some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mercredi 30 décembre 2020

91st Academy Awards

 

Có thể nói rằng hai năm vừa qua là khoảng thời gian hết sức sóng gió đối với điện ảnh Hollywood. Một mặt, sự bùng nổ của phong trào #metoo từ tháng 10 năm 2017 đã kéo theo sự sụp đổ của một loạt tên tuổi lớn của điện ảnh Mỹ như Harvey Weinstein, Kevin Spacey, và gần đây nhất là Bryan Singer. Cùng lúc đó, việc Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ đã khiến người dân Mỹ, trong đó có cả giới văn nghệ sĩ ở Hollywood ngày một chia rẽ về mặt chính trị và biến các buổi lễ trao giải điện ảnh cuối năm 2017, đầu năm 2018 trở nên ngột ngạt với những tuyên môn vị nhân sinh vượt xa khỏi tôn chỉ vị nghệ thuật của điện ảnh. Nhưng dù có căng thẳng hay chia rẽ đến mấy, thì người làm phim và công chúng yêu phim vẫn sẽ chờ đợi đến ngày 24 tháng 2 sắp tới để được chứng kiến lễ trao giải thưởng điện ảnh quan trọng nhất của năm – lễ trao giải Oscar lần thứ 91 tại Nhà hát Dolby, Hollywood. 

Trong một năm không thực sự có một tác phẩm vượt trội về số lượng đề cử, giải thưởng của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ năm nay chứng kiến cuộc đua chật chội của nhiều ứng cử viên có chất lượng ngang ngửa khi có tới 8 phim có ít nhất 5 đề cử là The Favourite và Roma (cùng có 10 đề cử), A Star Is Born và Vice (8 đề cử), Black Panther (7 đề cử), BlacKkKlansman (6 đề cử), và Bohemian Rhapsody và Green Book (cùng 5 đề cử). Không hề ngạc nhiên khi đây cũng chính là 8 cái tên đang đua tranh giành lấy tượng vàng quan trọng nhất – giải Oscar cho phim hay nhất và gợi người yêu điện ảnh nhớ tới cuộc đua khốc liệt tại giải Oscar lần thứ 88 năm 2016 khi không một ứng viên nào chiếm ưu thế thực sự ở hạng mục phim hay nhất cho tới tận thời điểm diễn viên gạo cội Morgan Freeman mở phong bì để xướng danh Spotlight cho tượng vàng Oscar cuối cùng. Một trong những lý do khiến cuộc đua năm 2015 trở nên quyết liệt là việc các giải phim hay nhất quan trọng như giải Quả cầu vàng cho phim hay nhất, giải phim hay nhất của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh Quốc (BAFTA), hay giải của các hiệp hội đạo diễn (DGA), nhà sản xuất (PGA), biên kịch (WGA), và diễn viên điện ảnh Hoa Kỳ (SAG) lần lượt được chia đều cho các ứng viên nặng ký năm đó là Spotlight của đạo diễn Tom McCarthy, The Big Short của Adam McKay, và The Revenant của Alejandro G. Iñárritu. Một thành viên khác của bộ “ba người bạn Mexico” (cùng với Iñárritu và Guillermo del Toro – đạo diễn của bộ phim giành giải Oscar phim hay nhất năm ngoái The Shape of Water) là Alfonso Cuarón chính là tác giả của bộ phim đang chiếm ưu thế nhất trong cuộc chiến tiếp nối “ngôi báu” của The Shape of Water năm nay là Roma. Tác phẩm đen trắng lấy bối cảnh Mexico do hãng Netflix phát hành này đã giành tới 22 giải “phim hay nhất” trong mùa giải thưởng điện ảnh 2018-2019, trong đó có giải BAFTA cho phim hay nhất và cũng là bộ phim có điểm trung bình cao nhất (9.6) trong số các ứng viên năm nay trên trang thống kê phê bình điện ảnh Metacritic. Tuy nhiên, Alfonso Cuarón lại phải chứng kiến Bohemian Rhapsody của đạo diễn nhiều tai tiếng Bryan Singer và Green Book của chuyên gia phim hài Peter Farrelly chiến thắng tại hạng mục phim hay nhất của giải Quả cầu vàng năm nay khi mà Roma của ông chỉ được đề cử ở hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Tác phẩm về nạn phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ những năm giữa thế kỷ 20 Green Book cũng chính là tác phẩm giành giải thưởng quan trọng khác được coi là chỉ dấu cho tiềm năng đoạt giải Oscar phim hay nhất là giải PGA nhà sản xuất phim xuất sắc nhất năm. Điều khiến giới dự đoán phải vò đầu bứt tai hơn thế là việc Green Book lại không nằm trong top 3 các bộ phim giành nhiều danh hiệu “phim hay nhất” trong mùa giải thưởng năm nay bởi xếp ngay sau Roma là The Favourite – tác phẩm về cuộc chiến chốn thâm cung trong triều đình Anh quốc của đạo diễn người Hy Lạp Yorgos Lanthimos và If Beale Street Could Talk – bộ phim mới nhất của đạo diễn từng đứng lên bục vinh quang hai năm trước đây với Moonlight là đạo diễn da màu Barry Jenkins. Trớ trêu thay là trong khi The Favourite chủ yếu được đánh giá cao trong các hạng mục diễn xuất, thì If Beale Street Could Talk thậm chí còn không nằm trong danh sách đề cử rút gọn của giải Oscar cho phim hay nhất. Thế chỗ cho If Beale Street Could Talk là hai bộ phim lấy chủ đề âm nhạc Bohemian Rhapsody và A Star Is Born, và một loạt tác phẩm mang hơi thở thời đại khác như bộ phim về nền chính trị Hoa Kỳ Vice của đạo diễn The Big Short Adam McKay, và hai bộ phim nêu bật hình tượng người Mỹ gốc Phi là BlacKkKlansman và Black Panther. Trong bối cảnh yếu tố chính trị, sắc tộc đang chiếm sự quan tâm của cả công chúng và giới làm phim Hoa Kỳ, chẳng ai có thể chắc rằng một tác phẩm tương đối phi chính trị, lại do Netflix – thương hiệu không được lòng giới làm phim truyền thống phát hành như Roma sẽ vượt qua được Green Book, BlacKkKlansman, hay Vice để giành lấy tượng vàng cuối cùng của lễ trao giải Oscar lần thứ 91. Và ngược lại, thì nhiều người yêu phim cũng không thể hài lòng để các tác phẩm có phần yếu hơn Roma về chất lượng làm phim như Green Book hay Bohemian Rhapsody trở thành “người chiến thắng”. Chúng ta sẽ chỉ có câu trả lời cho bài toán khó giải này vào đêm trao giải ngày 24 tháng 2 sắp tới. 

Chưa chắc ăn giải phim hay nhất nhưng phải tới 90% Roma sẽ mang về cho Alfonso Cuarón tượng vàng Oscar thứ hai ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất sau chiến thắng năm 2013 nhờ tác phẩm khoa học giả tưởng Gravity. Có thể khẳng định điều này là vì đạo diễn người Mexico đã giành tới 32 giải “đạo diễn xuất sắc nhất” trong mùa trao giải năm nay, vượt xa các đối thủ cạnh tranh như đạo diễn BlacKkKlansman Spike Lee (3 lần chiến thắng), ngôi sao điện ảnh Bradley Cooper với tác phẩm đạo diễn đầu tay A Star Is Born (1 chiến thắng), hay nhà làm phim gạo cội Paul Schrader của “First Reformed” (1 chiến thắng). Cooper và Schrader thậm chí còn không có mặt trong số 5 cái tên được đề cử ở hạng mục này của giải Oscar năm nay, thay vào đó là đạo diễn người Ba Lan Paweł Pawlikowski – người từng giành tượng vàng cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất năm 2015 với Ida và năm nay lại quay trở lại với một ứng viên nặng kí khác cho hạng mục này là Cold War, Adam McKay với Vice, và đạo diễn đang ở độ chín sự nghiệp người Hy Lạp Yorgos Lanthimos của The Favourite

Roma, Vice, và The Favourite còn cùng chạm trán ở một hạng mục khác đó là kịch bản gốc xuất sắc nhất. Không chịu kém thế so với Roma như ở hạng mục phim hay nhất hay đạo diễn xuất sắc nhất, The Favourite mới là “favourite” (ứng viên được yêu thích) của hạng mục này khi kịch bản của bộ đôi Deborah Davis và Tony McNamara đã giành tới 12 chiến thắng cho “kịch bản hay nhất” trong mùa trao giải điện ảnh 2018-2019. Đối thủ lớn nhất của Davis và McNamara sẽ là nhà làm phim Paul Schrader – tác giả của kịch bản kinh điển Taxi Driver (1976) nhưng phải chờ đến năm nay mới có đề cử giải Oscar kịch bản gốc xuất sắc nhất cho First Reformed. Từng được coi là tác phẩm nặng ký cho mùa giải thưởng năm nay, nhưng bộ phim công chiếu từ tháng 5 năm 2018 First Reformed cuối cùng lại chỉ có duy nhất một đề cử Oscar cho Schrader. Bởi vậy nhiều người đang hy vọng rằng kịch bản đậm chất hiện sinh và tâm linh First Reformed sẽ mang lại cho Schrader tượng vàng đầu tiên trong sự nghiệp nhiều dấu ấn của ông – một hy vọng hoàn toàn có cơ sở khi chính First Reformed chứ không phải The Favourite mới là cái tên được xướng lên nhiều nhất trong mùa trao giải 2018-2019 ở hạng mục kịch bản xuất sắc nhất với 14 lần, và ứng viên còn lại ở hạng mục này là Green Book không thực sự được đánh giá cao về mặt cốt truyện và còn đang vấp phải phản đối từ chính người thân của một trong hai nhân vật chính của phim về mức độ chính xác của kịch bản phim đối với đời thực nhân vật. 

Có mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều là hạng mục kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất khi cả năm cái tên được đề cử là The Ballad of Buster Scruggs, BlacKkKlansman, Can You Ever Forgive Me?, If Beale Street Could Talk, và A Star Is Born được đánh giá là khá ngang sức ngang tài. Theo bảng quy đổi điểm giành được trong mùa giải thưởng năm nay của trang Metacritic thì Can You Ever Forgive Me?, BlacKkKlansman, và If Beale Street Could Talk với số điểm 43, 42, 41 chính là ba tác phẩm xếp ngay sau The Favourite (65 điểm) và First Reformed (56 điểm) ở hạng mục kịch bản. Nếu so với ba bộ phim này thì A Star Is Born dù được khán giả đánh giá cao về nội dung nhiều cảm xúc nhưng tụt lại khá xa với chỉ 13 điểm quy đổi, còn The Ballad of Buster Scruggs thì hoàn toàn biến mất trên bảng xếp hạng do tác phẩm cực kì xuất sắc của anh em nhà Coen này lại chủ yếu được công chúng biết tới qua màn ảnh nhỏ do đây là một tác phẩm do hãng Netflix phát hành. 

Thực ra hy vọng lớn nhất của A Star Is Born, ngoài hạng mục thế mạnh là nhạc phim, lại nằm ở hai hạng mục diễn xuất là vai nam chính xuất sắc nhất cho ngôi sao mới chuyển nghề đạo diễn Bradley Cooper và nữ diễn viên xuất sắc nhất cho ca sĩ đa tài Lady Gaga. Nhưng nhiều khả năng fan hâm mộ của nữ ca sĩ cực kì cá tính này sẽ phải buồn lòng trong lễ trao giải Oscar sắp tới vì cô phải đụng độ với một ứng cử viên cực kì nặng kí - Glenn Close. Dù bộ phim The Wife của bà không thực sự gây tiếng vang về doanh thu hay chất lượng nghệ thuật, nhưng ngôi sao từng khiến nhiều người hâm mộ điện ảnh Việt Nam hâm mộ và … e sợ qua vai diễn “đánh ghen” nổi tiếng trong Fatal Attraction (1987) đã kịp giành chiến thắng ở hai giải thưởng tiền Oscar cực kì quan trọng là giải Quả cầu vàng và giải SAG. Là một hạng mục nhiều năm nay bị coi là trao theo phong cách “giải thành tựu sự nghiệp”, giải Oscar cho vai nữ chính xuất sắc nhất vì vậy nhiều khả năng sẽ nghiêng về nữ diễn viên 71 tuổi Glenn Close nhiều hơn là ngôi sao của The Favourite Olivia Colman – người thực tế đang bỏ xa các đối thủ khác trên bảng điểm quy đổi cho hạng mục vai nữ chính của Metacritic với 76 điểm (so với vỏn vẹn 27 điểm của Close) với vai diễn đặc sắc và có chiều sâu Nữ hoàng Anne của nước Anh. Yalitza Aparicio – nữ diễn viên còn vô danh ở Hollywood của Roma và Melissa McCarthy – ngôi sao phim hài hàng đầu Hollywood nhưng năm nay lại chinh phục khán giả bằng một vai diễn nhiều chất bị trong Can You Ever Forgive Me? đã gây bất ngờ lớn cho người hâm mộ bằng việc xuất hiện trong danh sách đề cử cho giải Oscar vai nữ chính năm nay, nhưng cũng như Lady Gaga, có lẽ khó lòng hai nữ diễn viên này có thể gây bất ngờ trước Olivia Colman và đặc biệt là Glenn Close.

Nếu so với bạn diễn của mình thì có lẽ Bradley Cooper có “cửa thắng” cao hơn một chút ở hạng mục vai nam chính xuất sắc nhất của giải Oscar năm nay khi mà Ethan Hawke – ngôi sao chính của First Reformed với một vai diễn được nhiều người đánh giá là xuất sắc nhất năm nay của Hollywood lại bất ngờ vắng bóng trong danh sách đề cử. Tuy vậy thì cơ hội giành lấy tượng vàng của Cooper cũng không thực sự lớn khi vai diễn một nhân vật không có thực của anh phải đối mặt với bốn vai diễn những nhân vật có thực phần nào gây được nhiều ấn tượng hơn. Đó là Christian Bale với vai Phó Tổng thống Dick Cheney trong Vice, là Willem Dafoe với vai danh hoạ Vincent van Gogh trong At Eternity's Gate, Rami Malek với vai thủ lĩnh ban nhạc rock Queen Freddie Mercury trong Bohemian Rhapsody, và Viggo Mortensen trong vai anh chàng bảo kê phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc Frank "Tony Lip" Vallelonga trong Green Book. Kém xa Ethan Hawke (95 điểm) trên bảng quy đổi điểm giải thưởng của Metacritic, nhưng Bale (44 điểm) đang có chút ưu thế so với Malek (35 điểm), Cooper (29 điểm), Mortensen (24 điểm), và Dafoe (14 điểm). Dù vậy, điểm số không nói lên tất cả vì bất chấp kịch bản phim khá “lành”, vai diễn Freddie Mercury của Rami Malek đã chinh phục ban giám khảo của phần lớn các giải thưởng tiền Oscar quan trọng như giải Quả cầu vàng, BAFTA, và SAG. Do đó, nhiều khả năng Malek sẽ là người được xướng danh ở giải Oscar năm nay và Bale sẽ phải chờ cơ hội giành lấy tượng vàng thứ hai cho riêng mình trong tương lai. 

Trái ngược với hạng mục vai chính, kết quả ở hạng mục vai phụ lại gần như đã ngã ngũ ở bên nam trong khi các diễn viên nữ vẫn còn đang cạnh tranh nhau đến phút cuối cùng. Đó là vì nam diễn viên từng giành giải Oscar ở hạng mục này cho vai diễn trong Moonlight là Mahershala Ali lại đang một lần nữa càn quét mùa giải thưởng năm nay nhờ vai diễn thiên tài dương cầm Don Shirley trong Green Book. Ali đã lần lượt vượt qua các đối thủ nặng ký khác như Richard E. Grant (Can You Ever Forgive Me?), Sam Rockwell (Vice), Sam Elliott (A Star Is Born), và Adam Driver (BlacKkKlansman) để càn quyét hạng mục vai nam phụ tại lễ trao giải thưởng Quả cầu vàng, SAG, và BAFTA. Trong khi đó thì ở bên hạng mục giải Oscar cho vai nữ phụ xuất sắc nhất, bộ đôi ở hai đầu “chiến tuyến” trong The Favourite là Emma Stone và Rachel Weisz tưởng như đang có lợi thế với hai vai diễn bổ trợ lẫn nhau một cách tuyệt vời trong một tác phẩm xuất sắc lại đang ở thế chia phiếu của nhau và có nguy cơ bị tụt lại nhất là khi so sánh với vai diễn gây nhiều bất ngờ Lynne Cheney của Amy Adams trong Vice, cái tên mới gây chú ý Marina de Tavira của Roma, và đặc biệt là ngôi sao nữ Regina King của If Beale Street Could Talk – người chiến thắng hạng mục này ở giải thưởng Quả cầu vàng và có một vai diễn phù hợp với xu hướng tập trung vào đề tài sắc tộc, chính trị đang thịnh hành ở Hollywood hơn là hình ảnh cung phi trong triều đình Anh mà Stone và Weisz (người giành giải BAFTA cho vai nữ phụ xuất sắc) thủ vai.

Trong các hạng mục đáng chú ý còn lại, trong một năm hiếm hoi hạng mục phim hoạt hình hay nhất còn giữ được sự cạnh tranh đến phút cuối cùng, hẳn người yêu điện ảnh sẽ hài lòng với bất cứ lựa chọn nào của Viện Hàn lâm cho dù đó là siêu phẩm mới nhất của ông lớn Pixar Incredibles 2, tác phẩm mới đầy cá tính của Wes Anderson Isle of Dogs, hay bộ phim được đánh giá là tác phẩm hàng đầu trong thể loại siêu anh hùng Spider-Man: Into the Spider-Verse do bộ đôi “gà đẻ trứng vàng” của hãng Sony là Phil Lord và Christopher Miller sản xuất. Nhìn vào danh sách các ứng viên của hạng mục này năm nay, chúng ta có thể dễ dàng thấy rằng 2018 là một năm bội thu của dòng phim hoạt hình, khi mà ngay cả những bộ phim “yếu thế” hơn trong cuộc đua giải thưởng nếu so với Spider-Man: Into the Spider-Verse (97 điểm quy đổi), Isle of Dogs (61 điểm), và Incredibles 2 (39 điểm) như Mirai của đạo diễn Nhật Bản Mamoru Hosoda (15 điểm) hay tác phẩm bom tấm hoạt hình của Disney Ralph Breaks the Internet (24 điểm) cũng đều là những tác phẩm hấp dẫn cho cả người lớn và trẻ nhỏ. 

Tương tự như hạng mục phim hoạt hình, hạng mục phim nói tiếng nước ngoài cũng vẫn là một câu hỏi ngỏ khi mà chưa chắc Roma đã có thể làm nên lịch sử là vừa giành được giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, vừa được đề cử (hoặc thậm chí là giành) tượng vàng Oscar cho phim hay nhất. Đó là vì đối đầu với Roma còn là những ứng viên nặng ký khác như bộ phim giành giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes Shoplifters của đạo diễn chuyên trị phim tác giả của Nhật Hirokazu Kore-eda, bộ phim Cold War của đạo diễn người Ba Lan từng chiến thắng ở hạng mục này Paweł Pawlikowski, và hai ẩn số Capernaum của Li-băng và Never Look Away của Đức – tác phẩm được đánh giá rất cao về kỹ thuật quay phim và là đề cử hiếm hoi của điện ảnh Đức ở hạng mục quay phim xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar.

Tuy được đề cử ở hạng mục quay phim nhưng khó có khả năng nhà quay phim Caleb Deschanel của Never Look Away có thể vượt qua Alfonso Cuarón – người đảm nhận luôn cả vai trò quay phim cho Roma và nhờ đó đã giành chiến thắng ở hạng mục này trong giải thưởng quan trọng BAFTA vừa qua đồng thời bỏ xa các đối thủ khác trên bảng quy đổi điểm của Metacritic ở hạng mục quay phim với 90 điểm. Đề cử ở hạng mục quay phim chỉ là một trong số 10 đề cử ở giải Oscar năm nay của Roma – một trong hai tác phẩm dẫn đầu về số đề cử cùng với The Favourite. Điều ngạc nhiên là Roma lại vắng bóng ở hạng mục quan trọng biên tập phim xuất sắc nhất – hạng mục từng nhiều năm được coi là chỉ dấu cho tác phẩm sẽ giành tượng vàng Oscar cuối cùng của lễ trao giải cho phim hay nhất. Đang chiếm ưu thế chút ít ở hạng mục này là The Favourite nếu so với các ứng viên khác là BlacKkKlansman, Vice, Bohemian Rhapsody và Green Book

Tuy có hạng mục đã gần như chắc chắn người nhận giải, và nhiều hạng mục vẫn còn đang là những câu hỏi mở cho giới dự đoán và người hâm mộ, có một điều chắc chắn là đêm trao giải Oscar lần thứ 91 sắp tới vẫn sẽ thu hút sự chú ý của người xem, vốn một phần tò mò xem một bộ phim lấy bối cảnh Mexico về những con người Mexico như Roma có thể chiến thắng hay không trong bối cảnh tổng thống Donald Trump đang quyết liệt đòi xây tường ngăn cách Hoa Kỳ và Mexico để chống người nhập cư bất hợp pháp. Nhưng một phần khác, người xem cũng rất đang tò mò về khả năng tổ chức thành công một đêm trao giải hoành tráng của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ khi mà tỷ lệ người xem trực tiếp chương trình này đang ngày càng giảm sút, và những rắc rối liên quan tới người dẫn chương trình “hụt” của năm nay là Kevin Hart đã khiến Viện Hàn lâm phải bất đắc dĩ đưa ra tuyên bố đây sẽ là lễ trao giải Oscar đầu tiên sau nhiều thập niên không sử dụng người dẫn chương trình mà chỉ có các ngôi sao trực tiếp lên đọc và trao giải. Dù vậy thì nói gì thì nói, giải Oscar vẫn là nơi tôn vinh những bộ phim hay, những ý tưởng đẹp, và chúng ta hãy hy vọng rằng những cái tên được xướng lên trong lễ trao giải năm nay cũng sẽ là những đại diện xứng đáng nhất cho mục tiêu này của Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ.

=====

Bản đã biên tập trên Zing.

Kim Ki-duk (1960 - 2020)


Một người đàn ông phải bỏ quê hương ra đi ở cái tuổi gần lục tuần vì vô số bê bối và ghét bỏ, phải lang thang tìm lấy một chỗ trú chân nơi đất khách quê người, để rồi phải trút hơi thở cuối cùng vì thứ bệnh dịch chẳng ai ngờ tới, tại một bệnh viện xa lạ, ở một đất nước xa lạ, trong cảnh đơn độc không người thân bên cạnh. Với những người yêu phim của Kim Ki-duk - một trong những gương mặt nổi bật nhất của điện ảnh Hàn Quốc từ thập niên 1990 trở lại đây thì câu truyện nói trên hoàn toàn có khả năng trở thành cái tứ cho một nhân vật nam chính trong một tác phẩm bạo liệt và giàu tính biểu tượng của đạo diễn này. Nhưng có lẽ chẳng ai có thể ngờ rằng đó lại chính là cái kết cho cuộc đời của chính Kim Ki-duk - nhà làm phim của những sự mâu thuẫn. 

Là những người "già" nhất trong số các nhà làm làm phim thế hệ 6x đã làm rạng danh cho điện ảnh Hàn Quốc như Bong Joon-ho, Park Chan-wook, hay Kim Jee-woon, Kim Ki-duk và Hong Sang-soo cũng là hai trong số đạo diễn hiếm hoi của thế hệ này được đào tạo ở nước ngoài để rồi mang về nước một tâm thế và phong vị làm phim hết sức khác biệt. Nhưng khác với sự mộc mạc và mềm mại của Hong Sangs-soo, xuyên suốt cả sự nghiệp, từ những tác phẩm đầu tay như Crocodile (1996), Bad Guy (2001), cho đến khiến người yêu phim thế giới phải chú ý với Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring (2003), The Bow (2005), và cả khi đứng trên đỉnh cao danh vọng với Pietà (2012), Kim Ki-duk luôn trung thành với dòng phim độc lập kinh phí thấp với truyện phim bạo liệt về những góc tăm tối nhất của con người và xã hội Hàn Quốc, nhưng chưa bao giờ thiếu vắng những hình ảnh ẩn dụ mang đầy tính biểu tượng về nhân tính. Theo dõi các nhân vật trong phim của Kim Ki-duk, đặc biệt là các nhân vật nam xuất thân nghèo khó, gai góc, bị xã hội hiện đại Hàn Quốc đẩy ra ngoài lề, khán giả dường như cũng thấy được một phần cuộc đời của chính người đạo diễn đi lên từ những công việc chân tay trước khi quyết tâm sang Paris bán tranh dạo, học điện ảnh, rồi quay về với một góc nhìn điện ảnh đậm chất Tây Phương tới mức luôn bị coi là người đứng ngoài những trào lưu chủ đạo của điện ảnh Hàn Quốc. Với khẩu vị công chúng Hàn Quốc vốn thường rất hoạt ngôn và yêu thích những khung hình trau chuốt, đẹp đẽ trên màn ảnh rộng, những nhân vật vô cùng kiệm lời nhưng lại thừa thãi bạo lực của Kim Ki-duk như trong Bad Guy hay 3-Iron (2004) có lẽ không thực sự phù hợp. Việc đa phần các nhân vật nữ trong các tác phẩm như The Isle (2000) của đạo diễn sinh năm 1960 đều ở "chiếu dưới", là cái bia hứng chịu sự thịnh nộ, vô tình từ phía các nhân vật nam chính lại càng khiến Kim Ki-duk trở thành một cái gai trong mắt giới phê bình, người xem, và đặc biệt là các nhà hoạt động xã hội, hoạt động vì nữ quyền ở Hàn Quốc. Vì vậy chẳng ngạc nhiên khi các tác phẩm "khó hiểu", "khó xem" của Kim Ki-duk hầu như đều thất bại nặng nề về mặt doanh thu ở thị trường Hàn Quốc tới mức đạo diễn từng thề sẽ không bao giờ phát hành phim của mình trong nước nếu Time (2006) không bán nổi 300.000 vé để rồi phải chứng kiến con đẻ của mình thu về vỏn vẹn 28.000 vé trong khi The Host của đạo diễn đồng lứa Bong Joon-ho thu về tới gần 11 triệu vé cũng trong năm 2006. 

Thất bại trong nước, nhưng ngôn ngữ điện ảnh giàu tính biểu tượng, lại mang tính cá nhân hoá cao độ và có hơi hướm của văn hoá - xã hội Hàn Quốc vốn chưa thực sự được phương Tây biết tới và quan tâm trong những năm đầu thiên niên kỷ mới đã lại giúp Kim Ki-duk trở thành con cưng của các liên hoan phim quốc tế. Chỉ riêng năm 2004, đạo diễn họ Kim đã giành cả hai giải đạo diễn xuất sắc nhất tại hai liên hoan phim uy tín Berlin và Venice cho Samaritan Girl và 3-Iron - hai tác phẩm được quay trong thời gian vỏn vẹn hai tuần dựa từ nguồn tài chính ít ỏi nhờ bán quyền phân phối ở thị trường quốc tế. Trớ trêu thay, vinh quang trên trường quốc tế lại chính là điều giới làm phim Hàn Quốc nói riêng, và người dân Hàn Quốc nói chung thèm muốn, bởi họ muốn thế giới phải nhận ra rằng Hàn Quốc có một nền điện ảnh không hề thua kém bất cứ quốc gia có bề dày văn hoá nào khác. Bởi vậy mà khi Kim Ki-duk làm nên lịch sử cho điện ảnh Hàn khi Pietà trở thành tác phẩm đầu tiên của Hàn Quốc đứng trên bục cao nhất của một trong bộ ba liên hoan phim hàng đầu Cannes-Berlin-Venice với tượng Sư tử vàng tại Venice, cả báo giới và người hâm mộ điện ảnh Hàn Quốc đã rơi vào thế hết sức khó xử bởi người đem Hàn Quốc đến với thế giới lại là một cái tên không được người Hàn yêu thích, thông qua một tác phẩm chẳng mang chút dấu ấn Hàn Quốc nào theo những tiêu chuẩn thông thường của công nghiệp điện ảnh nước này. 

Sau Pietà Kim Ki-duk vẫn không ngơi nghỉ với việc làm phim, khi gần như mỗi năm ông lại cho ra đời một, hai, thậm chí là ba tác phẩm. Nhưng đa phần các tác phẩm này không để lại nhiều dấu ấn, ngược lại một trong số đó - bộ phim Moebius (2013) lại chính là điểm khởi đầu cho sự sụp đổ của sự nghiệp Kim Ki-duk tại thị trường trong nước khi một trong số các diễn viên nữ của phim vào năm 2017 đã tố cáo đạo diễn họ Kim đã tấn công và chèn ép cô trong quá trình làm phim. Vốn chưa từng yêu thích vị đạo diễn lập dị, lại liên tiếp được đọc những sự việc như vậy về Kim Ki-duk trong bối cảnh trào lưu nữ quyền #MeToo nở rộ tại Hàn Quốc, công chúng Hàn Quốc đã quay lưng hoàn toàn với Kim Ki-duk tới mức ông phải chuyển hướng sang hoạt động ở các nước phương Bắc, để rồi phải đột ngột bỏ mình như hàng triệu người khác trên khắp thế giới vì COVID-19, khi đang tìm kiếm cho mình một nơi ở mới tại quốc gia lạnh lẽo Latvia. 

Chắc chắn không hề là chủ định, nhưng Kim Ki-duk đã chọn cho mình một cái kết có phần gợi nhớ đến số phận của rất nhiều các nhân vật trong phim của ông - độc hành ở cuối đường đời bị cắt ngắn đột ngột, khi đang tìm kiếm một hy vọng mới, một hạnh phúc mới. Với người dân và báo giới Hàn Quốc, có lẽ cái chết đột ngột của Kim Ki-duk không mang lại nhiều cảm xúc. Từ lâu đã là con cừu đen lạc loài trong nền điện ảnh Hàn Quốc, Kim Ki-duk từ vài năm trở lại đây đã bị ghi vào sổ đen vì những tố cáo tấn công tình dục và các tác phẩm bị liệt vào dạng lạc hậu, thụt lùi vì cách khắc hoạ các nhân vật nữ đi ngược lại với những nguyên tắc của chủ nghĩa nữ quyền thời kỳ hậu #MeToo. Người Hàn cũng chẳng còn cần một Kim Ki-duk người-hùng-của-điện-ảnh-Hàn-Quốc bởi giờ đây họ đã có Bong Joon-ho - một đạo diễn 6x khác với những bộ phim hết sức Hàn Quốc, cực kì ăn khách, và đặc biệt là đã đem về cho Hàn Quốc một loạt tượng vàng Oscar - những điều Kim Ki-duk chưa bao giờ, và sẽ chẳng bao giờ với tới được. Ngay cả với người yêu điện ảnh nói chung, Kim Ki-duk cũng là một cái tên gây tranh cãi bởi một phía cho rằng các tác phẩm của ông giàu chất triết lý với những câu truyện và nhân vật cực kì đặc sắc, đáng nhớ, còn phía kia lại cho rằng đó là thứ triết lý nông cạn, với tính biểu tượng nửa vời, và các nhân vật bị gò ép quá mức. Nhưng dù yêu, hay ghét Kim Ki-duk, có lẽ chẳng ai có thể phủ nhận được rằng các bộ phim của ông, dù cực kì bạo liệt như The Isle, hay nhẹ nhàng, mềm mại đến bất ngờ như Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring đã để lại trong lòng mỗi người xem một chút gì đó để nhớ, để suy ngẫm về thân phận con người, về cách thức người với người nên đối xử với nhau để dù trong hoàn cảnh tăm tối nhất chúng ta vẫn không cảm thấy cô độc. Xin tạm biệt ông, Kim Ki-duk. 

======

Bản đã biên tập trên Zing.

mardi 29 décembre 2020

Diego Maradona (2019)

 


Với người hâm mộ bóng đá nói chung, Diego Maradona luôn được coi là một huyền thoại với cái chân trái huyền ảo và vô số những thành tích, kỷ lục trong lịch sử bóng đá thế giới. Nhưng với người dân Napoli - thành phố biển miền Nam nước Ý, Diego Maradona còn vĩ đại hơn thế - ông là vị Thánh cứu thế đã đưa đội bóng yêu quý của thành phố lên đỉnh cao của nước Ý và thế giới. Là lẽ sống của cả thành phố, là nguồn cảm hứng, là niềm vui cho từng trái tim Napoli trong suốt những năm đeo băng đội trưởng S.S.C. Napoli, để rồi phải cúi đầu ra đi trong sự tủi hận, câu truyện của Diego Maradona với Napoli là một trong những câu truyện giàu cảm xúc và đáng nhớ nhất trong lịch sử bóng đá thế giới, nhưng với người yêu bóng đá nói chung, và đặc biệt là những người trẻ của thiên niên kỷ mới vốn lớn lên với một vầng hào quang mới của bóng đá Argentina - Lionel Messi, thì những cung bậc cảm xúc khó tả của bóng đá Argentina, bóng đá Ý, và bóng đá Napoli thập niên 1980, nguồn cội của sự chia ly giữa Maradona và Napoli, và điểm bắt đầu cho sự sụp đổ của một tượng đài bóng đá như Diego vẫn là một thứ gì đó thực sự mới mẻ. 

Diego Maradona - bộ phim tài liệu mới nhất của đạo diễn người Anh Asif Kapadia chính là lời đáp cho những câu hỏi đó của người hâm mộ bóng đá. Lấy tư liệu từ trên 500 giờ phim chưa từng được công chiếu, Diego Maradona đã đem tới cho người xem một cái nhìn toàn diện về Diego Maradona, từ một cậu nhóc với tài chơi bóng bẩm sinh trên những đường phố của vùng ngoại ô Buenos Aires với ước mơ dùng đôi chân kiếm tiền cải thiện cho cuộc sống khó khăn của gia đình, cho tới một thiên tài trẻ tuổi với khả năng chơi bóng, kiểm soát bóng, và điều khiển trận đấu khiến bất cứ đội bóng nào cũng phải thèm khát, và tất nhiên là cả hình ảnh Diego trong những năm tháng đỉnh cao với màu áo của đội tuyển Argentina và S.S.C. Napoli khi ông sống trong vinh quang sân cỏ, xa hoa phú quý của tiền bạc và ma tuý, và sự soi mói của giới truyền thông cũng như người hâm mộ. 

Asif Kapadia là một cái tên không hề xa lạ với cả giới điện ảnh và người yêu thể thao bởi ông từng giành rất nhiều giải thưởng lớn với bộ phim tài liệu xuất sắc Senna (2010) về huyền thoại của đường đua công thức 1 Ayrton Senna. Ngay sau Senna, Asif Kapadia còn thực hiện một bộ phim tài liệu tiểu sử hết sức thành công khác - Amy (2015) về cuộc đời cô ca sĩ tài hoa nhưng yểu mệnh Amy Winehouse. Chiến thắng giải BAFTA cho phim tài liệu xuất sắc nhất với Senna, và giải Oscar ở cùng hạng mục cho Amy, Kapadia đã chứng minh được rằng bản thân cuộc đời, bản thân góc khuất của những thiên tài yểu mệnh đã là quá đủ để làm nên một câu truyện điện ảnh xuất sắc, những người như Ayrton Senna, hay Amy Winehouse chẳng cần thêm bất cứ thủ pháp kịch tính hoá hay tô hồng nào thêm để người xem nhớ đến họ, cảm nhận được một phần ước mơ, suy tư của họ. Kapadia tiếp cận Diego Maradona theo một cách tương tự. Dù không ra đi ở cái tuổi rất trẻ khi đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp như Senna hay Amy, nhưng Diego Maradona có một câu truyện cũng giàu cảm xúc không kém bởi ông có một cuộc đời áo số đầy thăng trầm, trong đó đặc biệt phải kể tới những năm tháng bão tố khi Diego vừa muốn cống hiến cho thành phố yêu quý Napoli nhưng cũng phải sẵn sàng quay lưng với nước Ý để chiến đấu cho tổ quốc Argentina trên đấu trường World Cup. Chẳng cần nhiều dẫn dắt trong vai trò một người kể chuyện, Asif Kapadia đã để chính những hình ảnh tư liệu, những lời bộc bạch của Maradona vẽ lại từng bước đường đời của người danh thủ và thuật lại cho khán giả vô số những mâu thuẫn trong cuộc đời của Diego. Dành tình yêu vô tận cho gia đình từ thủa bé nhưng sẵn sàng từ chối nhận cậu con trai ngoài giá thú, có tài năng thiên bẩm với bóng đá đẹp nhưng cũng chẳng ngần ngại kết thân với giới mafia, trân quý tình cảm của người hâm mộ bóng đá Napoli nhưng căm ghét đến tận xương tuỷ sự soi mói của công chúng, Diego Maradona là một con người của những mâu thuẫn - những mâu thuẫn được Asif Kapadia lặp đi lặp lại xuyên suốt chiều dài 130 phút của bộ phim tài liệu mới nhất của ông. Đi sâu vào đời tư và các góc khuất của Maradona qua rất nhiều thước phim từ chính chiếc máy cầm tay của Diego và người vợ cũ Claudia, nhưng Kapadia cũng không quên nhắc nhớ người xem về bối cảnh lịch sử và xã hội chung đã tạo nên một huyền thoại mang tên Maradona. Có thể kể tới việc Kapadia lồng thất bại của Argentina trong cuộc chiến giành lại hòn đảo Falklands từ tay người Anh bên cạnh những thước phim về hai bàn thắng đã đi vào lịch sử của Maradona, đặc biệt là bàn thắng "Bàn tay của Chúa", trong chiến thắng của tuyển Argentina trước tuyển Anh tại World Cup 1986 để nhấn mạnh với khán giả rằng đây không chỉ là một chiến thắng mở đường cho Argentina của đội trưởng Maradona tới Cúp Vàng, mà còn là sự động viên tinh thần lớn lao, là niềm tự hào cho cả đất nước Argentina - một sự động viên chỉ Maradona mới có thể đem lại. Cũng chính nhờ cách tiếp cận tương tự, Kapadia đã giúp người xem hiểu được rằng tại sao Maradona - từ vị thế của một Thánh bóng đá ở xứ Napoli, lại bị người dân Napoli quay mặt sau World Cup 1990 bởi họ có thể tha thứ cho các bê bối đời tư của Diego nhưng không bao giờ có thể tha thứ một cầu thủ đã "dám" đánh bại nước Ý trên chính sân nhà, trong giải đấu quan trọng nhất của đất nước vốn ham mê bóng đá chẳng kém gì Argentina này. 

Nếu so với một bộ phim tài liệu tiểu sử xuất sắc khác về cuộc đời Maradona là Maradona by Kusturica (2008) của đạo diễn người Serbia Emir Kusturica thì Diego Maradona của Asif Kapadia có lẽ chưa vẽ được một bức tranh thực sự tổng thể về cuộc đời Diego bởi tác phẩm mới của đạo diễn người Anh không đề cập tới những năm tháng hậu sân cỏ của Diego, hay có những chia sẻ, suy nghĩ của chính Diego và những cái tên đã gắn liền với cuộc đời anh như người vợ cũ Claudia. Nhưng với bất cứ người mộ điệu điện ảnh hay thể thao nào, Diego Maradona vẫn thực sự là một bộ phim tài liệu hay, và chân thực về cuộc đời của một cầu thủ vĩ đại. Bởi qua Diego Maradona, người xem lại càng hiểu được tại sao sau vô số những bê bối đời tư hay rắc rối với luật pháp, Maradona lại vẫn là một huyền thoại. Đơn giản là vì trong suốt cuộc đời mình, Maradona chưa bao giờ mất đi tình yêu chân thành, thậm chí là có đôi chút ngây thơ với trái bóng, và đã luôn cố gắng hết sức để có được những pha bóng đẹp, có được những vinh quang trên sân cỏ, có được những câu truyện đầy cảm hứng về nỗ lực không ngừng nghỉ để vươn tới đỉnh cao bất chấp khó khăn từ mọi phía. Với Maradona, bóng đá là cuộc đời, nhưng cũng bởi thế cuộc đời ông có quá nhiều khúc quanh chẳng thể ngờ tới. Với người hâm mộ, Maradona là hiện thân cho tình yêu bóng đá, và cũng là bài học cảnh giác về cách bất cứ mộ thiên tài nào cũng có thể rơi từ đỉnh cao xuống vực sâu bởi cám dỗ, bởi sự trớ trêu của số phận. Xin cảm ơn Asif Kapadia vì một tác phẩm hay về Maradona, và xin cảm ơn Maradona, vì tất cả.

=====

Bài đã biên tập trên Zing.