some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

lundi 31 décembre 2018

City on Fire (1987, revised version)



A revision to honor the memory of Ringo Lam (December 8, 1955 - December 29, 2018). The original review.

Thập niên 1980 được coi là thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Hồng Kông với rất nhiều tác phẩm điện ảnh và tên tuổi nghệ sĩ đáng nhớ của đủ mọi dòng phim từ hành động, kiếm hiệp, tâm lý xã hội, hài, kinh dị, và thậm chí là cả phim cấp III. Tuy thành công trên nhiều mặt và lôi cuốn sự chú ý của công chúng, đặc biệt là công chúng châu Á, nhưng điện ảnh xứ Cảng Thơm gây tiếng vang ở tầm quốc tế và gây ảnh hưởng tới giới làm phim Hollywood và thế giới chủ yếu qua dòng phim hành động, đặc biệt là thông qua các tác phẩm của bộ đôi đạo diễn-giám chế Từ Khắc và Ngô Vũ Sâm. Trẻ tuổi hơn Từ và Ngô, có sự nghiệp ngắn ngủi hơn hai bậc đàn anh, nhưng được coi là có dấu ấn không kém đối với dòng phim hành động Hồng Kông thập niên 1980 là Lâm Lĩnh Đông (Ringo Lam). Ảnh hưởng này của Lâm Lĩnh Đông có được phần nhiều là bộ phim Long hổ phong vân (City on Fire, 1987) – một trong những tác phẩm đáng nhớ nhất trong lịch sử điện ảnh Hồng Kông.

Long hổ phong vân là câu truyện về Cao Thu (Châu Nhuận Phát), một đặc cảnh chuyên được giao nhiệm vụ thâm nhập các băng đảng xã hội đen của Hồng Kông. Quá chán nản với công việc nội gián vừa hiểm nguy vừa đòi hỏi cách hành xử hai mặt, lại mong muốn được sớm lập gia đình với người bạn gái A Hồng (Ngô Gia Lệ), Cao Thu cố gắng tìm mọi cách từ bỏ công việc cảnh sát chìm này. Tuy nhiên, sau khi một cảnh sát chìm khác (Từ Cẩm Giang) bị bại lộ danh tính khi đang điều tra một vụ cướp trang sức và bị bọn tội phạm sát hại, thượng cấp của Cao là thanh tra Lưu (Tôn Việt) đã thuyết phục Cao Thu thực hiện phi vụ nội gián cuối cùng - luồn vào hàng ngũ một băng cướp để moi thông tin về kế hoạch đánh cướp của chúng nhờ đó giúp cảnh sát bắt được băng cướp đồ trang sức này ngay tại trận. Bằng kinh nghiệm lâu năm, cuối cùng Cao Thu cũng thâm nhập được băng đảng của A Hổ (Lý Tu Hiền). A Hổ khét tiếng là tay anh chị cộm cán, từng thẳng tay giết cảnh sát để yểm trợ đồng bọn. Nhưng càng nằm vùng trong băng đảng của gã, Cao Thu càng nhận ra rằng A Hổ là một tay giang hồ "thứ thật", trọng nghĩa khí và quan tâm chân thành đến đàn em - điều mà chính cấp trên của Cao Thu, những cảnh sát "thứ thật", lại không hề có đối với một điệp viên nằm vùng như Cao Thu. Thật ngược đời khi tuy là cảnh sát, Cao Thu lại chỉ tìm được duy nhất một người ủng hộ từ lực lượng của mình là thanh tra Lưu, một sĩ quan đã già và luôn bị lấn áp bởi tay thanh tra trẻ tuổi họ Trần (Trương Diệu Dương). Thêm vào đó, cuộc sống riêng tư của Cao cũng gặp rắc rối khi A Hồng bày tỏ rằng cô không thể chịu đựng được cuộc sống hai mặt của người bạn trai. Chiếm được lòng tin của A Hổ, dần tiến đến mục tiêu phá án khi băng cướp của gã chuẩn bị tiến hành một phi vụ lớn, nhưng Cao Thu dần nhận ra rằng anh đang đứng trước một lựa chọn sinh tử - hoặc quay lưng lại với tình nghĩa chân thành mà A Hổ dành cho mình để đưa băng cướp vào cái bẫy giăng sẵn của cảnh sát, hoặc theo A Hổ đến cùng để rồi vi phạm nhiệm vụ mà mình được giao. 

Long hổ phong vân sử dụng mô-típ nổi tiếng của phim hình sự Hồng Kông - cảnh sát làm nội gián phải đứng trước tình huống khó xử về mặt đạo nghĩa là làm thế nào để vừa hoàn thành nhiệm vụ để bảo toàn chữ “trung”, vừa đáp lại được tình huynh đệ sống chết có nhau của những “người anh em” trong băng đảng để bảo toàn chữ “nghĩa”. Nhắc tới mô-típ này, nhiều khán giả sẽ nghĩ ngay tới những tác phẩm nổi tiếng khác của điện ảnh Hồng Kông như Lạt thủ thần thám (Hard Boiled, 1992) của Ngô Vũ Sâm (trong đó Lương Triều Vỹ được giao vai cảnh sát nội gián tương tự vai Cao Thu của Châu Nhuận Phát) và Vô gián đạo (Infernal Affairs, 2002) của Lưu Vỹ Cường (bộ phim vẫn với Lương Triều Vỹ trong vai cảnh sát nội gián). Lưu Vỹ Cường chính là nhà quay phim của Lâm Lĩnh Đông trong Long hổ phong vân, có lẽ vì vậy “Vô gián đạo” có một số chi tiết kịch bản khá tương đồng với tác phẩm của đạo diễn họ Lâm. Tuy vậy, nếu so sánh với Vô gián đạo thì nhìn chung kịch bản của Long hổ phong vân chưa thể coi là mang tính đột phá với cấu trúc tuyến tính truyền thống của dòng phim hành động Hồng Kông và có không nhiều những nút thắt mở để thu hút khán giả. Để bù đắp cho điểm yếu về kịch bản, Lâm Lĩnh Đông đem tới cho Long hổ phong vân thế mạnh lớn nhất của ông - những cảnh quay hành động hoành tráng, mang tính biểu tượng cao, đồng thời luôn giữ được nhịp phim dồn dập, cuốn hút mà không cần nhờ tới những "kĩ xảo" về mặt kịch bản. Nhịp phim nhanh, được đẩy dần lên cho tới trường đoạn cao trào đã giúp Long hổ phong vân hoàn toàn lôi cuốn khán giả khi tác phẩm này tránh được những phút bi luỵ không đáng có mà một đạo diễn non tay hơn sẽ rất dễ mắc phải nếu tập trung quá nhiều vào việc khai thác quan hệ giữa Cao Thu và A Hồng.

Đóng góp đáng kể vào thành công của Long hổ phong vân là diễn xuất tưng tửng nhưng đầy cuốn hút của Châu Nhuận Phát, anh vừa tỏ ra mình là một tay xã hội đen hạng bét lêu lổng, cợt nhả, lại vừa thể hiện được rằng đằng sau cái mặt nạ "nham nhở" đó là một cảnh sát, đúng hơn là một con người biết trân trọng sứ mệnh được giao và cả nghĩa khí theo kiểu giang hồ. Gây ấn tượng không kém Châu là Lý Tu Hiền – diễn viên “chuyên trị” vai thanh tra cảnh sát nhưng vẫn chứng tỏ được tài năng trong vai tay trùm A Hổ tàn bạo nhưng trọng nghĩa khí. Cao Thu và A Hổ chính là trung tâm của những cảnh hành động mang tính hình tượng rất cao của “Long hổ phong vân” mà sau này nhiều đạo diễn Hollywood nổi tiếng đã gần như áp dụng y nguyên cho các bộ phim hành động của họ. Đó là cảnh đấu súng tay ba mà sau này Quentin Tarantino sử dụng cho Reservoir Dogs (1992), hay hình ảnh đạn xuyên qua vách tôn tạo những lỗ hổng kiểu “thiên hà” cho ánh sáng lọt vào mà sau này Luc Besson lặp lại trong tác phẩm đáng nhớ Léon: The Professional (1994). Tất nhiên, nhiều phim hành động kiểu truyền thống khác của Hồng Kông cũng cố gom hết các yếu tổ "ấn tượng" như vậy vào một tiếng rưỡi phim (thời lượng trung bình của hầu hết phim Hồng Kông) nhưng kết hợp một cách thành công, tránh được những lỗi ngớ ngẩn về quay phim, dựng phim thì có lẽ không ai bằng được Lâm Lĩnh Đông và Ngô Vũ Sâm. 

Kể từ năm 1992 trở lại đây, Quentin Tarantino luôn được coi là một trong những đạo diễn hàng đầu của Hollywood. Sự nghiệp dày dặn, được nhiều người nể phục này của Tarantino được mở đầu một cách vang dội bằng tác phẩm hành động kịch tính với cá tính rất riêng Reservoir Dogs. Nhưng với nhiều người hâm mộ điện ảnh Hồng Kông, Reservoir Dogs chẳng qua chỉ là một phiên bản “bắt chước” hay “làm lại của “Long hổ phong vân”. Quả thực hai tác phẩm này có một vài phân cảnh giống nhau, và nếu áp đặt một cách khiên cưỡng thì người ta cũng có thể nói rằng hình tượng cảnh sát nội gian Cao Thu cũng được Tarantino “xào” lại cho Reservoir Dogs. Tuy nhiên, cách thực hiện, ý tưởng phim của hai tác phẩm hoàn toàn khác nhau, và việc gom chung hai phim làm một như vậy không chỉ làm giảm giá trị cho phong cách làm phim nhiều thoại, nhiều nút thắt mở của Quentin Tarantino, mà cũng làm giảm giá trị của cả phong cách phim hành động rất riêng của Lâm Lĩnh Đông vốn tập trung vào nhịp phim và hành động hoành tráng.

Long hổ phong vân đem lại cho Lâm Lĩnh Đông thành công lớn về thương mại và nghệ thuật khi bộ phim vừa gây tiếng vang trên thị trường vừa đem lại cho Lâm giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất tại Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông năm 1987. Sau tác phẩm này, Lâm Lĩnh Đông còn cho ra đời nhiều bộ phim Phong vân (On Fire) khác như Giam ngục phong vân (Prison on Fire, 1987), Học giáo phong vân (School on Fire, 1988) và gần đây nhất là Trùng thiên hoả (Sky on Fire, 2016) nhưng không tác phẩm nào đạt tới được thành công của bộ phim gốc. Lâm Lĩnh Đông cũng từng thử sức ở Hollywood khi ông hợp tác với ngôi sao phim hành động người Bỉ Jean-Claude Van Damme trong các tác phẩm không mấy thành công là Maximum Risk (1996) và Replicant (2001). Ngay cả tác phẩm được coi là thành công bậc nhất của Lâm Lĩnh Đông cho tới trước khi ông qua đời vào ngày 29 tháng 12 năm 2018 vừa qua là bộ phim hành động “tinh tuyền” Cao độ giới bị (Full Alert, 1997) cũng chưa thể sánh ngang với Long hổ phong vân về mức độ lôi cuốn khán giả. Tuy nhiên có lẽ Lâm Lĩnh Đông cũng chẳng buồn, vì đời làm điện ảnh thường chỉ có một đỉnh cao duy nhất, và nếu cái đỉnh cao ấy là một tác phẩm “phải xem” đối với bất cứ ai yêu điện ảnh Hồng Kông, yêu phim hành động như Long hổ phong vân thì cũng đã là quá đủ để đạo diễn họ Lâm tự hào.  

=====

Roma (2018)


Mexico City của những năm đầu thập niên 1970 là một thành phố đầy ắp biến động và sự kiện, vui tươi sôi động có, mà bạo lực đẫm máu cũng rất nhiều. Tháng 6 năm 1970, người dân thủ đô Mexico City được chứng kiến một trong những trận chung kết đáng nhớ nhất trong lịch sử World Cup khi Brazil đánh bại Ý với tỉ số 4-1 để giành cúp vàng lần thứ ba. Chỉ đúng một năm sau đó, chỉ một ngày trước dịp lễ hội quan trọng của đất nước Mexico sùng đạo là Lễ Mình và Máu Thánh Chúa, cũng chính những người dân Mexico City ấy đã phải chứng kiến một trong những sự kiện đau buồn nhất trong lịch sử nước này khi quân đội và lực lượng bán vũ trang Mexico xả súng giết chết hơn 100 sinh viên diễu hành hoà bình đòi cải cách và dân chủ cho đất nước. 

Mexico City giai đoạn 1970, 1971 nóng bỏng, máu lửa là thế, nhưng ở khu phố cổ Roma trong trung tâm thành phố, có cảm giác dòng đời trong những ngôi nhà khá giả như của gia đình bác sĩ Antonio (Fernando Grediaga) vẫn luôn bình yên trong hạnh phúc. Tuy bác sĩ Antonio thường xuyên vắng nhà, nhưng bà Sofia vợ ông (Marina de Tavira) cũng chẳng có phút giây nào cô đơn trong căn hộ rộng lớn bởi bà còn phải chăm lo cho người mẹ già Teresa (Verónica García) và bốn đứa con nhỏ. Tất nhiên trong một gia đình trung lưu Mexico như của vợ chồng Antonio – Sofia, phần việc nặng nhọc nhất, từ quét dọn nhà cửa, nấu nướng, cho tới chăm lo cho từng miếng ăn giấc ngủ của bọn nhỏ là trách nhiệm của hai cô giúp việc Cleo (Yalitza Aparicio) và Adela (Nancy García). Xuất thân từ một vùng quê khô cằn của Mexico, Cleodegaria "Cleo" Gutiérrez nhỏ bé, hiền lành, chất phác, nhưng hết sức chăm chỉ, chu đáo và yêu thương bọn trẻ nhà Antonio-Sofia. Cuộc sống hàng ngày của Cleo và cô bạn Adela ở khu phố Roma từ sáng sớm đến tối khuya thường chỉ giới hạn trong bốn bức tường nhà Antonio, nhưng hai cô cũng có những phút vui vẻ riêng trong căn phòng nhỏ nơi gác mái, hoặc khi cả hai có những buổi hẹn hò cùng hai anh chàng Ramon (José Manuel Guerrero Mendoza) và Fermin (Jorge Antonio Guerrero). Có một người chủ giàu có, hiểu chuyện, có bốn đứa nhóc nghịch ngợm nhưng luôn miệng “con yêu Cleo”, có người bạn trai Fermin nghèo khó nhưng mạnh mẽ giỏi võ, tường chừng cuộc sống của Cleo sẽ trôi đi phẳng lặng như những mảnh đời khác trong khu phố cổ Roma. Nhưng rồi những sự kiện lịch sử đang làm xáo trộn cả thủ đô Mexico City rồi sẽ tác động đến từng số phận đang sinh sống nơi đây như Cleo theo cái cách chẳng ai ngờ, và phía dưới cái vẻ yên bình của Roma, rất nhiều những biến động, những đổi thay đã ẩn mình từ lâu để chờ ngày phá tan cái sự tĩnh lặng của khu phố cũ.

Alfonso Cuarón là đạo diễn người Mỹ Latinh đầu tiên được trao giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất với tác phẩm khoa học giả tưởng Gravity (2013). Nhưng trong suốt gần 20 năm qua ông được coi là một nghệ sĩ Hollywood nhiều hơn là một nghệ sĩ Mexico bởi kể từ Y Tu Mamá También (2001), thành quả sáng tạo của Cuarón giới thiệu đến công chúng như Harry Potter and the Prisoner of Azkaban (2004), Children of Men (2006), và Gravity đều là những bộ phim đậm chất Hollywood với kinh phí lớn, nhiều chất hành động-giả tưởng, và luôn khiến khán giả phải thán phục vì chất lượng quay phim và kĩ xảo điện ảnh. Bởi vậy mà tin Roma – tác phẩm thứ 8 trong sự nghiệp của Alfonso Cuarón được hãng Netflix mua quyền công chiếu đã nhanh chót thu hút sự chú ý của khán giả không chỉ vì đây là bộ phim đánh dấu sự trở lại của đạo diễn người Mexico sau năm năm vắng bóng kể từ thành công của Gravity, mà còn vì đây là một tác phẩm đen trắng thuần chất Mỹ Latinh về những con phố của thủ đô Mexico City nơi chính cậu bé Alfonso Cuarón đã lớn lên trong những năm đầu thập niên 1970.

Quả thực Roma là một bộ phim mang đậm dấu ấn cá nhân của Alfonso Cuarón. Bên cạnh vai trò đạo diễn của phim, nghệ sĩ 57 tuổi còn đảm nhiệm cả việc viết kịch bản, biên tập, sản xuất, và thậm chí là cả quay phim – vị trí quan trọng bậc nhất cho sự thành công của một bộ phim và cũng là vị trí mà Cuarón vốn thường tin tưởng trao cho người bạn của ông – nhà quay phim nổi tiếng Emmanuel “Chivo” Lubezki. Phần đề từ ở cuối Roma (“Bộ phim này ra đời để tưởng nhớ tới Libo”) phần nào giải thích cho sự “ôm đồm” của Alfonso Cuarón. Libo Rodríguez là người phụ nữ giúp việc trong gia đình Cuarón tại Mexico City trong suốt những năm thơ ấu của Alfonso Cuarón. Đạo diễn người Mexico lớn lên trong những câu chuyện kể của Libo về một Mexico nghèo khó và cổ xưa – những góc nhìn vốn rất xa lạ về Mexico với một cậu bé có bố mẹ thuộc tầng lớp trung lưu khá giả như Alfonso. Những câu chuyện kể năm xưa của Libo phần nào đó đã giúp nhen nhóm trong ông tình yêu với thiên nhiên và con người Mexico – một tình yêu chân thành được phản ánh một cách hết sức cảm động qua tuyệt phẩm Y Tu Mamá También. Và có lẽ cũng chính những câu chuyện năm xưa ấy đã tạo nguồn cảm hứng để Alfonso Cuarón cho ra đời Roma, bởi chính đạo diễn đã thừa nhận rằng hình ảnh của Cleo – nhân vật trung tâm của bộ phim được ông tạo nên từ chính cuộc đời của Libo năm xưa. 

Tuy là một tác phẩm điện ảnh làm về đất nước Mexico, lịch sử Mexico, và những mảnh đời bình dị của người dân Mexico, nhưng có cảm giác Roma của Alfonso Cuarón gợi nhắc rất nhiều đến những tác phẩm đậm chất nhân văn theo chủ nghĩa tân hiện thực của điện ảnh Ý những năm 1940, 1950. Với những tác phẩm xuất sắc như Ladri di biciclette (1948) của Vittorio De Sica hay Le notti di Cabiria (1957) của Federico Fellini, trào lưu tân hiện thực đã giúp công chúng nhận ra rằng không chỉ sự hào nhoáng, lộng lẫy của những tên tuổi lớn của Hollywood mới là điện ảnh, mà điện ảnh tinh tuý còn là những bộ phim đen trắng có kịch bản đầy ắp những câu thoại giản dị không văn hoa, sử dụng những bối cảnh chân thực bên ngoài trường quay, với các nhân vật do những diễn viên nghiệp dư hoặc kém tên tuổi thủ vai, và về muôn mặt khốn khó của những mảnh đời nghèo khổ. Phần lớn các tên tuổi lớn của dòng phim tân hiện thực Ý như De Sica, như Fellini, như Roberto Rossellini đã qua đời từ lâu, nhưng các tác phẩm lớn của dòng phim này vẫn để lại dấu ấn đậm nét không chỉ trong lòng khán giả, mà còn qua tinh thần nhân văn, sự quan tâm tới những số phận bình thường trong lòng xã hội hiện đại của các bộ phim theo chủ nghĩa hiện thực của Pháp, Ý, Iran, và cả Hollywood đương đại. Roma cũng là một tác phẩm như thế. Tuy khán giả vẫn có thể cảm nhận được những biến động chính trị, xã hội của đất nước Mexico giai đoạn những năm 1960, 1970 thông qua bộ phim, nhưng Roma trước tiên và trên hết vẫn là một bộ phim về cuộc sống và suy tư của Cleo và những người xung quanh cô như Sofia, như Fermin. Dù lớn lên với những câu chuyện kể của Libo – nguồn cảm hứng chính của Cleo, nhưng Alfonso Cuarón trao cho cô nhân vật chính của ông rất ít thoại. Xuyên suốt phần lớn thời gian của Roma, người xem chỉ có thể đoán biết suy nghĩ, tình cảm của Cleo thông qua sự tỉ mỉ, tận tâm khi chăm sóc lũ trẻ nhà Antonio-Sofia của cô, hay qua phản ứng có phần bị động của Cleo trước những nhân vật mạnh mẽ hơn rất nhiều về mặt cảm xúc như Fermin, như Sofia, và kể cả người bạn hầu gái Adela. Vì lý do này mà một số nhà phê bình đã chỉ trích Cuarón khi cho rằng dù luôn nhắc tới tình cảm gần gũi của Libo dành cho ông nhưng đạo diễn người Mexico lại tạo ra một nhân vật chính hết sức “một chiều”, chỉ biết “nghe lời” những nhân vật ở tầng lớp trên mà thiếu đi sức mạnh ý chí của bản thân. Qủa thực sau khi xem xong Roma chắc chắn nhiều khán giả vẫn sẽ thấy Cleo mà một nhân vật bí ẩn vì cô gần như không bao giờ nói về gia cảnh, về suy nghĩ, về ước mơ của mình. Sự kiệm lời của Cleo và nhịp phim tương đối chậm, thiếu vắng cảm xúc đặc biệt là ở nửa đầu của Roma cũng phần nào đó làm bộ phim trở nên khó xem với một số khán giả. Tuy nhiên nhịp phim chậm rãi cùng nhiều khung hình được Alfonso Cuarón lặp đi lặp lại ở phần đầu của phim cũng lại là cơ hội để khán giả chú ý tới những chi tiết nhỏ, những câu nói tưởng chừng bâng quơ nhưng lại bộc lộ rất nhiều về con người của Cleo. Và đến nửa cuối của phim, khi nhịp phim bắt đầu được đẩy dần lên tới cực điểm với điểm nhấn là những sự kiện xoay quanh vụ thảm sát ngày Lễ Mình và Máu Thánh Chúa và chuyến du hành tìm về với biển cả thì những chi tiết tưởng chừng rời rạc ở phần đầu phim ấy sẽ được xâu chuỗi để tạo nên một bức tranh tổng thể đầy cảm xúc và hết mực nhân văn về số phận của Cleo – cô gái hiền lành, nghèo khổ, cam chịu nhưng vẫn luôn khao khát có hạnh phúc riêng của riêng mình. Có thể Cleo không phải là một nhân vật “anh hùng” đại diện cho ý chí vươn lên của tầng lớp lao động nghèo trong xã hội Mexico. Có thể sự kiệm lời của Cleo khiến khán giả không cảm thấy thoả mãn với những câu thoại mang tính tuyên ngôn. Nhưng câu truyện của Cleo trong Roma vì thế mới là câu truyện đầy tính hiện thực về một cá nhân bình thường của xã hội, một cá nhân với số phận riêng vừa mang tính đại diện cho sự khó khăn của người dân quê nghèo xứ Mexico, vừa dễ dàng đem tới cho khán giả một sự đồng cảm, gần gũi mà mô-típ nhân vật “anh hùng” khó lòng làm được.

Tuy dành được rất nhiều vinh quang với Gravity và được đánh giá rất cao về mặt kỹ thuật dàn dựng điện ảnh với Children of Men, nhiều nhà phê bình và người hâm mộ lại cho rằng tác phẩm xuất sắc nhất của Alfonso Cuarón cho đến trước Roma lại là bộ phim “du hành” Y Tu Mamá También. Tác phẩm này được đánh giá rất cao không chỉ vì câu truyện hết sức cảm động về cuộc hành trình về với biển để tìm lại bản thân, để vượt qua những mông lung tuổi đầu đời của hai cậu thanh niên tuổi mới lớn, mà còn vì bức tranh tuyệt đẹp về đất nước Mexico của rất nhiều sự tương phản. Bởi thế bên cạnh người phụ nữ tràn đầy tình yêu cuộc sống Luisa Cortes, những cảnh quay góc rộng đặc tả thiên nhiên và xã hội Mexico cũng có thể được coi là một nhân vật chính của Y Tu Mamá También. Với Roma, Alfonso Cuarón lại một lần nữa đem tới cho người xem không chỉ câu truyện đầy chất nhân văn về những nhân vật đáng nhớ như Cleo, như Sofia, mà khán giả, đặc biệt là những khán giả nước ngoài chưa một lần đặt chân tới Mexico, sẽ còn được thết đãi một bữa tiệc thị giác tuyệt vời về thiên nhiên và xã hội của đất nước Trung Mỹ trong những năm tháng nhiều biến động. Một trong những điều đáng tiếc nhất liên quan tới tác phẩm mới nhất của đạo diễn người Mexico là việc bản quyền bộ phim đã được kênh phim trực tuyến Netflix mua lại – đồng nghĩa với việc sẽ có rất ít khán giả được thưởng thức những hình ảnh đẹp đẽ của bộ phim trên màn ảnh lớn – điều kiện xem phim tối ưu nhất cho một tác phẩm đẹp như “Roma”. Tất nhiên cái cách người xem thưởng thức điện ảnh và truyền hình đang ngày một thay đổi do sự phát triển nhanh chóng của những kênh phim trực tuyến như Netflix, nhưng có lẽ khó gì có thể thay đổi được cảm giác choáng ngợp đến cảm động khi chứng kiến những góc quay rộng đặc tả những đường phố đông đúc, náo nhiệt của thủ đô Mexico City, hay những khu nhà lụp xụp, lầy lội ở các vùng quê Mexico qua màn ảnh lớn của những rạp phim điện ảnh truyền thống.

Là một trong những khu phố cổ của Mexico City, Roma và những cư dân sinh sống nơi đây phần nào đó có thể coi là một bức tranh thu nhỏ của xã hội thủ đô đất nước Mexico City. Và Roma của Alfonso Cuarón chính là bức tranh thu nhỏ ấy với bối cảnh cụ thể là những ngày tháng đầy biến động của Mexico giai đoạn 1970-1971. Trên bức tranh ấy người xem có thể tìm thấy rất nhiều những mảng tối u ám, những nỗi buồn đến thắt ruột xảy đến không chỉ với những người dân nghèo mà còn cả với những cá nhân của tầng lớp trung lưu. Nhưng cũng trên bức tranh ấy, đặc biệt là thông qua những khung hình cuối cùng của Roma, người xem cũng lại tìm thấy được rất nhiều hy vọng, hy vọng của những con người nhỏ bé chỉ mong muốn có một cuộc no đủ, hạnh phúc bên những người thân yêu nhất của họ. Có thể đó không hẳn là một bức tranh mang tính đại diện cho lịch sử, đất nước, hay con người Mexico, nhất là vì Roma đối với Alfonso Cuarón là một bộ phim mang tính cá nhân, một tác phẩm được làm ra để đạo diễn người Mexico có thể đưa đến cho khán giả một Mexico, một Libo trong ký ức của cậu bé Alfonso năm nào. Nhưng đó vẫn là một bức tranh vừa giàu chất hiện thực, vừa đậm tính nhân văn mà bất cứ ai sở hữu một tài khoản Netflix cũng nên dành thời gian để thưởng thức. 

======

lundi 10 décembre 2018

BlacKkKlansman (2018)


Trong lịch sử nước Mỹ, cuộc nội chiến đẫm máu từ năm 1861 đến 1865 được coi là một trong những cột mốc đáng nhớ nhất trong nỗ lực bãi bỏ chế độ nô lệ, đặc biệt là ở các bang miền Nam nơi nhiều người da đen phải sống suốt đời phục vụ các ông chủ da trắng trong các dinh thự xa hoa hay các cánh đồng bông vải bao la mà không có nổi lấy một phút tự do, bình đẳng. Với thất bại của các bang miền Nam trong cuộc nội chiến, tưởng như nạn phân biệt chủng tộc, đặc biệt là đối với người da đen và các chủng tộc ít người như dân Do Thái, dân châu Á, sẽ theo đó mà biến mất. Nhưng non sông dễ đổi mà bản tính thì khó dời, những kẻ mang danh nước Mỹ đòi phân biệt đối xử với người da đen lại tiếp tục tập hợp nhau lại dưới trướng của của Ku Klux Klan – một hội kín nửa mang tính tôn giáo, nửa mang tính chính trị với mục đích tối thượng lấy cảm hứng từ bộ phim The Birth of a Nation (1915) của D. W. Griffith là biến nước Mỹ trở thành một quốc gia riêng của người da trắng theo đạo Thiên chúa – nơi không có chỗ cho những nhóm người khác biệt về sắc da, tôn giáo. Chính Ku Klux Klan, hay đảng KKK, cùng những bộ óc bị mê muội bởi thuyết ưu sinh về vị thế “vượt trội” của người da trắng đã kích động và trực tiếp gây ra vô số tội ác chống lại người da đen ở nước Mỹ xuyên suốt thế kỷ 20, từ những vụ hành hình tập thể, công khai với mức độ man rợ khó có thể tin nổi trong một xã hội cận và hiện đại như vụ tra tấn và thiêu chết cậu thanh niên da đen mới có 17 tuổi Jesse Washington tại Waco, Texas năm 1916 trước sự chứng kiến của hơn mười nghìn người, những vụ xử oan các bị cáo da đen bởi bồi thẩm đoàn chỉ toàn người da trắng, hay nạn cảnh sát phân biệt đối xử với người da đen vốn vẫn còn tồn tại cho tới tận ngày nay.

Một trong những trang sử của cuộc chiến chống lại nạn phân biệt chủng tộc đối với người da đen ở Mỹ, cũng như cách thức KKK tìm cách tồn tại bằng cách thu hút đảng viên mới thông qua những thông điệp giả tạo, dối trá được kể lại trong tác phẩm mới nhất của đạo diễn Spike Lee – bộ phim BlacKkKlansman. BlacKkKlansman kể lại câu truyện có thật về cuộc thâm nhập đảng KKK trong những năm đầu thập niên 1970 của Ron Stallworth (John David Washington) – sĩ quan cảnh sát da đen đầu tiên của thành phố Colorado Springs,  bang Colorado. Thông minh, cương quyết, yêu nghề, Stallworth có gần như đầy đủ mọi điều kiện để trở thành một thanh tra cảnh sát thành công. Nhưng màu da ngăm đen khoẻ khoắn cùng kiểu tóc xù “afro” của Stallworth không chỉ là cái gai trong mắt những tay cảnh sát biến chất như Andy Landers (Fred Weller) mà còn khiến những viên lãnh đạo sở cảnh sát ở Colorado Springs như Cảnh sát trưởng Bridges (Robert John Burke) e ngại tới mức công việc đầu tiên của Stallworth ở nơi làm việc mơ ước lại là cái ghế trông phòng lưu trữ. 

Cơ hội chứng tỏ tài năng chỉ đến khi Ron Stallworth được giao trà trộn theo dõi cuộc họp mặt của các sinh viên da đen ở Colorado với thủ lĩnh đấu tranh đòi quyền bình đẳng Kwame Ture (Corey Hawkins). Không chỉ có thêm cái nhìn rõ ràng hơn về những căng thẳng sắc tộc ở nước Mỹ và khao khát đòi bình quyền, kể cả bằng bạo lực, của những nhà hoạt động da đen thông qua bài nói chuyện của Ture, phi vụ trà trộn bất đắc dĩ này còn tạo cho Stallworth cơ hội làm quen với cô sinh viên xinh đẹp nhưng đầy nhiệt huyết chính trị Patrice Dumas (Patrice Dumas), và giúp anh có đủ sự tin tưởng từ Cảnh sát trưởng Bridges để được chuyển sang Tổ tình báo để làm việc cùng hai người đồng nghiệp vui tính Flip Zimmerman (Adam Driver) và Jimmy Creek (Michael Buscemi). 

Tại vị trí mới, Stallworth nảy ra ý tưởng thâm nhập chi nhánh của đảng KKK ở Colorado Springs để nắm rõ hơn âm mưu và thủ đoạn của tổ chức vốn chuyên kích động bạo lực và hận thù này. Tất nhiên với bề ngoài của mình thì Ron Stallworth không thể đích thân đăng ký tham gia các hoạt động của KKK, anh chỉ có thể đứng sau chiếc điện thoại để đánh lừa các đảng viên KKK bằng chất giọng đặc sệt “Mỹ trắng”. Vào vai “Ron Stallworth da trắng” trực tiếp đi vào hang ổ của những kẻ-ghét-người-da-đen là Flip Zimmerman – viên thanh tra vốn ban đầu cũng không hào hứng lắm với vở kịch do Stallworth đạo diễn bởi anh có gốc Do Thái – nhóm người bị lũ KKK căm ghét không kém gì dân da đen. Nhưng sự dũng cảm, và tinh quái của cặp “Stallworth da đen” và “Stallworth da trắng” rồi cũng dần chinh phục được lòng tin của các đảng viên KKK ở Colorado Springs như gã trưởng nhóm Walter Breachway (Ryan Eggold), cặp vợ chồng KKK với giấc mơ tiêu diệt người da đen Felix và Connie Kendrickson (Jasper Pääkkönen và Ashlie Atkinson) để rồi cái tên Ron Stallworth thậm chí đến tai của David Duke (Topher Grace) – Đảng trưởng KKK toàn nước Mỹ. Có cơ hội tiếp xúc với Breachway, với Kendrickson, với Duke, Stallworth và Zimmerman dần nhận ra rằng KKK không chỉ có những âm mưu ngắn hạn khủng bố người da đen về mặt thể xác và tinh thần, mà còn hướng tới mục tiêu dài hạn là khôi phục vị thế trong xã hội Mỹ của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và thuyết thượng đẳng da trắng từ đống tro tàn bởi ngọn lửa của cuộc nội chiến và phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng của Mục sư Martin Luther King và các nhà hoạt động xã hội Mỹ trong thập niên 1960. 

Cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 Spike Lee từng được coi là một trong những đạo diễn xuất sắc nhất trong đội ngũ các nhà làm phim da màu của Hollywood với các bộ phim xuất sắc đậm chất văn hoá của người Mỹ gốc Phi và tinh thần đấu tranh bình quyền như Do the Right Thing (1989) hay Malcolm X (1992). Nhưng suốt trong hai thập niên sau đó, Spike Lee có một sự nghiệp không thực sự ấn tượng khi ông chỉ cho ra đời được đôi ba tác phẩm đáng nhớ như 25th Hour (2002) hay Inside Man (2006) và không ít thất bại cả về mặt doanh thu và chất lượng nghệ thuật như Oldboy (2013). Với việc phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người da đen quay trở lại như một đề tài nóng bỏng của nước Mỹ và Hollywood trong vòng 3, 4 năm trở lại đây với phong trào Black Lives Matter và sự chống đối của một bộ phận dân chúng Mỹ đối với tổng thống mới đắc cử Donald Trump, nhiều người đã hy vọng rằng Spike Lee có thể “nhớ nghề” để quay về thể hiện khả năng thực sự với một bộ phim nói lên tiếng nói của những người da màu như ông – những người Mỹ gốc Phi. BlacKkKlansman chính là câu trả lời mạnh mẽ của Spike Lee cho sự mong đợi đó từ phía công chúng. Dựa trên cuốn tự truyện cùng tên của Ron Stallworth – một viên cảnh sát có thật, với cuộc thâm nhập có thật vào hang ổ của đảng KKK của những kẻ không mong muốn gì hơn là cái chết của những người Mỹ gốc Phi như ông, BlacKkKlansman vừa là câu truyện chân thực về một giai đoạn có thật trong lịch sử nước Mỹ khi người da đen còn đang phải đấu tranh đòi lấy những quyền cơ bản nhất, nhưng cũng lại mang hơi thở thời đại của Black Lives Matter, của phong trào phản đối tổng thống Donald Trump để duy trì sự bình đẳng về tôn giáo, về sắc tộc trong lòng nước Mỹ hiện đại. Có lẽ khi mới đọc qua phần tóm tắt cốt truyện, hay xem các đoạn phim quảng cáo cho BlacKkKlansman nhiều người sẽ nghĩ rằng Spike Lee sẽ khai thác tối đa sự “trớ trêu” của tình huống viên thanh tra da đen Stallworth tìm cách xâm nhập vào tổ chức của những kẻ da trắng-ghét-dân-da-đen để biến bộ phim mới nhất của ông trở thành một tác phẩm hình sự-hài được thêm nếm gia vị chính trị và xã hội. Quả thực BlacKkKlansman có nhiều giờ phút hài hước, đặc biệt là trong các phân đoạn về sự tương tác giữa hai viên thanh tra Ron Stallworth và Flip Zimmerman, hay giữa Flip và gã đảng viên KKK phục phịch ngớ ngẩn Ivanhoe (Paul Walter Hauser). Nhưng những phút hài hước, hay thậm chí là chất hình sự của phi vụ thâm nhập trong BlacKkKlansman chỉ là phần gia vị bổ sung thêm vào nội dung chủ đạo của bộ phim – tệ phân biệt chủng tộc ăn sâu bám rễ trong lòng xã hội nước Mỹ, và sự nguy hại của những tư tưởng phân biệt chủng tộc ngu ngốc nhưng đầy lôi cuốn với một nhóm người Mỹ của đảng KKK. Không chỉ bằng lòng với các hình ảnh ẩn dụ, các câu truyện ngầm chỉ về tình cảnh của người da đen trong một xã hội Mỹ còn nhiều bất công, Spike Lee còn tăng tối đa thời lượng cho các đoạn đối thoại nhắc đi nhắc lại đối với khán giả một cách trực tiếp về khối u nhức nhối này, và về sự mâu thuẫn giữa giới chức, giữa những người có quyền lực trong tay nhưng lại sợ trách nhiêm như Cảnh sát trưởng Bridges và những nhà hoạt động không quản ngại vất vả gian lao nhưng trong tay lại chẳng có lấy một gram thực quyền như Patricia Dumas. Tiến thêm một bước nữa, với sự cộng tác của nhà quay phim Chayse Irvin, Spike Lee còn sử dụng rất nhiều cảnh quay cận mặt mang đầy tính sắp đặt để nhấn mạnh hơn nữa thông điệp của bộ phim, để cảnh tỉnh khán giả về nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn lan tràn ngay trong lòng nước Mỹ hiện đại, và từ đó kêu gọi họ suy ngẫm về tác hại lâu dài của KKK đối với xã hội nước Mỹ. Không suy ngẫm sao được khi BlacKkKlansman có một đoạn kết khác tông nhưng mang thông điệp chính trị mạnh mẽ hiếm có trong số các bộ phim điện ảnh của Hollywood năm 2018. 

Thành công tuyệt đối về mặt thông điệp chính trị và xã hội, nhưng xét trên khía cạnh một tác phẩm điện ảnh – bởi xét cho cùng BlacKkKlansman vẫn là một bộ phim điện ảnh với kịch bản do chính Spike Lee chắp bút cùng ba nhà biên kịch khác – thì tác phẩm mới nhất của đạo diễn người New York chưa hẳn đã vượt trội. Việc cán cân kịch bản nghiêng hẳn về khía cạnh chính trị - xã hội khiến BlacKkKlansman bỏ lỡ cơ hội trở thành một tác phẩm hấp dẫn trong dòng hình sự về “điệp viên tay trong” như The Departed (2006) của Martin Scorsese, và lôi cuốn khán giả nhờ chất hài châm biếm về đề tài phân biệt chủng tộc như Django Unchained (2012) của Quentin Tarantino. Tất nhiên, lựa chọn của Spike Lee – một đạo diễn luôn đề cao tinh thần “nhập thế” là hoàn toàn có thể hiểu được khi xét tới bối cảnh chính trị đầy nóng bỏng của nước Mỹ ở thời điểm hiện tại, nhưng việc bỏ lỡ bối cảnh đắt giá của BlacKkKlansman vốn cực kì thuận lợi cho dòng phim hình sự-hài đã biến tác phẩm mới nhất của Spike Lee mất đi phần nào sự hấp dẫn với một kịch bản không đồng đều về nhịp phim, một cốt truyện bị ngắt quãng và thiếu cao trào, và nhiều chi tiết không được khai thác một cách triệt để. Việc xây dựng nhân vật trong phim vì thế mà cũng bị ảnh hưởng phần nào, bởi nếu so với các bộ phim xuất sắc cùng đề tài xung đột sắc tộc như 12 Years a Slave (2013) của Steve McQueen hay Loving (2016) của Jeff Nichols thì BlacKkKlansman không thực sự có nhiều nhân vật đáng nhớ, bất chấp diễn xuất không tồi của John David Washington và đặc biệt là Adam Driver trong vai bộ đôi “Stallworth da đen” và “Stallworth da trắng”. Đây là một khía cạnh tương đối đáng tiếc của BlacKkKlansman không chỉ bởi cả Washington và Driver đều là những diễn viên tài năng, mà còn vì mảnh đất màu mỡ cho những nhân vật đáng nhớ đối với khán giả của BlacKkKlansman – đó là những xung đột về mặt tư tưởng, tinh thần, về định nghĩa thế nào là một người có ích của các nhân vật bị đặt trong bối cảnh đầy mâu thuẫn của một người da đen bị coi là đại diện cho quyền lực của người da trắng, của một người Do Thái phải làm bạn với những kẻ luôn phủ nhận nạn diệt chủng người Do Thái trong Thế chiến thứ hai là câu truyện không có thật. 

Trong một giai đoạn đầy biến động của xã hội nước Mỹ, khi bóng ma của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, của tư tưởng da trắng thượng đẳng từ những nhóm chuyên kích động hận thù bạo lực như KKK đang có nguy cơ quay trở lại ám ảnh nước Mỹ, thì những bộ phim với thông điệp chính trị mạnh mẽ như BlacKkKlansman là hết sức cần thiết. Tất nhiên, người xem sẽ còn cảm thấy hào hứng hơn nếu tác phẩm mới nhất của đạo diễn Spike Lee là một bộ phim xuất sắc của dòng phim hình sự-hài, nhưng đôi khi một cốc nước lạnh với không nhiều hương vị giải trí như BlacKkKlansman lại có hiệu quả hơn trong việc nhắc nhớ mọi người về việc dù Nội chiến Mỹ đã kết thúc cách đây hơn 150 năm, cuộc chiến chống tệ phân biệt chủng tộc vẫn còn hết sức nóng bỏng, và bình quyền cho những người da đen, cho những nhóm người thiểu số về sắc tộc, về tôn giáo ở nước Mỹ vẫn còn cần sự chung tay của tất cả chúng ta. 

vendredi 7 décembre 2018

Widows (2018)


Chicago là một trong những thành phố giàu có và năng động nhất của nước Mỹ với vô số các toà nhà chọc trời và cơ hội làm giàu rộng mở ở mọi nơi, mọi lúc. Nhưng cũng chính tại Chicago, khoảng cách giàu-nghèo ngày một lớn, cùng nạn bạo lực đến từ các băng đảng hoành hành bởi luật quản lý súng lỏng lẻo đã biến cuộc sống của nhiều người dân, đặc biệt là những người da đen nghèo ở các khu phố ngoại ô Chicago trở thành cuộc vận lộn mưu sinh không lấy gì làm dễ chịu. Nếu so sánh với những mảnh đời khốn khó đó của các cư dân người Mỹ gốc Phi của Chicago thì rõ ràng Veronica Rawlings (Viola Davis) có thể được coi là một phụ nữ may mắn. Có một công việc chẳng thể đem lại nhiều tiền bạc – đại diện cho nghiệp đoàn giáo viên nhưng Veronica lại tận hưởng một cảnh đời giàu sang trong căn hộ cao cấp ngay trung tâm Chicago cùng chú cún cưng và đặc biệt là người chồng Harry (Liam Neeson) vốn luôn hết mực yêu thương, chiều chuộng vợ.

Nhưng Veronica chẳng thể ngờ được rằng cuộc sống sung sướng của bà lại bắt nguồn từ những đồng tiền bẩn thỉu từ các vụ trộm cướp của Harry. Là người đàn ông hào hoa, lịch lãm trước mặt vợ nhưng trong bóng đêm của thành phố Chicago, Harry lại là tay tướng cướp quỷ quyệt chịu trách nhiệm vạch ra đường đi nước bước cho ba tay đàn em là Carlos (Manuel Garcia-Rulfo), Florek Gunner (Jon Bernthal), và Jimmy Nunn (Coburn Goss). Nhưng đi đêm lắm rồi cũng có ngày gặp ma, trong một phi vụ ăn trộm 2 triệu đô la tiền vận động tranh cử của tay trùm băng đảng chuyển hướng sang làm chính trị Jamal Manning (Brian Tyree Henry), chiếc xe chở bộ tứ Harry, Carlos, Florek, và Jimmy bị nổ tung sau cuộc truy đuổi và đấu súng quyết liệt với cảnh sát Chicago. Vốn trước đó đã mất đi người con trai Marcus vì bị cảnh sát bắn nhầm trên đường, chỉ trong khoảnh khắc Veronica Rawlings lại mất đi nốt người chồng yêu thương và trở thành người goá phụ cô độc trong căn hộ xa hoa với chú chó trắng.

Sau cái đêm định mệnh cướp đi sinh mạng của băng cướp Harry, không chỉ có mình Veronica trở thành goá phụ. Carlos ra đi không chỉ bắt cô vợ người gốc Mỹ Latinh Linda Perelli (Michelle Rodriguez) rơi vào cảnh một mình nuôi con mà còn buộc Linda phải gánh lấy món nợ đến từ thói máu mê cờ bạc của chồng. Tuy là gã vũ phu thường động chân tay với vợ nhưng cái chết của Florek vẫn làm cô vợ trẻ Alice (Elizabeth Debicki) trở nên hụt hẫng vì không nghề nghiệp, không kinh nghiệm, không tương lai, và cũng chẳng có nổi một chỗ dựa tử tế khi mà bà mẹ người gốc Ba Lan của cô (Jacki Weaver) chỉ luôn toan tính mang thân xác của chính con gái mình ra để kiếm tiền. Và cũng như Linda, vợ của Jimmy là Amanda (Carrie Coon) còn chẳng có nổi thời gian để khóc thương cho chồng khi mà đứa con mới sinh của hai người vẫn còn đang luôn miệng đòi vòng tay của mẹ. 

Không phải đối mặt với cuộc sống khó khăn, cũng không rơi vào cảnh con cái nheo nhóc, nhưng cái chết của Harry lại đem đến cho Veronica một rắc rối chết người khác. Đó là khoản tiền 2 triệu đô Harry ăn cắp từ tay Jamal và gã em trai Jatemme (Daniel Kaluuya) – hai tay trùm băng đảng người da đen đang ấp ủ tham vọng lật đổ “đế chế” chính trị của bố con Tom (Robert Duvall) và Jack Mulligan (Colin Farrell) thông qua cuộc bầu cử hội đồng khu vực dân cư nghèo của Chicago. Ở xứ sở dân chủ tự do như nước Mỹ, ứng cử viên nào có càng nhiều tiền để quảng cáo vận động tranh cử thì càng có cơ hội thắng cử lớn, bởi vậy khi đối đầu với một gia đình người da trắng có truyền thống trong chính quyền, lại nổi tiếng là nhiều tiền “lại quả” từ các dự án xây dựng ở khu vực, thì món tiền 2 triệu đô là cả cơ hội đổi đời của Jamal và Jatemme. Sau vụ nổ cướp đi sinh mạng của Harry và biến chỗ tiền ăn cắp trở thành tro bụi, tất nhiên Jamal và Jatemme gán trách nhiệm lấy lại tiền cho Veronica. Hai gã cho bà đúng 1 tháng để trả lại chỗ tiền vận động tranh cử - một nhiệm vụ bất khả đối với một phụ nữ chưa bao giờ phải đối diện với khó khăn và cả đời sống ngay thẳng với nghề đại diện nghiệp đoàn giáo viên như Veronica. Tình cảnh trớ trêu này buộc Veronica phải tính đến giải pháp cuối cùng – “tiếp bước” Harry tiến hành một phi vụ trộm để có tiền trả nợ đời. Hỗ trợ cho Veronica trong vụ trộm “thế kỷ” này không ngoài ai khác mà chính là hai bà goá phụ Linda và Alice, cùng cô thợ cắt tóc kiêm vú em Belle (Cynthia Erivo). 

Bộ phim về băng trộm goá phụ Widows là tác phẩm mới nhất của đạo diễn người Anh Steve McQueen dựa trên loạt phim truyền hình cùng tên được hãng ITV của Anh phát sóng vào giữa thập niên 1980. Trước Widows, đạo diễn 49 tuổi người da màu mới chỉ có trong tay 3 phim điện ảnh là Hunger (2008), Shame (2011), và 12 Years a Slave (2013). Nhưng chỉ từng ấy tác phẩm cũng đã là quá đủ để Steve McQueen khẳng định tài năng trong dòng phim tâm lý và bi kịch tại Hollywood, đặc biệt là với giải Oscar phim hay nhất cho 12 Years a Slave. Bởi vậy mà khi khi đoạn phim quảng cáo đầu tiên của Widows ra mắt công chúng, nhiều người đã tỏ ra ngạc nhiên không chỉ vì tác phẩm mới nhất này của McQueen vắng bóng Michael Fassbender – diễn viên thể hiện một cách xuất sắc vai chính trong cả bộ ba Hunger, Shame và 12 Years a Slave, mà còn vì Widows mang màu sắc phim hành động – dòng phim hoàn toàn mới mẻ đối với một đạo diễn “chuyên trị” phim tâm lý như Steve McQueen. Sự ngạc nhiên, thậm chí là có phần nghi ngại đó là hoàn toàn có cơ sở, bởi dù có tài năng đã được kiểm chứng, lại có sự giúp sức của nhà văn nữ Gillian Flynn – tác giả tiểu thuyết và sau đó là kịch bản phim hình sự xuất sắc Gone Girl (2014), nhưng để chuyển từ các bộ phim đặc tả tâm lý, đi sâu vào nội tâm nhân vật và khá kén người xem như Hunger hay Shame sang dòng phim đòi hỏi nhịp phim nhanh, nhiều trường đoạn hành động lôi cuốn khán giả là một nhiệm vụ không hề dễ dàng đối với Steve McQueen.

Một tin mừng cho những người yêu phim của Steve McQueen là Widows có thể được coi là một thử nghiệm thành công của đạo diễn người Anh trong dòng phim mới. Trung thành với một tác phẩm hành động truyền thống, Widows có nhịp phim tương đối nhanh với nhiều pha hành động hồi hộp, kịch tính và đặc biệt là có nhiều bất ngờ với những nút thắt mở rất phù hợp với một bộ phim lấy đề tài “trộm cướp”. Đặc biệt là dù lấy trung tâm là những người phụ nữ mạnh mẽ có, yếu mềm có nhưng nhìn chung không quen với súng ống, bạo lực, Widows lại có rất nhiều cảnh phim gây bất ngờ về mức độ bạo lực, nhất là trong những phân đoạn có sự xuất hiện của Jatemme Manning – một vai diễn xuất sắc khác của Daniel Kaluuya, diễn viên được coi là phát hiện mới của Hollywood sau Get Out (2017) và Black Panther (2018). Widows là một bộ phim rất ít “người tốt” khi mà Chicago trong phim luôn phải oằn mình chịu đựng sự hoành hành của những tên tội phạm ưa thích bạo lực như Jamal, Jatemme, và những chính trị gia có bề ngoài hào nhoáng nhưng bên trong mục ruỗng như cha con nhà Mulligan. Trong một xã hội không có “người tốt” như vậy, tất nhiên những người phụ nữ phải đứng lên để bảo vệ bản thân, để đấu tranh cho tương lai của chính họ và những người họ yêu thương. Bởi thế Widows là một bộ phim về những phụ nữ mất mát, nhưng cũng là bộ phim về những người phụ nữ tìm thấy sức mạnh không chỉ về thể chất mà còn cả về tinh thần để có thể đương đầu với sóng gió cuộc đời mà không phải nấp sau hình bóng của bất cứ người đàn ông nào. Sự tương phản giữa một Veronica dịu dàng, lịch lãm ở đầu phim với “nữ tướng” Veronica đầy cơ bắp với tinh thần sắt thép ở cuối phim chính là hình ảnh tiêu biểu nhất cho chất nữ quyền đậm nét này của Widows. Bên cạnh Veronica, sự chuyển hoá đến bất ngờ của Alice từ cô nàng đỏng đảnh chỉ biết nằm dài trên giường tới một người phụ nữ độc lập tự tin ở nửa cuối phim qua diễn xuất nhiều màu sắc của Elizabeth Debicki cũng là một điểm sáng khác của Widows trong việc đưa các nhân vật nữ trở thành trung tâm, trở thành sức mạnh thật sự của tác phẩm thay vì chỉ mang tính “trang trí” như trong đa phần các bộ phim Hollywood của dòng phim hành động. 

Là đạo diễn xuất sắc của dòng phim tâm lý, tất nhiên Steve McQueen không thể bỏ qua thế mạnh đặc trưng này của ông trong Widows – và chất tâm lý đậm nét cũng chính là nhân tố tạo sự khác biệt cho Widows khi so sánh với những bộ phim hành động, phim “trộm cắp” truyền thống khác của Hollywood như Ocean's 8 (2018) – một tác phẩm cũng nói về một băng trộm “toàn nữ” phải đối mặt với một nhiệm vụ bất khả. Thậm chí là sau khi xem Widows, chắc chắn nhiều khán giả sẽ có cảm giác rằng khía cạnh tâm lý của phim có sức nặng, và còn để lại nhiều ấn tượng hơn cả những pha hành động hay những nút thắt mở bất ngờ của phim. Qua diễn xuất xuất sắc của dàn diễn viên nữ, đặc biệt là Viola Davis và Elizabeth Debicki, Widows đem đến cho khán giả một cái nhìn rất sâu về quá trình tìm lại mình của những người phụ nữ khi vấp phải nỗi đau khổ đến tột cùng – đó là cái chết của người thân yêu nhất. Thậm chí là đối với nhân vật trung tâm của phim Veronica, quá trình tìm lại mình này lại còn có nhiều khúc quanh không ai ngờ tới mà nếu không gây dựng cho mình một tinh thần mạnh mẽ, một ý chí tự lực thì khó có ai, bất kể là nam hay nữ có thể vượt qua được. Dòng phim hành động Hollywood không phải không có những nhân vật nữ đáng nhớ, từ Ellen Ripley của loạt phim Alien, Sarah Connor của loạt phim The Terminator, tới Cô Dâu trong Kill Bill (2003), rất nhiều bóng hồng đã khiến khán giả phải trầm trồ vì cách họ chiếm lĩnh màn ảnh và làm chủ những pha hành động ngẹt thở. Nhưng hiếm có ngôi sao hành động nào có được chiều sâu về mặt tâm lý, có quá trình tìm lại bản thân được mô tả sâu sắc, nhạy cảm, và chân thật như Veronica của Widows. Không chỉ Steve McQueen – đạo diễn nổi danh trong việc tạo dựng nhân vật có thể tự hào vì thành công của Veronica, mà việc hình ảnh “nữ tướng cướp ôm chó” của Widows đi được vào lòng người xem cũng là một thành công mới của Viola Davis – người thể hiện một cách xuất sắc cả hai bộ mặt nhẹ nhàng, nhạy cảm và cứng rắn, gai góc của Veronica trong phim. 

Tuy thành công trên nhiều mặt, đặc biệt là việc truyền hơi thở nữ quyền vào một tác phẩm hành động về đề tài “trộm cắp”, nhưng bộ phim ít nhiều mang tính thử nghiệm này của Steve McQueen có lẽ vẫn chưa sánh được với những bộ phim chặt chẽ và hoàn chỉnh trước đây của ông như 12 Years a Slave hay Shame. Do cố gắng chú trọng cả khía cạnh tâm lý và hành động nên kịch bản Widows chưa tạo được cảm giác mượt mà, thống nhất, đặc biệt là ở phần cuối của phim khi trường đoạn được coi là cao trào của phim – vụ trộm của băng “goá phụ” lại không thực sự gây nhiều ấn tượng từ quá trình “chuẩn bị” cho đến khi nút thắt mở cuối cùng được đem tới cho khán giả. Với nhiều nút thắt mở phải giải quyết, nhiều chi tiết về mặt tâm lý muốn đề cập, kịch bản của Widows vì thế mà cũng trở nên thiếu đất cho các nhân vật phụ. Ngoại trừ Veronica, Alice, Belle, hay Jatemme, các nhân vật khác của Widows không để lại nhiều dấu ấn, kể cả những vai do các diễn viên thực lực đảm nhận như vai Linda của Michelle Rodriguez hay Jack Mulligan của Colin Farrell. 

Một bộ phim hay không nhất thiết phải là một tác phẩm hoàn hảo, nhưng luôn phải là một tác phẩm lôi cuốn khán giả, khiến họ phải suy nghĩ về số phận các nhân vật trong phim, khơi gợi họ liên hệ bản thân đối với những số phận đa chiều ấy. Với người yêu phim, đặc biệt là các khán giả nữ, thì chắc chắn Widows là một tác phẩm như thế. Dù vẫn còn thiếu sót, Steve McQueen hoàn toàn có thể tự hào rằng ông đã cho ra đời một tác phẩm hành động xuất sắc nhưng lại đậm chất nữ quyền – yếu tố vốn ít được đề cập tới trong dòng phim hành động nhưng lại là đề tài nóng bỏng được cả Hollywood và xã hội Mỹ quan tâm trong thời gian gần đây.

========

mercredi 28 novembre 2018

The Dreamers (2003) (revised review)


Một review cũ viết lại nhân đạo diễn Bernardo Bertolucci vừa qua đời. 


Luôn được coi là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về nghệ thuật thứ bảy, nước Ý là cái nôi sản sinh ra nhiều đạo diễn danh tiếng như Federico Fellini, Michelangelo Antonioni, Roberto Rossellini, hay Vittorio De Sica. Các bộ phim Ý đã giành tới 14 giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, rất nhiều các nghệ sĩ của Ý cũng đã thành danh tại Hollywood và quốc tế như đạo diễn Sergio Leone, nữ diễn viên Sophia Loren, hay nhà soạn nhạc Ennio Morricone. Nhưng tính cho tới năm 2018, chỉ có duy nhất một đạo diễn người Ý từng giành giải Oscar cho đạo diễn xuất sắc nhất - Bernardo Bertolucci với bộ phim Hoàng đế cuối cùng (The Last Emperor, 1987). Cũng là bộ phim duy nhất do Ý đầu tư từng giành giải Oscar cho phim hay nhất, Hoàng đế cuối cùng là khúc ca bi tráng về cuộc đời đầy biến động của Phổ Nghi – hoàng đế cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc. Bên cạnh Hoàng đế cuối cùng, Bernardo Bertolucci còn có rất nhiều tác phẩm đáng nhớ trong sự nghiệp kéo dài hơn nửa thế kỷ của ông như Il conformista (1970), Last Tango in Paris (1972), hay 1900 (1976). Nhưng trong suốt gần hai thập niên cuối cùng trước khi qua đời vì bệnh ung thư phổi vào ngày 26 tháng 11 năm 2018 vừa qua, Bertolucci chỉ đem đến cho công chúng ba phim điện ảnh dài – Besieged (1998), The Dreamers (2003), và Me and You (2012). Trong số này thì có lẽ chỉ duy có The Dreamers là thực sự gây được nhiều tiếng vang vì những dấu ấn nghệ thuật đặc trưng cho vị đạo diễn người Ý ở buổi chiều tà của sự nghiệp.

The Dreamers (Những kẻ mộng mơ) là câu truyện tuổi mới lớn của hai anh em sinh đôi người Paris Isabelle (Eva Green), Théo (Louis Garrel) và Matthew (Michael Pitt), một thanh niên gốc California. Bộ ba Isabelle, Théo, và Matthew làm quen với nhau trong những ngày tháng Paris rực lửa vì hoạt động chống chính quyền của học sinh, sinh viên Pháp tham gia phong trào tháng Năm năm 1968. Vốn chẳng hào hứng với chính trị hay cách mạng, bộ ba tìm cách chạy trốn thực tại hỗn loạn bên ngoài bằng việc ẩn mình trong căn nhà của bố mẹ Théo, Isabelle để cùng nhau chìm đắm trong những suy nghĩ xa vời về triết học, âm nhạc, điện ảnh. Được sống giữa cái nôi văn hoá của thế giới, vừa đủ lớn để phần nào nắm được tinh thần tự do, giải phóng trong những tuyệt phẩm văn học, nghệ thuật vốn đang nở rộ trong thập niên 1960, và cũng vẫn đủ trẻ để chưa bị vướng bận bởi những suy nghĩ thực dụng về tiền bạc, về chính trị, Isabelle, Théo, và đặc biệt là Matthew đã có những ngày tháng đẹp đẽ nhất trong cuộc đời để khám phá bản thân, và cũng để nhận ra rằng rồi một ngày gần đây thôi, “những kẻ mộng mơ” cũng sẽ phải đối diện với sự thật khắc nghiệt để sống một cách thực sự thay vì chỉ dừng lại ở những giấc mơ nghệ thuật dang dở. 

The Dreamers là một phim hiếm hoi đề cập đến thế hệ trẻ của Pháp trong giai đoạn “Mai 68” (tháng Năm năm 1968). Đây là một giai đoạn lịch sử đặc biệt của nước Pháp khi mà xung đột về ý thức hệ giữa lớp sinh viên cánh tả và giới cầm quyền, đứng đầu là Charles De Gaulle – anh hùng nước Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ hai nhưng lại là chính trị gia mang quan điểm thiên hữu, lên đến cực điểm. Vốn là một dân tộc có dòng máu cách mạnh chảy trong huyết quản, lại sống trong một đất nước lấy Tự do (liberté) làm phương châm sống đầu tiên, người Pháp, nhất là sinh viên Pháp luôn sẵn sàng đứng lên chống đối bất cứ chính sách nào của chính phủ bị họ coi là sai trái. Cộng thêm những ảnh hưởng của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc và phong trào phản chiến chống Chiến tranh Việt Nam, phong trào biểu tình của sinh viên và thanh niên Pháp lên cao vào năm 1968 mà đỉnh điểm là tháng Năm – Mai 68. Nhưng cũng như nhiều cuộc “cách mạng nông nổi” khác, các cuộc biểu tình này cũng chẳng đi đến đâu, nước Pháp vẫn vậy, người dân Pháp vẫn vậy, chỉ có Đại học Paris (Université de Paris) bị giới cầm quyền Pháp chia nhỏ thành nhiều đại học nhỏ (nay là 13 đại học đánh số từ 1 đến 13) vì sợ sinh viên sẽ lại xách động một lần nữa.

Mặc dù giành tới hai giải thưởng Oscar cho The Last Emperor (cho hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất) vào năm 1988, nhưng tuổi ba mươi vào những năm 1970 có lẽ mới là giai đoạn đỉnh cao nhất trong sự nghiệp của Bernardo Bertolucci khi ông liên tiếp cho ra đời những tuyệt phẩm như Il conformista (1970), 1900 (1976), và đặc biệt là Last Tango in Paris (1972). Để có được cái tuổi 30 đầy đột phá ấy, Bernardo Bertolucci đã dành cả tuổi hai mươi để học hỏi, để sống, để trải nghiệm. Và đúng như tuyên bố của Bernardo Bertolucci, The Dreamers được làm ra để nói về tuổi trẻ của chính đạo diễn, người cũng trải qua cái tuổi hai mươi vào thời điểm những năm 1968 với niềm yêu thích điên cuồng nhạc rock và điện ảnh-đặc biệt là điện ảnh Làn sóng mới (Nouvelle Vague) của Pháp. Với nhạc nền là những bản rock của Jimi Hendrix, Jannis Joplin hay những khúc ca trữ tình Pháp phố biến thời thập niên 1960 của Charles Trenet và Françoise Hardy, The Dreamers có rất nhiều chi tiết, câu thoại, đoạn nhạc nhắc nhớ đến các bộ phim kinh điển, đặc biệt là các phim của thế hệ Làn sóng mới Pháp như A bout de souffre hay Les 400 coups. Đặc biệt có những trường đoạn Bertolucci cho quay lại y hệt những cảnh phim Làn sóng mới kinh điển như cảnh bộ ba Théo, Isabelle, Matthew chạy trong hành lang Bảo tàng Louvre. Tuy đã có nhiều bộ phim Pháp làm về giai đoạn “Mai 68” nhưng có lẽ hiếm có tác phẩm nào lại vừa thành công trong việc khắc họa sống động hình ảnh thanh niên Pháp những năm 1960, vừa mang đậm hơi thở của điện ảnh Pháp giai đoạn Làn sóng mới như The Dreamers. Hơn thế nữa, chứng kiến cái cách Matthew chìm sâu trong hơi thở nghệ thuật của Paris và những làn sóng tình cảm dạt dào của anh em Théo và Isabelle, có lẽ người xem cũng cảm nhận được phần nào hình ảnh của Bertolucci trong những năm tháng ông còn đang loay hoay tìm cho mình một chỗ đứng, một lẽ sống với nghệ thuật điện ảnh.

Một trong những khía cạnh gây tranh cãi nhất của The Dreamers là việc bộ phim có rất nhiều cảnh đặc tả Isabelle khoả thân và cảnh sinh hoạt tình dục giữa bộ ba Isabelle, Théo, và Matthew. Cũng như một tuyệt phẩm khác của Bernardo Bertolucci là Last Tango in Paris, bản gốc của The Dreamers bị gắn mác NC-17 – phim cấm khán giả dưới 17 tuổi vì những cảnh quay “nhạy cảm” dạng này và bộ phim vấp phải rất nhiều lời chỉ trích của những người cho rằng các cảnh quay khoả thân hay sinh hoạt tình dục chỉ làm bộ phim trở nên phản cảm trong mắt công chúng. Nhưng trong việc sản xuất một tác phẩm điện ảnh, bất cứ cảnh quay nào được giới thiệu đến người xem cũng là một lựa chọn nghệ thuật mang dấu ấn riêng của người đạo diễn. Và với cá nhân Bernardo Bertolucci, dù là Last Tango in Paris hay The Dreamers thì các cảnh quay khoả thân, hay sinh hoạt tình dục đều được thực hiện một cách hết sức trân trọng với những góc máy đẹp đẽ, nhạy cảm. Với riêng The Dreamers, những cảnh quay “nhạy cảm” khi được đặt vào bối cảnh chung của phim đều trở nên bình thường nhưng  hết sức cần thiết vì khi chứng kiến những phân đoạn đầy cảm xúc ấy, khán giả không hề cảm thấy có sự thô lậu, kích động ẩn dấu sau những hình ảnh rất đẹp về những người trẻ như Isabelle, như Théo, như Matthew. Những đường cong của Isabelle, những nụ hôn của cô dành cho Matthew – một chàng trai có vẻ đẹp tuổi đôi mươi không hề thua kém cô bạn người Pháp, hay những ánh mắt thương mến của ba người dành cho nhau trong những cảnh quay thân mật cả về mặt thể xác và tinh thần ấy chỉ làm nổi bật hơn những suy nghĩ trong trắng và ngơ ngác của cả bộ ba trước thời cuộc hỗn loạn. Trong ba người thì Matthew mang khuôn mặt ngây thơ nhất và anh cũng xa lạ nhất với thời cuộc với tư cách một người Mỹ không biết tiếng Pháp sống ở Paris mà không hề có bạn bè bản địa. Tuy nhiên chính Matthew lại nhanh chóng nhận ra nhất sự khắc nghiệt của cuộc sống bên ngoài, nhận ra rằng anh cùng hai người bạn chỉ là những kẻ ngờ ngệch đến xơ xác khi mà mồm thì luôn miệng triết học, điện ảnh, âm nhạc nhưng lại hoàn toàn xa lạ với cuộc sống. Vì thế mà Matthew muốn thoát ra khỏi cái ảo ảnh mà bộ ba tự tạo, anh cũng muốn kéo cả hai người bạn mình ra đối mặt với cuộc sống, để rồi nhận ra cái mong muốn của mình chỉ là mong muốn của một “kẻ mộng mơ” - “dreamer” - một hy vọng trong vô vọng về việc “cải tạo” hai con người mộng mơ thực sự, đưa họ trở lại với mặt đất. 

Tuy có một cái tứ rất hay về mâu thuẫn giữa tâm hồn mộng mơ và thực tại khắc nghiệt của những người trẻ, nhưng The Dreamers chưa hẳn đã là một bộ phim hoàn hảo về mặt cảm xúc như Last Tango in Paris. Dường như Bertolucci quá chú ý vào từng chi tiết, vào từng phân đoạn riêng lẻ mà lỏng tay với toàn cục, bởi vậy người xem có thể cảm thấy xúc động trước những cảnh quay riêng rẽ nhưng sau khi kết thúc bộ phim, mạch cảm xúc không còn đọng lại nhiều ngoài cặp mắt sâu thẳm buồn đến ngơ ngác của Isabelle ở cuối phim. Nhưng dù có thích The Dreamers hay không thì chẳng ai có thể phủ nhận rằng Eva Green chính là diễn viên nhập vai tốt nhất, không chỉ vì vẻ đẹp khác lạ và lôi quấn hay diễn xuất táo bạo mà còn bởi cô đã biến Isabelle thực sự trở thành một “daydreamer” - cô gái không chỉ xa rời cuộc sống mà còn xa rời ngay cả những cảm xúc bản thân và những người quen thuộc. 

Đã đúng nửa thế kỷ kể từ ngày “Mai 68” làm xáo trộn cuộc sống của người Paris và nước Pháp. Đã tròn ba thập niên kể từ ngày Bernardo Bertolucci được trao hai tượng vàng Oscar cao quý cho Hoàng đế cuối cùng. Bản thân đạo diễn người Ý cũng đã vừa từ biệt cuộc đời mà ông hết mực yêu quý vì căn bệnh ung thư phổi. Nhưng tuổi trẻ của ông, tuổi trẻ của những con người từng sống qua những ngày tháng của “Mai 68”, của điện ảnh Làn sóng mới sẽ vẫn còn lắng động trong lòng khán giả nhờ vào ánh mắt rất sâu, rất tình tứ của Eva Green trong vai cô gái mộng mơ Isabelle, nhờ vào The Dreamers – tác phẩm xuất sắc cuối cùng trong sự nghiệp của một đạo diễn huyền thoại.

=======

First Reformed (2017)


Từng có một thời Đức cha Ernst Toller (Ethan Hawke) tin vào Chúa trời và quân đội. Đó là khi Cha tuyên uý Toller phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ để truyền đức tin mãnh liệt của ông đến với binh sĩ Mỹ. Một trong những người lính được thụ hưởng những lời răn dạy về Chúa trời, về Đức tin của Cha Toller như thế chính là con trai của ông – người đã vâng theo lời khuyến khích của chính cha mình tham chiến tại Iraq, để rồi phải bỏ mạng ở nơi đất khách quê người vì cuộc chiến vô nghĩa ấy. 

Cái chết của con trai khiến Đức cha Ernst Toller mất hoàn toàn niềm tin vào quân đội, vào gia đình, vào chính bản thân mình. Xuất ngũ, ly dị vợ, cha Toller chỉ còn nơi nương tựa duy nhất đó là sự che chở của Chúa trời tại ngôi nhà thờ nhỏ First Reformed ở thị trấn nhỏ lạnh lẽo Snowbridge. First Reformed được xếp vào hàng địa danh lịch sử của bang New York với tuổi đời lên tới 250 năm, nhưng có nhiệt thành đến mấy với những bài giảng thì Đức cha Ernst Toller cũng chẳng thể thu hút được nhiều người đến dự lễ trong căn nhà thờ gỗ ọp ẹp hẻo lánh nhất là trong thời buổi những Đại giáo đoàn như Abundant Life đã dành lấy hầu hết những người theo đạo nhờ cơ sở vật chất hiện đại, tiện nghi, những bài giảng hợp thời, và những nốt thánh ca trầm bổng qua giọng hát của ca đoàn trẻ trung, nhiệt huyết. Dù vậy thì cha Toller vẫn chẳng bận lòng. Bởi dù có phải hàng ngày làm hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” cho những người khách đến thăm First Reformed, hay phải lặn lội vào tận trung tâm thành phố để làm “công tác ngoại giao” với Mục sư Jeffers (Cedric Kyles) thì cha Toller vẫn sẵn lòng để First Reformed tiếp tục là chỗ nương náu cho những tâm hồn còn vững niềm tin vào Chúa trời. 

Nhưng đến chính niềm tin tưởng chừng chẳng gì lay chuyển của Đức cha Ernst Toller cũng gặp phải thử thách khi Mary (Amanda Seyfried) - một trong số những con chiên ít ỏi còn trung thành với First Reformed nhờ ông thuyết phục chồng cô là Michael (Philip Ettinger) từ bỏ ý định thúc giục Mary đi phá cái thai đầu lòng của hai người. Là một nhà hoạt động môi trường cực đoan từng phải ngồi tù vì chống phá quyết liệt các hành động được coi là phá hoại môi trường của chính phủ và các tập đoàn lớn, Michael không muốn đứa con Mary đang mang trong bụng ra đời đơn giản vì không muốn đẩy đứa bé vào một xã hội đang tiến dần đến bờ vực diệt vong vì biến đổi khí hậu, vì một môi trường đã bị phá hoại tới mức không thể cứu vãn được. Thoạt nghe qua thì triết lý cực đoan tưởng chừng đơn giản, ngây thơ, và chứng tỏ một cuộc đời còn thiếu trải nghiệm của Michael rõ ràng chẳng thể tác động tới tâm trạng, suy nghĩ, và lòng tin vào Chúa trời của một người đã từng đối mặt với nhiều thử thách, đớn đau trong cuộc sống như cha Toller. Nhưng những sự kiện diễn ra sau cuộc gặp định mệnh giữa cha Toller và vợ chồng Mary – Michael hoá ra lại đánh dấu một bước ngoặt lớn lao cho cuộc sống một màu buồn tẻ của vị giáo sĩ. 

First Reformed là tác phẩm mới nhất của đạo diễn kiêm nhà biên kịch Paul Schrader. Với những khán giả trẻ thì cái tên Paul Schrader có lẽ không để lại nhiều ấn tượng khi đã từ lâu ông chỉ giới thiệu đến với người xem những tác phẩm kinh phí thấp với nội dung ở mức nhàng nhàng như The Canyons (2013) – bộ phim vốn được nhớ tới nhiều hơn với sự xuất hiện của ngôi sao thất thế Lindsay Lohan hay Dog Eat Dog (2016) - bộ phim do một ngôi sao hết thời khác là Nicolas Cage thủ vai chính. Nhưng với những người yêu điện ảnh của thập niên 1970, thập niên 1980 thì chắc chắn không ai có thể quên những kịch bản Paul Schrader đã viết cho đạo diễn Martin Scorsese như Taxi Driver (1976), Raging Bull (1980), hay The Last Temptation of Christ (1988). Không chỉ dừng lại ở đó, trong số những cái tên nổi bật của thế hệ New Hollywood – thế hệ đã vực dậy sức sáng tạo của nền điện ảnh Mỹ trong thập niên 1970 thì Paul Schrader còn được nhớ tới bởi những bài phê bình, phân tích phim sắc sảo, và đặc biệt là những bài viết giới thiệu các nhà làm phim quốc tế như Robert Bresson hay Yasujiro Ozu đến với những người làm điện ảnh và công chúng yêu phim Hoa Kỳ. Chính bởi vậy mà dù đã lâu không có tác phẩm nào đáng chú ý, nhưng người ta vẫn chờ đợi cơ hội được thấy lại tinh thần phản kháng vị nhân sinh mà Paul Schrader đã từng thổi vào những tác phẩm đáng nhớ của Hollywood như Taxi Driver hay The Last Temptation of Christ

Thời khắc ấy cuối cùng cũng đã tới với First Reformed – một tác phẩm mang trong mình dòng màu phản kháng của anh chàng tài xế taxi Travis Bickle – nhân vật chính của Taxi Driver nhưng được đặt trong bối cảnh xã hội nước Mỹ hiện đại – nơi những lo âu về di chứng của chiến tranh, về bất bình đẳng giàu nghèo những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970 đã được thay thế bởi những mâu thuẫn và băn khoăn không thể giải đáp về những di chứng nặng nề của chủ nghĩa vật chất trong xã hội tư bản lên môi trường, lên đức tin tôn giáo, lên giá trị sống của mỗi con người. Cũng như anh chàng cựu binh Travis Bickle của Taxi Driver cô độc cùng cực tới mức phải lấy tấm gương phản chiếu để làm người bạn đồng hành, người cựu binh Ernst Toller của First Reformed cũng là một cá nhân lẻ loi chỉ biết chia sẻ suy tư với những trang nhật ký trong căn phòng tối tăm và những chai rượu uống dở. Và cũng như Travis Bickle đột nhiên thức tỉnh trước một xã hội đang dần mục nát vì tham nhũng, vì bất bình đẳng sau khi được chạm trán cô bé mại dâm vị thành niên Iris, ngọn lửa ham sống, tinh thần tự vấn trước những vấn đề nan giải của nước Mỹ hiện đại cũng chỉ được nhen nhóm trong lòng Đức cha Toller bởi người phụ nữ trẻ tuổi rụt rè nhưng đầy sức sống Mary. Nhưng khác với sự bạo liệt của Travis Bickle để lập tức phản kháng lại sự đè nén của các thế lực đen tối trong xã hội, người đàn ông trung niên Ernst Toller dường như cần nhiều thời gian hơn để dọn quang những bụi rậm băn khoăn trong tâm hồn chất chứa nhiều suy nghĩ, uẩn ức của ông trước khi tìm thấy con đường đi đích thực cho những tháng ngày còn lại của cuộc đời. Bởi vậy mà tuy có cấu trúc khá giống với Taxi Driver với nhiều mô-típ tương tự được trải đều từ đầu đến cuối phim, nhưng First Reformed lại tạo cho khán giả một cảm giác suy tư, nặng nề hơn hẳn nếu so với nhịp phim gấp gáp, đầy sức sống của Taxi Driver. Đã 41 năm kể từ ngày Taxi Driver ra mắt khán giả, có lẽ 41 năm ấy trải nghiệm cuộc đời, 41 năm thăng trầm ấy đã khiến cho Paul Schrader có một First Reformed vẫn phản kháng, vẫn lo âu, nhưng đã trầm ngâm, và bi quan hơn nhiều khi so với Taxi Driver. Dù vậy thì cách thức First Reformed phản ánh hiện thực và những mâu thuẫn của xã hội hiện đại vẫn là một đóng góp lớn của Paul Schrader cho điện ảnh Hollywood thời điểm hiện tại, bởi khán giả vẫn cần tới những bộ phim như thế để nhắc nhở cho họ về những khó khăn chúng ta đang đối mặt, những bài toán hóc búa về môi trường, về mặt trái của chủ nghĩa tư bản mà chúng ta vẫn cần phải tìm lời giải.

Nếu như tiếng vang của Taxi Driver không chỉ đến từ một kịch bản mang đầy hơi thở cuộc sống mà còn đến từ diễn xuất đã đi vào huyền thoại của Robert De Niro trong vai Travis Bickle, thì Paul Schrader có lẽ cũng đã hài lòng với lựa chọn Ethan Hawke cho vai Đức cha Ernst Toller của First Reformed. De Niro bùng nổ, ngạo nghễ bao nhiêu trong Taxi Driver thì Ethan Hawke lại lặng lẽ, trầm mình bấy nhiêu trước số phận cô đơn, trước một xã hội hiện đại đang bắt đầu có những dấu hiệu suy tàn. Xem Ethan Hawke diễn xuất, người xem luôn có cảm giác bất an trước một tâm hồn cô độc đang dần mất đi chỗ bám víu cuối cùng là đức tin vào Chúa trời nhưng cũng lại đang dần tìm thấy trong đêm tối cuộc đời sợi dây yêu sống. Có lẽ sẽ là hơi quá lời khi nói rằng Travis Bickle của Robert De Niro là hình ảnh phản kháng của Paul Schrader những năm trai trẻ, còn Ernst Toller của Ethan Hawke là tâm hồn buồn bã, nặng gánh suy tư của Paul Schrader trong buổi xế chiều của cuộc đời. Nhưng quả thực với những người yêu điện ảnh – những người đã dõi theo từng bước đường sự nghiệp của Paul Schrader, thì sự tương phản giữa hai vai diễn hết sức xuất sắc nhưng cách nhau tới hơn bốn thập niên của De Niro và Hawk hẳn đã đem lại nhiều cảm xúc, suy tư về bộ mặt đổi thay của xã hội, về cách tư duy vốn đã không còn như xưa của con người hiện đại. 

Taxi Driver dù đầy bạo lực, dù đầy những hình ảnh tăm tối của nước Mỹ nhưng cuối cùng lại khơi dậy trong lòng khán giả sự tin tưởng nhất định vào những tâm hồn Mỹ mạnh mẽ có khả năng thay đổi xã hội theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Ngược lại, First Reformed tuy thanh bình, nhẹ nhàng nhưng lại ẩn chứa nhiều suy nghĩ bi quan về đà tụt dốc không gì có thể cứu vãn của xã hội hiện đại trước những tổn hại nặng nề về môi trường, về giá trị niềm tin. Trong bối cảnh một nước Mỹ đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết về mặt chính trị và về quan điểm đối với vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta có lẽ cũng có thể hiểu được phần nào sự khác biệt về thế giới quan, về nhân sinh quan của Paul Schrader muốn truyền tải tới khán giả sau hơn bốn thập niên kể từ Taxi Driver. Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng dù đối diện với cuộc khủng hoảng niềm tin và sức khoẻ tưởng chừng không bao giờ có hồi kết, nhưng Đức cha Ernst Toller vẫn luôn suy tư, vẫn luôn tìm kiếm để gắng lấy lại ý nghĩa cho cuộc đời, gắng làm được điều gì đó vì một xã hội tốt đẹp hơn. Đó có lẽ cũng là thông điệp nhà làm phim đã ở vào buổi xế chiều của sự nghiệp Paul Schrader muốn truyền tải tới người xem – dù bất lực, dù bi quan, nhưng nếu muốn tìm thấy lại ý nghĩa của cuộc sống, muốn không trở nên cô đơn đến cùng cực giữa dòng đời thì cách duy nhất là chúng ta phải tự cải cách bản thân, tự dò đường để nhận ra những bất công, những vấn đề nan giải của cuộc sống để rồi từ đó tìm thấy lẽ sống cho riêng mình.

======

lundi 5 novembre 2018

Bohemian Rhapsody (2018)


Năm 1970, tại sân bay Heathrow, London người ta chợt thấy sự xuất hiện của một anh chàng công nhân bốc dỡ trẻ tuổi vụng về, gầy gò, răng “hô”, luôn lẩn thẩn cầm theo giấy bút để ghi lại ca từ cho những bài hát tự sáng tác. Đó là Farrokh “Freddie” Bulsara (Rami Malek) – cậu sinh viên kiêm ca sĩ nghiệp dư xuất thân từ một gia đình nhập cư gốc Parsi chạy nạn đến Anh từ mảnh đất xa xôi Zanzibar (nay thuộc Tanzania). Là cậu con trai yêu quý của ông bà Bomi (Ace Bhatti) và Jer Bulsara (Meneka Das) nhưng Freddie luôn làm họ phiền lòng vì không chịu quyết tâm học hành kiếm lấy một nghề nghiệp ổn định mà chỉ quanh quẩn hàng đêm với các câu lạc bộ âm nhạc – sân khấu của các ban nhạc nghiệp dư vô danh. Trong một đêm nhạc như thế, Freddie làm quen được với hai nhạc sĩ nghiệp dư là tay ghi-ta Brian May (Gwilym Lee) và nghệ sĩ trống Roger Taylor (Ben Hardy) của nhóm nhạc vừa tan rã vì thiếu ca sĩ Smile. Bằng tình yêu âm nhạc, và chất giọng cao hiếm có đối với một nam ca sĩ, Freddie đã thuyết phục thành công cậu sinh viên vật lý vũ trụ Brian và nha sĩ tương lại Roger bỏ ngang những môn học nhàm chán để tập trung cho ban nhạc mới với cái tên Queen. Với cá nhân Freddie, anh quyết tâm biến Queen trở thành cuộc đời mới của mình bằng việc thay đổi họ từ Bulsara sang Mercury, và bỏ hết thời gian, tâm sức cho các ca khúc của Queen, và cho người bạn gái mới quen Mary Austin (Lucy Boynton). Tài năng của Freddie Mercury, và sự ăn ý của anh cùng Brian, Roger, và tay ghi-ta bass John Deacon (Joseph Mazzello) đã nhanh chóng biến Queen trở thành ban nhạc được cả thế giới chú ý. Con đường đi tới vinh quang của Freddie Mercury và nhóm Queen mà đỉnh cao là buổi biểu diễn được đánh giá là huyền thoại bậc nhất trong lịch sử nhạc Rock tại nhạc hội Live Aid năm 1985, cùng quá trình thai nghén các nhạc phẩm đáng nhớ của Queen như Bohemian Rhapsody, như Love of My Life là nội dung chính của Bohemian Rhapsody – bộ phim mới nhất của đạo diễn Bryan Singer.

Bohemian Rhapsody là tác phẩm tiểu sử đầu tiên về cuộc đời của Freddie Mercury – một trong những nghệ sĩ nhạc Rock được công chúng hâm mộ nhất trong suốt nửa thế kỷ qua, từ khi ông còn tung hoành trên những sân khấu lớn thập niên 1970, thập niên 1980 cho tới tận ngày hôm nay khi Mercury đã qua đời được hơn một phần tư thế kỷ. Có lẽ bởi vậy mà việc lựa chọn được một gương mặt thật xứng đáng để vào vai thủ lĩnh của nhóm Queen là khó khăn đầu tiên và lớn nhất đối với những nhà sản xuất của Bohemian Rhapsody kể từ khi dự án thực hiện tác phẩm này được Brian May – tay ghi-ta chính của nhóm Queen công bố lần đầu vào năm 2010. Từ tên tuổi lớn của dòng phim hài Anh quốc Sacha Baron Cohen cho tới ngôi sao người Anh của bộ phim Perfume Ben Whishaw được các nhà sản xuất phim cân nhắc mời vào vai Freddie Mercury nhưng rồi cả hai đều bỏ cuộc giữa chừng vì những khác biệt trong cách tiếp cận khi đưa Mercury lên màn ảnh lớn. Tưởng chừng dự án Bohemian Rhapsody sẽ trở nên bế tắc từ khâu chọn lựa diễn viên, nhưng rồi công chúng lại hết sức bất ngờ với tin Rami Malek – một diễn viên người Mỹ vốn chủ yếu được biết tới qua loạt phim truyền hình Mr. Robot lại là cái tên được đạo diễn Bryan Singer chọn mặt gửi vàng cho vai diễn Freddie Mercury. Bất chấp việc vai diễn Elliot Alderson trong Mr. Robot của Malek luôn được coi là một trong những nhân vật đáng chú ý nhất của truyền hình Mỹ từ năm 2015 trở lại đây, những fan trung thành của nhóm Queen và người yêu điện ảnh nói chung ngay lập tức đã tỏ ý lo ngại với lựa chọn của đạo diễn Singer, không chỉ vì Malek là người Mỹ, mà quan trọng hơn cả là vì nam diễn viên này có vẻ ngoài không giống so với Freddie Mercury và anh cũng chưa bao giờ thể hiện được tài năng ca hát trên màn ảnh lớn. Đây là một lo lắng hoàn toàn có cơ sở bởi một trong những điểm thu hút khán giả đầu tiên ở bất cứ bộ phim tiểu sử nào là việc liệu diễn viên trong phim có giống với nhân vật ngoài đời mà họ thủ vai hay không. Những hoài nghi như vậy có lẽ cũng đặt thêm gánh nặng lên vai của Rami Malek, bởi không chỉ bị soi xét về khả năng diễn xuất, anh sẽ bị hàng triệu người yêu nhạc Queen chỉ trích nếu hình tượng Freddie Mercury mà anh mang lên màn ảnh lớn không “giống” với hình ảnh Freddie Mercury mà họ vẫn lưu giữ trong tim suốt nhiều thập niên qua.

Nhưng ngoài việc là một bộ phim tiểu sử về một nhân vật có thật thì Bohemian Rhapsody còn là một tác phẩm điện ảnh – nơi các nhà làm phim thể hiện khả năng sáng tạo với những thử nghiệm nghệ thuật khiến công chúng phải ngạc nhiên. Một trong những ví dụ điển hình cho khía cạnh này của các bộ phim tiểu sử là việc đạo diễn Danny Boyle lựa chọn Michael Fassbender – nam diễn viên có vẻ ngoài hoàn toàn không giống Steve Jobs để vào vai người sáng lập hãng Apple trong bộ phim cùng tên Steve Jobs (2015). Chắc chắn bất cứ người xem nào sau những phút đầu của Steve Jobs cũng sẽ cảm thấy “nhột nhạt” vì ngoài phần trang phục và đầu tóc thì hình ảnh Steve Jobs mà Fassbender giới thiệu với họ hoàn toàn không giống một chút nào so với hình ảnh thật của Steve Jobs vốn đã trở nên quá quen thuộc với công chúng qua các buổi giới thiệu sản phẩm của hãng Apple. Nhưng rồi càng xem, họ càng bị cuốn hút bởi một Steve Jobs-điện ảnh với cái thần thái không lẫn đi đâu được của một Steve Jobs-huyền thoại. Không biết có phải được khích lệ từ thành công này của Fassbender hay không mà ngay từ những phút đầu tiên của Bohemian Rhapsody, Rami Malek đã lập tức gạt bỏ được sự nghi ngại của công chúng với diễn xuất nhẹ nhàng, thanh thoát, tràn đầy khí chất yêu nhạc, yêu người, và yêu đời của Freddie Mercury. Từ một cậu thiếu niên nhập cư rụt rè trước cuộc đời đến “nhạc trưởng” của hàng trăm nghìn khán giả trong các buổi biểu diễn của Queen. Từ một chàng thanh niên chỉ biết đến gia đình, cô bạn gái Mary Austin, và bộ ba Brian May – Roger Taylor – John Deacon của nhóm Queen đến ông hoàng của những buổi tiệc thâu đêm suốt sáng với những người bạn đồng tính. Tất cả những sắc thái rất khác nhau đó của Freddie Mercury được Rami Malek thể hiện một cách thuyết phục tới mức khán giả nhanh chóng quên đi rằng quả thực dù có hoá trang đến mấy thì diện mạo của Malek cũng không có nhiều điểm tương đồng với hình ảnh Mercury trên những đoạn băng phỏng vấn mà người ta có thể dễ dàng tìm thấy trên YouTube. Đó là bởi Rami Malek đã đem tới cho người xem cả hai khuôn mặt hết sức khác nhau, hết sức khó thể hiện của Freddie Mercury – đó là khuôn mặt rực lửa, đắm say với sân khấu của một “Bà hoàng” của âm nhạc của công chúng, và khuôn mặt yếu đuối, thèm khát một tình yêu đích thực, thèm khát được sống với chính mình của một ngôi sao chỉ biết làm bạn với những chú mèo trong căn biệt thự xa hoa vắng bóng người. Nụ cười thường trực trên môi trong các buổi phỏng vấn truyền hình, hình ảnh đầy chất anh hùng ca giữa sân vận động Wembley, đó là những gì công chúng thường nhớ tới về Freddie Mercury – huyền thoại âm nhạc. Nhưng để đi vào sâu hơn trong những cung bậc cảm xúc của Mercury, để hiểu hơn những gì ông đã phải trải qua để vươn tới vinh quang, để tìm thấy lại vinh quang trong quãng đời ngắn ngủi, có lẽ họ sẽ phải tìm tới Freddie Mercury của Bohemian Rhapsody qua diễn xuất xuất sắc của Rami Malek.

Tuy có một Rami Malek hết sức xuất sắc nhưng Bohemian Rhapsody khó có thể được coi là một bộ phim trọn vẹn. Không trọn vẹn ngay từ quá trình sản xuất khi đạo diễn chính của tác phẩm này là Bryan Singer bị hãng 20th Century Fox sa thải khi Bohemian Rhapsody đã quay được hơn hai phần ba vì những rắc rối trong đời tư và trong quan hệ với chính các diễn viên của phim như Rami Malek. Không trọn vẹn cũng vì những người thân cận nhất và yêu quý Freddie Mercury bậc nhất như Jim “Miami” Beach – người quản lý lâu năm của nhóm Queen hay tay ghi-ta Brian May có tiếng nói rất lớn đối với kịch bản của Bohemian Rhapsody (Beach cũng là một trong hai nhà sản xuất của bộ phim), bởi vậy họ toàn toàn có lý do để giữ cho hình ảnh của Mercury trên phim là những hình ảnh đẹp đẽ nhất, đáng quý nhất, gần gũi nhất với những gì người hâm mộ vẫn mang theo trong tim của thủ lĩnh nhóm Queen. Chính việc những người thân thiết với Freddie Mercury ngay từ đầu đã muốn Bohemian Rhapsody là một bức chân dung thật đẹp về ông đã khiến Sacha Baron Cohen – một diễn viên có tài và có diện mạo khá gần gũi với Mercury phải bỏ cuộc. Và cũng chính sự chăm chút có phần hơi quá đà này đã khiến Bohemian Rhapsody về tổng thể không thực sự là một bộ phim tiểu sử xuất sắc khi mà hầu hết những chi tiết được giới thiệu trên phim về cuộc đời Freddie Mercury đều là những gì công chúng đã được biết đến qua sách báo, qua các bộ phim tài liệu về Mercury và nhóm Queen. Những ai mong đợi được nhìn thấy một Mercury khác, một Mercury chưa từng được nhắc tới qua báo chí, phim ảnh chắc chắn sẽ cảm thấy thất vọng với Bohemian Rhapsody, đặc biệt là khi những nhân vật được coi là quan trọng trong đời tư của Mercury như cô bạn gái Mary Austin, như người bạn trai cuối đời Jim Hutton, như nghệ sĩ DJ Kenny Everett chỉ được giới thiệu một cách hời hợt qua diễn xuất không nhiều ấn tượng của Lucy Boynton, Aaron McCusker, và Dickie Beau. Đáng tiếc nhất trong số này có lẽ là trường hợp của Mary Austin – người phụ nữ xinh đẹp, thông minh, và hết mực nhạy cảm, người được Freddie Mercury tin tưởng, yêu thương cả cuộc đời tới mức giao phó cho cô việc chôn cất nắm tro tàn của Mercury sau khi ông qua đời. Những ai đã từng xem các bộ phim tài liệu về nhóm Queen và Freddie Mercury như Freddie Mercury, the Untold Story (2000) chắc chắn sẽ không thể quên cái cách Mary Austin nói về Mercury với ánh mắt tràn đầy yêu thương, với giọng nói run run khi nhắc nhớ những giờ phút quan trọng khi Mercury thừa nhận với cô việc mình là người lưỡng tính. Người xem Bohemian Rhapsody khó có thể cảm nhận được những nốt cảm xúc tương tự như vậy từ diễn xuất của Lucy Boynton, một phần vì cô có quá ít đất diễn trong một tác phẩm nhẽ ra nên dành nhiều thời gian hơn cho những tương tác cá nhân vốn đã góp phần tạo dựng nên cuộc đời và sự nghiệp của Freddie Mercury. Và thật ra với những hạn chế về mặt kịch bản từ ngay trong quá trình sản xuất của Bohemian Rhapsody thì việc có thêm đất diễn chưa hẳn đã là điều kiện đủ để các diễn viên phụ toả sáng, bởi nếu so với hình ảnh lấp lánh của Rami Malek trong vai Freddie Mercury thì Gwilym Lee, Ben Hardy, và Joseph Mazzello đều tỏ ra mờ nhạt trong vai bộ ba còn lại của Queen Brian May – Roger Taylor – John Deacon. 

Ngay cả lựa chọn vốn sẽ làm hài lòng nhiều người yêu nhạc Queen của các nhà làm phim là tái dựng lại gần như toàn bộ 21 phút biểu diễn huyền thoại của Freddie Mercury và nhóm Queen trong nhạc hội Live Aid ngày 13 tháng 7 năm 1985 tại sân vận động Wembley cũng không hẳn là một lựa chọn tốt về mặt nghệ thuật. Bởi dù có cố gắng đến mấy thì Malek, hay bất cứ nam diễn viên nào của Hollywood cũng có thể tái hiện hoàn toàn hào quang trên sân khấu của Freddie Mercury – một trong những ca sĩ với uy lực sân khấu mạnh mẽ nhất trong lịch sử dòng nhạc Rock. Và cũng chẳng kỹ xảo điện ảnh nào có thể thực sự mô tả lại sức nóng mãnh liệt của 72 nghìn người xem cuồng nhiệt năm xưa tại sân Wembley khi cuốn theo giọng ca hào hùng của Mercury trong Bohemian Rhapsody hay We Are the Champions. Với 21 phút quý giá trong thời lượng 2 tiếng 14 phút đó của bộ phim, các nhà làm phim hoàn toàn có thể dành nhiều thời gian hơn cho những phút riêng tư của Freddie Mercury, đặc biệt là trong giai đoạn cuối đời nhiều biến động, hay để giới thiệu những ca từ tuyệt đẹp nhưng cũng bi tráng và phần nào phản ánh niềm tin lấp lánh vào cuộc đời của Mercury kể cả khi đã cận kề cái chết của hai bài hát Don’t Stop Me Now và The Show Must Go On – hai khúc ca chỉ được vang lên khi bộ phim đã kết thúc. Tất nhiên dù có chê trách như vậy nhưng khó khán giả nào, đặc biệt là những người yêu nhạc của nhóm Queen, có thể quên được cách bộ phim tái hiện lại quá trình Freddie Mercury và các bạn nhạc của anh thai nghén siêu phẩm Bohemian Rhapsody, hay cái cách những nốt nhạc của Love of My Life gắn chặt với tình yêu và số phận của chính Freddie Mercury. Chừng ấy thôi có lẽ đã là quá đủ để sau khi theo dõi bộ phim người yêu nhạc lại cắm tai nghe để đung đưa theo những giai điệu của Queen, hay để những người trẻ vốn chỉ quen với Rap, với K-Pop lên YouTube tìm kiếm những đoạn phim quay lại các buổi biểu diễn sống với hàng trăm nghìn khán giả nơi Freddie Mercury là nhạc trưởng, là “Bà hoàng”, là vị thánh âm nhạc. 

Sau khi công chiếu Bohemian Rhapsody đã vấp phải một số chỉ trích từ giới phê bình vì nội dung nhạt nhoà, và vì cách đề cập thiếu điểm nhấn, thiếu chi tiết phần về giới tính, về quan hệ đồng giới, về căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS của Freddie Mercury. Đó là những chỉ trích hoàn toàn xác đáng vì quả thực kịch bản của Bohemian Rhapsody là quá “hiền lành” so với cuộc đời nhiều biến động của Mercury, và việc “thay ngựa giữa dòng” cho vai trò đạo diễn phim đã làm mạch cảm xúc của phim phần nào thiếu đi hiệu quả cần thiết. Nhưng với những người yêu nhạc, những người muốn tìm những giờ phút yên bình với một tác phẩm về một thiên tài âm nhạc đầy dị biệt, thì Bohemian Rhapsody vẫn là một lựa chọn hoàn toàn hợp lý. Bởi hãy cứ nhìn vào cách Rami Malek hoá thân vào hình tượng Freddie Mercury bùng nổ trên sân khấu khi thể hiện Bohemian Rhapsody, người xem chắc chắn sẽ cảm thấy nhẹ lòng khi nhớ ra rằng dù đã chia tay chúng ta hơn một phần tư thế kỷ, Mercury vẫn có thể truyền cảm hứng sống, truyền cảm hứng yêu đời, yêu người cho người yêu nhạc qua những khúc ca bất hủ của Queen – những bài hát với ca từ “dễ hiểu” có, “khó hiểu” có, nhưng luôn tràn đầy cảm xúc để có thể đi thẳng vào lòng người như Bohemian Rhapsody, như Love of My Life, như Radio Ga Ga.

=====