh sách đề cử rút gọn của giải Oscar cho phim hay nhất. Thế chỗ cho If Beale Street Could Talk là hai bộ phim lấy chủ đề âm nhạc Bohemian Rhapsody và A Star Is Born, và một loạt tác phẩm mang hơi thở thời đại khác như bộ phim về nền chính trị Hoa Kỳ Vice của đạo diễn The Big Short Adam McKay, và hai bộ phim nêu bật hình tượng người Mỹ gốc Phi là BlacKkKlansman và Black Panther. Trong bối cảnh yếu tố chính trị, sắc tộc đang chiếm sự quan tâm của cả công chúng và giới làm phim Hoa Kỳ, chẳng ai có thể chắc rằng một tác phẩm tương đối phi chính trị, lại do Netflix – thương hiệu không được lòng giới làm phim truyền thống phát hành như Roma sẽ vượt qua được Green Book, BlacKkKlansman, hay Vice để giành lấy tượng vàng cuối cùng của lễ trao giải Oscar lần thứ 91. Và ngược lại, thì nhiều người yêu phim cũng không thể hài lòng để các tác phẩm có phần yếu hơn Roma về chất lượng làm phim như Green Book hay Bohemian Rhapsody trở thành “người chiến thắng”. Chúng ta sẽ chỉ có câu trả lời cho bài toán khó giải này vào đêm trao giải ngày 24 tháng 2 sắp tới. 

Chưa chắc ăn giải phim hay nhất nhưng phải tới 90% Roma sẽ mang về cho Alfonso Cuarón tượng vàng Oscar thứ hai ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất sau chiến thắng năm 2013 nhờ tác phẩm khoa học giả tưởng Gravity. Có thể khẳng định điều này là vì đạo diễn người Mexico đã giành tới 32 giải “đạo diễn xuất sắc nhất” trong mùa trao giải năm nay, vượt xa các đối thủ cạnh tranh như đạo diễn BlacKkKlansman Spike Lee (3 lần chiến thắng), ngôi sao điện ảnh Bradley Cooper với tác phẩm đạo diễn đầu tay A Star Is Born (1 chiến thắng), hay nhà làm phim gạo cội Paul Schrader của “First Reformed” (1 chiến thắng). Cooper và Schrader thậm chí còn không có mặt trong số 5 cái tên được đề cử ở hạng mục này của giải Oscar năm nay, thay vào đó là đạo diễn người Ba Lan Paweł Pawlikowski – người từng giành tượng vàng cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2015 với Ida và năm nay lại quay trở lại với một ứng viên nặng kí khác cho hạng mục này là Cold War, Adam McKay với Vice, và đạo diễn đang ở độ chín sự nghiệp người Hy Lạp Yorgos Lanthimos của The Favourite

Roma, Vice, và The Favourite còn cùng chạm trán ở một hạng mục khác đó là kịch bản gốc xuất sắc nhất. Không chịu kém thế so với Roma như ở hạng mục phim hay nhất hay đạo diễn xuất sắc nhất, The Favourite mới là “favourite” (ứng viên được yêu thích) của hạng mục này khi kịch bản của bộ đôi Deborah Davis và Tony McNamara đã giành tới 12 chiến thắng cho “kịch bản hay nhất” trong mùa trao giải điện ảnh 2018-2019. Đối thủ lớn nhất của Davis và McNamara sẽ là nhà làm phim Paul Schrader – tác giả của kịch bản kinh điển Taxi Driver (1976) nhưng phải chờ đến năm nay mới có đề cử giải Oscar kịch bản gốc xuất sắc nhất cho First Reformed. Từng được coi là tác phẩm nặng ký cho mùa giải thưởng năm nay, nhưng bộ phim công chiếu từ tháng 5 năm 2018 First Reformed cuối cùng lại chỉ có duy nhất một đề cử Oscar cho Schrader. Bởi vậy nhiều người đang hy vọng rằng kịch bản đậm chất hiện sinh và tâm linh First Reformed sẽ mang lại cho Schrader tượng vàng đầu tiên trong sự nghiệp nhiều dấu ấn của ông – một hy vọng hoàn toàn có cơ sở khi chính First Reformed chứ không phải The Favourite mới là cái tên được xướng lên nhiều nhất trong mùa trao giải 2018-2019 ở hạng mục kịch bản xuất sắc nhất với 14 lần, và ứng viên còn lại ở hạng mục này là Green Book không thực sự được đánh giá cao về mặt cốt truyện và còn đang vấp phải phản đối từ chính người thân của một trong hai nhân vật chính của phim về mức độ chính xác của kịch bản phim đối với đời thực nhân vật. 

Có mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều là hạng mục kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất khi cả năm cái tên được đề cử là The Ballad of Buster Scruggs, BlacKkKlansman, Can You Ever Forgive Me?, If Beale Street Could Talk, và A Star Is Born được đánh giá là khá ngang sức ngang tài. Theo bảng quy đổi điểm giành được trong mùa giải thưởng năm nay của trang Metacritic thì Can You Ever Forgive Me?, BlacKkKlansman, và If Beale Street Could Talk với số điểm 43, 42, 41 chính là ba tác phẩm xếp ngay sau The Favourite (65 điểm) và First Reformed (56 điểm) ở hạng mục kịch bản. Nếu so với ba bộ phim này thì A Star Is Born dù được khán giả đánh giá cao về nội dung nhiều cảm xúc nhưng tụt lại khá xa với chỉ 13 điểm quy đổi, còn The Ballad of Buster Scruggs thì hoàn toàn biến mất trên bảng xếp hạng do tác phẩm cực kì xuất sắc của anh em nhà Coen này lại chủ yếu được công chúng biết tới qua màn ảnh nhỏ do đây là một tác phẩm do hãng Netflix phát hành. 

Thực ra hy vọng lớn nhất của A Star Is Born, ngoài hạng mục thế mạnh là nhạc phim, lại nằm ở hai hạng mục diễn xuất là vai nam chính xuất sắc nhất cho ngôi sao mới chuyển nghề đạo diễn Bradley Cooper và nữ diễn viên xuất sắc nhất cho ca sĩ đa tài Lady Gaga. Nhưng nhiều khả năng fan hâm mộ của nữ ca sĩ cực kì cá tính này sẽ phải buồn lòng trong lễ trao giải Oscar sắp tới vì cô phải đụng độ với một ứng cử viên cực kì nặng kí - Glenn Close. Dù bộ phim The Wife của bà không thực sự gây tiếng vang về doanh thu hay chất lượng nghệ thuật, nhưng ngôi sao từng khiến nhiều người hâm mộ điện ảnh Việt Nam hâm mộ và … e sợ qua vai diễn “đánh ghen” nổi tiếng trong Fatal Attraction (1987) đã kịp giành chiến thắng ở hai giải thưởng tiền Oscar cực kì quan trọng là giải Quả cầu vàng và giải SAG. Là một hạng mục nhiều năm nay bị coi là trao theo phong cách “giải thành tựu sự nghiệp”, giải Oscar cho vai nữ chính xuất sắc nhất vì vậy nhiều khả năng sẽ nghiêng về nữ diễn viên 71 tuổi Glenn Close nhiều hơn là ngôi sao của The Favourite Olivia Colman – người thực tế đang bỏ xa các đối thủ khác trên bảng điểm quy đổi cho hạng mục vai nữ chính của Metacritic với 76 điểm (so với vỏn vẹn 27 điểm của Close) với vai diễn đặc sắc và có chiều sâu Nữ hoàng Anne của nước Anh. Yalitza Aparicio – nữ diễn viên còn vô danh ở Hollywood của Roma và Melissa McCarthy – ngôi sao phim hài hàng đầu Hollywood nhưng năm nay lại chinh phục khán giả bằng một vai diễn nhiều chất bị trong Can You Ever Forgive Me? đã gây bất ngờ lớn cho người hâm mộ bằng việc xuất hiện trong danh sách đề cử cho giải Oscar vai nữ chính năm nay, nhưng cũng như Lady Gaga, có lẽ khó lòng hai nữ diễn viên này có thể gây bất ngờ trước Olivia Colman và đặc biệt là Glenn Close.

Nếu so với bạn diễn của mình thì có lẽ Bradley Cooper có “cửa thắng” cao hơn một chút ở hạng mục vai nam chính xuất sắc nhất của giải Oscar năm nay khi mà Ethan Hawke – ngôi sao chính của First Reformed với một vai diễn được nhiều người đánh giá là xuất sắc nhất năm nay của Hollywood lại bất ngờ vắng bóng trong danh sách đề cử. Tuy vậy thì cơ hội giành lấy tượng vàng của Cooper cũng không thực sự lớn khi vai diễn một nhân vật không có thực của anh phải đối mặt với bốn vai diễn những nhân vật có thực phần nào gây được nhiều ấn tượng hơn. Đó là Christian Bale với vai Phó Tổng thống Dick Cheney trong Vice, là Willem Dafoe với vai danh hoạ Vincent van Gogh trong At Eternity's Gate, Rami Malek với vai thủ lĩnh ban nhạc rock Queen Freddie Mercury trong Bohemian Rhapsody, và Viggo Mortensen trong vai anh chàng bảo kê phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc Frank "Tony Lip" Vallelonga trong Green Book. Kém xa Ethan Hawke (95 điểm) trên bảng quy đổi điểm giải thưởng của Metacritic, nhưng Bale (44 điểm) đang có chút ưu thế so với Malek (35 điểm), Cooper (29 điểm), Mortensen (24 điểm), và Dafoe (14 điểm). Dù vậy, điểm số không nói lên tất cả vì bất chấp kịch bản phim khá “lành”, vai diễn Freddie Mercury của Rami Malek đã chinh phục ban giám khảo của phần lớn các giải thưởng tiền Oscar quan trọng như giải Quả cầu vàng, BAFTA, và SAG. Do đó, nhiều khả năng Malek sẽ là người được xướng danh ở giải Oscar năm nay và Bale sẽ phải chờ cơ hội giành lấy tượng vàng thứ hai cho riêng mình trong tương lai. 

Trái ngược với hạng mục vai chính, kết quả ở hạng mục vai phụ lại gần như đã ngã ngũ ở bên nam trong khi các diễn viên nữ vẫn còn đang cạnh tranh nhau đến phút cuối cùng. Đó là vì nam diễn viên từng giành giải Oscar ở hạng mục này cho vai diễn trong Moonlight là Mahershala Ali lại đang một lần nữa càn quét mùa giải thưởng năm nay nhờ vai diễn thiên tài dương cầm Don Shirley trong Green Book. Ali đã lần lượt vượt qua các đối thủ nặng ký khác như Richard E. Grant (Can You Ever Forgive Me?), Sam Rockwell (Vice), Sam Elliott (A Star Is Born), và Adam Driver (BlacKkKlansman) để càn quyét hạng mục vai nam phụ tại lễ trao giải thưởng Quả cầu vàng, SAG, và BAFTA. Trong khi đó thì ở bên hạng mục giải Oscar cho vai nữ phụ xuất sắc nhất, bộ đôi ở hai đầu “chiến tuyến” trong The Favourite là Emma Stone và Rachel Weisz tưởng như đang có lợi thế với hai vai diễn bổ trợ lẫn nhau một cách tuyệt vời trong một tác phẩm xuất sắc lại đang ở thế chia phiếu của nhau và có nguy cơ bị tụt lại nhất là khi so sánh với vai diễn gây nhiều bất ngờ Lynne Cheney của Amy Adams trong Vice, cái tên mới gây chú ý Marina de Tavira của Roma, và đặc biệt là ngôi sao nữ Regina King của If Beale Street Could Talk – người chiến thắng hạng mục này ở giải thưởng Quả cầu vàng và có một vai diễn phù hợp với xu hướng tập trung vào đề tài sắc tộc, chính trị đang thịnh hành ở Hollywood hơn là hình ảnh cung phi trong triều đình Anh mà Stone và Weisz (người giành giải BAFTA cho vai nữ phụ xuất sắc) thủ vai.

Trong các hạng mục đáng chú ý còn lại, trong một năm hiếm hoi hạng mục phim hoạt hình hay nhất còn giữ được sự cạnh tranh đến phút cuối cùng, hẳn người yêu điện ảnh sẽ hài lòng với bất cứ lựa chọn nào của Viện Hàn lâm cho dù đó là siêu phẩm mới nhất của ông lớn Pixar Incredibles 2, tác phẩm mới đầy cá tính của Wes Anderson Isle of Dogs, hay bộ phim được đánh giá là tác phẩm hàng đầu trong thể loại siêu anh hùng Spider-Man: Into the Spider-Verse do bộ đôi “gà đẻ trứng vàng” của hãng Sony là Phil Lord và Christopher Miller sản xuất. Nhìn vào danh sách các ứng viên của hạng mục này năm nay, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng 2018 là một năm bội thu của dòng phim hoạt hình, khi mà ngay cả những bộ phim “yếu thế” hơn trong cuộc đua giải thưởng nếu so với Spider-Man: Into the Spider-Verse (97 điểm quy đổi), Isle of Dogs (61 điểm), và Incredibles 2 (39 điểm) như Mirai của đạo diễn Nhật Bản Mamoru Hosoda (15 điểm) hay tác phẩm bom tấm hoạt hình của Disney Ralph Breaks the Internet (24 điểm) cũng đều là những tác phẩm hấp dẫn cho cả người lớn và trẻ nhỏ. 

Tương tự như hạng mục phim hoạt hình, hạng mục phim nói tiếng nước ngoài cũng vẫn là một câu hỏi ngỏ khi mà chưa chắc Roma đã có thể làm nên lịch sử là vừa giành được giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, vừa được đề cử (hoặc thậm chí là giành) tượng vàng Oscar cho phim hay nhất. Đó là vì đối đầu với Roma còn là những ứng viên nặng ký khác như bộ phim giành giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes Shoplifters của đạo diễn chuyên trị phim tác giả của Nhật Hirokazu Kore-eda, bộ phim Cold War của đạo diễn người Ba Lan từng chiến thắng ở hạng mục này Paweł Pawlikowski, và hai ẩn số Capernaum của Li-băng và Never Look Away của Đức – tác phẩm được đánh giá rất cao về kỹ thuật quay phim và là đề cử hiếm hoi của điện ảnh Đức ở hạng mục quay phim xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar.

Tuy được đề cử ở hạng mục quay phim nhưng khó có khả năng nhà quay phim Caleb Deschanel của Never Look Away có thể vượt qua Alfonso Cuarón – người đảm nhận luôn cả vai trò quay phim cho Roma và nhờ đó đã giành chiến thắng ở hạng mục này trong giải thưởng quan trọng BAFTA vừa qua đồng thời bỏ xa các đối thủ khác trên bảng quy đổi điểm của Metacritic ở hạng mục quay phim với 90 điểm. Đề cử ở hạng mục quay phim chỉ là một trong số 10 đề cử ở giải Oscar năm nay của Roma – một trong hai tác phẩm dẫn đầu về số đề cử cùng với The Favourite. Điều ngạc nhiên là Roma lại vắng bóng ở hạng mục quan trọng biên tập phim xuất sắc nhất – hạng mục từng nhiều năm được coi là chỉ dấu cho tác phẩm sẽ giành tượng vàng Oscar cuối cùng của lễ trao giải cho phim hay nhất. Đang chiếm ưu thế chút ít ở hạng mục này là The Favourite nếu so với các ứng viên khác là BlacKkKlansman, Vice, Bohemian Rhapsody và Green Book

Tuy có hạng mục đã gần như chắc chắn người nhận giải, và nhiều hạng mục vẫn còn đang là những câu hỏi mở cho giới dự đoán và người hâm mộ, có một điều chắc chắn là đêm trao giải Oscar lần thứ 91 sắp tới vẫn sẽ thu hút sự chú ý của người xem, vốn một phần tò mò xem một bộ phim lấy bối cảnh Mexico về những con người Mexico như Roma có thể chiến thắng hay không trong bối cảnh tổng thống Donald Trump đang quyết liệt đòi xây tường ngăn cách Hoa Kỳ và Mexico để chống người nhập cư bất hợp pháp. Nhưng một phần khác, người xem cũng rất đang tò mò về khả năng tổ chức thành công một đêm trao giải hoành tráng của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ khi mà tỷ lệ người xem trực tiếp chương trình này đang ngày càng giảm sút, và những rắc rối liên quan tới người dẫn chương trình “hụt” của năm nay là Kevin Hart đã khiến Viện Hàn lâm phải bất đắc dĩ đưa ra tuyên bố đây sẽ là lễ trao giải Oscar đầu tiên sau nhiều thập niên không sử dụng người dẫn chương trình mà chỉ có các ngôi sao trực tiếp lên đọc và trao giải. Dù vậy thì nói gì thì nói, giải Oscar vẫn là nơi tôn vinh những bộ phim hay, những ý tưởng đẹp, và chúng ta hãy hy vọng rằng những cái tên được xướng lên trong lễ trao giải năm nay cũng sẽ là những đại diện xứng đáng nhất cho mục tiêu này của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ.

=====

Bản đã biên tập trên Zing.

Kim Ki-duk (1960 - 2020)


Một người đàn ông phải bỏ quê hương ra đi ở cái tuổi gần lục tuần vì vô số bê bối và ghét bỏ, phải lang thang tìm lấy một chỗ trú chân nơi đất khách quê người, để rồi phải trút hơi thở cuối cùng vì thứ bệnh dịch chẳng ai ngờ tới, tại một bệnh viện xa lạ, ở một đất nước xa lạ, trong cảnh đơn độc không người thân bên cạnh. Với những người yêu phim của Kim Ki-duk - một trong những gương mặt nổi bật nhất của điện ảnh Hàn Quốc từ thập niên 1990 trở lại đây thì câu truyện nói trên hoàn toàn có khả năng trở thành cái tứ cho một nhân vật nam chính trong một tác phẩm bạo liệt và giàu tính biểu tượng của đạo diễn này. Nhưng có lẽ chẳng ai có thể ngờ rằng đó lại chính là cái kết cho cuộc đời của chính Kim Ki-duk - nhà làm phim của những sự mâu thuẫn. 

Là những người "già" nhất trong số các nhà làm làm phim thế hệ 6x đã làm rạng danh cho điện ảnh Hàn Quốc như Bong Joon-ho, Park Chan-wook, hay Kim Jee-woon, Kim Ki-duk và Hong Sang-soo cũng là hai trong số đạo diễn hiếm hoi của thế hệ này được đào tạo ở nước ngoài để rồi mang về nước một tâm thế và phong vị làm phim hết sức khác biệt. Nhưng khác với sự mộc mạc và mềm mại của Hong Sangs-soo, xuyên suốt cả sự nghiệp, từ những tác phẩm đầu tay như Crocodile (1996), Bad Guy (2001), cho đến khiến người yêu phim thế giới phải chú ý với Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring (2003), The Bow (2005), và cả khi đứng trên đỉnh cao danh vọng với Pietà (2012), Kim Ki-duk luôn trung thành với dòng phim độc lập kinh phí thấp với truyện phim bạo liệt về những góc tăm tối nhất của con người và xã hội Hàn Quốc, nhưng chưa bao giờ thiếu vắng những hình ảnh ẩn dụ mang đầy tính biểu tượng về nhân tính. Theo dõi các nhân vật trong phim của Kim Ki-duk, đặc biệt là các nhân vật nam xuất thân nghèo khó, gai góc, bị xã hội hiện đại Hàn Quốc đẩy ra ngoài lề, khán giả dường như cũng thấy được một phần cuộc đời của chính người đạo diễn đi lên từ những công việc chân tay trước khi quyết tâm sang Paris bán tranh dạo, học điện ảnh, rồi quay về với một góc nhìn điện ảnh đậm chất Tây Phương tới mức luôn bị coi là người đứng ngoài những trào lưu chủ đạo của điện ảnh Hàn Quốc. Với khẩu vị công chúng Hàn Quốc vốn thường rất hoạt ngôn và yêu thích những khung hình trau chuốt, đẹp đẽ trên màn ảnh rộng, những nhân vật vô cùng kiệm lời nhưng lại thừa thãi bạo lực của Kim Ki-duk như trong Bad Guy hay 3-Iron (2004) có lẽ không thực sự phù hợp. Việc đa phần các nhân vật nữ trong các tác phẩm như The Isle (2000) của đạo diễn sinh năm 1960 đều ở "chiếu dưới", là cái bia hứng chịu sự thịnh nộ, vô tình từ phía các nhân vật nam chính lại càng khiến Kim Ki-duk trở thành một cái gai trong mắt giới phê bình, người xem, và đặc biệt là các nhà hoạt động xã hội, hoạt động vì nữ quyền ở Hàn Quốc. Vì vậy chẳng ngạc nhiên khi các tác phẩm "khó hiểu", "khó xem" của Kim Ki-duk hầu như đều thất bại nặng nề về mặt doanh thu ở thị trường Hàn Quốc tới mức đạo diễn từng thề sẽ không bao giờ phát hành phim của mình trong nước nếu Time (2006) không bán nổi 300.000 vé để rồi phải chứng kiến con đẻ của mình thu về vỏn vẹn 28.000 vé trong khi The Host của đạo diễn đồng lứa Bong Joon-ho thu về tới gần 11 triệu vé cũng trong năm 2006. 

Thất bại trong nước, nhưng ngôn ngữ điện ảnh giàu tính biểu tượng, lại mang tính cá nhân hoá cao độ và có hơi hướm của văn hoá - xã hội Hàn Quốc vốn chưa thực sự được phương Tây biết tới và quan tâm trong những năm đầu thiên niên kỷ mới đã lại giúp Kim Ki-duk trở thành con cưng của các liên hoan phim quốc tế. Chỉ riêng năm 2004, đạo diễn họ Kim đã giành cả hai giải đạo diễn xuất sắc nhất tại hai liên hoan phim uy tín Berlin và Venice cho Samaritan Girl và 3-Iron - hai tác phẩm được quay trong thời gian vỏn vẹn hai tuần dựa từ nguồn tài chính ít ỏi nhờ bán quyền phân phối ở thị trường quốc tế. Trớ trêu thay, vinh quang trên trường quốc tế lại chính là điều giới làm phim Hàn Quốc nói riêng, và người dân Hàn Quốc nói chung thèm muốn, bởi họ muốn thế giới phải nhận ra rằng Hàn Quốc có một nền điện ảnh không hề thua kém bất cứ quốc gia có bề dày văn hoá nào khác. Bởi vậy mà khi Kim Ki-duk làm nên lịch sử cho điện ảnh Hàn khi Pietà trở thành tác phẩm đầu tiên của Hàn Quốc đứng trên bục cao nhất của một trong bộ ba liên hoan phim hàng đầu Cannes-Berlin-Venice với tượng Sư tử vàng tại Venice, cả báo giới và người hâm mộ điện ảnh Hàn Quốc đã rơi vào thế hết sức khó xử bởi người đem Hàn Quốc đến với thế giới lại là một cái tên không được người Hàn yêu thích, thông qua một tác phẩm chẳng mang chút dấu ấn Hàn Quốc nào theo những tiêu chuẩn thông thường của công nghiệp điện ảnh nước này. 

Sau Pietà Kim Ki-duk vẫn không ngơi nghỉ với việc làm phim, khi gần như mỗi năm ông lại cho ra đời một, hai, thậm chí là ba tác phẩm. Nhưng đa phần các tác phẩm này không để lại nhiều dấu ấn, ngược lại một trong số đó - bộ phim Moebius (2013) lại chính là điểm khởi đầu cho sự sụp đổ của sự nghiệp Kim Ki-duk tại thị trường trong nước khi một trong số các diễn viên nữ của phim vào năm 2017 đã tố cáo đạo diễn họ Kim đã tấn công và chèn ép cô trong quá trình làm phim. Vốn chưa từng yêu thích vị đạo diễn lập dị, lại liên tiếp được đọc những sự việc như vậy về Kim Ki-duk trong bối cảnh trào lưu nữ quyền #MeToo nở rộ tại Hàn Quốc, công chúng Hàn Quốc đã quay lưng hoàn toàn với Kim Ki-duk tới mức ông phải chuyển hướng sang hoạt động ở các nước phương Bắc, để rồi phải đột ngột bỏ mình như hàng triệu người khác trên khắp thế giới vì COVID-19, khi đang tìm kiếm cho mình một nơi ở mới tại quốc gia lạnh lẽo Latvia. 

Chắc chắn không hề là chủ định, nhưng Kim Ki-duk đã chọn cho mình một cái kết có phần gợi nhớ đến số phận của rất nhiều các nhân vật trong phim của ông - độc hành ở cuối đường đời bị cắt ngắn đột ngột, khi đang tìm kiếm một hy vọng mới, một hạnh phúc mới. Với người dân và báo giới Hàn Quốc, có lẽ cái chết đột ngột của Kim Ki-duk không mang lại nhiều cảm xúc. Từ lâu đã là con cừu đen lạc loài trong nền điện ảnh Hàn Quốc, Kim Ki-duk từ vài năm trở lại đây đã bị ghi vào sổ đen vì những tố cáo tấn công tình dục và các tác phẩm bị liệt vào dạng lạc hậu, thụt lùi vì cách khắc hoạ các nhân vật nữ đi ngược lại với những nguyên tắc của chủ nghĩa nữ quyền thời kỳ hậu #MeToo. Người Hàn cũng chẳng còn cần một Kim Ki-duk người-hùng-của-điện-ảnh-Hàn-Quốc bởi giờ đây họ đã có Bong Joon-ho - một đạo diễn 6x khác với những bộ phim hết sức Hàn Quốc, cực kì ăn khách, và đặc biệt là đã đem về cho Hàn Quốc một loạt tượng vàng Oscar - những điều Kim Ki-duk chưa bao giờ, và sẽ chẳng bao giờ với tới được. Ngay cả với người yêu điện ảnh nói chung, Kim Ki-duk cũng là một cái tên gây tranh cãi bởi một phía cho rằng các tác phẩm của ông giàu chất triết lý với những câu truyện và nhân vật cực kì đặc sắc, đáng nhớ, còn phía kia lại cho rằng đó là thứ triết lý nông cạn, với tính biểu tượng nửa vời, và các nhân vật bị gò ép quá mức. Nhưng dù yêu, hay ghét Kim Ki-duk, có lẽ chẳng ai có thể phủ nhận được rằng các bộ phim của ông, dù cực kì bạo liệt như The Isle, hay nhẹ nhàng, mềm mại đến bất ngờ như Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring đã để lại trong lòng mỗi người xem một chút gì đó để nhớ, để suy ngẫm về thân phận con người, về cách thức người với người nên đối xử với nhau để dù trong hoàn cảnh tăm tối nhất chúng ta vẫn không cảm thấy cô độc. Xin tạm biệt ông, Kim Ki-duk. 

======

Bản đã biên tập trên Zing.

mardi 29 décembre 2020

Diego Maradona (2019)

 


Với người hâm mộ bóng đá nói chung, Diego Maradona luôn được coi là một huyền thoại với cái chân trái huyền ảo và vô số những thành tích, kỷ lục trong lịch sử bóng đá thế giới. Nhưng với người dân Napoli - thành phố biển miền Nam nước Ý, Diego Maradona còn vĩ đại hơn thế - ông là vị Thánh cứu thế đã đưa đội bóng yêu quý của thành phố lên đỉnh cao của nước Ý và thế giới. Là lẽ sống của cả thành phố, là nguồn cảm hứng, là niềm vui cho từng trái tim Napoli trong suốt những năm đeo băng đội trưởng S.S.C. Napoli, để rồi phải cúi đầu ra đi trong sự tủi hận, câu truyện của Diego Maradona với Napoli là một trong những câu truyện giàu cảm xúc và đáng nhớ nhất trong lịch sử bóng đá thế giới, nhưng với người yêu bóng đá nói chung, và đặc biệt là những người trẻ của thiên niên kỷ mới vốn lớn lên với một vầng hào quang mới của bóng đá Argentina - Lionel Messi, thì những cung bậc cảm xúc khó tả của bóng đá Argentina, bóng đá Ý, và bóng đá Napoli thập niên 1980, nguồn cội của sự chia ly giữa Maradona và Napoli, và điểm bắt đầu cho sự sụp đổ của một tượng đài bóng đá như Diego vẫn là một thứ gì đó thực sự mới mẻ. 

Diego Maradona - bộ phim tài liệu mới nhất của đạo diễn người Anh Asif Kapadia chính là lời đáp cho những câu hỏi đó của người hâm mộ bóng đá. Lấy tư liệu từ trên 500 giờ phim chưa từng được công chiếu, Diego Maradona đã đem tới cho người xem một cái nhìn toàn diện về Diego Maradona, từ một cậu nhóc với tài chơi bóng bẩm sinh trên những đường phố của vùng ngoại ô Buenos Aires với ước mơ dùng đôi chân kiếm tiền cải thiện cho cuộc sống khó khăn của gia đình, cho tới một thiên tài trẻ tuổi với khả năng chơi bóng, kiểm soát bóng, và điều khiển trận đấu khiến bất cứ đội bóng nào cũng phải thèm khát, và tất nhiên là cả hình ảnh Diego trong những năm tháng đỉnh cao với màu áo của đội tuyển Argentina và S.S.C. Napoli khi ông sống trong vinh quang sân cỏ, xa hoa phú quý của tiền bạc và ma tuý, và sự soi mói của giới truyền thông cũng như người hâm mộ. 

Asif Kapadia là một cái tên không hề xa lạ với cả giới điện ảnh và người yêu thể thao bởi ông từng giành rất nhiều giải thưởng lớn với bộ phim tài liệu xuất sắc Senna (2010) về huyền thoại của đường đua công thức 1 Ayrton Senna. Ngay sau Senna, Asif Kapadia còn thực hiện một bộ phim tài liệu tiểu sử hết sức thành công khác - Amy (2015) về cuộc đời cô ca sĩ tài hoa nhưng yểu mệnh Amy Winehouse. Chiến thắng giải BAFTA cho phim tài liệu xuất sắc nhất với Senna, và giải Oscar ở cùng hạng mục cho Amy, Kapadia đã chứng minh được rằng bản thân cuộc đời, bản thân góc khuất của những thiên tài yểu mệnh đã là quá đủ để làm nên một câu truyện điện ảnh xuất sắc, những người như Ayrton Senna, hay Amy Winehouse chẳng cần thêm bất cứ thủ pháp kịch tính hoá hay tô hồng nào thêm để người xem nhớ đến họ, cảm nhận được một phần ước mơ, suy tư của họ. Kapadia tiếp cận Diego Maradona theo một cách tương tự. Dù không ra đi ở cái tuổi rất trẻ khi đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp như Senna hay Amy, nhưng Diego Maradona có một câu truyện cũng giàu cảm xúc không kém bởi ông có một cuộc đời áo số đầy thăng trầm, trong đó đặc biệt phải kể tới những năm tháng bão tố khi Diego vừa muốn cống hiến cho thành phố yêu quý Napoli nhưng cũng phải sẵn sàng quay lưng với nước Ý để chiến đấu cho tổ quốc Argentina trên đấu trường World Cup. Chẳng cần nhiều dẫn dắt trong vai trò một người kể chuyện, Asif Kapadia đã để chính những hình ảnh tư liệu, những lời bộc bạch của Maradona vẽ lại từng bước đường đời của người danh thủ và thuật lại cho khán giả vô số những mâu thuẫn trong cuộc đời của Diego. Dành tình yêu vô tận cho gia đình từ thủa bé nhưng sẵn sàng từ chối nhận cậu con trai ngoài giá thú, có tài năng thiên bẩm với bóng đá đẹp nhưng cũng chẳng ngần ngại kết thân với giới mafia, trân quý tình cảm của người hâm mộ bóng đá Napoli nhưng căm ghét đến tận xương tuỷ sự soi mói của công chúng, Diego Maradona là một con người của những mâu thuẫn - những mâu thuẫn được Asif Kapadia lặp đi lặp lại xuyên suốt chiều dài 130 phút của bộ phim tài liệu mới nhất của ông. Đi sâu vào đời tư và các góc khuất của Maradona qua rất nhiều thước phim từ chính chiếc máy cầm tay của Diego và người vợ cũ Claudia, nhưng Kapadia cũng không quên nhắc nhớ người xem về bối cảnh lịch sử và xã hội chung đã tạo nên một huyền thoại mang tên Maradona. Có thể kể tới việc Kapadia lồng thất bại của Argentina trong cuộc chiến giành lại hòn đảo Falklands từ tay người Anh bên cạnh những thước phim về hai bàn thắng đã đi vào lịch sử của Maradona, đặc biệt là bàn thắng "Bàn tay của Chúa", trong chiến thắng của tuyển Argentina trước tuyển Anh tại World Cup 1986 để nhấn mạnh với khán giả rằng đây không chỉ là một chiến thắng mở đường cho Argentina của đội trưởng Maradona tới Cúp Vàng, mà còn là sự động viên tinh thần lớn lao, là niềm tự hào cho cả đất nước Argentina - một sự động viên chỉ Maradona mới có thể đem lại. Cũng chính nhờ cách tiếp cận tương tự, Kapadia đã giúp người xem hiểu được rằng tại sao Maradona - từ vị thế của một Thánh bóng đá ở xứ Napoli, lại bị người dân Napoli quay mặt sau World Cup 1990 bởi họ có thể tha thứ cho các bê bối đời tư của Diego nhưng không bao giờ có thể tha thứ một cầu thủ đã "dám" đánh bại nước Ý trên chính sân nhà, trong giải đấu quan trọng nhất của đất nước vốn ham mê bóng đá chẳng kém gì Argentina này. 

Nếu so với một bộ phim tài liệu tiểu sử xuất sắc khác về cuộc đời Maradona là Maradona by Kusturica (2008) của đạo diễn người Serbia Emir Kusturica thì Diego Maradona của Asif Kapadia có lẽ chưa vẽ được một bức tranh thực sự tổng thể về cuộc đời Diego bởi tác phẩm mới của đạo diễn người Anh không đề cập tới những năm tháng hậu sân cỏ của Diego, hay có những chia sẻ, suy nghĩ của chính Diego và những cái tên đã gắn liền với cuộc đời anh như người vợ cũ Claudia. Nhưng với bất cứ người mộ điệu điện ảnh hay thể thao nào, Diego Maradona vẫn thực sự là một bộ phim tài liệu hay, và chân thực về cuộc đời của một cầu thủ vĩ đại. Bởi qua Diego Maradona, người xem lại càng hiểu được tại sao sau vô số những bê bối đời tư hay rắc rối với luật pháp, Maradona lại vẫn là một huyền thoại. Đơn giản là vì trong suốt cuộc đời mình, Maradona chưa bao giờ mất đi tình yêu chân thành, thậm chí là có đôi chút ngây thơ với trái bóng, và đã luôn cố gắng hết sức để có được những pha bóng đẹp, có được những vinh quang trên sân cỏ, có được những câu truyện đầy cảm hứng về nỗ lực không ngừng nghỉ để vươn tới đỉnh cao bất chấp khó khăn từ mọi phía. Với Maradona, bóng đá là cuộc đời, nhưng cũng bởi thế cuộc đời ông có quá nhiều khúc quanh chẳng thể ngờ tới. Với người hâm mộ, Maradona là hiện thân cho tình yêu bóng đá, và cũng là bài học cảnh giác về cách bất cứ mộ thiên tài nào cũng có thể rơi từ đỉnh cao xuống vực sâu bởi cám dỗ, bởi sự trớ trêu của số phận. Xin cảm ơn Asif Kapadia vì một tác phẩm hay về Maradona, và xin cảm ơn Maradona, vì tất cả.

=====

Bài đã biên tập trên Zing.

dimanche 30 août 2020

Detroit (2017)


Trong lịch sử Hoa Kỳ, chiến thắng của phe Liên bang miền Bắc trước Liên minh chủ nô miền Nam trong Nội chiến Mỹ 1861-1865 thường được coi là một mốc son đánh dấu sự tan vỡ của những gông cùm nô lệ đã đè nặng lên những người Mỹ gốc Phi kể từ những ngày lập quốc. Tuy nhiên, cả thế kỷ sau ngày Tư lệnh quân đội miền Nam Robert E. Lee bỏ vũ khí đầu hàng, những người da màu tự do của nước Mỹ vẫn phải chịu vô số những khổ đau đến từ nạn phân biệt chủng tộc vốn chưa hề biến mất sau cuộc Nội chiến mà chỉ biến tướng thành những hình thức tinh vi hơn, tàn nhẫn hơn để siết chặt lấy cộng đồng người Mỹ gốc Phi từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ có thể là những người lính bán mạng ngoài chiến trường vì sứ mệnh “tự do” của nước Mỹ. Họ cũng có thể là những người thợ ngày ngày cần mẫn vặn từng con ốc, lắp từng khung cửa trong các phân xưởng lắp ráp của thủ phủ ô tô Detroit. Thậm chí họ cũng đã có chút danh tiếng nhờ giọng ca, ngón đàn vốn được các hãng ghi âm toàn-da-màu như Motown đưa đến mọi hang cùng ngõ hẻm của nước Mỹ. Nhưng phần lớn trong số họ vẫn phải sống trong các khu ổ chuột-chỉ-dành-cho-người-da-đen thiếu tiện nghi, thiếu an ninh, thiếu học hành vốn xuất hiện đầy rẫy ở các thành phố công nghiệp như Detroit trong bối cảnh người da trắng đã lùi ra các vùng ngoại vi giàu có để không phải sống cạnh những “người hàng xóm” bị họ coi là những người hạ đẳng. Giấc mơ con đè nát cuộc đời con, người Mỹ gốc Phi những năm giữa thế kỷ 20 chẳng có mấy cơ hội vươn lên đổi đời khi ngày ngày họ phải lo chuyện cơm áo gạo tiền trong cảnh nghèo túng, và tồi tệ hơn thế lại luôn phải chịu sự đàn áp cả về mặt thể xác và tinh thần của đội ngũ cảnh sát vốn đa phần da trắng và luôn thích đem dùi cui, súng ống, bạo lực để “nói chuyện”. Con giun xéo lắm cũng quằn, những năm 60 của thế kỷ trước cộng đồng người da màu Hoa Kỳ đã cất liên tiếng nói phản kháng mạnh mẽ với những cuộc tuần hành, biểu tình rầm rộ đòi quyền-được-làm-người diễn ra trên khắp nước Mỹ do các lãnh đạo tinh thần của người Mỹ gốc Phi như Mục sư Tin lành Martin Luther King hay tu sĩ Hồi giáo Malcolm X. Ngọn lửa căm hờn của người Mỹ gốc Phi cũng dẫn đến 159 cuộc bạo loạn ở các thành phố lớn trên khắp Hoa Kỳ chỉ trong năm 1967, trong đó đẫm máu nhất là cuộc bạo loạn nổ ra ở Detroit tháng 7 năm 1967 khi 43 người đã thiệt mạng, gần 1200 người bị thương, trên 7000 người bị bắt, và hơn 2000 toà nhà bị phá huỷ sau những cuộc đối đầu giữa người biểu tình da màu và lực lượng cảnh sát và thậm chí là vệ binh quốc gia và lính dù chính quy của quân đội Hoa Kỳ.

