some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

lundi 17 août 2009

The Quiet American (2002)


The Quiet American có lẽ là dự án làm phim lớn nhất của Hollywood được quay ở Việt Nam kể từ sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ năm 1995. Kịch bản phim dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Graham Greene, một trong những tác phẩm văn học quan trọng nhất (và sớm nhất) về chiến tranh Việt Nam. Phim nói về mối tình tay ba giữa Thomas Fowler (Michael Caine), một nhà báo Anh đã luống tuổi, Alden Pyle (Brendan Fraser), một thanh niên người Mỹ tham gia hoạt động nhân đạo, và Phượng (Đỗ Hải Yến), cô gái trẻ người Việt. Nhân vật Alden Pyle được Graham Greene sáng tác dựa trên một nhân vật lịch sử có thật, đó là Edward Lansdale, điệp viên gạo cội của CIA và là cố vấn cấp cao nhiều năm của Mỹ ở Đông Nam Á trong hoạt động chống Cộng sản. Giống như Lansdale, Pyle tổ chức hoạt động chống Cộng ở Việt Nam bằng những hình thức hết sức tinh vi dưới phương châm: “Để ngăn chặn hiểm họa Cộng sản thì việc hy sinh một hay nhiều nhân mạng dân thường không có gì quan trọng, hơn nữa trong chiến tranh thì ngày nào chẳng có người chết”.

Được bảo trợ bởi bộ đôi Sydney Pollack và Anthony Minghella, The Quiet American mang đúng gu của hai người, nghĩa là những câu chuyện tình cảm lãng mạn buồn được lồng trong bối cảnh lịch sử có thật, tương tự như Out of Africa, The English Patient, Cold Mountain hay sau này là The Reader. Phim có nhiều cảnh quay khá đẹp, lãng mạn và exotic, sản phẩm của Christopher Doyle, người từng thành danh với những phim của Vương Gia Vệ. Tuy nhiên do chú trọng vào bối cảnh thời chiến, The Quiet American không đề cập nhiều tới những cảnh đẹp thiên nhiên ở Việt Nam, nơi đẹp nhất được chọn quay là Phát Diệm thì lại để làm bối cảnh cho một … vụ thảm sát. Trong số ba diễn viên chính của The Quiet American thì Michael Caine nổi bật hơn cả với hình ảnh một người đàn ông trung niên bất lực và tuyệt vọng trước mối tình tan vỡ và hiểm họa chiến tranh đối với mảnh đất ông yêu quý. Đã từng bộc lộ vẻ đẹp rất Việt trong Mùa hè chiều thẳng đứng (A la verticale de l’été), Hải Yến trong The Quiet American tiếp tục … đẹp bằng nét đẹp Á Đông dịu dàng, mềm mại hiếm có. Cô diễn xuất cũng không tồi, trừ việc phát âm tiếng Anh chưa thật sự ổn (dù thoại của Hải Yến không nhiều, có lẽ còn ít hơn Mai Hoa) thì Hải Yến càng về cuối phim càng diễn “mượt”, những cử chỉ dù rất nhỏ của cô đều giúp tôn lên vẻ đẹp và sự mong manh của nhân vật Phượng. Diễn viên người Việt có nhiều thoại nhất trong phim có lẽ là Mai Hoa, người thủ vai chị của Phượng, cô nói tiếng Anh tương đối trôi chảy nhưng giọng vẫn bị gượng, tôi hơi thất vọng vì thực ra diễn xuất của Mai Hoa cũng bị gượng và kém xa Hải Yến trong khi Mai Hoa đã từng rất nổi với phim Đời cát. Người kém nhất trong bộ ba có lẽ là Fraser, vốn nổi lên từ những phim hành động và phim hài, Fraser trong The Quiet American không thể hiện được phẩm chất của một “CIA agent” cũng như tình yêu cuồng nhiệt của Pyle với Phượng, mối tình đã dán tiếp dẫn đến cái chết của Pyle. Một điểm dở khác của The Quiet American là cốt truyện thiếu thống nhất, phim được mở đầu theo kiểu trinh thám ly kì với cái chết của Pyle, tiếp nối bằng mối tình tay ba Fowler-Pyle-Phượng và kết thúc bằng sự bàng hoàng của Fowler trước sự thật khốc liệt của chiến tranh và trò chơi chính trị. Cốt truyện thiếu thống nhất và thiếu kịch tính làm phim bị “nửa mùa”, thật may là phim không dài (chỉ cỡ 90 phút) nên vài cảnh cháy nổ cũng đủ giúp khán giả ngồi nán đến hết phim. Tóm lại tuy không phải là một thất bại nhưng The Quiet American cũng được làm chưa “tới” và khó có thể coi là một phim hay về chiến tranh Việt Nam, thật tiếc cho một kịch bản thẳng thắn và công bằng hiếm có về đề tài nhạy cảm (của Mỹ) này.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire