Phim này sang tiếng Anh được dịch nguyên thành Men Who Hate Women trong khi tiểu thuyết gốc lại bị dịch thành The Girl with the Dragon Tattoo. Ở Pháp thì ngược lại, tiểu thuyết giữ tên gốc (Les hommes qui n'aimaient pas les femmes) trong khi phim lại đổi thành Millenium, chẳng biết đằng nào mà lần.
Mikael Blomkvist là nhà báo điều tra kinh tế có tiếng của tờ Millennium nhưng vì vướng vào một vụ bê bối bôi nhọ nên ông buộc phải từ chức và còn bị tòa tuyên 6 tháng ngồi nhà đá. Trước khi vào tù, Blomkvist nhận được một công việc cuối cùng, đó là điều tra vụ sát hại cô cháu gái 16 tuổi của nhà tài phiện Henrik Vanger. 40 năm trước, Harriet Vanger đột nhiên biến mất với manh mối duy nhất để lại là một bức ảnh trên báo trong đó có bóng mờ của cô gái. Và sau sự kiện bi thảm ấy, hàng năm vào dịp sinh nhật mình, ông Henrik Vanger lại nhận được một bức tranh làm từ hoa khô ép-món quà mà Harriet vẫn tặng ông trước lúc biến mất không để lại dấu vết. Henrik tin rằng cô bé đã bị giết, kẻ giết cô chính là người đã gửi quà cho ông mỗi năm, và hơn hết, ông tin rằng kẻ giết Harriet là một trong số thành viên của nhà Vanger, những người vốn ghen tị với Harriet vì sự yêu quý của ông Henrik-người nắm tài sản của đại gia đình, dành cho cô.
40 năm đã qua, ánh mắt ấy nói lên điều gì?
Thời gian trôi qua mà cuộc điều tra của Blomkvist vẫn dậm chân tại chỗ vì sự bất hợp tác của những người trong gia đình Vanger và bản thân ông cũng không thể suy luận được gì từ những dòng chữ bí ẩn ghi bên trong cuốn nhật ký mà Harriet để lại trước khi biến mất. Hướng điều tra chỉ thực sự được mở ra nhờ sự xuất hiện của Lisbeth Salander, một cô gái có vẻ ngoài của dân goth đầy nổi loạn nhưng cũng lại sở hữu khả năng suy luận sáng suốt và tài nghệ của một hacker ngoại hạng. Nhờ có Lisbeth, Blomkvist mới dần khám phá được những bí ẩn khủng khiếp ẩn giấu bên trong gia đình Vanger, đó là những sự thật còn tàn bạo và khó tin hơn nhiều lần so với một vụ án mạng thông thường. Cuộc điều tra mở ra một hướng mới cũng là lúc Blomkvist nhận được những lời đe dọa từ gia đình nhà Vanger cộng thêm một vụ mưu sát hụt, người đi săn đã trở thành kẻ bị đi săn, tất cả mới thực sự bắt đầu.
Lisbeth Salander và Mikael Blomkvist
Män som hatar kvinnor (Những người đàn ông không yêu phụ nữ) được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả người Thụy Điển Stieg Larsson. Larsson chỉ viết văn như một thú vui tay trái, nghề nghiệp chính của ông là nhà báo kinh tế (giống như Blomkvist), ông qua đời đột ngột vì đau tim khi mới 50 tuổi (năm 2004). Chỉ sau khi Larsson đã qua đời, bản thảo bộ ba tiểu thuyết Millennium (mà Män som hatar kvinnor là tập đầu tiên) mới được xuất bản và lập tức gây được tiếng vang lớn vì giọng văn khác lạ và cách xây dựng nhân vật rất mới mẻ nếu so với lối mòn truyền thống của dòng tiểu thuyết trinh thám. Trong vòng chỉ có 4 năm kể từ năm 2005, bộ ba Millennium đã bán được trên 20 triệu bản sách, một con số thuộc loại "khủng khiếp" cho những tác phẩm nằm ngoài thị trường Mỹ, riêng ở Pháp thì cả ba tập của Millennium nằm trong danh sách các tiểu thuyết bán chạy nhất nước Pháp trong vòng hơn 2 năm liên tiếp. Những con số như vậy cũng đủ để chứng tỏ sức hấp dẫn của bộ tiểu thuyết trinh thám này.
Về chất lượng chuyển thể, có thể nói đạo diễn của Män som hatar kvinnor mới chỉ ... hoàn thành một nửa độ hấp dẫn của tiểu thuyết, nửa đầu tiên. Trong khoảng một tiếng đầu tiên của Män som hatar kvinnor, khán giả được chứng kiến một tác phẩm điện ảnh cực kì hấp dẫn của dòng phim trinh thám và rất khác lạ so với những bộ phim tương tự của Hollywood. Sự khác lạ đầu tiên nằm ở tuyến nhân vật, chắc chắn chưa bộ phim trinh thám nào của Hollywood lại có nhân vật chính là một cô gái cá tính, nổi loạn (cả về hình thức bên ngoài và tính cách bên trong) như Lisbeth Salander, cũng chưa từng có bộ phim Hollywood nào "dám" đặt một người đàn ông như Mikael Blomkvist vào vị trí bạn đồng hành (sidekick) của nhân vật nữ chính. Cách tiết lộ từng manh mối về vụ án Harriet Vanger cũng được đạo diễn thực hiện rất khéo léo và hoàn toàn lôi cuốn được độc giả vào cùng suy luận với Blomkvist và Salander trong vụ điều tra tên giết người bí ẩn. Rõ ràng với dòng phim trinh thám vốn đã được khai thác quá mức này, những twist hay trick của kẻ thủ ác sẽ không còn khiến người xem hứng thú (vì họ ít nhiều đã gặp chúng ở một tác phẩm khác), quan trọng là đạo diễn có lôi kéo được họ cùng đặt câu hỏi "Tại sao lại như vậy?" như các nhân vật của bộ phim hay không.
Ai là kẻ thủ ác?
Tiếc là không khí căng thẳng, kích thích người xem ở nửa đầu phim đã bị kéo trùng xuống trong phần cuối kết quả là phần "hạ màn" của bộ phim chỉ khiến khán giả có đôi chút hứng thú chứ không còn giữ được sự hưng phấn ban đầu khi họ chứng kiến Salander và Blomkvist lật mở vụ án. Dường như việc đây chỉ là tập đầu tiên trong bộ ba phim đã khiến đạo diễn lỏng tay và làm đoạn kết của phim thiếu đi sự hấp dẫn cần thiết đồng thời lại không tạo được sự hứng thú cần thiết cho khán giả về hai phần tiếp theo. Điểm sáng duy nhất ở những phút cuối của phim là diễn xuất rất tốt của Noomi Rapace trong vai Lisbeth Salander, cặp mắt có lửa của cô đã giúp người xem cảm nhận được sự yếu đuối ẩn trong vẻ ngoài bạo liệt của Salander, có lẽ nét bí ẩn của Salander là sự gợi mở duy nhất của Män som hatar kvinnor cho hai phần tiếp theo. Hy vọng ở phần hai và phần ba, đạo diễn sẽ tận dụng được hết khả năng của Rapace để biến Millennium thực sự trở thành một bộ ba phim trinh thám khiến cho Hollywood phải ghen tị.
Lại một lần nữa phải bái phục sự dịch tên tác phẩm sang tiếng Anh và tiếng Pháp, tập thứ 2 của loạt Millennium này được dịch nguyên sang tiếng Anh thành The Girl Who Played with Fire trong khi bản tiếng Pháp (cả truyện và phim) lại được dịch thành La fille qui rêvait d'un bidon d'essence et d'une allumette (nôm na: Cô gái có giấc mơ về can xăng và cái bật lửa - ám chỉ quá khứ của Lisbeth Salander.
Tập phim này có thể coi là một bước thụt lùi so với tập đầu tiên, lý do đơn giản vì sự bất ngờ về xây dựng nhân vật đã mất đi, giờ đây khán giả đã biết Lisbeth đặc biệt thế nào, chỉ còn một dấu hỏi đặt ra: "Tại sao và cái gì đã biến Lisbeth trở thành cô gái lập dị như vậy". Tập phim thứ hai này xoay quanh những khám phá của Blomkvist về quá khứ của Lisbeth cùng một vụ án bí ẩn liên quan tới băng buôn bán và lạm dụng phụ nữ làm nô lệ tình dục. Nói qua về nội dung cũng có thể thấy Millennium đang nghiêng theo phong cách bắt chước bộ Bourne (một điều cực kì khó khăn vì ba tập Bourne đã được làm quá xuất sắc), cũng là vừa song song phá án vừa tìm lại về quá khứ của nhân vật chính. Tập phim này lại còn thiếu màu sắc bí ẩn và mập mờ (nhưng tạo cho khán giả hứng thú "cùng phá án" với nhân vật) ở tập đầu. Tuy nhiên thì đây vẫn là một phim "xem được" và nhất là khán giả vẫn cần một cái "cầu nối" để đi tới tập 3 của loạt Millennium, vì thế miễn là cầu không quá tệ đến mức gẫy giữa chừng cũng là đạt yêu cầu.
Phim này đúng là có tuyến nhân vật hay, đồng đều. Thủ phạm thì cũng không có gì quá khó đoán, cái quan trọng là vụ lằng nhằng gia đình được xây dựng tốt, làm mọi chuyện trở nên hợp lý. Câu chuyện nhìn chung có hơi cliché, khúc cuối thì gói lại ko tốt lắm :D. Hy vọng Hollywood chừa thằng này ra ko remake lại :)). Thích kiểu phim thế này vì nó ko có dáng vẻ sắp đặt của Hollywood. :D
RépondreSupprimerHình như official announcement là David Fincher đạo diễn remake nhé :D! Tui đang hi vọng Ellen Page được casting cho vai nữ chính vì lúc đọc truyện đã hình dung được em ý trong vai này, thực tế là cô diễn viên Thụy Điển cũng không hợp vai lắm đâu, được cái đóng tốt bù lại. Nhưng bộ truyện này mô tả quan hệ gia đình, tình cảm, tình dục cực độc, chắc Hollywood khó lòng theo được.
RépondreSupprimerThích cái cảm giác phim Thụy Điển này ghê, ko có vẻ Hollywood. Hollywood làm lại dù là ai đóng, ai đạo diễn thì cũng mất đi nhiều cái cảm giác này. Giống như Let The Right One In, phim này có những cú máy cực đẹp xem ngất ngây :D. Vừa xem tập 2, nói chung ý tưởng tốt, đánh vào những topic nóng hổi của châu Âu: tập 1 là girl-serial murders, tập 2 là girl-trafficking. Có điều ko hiểu trong truyện thế nào nhưng phim thì hơi đầu voi đuôi chuột, mở ra vấn đề rất tốt nhưng đến khi wrap up giải quyết vấn đề thì ko thỏa đáng lắm. Ý tưởng cực tốt khi liên hệ bố của em vai chính với kiểu cựu-điệp viên-biệt kích hóa thân thành người lương thiện mang không khí của Metal Gear series. Coi mà tiếc ơi là tiếc.
RépondreSupprimerÀ, vừa down series Red Riding (cô bé quàng khăn đỏ) 1974-1980-1983 cũng kiểu trinh thám thế này :D
RépondreSupprimer