some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mercredi 31 mars 2010

Suspect X (2008), Sherlock Holmes (2009)


Như tôi đã nói ở entry về Agatha Christie, không hiểu tại sao Agatha chưa bao giờ động đến mô-típ về tác phẩm xác định được cách thức gây án và hung thủ ngay đầu truyện và "việc" của độc giả là tìm hiểu xem làm thế nào mà kẻ thủ ác che giấu được tội ác của mình - một mô-típ mà Conan đã khai thác rất nhiều lần và đều tương đối thuyết phục. Suspect X là một phim trinh thám theo mô-típ này (và cũng theo phong cách sentimentalism không khác gì Conan).

Manabu "Galileo" Yukawa (Masaharu Fukuyama) là một giáo sư Vật lý trẻ cực kì tài năng trong nghiên cứu khoa học và ... phá án giúp cảnh sát, cụ thể là đưa ra gợi ý giúp cho cô điều tra viên non nớt Kaoru Utsumi (Kou Shibasaki, hay Mitsuko Souma của Battle Royale) tìm ra thủ phạm (người Nhật rất tự hào vì cái tên Yukawa - Hideki Yukawa là một trong những nhà Vật lý lý thuyết xuất sắc nhất thế kỷ 20 và là người Nhật đầu tiên được trao giải Nobel). Tuy thường thành công một cách dễ dàng nhờ trí tuệ sắc bén (theo kiểu ... Conan Edogawa) nhưng lần này Yukawa đã gặp đối thủ thực sự - Tetsuya Ishigami (Shinichi Tsutsumi), bạn học đại học của Yukawa và là một nhà Toán học thiên tài (theo nhận xét của chính Yukawa) nhưng không gặp thời nên phải bằng lòng với cuộc sống của một giáo viên Toán cấp III không có bạn bè, gia đình với một căn hộ bừa bộn. Cuộc sống buồn bã của Ishigami thay đổi khi anh có hàng xóm mới - mẹ con nhà Yasuko Hanaoka (Yasuko Matsuyuki). Trong một lần bị chồng cũ đến phá phách vòi tiền, mẹ con Hanaoka lỡ tay giết chết gã chồng vũ phu và đành phải nhờ vào trí tuệ của Ishigami để tìm ra một lối thoát - ở đây là một bằng chứng ngoại phạm mà cảnh sát không thể bác bỏ được. Không hổ danh là một nhà Toán học thiên tài, Ishigami quả thực đã bằng cách nào đó dàn xếp để mẹ con Hanaoka có được chứng cớ ngoại phạm, một bài toán mà cảnh sát không thể giải nổi. Tất nhiên, Yukawa phải nhảy vào cuộc nhưng liệu trong cuộc đối đầu giữa một tư duy trừu tượng của nhà Toán học và tư duy thực nghiệm của nhà Vật lý này ai sẽ chiến thắng?

Suspect X khởi đầu khá hứa hẹn với cách giới thiệu 4 nhân vật chính nhanh, gọn, độc đáo, tuy vẫn mang hơi hướng phim truyền hình (theo đúng kiểu Nhật). Nửa đầu của phim cũng diễn ra không tồi nhưng đến nửa sau thì thật ... khó chấp nhận vì trick của Ishigami rất dễ đoán và với những khán giả đã đoán được trick (từ giữa phim!) thì việc phải ngồi xem các nhân vật trong phim "hoảng loạn" tìm lời giải đáp "bí ẩn" quả thực không khác gì tra tấn. Có thể nói là twist and turn của Suspect X đơn giản hơn nhiều so với ... Conan, nói cụ thể hơn là bất cứ tập nào dùng mô-típ thủ phạm lộ diện đầu truyện. Tất nhiên có thể lập luận rằng twist and turn không phải là điểm cốt yếu của truyện phim mà Suspect X tập trung hơn vào việc mô tả tâm lý, số phận của từng nhân vật và đưa ra lời giải thích về lý do tại sao Ishigami, một nhà Toán học trầm lặng, biết suy nghĩ, lại hành động như vậy. Nhưng ngay cả mặt này thì Suspect X cũng không thể qua mặt được Conan vốn không chỉ là truyện tranh trinh thám hàng đầu mà còn giữ luôn "lá cờ đầu" về sentimentalism trong dòng tác phẩm trinh thám, sự mô tả về tâm trạng cô đơn đến cùng cực của Ishigami cũng khó lòng mà so sánh được với một phim trinh thám (nửa rùng rợn) vốn cũng nói về sự cô đơn của con người giữa xã hội hiện đại - Kairo (Hollywood chuyển thể thành Pulse). Điểm sáng duy nhất giúp cứu vãn lại bộ phim là diễn xuất nhập vai của Shinichi Tsutsumi - người đóng vai Ishigami, Tsutsumi đã làm rất tốt việc khắc họa một Ishigami vừa mang tâm trạng cô đơn xa lánh xã hội, vừa sẵn sàng đánh đổi tất cả để đem lại hạnh phúc cho mẹ con Hanaoka.

Nhìn chung Suspect X sẽ làm mọi người thất vọng vì cách bộ phim khai thác quá nửa vời tuyến nhân vật đặc sắc (có thể nói là đặc sắc không kém bộ nhân vật của The Girl with the Dragon Tattoo). Tuy vậy những ai hâm mộ Conan thì hẳn sẽ thấy hợp với bộ phim này, vì ít ra nó cũng ... hay hơn nhiều lần so với hai tập live action cực kì nhảm nhí của chính Conan.


Phim không ... tệ như mình tưởng tượng, trái lại Sherlock Holmes đáp ứng được đầy đủ những tiêu chí của một phim blockbuster giải trí - kĩ xảo đẹp mắt, nội dung đơn giản dễ hiểu, vừa hài hước vừa hành động kịch tính, và đương nhiên là có cả trai xinh gái đẹp biết diễn (xinh, đẹp thì dễ tìm chứ "biết diễn" thì ngày càng hiếm). Xét về tổng thể thì có lẽ Sherlock Holmes không thực sự là một phim xuất sắc vì twist-and-turn của phim không có gì đặc sắc, đoạn cao trào (climax) lại ... chẳng lấy gì làm cao trào lắm nhưng nói chung khán giả cũng không cần (và không nên) đòi hỏi quá nhiều từ một phim giải trí dạng này. Tất nhiên, phim này chống chỉ định với những "fan cuồng" của bộ truyện gốc, chắc chắn họ sẽ vô cùng tức giận với cách xây dựng bộ đôi Holmes - Watson hơi ... gay gay.

Guy Ritchie sau liên tiếp 3 thất bại Swept Away, Revolver RocknRolla - những bộ phim có nội dung ... hỗn loạn, thì có vẻ đã quay trở lại được với cách xử lý đề tài, đặc biệt là xử lý chi tiết phim thông minh mà ông từng thể hiện trong giai đoạn đầu sự nghiệp (hay bỏ vợ nên đầu óc thư thái hơn?). Sherlock Holmes chứa đầy những cảnh suy luận nhanh, gọn, thông minh theo kiểu Ritchie (mặc dù chúng có thể bị dè bỉu là "khôn vặt", "suy luận vặt vãnh" bởi người hâm mộ bộ truyện gốc), các cảnh hành động trong phim cũng được xử lý với phong cách tương tự, đẹp mắt, gọn gàng, "đáng đồng tiền bát gạo" - một bất ngờ cho đạo diễn chưa từng làm phim bom tấn như Guy Ritchie. Diễn xuất của dàn diễn viên chính trong phim cũng không thể chê được điểm nào, cách diễn tưng tửng của Robert Downey Jr. tỏ ra quá ăn ý với cách đạo diễn cũng nhiều phần tưng tửng của Ritchie, Jude Law, Mark Strong và cả Rachel McAdams, Kelly Reilly cũng bổ sung rất tốt cho nhân vật chính, các diễn viên nữ trong phim có thể không xinh theo kiểu "bình hoa di động" như phong cách truyền thống của Hollywood (không biết có phải chủ ý không mà Reilly trong phim này bị hóa trang xấu hơn cả chục lần so với Les poupées russes) nhưng toát lên vẻ thông minh, quyến rũ và nhất là không bị sử dụng như một plot device (nhân vật tạo ra chỉ để ... làm vì), Rachel McAdams vẫn chứng tỏ được rằng dù cô có ngoại hình không ấn tượng nhưng cách diễn của cô vẫn có thể khiến khán giả bị quyến rũ bởi nhân vật. Tôi chỉ cảm thấy một chút gợn về giọng (accent) của Holmes vì dù Downey Jr. từng cực kì thành công với vai Chaplin nhưng không hiểu sao tôi cảm giác Holmes "của Downey Jr." nói cứ như người Mỹ, tay người Pháp to lớn trong phim cũng "không Pháp" lắm. Một điểm gợn khác là cách Holmes ... ngửi và nếm hóa chất, táo bạo và ... liều mạng là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau, và một người am hiểu hóa học thực nghiệm như Holmes chắc chắn phải biết là không ai phát hiện hóa chất bằng cách gí mũi trực tiếp vào miệng lọ dung dịch cả (trừ phi anh ta muốn tự tử).

Điểm trừ lớn nhất của phim có lẽ là phần cao trào (climax) không được hấp dẫn và "hoành tráng" lắm. Phần giới thiệu của phim được làm tốt, nhanh, hấp dẫn, "khúc giữa" của suy luận và hành động cũng diễn biến không tồi nhưng đoạn hạ màn thì chắc chắn sẽ khiến nhiều người không cảm thấy thỏa mãn vì cách xử lý đơn giản và dễ dãi của Ritchie. Nhưng dù sao thì một bộ phim 2 tiếng thì "hay một tiếng rưỡi" cũng có thể đánh giá là ... tương đối rồi, nhất là khi khán giả lại được chứng kiến một London hoành tráng nhưng ... bẩn thỉu chưa từng thấy (theo phong cách của chính Ritchie và của Das Parfüm) - phần quay phim, kĩ xảo và nhạc phim đều đáng khen ngợi. Tôi cũng thích cách xây dựng mối quan hệ giữa Holmes và Irene Adler, khá lãng mạn mà không bị sến (nhờ vào diễn xuất rất ngọt của Downey Jr. và Rachel Adams).

samedi 27 mars 2010

Bodyguards and Assassins (2009)


Phim này tên tiếng Trung là Thập nguyệt vây thành (thành [HK] bị vây vào tháng 10) - 4 chữ đủ tóm tắt nội dung (tương đối) đơn giản của phim: Tháng 10 năm 1906 Tôn Văn (Trương Hàm Dư của Hiệu lệnh tập kết, đố ai nhận ra được diễn viên này sau lớp hóa tráng dày đặc) tới Hồng Kông để họp bàn với đại diện 13 tỉnh Trung Quốc về kế hoạch lật đổ nhà Thanh, để đối phó Từ Hy Thái Hậu phái sát thủ xuất sắc nhất, Diêm Hiếu Quốc (Hồ Quân, một người Mãn thứ thật, lần này vẫn tóc dài nhưng lông mi bị cạo sạch), của mình tới Hồng Kông với nhiệm vụ duy nhất là giết cho bằng được "Tôn tặc". Nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ phong trào dân chủ Trung Hoa được đặt trong tay của Trần Tiểu Bạch (Lương Gia Huy), một chủ báo có tư tưởng cách mạng với sự giúp đỡ tích cực về tiền bạc của Lý Ngọc Đường (Vương Học Kỳ), một đại phú gia của đất Hương cảng. Nhóm bảo vệ Tôn Văn trong mấy tiếng ngắn ngủi của ông ở Hồng Kông gồm có:

* Lý Trọng Quang (Vương Bách Kiệt), con trai duy nhất của Lý Ngọc Đường và là người duy nhất mà họ Lý không muốn dính dáng vào nhiệm vụ thập tử nhất sinh này. Tuy mới 17 tuổi nhưng Trọng Quang được Trần Tiểu Bạch "tiêm nhiễm" tư tưởng Tam dân của Tôn Văn và nhất quyết hi sinh để bảo vệ "thần tượng".
* Lưu Úc Bạch (Lê Minh), đại công tử và cao thủ thiết phiến (quạt sắt) nhưng vì nhỡ mê ... vợ lẽ của bố (Lý Gia Hân trong một vai hết sức "bình hoa di động" kéo dài chừng ... 5 giây) nên bỏ đi lang thang với vết thương lòng không bao giờ lành. Lưu công tử coi việc Lý Ngọc Đường nhờ mình bảo vệ Tôn Văn là một cơ hội giải thoát cho bản thân chứ chẳng quan tâm xem mình phải bảo vệ người thế nào.
* A Tứ (Tạ Đình Phong), người kéo xe của Lý Ngọc Đường. Ngoài tình cảm dành cho người vợ sắp cưới A Thuần (Chu Vận, diễn viên nổi tiếng vì là ... vợ của Khương Văn) thì A Tứ chỉ có niềm vui duy nhất là làm vừa lòng lão gia của mình. Đây cũng là lý do mà A Tứ hăng hái tham gia bảo vệ Tôn Văn vì với cái vốn 50 chữ của mình thì A Tứ khó lòng mà hiểu được "lý tưởng" của Tôn tiên sinh.
* Phương Hồng (Lý Vũ Xuân), con gái của tướng quân Phương Thiên (Nhậm Đạt Hoa), người bị nhóm sát thủ của Diêm Hiếu Quốc sát hại trước khi kịp tham gia đội bảo vệ Tôn Văn. Vì thế Phương Hồng đi theo Lý Ngọc Đường chỉ với lý do duy nhất là được trả thù và báo hiếu cho người bố đã mất.
* Vương Phục Minh (Mengke Bateer, tuyển thủ bóng rổ Trung Quốc), một người bán đậu phụ rán xuất thân là môn sinh Thiếu Lâm tự. Với dáng vóc khổng lồ, sức khỏe vô địch và võ thuật học từ Thiếu Lâm tự, Phục Minh là niềm hy vọng của Lý Ngọc Đường trong nhiệm vụ lần này.
* Trầm Trọng Dương (Chân Tử Đan), một cảnh sát ngày đêm mê mệt với cờ bạc và tham nhũng. Chính Trầm Trọng Dương là người chỉ điểm nhóm Phương Thiên, Trần Tiêu Bạch cho Diêm Hiếu Quốc, nhưng phút cuối họ Trầm lại quay về phe Lý Ngọc Đường sau khi được vợ cũ, nay là vợ lẽ của Lý lão gia, Nguyệt Như (Phạm Băng Băng, vẫn xinh đẹp và yếu ớt - "nguyệt như" là "mỏng manh như ánh trăng" như thời Hoàn châu cách cách) thuyết phục.

Nếu không tính chính Lý Ngọc Đường được coi là nhân vật đứng ngoài cuộc thì nhóm này có đúng 7 người theo phong cách Shichinin no Samurai của Kurosawa, phim còn có nhiều cảnh homage khác mà tiêu biểu nhất là cảnh xe kéo lăn xuống dốc theo phong cách Chiến hạm Potemkin, có hẳn một cảnh Lưu công tử đứng trên cầu thang đánh lại muôn người theo kiểu Châu Tinh Trì trong Tuyệt đỉnh công phu. Nội dung phim nhìn chung không có gì đáng nói vì kết cấu đơn giản, không có twist-and-turn hoặc yếu tố bất ngờ nào, nhân vật cũng giản dị theo phong cách blockbuster Mỹ, chỉ có "giáo dục" về tinh thần Tôn Trung Sơn hơi bị nhiều, đặc biệt là ở nửa đầu của phim cộng thêm việc phim hơi lạm dụng các cảnh suy tư, đau đớn (kể cả vua tay chân Chân Tử Đan cũng bị kéo vào những cảnh này) để "mua cảm xúc" của khán giả, dù sao vẫn phải thừa nhận cách làm này của đạo diễn Trần Đức Sâm và giám chế Trần Khả Tân cũng không đến nỗi tồi, có lẽ là tiếp nối truyền thống của bộ phim "tưởng là hành động mà không phải là hành động" Đầu danh trạng của Trần Khả Tân. Nguyên nửa thời gian đầu của phim được dành cho việc xây dựng hình ảnh của từng nhân vật trong nhóm bảo vệ và Diêm Hiếu Quốc để chuẩn bị cho cuộc đối đầu giữa hai phe trong nửa sau phim. Phần climax của phim được làm khá tốt với bối cảnh Hồng Kông đầu thế kỷ 20 được làm rất thật (có lẽ Trần Khả Tân đã phải đổ rất nhiều tiền bạc vào việc dựng trường quay và CGI), các pha hành động như thường lệ vẫn được Chân Tử Đan hoàn thành xuất sắc, đặc biệt là pha rượt đuổi trên phố giữa Chân Tử Đan và Lê Cung (ngôi sao võ thuật người Mỹ gốc Việt) được làm cực kì ấn tượng và chân thật theo phong cách Bourne (mà có khi còn hơn Bourne!), tiếc là các pha đối đầu giữa Chân Tử Đan với Lê Cung, Lê Minh và nhóm sát thủ bị làm hơi qua loa có lẽ với ý đồ tập trung chủ yếu vào tâm trạng nhân vật, khiến khán giả hơi mất hứng, nhất là sau khi các nhân vật này (Lưu Úc Bạch, Vương Phục Minh) đã được cố xây dựng theo mẫu anh hùng cổ điển và xứng đáng với những pha võ thuật "hoành tráng" hơn. Nhưng một lần nữa vẫn phải công nhận là Trần Đức Sâm đã xây dựng được khá nhiều hình ảnh đẹp, hình tượng Vương Phục Minh mình đầy thương tích vẫn cố hét to bảo vệ Tôn Văn rất giống với tích Điển Vi tay không bảo vệ Tào Tháo ở Uyển Thành, còn hình ảnh Lưu Úc Bạch tóc dài phất phơ cầm chiếc quạt sắt đối đầu với kẻ địch đông gấp bội thì chẳng khác nào truyện của Kim Dung hay Triệu Vân một ngựa hãm quân Tào. Vì vậy dù kịch bản không có gì đáng chú ý nhưng Bodyguards and Assassins vẫn là một phim xem được và xứng đáng với số tiền ở tầm cỡ blockbuster Hồng Kông của nó.

mercredi 24 mars 2010

Bạch phát ma nữ truyện (1993)


Bạch phát ma nữ truyện là một tác phẩm kiếm hiệp vào loại nổi tiếng nhất của Lương Vũ Sinh, bằng chứng là nó đã được chuyển thể thành phim điện ảnh và truyền hình rất nhiều lần, nhưng chắc chắn phiên bản 1993 do Vu Nhân Thái thực hiện vẫn sẽ được coi là phiên bản xuất sắc nhất.

Trác Nhất Hàng (Trương Quốc Vinh) là đại đệ tử của phái Võ Đang với tài nghệ vào loại hàng đầu trong Bát đại môn phái. Anh là niềm hy vọng của cả phái Võ Đang và giang hồ trong cảnh loạn lạc cuối đời nhà Minh tuy nhiên Nhất Hàng lại chẳng màng chức vị hay danh tiếng, anh chỉ thích đối tửu cùng người bạn lâu năm Ngô Tam Quế (Cao Hùng Sơn - người thủ vai Lâm Xung trong loạt phim truyền hình cùng tên) và tơ tưởng tới người trong mộng của anh - nàng Lang nữ (Lâm Thanh Hà đang ở đỉnh cao của sự nghiệp và nhan sắc) xinh đẹp, đệ nhất sát thủ của Thần Cung giáo - kẻ địch của Bát đại môn phái. Và rồi Nhất Hàng cùng Lang nữ cũng đến được với nhau, Nhất Hàng đặt tên cho người yêu của mình là Luyện Nghê Thường, còn nàng Nghê Thường bắt người yêu phải thề rằng anh sẽ luôn tin tưởng vào cô bất kể chuyện gì xảy ra. Và tất nhiên với một mối tình ngang trái kiểu Romeo và Juliette thì sẽ có rất nhiều thứ ập đến với Nhất Hàng và Nghê Thường, đó là sự ngăn cản từ phía phái Võ Đang với Nhất Hàng, từ phía Cơ Vô Song (Ngô Trấn Vũ và Lã Thiếu Linh trong "một" vai ... dính liền) giáo chủ Thần Cung giáo, đó là sự kiện nhà Thanh xâm chiếm Trung Quốc nhờ sự tiếp tay của Ngô Tam Quế. Kết quả thì như tất cả những ai yêu kiếm hiệp đều đã biết, nàng Nghê Thường biến thành Bạch phát ma nữ với mái tóc trắng xóa, còn Nhất Hàng suốt phần đời còn lại đứng canh trên đỉnh núi tuyết trắng để tìm thứ thảo dược giúp hồi sinh mái tóc của nàng Nghê Thường. Nhưng cái người xem quan tâm là bi kịch nào đã đẩy Nghê Thường và Nhất Hàng tới số phận đau khổ như vậy.

Điều ấn tượng nhất ở Bạch phát ma nữ truyện chắc chắn là diễn xuất tuyệt vời của bộ đôi Lâm Thanh Hà và Trương Quốc Vinh. Đây có lẽ là bộ phim hiếm hoi trong lịch sử điện ảnh Hồng Kông mà hai ngôi sao vào loại sáng nhất lại đồng ý ... đóng những cảnh thân mật tầm cỡ ... gần như phim Hollywood, những cảnh đó được thực hiện rất đẹp (người quay Bạch phát ma nữ truyện là Bào Đức Hy - quay phim của Ngọa hổ tàng long), đẹp như nét xuân sắc của Lâm Thanh Hà, ánh mắt buồn bã của Trương Quốc Vinh và vẻ mờ ảo của cả bộ phim. Đạo diễn Vu Nhân Thái đã rất thành công trong việc cân bằng các yếu tố võ thuật - tưởng tượng (fantasy) - bi kịch và lãng mạn của phim, một điều cũng hiếm khi xảy ra với dòng phim võ thuật của Hồng Kông đầu thập niên 1990, vì thế Bạch phát ma nữ truyện trở nên lôi cuốn khán giả nhờ tất cả những yếu tố, chi tiết của nó chứ không cần phải dựa vào bất cứ một yếu tố duy nhất nào. Tóm lại chỉ có thể nói rằng Bạch phát ma nữ truyện là một bộ phim cần xem cho bất cứ ai muốn tìm hiểu phim kiếm hiệp Hồng Kông hay chỉ đơn giản là muốn hiểu lý do tại sao Lâm Thanh Hà lại được coi là gương mặt nổi bật nhất của điện ảnh xứ Cảng thơm trong giai đoạn này.

jeudi 18 mars 2010

Copying Beethoven (2006), The Visitor (2008)


Copying Beethoven là một phim tiểu sử mô tả lại giai đoạn cuối đời của Ludwig van Beethoven khi ông phải vật lộn với chứng điếc để cho ra đời tác phẩm vĩ đại nhất của mình - Bản giao hưởng số 9. Hình ảnh thiên tài của Beethoven (Ed Harris) trong phim được nhìn qua con mắt của một cô gái yêu nhạc cổ điển có tên Anna Holtz (Diane Kruger). Là sinh viên xuất sắc nhất của Nhạc viện Viên, Anna được chọn làm người chép nhạc (copyist) cho Beethoven, thiên tài số một của thành Viên nói riêng và giới sáng tác nhạc cổ điển nói chung. Tràn ngập niềm vui sướng được làm việc cho thần tượng, Anna tìm tới căn phòng tồi tàn và bừa bãi của Beethoven và phát hiện ra bộ mặt thứ hai của nhà soạn nhạc - một người khó chịu, trái tính trái nết, thường xuyên làm mất lòng người khác và nhất là đã ở cuối sườn dốc của sự nghiệp khi hào quang đã qua và chẳng còn ai muốn nghe những bản nhạc do thiên tài một thời ấy sáng tác. Beethoven không chỉ gần như điếc đặc, ông còn chẳng bao giờ muốn lắng nghe những mong muốn của người khác mà luôn xét đoán mọi việc theo ý của mình, kết quả là nhà soạn nhạc trở thành con người cô độc khi mà chính cháu trai của Beethoven, người ông hết mực yêu quý, cũng ghét bỏ ông chú và chỉ tìm tới căn hộ của nhà soạn nhạc mỗi khi thiếu tiền.

Nhưng chính trong giờ phút khó khăn nhất, Beethoven mới bộc lộ hết tư chất của một thiên tài âm nhạc, một nhạc sĩ không chỉ có sức cảm thụ phi thường "những âm thanh của Thượng Đế" mà còn sẵn sàng dốc hết sức lực để lao động sáng tạo. Người ta không bao giờ thấy Beethoven ngủ, vì mỗi khi buồn ngủ ông lại tự dội lên đầu vài gáo nước lạnh (một trong những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh điếc của Beethoven) để có thể tiếp tục làm việc. Kết quả của những giờ phút lao động miệt mài ấy là Bản giao hưởng số 9 - tác phẩm vĩ đại nhất của Beethoven, một trong số ít những bản giao hưởng có đời sống vượt ra bên ngoài khuôn khổ của nhạc cổ điển (Bản giao hưởng số 9 đã được EU chọn làm "Liên quốc ca" của cộng đồng này). Trường đoạn Beethoven chỉ đạo dàn nhạc giao hưởng cùng dàn đồng ca trình diễn Bản giao hưởng số 9 chắc chắn là trường đoạn hoành tráng, xúc động và ấn tượng nhất của phim.


Trường đoạn xúc động nhất phim

Ý tưởng thì hay là vậy nhưng Copying Beethoven thực tế chỉ dừng lại ở mức một phim trung bình khá. Lý do đầu tiên là vì đạo diễn đã quá tham khi cố gắng khắc họa rõ cả hình ảnh của một Beethoven-thiên tài nhưng đầy tật xấu, và một Anna Holtz-đam mê âm nhạc bất chấp thân phận phụ nữ, và kết quả cuối cùng là ... "dở ông dở thằng", chẳng nhân vật nào để lại ấn tượng trong lòng khán giả. Cũng vì cố công miêu tả nhân vật Anna nên Copying Beethoven đã bỏ qua một chi tiết rất quan trọng liên quan đến việc sáng tác Bản giao hưởng số 9 của Beethoven, đó là việc ông thực sự gần như điếc hẳn khi sáng tác bản giao hưởng này chứ không chỉ hơi điếc, vẫn nghe loáng thoáng được nhạc và người khác nói như mô tả trong phim. Thật đáng tiếc cho Copying Beethoven vì đó mới thực sự là chi tiết đắt giá và thường xuyên được nhắc lại trong các sách tiểu sử của Beethoven như một minh chứng cho thiên tài và nghị lực phi thường của ông. Bên cạnh đó, do chỉ xoay quanh việc Beethoven sáng tác nhạc thế nào, Anna vật lộn với những tính xấu của ông ra sao, thành ra Copying Beethoven không có điểm nhấn và lại càng thiếu cảm xúc - cái cần nhất ở một bộ phim xoay quanh âm nhạc như thế này. Để so sánh thì có thể thấy Copying Beethoven kém rất xa Amadeus, bộ phim tiểu sử về cuộc đời đầy bất hạnh của một thiên tài nhạc cổ điển khác - Wolgang Amadeus Mozart. Amadeus tràn ngập cảm xúc, kịch tính (hơi nhiều quá mức) và dàn diễn viên thì diễn xuất tuyệt vời, Copying Beethoven thì chẳng có lấy một điểm nào khiến tôi hài lòng ngoại trừ trường đoạn biểu diễn Bản giao hưởng số 9 như đã nói ở trên. Thật tiếc cho một cái tứ hay đã không chuyển thể được thành những hình ảnh đẹp.


Một bộ phim quá chậm rãi và não nề. Phim nói về Walter Vale, một giáo sư đại học nhạt nhẽo và gần như không "sống" kể từ sau khi vợ ông, một nghệ sĩ dương cầm, qua đời. Walter bắt đầu tìm lại được giá trị cuộc sống nhờ cuộc gặp gỡ bất ngờ với Tarek, một tay trống người Syria, cùng vợ anh. Trong một lần giúp Walter tại ga tàu điện ngầm, Tarek bị cảnh sát New York bắt và đứng trước nguy cơ bị trục xuất vì là người nhập cư trái phép. Walter, giờ đã là một con người hoàn toàn khác, không còn cách nào khác ngoài việc bỏ dạy để lo cho Tarek và mẹ của anh.

Đạo diễn kiêm biên kịch của phim hóa ra chính là diễn viên đóng vai ông bố dượng trong 2012. Thomas McCarthy có vẻ rất hào hứng với đề tài người già cô đơn (dù anh mới chỉ tầm 40), ngoài The Visitor, McCarthy còn viết kịch bản cho Up. Nhìn chung thật khó nói The Visitor hay dở thế nào vì phim quá chậm, xem rất nản, lại mắc phải những hình mẫu (leimotif) cũ rích kiểu Hollywood khiến tôi rất khó chịu - người nhập cư tại sao cứ phải là nhập cư vì chính trị và đến từ Syria? Sống tốt nhưng sống bất hợp pháp thì làm sao có cảm giác "hòa nhập" trong xã hội được?... Với một kịch bản đầy những triết lý đi theo lối mòn như The Visitor thì không lạ khi Up cũng không thể có một kịch bản sáng tạo từ cùng một tác giả.

mardi 9 mars 2010

An Education (2009), Bright Star (2009)


Một bộ phim nhẹ nhàng về tuổi mới lớn. Nội dung phim có khá nhiều cliché nhưng cách xử lý đơn giản cùng diễn xuất nhẹ nhõm, tự nhiên của các diễn viên (đặc biệt là Carey Mulligan trong vai Jenny và Alfred Molina trong vai bố Jenny) đã giúp phim trở nên dễ xem nhưng vẫn cảm động và giữ được triết lý về thời điểm "vào đời" của một cô gái mới lớn với những lựa chọn khó khăn (và dễ sai lầm) về cuộc sống. Tôi đặc biệt thích cách bộ phim truyền tải thông điệp về sự quan trọng của gia đình, nơi những ông bố, bà mẹ tuy không phải lúc nào cũng hành động chính xác nhưng họ luôn hành động xuất phát từ tình yêu thương và sự lo lắng cho con cái, một điều không phải cô, cậu học trò nào ở cái tuổi 18 cũng có thể hiểu được. An Education còn có phần générique (opening credit) đầu phim rất ấn tượng, hoàn toàn có thể so sánh được với phần générique của Catch Me If You Can.


Một bộ phim tuyệt vời khác của mùa phim Cannes 2009. Bright Star là bộ phim về mối tình giữa cô thiếu nữ 18 tuổi Fanny Brawne và nhà thơ không gặp thời John Keats, xen kẽ là những vần thơ đẹp đẽ nhưng bi thương của Keats - một trong những tên tuổi lớn nhất của thơ ca lãng mạn Anh. Mối tình của Fanny và Keats là một mối tình tuyệt vọng khi Keats, với thể trạng yếu đuối và gia cảnh cực kì khó khăn, không thể đáp lại mối tình đầu của cô gái mà anh yêu. Tuy nhiên Bright Star lại là một bộ phim lôi cuốn người xem (và dễ xem) vì nó quá đẹp, đẹp từ những cảnh quay đủ mọi sắc màu về nước Anh, đẹp từ tấm lòng nhân hậu, chân thật, vị tha của từng nhân vật, và tất nhiên đẹp từ phần thoại thi vị lấy cảm hứng từ những thi phẩm của Keats. Tôi cảm thấy bất ngờ vì một bộ phim "toàn người tốt" như Bright Star lại có thể lôi cuốn đến thế, có lẽ vì cái nền u ám của mối tình Fanny-Keats đã giúp cách ứng xử của từng nhân vật trở nên đẹp đẽ hơn, ngay cả nhân vật "xấu" nhất phim - Charles Brown cũng lại là một người hết lòng vì bạn bè, và khi không thể hết lòng vì Keats, Brown đã thốt lên những lời đau đớn nhưng không thể đẹp hơn về tình bạn của họ. Cảnh quay của Bright Star được nữ đạo diễn Jane Campion trau chuốt và lựa chọn một cách tinh tế, tôi chưa từng thấy một bộ phim nào mô tả thiên nhiên nước Anh đẹp như bộ phim này với cánh đồng hoa tím, những cánh rừng xơ xác mùa đông, tuyết trắng, và rất nhiều những cảnh khác. Nói một cách ngắn gọn thì Bright Star là bộ phim quá đẹp để có thể bị bỏ qua.

2010 Academy Awards


Kết quả Oscar năm nay còn ít bất ngờ hơn cả năm ngoái, có vẻ như Viện Hàn lâm "đành" phải trao Oscar phim ngoại ngữ cho El secreto de sus ojos thay vì The White Ribbon hay Un prophète để tạo ra chút ít thay đổi so với dự đoán của mọi người (giống trường hợp của Departures năm ngoái). Tiếc nuối nhất năm nay có lẽ là Jason Reitman cùng Up in the Air ra về tay trắng mặc dù nó từng rất được ca ngợi vào thời điểm công chiếu, James Cameron có lẽ không tiếc lắm vì dù sao bộ phim của ông cũng đã bỏ túi 2 tỷ + USD và chắc chắn sẽ còn được nhắc tới lâu hơn là The Hurt Locker, Quentin Tarantino thì trước giờ chưa từng hợp "gu" của Viện Hàn lâm nên việc Basterds chỉ có duy nhất một giải "an ủi" cũng là điều bình thường. Năm nay Sandra Bullock có một cái kết đẹp và "ấn tượng" (Oscar và Mâm xôi trong cùng một năm - lần đầu tiên trong lịch sử Hollywood), có lẽ sau cái Oscar này sự nghiệp (và tên tuổi) của Bullock sẽ dần đi xuống theo kiểu Julia Robert. Năm nay cũng đánh dấu thất bại toàn diện của điện ảnh châu Âu, ngoài Waltz đoạt giải cho một phim Mỹ thì châu Âu chỉ có hai chiến thắng nhỏ khác ở hạng mục phim hoạt hình ngắn (Logorama của Pháp) và trang phục (The Young Victoria của Anh).

Như thường lệ, đỏ là dự đoán đoạt giải, xanh là hy vọng đoạt giải, in đậm là đoạt giải:

BEST PICTURE
Avatar
The Blind Side
District 9
An Education
The Hurt Locker
Inglourious Basterds
Precious
A Serious Man
Up
Up In the Air

BEST DIRECTOR
James Cameron, Avatar
Kathryn Bigelow, The Hurt Locker
Quentin Tarantino, Inglourious Basterds
Lee Daniels, Precious
Jason Reitman, Up In The Air

BEST ACTOR
Jeff Bridges, Crazy Heart
George Clooney, Up In The Air
Colin Firth, A Single Man
Morgan Freeman, Invictus
Jeremy Renner, The Hurt Locker

BEST ACTRESS
Meryl Streep, Julie & Julia
Sandra Bullock, The Blind Side
Helen Mirren, The Last Station
Carey Mulligan, An Education
Gabourey Sidibe, Precious

BEST SUPPORTING ACTRESS
Penelope Cruz, Nine
Vera Farmiga, Up In the Air
Anna Kendrick, Up In the Air
Maggie Gyllenhaal, Crazy Heart
Mo’nique, Precious

BEST SUPPORTING ACTOR
Christoph Waltz, Inglourious Basterds
Matt Damon, Invictus
Stanley Tucci, The Lovely Bones
Woody Harrelson, The Messenger
Christopher Plummer, The Last Station

BEST ADAPTED SCREENPLAY
Neill Blomkamp, Terri Tatchell, District 9
Nick Hornby, An Education
Jesse Armstrong, Simon Blackwell, Armando Iannucci, Tony Roche, In The Loop
Geoffrey Fletcher, Precious
Jason Reitman, Sheldon Turner, Up In The Air

BEST ORIGINAL SCREENPLAY
Mark Boal, The Hurt Locker
Quentin Tarantino, Inglourious Basterds
Joel and Ethan Coen, A Serious Man
Alessandro Camon and Oren Moverman, The Messenger
Bob Peterson, Pete Docter, Up

DOCUMENTARY FEATURE
Burma VJ
The Cove
Food Inc.
The Most Dangerous Man In America: Daniel Ellsberg and the Pentagon Papers
Which Way Home

FILM EDITING
Avatar
District 9
The Hurt Locker
Inglourious Basterds
Precious

FOREIGN LANGUAGE FILM
Ajami
El Secreto Desus Ojos
The Milk of Sorrow
A Prophet
The White Ribbon

BEST ANIMATED PICTURE
Coraline
Fantastic Mr Fox
The Princess And The Frog
The Secret Of Kells
Up

mercredi 3 mars 2010

Worst Best Pictures Oscar


Poster ấn tượng nhất về lễ trao giải Oscar.

Ai cũng biết là không phải cứ phim nào giành Oscar cho phim hay nhất (Best Picture) cũng là phim hay nhất năm. Ngoài chuyện thiên vị phim nói tiếng Anh (tất lẽ dĩ ngẫu) thì Viện Hàn lâm còn thường xuyên "lờ" đi các phim hài, hoạt hình và rất "chuộng" phim sử thi, phim về Holocaust hoặc phim ca nhạc (giai đoạn thập niên 1950 và 1960). Tạp chí Empire đã có một tổng kết rất đầy đủ về các phim từng giành Oscar cho phim hay nhất, từ danh sách này có thể lựa ra được một số phim "đáng được" coi là Phim hay nhất ... dở nhất trong lịch sử giải thưởng ("dở" so với bối cảnh bộ phim đoạt giải chứ chưa hẳn đã là một phim dở):


10. Forrest Gump (1994, Robert Zemeckis)
Lý do dở: Thực ra Forrest Gump chưa bao giờ bị coi là một phim tồi, ngược lại đây là một trong những phim sử thi hay nhất về lịch sử nước Mỹ hiện đại với diễn xuất không thể chê vào đâu được của Tom Hanks, vả lại Robert Zemeckis cũng xứng đáng được tưởng thưởng vì ... bộ ba Back to the Future của ông (vốn chưa từng được đề cử Oscar phim hay nhất). Lý do duy nhất khiến Gump lọt vào danh sách này là vì nó đã "nẫng" giải của hai trong số những bộ phim ấn tượng nhất của Hollywood trong vòng mấy chục năm trở lại đây - Pulp Fiction (bộ phim giành giải Cành cọ vàng cùng năm) và Shawshank Redemption (bộ phim cuối cùng cũng có "redemption" của nó bằng việc vượt qua Bố già trong danh sách bình chọn phim hay nhất của IMDb).

09. A Beautiful Mind (2001, Ron Howard)
Lý do dở: Phim của Ron Howard thường được làm rất gọn gàng, ít lỗi vặt về kịch bản và thực hiện, casting chuẩn, nhưng hay bị sa đà vào các tình tiết, câu thoại "sến". A Beautiful Mind cũng không phải một ngoại lệ, đây là một phim tiểu sử hay, cảm động về cuộc đời của John Nash với diễn xuất đáng nhớ của Russell Crowe (vai diễn xứng đáng đoạt Oscar vai nam chính hơn nhiều so với vai của Denzel Washington trong Training Day), tuy nhiên với vô số câu thoại sến (I need to believe, that something extraordinary is possible) và phần kết hẫng hụt, A Beautiful Mind khó lòng có thể so sánh với Amélie (một bộ phim "beautiful" hơn nhiều lần) hay The Lord of the Rings: The Fellowship of the Rings (tập được coi là hay nhất trong bộ ba).


08. Chicago (2002, Rob Marshall)
Lý do dở: Dù hay đến mấy thì phim ca nhạc (musical) vẫn chỉ được coi như một đặc sản của Hollywood (hoặc ... Bollywood) và thiếu đi những yếu tố để làm nên một tác phẩm đáng nhớ thực sự (trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi như Singin' in the Rain hay West Side Story). Và khó có thể coi Chicago là một Oscar xứng đáng khi nó vượt qua những tên tuổi lớn (hơn nhiều) khác như The Lord of the Rings: Two Towers, The Pianist, The Hours hay Road to Perdition (một năm được mùa của phim bi).


07. Rocky (1976, John G. Avildsen)
Lý do dở: Rocky là bộ phim đáng nhớ vì chất Mỹ đậm đặc của nó cùng diễn xuất ấn tượng (không đồng nghĩa với xuất sắc) của Sylvester Stallone (người đã đánh cược sự nghiệp của mình với bộ phim này và thành công). Nhưng nếu xét về chất lượng nghệ thuật (tiêu chí hàng đầu cho một phim giành Oscar phim hay nhất) thì Rocky không thể nào đứng ngang hàng với những All The President's Men, Network và nhất là Taxi Driver (thất bại đầu tiên trong chuỗi thất bại "nổi tiếng" của Martin Scorsese).


06. Oliver! (1968, Carol Reed)
Lý do dở: Thời gian luôn là giám khảo công bằng nhất cho một bộ phim, Oliver! khó có thể so sánh được với một "siêu phẩm" của năm 1968 - 2001: A Space Odyssey (Stanley Kubrick chưa bao giờ là ứng cử viên được Oscar ưu ái, giải Oscar duy nhất ông từng được trao là cho hạng mục ... Kỹ xảo hình ảnh của 2001: A Space Odyssey).


05. Driving Miss Daisy (1989, Bruce Beresford)
Lý do dở: Năm 1989 không phải là một năm "được mùa" của Hollywood, tuy nhiên thì lý do này cũng không thể biện hộ cho quyết định khó hiểu của Viện Hàn lâm khi trao Oscar phim hay nhất cho một phim ... dở và nhàm chán như Driving Miss Daisy trong khi "lờ" đi những bộ phim xuất sắc hơn như Born on the Fourth of July, My Left Foot hay When Harry Met Sally.


04. Chariots of Fire (1981, Hugh Hudson)
Lý do dở: Chỉ sau vài năm, Chariots of Fire đã trôi dần vào dĩ vãng, điều đáng nhớ nhất của bộ phim giờ đây có lẽ chỉ là ... đoạn nhạc dạo của nó và việc nó không hiểu vì lý do gì đã vượt qua những Reds, Das Boot hay Raiders of the Lost Ark để giành Oscar phim hay nhất.


03. An American in Paris (1951, Vincente Minnelli)
Lý do dở: Tuy được coi là một bộ phim xuất sắc của "vua phim ca nhạc" Vincente Minnelli và giành rất nhiều giải Oscar, rõ ràng An American in Paris không thể so sánh được với A Streetcar Named Desire, An Ace in the Hole hay The African Queen.


02. Ordinary People (1980, Robert Redford)
Lý do dở: Một giải Oscar bất công đến mức người ta nói đùa rằng Robert Redford đã phải cố gắng ... trả nợ cho giải thưởng của mình bằng việc lập ra Liên hoan phim Sundance. Ngoài việc Redford là ... một trong những ngôi sao điện ảnh lớn nhất của thập niên 1970 thì người ta không thể tìm ra lý do gì để lý giải cho việc Ordinary People giật Oscar phim hay nhất từ tay The Shining, The Elephant Man và đặc biệt là Raging Bull (một thất bại đáng nhớ khác của Martin Scorsese).


01. How Green Was My Valley (1941, John Ford)
Lý do dở: Ví dụ "kinh điển" nhất về quyết định sai lầm của Viện Hàn lâm trong việc trao giải Oscar phim hay nhất. John Ford là một trong những cái tên làm nên Hollywood Cổ điển nhưng How Green Was My Valley của ông thường xuyên bị "lôi ra" chỉ trích vì đơn giản nó đã vượt mặt Citizen Kane - bộ phim thường xuyên được đánh giá là xuất sắc nhất trong lịch sử điện ảnh Mỹ, đó là chưa kể tới một bộ phim đáng nhớ khác là The Maltesse Falcon.