Cuộc bạo loạn ở Detroit năm 1967 và những bức bối, bất công của xã hội nước Mỹ chính là bối cảnh cho Detroit – tác phẩm được nữ đạo diễn từng giành giải Oscar Kathryn Bigelow thực hiện nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày diễn ra sự kiện đau buồn này. Bộ phim tái hiện lại một góc nhỏ - nhưng hết sức đẫm máu của cuộc bạo loạn năm 1967, đó là những sự kiện xảy ra ở Khách sạn Algiers trong đêm ngày 25 tháng 7 năm 1967 với sự dính líu của một số viên cảnh sát tai tiếng của thành phố Detroit, cũng như là nguồn gốc của nỗi đau chưa bao giờ dứt của rất nhiều người không may có mặt tại Algiers ngày hôm đó. Trong số những nhân chứng của sự kiện đau buồn ấy có Melvin Dismukes (John Boyega), một anh thợ đá da màu kiêm nghề nhân viên an ninh luôn tự tin vào khả năng thương thuyết, “hạ nhiệt” những ông chủ da trắng. Không đến nỗi phải ngày ngày lo nghĩ về miếng ăn và sự an toàn cho bản thân như Dismukes, Larry Reed (Algee Smith) lại được trời phú cho giọng hát trầm ấm của một nghệ sĩ da màu đích thực và chỉ còn cách hợp đồng thu âm với hãng Motown lừng danh có một bài hát với nhóm The Dramatics của anh và người bạn, người trợ lý Fred Temple (Jacob Latimore). Cứng tuổi hơn một chút so với Dismukes, Reed, hay Temple là Karl Greene (Anthony Mackie), một cựu binh trở về từ chiến trường Việt Nam đang phải lưu lại Algiers với hy vọng kiếm được việc làm ở thành phố công nghiệp hàng đầu của nước Mỹ này. Trái ngược với sự già dặn của Greene là nhóm bạn Carl Cooper (Jason Mitchell), Aubrey Pollard (Nathan Davis Jr), Michael Clark (Malcolm David Kelley) và Lee Forsythe (Peyton Alex Smith) và cả hai cô gái da trắng hiếm hoi giữa vô vàn khuôn mặt da màu ở Algiers là Julie Ann Hysell (Hannah Murray) và Karen Malloy (Kaitlyn Dever) – những người trẻ, rất trẻ vốn chỉ muốn tạm thoát khỏi khói lửa, bạo lực của bạo động và đàn áp bằng những điếu thuốc, những điệu nhạc jazz, hay những trò đùa vô thưởng vô phạt trong căn phòng áp mái của khách sạn Algier. Bất chấp việc cả thành phố Detroit đang chìm trong khói lửa, cướp bóc và vô số bạo lực, chẳng ai trong số những người có mặt ở Algiers buổi tối ngày hôm đó có thể ngờ rằng chỉ xuất phát từ một trò đùa như vậy của Carl mà họ sẽ phải chịu đựng một đêm dài trong hoả ngục của khủng bố và bạo lực đến từ những tay cảnh sát da trắng như Philip Krauss (Will Poulter), Ronald August (Jack Reynor), và Robert Paille (Ben O'Toole) – những kẻ mang danh bảo vệ công lý và sự bình an của người dân Detroit nhưng thực tế lại luôn tìm kiếm mọi cơ hội để trút cơn giận dữ, trút sự thèm khát được “trả hận” cho những “người da trắng” bằng đòn roi, thậm chí là sự chết chóc lên đầu những người da đen vô tội.

 

Detroit là một tác phẩm không hề dễ thực hiện bởi bộ phim động chạm tới một giai đoạn hết sức biến động của lịch sử nước Mỹ trong thập niên 1960, lại nói về một câu truyện, một sự kiện thực ra chưa từng có được một câu trả lời hoàn toàn xác đáng đến từ công lý, hay đến từ những người tham gia sự kiện đó. Lời giải thích nào mới là sự thật cho những bi kịch xảy ra trong đêm ngày 25 tháng 7 năm 1967 tại khách sạn Algiers? Ai là người phải chịu trách nhiệm cho bi kịch ấy? Tại sao bi kịch lại xảy ra với Reed, với Greene, với Fred, với Carl, với cả những người da đen khác ở Algiers, ở Detroit, ở trên khắp nước Mỹ? Để giải quyết bài toán phức tạp với rất nhiều câu hỏi, nhiều biến số ấy, nữ đạo diễn Kathryn Bigelow và nhà biên kịch của bà Mark Boal đã sử dụng một kịch bản hết sức linh hoạt, sử dụng một phần dẫn truyện mang tính chuyện kể lịch sử và mở đầu với rất nhiều đại cảnh, kèm theo những cảnh quay, những bức ảnh ghi lại cuộc bạo động năm 1967 để biến Detroit phần nào đó trở thành một bộ phim bán-tài-liệu ghi lại không khí thực sự của thành phố ô tô của nước Mỹ. Nhưng ngay sau phần mở đầu mang tính tạo dựng tiền đề, tạo dựng không khí và chuẩn bị tinh thần cho khán giả - kể cả những người chưa từng đọc, từng nghe về sự bất công truyền đời của số phận những người da màu sống trên đất Mỹ để họ có thể hiểu hơn những bối cảnh của đêm bi kịch tại Algier, Bigelow lập tức thu hẹp bối cảnh của Detroit nhưng đồng thời cũng tăng dần mức độ bạo liệt, nhịp độ căng thẳng của bộ phim để người xem có thể phần nào đó trải nghiệm cảm giác ở trong hoả ngục của những nạn nhân trong buổi tối định mệnh ấy. Cảm giác ngột thở với những thước phim đầy rẫy máu, đẫy rẫy bạo lực và luôn căng như dây đàn không phải là điều xa lạ đối với những khán giả từng yêu thích các bộ phim hành động, chiến tranh của nữ đạo diễn đã cận kề tuổi 70 Kathryn Bigelow như Point Break (1991), K-19: The Widowmaker (2002), Zero Dark Thirty (2012) và đặc biệt là bộ phim về những tay phá bom trong chiến tranh Iraq The Hurt Locker (2008) – tác phẩm giúp Bigelow trở thành nữ đạo diễn đầu tiên và cho đến nay vẫn là duy nhất giành được giải thưởng Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất. Nhưng Detroit không chỉ dừng lại ở việc mô tả sự lạnh lẽo, vô nhân tính của các hành động bạo lực, hay cảm giác nhỏ bé, mỏng manh của con người khi phải đứng trên ranh giới giữa sự sống và cái chết, bạo lực và kịch tính cao độ trong bộ phim chỉ là chất liệu, là cái cớ để Bigelow dần dần gợi mở cho khán giả lý do vì sao dù cả thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày Robert E. Lee phải đầu hàng trong Nội chiến Mỹ, dù người da màu đã dành được vô số thành tựu, đã đóng góp biết bao mồ hôi xương máu cho sự thịnh vượng của nước Mỹ, họ vẫn chỉ là những công dân hạng hai, những nạn nhân truyền đời, truyền kiếp cho nạn phân biệt chủng tộc của người Mỹ da trắng, của một nền công lý chưa bao giờ đứng về phía họ, của giới cảnh sát thừa quyền lực, thừa vũ khí nhưng thiếu tình người, thiếu sự thấu hiểu.

 

Thật khó có thể nói Detroit là một tác phẩm hoàn hảo. Phần diễn xuất trong phim không thực sự để lại nhiều ấn tượng dù bộ phim có sự xuất hiện của một số gương mặt tiềm năng như John Boyega – Finn của loạt phim Star Wars, Jason Mitchell - Eazy-E trong Straight Outta Compton (2015), hay Anthony Mackie – siêu anh hùng Falcon trong loạt phim siêu anh hùng của Marvel. Cách mô tả hình ảnh những người da đen luôn ở vào thế bị động, yếm thế xuyên suốt bộ phim cũng khiến Detroit vấp phải những chỉ trích về việc liệu nữ đạo diễn da trắng Bigelow có thực sự mô tả đúng những gì đã xảy ra ở Detroit năm 1967. Những điểm yếu này của Detroit, cùng chủ đề khá nặng nề và không thực sự được nhiều người biết đến của bộ phim đã khiến tác phẩm mới nhất này của Kathryn Bigelow chìm nghỉm sau khi công chiếu trước sự cạnh tranh của những tác phẩm siêu anh hùng, hay thậm chí là những bộ phim cũng nói về nạn phân biệt chủng tộc tại nước Mỹ nhưng khắc hoạ người da đen một cách chủ động, hào sảng như The Help (2011), Selma (2014), Straight Outta Compton hay gần đây nhất là bộ phim giành giải Oscar cho phim hay nhất Moonlight (2016). Có lẽ gần gũi hơn cả với Detroit là bộ phim về số phận bi thảm của những người nô lệ da đen trong buổi đầu lập nước của Hoa Kỳ 12 Years a Slave (2013) – một tác phẩm khác cũng từng được trao giải Oscar cho phim hay nhất. Nhưng khác với tác phẩm của đạo diễn da màu người Anh Steve McQueen vốn cực kì thành công cả ở phòng vé và tại các giải thưởng lớn, Detroit ra mắt công chiếu và chẳng để lại nhiều tiếng vang, bất chấp việc tác phẩm này ra đời trong không khí chính trị ngày một sục sôi của nước Mỹ ở vào thời điểm giao thời giữa chính quyền của tổng thống Barrack Obama – người da đen đầu tiên trở thành lãnh đạo nước Mỹ và Donald Trump – người bị báo chí, các nhà hoạt động cánh tả, và thậm chí là nhiều ngôi sao điện ảnh Hollywood cáo buộc là đã dung túng cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trỗi dậy trở lại ở Hoa Kỳ. Đây quả thực là một điều hết sức đáng tiếc, bởi rất hiếm có một tác phẩm khắc hoạ một cách trực diện, rõ ràng, và chi tiết nguồn gốc, chân tướng, cũng như hậu quả của nạn phân biệt chủng tộc, đặc biệt là của giới cảnh sát Hoa Kỳ đối với người da màu sống ở xứ sở cờ hoa này. Có thể nói không ngoa rằng chỉ cần xem Detroit, khán giả sẽ có thể phần nào hiểu được tại sao những bi kịch như đêm kinh hoàng ở Algiers vẫn cứ lặp lại với người Mỹ gốc Phi một trăm năm, một trăm năm mươi năm và có lẽ còn nhiều năm sau nữa kể từ thời điểm kết thúc Nội chiến Hoa Kỳ.

 

Cuộc bạo động ở Detroit năm 1967 được coi là đỉnh điểm của Mùa hè nóng bỏng năm 1967 trong lịch sử nước Mỹ khi tổng thống Lyndon B. Johnson – người được coi là có những đóng góp đáng kể giải quyết tình trạng bất bình đẳng ở Hoa Kỳ nhờ chính sách “Great Society” - phải đối mặt với vô số cuộc biểu tình, bãi công, bạo động đòi bình quyền cho người da màu. Hơn nửa thế kỷ sau Mùa hè nóng bỏng ấy, những ngày đầu hè năm 2020 nước Mỹ lại chứng kiến vô số những cuộc biểu tình và cả bạo động đòi lại công bằng, đòi lại công lý cho những người da đen như George Floyd – những người đã phải bỏ mạng bởi nhiều lý do khác nhau dưới bàn tay của cảnh sát Mỹ. Nhiều người đã chỉ trích rằng chính những phát ngôn, và hành xử của tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã tạo điều kiện để những bi kịch như cái chết của Floyd xảy ra ở nước Mỹ. Nhưng cũng có lập luận nói rằng kể cả dưới thời tổng thống da màu Obama, thì Hoa Kỳ cũng vẫn phải chứng kiến những bi kịch như thế - những bi kịch đã dẫn đến các cuộc bạo loạn ở Ferguson năm 2014, ở Baltimore năm 2015, hay cuộc thảm sát cảnh sát ở Dallas dưới họng súng bắn tỉa của Micah Xavier Johnson năm 2016. Trước đó nữa là cuộc bạo loạn khiến hàng chục người chết và khiến chính quyền phải cậy nhờ tới sự can thiệp của quân đội Mỹ tại Los Angeles năm 1992. Và xa hơn nữa là chính cuộc bạo động ở Detroit năm 1967 – một sự kiện mà quân đội Mỹ cũng phải góp mặt để ổn định tình hình. Vậy lý do là ở đâu? Vậy cảnh sát hay những người tham gia bạo loạn là người có lý? Đó là câu hỏi chưa ai có thể đưa ra một lời giải thích thực sự thoả đáng, nhưng là câu hỏi Kathryn Bigelow đã thực sự dũng cảm tìm cách trả lời thông qua đứa con nghệ thuật đầy bạo liệt Detroit bất chấp việc bà nhẽ ra có thể nghỉ hưu, hoặc lựa chọn những bộ phim siêu anh hùng nhẹ nhàng, nhiều màu sắc, giàu lạc quan hơn để đạo diễn. Đen tối, nhuốm màu bi kịch, chẳng ánh lên chất lạc quan hào sảng, Detroit có lẽ là một tác phẩm không hề dễ xem với những khán giả muốn tìm thấy cho mình sự giải trí, sảng khoái ở rạp chiếu phim. Nhưng với bất cứ ai muốn hiểu hơn về những ung nhọt của nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn hiển hiện ở nước Mỹ, muốn cảm nhận được lý do tại sao các cuộc biểu tình đòi bình quyền đã và vẫn sẽ diễn ra dù cho ai là tổng thống của nước Mỹ, muốn tìm cho mình lời giải thích thoả đáng cho việc người da màu phải dùng tới bạo lực để nói lên tiếng nói phản kháng trong một xã hội vốn luôn đề cao chủ nghĩa dân chủ-phi-bạo-lực như của Hoa Kỳ, thì Detroit là tác phẩm xuất sắc để thưởng thức. Thật tiếc là Detroit đã không có được sự chú ý bộ phim này xứng đáng được hưởng khi ra mắt, nhưng hy vọng rằng với giá trị nhập thế, với sự nhức nhối về một tiếng nói lương tri cho số phận những người da đen trong lòng xã hội nước Mỹ, bộ phim của đạo diễn Kathryn Bigelow này sẽ còn được người xem nhớ tới, nhắc tới như một tác phẩm xuất sắc về nạn phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ.


==============


Bài đã biên tập trên Zing.

Da 5 Bloods

 


Tuy chỉ chiếm 10% dân số Hoa Kỳ trong những năm 60 của thế kỷ trước, nhưng có tới gần 40% trong số binh sĩ Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Năm người trong số đó – năm người bạn thân nhau như anh em Paul (Delroy Lindo), Otis (Clarke Peters), Eddie (Norm Lewis), Melvin (Isiah Whitlock Jr.), và Norman "Stormin' Norm" Holloway (Chadwick Boseman) đã kề vai sát cánh trong những mặt trận khốc liệt nhất của quân Mỹ như tại Chiến dịch Junction City và nhiều trận đánh khác nằm sâu trong các cánh rừng nhiệt đới của miền Nam Việt Nam. Trong một chiến dịch giải cứu một chiếc máy bay chở hàng bí mật của CIA viện trợ cho những nhóm người thiểu số chống Cộng bị rơi giữa vùng rừng núi miền Nam, chiếc trực thăng trở năm chiến hữu thân nhau như máu thịt bị quân giải phóng bắn hạ. Giữa làn mưa đạn của đối thủ gan dạ và khôn ngoan, Norm và bốn người anh em phát hiện ra món hàng bí mật của CIA – một thùng thiếc chứa đầy vàng khối. Quyết định giữ lại số vàng để chia sẻ cho những người thân, những người bạn cùng màu da đang bị áp bức nơi quê nhà, năm người bạn quyết định chôn giấu số vàng tại nơi máy bay rơi và tìm đường thoát về căn cứ rồi chờ cơ hội quay trở lại thu lại số của cải “lẽ ra phải thuộc về họ”. Paul, Otis, Eddie, và Melvin cuối cùng cũng trở về quê hương nguyên vẹn về mặt thể xác dù tồn thương nặng nề về tinh thần, nhưng Norm – tay súng thiện nghệ nhất và cũng là thủ lĩnh tinh thần của nhóm mãi mãi nằm lại giữa núi đồi của đất nước châu Á xa lạ.

 

Cả nửa thế kỷ sau ngày trở về Hoa Kỳ trong nỗi tủi nhục của những kẻ thất trận và cầm súng giết người trong một cuộc chiến vô nghĩa của nước Mỹ, bốn mẩu còn lại của năm người anh em mới có cơ hội bay sang Việt Nam để tìm lại hài cốt của Norm, và quan trọng hơn là lấy bằng được số vàng trị giá hàng chục triệu đô la đang nằm đâu đó dưới đất đá miền Nam Việt Nam. Không chỉ già nua, yếu đuối hơn, nửa thế kỷ cũng đã biến bốn người bạn thân năm xưa trở thành những số phận hết sức khác nhau. Người có vẻ giàu có nhờ việc buôn bán ô tô và vì thế có tâm thế thảnh thơi, hào phóng như Eddie, người lại có cuộc sống chẳng mấy dễ dàng và luôn bị ám ảnh bởi những bi kịch năm xưa như Paul, và cũng có người thì dù sau bao năm xa cách vẫn nhớ về người phụ nữ Việt tên Tiên (Lê Y Lan) năm nào như Otis. Nhưng hai mục đích chung – hài cốt của Norm và số vàng của CIA đã là quá đủ để tiếp cho họ sức mạnh, kéo họ lại gần nhau trong cuộc hành trình tìm lại quá khứ. Với sự giúp đỡ của anh chàng giáo viên David (Jonathan Majors) – con trai của Paul, người hướng dẫn viên tên Vinh (Johnny Trí Nguyễn), và cả tay cò mồi người Pháp (Desroche), những người đồng đội cũ dần tiến đến gần với cái đích họ mong muốn. Nhưng cuộc bộ hành vất vả trong các cánh rừng nguyên sơ, cùng những bất ngờ chẳng ai có thể ngờ tới đã khiến những người lính năm xưa nhận ra rằng họ chưa bao giờ có thể gột bỏ hoàn toàn di chứng của chiến tranh, di chứng của tệ áp bức – phân biệt chủng tộc mà họ từng chịu đựng, mà cha ông họ đã từng phải chịu đựng.

 

Da 5 Bloods là bộ phim mới nhất của đạo diễn người Mỹ gốc Phi Spike Lee – người mới đánh dấu sự trở lại trong phong độ làm phim với BlacKkKlansman (2018). Đây cũng là bộ phim đầu tiên Spike Lee làm cho Netflix – hãng chiếu phim trực tuyến đang bỏ rất nhiều tiền của cho các đạo diễn hàng đầu như Martin Scorsese (với The Irishman) hay anh em nhà Coen (với The Ballad of Buster Scruggs) làm các tác phẩm điện ảnh hoành tráng, có chất lượng cao chỉ để chiếu trên kênh phim trực tuyến của Netflix và qua đó nhằm nâng tầm cho hình thức phát hành vẫn còn vấp phải sự phản đối từ giới làm phim truyền thống này. Một ưu thế lớn của các bộ phim được Netflix trình chiếu trực tuyến là các đạo diễn có phong cách rất riêng như Scorsese hay Spike Lee thường được trao gần như toàn quyền về nội dung kịch bản và thời lượng phim – hai yếu tố luôn được nhấc lên đặt xuống trong các bộ phim chiếu rạp truyền thống. Chẳng thế mà The Irishman dài tới 209 phút trong khi Da 5 Bloods tuy “ngắn hơn” nhưng cũng có thời lượng lên tới 155 phút – vượt xa BlacKkKlansman (135 phút) hay các tác phẩm xuất sắc trước đó của Spike Lee như Inside Man (2006, 129 phút), 25th Hour (2002, 135 phút), hay Do the Right Thing (1989, 120 phút). Nhưng dài hơn không có nghĩa là tốt hơn, bởi khi xem Da 5 Bloods người xem sẽ thấy một tác phẩm có phần kịch bản tương đối lê thê ở nửa đầu phim với các phân đoạn chậm rãi không thực sự có tính kết nối hay ý nghĩa với phần kết bùng nổ của phim. Một phần lý do cho việc Da 5 Bloods rất dài có lẽ là vì Spike Lee muốn đưa rất nhiều chi tiết, chủ đề, thông điệp vào nội dung phim – từ tính chất phi nghĩa của sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, cho tới nỗi đau kéo dài của người da màu tại Hoa Kỳ bởi nạn phân biệt chủng tộc vốn chưa bao giờ bị dập tắt, hay các căng thẳng, xung đột về mặt chính trị giữa chính những người Mỹ với nhau sau khi Donald Trump trúng cử tổng thống Hoa Kỳ, và thậm chí là cả những chi tiết về nạn lạm dụng thuốc giảm đau đang cướp đi sinh mạng của rất nhiều người Mỹ. Quá nhiều chủ đề, quá nhiều chi tiết khiến người xem khó lòng có thể xếp thể loại cho Da 5 Bloods, bởi bộ phim có rất nhiều bi kịch, máu, và nước mắt, nhưng cũng lại có những phân đoạn thuần tuý mang tính hành động, một vài cảnh quay nửa tình cảm nửa sướt mướt, và cả những chi tiết có vẻ hài hước không mấy ăn nhập với nhịp điệu chung của phim. Có thể Spike Lee có ý đồ riêng của ông khi cùng với Kevin Willmott (đồng tác giả kịch bản BlacKkKlansman với Lee) viết lại kịch bản gốc của Danny Bilson và Paul De Meo sáng tác từ năm 2013 và dồn tất cả những nội dung kể trên vào 155 phút của Da 5 Bloods, nhưng với khán giả đã từng yêu thích các bộ phim hài châm biếm hay hành động, tâm lý tinh tuyền của ông, thì một tác phẩm với thời lượng ngắn hơn, nhưng tập trung hơn, rõ thông điệp hơn có lẽ cũng không phải là một lựa chọn tồi.

 

Một điểm đáng tiếc khác cho kịch bản dài nhưng thiếu trọng tâm của Da 5 Bloods đó là việc thông điệp chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, về giá trị, phẩm giá của những người da màu ở Mỹ - vốn đang là thông điệp chủ đạo của phong trào Black Lives Matter đang sôi nổi ở Mỹ đã phần nào đó bị pha loãng bởi vô số những nội dung không kém phần quan trọng và ý nghĩa khác được nhắc đến trong phim. Rõ ràng Spike Lee không thể bắt khán giả nhập tâm nội dung chính trị mang hơi thở thời đại này của Da 5 Bloods – vốn được nhấn rất mạnh ở phần cuối của phim khi mà xen kẽ giữa các cảnh phim là rất nhiều thước phim tài liệu gây sốc nhắc đến tội ác của lính Mỹ ở Việt Nam, nhắc đến sự tàn khốc của cuộc chiến đã khiến hơn hai triệu người Việt Nam phải bỏ mạng. Phân tâm giữa một bên là tiếng nhạc réo rắt từ bài ca What´s Going On của Marvin Gaye và một bên là chất giọng truyền cảm của phát thanh viên huyền thoại Hanoi Hannah (Ngô Thanh Vân) hay những lời tâm sự bâng quơ về sự vô nghĩa của chiến tranh của Vinh, có lẽ không người xem nào lại không thắc mắc rằng cuối cùng Da 5 Bloods là một tác phẩm phản chiến, chống phân biệt chủng tộc, hay đơn giản là cuộc du hành vào địa ngục của những tâm hồn bị tổn thương vì quá khứ và kích động bởi lòng tham luôn có trong sâu thẳm mỗi con người. Kịch bản thiếu trọng tâm cũng khiến việc xây dựng các nhân vật trong phim bị ảnh hưởng khi mà kể cả những nhân vật chiếm thời lượng lớn trên khung hình như Paul, như David cũng không thực sự để lại nhiều ấn tượng hay giúp khán giả thấu hiểu hơn về nguồn cội tâm hồn của họ, trong khi những nhân vật hoàn toàn có cơ sở để khai thác nhiều hơn như Otis, như Eddie, như Melvin lại không có được đất diễn cần thiết, có được câu truyện cần thiết để ghi dấu ấn trong lòng khán giả.


Vốn luôn giữ phong cách làm phim độc lập cho dù đã thành danh, Spike Lee thường không tham gia đạo diễn các bộ phim bom tấn, hay sử dụng quá nhiều ngôi sao điện ảnh cho các tác phẩm của mình. Tuy là tác phẩm tốn kém bậc nhất trong sự nghiệp Da 5 Bloods của Lee cũng chỉ tiêu tốn của Netflix chưa đầy 50 triệu đô la Mỹ, và hoàn toàn vắng bóng các tên tuổi hạng A của Hollywood ngoại trừ Chadwick Boseman trong một vai trọng tâm nhưng không chiếm quá nhiều thời lượng lên hình. Nhưng khác với BlacKkKlansman – nơi các gương mặt mới như John David Washington và Adam Driver thực sự toả sáng, các diễn viên trong Da 5 Bloods chỉ đem lại cho khán giả không nhiều những giờ phút đáng nhớ về chất lượng diễn xuất, đặc biệt là trong những trường đoạn cao trào, bạo liệt của phim. Việc Spike Lee đưa vào Da 5 Bloods rất nhiều cảnh quay phản chiếu hay gợi nhớ tác phẩm kinh điển Apocalypse Now (1979) của Francis Ford Coppola – một tác phẩm cũng nói về tác động tàn khốc của chiến tranh Việt Nam lên lương tri, nhân cách của con người lại chỉ càng làm bật lên chất lượng không quá đặc biệt về mặt diễn xuất của Da 5 Bloods bởi Delroy Lindo trong vai Paul dù cố gắng rất nhiều vẫn không gây ấn tượng lớn đối với khán giả chứ đừng nói đến việc so sánh với hình ảnh huyền thoại Thượng tá Kurtz do Marlon Brando hoá thân trong Apocalypse Now. Phần hình ảnh của phim – một trong số hiếm các bộ phim về chiến tranh Việt Nam của Hollywood làm trực tiếp tại Việt Nam qua các góc máy của Newton Thomas Sigel – nhà quay phim quen thuộc trong các tác phẩm của Bryan Singer dường như cũng không tận dụng được ưu thế bối cảnh này bởi cảnh núi non, rừng rậm trong phim cho thấy rõ kinh phí chỉ ở mức trung bình của phim và chẳng mấy khác biệt so với các tác phẩm được quay ở Thái Lan hay Philippines.  

 

Phải khẳng định rằng Da 5 Bloods không phải là một tác phẩm tồi. Spike Lee và hãng Netflix vẫn đem tới cho khán giả một tác phẩm tương đối xuất sắc về tình bạn, về ảnh hưởng của chiến tranh, của nạn phân biệt chủng tộc lên số phận những người Mỹ gốc Phi. Tuy nhiên, ra đời trong thời điểm nước Mỹ đang chứng kiến phong trào đòi bình quyền cho người Mỹ gốc Phi đang dâng cao hơn bao giờ hết trong vài thập niên gần đây, và đến từ một đạo diễn vốn nổi tiếng là lá cờ đầu cho phong trào này tại Hollywood như Spike Lee, có lẽ khán giả đã mong đợi một tác phẩm cô đọng, có trọng tâm, và tạo âm hưởng mãnh liệt hơn thế. Chất lượng của Da 5 Bloods một lần nữa chứng tỏ rằng để có được một tác phẩm thực sự đi vào lòng khán giả, thực sự để lại dấu ấn trong bối cảnh, trong hơi thở của thời đại chưa bao giờ là điều dễ dàng kể cả với những tên tuổi lớn như Spike Lee.

lundi 17 février 2020

Parasite (2019) - How does its win affect Korea?



Với những khán giả yêu điện ảnh thế giới nói chung, chiến thắng ngày vang dội của đạo diễn Bong Joon-ho và bộ phim mới nhất của ông Ký sinh trùng trong Lễ trao giải Oscar lần thứ 92 ngày hôm qua với 4 tượng vàng, trong đó có tượng vàng quan trọng nhất ở hạng mục Phim hay nhất chắc chắn là một tin vui không chỉ vì Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ đã vinh danh cách làm phim thông minh, phi truyền thống theo màu sắc rất Hàn Quốc thay vì lựa chọn thông thường với các bộ phim sử thi về chiến tranh, về xã hội, về lịch sử nước Mỹ như 1917, Marriage Story, hay The Irishman. Nhưng với đất nước Hàn Quốc, có lẽ đây là một thời khắc lịch sử mà không chỉ giới điện ảnh, mà cả xã hội Hàn Quốc đã mong chờ từ rất lâu sau vô số những nỗ lực vượt bậc từ kinh tế tới văn hoá. Dù Samsung từ lâu đã sánh vai với Apple trong thị trường hàng tiêu dùng điện tử, những chiếc xe Hyundai hay Kia đang lăn bánh ngày một nhiều trên mọi nẻo đường từ châu Âu tới nước Mỹ, nhưng cả giới lãnh đạo và người dân Hàn Quốc từ rất lâu vẫn tin rằng đất nước Hàn Quốc chỉ có thể thực sự sánh vai cùng các cường quốc trong khu vực – đặc biệt là với người hàng xóm Nhật Bản khi mà nền văn hoá, những giá trị truyền thống của đất nước này được thế giới biết đến, tôn trọng, và yêu thích.

Trong lĩnh vực âm nhạc, tham vọng này của Hàn Quốc được thể hiện rất rõ qua việc xuất khẩu dòng nhạc k-pop với những giai điệu bắt tay và các nhóm nam, nhóm nữ có vẻ ngoài cũng như kỹ năng nhảy hoàn hảo. Sau gần một phần tư thế kỷ, chiến lược dài hạn này của Hàn Quốc đã giúp “Làn sóng Hàn” hay “Hàn lưu” (Hallyu) có được vị trí vững chắc ở khắp khu vực Đông Á, Đông Nam Á và Trung Cận Đông. Tưởng như ca khúc Gangnam Style của Psy đã là đỉnh cao của Hallyu khi trong một thời gian ngắn trở thành ca khúc nổi bật nhất Internet với cả tỷ lượt xem trên YouTube. Nhưng kể từ khi nhóm nhạc nam BTS công phá thành công thị trường Hoa Kỳ từ khoảng 3 năm trở lại đây, thì k-pop từ một thể loại nhạc chỉ chiếm thiểu số nay mới thực sự có được chỗ đứng vững chắc ở các thị trường lớn của Mỹ - Âu với rất nhiều cái tên thường xuyên xuất hiện trên truyền hình Hoa Kỳ hay bán sạch vé ở các đêm nhạc tổ chức tại sân vận động với hàng vạn người xem như BTS, Blackpink, NCT 127.

Nhưng k-pop xét cho cùng với người dân Hàn Quốc chỉ là nhạc giải trí thuần tuý. Ngay ở chính Hàn Quốc thì các ngôi sao k-pop cũng không hẳn đã được người dân Hàn Quốc nâng niu như những ngôi sao opera và nhạc cổ điển như Jo Sumi, Kun-Woo Paik và chỉ đến khi BTS gây dựng được tên tuổi tại thị trường Hoa Kỳ thì cả chính phủ và người dân Hàn Quốc mới thực sự nhận ra rằng hoá ra k-pop hoàn toàn có khả năng đem quyền lực mềm của đất nước này lan toả đến mọi ngóc ngách của thế giới. Nhưng với một quốc gia coi trọng danh hiệu và thể diện như Hàn Quốc, thì thành công của BTS với giới trẻ toàn cầu chưa hẳn đã là đủ bởi họ chưa đem về được cho đất nước này những giải thưởng tầm cỡ như Giải Grammy trong âm nhạc hay giải Man Booker Quốc tế trong văn học – giải thưởng mà nữ nhà văn được Hàn Quốc coi là “quốc bảo” Han Kang đã giành được vào năm 2016. Điện ảnh chính là lĩnh vực người Hàn đặt rất nhiều niềm tin trong vòng ba thập niên qua trong khía cạnh này, đặc biệt là từ khi Oldboy của đạo diễn Park Chan-wook giành được Giải thưởng lớn – giải thưởng cao quý thứ hai của Liên hoan phim Cannes năm 2003. Nhưng trong suốt gần hai thập niên kể từ sau thành công của Oldboy, điện ảnh Hàn ở tầm quốc tế cũng chỉ có được một số thành tựu trong việc “xuất khẩu” các đạo diễn hàng đầu của họ sang Hollywood như Park Chan-wook, Bong Joon-ho, hay Kim Jee-woon với các sản phẩm dù không thất bại nhưng cũng không đạt được quá nhiều tiếng vang. Đỉnh cao nhất trong các nỗ lực của các nhà làm phim Hàn có lẽ là giải Sư tử vàng – giải cao quý nhất tại Liên hoan phim Venice của đạo diễn Kim Ki-duk cho bộ phim Pietà. Tuy nhiên với tính cách không được lòng người Hàn, lại là tác giả của nhiều bộ phim gây tranh cãi, trong đó có Pietà, chẳng mấy người Hàn Quốc cảm thấy vui vì chiến thắng của đạo diễn dị nhân Kim Ki-duk. 

“Ký sinh trùng” là một trường hợp rất khác. Đạo diễn Bong Joon-ho và nam diễn viên chính của phim Song Kang-ho từ lâu đã được coi là đạo diễn và diễn viên “quốc dân” của người Hàn với rất nhiều những bộ phim ăn khách như The Host (2006). Phim của Bong, do Song đóng chính luôn được lòng người Hàn vì đậm chất Hàn Quốc, nói rất nhiều về lịch sử, văn hoá, và những khía cạnh sâu thẳm trong lòng người dân đất nước này với các tác phẩm xuất sắc như Memories of Murder (2003), The Host và Mother (2009). Ký sinh trùng – một bộ phim đặc chất Bong Joon-ho đã làm nên lịch sử khi giành cả giải Cành cọ vàng đầu tiên cho Hàn Quốc tại Liên hoan phim Cannes và bây giờ là giải Phim hay nhất tại giải Oscar – chiến thắng đầu tiên của một bộ phim nói tiếng nước ngoài trong lịch sử 92 năm của giải thưởng này - kỳ tích mà chưa một cường quốc điện ảnh Á Đông hay châu Âu nào làm được, kể cả người hàng xóm Nhật Bản. 

Người Hàn Quốc hẳn đang rất tự hào vì Ký sinh trùng. Không chỉ bởi tác phẩm này đã giới thiệu được chất Hàn Quốc đậm đặc trong điện ảnh đến với công chúng thế giới để họ không chỉ yêu thích mà còn thấy trân trọng. Hơn thế, tượng vàng Oscar này của Ký sinh trùng đã tiếp thêm cho Hàn Quốc niềm tin rằng họ thực sự đã sánh vai được với các cường quốc văn hoá khác trên thế giới, và Làn sóng Hàn – quyền lực mềm của đất nước Hàn Quốc sẽ không chỉ là một hiện tượng nhất thời mà sẽ có chỗ đứng vững bền trong đời sống tinh thần của người dân nhiều nước – điều mà khi bắt đầu dân chủ hoá những năm đầu thập niên 1980 những người Hàn Quốc lạc quan nhất có lẽ cũng không thể nghĩ tới. 

=========

Parasite (2019) - Tại sao, Oscar?



Một bên là tác phẩm sử thi về “Cuộc chiến vĩ đại” – Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đến từ vị đạo diễn người Anh từng giành giải Oscar cho phim hay nhất ngay với tác phẩm đầu tay và được quay bởi một trong những tên tuổi quan trọng nhất của giới quay phim Hollywood. Một bên là một bộ phim của Hàn Quốc, lấy bối cảnh Hàn Quốc, sử dụng tiếng Hàn, đến từ một đạo diễn chưa từng bao giờ được đề cử ở giải Oscar. Liệu tác phẩm nào trong số này sẽ là người chiến thắng trong các giải thưởng “Phim hay nhất” của mùa giải thưởng điện ảnh 2019? Với cái gu trao giải vốn có của giới điện ảnh Âu – Mỹ, có lẽ nhiều người sẽ lựa chọn tác phẩm đầu tiên, và thực tế cũng đã cho thấy rằng tác phẩm này – bộ phim 1917 của đạo diễn người Anh Sam Mendes đã vượt qua bộ phim Hàn Quốc Ký sinh trùng ở gần như toàn bộ các giải thưởng tiền Oscar quan trọng nhất như Giải Quả cầu vàng, Giải BAFTA của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh Quốc, giải Phim hay nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất điện ảnh Hoa Kỳ (PGA). Bởi thế mà không chỉ người hâm mộ và các nhà báo về điện ảnh, mà đến chính giới cá cược cũng không đánh giá cao Ký sinh trùng bằng 1917 trong cuộc đua tới giải thưởng quan trọng nhất năm của điện ảnh thế giới – Giải Oscar cho phim hay nhất. Theo trang tổng hợp cá cược Vegas Insider, nếu đặt cược 100 đô la Mỹ vào việc 1917 giành giải thì bạn sẽ chỉ có thêm được 20 đô la Mỹ nếu bộ phim này thực sự chiến thắng, còn nếu Ký sinh trùng là lựa chọn đúng của bạn, thì 100 đô la đặt cược sẽ mang lại cho bạn tới 300 đô la Mỹ. 

Vậy mà bất chấp mọi dự đoán và lịch sử trao giải của chính giải Oscar, Ký sinh trùng của đạo diễn người Hàn Quốc Bong Joon-ho đã vượt qua 1917 để trở thành tác phẩm nói tiếng nước ngoài đầu tiên giành được Giải Oscar cho phim hay nhất – một kỳ tích mà 10 tác phẩm nói tiếng nước ngoài khác từng được đề cử ở hạng mục này không thể làm được dù cho đó là những tác phẩm thuộc dạng kinh điểm của điện ảnh thế giới như La Grande Illusion (1938) và Z (1969) của Pháp, Life Is Beautiful (1998) của Ý, hay Ngọa Hổ Tàng Long (2000) của Đài Loan. Điều gì đã làm nên thành công bất ngờ của Ký sinh trùng? Trước tiên bất ngờ này có thể đến từ chính Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) – cơ quan chủ quản của Giải Oscar. Sau vài năm liên tục nhức đầu vì việc phải lựa chọn các tác phẩm “vị nghệ thuật” hay “vị nhân sinh” trong bối cảnh xã hội và chính trị nước Mỹ có nhiều biến động và chia rẽ, có lẽ bản thân các thành viên của Viện Hàn lâm – những người được quyền bỏ các lá phiếu cuối cùng chọn phim chiến thắng cũng muốn tìm kiếm một cái gì đó mới mẻ từ các cái tên tranh giải, đặc biệt là sau một năm giải Oscar gây thất vọng lớn cho công chúng với việc chọn Green Book (2018) – một tác phẩm không nổi trội nhưng lại phù hợp với các trào lưu đòi bình quyền đang diễn ra sôi nổi ở Hoa Kỳ làm cái tên chiến thắng cuối cùng. Nếu so với bộ phim xuất sắc nhưng rất “truyền thống” là 1917 thì rõ ràng Ký sinh trùng quá sức mới mẻ với cách tiếp cận thông minh, giàu chất ẩn dụ về một vấn đề xã hội mang tính phổ quát – mâu thuẫn giai cấp trong một xã hội tư bản hiện đại và thịnh vượng. Hơn thế nữa, nếu chưa từng xem các tác phẩm tiêu biểu của dòng phim trinh thám và film noir Hàn Quốc như The Quiet Family (1998) của Kim Jee-woon hay Memories of Murder (2003) của chính Bong Joon-ho, hẳn nhiều thành viên của AMPAS cũng cảm thấy bất ngờ với cách xây dựng nhân vật và tạo dựng kịch tính của truyện phim thông qua vô số nút thắt mở không ai có thể lường trước của đạo diễn 50 tuổi người miền Nam Hàn Quốc. Tính mới chính là thế mạnh vượt trội của Ký sinh trùng so với cả 8 tác phẩm nghiêm cẩn nhưng không quá đột phá của hạng mục Phim hay nhất giải Oscar năm nay, và có lẽ chính tính mới này đã đẩy cán cân ủng hộ của AMPAS nghiêng về phía tác phẩm của đạo diễn Bong Joon-ho trong những phút cuối cùng. Ở đây, khán giả cũng có thể phỏng đoán rằng việc trao giải thưởng lớn nhất cho một tác phẩm phần nào đó đại diện cho cộng đồng thiểu số trong xã hội Mỹ - những người gốc Á như Ký sinh trùng cũng là một quyết định hợp lòng của AMPAS trong bối cảnh dù đã rất cố gắng nhưng đến tận lễ trao giải năm nay giải Oscar vẫn bị chỉ trích là “toàn da trắng”, “toàn nam giới” – “thương hiệu” mà không thành viên nào của Viện Hàn lâm còn muốn dính dáng trong bối cảnh giới điện ảnh Hollywood luôn là những người đi đầu trong các phong trào xã hội hiện đại của Hoa Kỳ.

Lời giải thích thứ hai cho chiến thắng đầy ngạc nhiên của Ký sinh trùng có lẽ nằm ở ảnh hưởng ngày càng lớn của văn hóa Hàn Quốc trên thế giới nói chung và trong chính lòng nước Mỹ nói riêng. Ở mặt trận điện ảnh, Hàn Quốc là một trong những quốc gia “xuất khẩu” đạo diễn hàng đầu ở Hollywood với việc bộ ba Park Chan-wook, Bong Joon-ho, và Kim Jee-won – những đạo diễn có cách làm phim hết sức hiện đại sau khi gây dựng được sự nghiệp ở quê hương đã dần tạo được tên tuổi ở xứ cờ hoa sau những thành công nhất định cả về mặt nghệ thuật và doanh thu. Sau khi giành Giải thưởng lớn tại Liên hoan phim Cannes – một trong những giải thưởng điện ảnh lớn nhất của Hàn Quốc ở tầm quốc tế với Oldboy (2003), Park Chan-wook đã lấn sân sang Hollywood với tác phẩm nói tiếng Anh, sử dụng các ngôi sao Hollywood là Stoker (2013) trước khi quay trở về Hàn Quốc thực hiện bộ phim đậm chất Hàn The Handmaiden nhưng vẫn được công chúng Mỹ hết sức yêu thích. Bậc thầy phim xã hội đen Hàn Quốc Kim Jee-woon sau khi cho ra đời một loạt các tác phẩm “toàn Hàn Quốc” được người yêu điện ảnh hành động ca ngợi như A Bittersweet Life (2005) và I Saw the Devil (2010) cũng được hãng Lionsgate tín nhiệm giao đạo diễn bộ phim hành động The Last Stand với sự xuất hiện của hai ngôi sao Arnold Schwarzenegger và Johnny Knoxville. “Đi sau” nhưng lại “đến đích trước”, Bong Joon-ho sau nhiều năm được coi là ông vua phòng vé của Hàn Quốc với Memories of Murder (2003) và The Host (2006) mới bắt đầu tạo dựng tên tuổi của mình ở các liên hoan phim quốc tế với với Mother (2009) và sau đó 10 năm là Ký sinh trùng – tác phẩm giành về cho Hàn Quốc Giải Cành cọ vàng đầu tiên tại Liên hoan phim Cannes. Sau khi hợp tác với Park Chan-wook trong tác phẩm hành động lấy bối cảnh thời hậu tận thế Snowpiercer (2013) – bộ phim tương đối thành công về doanh thu và gây ảnh hưởng tới mức một loạt phim truyền hình cùng tên lấy cảm hứng từ bộ phim này sẽ được hãng TNT của Hoa Kỳ phát trong năm 2020, Bong Joon-ho đã được hãng Netflix mời thực hiện bộ phim khoa học giả tưởng Okja (2017) – một trong những tác phẩm gốc được đánh giá cao của Netflix. Khác với những cái tên gốc Hàn nhưng tạo dựng tên tuổi hoàn toàn ở Hoa Kỳ như Jennifer Yuh (đạo diễn của Kung Fu Panda 2, Kung Fu Panda 3, và The Darkest Minds), Steven Yeun (ngôi sao gắn liền với thành công của The Walking Dead), hay Sandra Oh (tên tuổi lớn của loạt phim truyền hình Grey's Anatomy), Park Chan-wook, Bong Joon-ho, hay Kim Jee-won theo thời gian đã làm được một kì tích đó là giúp công chúng Hoa Kỳ - những người vốn không thực sự cởi mở với các tác phẩm nghệ thuật mang đậm chất địa phương của các quốc gia khác dần cảm và hiểu được chất Hàn Quốc trong các bộ phim dù là sản xuất ở Hàn Quốc hay Hoa Kỳ của các đạo diễn này. Thất bại toàn diện năm 2013 của đạo diễn tên tuổi Spike Lee khi cố làm lại Oldboy của Park Chan-wook lại càng cho người Mỹ thấy rằng cái chất Hàn Quốc, cái chất Á Đông không phải là thứ dễ dàng “làm lại” hay mô phỏng nếu thiếu sự thấu hiểu, sự tinh tế vốn đã ăn vào máu của những người Hàn Quốc 100% như Park, như Bong, như Kim. Bởi vậy sẽ là không ngoa khi đưa ra nhận xét rằng thành công hiện tại của Ký sinh trùng chính là đỉnh điểm thăng hoa của một quá trình tích lũy lâu dài đến từ bộ ba Park Chan-wook, Bong Joon-ho, và Kim Jee-won tương tự như cái cách “Ba người bạn Mexico” Alfonso Cuarón, Alejandro González Iñárritu và Guillermo del Toro đã chinh phục Hollywood trong vòng 3 thập niên trở lại đây.

Cuối cùng, dù tương đối khác nhau nhưng giới quan sát vẫn hoàn toàn có thể sự trùng lặp giữa việc Ký sinh trùng gây tiếng vang cả trong phòng vé (doanh thu bộ phim trên toàn thế giới đã lên tới trên 160 triệu, trong đó có trên 35 triệu đến từ thị trường Mỹ - con số kỷ lục cho một tác phẩm Hàn Quốc) và trong cuộc đua giành giải thưởng điện ảnh với sự lên ngôi của các ban nhạc k-pop thuộc Làn sóng văn hóa Hàn (Hallyu) ở Hoa Kỳ và trên thế giới mà tiêu biểu là BTS. Sau nhiều thập niên chỉ làm mưa làm gió ở thị trường châu Á, BTS kể từ vài năm trở lại đây đã mở ra cánh cửa cho các bạn nhạc k-pop chiếm lĩnh thị trường nhạc trẻ Âu – Mỹ nhờ những giai điệu bắt mắt và kỹ năng nhảy tuyệt hảo. Dù các thành viên của AMPAS có lẽ không còn ở độ tuổi khán giả của BTS hay Blackpink, nhưng việc gương mặt đẹp và tên tuổi của những RM, Jungkook (thành viên BTS), Jennie (thành viên Blackpink), hay Taeyong (thành viên NCT 127) liên tục xuất hiện trên truyền hình và truyền thanh Hoa Kỳ cũng phần nào đó tạo sự thiện cảm nhất định của công chúng Mỹ nói chung – trong đó có các thành viên của AMPAS với văn hóa đại chúng Hàn Quốc.

Vì AMPAS không công khai lý do hay số lượng các phiếu bầu cho từng ứng viên của hạng mục Phim hay nhất, nên chúng ta sẽ không bao giờ thực sự giải thích được tại sao Ký sinh trùng từ một ẩn số lớn lại biến thành thắng lợi lịch sử của điện ảnh Hàn Quốc tại lễ trao Giải Oscar lần thứ 92 như vậy. Nhưng có một điều chắc chắn rằng thắng lợi này của Ký sinh trùng và của đạo diễn Bong Joon-ho sẽ tạo cơ hội cho giới làm điện ảnh của châu Á tiếp tục tiếp cận Hollywood và công chúng Mỹ bằng chính phong cách đậm chất địa phương của họ - thay vì phải Mỹ hóa hoàn toàn như Lý An đã làm trong thập niên 1990. Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng rằng trong thời gian tới đây, Hollywood sẽ giới thiệu tới công chúng Mỹ và thế giới những tác phẩm thực sự mang phẩm chất Á Đông nhưng vẫn kể được những câu truyện mang tính phổ quát như cách “Ký sinh trùng” đã làm nên lịch sử ngày 9 tháng 2 năm 2020 vừa qua.

