some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mercredi 13 mai 2009

10 phim có đoạn kết bất ngờ

Anh Phanxine có bài "12 đoạn kết bất ngờ", tớ cũng học đòi đưa ra 10 phim có đoạn kết bất ngờ phát. Trước hết cảnh báo là bạn nào chưa xem phim thì đừng đọc entry này, vì đọc xong đến lúc xem phim mất hay thì đừng trách tớ ác. Thứ hai phải nói thêm là đây là "bất ngờ" theo ý kiến cá nhân tớ, chứ không phải theo ý kiến của "các nhà chuyên môn". Ví dụ cái poster ở trên là của phim The Usual Suspects, phim có twist (nôm na là sự lắt léo của kịch bản) và cái kết vào loại hay và bất ngờ nhất của phim hình sự Mỹ, vì thế mà nó mới đứng được thứ 20 trong top phim của IMDb. Nhưng theo cá nhân tớ phim này kết thúc không bất ngờ, vì tớ xem nó khi đã biết là anh Kevin Spacey được 2 giải Oscar, tức đã mặc định ngầm trong đầu là kiểu gì anh cũng là nhân vật chính - là ông trùm của phim, cho dù anh có giả vờ dặt dẹo ngu đần thì tớ vẫn đoán là anh sẽ là thằng thông minh nhất phim, hay là ông trùm Keyser Sozë mà cảnh sát tìm kiếm, vì thế sẽ moi móc bằng được các chi tiết chứng minh "anh ý là trùm" từ phim. Điều này khán giả xem phim thời đầu không có được, vì anh Spacey khi đó gần như vô danh, và đến cái poster cũng đá anh ý ra ngoài lề, tức là đạo diễn cố ý lừa khán giả ngay từ cái poster, chiêu marketing này tuyệt!

Quay lại phần kết phim, tớ coi một phim kết thúc bất ngờ vì nhiều lẽ. Có thể là cái kết quá hay so với cả phim (The Kingdom), hoặc quá dở so với cả phim (L.A Confidential) cũng là "bất ngờ". Có thể là cái kết làm tớ xem xong vẫn chả hiểu nó định nói lên cái gì, truyện phim kết thúc ra sao, cũng là "bất ngờ" (Memento). Hoặc có thể là cái kết khác hoàn toàn so với những cái kết theo suy nghĩ thông thường, cũng là "bất ngờ" (Pulp Fiction). Sau đây là 10 phim tớ cho là có cái kết vào loại bất ngờ (chưa thể coi là "bất ngờ nhất" được vì tớ xem cũng ít phim).

01. American Beauty (1999) - IMDb: 8.5



Để anh Kevin Spacey đỡ dỗi vì đã không lấy The Usual Suspects của anh ý, tớ chọn phim American Beauty, bộ phim mang lại Oscar Nam chính cho Spacey. Phim nói về xã hội Mỹ hiện đại thông qua một gia đình nhà loser - ông bố là loser trong mắt vợ và con gái, loser trong công việc, bà mẹ là loser trên giường và cũng là loser trong công việc, đứa con gái là loser ở trường theo kiểu loser của con gái (tức là không xinh, không có gì nổi bật, luôn phải đi cạnh 1 em nổi bật khác), túm lại là một gia đình tiềm tàng sự đổ vỡ và có thể nổ tung bất cứ lúc nào. "Tô điểm" cho gia đình nhà loser này là những gia đình rất "Mỹ" khác, một cặp đôi đồng tính, một gia đình với ông bố bạo hành, bà mẹ trầm cảm và thằng con thì tưởng nghệ sĩ nhưng hóa ra lại là thằng bán cần sa. Thực ra xem phim không hiểu lắm vì tớ ... không ở Mỹ mà cũng không hiểu văn hóa Mỹ nhiều (đọc mỗi quyển Hồ sơ văn hóa Mỹ của bác Hữu Ngọc), nhưng thấy nó cũng hay vì triết lý "trông thì thế mà thực ra thì không phải là thế". Tiềm ẩn trong mỗi con người là rất nhiều những ước mơ, mong muốn mà người ta không thể thực hiện, nếu có một ngòi nổ hoặc thời điểm nào đó thích hợp, những ước mơ đó sẽ turn out và biến con người thành những tính cách khác hẳn.

Phim này có đoạn kết bất ngờ ở chỗ nhân vật do Kevin Spacey thủ vai tự tuyên bố sẽ chết ở ngay đầu phim. Thậm chí đến ngày giờ chết của anh cũng được "cập nhật" liên tục, nhưng khán giả vẫn không thể hiểu nổi anh sẽ chết thế nào, và tại sao anh phải chết. Như kiểu đang phi xe trên đường quốc lộ lại gặp vực thẳm, mọi thứ đang tốt đẹp, bỗng "bòm", anh chết, chết mà không hiểu sao mình chết. Người xem thì hiểu, nhưng chắc không ai muốn thấy nhân vật của mình phải "chết", và chết một cách lãng nhách như vậy. Nên phim hết, người ta vẫn phải suy nghĩ tiếp, thế nào là "vẻ đẹp Mỹ", tại sao poster lại bắt chúng ta "look closer".

02. Se7en (1995) - IMDb: 8.5



Phim điển hình cho thể loại điều tra giết người hàng loạt, điểm chung với phim số 01 là cũng có anh Spacey tham gia, nhưng phim này anh chỉ đóng vai phụ. Hai nhân vật chính của phim là hai thanh tra, một cực kì kinh nghiệm và sắp về hưu (sau 7 ngày) do Morgan Freeman thủ vai, một trẻ tuổi nhiều nhiệt huyết nhưng nông nổi do Brad Pitt thủ vai. Đây là giai đoạn rực rỡ trong sự nghiệp của Pitt khi anh có rất nhiều phim hay như Legend of the Fall (Fall ở đây không phải là Mùa thu như ở nhà hay dịch, bây giờ mới biết), Twelve Monkeys và Se7en. Về mưu mẹo giết người và điều tra của phim này cũng không có gì đặc biệt lắm, trừ một số cảnh tăm tối kinh tởm khá đặc sắc của phim (đạo diễn tạo tông màu u ám cho cả phim khá hay, cứ cảnh nào ngoài trời là mưa tầm tã hết). Thêm nữa là tớ không khoái kiểu lấy triết lý Thiên Chúa giáo nhét vào phim, mình đã không hiểu (và không thích) những cái gì dính dáng đến tôn giáo thì chớ.

Đoạn kết phim này bất ngờ ở chỗ tên tội phạm giết người hàng loạt sử dụng biện pháp không thể tin nổi để lôi cái bản ngã của anh cảnh sát do Pitt thủ vai lên, buộc anh phải dùng nó trong khi luôn lý tưởng hóa cái nhiệm vụ cao cả của người cảnh sát - thay vì ngăn không cho kẻ khác giết người, chính anh lại ra tay giết người. Xem phim xong người ta lắc đầu lè lưỡi vì hai người, tên tội phạm quá thông minh và am hiểu tâm lý con người, ông thanh tra già thì quá lọc lõi và am hiểu cuộc đời, nhưng ông có minh triết đến đâu thì cũng không thể ngăn được bản ngã của anh thanh tra trẻ, cuộc đời là thế.

03. Fight Club (1999) - IMDb: 8.6



Phim này có cùng đạo diễn và diễn viên chính với phim số 02, chỉ có anh Freeman già được thay bằng anh Norton trẻ. 03 đặc sắc hơn 02 khá nhiều, nó kể về một anh nhân viên văn phòng (Edward Norton thủ vai) có cuộc sống nhàm chán bỗng nhiên mắc chứng mất ngủ, bỗng nhiên anh gặp một tay buôn ... xà phòng quái dị (Brad Pitt thủ vai), bỗng nhiên căn hộ của anh bốc cháy, anh thành người vô gia cư, bỗng nhiên anh gặp lại tay buôn xà phòng và được gã cho ở nhờ, bỗng nhiên hai người nghĩ ra cái gọi là "Fight Club" nơi mọi người có thể ... đánh nhau thoải mái, không tiền bạc, không cá độ, không giải thưởng, chỉ để ... cho vui. Nói chung là cuộc đời anh Norton full of "bỗng nhiên" và người xem không thể nào đoán nổi cái "bỗng nhiên" tiếp theo nó như thế nào, vì bao giờ những cái "bỗng nhiên" sau nó cũng quái dị hơn cái "bỗng nhiên" trước.

Đương nhiên vì thế phim cũng phải kết bằng một cái "bỗng nhiên" không ai ngờ được, đấy là tay buôn xà phòng và anh nhân viên văn phòng chẳng qua là một, ảo giác đã khiến anh Norton "đẻ" ra thêm một anh "Pitt" để giải tỏa những suy nghĩ mà anh ta có - nhưng không thể/không muốn để lộ ra ngoài. Và khi nhận ra mình có một con người thứ hai - không thể kiểm soát nổi, anh Norton đã lại chọn một giải pháp bất ngờ nữa, đó là gí thẳng súng vào mồm mà bóp cò. Đoạn kết bất ngờ thực sự, nó tưng tửng như cả phim, nhưng ngẫm cho cùng thì đó cũng là cách kết phim duy nhất.

04. American History X (1998) - IMDb: 8.5



Một phim khác có anh Norton tham gia, anh này đóng phim rất hay, giọng cũng hay, không hiểu có phải tại anh là người "thành phố" (Boston) không (chả bù cho anh Pitt giọng nghe nhạt nhẽo). American History X là câu chuyện về nguồn gốc của một tay phát xít mới, phim giải thích vì sao một cậu thanh niên thông minh, học giỏi, yêu quý những người thân thiết (bố mẹ, các em và người yêu), lại có thể trở thành một thủ lĩnh của phong trào phát xít mới, một người coi dân da-không-trắng và dân Do Thái như cỏ rác, một tên sát thủ máu lạnh sẵn sàng giết hai người da đen mà vẫn tươi cười khi bị công an bắt. Nói phim đã phác họa những góc khuất của xã hội Mỹ thì hơi quá, nhưng phim chân dung có đầu có cuối, làm rõ sự hình thành tính cách nhân vật như thế này thì chắc không nhiều. Thêm nữa là phim này quay rất đẹp, rất nhiều cảnh đẹp dù là đen trắng hay màu.

American History X có cái kết làm người ta suy nghĩ. Anh Norton sau khi vào tù và "hoàn lương" bắt đầu cảm thấy những hậu quả do mình gây ra đã ảnh hưởng tới gia đình và em trai thế nào. Đoạn cuối phim dồn dập làm khán giả có lẽ nhiều người đoán rằng anh Norton sẽ phải chết để "đền tội" hoặc ít ra sẽ phải chết để làm phim kết đẹp hơn. Nhưng hóa ra người phải chết lại là em trai của anh Norton, một cậu thiếu niên giống hệt anh trai lúc bằng tuổi, cậu chết cũng kinh khủng và lãng nhách, bị thằng bạn da đen bắn bòm cái, trong khi tay vẫn đang cầm bài luận về chống phân biệt chủng tộc thông qua cuộc đời anh trai. Cái chết của cậu em làm sự trả giá của anh Norton tăng lên gấp bội, và nó cũng là cái kết mở vì tuy đã hoàn lương, chẳng nhẽ anh Norton lại để một "gã mọi đen" giết em trai mình. Tiếc là phim này không được đề cử Oscar phim hay nhất, hay tại nó phản ánh hiện thực xã hội hay quá.

05. Pulp Fiction (1994) - IMDb: 8.8



Có lẽ điểm số IMDb của phim này đã nói lên nhiều điều. Pulp Fiction được coi là một trong những phim hay nhất của thập niên 1990, nó hiện xếp thứ 5 trong top phim của IMDb. Phim này hình như dân Mỹ rất thích, vì nó hợp văn hóa Mỹ thì phải, tớ xem nhiều đoạn không hiểu lắm (về ý nghĩa câu thoại) nhưng vẫn thấy rất hay vì thoại của phim cực nhắng, chửi nhau rất thâm thúy (như kiểu "chém gió" của học sinh bây giờ). Đạo diễn phim là anh Quentin Taratino, anh này cũng đóng một vai trong phim, tớ cực thích vai của anh này luôn, trông ngu ngu, đụt, nhát chết nhưng lại lải nhải luôn mồm với 2 thằng sát thủ, mà câu lải nhải nào của anh cũng hài hước chết thôi. Phim này chắc khó ai dịch thoại được ra tiếng Việt mà hay và giữ ý được, thôi mọi người chịu khó học tiếng Anh mà đọc thoại vậy, hehe.

Nói luôn Pulp Fiction có đoạn kết ... ở giữa phim, còn đoạn cuối phim thì lại là mở đầu phim! Vì thế trong phim có những chi tiết liên hệ với nhau rất tinh tế và chắc là ai cũng phải xem đến lần thứ 2, thứ 3 mới nhận ra được hết những sợi dây liên kết đó. Đoạn kết phim đặc sắc nữa là nó cũng không thể hiểu nổi, anh John Travolta lững lẫy như thế, đoạn đầu phim hoành tráng như thế, vậy mà tự nhiên bị bắn chết khi từ trong toilet đi ra, chưa kịp nói câu nào, chưa kịp bắn phát súng nào, đúng là không thể hiểu nổi.

06. Memento (2000) - IMDb: 8.6



Một phim nữa được xây dựng với mục đích làm cho người xem loạn óc, đơn giản vì ... đoạn kết của truyện phim chính là đoạn mở đầu của phim! Phim là một chuỗi kí ức bị đảo ngược của một anh mắc "bệnh Hàn Quốc" (bệnh mất trí ý mà), hay một thời còn được gọi là bệnh "cá Dory". Trí nhớ của anh chỉ tốt cho tới thời điểm vợ anh bị giết, còn sau đó anh mất trí tạm thời, cứ sau một khoảng thời gian anh lại quên sạch những việc vừa xảy ra. Với cái đầu "thiểu năng" thế thì làm sao tìm ra được thủ phạm giết vợ? Thế mà anh vẫn cố tìm, và nghĩ ra cách để tìm được. Phim hay ở chỗ là nó sắp xếp lộn xộn, khiến cho người xem phải tự xếp lại câu chuyện của phim theo ý mình, tức là cuối cùng mỗi một khán giả có một Memento của riêng mình. Nói thêm diễn viên chính người Úc của phim, anh Guy Pearce rất quen thuộc với khán giả Hà Nội, hehe, vì anh là diễn viên chính của bộ phim truyền hình Người đàn ông trên dòng sông băng mà chắc nhiều bạn ở đây (trong đó có tớ) đã xem mòn tivi hồi bé.

07. The Prestige (2006) - IMDb: 8.3



Đạo diễn phim số 06 là Christopher Nolan, anh này mới có 37 tuổi nhưng cực kì tài năng. Sau Memento anh có liên tiếp hai phim được đánh giá cao là Batman Begin và The Prestige. Có một dạo cứ ai hỏi "có phim nào hay không" là tôi giới thiệu phim này, The Prestige. Phim về đề tài ảo thuật khá lạ lẫm, nó kể về cuộc đối đầu giữa hai ảo thuật gia hàng đầu của nước Anh thế kỉ 19, hai người bạn đồng môn nhưng sau đó dùng đủ mọi thủ đoạn, mánh khóe để triệt hạ nhau (hehe nghĩ đến Bàng Quyên - Tôn Tẫn). Phim này có em Scarlett Johansson đóng vai phụ (thế mà vẫn có mặt trên poster để câu khách), em đóng dở nhất phim luôn, dở như tất cả các phim khác tớ xem, thế mà chả hiểu sao báo chí VN mấy năm nay cứ tung hô em này (cùng với em Jessica Alba vốn đóng dở không kém) như những diễn viên trẻ "hàng đầu" của Hollywood.

Chính vì phim hồi hộp, gay cấn từ đầu đến cuối, lại ẩn chứa đầy những bí mật (ảo thuật cơ mà) nên người xem ai cũng mong chờ cái kết diễn ra. Đoạn kết của phim hay nhưng làm tớ thất vọng, có lẽ vì không có cách giải quyết nào khác hơn nên đạo diễn phải biến phim từ một phim có vẻ thật hoàn toàn thành phim có đoạn kết viễn tưởng, ai đời ảo thuật gia lại dùng "máy nhân đôi" của Đôrêmon để biểu diễn, hic! Tuy đoạn kết hay và giải quyết được hết những twist của phim nhưng kể ra thì hơi bị bực mình vì nó không "thật" được như mình mong đợi. Nhưng nói chung vẫn là một đoạn kết hay, hehe.

08. Paranoia Agent (2004) - IMDb: 8.6



Chọn một phim hoạt hình cho nó khác kiểu. Đây là phim hoạt hình Nhật 13 tập của đạo diễn Satoshi Kon. Ông này nổi tiếng là đạo diễn phim hoạt hình độc đáo vì phim hoạt hình của ông này chả giống hoạt hình tẹo nào, mô tả xã hội hiện đại, con người thực, với những phức tạp, rắc rối có thực, hình vẽ cũng thực nốt. Đề tài ưa thích của Kon là hiện thực có pha tí ảo giác, đúng kiểu con người trong ốc đảo thông tin giữa sa mạc xã hội hiện đại. Paranoia Agent là tổng hợp tất cả những yếu tố kể trên của Kon, vì ông này đã nhét tất những gì không thể đưa vào các tác phẩm khác của mình (do yêu cầu về thời gian của một bộ phim hoạt hình) vào 13 tập phim 30 phút. Đây là câu chuyện về một tên chuyên tấn công người ở nơi vắng bằng một cái gậy bóng chày, 13 tập phim xoay quanh những nạn nhân khác nhau của tên tội phạm, điều đặc biệt là dường như mọi nạn nhân đều ... hy vọng tên tội phạm sẽ "làm thịt" họ vì đó là cách giải quyết duy nhất cho những bế tắc của cuộc sống mỗi người. Vì thế tên tội phạm là thật hay nó chỉ do các nạn nhân bịa ra để thoát khỏi những rắc rối cuộc sống? Tập cuối của phim "lại" giải quyết bằng cái cách nửa thực nửa ảo của anh Kon, vì thế nó rất đáng xem, hehe.

09. Tiếu ngạo giang hồ chi Đông Phương Bất Bại (1992) - IMDb: 7.3



Hehe thêm quả phim chưởng cho nó tươi tắn cuộc đời. Đọc cái tiêu đề thì chắc mọi người cũng đoán được hết nội dung rồi. Phim này tên tiếng Anh là Swordsman II, hay Tiếu ngạo giang hồ 2, vì nó bắt đầu từ khi Lệnh Hồ Xung rời Hoa Sơn đi tìm Nhâm Doanh Doanh. Lý do đáng xem đầu tiên của phim này là dàn diễn viên, anh Lý Liên Kiệt vào vai Lệnh Hồ Xung, hai em mỹ nhân của Hồng Kông khi đó là Quan Chi Lâm (nổi tiếng với vai Thập Tam muội trong loạt phim Hoàng Phi Hồng) và Lý Gia Hân (hoa hậu Hồng Kông 1988) vào vai Nhâm Doanh Doanh và Nhạc Linh San. Còn vai ngài giáo chủ Nhật Nguyệt giáo Đông Phương Bất Bại được giao cho ... mỹ nhân hàng đầu của điện ảnh Hồng Kông khi đó là Lâm Thanh Hà, hehe sợ chưa! Ít thấy phim nào tập trung nhiều diễn viên xinh thế này (trừ phim của anh Châu Tinh Trì). Nội dung thì ... đấy, ai đọc truyện thì biết hết cả rồi.

Tuy vậy phim có đoạn kết khá độc khi cho anh Xung và "em" Đông Phương Bất Bại yêu nhau, hic! Nếu ai đọc truyện mà nghe cái kết này thì chắc ngã ngửa mà chết, nhưng nếu xem phim thì khác, vì đạo diễn Trình Tiểu Đông (nổi tiếng là ... chỉ đạo võ thuật hàng đầu của phim Hồng Kông) sắp xếp chi tiết khá hợp lý để chứng tỏ cho "tình yêu" chân chính giữa hai người. Vì thế nên xem đoạn kết của phim cũng được, ít ra là rất khá so với tình hình chưởng Hồng Kông vốn nặng về "trình bày" (đánh đấm) hơn là nội dung.

10. Atonement (2007) - IMDb: 8.1



Phân vân không biết có nên cho phim này vào không nhưng thôi, thích thì cho, bạn nào chưa xem phim mà đọc thì ráng chịu, hehe. Cơ bản phim này về tình yêu rất hay, mà khả năng lớn là chiếu ở Việt Nam đúng dịp Valentine nữa. Atonement là câu chuyện tình yêu trắc trở giữa một anh giai do James McAvoy thủ vai và một em gái do hotgirl của báo chí Việt Nam là Keira Knightley diễn. Đại khái là hai người rất là yêu nhau nhưng chẳng ai dám thổ lộ, đến buổi tối bày tỏ tình cảm được thì anh giai bị em gái của người yêu (cũng yêu thầm người yêu của chị gái) vu cho tội hiếp dâm. Anh giai vì thế mà đi tù, sau đó thì đăng lính tham gia Thế chiến thứ hai, chị gái thì hận gia đình và em gái bỏ lên thành phố, còn cô em gái cũng vì cảm thấy tội lỗi mà bỏ tương lai làm nhà văn để tự đày đọa trong nghiệp y tá. Đoạn đầu phim khá vụn vì nó được miêu tả lần lượt bằng góc nhìn của anh giai và hai chị em, đoạn giữa thì tràn ngập tình cảm giữa anh giai và chị gái qua những đoạn hồi tưởng và thư từ của hai người. Nói chung xem được, vì một mối tình trắc trở bao giờ mua được sự quan tâm của khán giả, tớ chỉ thắc mắc là em Keira diễn cũng thường, đất diễn cũng ít, thậm chí tớ thấy còn không ấn tượng bằng nhân vật cô em gái, thế mà báo chí cứ tung hô nhặng xị là thế nào nhỉ.

Nói rồi đấy nhé, ai có ý định bỏ 50.000 đi xem rạp thì đừng có đọc đoạn này. Đoạn kết của phim này phải nói là xuất sắc, có lẽ tại truyện gốc đã xuất sắc rồi. Ở đoạn kết khán giả vui mừng "tột độ" khi thấy anh giai nhảy từ phòng chị gái ra để chửi cô em gái (đến để tạ lỗi chị), chứng tỏ hai người cuối cùng đã đến được với nhau. Nhưng ngay sau đó, cô em gái - nhà văn già, đã thú nhận rằng tất cả đoạn gặp gỡ trên chỉ là do bà tưởng tượng ra, còn sự thực cô chị gái đã chết vì bom Đức, còn ông anh giai cũng đã chết trên chiến trường. Bà tưởng tượng ra là để xoa dịu những nỗi đau tinh thần của chính bà, xoa dịu những tội lỗi do bà đã gây ra cho mối tình của chị gái. Xem xong đoạn này mới hiểu được cái câu ở trên poster "You can only imagine the truth", đại khái là rất cảm động, các bạn nữ giàu tình cảm xem xong chắc sẽ khóc, hehe. Đoạn kết này khiến cho tớ muốn đi tìm tiểu thuyết Atonement để đọc quá, ai có không, nhưng là tiếng Việt nhé, hehe.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire