some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mercredi 13 mai 2009

10 phim Pháp hay

01. Le fabuleux destin d'Amélie Poulain (2001) - IMDb: 8.6
(Số phận kỳ lạ của Amélie Poulain)



Điện ảnh Pháp rơi vào tình trạng khủng hoảng trong khoảng 20 năm trở lại đây, một phần vì sức cạnh tranh quá yếu so với những bộ phim bom tấn Hollywood, một phần vì thiếu sáng tạo và ngôi sao mới. Amélie là một trong số ít bộ phim Pháp thành công thực sự trong giai đoạn này, cả về mặt nghệ thuật, về doanh thu và về "tạo dựng ngôi sao". Bộ phim của đạo diễn Jean-Pierre Jeunet này đã đưa Audrey Tautou lên hàng ngôi sao nữ mới cho điện ảnh Pháp sau thế hệ của những Sophie Marceau, Juliette Binoche và Isabelle Adjani. Đúng như cái tên, bộ phim là một câu chuyện "kỳ lạ" về cô gái Amélie, nghề nghiệp: phục vụ trong quán cà phê trên đồi Montmartre, sở thích: đem lại hạnh phúc cho người khác, ước mơ: tìm thấy hạnh phúc đích thực cho cuộc đời mình. Bằng cách kể chuyện độc đáo, những góc quay sáng tạo và khuôn hình "đẹp như mơ" ở thành phố Paris, Jeunet giới thiệu cho người xem cuộc săn tìm hạnh phúc của Amélie, xen lẫn vào đó là những mảnh đời khác nhau trên khu Montmartre. Với diễn xuất tuyệt vời của Tautou, cuộc sống nhộn nhạo, nhiều lo toan và nỗi buồn của Paris trong mắt Amélie bỗng được phủ một màu sắc khác, tươi tắn hơn, ở đó người ta có thể tìm thấy niềm vui bằng cách sưu tập những cái ảnh thẻ hỏng vứt lại ở các ga tàu hoặc đi tìm một ông già không quen biết để trao cho ông ta món đồ chơi bỏ quên từ gần nửa thế kỉ trước. Một điểm xuất sắc nữa của phim là dựng nên hình ảnh Paris rất đẹp (đẹp đến mức bị chỉ trích là không tưởng), những ai chưa từng đến Paris có thể xem bộ phim này để hình dung ra dòng sông Seine, đồi Montmartre, các bến métro, nhà thờ Đức Bà, các cây cầu Paris..., tất cả đều phủ một màu sắc cổ kính và lãng mạn. Tóm lại có thể nói, ai muốn yêu nước Pháp và Paris, hãy xem Amélie.

02. Un long dimanche de fiançailles (2004) - IMDb: 7.9
(Tạm phét: Mối hẹn ước dài nhất)



3 năm sau Amélie, Jeunet và Tautou tái ngộ trong Un long dimanche de fiançailles. Không chỉ giống Amélie ở đạo diễn (Jeunet) và diễn viên chính (Tautou), Un long dimanche còn có chuyện phim gần tương tự, cũng là một cuộc săn tìm hạnh phúc của cô gái Mathilde, chỉ khác là trong khi "hạnh phúc" của Amélie là điều cô chưa biết (và cô đi tìm trong hy vọng), thì "hạnh phúc" của Mathilde lại là anh người yêu (gần như chồng chưa cưới) đã bị kết án tử hình trong chiến tranh (và cô đi tìm trong tuyệt vọng). Nếu như bối cảnh của Amélie diễn ra trong thành phố Paris náo nhiệt nhưng vẫn phần nào yên bình thì Un long dimanche đưa người xem đến với hỏa ngục chiến tranh ở nơi khốc liệt, tàn bạo, dữ dội nhất, đó là những chiến hào ở Somme, nơi chỉ trong 4 tháng (từ tháng 7 đến tháng 11 năm 1916), đã có 1 triệu lính bị giết. Để thoát khỏi cái địa ngục đó, người ta tìm mọi cách để mình "bị thương" (mà không chết), trong đó cách "đơn giản" nhất là tự bắn vào tay mình. 5 người đàn ông (gồm cả anh chàng người yêu của Mathilde) đã bị kết án tử hình vì tội này, người ta thi hành án bằng một cách không thể đơn giản hơn ở Somme, đó là đẩy họ lên vùng đất giữa hai chiến tuyến - No man's land (vùng đất của không ai cả), nơi không một cây cỏ, con vật hay người lính nào có thể sống sót giữa những hố bom, những làn đạn từ hai phía, và những xác người. Tuy chiến tranh không phải đề tài chính của phim nhưng Jeunet dựng những cảnh chiến trận trong phim cực kì xuất sắc, các cảnh xung phong, hầm hào lầy lồi, no man's land chết chóc hiện lên rất thật, làm toát lên sự hủy diệt kinh khủng của chiến tranh hơn nhiều bộ phim chiến tranh thực sự mà tôi từng xem. Diễn xuất của Tautou thì khỏi phải bàn, vả lại thực ra đây cũng không phải vai diễn khó cho cô vì cốt chuyện và tính cách nhân vật khá giống với Amélie. Nhưng bên cạnh của Tautou còn có Marion Cotillard, người trước đó tôi chỉ biết tới qua mấy vai phụ nhí nhố trong loạt phim Taxi, Cotillard vào vai Tina Lombardi, một cô gái điếm cũng đi tìm người yêu như Mathilde. Mathilde tìm người yêu bằng vẻ ngoài yếu đuối, Tina tìm người yêu bằng sự dữ dội và "vốn tự có", giữa họ không có điểm chung nào ngoại trừ niềm tin vào sự sống sót (gần như không thể) của người yêu, cả bộ phim là sự đan xen giữa những tia hy vọng của người này và nỗi thất vọng của người kia. Cotillard đóng rất tốt, xem xong phim chắc nhiều người dự đoán cô sẽ là một "Tautou mới". Nói thêm là phim này làm tôi ngạc nhiên vì Jodie Foster không hiểu vì lý do gì nhận một vai phụ (trong khi cô là diễn viên hạng A Hollywood, 2 Oscar vai nữ chính), ngạc nhiên nữa là mặc dù biết Foster cực kì thông minh (tốt nghiệp loại ưu Yale) nhưng không ngờ là cô nói tiếng Pháp như người Pháp, sans accent (không bị lẫn giọng Anh) và truyền cảm như một người Pháp. Những ai đã thích Amélie chắc chắn sẽ thích phim này.

03. La Môme (2007) - IMDb: 7.6
(Tựa phát hành tại các nước nói tiếng Anh hay hơn: La vie en rose - Cuộc sống tươi đẹp)



Un long dimanche chứng minh rằng Marion Cotillard là diễn viên "biết diễn xuất", và La Môme chứng minh rằng Cotillard là diễn viên "tuyệt vời". La Môme là bộ phim tiểu sử về Edith Piaf, giọng ca nữ số một của nước Pháp trong thế kỉ 20 với những ca khúc bất hủ như La vie en rose, hymne à l'amour và Non, je ne regrette rien. Hình ảnh Edith Piaf được tái hiện lại qua những cảnh phim đan xen về những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời bà, từ khi Edith chỉ là một cô bé lang thang ngoài đường đến những giờ phút bà hấp hối trên giường bệnh. Tuy kết cấu phim có hơi vụn và khó theo dõi nhưng với diễn xuất của Cotillard, người xem vẫn thấy được một Edith Piaf sống hết mình, yêu hết mình, nhiều niềm vui và cũng nhiều đau khổ, tôi ấn tượng nhất đoạn trả lời phỏng vấn của bà:

Phóng viên: Si vous donnez un conseil à une femme, que serait-il? (Nếu phải đưa ra lời khuyên cho một phụ nữ, lời khuyên của bà sẽ là gì?)
Edith: Aimer (Hãy yêu)
Phóng viên: A une jeune fille? (Với một thiếu nữ?)
Edith: Aimer
Phóng viên: A un enfant (Với một cô bé?)
Edith: Aimer

Hóa thân vào một Edith từ tuổi thanh xuân đến khi hấp hối trên giường bệnh, đủ thấy Cotillard diễn xuất sắc thế nào, cô đóng vai phụ cho Tautou trong Un long dimanche, và với La Môme cô đã vượt qua Tautou khi giành giải BAFTA (tương đương Oscar của Anh) cho vai nữ chính, tôi cũng hy vọng cô sẽ giành giải Oscar vai nữ chính. Nói chung đây là một bộ phim đáng xem, vì có diễn xuất của Cotillard, và đương nhiên, vì có những bài hát tuyệt vời của Edith Piaf.

04. Les Choristes (2004) - IMDb: 7.8
(Dàn hợp xướng)



Đây là bộ phim đã được Pháp chọn đại diện tranh Oscar phim nói tiếng nước ngoài (thay vì Un long dimanche). Đây có thể coi là một phim thiếu nhi với nội dung khá đơn giản, kể về ông giáo truyền tình yêu âm nhạc (cũng là niềm vui trong cuộc sống) cho Fond de l'étang (Đáy ao), một ngôi trường giáo dục trẻ em hư, thông qua dàn hợp xướng do ông lập ra. Phim xem vui, có vài đoạn lắng đọng nhưng diễn xuất của các nhân vật nhí chưa được xuất sắc lắm. Tất nhiên không thể đòi hỏi ai cũng phải là Dakota Fanning hoặc Haley Joel Osmond nhưng diễn xuất hơi gợn của các em "học sinh hư" cũng làm mất đi phần nào hứng thú của người xem. Điểm nhấn của phim là những bài hát được ông giáo dạy cho lũ trẻ, vì vậy không ngạc nhiên khi bài hát chính của phim (Vois sur ton chemin) được đề cử giải Oscar cho bài hát gốc hay nhất. Có thể down toàn bộ soundtrack của phim ở đây. Dù sao thì đây cũng là một bộ phim nên xem vào dịp 20-11, vì hiếm có bộ phim nào làm về tình thầy trò cảm động như phim này.

05. Léon (1994) - IMDb: 8.6



Coi phim này là phim Pháp cũng được, mà không phải phim Pháp cũng được. Có thể coi đây là phim Pháp vì nó có đạo diễn Pháp (Luc Besson) và diễn viên chính Pháp (Jean Reno), nhưng ... toàn bộ các yếu tố khác của phim đều không Pháp, bối cảnh New York, nói tiếng Anh, đề tài hành động kiểu Mỹ. Đây là một phim hành động xuất sắc với câu chuyện về một tay sát thủ chuyên nghiệp (Jean Reno) che chở một bé gái (Natalie Portman) khỏi bàn tay của một gã cảnh sát biến chất, người đã giết hại cả gia đình cô bé (Gary Oldman). Tất cả nhân vật chính của phim đều đóng xuất sắc! Reno xuất thần trong vai tay sát thủ lọc lõi trong "nghề" nhưng lại ngây thơ như đứa trẻ trong cuộc sống bình thường, dằn vặt giữa chuyện bảo vệ an toàn cho cá nhân với bảo vệ cho một cô bé mà gã yêu quý. Portman, một trong những nữ diễn viên thông minh nhất của Hollywood (một Foster "phẩy") vào vai cô bé mất cả cha lẫn mẹ cũng rất đạt, đặc biệt là trường đoạn khi cả nhà cô bé bị sát hại và trường đoạn chia tay với tên sát thủ ở cuối phim. Về phía "phe ác", Gary Oldman với những cảnh "cắn" ma túy và vừa nghe nhạc ... giao hưởng vừa giết người cũng làm người xem ấn tượng, nếu không nói là ấn tượng nhất phim. Nói chung phim này đã được xếp vào hàng kinh điển của phim hành động/xã hội đen, bạn nào fan phim hành động mà chưa xem phim này thì đúng là "phí nửa đời". Nhờ bộ phim này và tài sản xuất cho loạt phim Taxi, Luc Besson được coi là trụ cột mới của nền điện ảnh Pháp.

06. La Haine (1995) - IMDb: 8.1
(Hằn thù)



Nếu ai từng xem Amélie hẳn sẽ không quên anh "người yêu trong mộng" của Amélie Poulain với cái tên đọc méo miệng Nino Quincampoix, vai diễn anh người yêu ngơ ngẩn chuyên đi sưu tầm ảnh thẻ vứt đi này được Jeunet giao cho Mathieu Kassovitz, một người ... không ngớ ngẩn chút nào vì anh này là đạo diễn trẻ triển vọng bậc nhất của điện ảnh Pháp. Bộ phim xuất sắc nhất của Kassovitz là La Haine. Bộ phim đen trắng này kể lại một ngày của nhóm bạn đa sắc tộc (1 trắng, 1 đen, 1 Ả Rập - hay Rệp như dân Việt ở Pháp hay gọi) trong thời gian xung đột giữa cảnh sát Pháp và người nhập cư sống ở ngoại ô Paris đang lên cao (tương tự giai đoạn 2005-2006 khi liên tiếp nổ ra các cuộc bạo loạn đường phố, đốt phá ô tô, đánh nhau với cảnh sát, thậm chí có người thiệt mạng). Bộ phim gồm nhiều cảnh quay rất dài (long take) và chủ yếu bao gồm những đoạn hội thoại của ba người bạn Vinz (Vincent Cassel), Hubert (Hubert Koundé) và Saïd (Saïd Taghmaoui), trong số này chỉ có Vincent Cassel chắc có bạn biết mặt vì từng đóng Ocean's 12 và 13, anh này là chồng của Monica Bellucci - nữ diễn viên "hot" nhất của Ý. Phim được quay rất thật, cảm giác như đây là một bộ phim tài liệu chứ không phải một phim điện ảnh, các diễn viên (cả chính, cả phụ, kể cả những vai rất nhỏ) đều rất nhập vai, tất cả để làm toát lên cuộc sống thực sự của những thanh niên "bên lề Paris", những xung đột giữa cảnh sát và giới trẻ nổi loạn, giữa người giàu và người nghèo. Có lẽ Kassovitz muốn giải thích một phần câu hỏi tại sao lại luôn tồn tại dai dẳng những cuộc bạo loạn như vậy ở ngay thủ đô của một nước nổi tiếng là "tự do, bình đẳng và bác ái" như Pháp. Bộ phim này làm tôi liên tưởng tới Cidade de Deus, tác phẩm điện ảnh xuất sắc của Brasil cũng làm về đề tài tương tự (xung đột, suy nghĩ của giới trẻ - nghèo), với cách làm phim tương tự (quay như phim tài liệu, diễn viên diễn mà không diễn), để cố gắng giải thích những câu hỏi tương tự, cả 2 bộ phim đều thành công tuy rằng Cidade de Deus căng thẳng hơn còn La Haine có cái kết bất ngờ hơn. Hiềm một nỗi phim này rất khó xem nếu không có sub vì rặt là tiếng lóng, khuyên bạn nào muốn xem phim này thì nhớ kiếm sub.

07. Indigènes (2006) - IMDb: 7.3
(Người bản xứ/Lính thuộc địa - chỉ dân Bắc Phi thuộc địa Pháp, tên phim tiếng Anh có vẻ sâu sắc và hay hơn - Days of Glory - Ngày vinh quang)



Phim là câu chuyện về những người dân Bắc Phi, thuộc địa của Pháp, được kêu gọi tham gia các đội quân bản xứ để giải phóng cho "mẫu quốc" Pháp lúc này đang bị phát xít Đức chiếm đóng. Họ gồm 4 người lính da màu Saïd (Jamel Debbouze, anh này cũng đóng Amélie), Yassir (Samy Naceri, nổi với vai chính trong loạt phim Taxi), Messaoud (Roschdy Zem), Abdelkader (Sami Bouajila) với một viên chỉ huy "nửa bản địa" Roger Martinez (Bernard Blancan). Mỗi người tham gia cuộc chiến với một mục đích khác nhau, có người đơn giản là để giải phóng "tổ quốc" Pháp (như Saïd), có người là để chứng tỏ mình có khả năng không thua kém người Pháp gốc (như Messaoud ), có người đơn giản chỉ muốn "kiếm chác" sau đó trở về tổ quốc thực sự (như Yassir), họ chỉ có một điểm chung, đó là đều sống sót cho đến gần cuối cuộc chiến (khi quân Đức đã bị Đồng Minh dồn về biên giới vùng Alsace), một cuộc chiến mà càng dấn thân vào, họ - và cả những đồng đội, đều dần dần nhận ra rằng "không hiểu mình đang chiến đấu cho cái tổ quốc nào, tổ quốc của những người nào?". Họ có khả năng (Messaoud), họ có niềm tin (Saïd), họ có ... người yêu là một cô gái Pháp (Abdelkader), họ thậm chí mất cả người thân thiết nhất trong cuộc chiến (Yassir) nhưng dần dần họ nhận ra rằng mình chưa bao giờ, và không bao giờ được coi là người Pháp, chiến thắng cuối cùng, chiến thắng mà họ đã góp phần xương máu, cũng sẽ không bao giờ khắc tên của họ. Cái giữ họ lại với đội ngũ chỉ còn là một niềm tin AQ như Messaoud nói, đó là "đã ra đi là phải làm được cái gì đó". Bộ phim kết thúc với cái gì đó của Messaoud là một căn phòng 9m² của ông - một cựu chiến binh già, với một cái giường một bồn rửa mặt, chỉ có thế. Nếu tính về mặt cảnh quay chiến trận hoành tráng thì phim làm cũng bình thường, theo tôi là còn thua Un long dimanche, nhưng nếu tính về diễn xuất của nhân vật thì rất tốt, bộ 5 nhân vật chính diễn không ai giống ai, nhưng đều bộc lộ ra số phận của những người lính thuộc địa, diễn xuất của họ được đánh giá rất cao và được đồng trao giải Diễn xuất ở vai nam chính của LHP Cannes, đó là lần đầu tiên giải này được trao cho toàn bộ dàn diễn viên nam. Nghĩ lại, tôi vẫn thấy ngạc nhiên khi Indigènes được chính phủ Pháp đồng ý cho thực hiện, tài trợ và công chiếu rộng rãi, trong khi nó đánh thẳng vào sự thật mà chính phủ đó vẫn chối bỏ bấy lâu. Một bộ phim đáng xem.

08. Joyeux Noël (2005) - IMDb: 7.8
(Chúc mừng giáng sinh)



Một bộ phim nữa về đề tài chiến tranh. Đây là sản phẩm hợp tác của Pháp - Đức - Anh về sự kiện binh lính của các nước này trên một số mặt trận đã tự động đình chiến để ... ăn mừng lễ Giáng Sinh trong thời gian Thế chiến thứ nhất. Bộ phim mở đầu cực ấn tượng với 3 đoạn văn sách giáo khoa tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức được 3 đứa trẻ đọc, 3 đoạn văn nêu bật sự "không thể chung sống" của 3 dân tộc này và kết thúc bằng một ý niệm đơn giản, chỉ có giết chết họ, chúng ta mới được sống. Thực tế chiến trường cũng gần như vậy khi mà bất cứ bên nào "thò đầu" ra khỏi chiến hào hoặc đặt chân vào No man's land, coi như họ đã tự ký giấy khai tử cho mình. Vậy mà lễ Giáng Sinh, chính xác hơn là niềm tin tôn giáo và nỗi nhớ quê hương đã kéo họ lại với nhau, bắt tay nhau đình chiến. Những giờ phút đình chiến là thời khắc lạ lùng nhất của chiến tranh, khi những người hôm qua có thể giết nhau bằng lưỡi lê, ngày mai có thể bắn tỉa nhau bằng súng trường, lại chia sẻ với nhau mảnh sô cô la, chai rượu, cùng cầu nguyện, cùng nghe thánh ca và thậm chí là cùng đá bóng và thu dọn xác chết của đồng đội. Nếu phim không nói rõ là "dựa trên sự kiện có thực" thì chắc tôi không thể tin là có những tình huống như vậy trong cái địa ngục chiến tranh hầm hào của Thế chiến thứ nhất. Nhưng rồi tất cả cũng phải kết thúc, bởi họ, những người lính, không phải kẻ quyết định chiến tranh, họ đơn giản chỉ là những con tốt thí cho các nhà chính trị tham vọng và thủ đoạn. Nhìn chung xét về nội dung thì phim khá được nhưng tôi không thích lắm diễn xuất của các nhân vật, đặc biệt là cô nàng tóc vàng xinh đẹp Diane Kruger (vai Hélène trong Troy), chả hiểu đạo diễn cho cô này vào làm gì, chẳng nhẽ chỉ mỗi việc câu khách? Phim cũng có vài trường đoạn "sến" quá mức cần thiết của một phim chiến tranh - vốn cần nhiều sự thật hơn là những mộng tưởng. Ngay cả việc đưa ra cái gọi là "dựa trên sự kiện có thật" cũng không làm tôi tin hơn những trường đoạn "sến" đó, hay đạo diễn có ý đồ khác? Tóm lại Joyeux Noël là một phim đáng xem cho dịp ... Giáng Sinh, tức là vui vẻ, sâu sắc một chút, hơi "giả tưởng" và kết thúc với chiều hướng yêu đời. Phim này không thể coi là một phim chiến tranh tốt, ít ra là nếu so với Indigènes ở trên, một phim được IMDb chấm thấp hơn khá nhiều (không hiểu sao).

09. Le huitième jour (1996) - IMDb: 7.3
(Ngày thứ tám)



Câu chuyện về tình bạn giữa Harry (Daniel Auteuil), một người đàn ông thất bại trong cuộc sống, với Georges (Pascal Duquenne), một chàng thanh niên bị bệnh Down (chính Duquenne cũng là một người bị Down). Phim này tôi thích hoàn toàn vì lý do riêng nên không chắc mọi người cũng thích. Nhưng có lẽ cũng sẽ nhiều bạn thích, vì cách nhìn đời, nói đúng hơn là cách yêu đời của một chàng thanh niên thiểu năng không lý gì chỉ làm một Harry "thất bại" thay đổi cách sống, cách yêu quý mọi người.

10. Paris, je t'aime (2006) - IMDb: 7.5
(Paris, tôi yêu người)



18 đoạn phim ngắn về Paris làm về 18 câu chuyện tình diễn ra ở 18 khu phố của thành phố "tình yêu". Nội dung chỉ đơn giản có thế, đa phần là những va chạm cuộc sống nhỏ nhặt thường ngày, không có kịch tính, không có cao trào, phim có phần khá giản dị nếu so với giàn diễn viên và đạo diễn hùng hậu (trong đó có cả anh em nhà Coen, những người có lẽ sắp đoạt giải đạo diễn tại Oscars 2008). Tuy vậy thì phim có khá nhiều câu chuyện "đẹp", và đặc biệt là cảnh quay thì miễn bàn, Paris hiện lên với đủ màu sắc, góc cạnh, cả vẻ hào nhoáng xa hoa, cả vẻ xù xì thô nhám, có lẽ các đạo diễn (đa phần ... không phải người Pháp) phải yêu cái thành phố hoa lệ này lắm mới chọn được những góc máy cô đọng như vậy. Nói đơn giản, bộ phim này dành cho những người sắp đi Paris (mà chưa biết đi đâu) và những người vẫn còn yêu Paris (mặc dù chẳng còn phân biệt được cảnh đẹp này với cảnh đẹp kia). Lại nghĩ giá mà Hà Nội có một bộ phim như vậy: Tôi yêu Hà Nội, sẽ có 24 góc phố, 24 mảnh đời nào được chọn nhỉ? (tự nhiên nghĩ tới Tình khúc 24 của Phú Quang - Dương Tường).

1 commentaire:

  1. Leon và Les Choristes
    2 phim đã từng xem nhuưng không nhớ tên
    cảm ơn bạn đã giúp mih tìm thấy phim

    RépondreSupprimer