=======

lundi 10 février 2020

Little Women (2019)


Trong những năm những người đàn ông khoác áo lính của Liên bang miền Bắc và Liên minh miền Nam đang giao tranh quyết liệt trên các chiến trường đẫm máu của cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, thì tại thị trấn nhỏ Concord bang miền Bắc Massachusetts, gia đình nhà March hoàn toàn là một thế giới thu nhỏ của những người phụ nữ nhỏ bé. Đó là bà Marmee March (Laura Dern), người phụ nữ hiền hậu và đảm đang một nách phải quản bốn cô con gái đang trong độ tuổi mới lớn, đồng thời vẫn phải quán xuyến mọi việc trong nhà và tham gia các hoạt động xã hội với hy vọng ông March (Bob Odenkirk) sẽ trở về với vợ và con gái sau khi chiến trường tắt tiếng súng. Bốn cô con gái của vợ chồng ông March là bốn tính cách hoàn toàn trái ngược. Chị cả Margaret "Meg" (Emma Watson) dịu dàng với vẻ đẹp của một cô thiếu nữ mới lớn và mong ước được trở thành một phần của giới nghệ sĩ và thượng lưu thông qua việc tìm được một tấm chồng “đáng giá” trong những buổi khiêu vũ dành cho các cô gái trẻ. Hoàn toàn trái ngược với chị gái, cô con gái thứ hai của nhà March là Josephine "Jo" (Saoirse Ronan) lại sở hữu tính cách mạnh mẽ, bướng bỉnh nhất quyết không chịu nhún nhường trước bất cứ ai nhưng lại sẵn lòng đặt cả trái tim và khối óc vào những trang viết như một nhà văn nữ thật sự. Không đam mê viết lách, cô con gái thứ ba của nhà March là Amy (Florence Pugh) với năng khiếu vẽ bẩm sinh lại nuôi trong mình ước mộng được trở thành một hoạ sĩ đại tài bất chấp việc cô gái mới vừa qua tuổi dậy thì luôn chịu lép vế trước hai cô chị nhiều máu nghệ sĩ Meg và Jo. Không rõ có phải được sinh ra cuối cùng sau ba người chị gái có tính cách mạnh mẽ, mà cô út Elizabeth "Beth" (Eliza Scanlen) lại là người ít nói, bẽn lẽn nhất dù là người sở hữu ngón tay điêu luyện nhất trên những phím đàn. Dù cuộc sống thời chiến có vất vả giữa vùng quê lạnh lẽo xứ New England, nhưng tình yêu thương và niềm tin vào cuộc sống giúp gia đình nhà March có một cuộc sống yên bình, hạnh phúc tưởng chừng không gì chia cắt. 

Bảy năm sau những ngày hoa mộng ấy, Jo xuống Thành phố New York để kiếm tìm cơ hội với ngòi bút – một thử thách chẳng hề dễ dàng trong một xã hội dù đã có chút hiện đại nhưng vẫn còn đầy ắp định kiến và tâm lý trọng nam khinh ngữ, đặc biệt là trong những lĩnh vực đòi hỏi tính sáng tạo, và sự độc lập, như nghề viết. Dù có những người bạn tốt như anh chàng “giáo sư” người Pháp Friedrich Bhaer (Louis Garrel) luôn sẵn lòng ở bên cô trong lúc khó khăn, nhưng sự khốc liệt của trong làng văn New York để có được một vị trí giữa những nhà văn nam giới đã khiến Jo vẫn có những giây phút yếu lòng, khi cô nhớ lại ngôi nhà nhỏ ở Concord cùng các chị em gái của cô, và ngẫm nghĩ về lý do tại sao cái gia đình nhỏ bé mà hạnh phúc ấy, và bản thân cuộc đời của chính cô lại thay đổi hoàn toàn kể từ khi có sự xuất hiện của anh chàng lãng tử Theodore "Laurie" (Timothée Chalamet) – cháu trai duy nhất của ông lão hàng xóm giàu có và tốt bụng Laurence (Chris Cooper). 

Là bộ phim thứ ba trong sự nghiệp đạo diễn của nữ đạo diễn đang lên Greta Gerwig, nhưng đây đã là lần thứ bảy Little Women (Những cô gái nhỏ) được chuyển thể lên màn ảnh lớn trong vòng một thế kỷ qua. Đó là bởi cuốn tiểu thuyết thứ hai trong sự nghiệp của nhà văn nữ Louisa May Alcott với một nội dung đơn giản là kể lại một phần cuộc đời nhiều sự kiện của bà cùng các chị em gái nơi thôn quê New England ngay sau khi ra đời năm 1868 đã được coi là một hiện tượng của văn học Hoa Kỳ không chỉ bởi nội dung giản dị, lôi cuốn, mà còn vì đây là một trong những tác phẩm văn học đầu tiên của văn đàn Mỹ xây dựng được hình ảnh những người phụ nữ độc lập, năng động trong bối cảnh nước Mỹ nói riêng và xã hội phương Tây nói chung vẫn còn đang ở trong tình trạng trọng nam khinh nữ hết sức nặng nề. Thông điệp nữ quyền thấm đẫm trong tác phẩm của nữ nhà văn người Massachusetts có lẽ chính là lý do chính thúc đẩy Greta Gerwig chắp bút viết kịch bản và tự tay đạo diễn lần chuyển thể điện ảnh thứ bảy của Little Women sau thành công vang dội của tuyệt phẩm dành cho tuổi mới lớn Lady Bird (2017). Với kinh phí chỉ vỏn vẹn 10 triệu đô la, Lady Bird của Gerwig đã gây tiếng vang lớn với 5 đề cử Oscar với cách kể truyện chân thành, cảm động về những trăn trở đầu đời của cô thiếu nữ Lady Bird (Saoirse Ronan) đang gắng tìm kiếm cho mình chân trời mới, sự vô giá của tình yêu thương giữa người thân trong gia đình, và cả mối dây liên hệ vô hình giữa mỗi cá nhân với nơi chôn nhau cắt rốn của bản thân. Ở Little Women một lần nữa người xem lại được lặng ngắm những câu chuyện đầy tình người ấy qua diễn xuất tràn đầy năng lượng và tình cảm của chính Saoirse Ronan trong vai Jo – nhân vật trung tâm và cũng là người kể chuyện của cả bộ phim. Thừa hưởng phần nội dung gốc của một tác phẩm đã được xếp vào hàng kinh điển, Little Women có tuyến nhân vật hết sức dày dặn, nhiều màu sắc, nhiều cung bậc cảm xúc và cực kì đáng nhớ. Bởi vậy mà không chỉ Jo của Saoirse Ronan mà các gần như toàn bộ tuyến nhân vật của Little Women đều tạo được dấu ấn khác biệt, từ sự hồn hậu, ngây thơ đến nao lòng của Beth qua sự thể hiện của nữ diễn viên tuổi mới ngoài đôi mươi Eliza Scanlen, cho đến cái cách sóng gió cuộc đời dần làm nhoà đi sự vô ưu trong tâm tính của Amy nhờ diễn xuất tuyệt vời của Florence Pugh, và tất nhiên không thể không kể đến sự xuất hiện dù không nhiều nhưng luôn toả ra sự ấm áp của tình mẹ đến từ Bà March – một trong hai vai phụ xuất sắc của năm 2019 đến từ cùng một cái tên Laura Dern. 

Để tạo sự khác biệt so với những chuyển thể trước đây của Little Women, Greta Gerwig cũng lựa chọn cho mình một cách tiếp cận hiện đại trong việc chuyển thể tiểu thuyết đã được xuất bản từ năm 1868 với cách sắp xếp phi tuyến xen kẽ giữa “hiện tại” màu xám của năm 1868 với “quá khứ” màu hồng của những năm Nội chiến cùng cách kể chuyện kết hợp cả góc nhìn của người thứ ba và người thứ nhất. Cấu trúc tương đối phức tạp này của Little Women khiến tác phẩm mới nhất của Greta Gerwig trở nên tương đối khó theo dõi nếu so với sự giản dị của Lady Bird. Nhưng càng xem, khán giả sẽ càng thấy cuốn hút trước các tuyến truyện đan xen như chính cuộc đời rất nhiều nút thắt của Jo, của Amy, của Laurie. Và quan trọng hơn thế, cách kể chuyện hiện đại của Greta Gerwig cũng tạo ra sự khác biệt và mới mẻ cho lần chuyển thể thứ bảy của Little Women, một thử thách không hề dễ dàng cho bất cứ đạo diễn nào khi phải đưa lên màn ảnh lớn một tác phẩm đã được xếp vào hàng kinh điển và đã được chuyển thể trước đó bởi nhiều đạo diễn tài năng và dàn diễn viên thượng hạng như Gillian Armstrong (phiên bản năm 1994 với sự xuất hiện của Winona Ryder trong vai Jo và Christian Bale trong vai Laurie) hay George Cukor (phiên bản năm 1933 với sự xuất hiện của Katharine Hepburn trong vai Jo và Douglass Montgomery trong vai Laurie). Sự mới mẻ của Little Women còn đến từ tài năng của hai cái tên Pháp trong đoàn làm phim của Greta Gerwig – đó là nhà quay phim Yorick Le Saux và nhà soạn nhạc Alexandre Desplat. Với những góc máy lạ và cách chọn ánh sáng cũng như tông màu dịu ngọt, Yorick Le Saux không chỉ đem lại cho vùng đất New England của nước Mỹ thế kỷ 19 một vẻ đẹp bình yên, thân thuộc, mà còn giúp đặc tả tâm trạng và số phận những người phụ nữ nhỏ bé nhà March trong những thời khắc quan trọng của cuộc đời họ thông qua dáng hình, màu sắc mà chẳng cần tới bất cứ câu thoại nào. Về phần mình, Alexandre Desplat lại một lần nữa chứng tỏ sự mát tay của ông trong việc viết nhạc cho những bộ phim có nhịp độ nhẹ nhàng, đòi hỏi chiều sâu cảm xúc. Người xem có thể quên nội dung cuộc trò chuyện giữa Jo và Beth trên bãi biển năm nào, nhưng chắc chắn họ chẳng thể quên cái cách hai chị em dựa vào nhau trong cái lạnh đến tê người đến từ gió biển trong một ngày u ám điển hình của vùng đất phương Bắc New England. Và người xem cũng có thể quên tên anh chàng “giáo sư” thẳng tính Friedrich nhưng có lẽ sẽ không thể quên cái cách anh giáo sư dạo nên những nốt nhạc da diết của bản xô-nát số 8 của Beethoven trên chiếc đàn thân yêu của Beth – những nốt nhạc nói lên nỗi lòng của tất cả những thành viên nhà March khi nghĩ về những người họ yêu quý. Những thành công riêng của Yorick Le Saux và Alexandre Desplat đã khoác lên Little Women – một tiểu thuyết đã có trên 150 năm tuổi một tấm áo khác biệt, mới mẻ, gần gũi và hết sức lôi cuốn.

Trái ngược với cái tên của mình (có thể dịch là “Những cô gái nhỏ” hay “Những người phụ nữ nhỏ bé”), Little Women là câu truyện về những người phụ nữ mạnh mẽ, dám yêu, dám sống, dám lựa chọn cho mình một số phận thay vì chịu sự sắp đặt của cha mẹ, của xã hội, của định kiến người đời. Chẳng cần lên gân với những thông điệp mang tính cổ động, tuyên truyền, cũng chẳng cần kịch tính hóa một cách quá mức cần thiết những câu chuyện buồn mà đời người ai chẳng có, Little Women vẫn tạo được sự đồng cảm từ khán giả nhờ rất nhiều những lát cắt vui có, buồn có, nhưng đều rất đẹp, rất đời về những người phụ nữ nhà March. Sau khi xem xong phim, có lẽ mỗi khán giả sẽ đem về cho một mình một câu truyện riêng từ Little Women. Đó có thể là bài học về cách yêu và cách mở lòng cho tình yêu của những cô gái mới lớn như Jo, như Amy. Đó có thể là bài học về cách vượt qua gánh nặng của cơm áo gạo tiền để biến tình yêu, sự nhiệt huyết với nghiệp viết trở thành thành công và danh tiếng dài lâu. Hoặc đó có thể là bài học giản đơn về cách dung hòa những mâu thuẫn trong tính cách, trong lối sống hiện hữu ở bất cứ gia đình nào để mọi thành viên trong gia đình yêu thương và hiểu nhau hơn. Nhưng chắc chắn rằng mỗi người trong số chúng ta sau khi xem xong Little Women của Greta Gerwig đều có thể cảm nhận được rằng đây là một tác phẩm của những người phụ nữ, làm về những người phụ nữ, và để nói lên sự trân quý và tin yêu hết mực của những người làm phim dành cho phụ nữ.

========