Xét về cốt truyện, Les filles du botaniste là một phim tình cảm lãng mạn buồn, Min và An yêu nhau trong nỗi lo âu có thật rằng mối tình đầu của cả hai người rồi sẽ không thể kết thúc có hậu khi mà tình cảm đồng giới vẫn chưa có chỗ đứng trong xã hội Trung Quốc. Kịch bản gốc của bộ phim có lẽ là một tác phẩm về mặt văn học hay vì trong phim có rất nhiều cảnh ẩn dụ đẹp, đáng tiếc là Đới Tư Kiệt chuyển những chi tiết văn học của chính ông vào phim chưa được “mượt”, khiến phim bị “vụn” vì nhiều cảnh đẹp mà thiếu sự liên kết cần thiết. Trailer của phim được làm rất khéo và “câu khách”, dễ khiến độc giả lầm tưởng rằng phim sẽ có nhiều cảnh “nóng”, thực ra Les filles du botaniste rất “PG”, tình yêu của Min và An chủ yếu được thông qua ánh mắt, nụ cười và tâm trạng của hai nhân vật chính. Hai diễn viên chính của phim mặc dù rất xinh, đặc biệt là Mylène Jampanoï, một cô gái lai mắt nâu, nhưng diễn xuất chưa thực sự thuyết phục, nhất là Li Xiaoran, những cảnh thể hiện tình cảm giữa hai người vẫn còn chút gì đó hơi gượng. Nhưng nói tới đây tôi mới nhớ ra mình chưa từng xem một phim nào về đồng tính nữ, vì vậy cũng không biết so sánh cặp Min-An với một cặp diễn viên nào khác.
Điểm thu hút nhất của Les filles du botaniste có lẽ là bối cảnh phim – “Quế Lâm”. Quế Lâm trong ngoặc kép vì Les filles du botaniste không được quay ở Trung Quốc-nơi đồng tính vẫn là đề tài cấm kị (“tabou”) mà quay ở Việt Nam. Thạch lâm của Quế Lâm được thay thế bằng một thắng cảnh đẹp không kém, đó là Tam Cốc-Bích Động ở Ninh Bình hay tên khác là “Hạ Long trên cạn”. Từng là bối cảnh của một phim Pháp lớn là Đông Dương, Tam Cốc-Bích Động tiếp tục làm tôi ngạc nhiên vì vẻ đẹp nên thơ đến kinh ngạc. Bên cạnh Tam Cốc-Bích Động, Les filles du botaniste còn dùng bối cảnh là hồ Hà Nội và rừng Cúc Phương. Người Hà Nội khi xem phim hẳn sẽ rất buồn cười vì hòn đảo của ông chủ vườn thuốc chính là đảo Hòa Bình giữa hồ Bảy Mẫu trong Công viên Lê-nin, nhưng khi ông chủ chèo thuyền ra bờ mua báo thì quầy báo lại nằm ở bờ … Hồ Gươm. Ngay đầu phim cũng có một chi tiết buồn cười khác, đó là cảnh Min ngồi tàu tới Quế Lâm, vụt qua cửa sổ tàu là một đoàn tàu khác có dòng chữ Đường sắt Việt Nam rất to, ấy vậy mà chỉ vài giây sau tàu của Min đã dừng lại ở tấm biển đề chữ Trung Quốc “Ga Quế Lâm”, không rõ Đới Tư Kiệt “quên” hay phong cách làm phim của ông thoải mái về mặt chi tiết phụ như vậy. Nhìn tổng thể thì phong cảnh Việt Nam trong Les filles du botaniste rất đẹp, thơ mộng và cực kì hợp với tông màu xanh mướt của bộ phim. Có lẽ Việt Nam nên thu hút các nhà làm phim nước ngoài vào quay thì hơn là bỏ ra cả đống tiền làm các clip quảng cáo trên truyền hình, vì theo tôi thì khi một địa danh khi đã lên phim, dù đẹp hay xấu, thì cũng kích thích trí tò mò của khách du lịch. “Như thường lệ” đối với phim Pháp quay ở Việt Nam, diễn viên Như Quỳnh cũng có vai phụ “chính nhất” và bà diễn hoàn toàn không hề thua kém dàn diễn viên Pháp, trong Les filles du botaniste người ta còn thấy cố diễn viên Phương Thanh trong một vai nhỏ có thoại (thoại tiếng Việt và sau đó được lồng lại tiếng Trung Quốc!). Vốn là “fan” phim tình cảm buồn, tôi hơi thất vọng về Les filles du botaniste tuy nhiên phong cảnh Việt Nam trong phim chắc chắn sẽ khiến bất cứ ai cũng phải hài lòng.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire