some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

vendredi 21 mai 2010

2012 (2009), Tropic Thunder (2008)


Như mọi phim thảm họa khác (cụ thể hơn, phim thảm họa khác của Emmerich), 2012 có nội dung đơn giản, dễ hiểu. Cuối thập niên 2010, các nhà khoa học phát hiện ra rằng Mặt Trời bất ngờ hoạt động mạnh khiến cho Trái Đất phải hứng chịu một đợt gió Mặt Trời với mật độ neutrino cực lớn, chúng kích thích hoạt động bên trong lòng Trái Đất tương tự cơ chế gia nhiệt cho nước bằng lò vi sóng, kết quả cuối cùng là các mảng lục địa chuyển động dữ dội, loài người đứng trước thảm họa diệt vong vì siêu sóng thần, động đất và núi lửa. Để cứu vớt loài người và bản thân mình, các lãnh đạo thế giới quyết định họp lại để lên kế hoạch đóng chừng 10 con "thuyền Nô-ê" khổng lồ chống chọi được với cơn đại hồng thủy. Tất lẽ dĩ ngẫu là người thì nhiều mà chỗ trên thuyền thì có hạn, ai muốn sống sót phải hoặc là tinh hoa, lãnh đạo của các quốc gia lớn, hoặc là người đủ giàu để bỏ ra 1 tỷ USD mua vé cho bản thân, và cả những người bằng cách này hay cách khác trốn được lên tàu. Xong phần chủ đề, hay còn gọi là "xương sống" của bộ phim, diễn viên và các chi tiết khác chỉ là phần "thịt" đắp thêm. Tất nhiên, để hoàn thành "bộ xương" cho 2012, Emmerich đã bạo tay dùng tới 200 triệu USD để đầu tư cho phần kĩ xảo, CGI của 2012 quả thực xứng đáng đồng tiền bát gạo, thật, hoành tráng và ấn tượng bậc nhất so với những phim trước đó của ông.

(Lại) như mọi phim thảm họa khác, 2012 có tuyến nhân vật gồm 1 anh hùng - người sẽ cứu hoặc mỹ nhân, hoặc gia đình của anh ta, thoát khỏi thảm họa (trong phim này là anh nhà văn kiêm tài xế Jackson do John Cusack thủ vai), 1 kẻ phản diện chuyên thực hiện những hành động "đê hèn", "mất nhân tính" trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng để khán giả có thể trút giận (trong phim này là, dễ hiểu, một tỷ phú Nga tên Yuri), 1 vai người lãnh đạo sẵn sàng hy sinh vì nhân dân (trong phim này là, lại dễ hiểu nữa, tổng thống Mỹ da đen Obama, à quên, Wilson) cộng thêm một số nhân vật phụ khác trong các vai ngây thơ (=> chết), nhát gan quá mức (=> chết), dũng cảm quá mức (=> càng chết) và xinh đẹp (=> thường là chết, trừ phi nhân vật đó may mắn được là người yêu/vợ của nhân vật anh hùng). Nói như vậy là đủ để thấy 2012 cũng không có gì tiến bộ hơn so với các bộ phim trước đây của Emmerich, cũng không thể trách được vì họ (phải) dành phần lớn thời gian để ngụp lặn, la hét, khóc lóc, ôm hôn nhau, trao nhau những lời thắm thiết trước lúc chết, thì lấy đâu ra thời gian để khán giả biết tính cách, bản chất của họ.

Tuy vậy, nếu chỉ xét hơn nửa đầu của phim (cho đến trước khi thuyền đếm ngược để khởi hành) thì tôi sẵn sàng chấm phim 4/5 sao. Lý do vì Emmerich, thật ngạc nhiên, đã tránh được tất cả những cliché hay mắc phải ở dạng phim bom tấn nói chung và phim của chính ông nói riêng. Theo tôi thì phần đầu phim giới thiệu về "Thảm họa 2012" được làm đặc biệt tốt, cắt cảnh gọn, cung cấp thông tin vừa đủ và gây được hứng thú cho người xem. Bên cạnh một số lợn cợn không đáng kể về chuyện chọn tỷ phú Nga làm vilain (sao không phải tỷ phú Mỹ-với tỷ lệ đông gấp 1000 lần?) và anh tổng thống tốt quá mức chịu đựng thì 2012 đã có một phần đầu tiên vượt trội so với các bộ phim trước đó của Emmerich cả về nội dung và kĩ xảo. Các cliché về cảnh sinh ly tử biệt như giữa tiến sĩ địa chất Adrian và bố, Charlies Frost và ... bạn nghe đài, được đạo diễn xử lý rất khéo, tuy vẫn là cliché nhưng không quá bi lụy, vừa đủ để khán giả cảm động, vừa không "phá" tiết tấu nhanh của bộ phim mà anh nhà văn Jackson cùng đại gia đình đã tạo ra cực kì thành công bằng vô số pha hành động đẹp mắt trên limousine, trên máy bay với cái nền là một Los Angeles hoang tàn trong ngày hủy diệt. Ngay từ hồi xem trailer tôi đã thích thú với cách Emmerich "phá hoại" những địa danh quan trọng của Thế giới như Nhà thờ St. Pierre và Nhà nguyện Sistine ở Roma, tượng Chúa Cứu thế ở Rio de Janeiro, Nhà Trắng ở D.C... Phần này trong phim được làm rất giàu cảm xúc, không xúc động sao được khi ta "được" chứng kiến những địa danh tưởng chừng sẽ tồn tại vĩnh viễn như một chỉ dấu (trademark) của quốc gia, của thế giới như vậy đổ sụp. Lần này Tượng Nữ thần Tự Do được Emmerich "tha mạng" nhưng ông lại "quên" mất Tháp Eiffel hay Kim tự tháp Ai Cập (không hiểu do ý muốn chỉ động đến các địa danh liên quan đến đức tin tôn giáo, hết tiền làm CGI hay sợ "đụng hàng" với Transformers IIG.I. Joe - "sợ gì?" vì tuy cùng là blockbuster "rẻ tiền" nhưng 2012 vẫn xứng đáng ngồi "chiếu trên" so với 2 bộ phim kia). Vụ công trình kiến trúc nào rơi vào "tầm ngắm" của Emmerich cũng đã khiến dư luận bàn cãi sôi nổi, nhiều người chỉ trích rằng ông chỉ "nhè" các địa danh của Công giáo (Catholicism) mà "quên" các địa danh của Đạo Hồi (như thánh địa Mecca, cụ thể là hòn đá thiêng Kaba'a), Đạo Do Thái (như Bức tường than khóc) và Đạo Tin lành. Với tôi thì ... miễn là địa danh bị phá hủy phải thật nổi tiếng, thế là được.

Rất, rất tiếc là (non) nửa cuối của phim quá tệ, kịch bản xuống tay trông thấy còn Emmerich thì quá sa đà vào những cảnh cliché đến không thể chịu nổi mà ngay từ thời những phim thảm họa thập niên 1970 như The Towering Inferno, Poseidon đã lặp đi lặp lại và tới Titanic thì đã đạt tới đỉnh cao mà khó phim thảm họa nào ... cliché hơn nổi. Đến đây thì 2012 đã không còn giữ được cái phẩm chất quý giá nhanh, gọn của nó, nhịp phim bị cắt nát bởi những pha "dặn dò trước lúc đi xa", gào thét, la hét, thậm chí cả những cảnh vô lý tới khó tưởng tượng nổi (phim khoa học giả tưởng không có nghĩa là được bịa đặt kiểu gì cũng được, tất nhiên) - 1 thằng cu chừng 10 tuổi mà lặn ngụp như 1 anh hùng để "giúp ông bố", anh tiến sĩ lên tàu "chỉ mang sách không thèm mang bàn chải" trong khi số sách của anh chắc chỉ đáng 10Mb ebook "bản đẹp" trong máy tính?! Phần cuối "dở ẹc" đã kéo lùi chất lượng nói chung của phim xuống rất nhiều và có lẽ cũng khiến nhiều khán giả phải thất vọng sau phần đầu hay và hoành tráng. Nhạc phim theo tôi cũng dở, đoạn đầu thì không để ý lắm (vì phim hay, chi tiết lại dồn dập), nhưng đến đoạn lê thê phía sau thì thực sự phần nhạc chỉ càng khiến người xem phải cầu mong cho phim hết nhanh.

Thôi đành cố tìm thêm một số chi tiết "thú vị" cho phim vậy. Cái thú vị đầu tiên là về cơ sở khoa học, 2012 giải thích ngắn gọn nhưng khá "thật" về neutrino, còn dễ hiểu và gần với thực tế hơn nhiều so với phần nói về phản vật chất trong Angel & Demon. Cái thí nghiệm ở Ấn Độ để đo (detect) neutrino cũng là có thật ngoài đời, cách bố trí với bể nước khổng lồ dưới mỏ sâu là hoàn toàn chính xác, chỉ có điều cái thí nghiệm thật nó nằm ở Nhật Bản chứ không nằm ở "thị trường điện ảnh mới" Ấn Độ như trong phim. 2012 được làm rõ ràng để nhắm tới hai thị trường Trung Quốc và Ấn Độ, Ấn Độ trong phim thì "cứu sống" loài người bằng phát hiện về neutrino tác động tới Trái Đất, còn Trung Quốc trong phim thì là "cái nôi" cho các con "thuyền Nô-ê" thời hiện đại. Lúc đầu xem trailer tôi đã nghĩ có khi Emmerich định lồng tư tưởng tuyên truyền "độc lập cho Tây Tạng" cho phim này, hóa ra không phải, phim không nói gì nhiều tới chính trị (trừ việc, tất nhiên, nhấn mạnh Mỹ là "anh hai" của thế giới) lại tránh việc "nói xấu" các quốc gia khác (ngay cả tay "người xấu" tỷ phú Nga cũng tốt một cách đáng ngạc nhiên so với cách phim Mỹ thường mô tả về người Nga) vì thế chắc chắn 2012 sẽ hốt bạc ở thị trường quốc tế (thực ra là có động tới "tí ti" chuyện Tây Tạng thông qua tên anh nhân vật công nhân người Tây Tạng, anh này tên Tenzin tức là trùng với tên cúng cơm của Đạt-lai-lạt-ma). Ngoại trừ giả thuyết về "năm thảm họa 2012" do người Maya đưa ra (mà oái oăm thay thì nền văn minh của họ đã bị người Tây Ban Nha hủy diệt từ 400, 500 năm trước) thì phim cũng đụng rất nhiều tới các chi tiết tôn giáo, lịch sử và văn hóa khác có liên quan tới ngày tận thế như con tàu mà ông bố anh tiến sĩ Adrian đi là Genesis - trùng tên với Kinh Sáng thế của Công giáo, Noah con trai anh Jackson thì chính là "Nô-ê", con thuyền khổng lồ với muông thú thì hoàn toàn bệ nguyên từ "thuyền Nô-ê" trong Kinh Thánh, rồi cuốn sách có tiêu đề Atlantis gợi nhớ tới lục địa Atlantis từng biến mất trong huyền thoại, cái vết nứt hiện ra trên trần Nhà nguyện Sistine cắt đứt đúng điểm nối giữa ngón tay của Chúa và ngón tay của Adam - khi Chúa truyền sự sống cho Adam (cũng là truyền sự sống cho loài người), con thuyền sau khi thoát nạn hướng về phía Nam Phi tức là hướng về nơi được coi là cái nôi của loài người (Nam Phi là nơi người ta khai quật được bộ xương hóa thạch cổ nhất của tổ tiên người hiện đại),...

Dù sao với nửa phần đầu và nhiều chi tiết thú vị như vậy, 2012 rõ ràng vẫn thuộc "top đầu" của dòng phim blockbuster trong mùa phim thất bát năm nay. Và tất nhiên với những ai hứng thú với kĩ xảo hoành tráng thì chắc chắn không thể bỏ qua bộ phim này, "mother of all disaster movies".


Một phim hài ở mức "xem được" với kịch bản tương đối sáng tạo nhưng được làm chưa "tới". Phim xây dựng theo chiều hướng parody cả các phim về chiến tranh Việt Nam và cả giới làm phim Hollywood với rất nhiều đoạn nhại lại một cách thú vị các bộ phim về chiến tranh Việt Nam kinh điển như Platoon, Born on the Forth of July, Fullmetal Jacket và đặc biệt là Apocalypse Now. Tuy nhiên dường như Ben Stiller mất phương hướng trong việc sử dụng "hết công suất" sự sáng tạo của mình vì vậy đoạn cuối của phim trở nên rất không đồng nhất và khiến bộ phim trở thành một tác phẩm hài giải trí hết sức bình thường mà không mang lại được suy nghĩ nào cho khán giả. Khá ngạc nhiên là IMDb trong phần Film Connections lại liệt kê thiếu rất nhiều, ví dụ cảnh đoàn "kỵ binh bay" nhại theo Apocalypse Now, Nick Nolte vốn là một ngôi sao phim hành động nay phải vào một vai ngớ ngẩn, anh chàng đạo diễn người Anh thì có vẻ ngoài giống hệt Paul Greengrass của loạt Bourne (cũng là một đạo diễn Anh),... Phim có mấy đoạn khá "bẩn thỉu" hay nói cách khác là hài tục tĩu, đặc biệt là những cảnh có Jack Black, Black có lẽ chỉ nên chuyên tâm với những vai như trong School of Rock hay Kungfu Panda, những vai làm trò tục tĩu kiểu Nacho Libre hay Tropic Thunder đã hết thời cùng với Mike Myers và Eddie Murphy. Vai của Robert Downey Jr. nhại khá "ngọt" Russell Crowe, nhất là với những ai từng xem Crowe trả lời phỏng vấn trên Inside the Actors Studio thì sẽ thấy là cách diễn của Downey Jr. giống hệt với phong cách ngoài đời của Crowe. Vai của Alpa Chino (cái tên đọc lên đã buồn cười!) rất tiếc là không được khai thác hết mức, anh chàng rapper bị rơi vào tình trạng "dở ông dở thằng" làm nền cho 3 nhân vật chính trong khi đáng ra vai này có thể nhại được rất nhiều từ Al Pacino và nhân vật "cậu bé" lính da đen trong Apocalypse Now do Laurence Fishburne (của The Matrix) thủ vai. Theo tôi thì với số tiền cực lớn (tới 150 triệu USD) này, Châu Tinh Trì thừa sức làm 10 bộ phim hài nhại phim chiến tranh (chủ đề Châu chưa từng chạm tới vì có lẽ không đủ kinh phí) với chất lượng và độ sáng tạo hơn hẳn.

4 commentaires:

  1. Tui không thích 2012 bằng The Day After Tomorrow về kết cấu kịch bản phim. Không hiểu sao tui lại thích kiểu Pre-apocalyptic hay post-apocalyptic hơn là apocalyptic. Có thể là nói đến những hiện tượng warning cho Tận thế hay vẻ tàn tạ của thế giới sau thảm họa thì việc tưởng tượng đến thảm họa xảy ra phải thảm khốc đến cỡ nào, vượt ngoài mọi tưởng tượng. Chứ còn minh họa lại thảm họa thì không có kỹ xảo nào có thể khiến tui thuyết phục. Câu chuyện của The Day After Tomorrow ý nghĩa hơn, kb cũng khá nhất quán chứ ko có gãy gánh ở nửa sau như 2012. Câu chuyện lại mang nhiều thông điệp ngầm ý nhị. Việc 2012 bỏ qua nữ thần Tự Do chắc là vì The Day After Tomorrow đã chăm sóc nàng kỹ rồi nên 2012 ko nói đến nữa.

    Tropic Thunder lại là bộ phim hài khá. Cái tui ghét ở nó chẳng qua là vì cái vẻ hào nhoáng blockbuster của nó, do đó tui đánh giá Pineapple Express hay hơn trong năm đó. Chứ thật sự phim parody làm khá tốt. Nhiều chi tiết cực kỳ buồn cười. Ben Stiller đạo diễn được phim này tui nghĩ cũng thành công rồi.

    RépondreSupprimer
  2. Ô mãi mới thấy một người đánh giá cao Pineapple Express như tui! Cái Tropic Thunder tui xem trong lúc tâm trạng không thoải mái lắm nên đâm nhận xét cũng hơi bị chặt, ngay cả mấy đoạn nhắng nhít của Tom Cruise tôi cũng không thấy buồn cười chút nào luôn, mặc dù tôi rất thích Cruise.

    Về 2012 thì tui thấy tại phần sau tệ quá nên mọi người hay chê bôi nó thôi, chứ phần trước bù lại cũng khá nhiều đấy chứ. Nhưng phim này nặng về show off kĩ xảo nên nội dung đúng là yếu hơn The Day After Tomorrow thật, thôi thì điểm này mạnh thì điểm khác yếu, tui vẫn thấy phục Emmerich vì phim của ông này (trừ the ugly 10.000 BC) thì đa số đều rất entertaining, xem thư giãn.

    RépondreSupprimer
  3. Tui xem phim này ở rạp. Tui còn không nhận ra được Tom Cruise mãi cho đến đoạn đối thoại với bọn bắt cóc. Tui khá ghét Tom Cruise nhưng trong phim này Tom Cruise đóng hay nhất :))

    RépondreSupprimer
  4. Fan của anh Tom từ ngày Top Gun, Fourth July, MI nên tui vẫn hy vọng anh ý có thể làm một quả comeback :p

    RépondreSupprimer