some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

lundi 10 décembre 2018

BlacKkKlansman (2018)


Trong lịch sử nước Mỹ, cuộc nội chiến đẫm máu từ năm 1861 đến 1865 được coi là một trong những cột mốc đáng nhớ nhất trong nỗ lực bãi bỏ chế độ nô lệ, đặc biệt là ở các bang miền Nam nơi nhiều người da đen phải sống suốt đời phục vụ các ông chủ da trắng trong các dinh thự xa hoa hay các cánh đồng bông vải bao la mà không có nổi lấy một phút tự do, bình đẳng. Với thất bại của các bang miền Nam trong cuộc nội chiến, tưởng như nạn phân biệt chủng tộc, đặc biệt là đối với người da đen và các chủng tộc ít người như dân Do Thái, dân châu Á, sẽ theo đó mà biến mất. Nhưng non sông dễ đổi mà bản tính thì khó dời, những kẻ mang danh nước Mỹ đòi phân biệt đối xử với người da đen lại tiếp tục tập hợp nhau lại dưới trướng của của Ku Klux Klan – một hội kín nửa mang tính tôn giáo, nửa mang tính chính trị với mục đích tối thượng lấy cảm hứng từ bộ phim The Birth of a Nation (1915) của D. W. Griffith là biến nước Mỹ trở thành một quốc gia riêng của người da trắng theo đạo Thiên chúa – nơi không có chỗ cho những nhóm người khác biệt về sắc da, tôn giáo. Chính Ku Klux Klan, hay đảng KKK, cùng những bộ óc bị mê muội bởi thuyết ưu sinh về vị thế “vượt trội” của người da trắng đã kích động và trực tiếp gây ra vô số tội ác chống lại người da đen ở nước Mỹ xuyên suốt thế kỷ 20, từ những vụ hành hình tập thể, công khai với mức độ man rợ khó có thể tin nổi trong một xã hội cận và hiện đại như vụ tra tấn và thiêu chết cậu thanh niên da đen mới có 17 tuổi Jesse Washington tại Waco, Texas năm 1916 trước sự chứng kiến của hơn mười nghìn người, những vụ xử oan các bị cáo da đen bởi bồi thẩm đoàn chỉ toàn người da trắng, hay nạn cảnh sát phân biệt đối xử với người da đen vốn vẫn còn tồn tại cho tới tận ngày nay.

Một trong những trang sử của cuộc chiến chống lại nạn phân biệt chủng tộc đối với người da đen ở Mỹ, cũng như cách thức KKK tìm cách tồn tại bằng cách thu hút đảng viên mới thông qua những thông điệp giả tạo, dối trá được kể lại trong tác phẩm mới nhất của đạo diễn Spike Lee – bộ phim BlacKkKlansman. BlacKkKlansman kể lại câu truyện có thật về cuộc thâm nhập đảng KKK trong những năm đầu thập niên 1970 của Ron Stallworth (John David Washington) – sĩ quan cảnh sát da đen đầu tiên của thành phố Colorado Springs,  bang Colorado. Thông minh, cương quyết, yêu nghề, Stallworth có gần như đầy đủ mọi điều kiện để trở thành một thanh tra cảnh sát thành công. Nhưng màu da ngăm đen khoẻ khoắn cùng kiểu tóc xù “afro” của Stallworth không chỉ là cái gai trong mắt những tay cảnh sát biến chất như Andy Landers (Fred Weller) mà còn khiến những viên lãnh đạo sở cảnh sát ở Colorado Springs như Cảnh sát trưởng Bridges (Robert John Burke) e ngại tới mức công việc đầu tiên của Stallworth ở nơi làm việc mơ ước lại là cái ghế trông phòng lưu trữ. 

Cơ hội chứng tỏ tài năng chỉ đến khi Ron Stallworth được giao trà trộn theo dõi cuộc họp mặt của các sinh viên da đen ở Colorado với thủ lĩnh đấu tranh đòi quyền bình đẳng Kwame Ture (Corey Hawkins). Không chỉ có thêm cái nhìn rõ ràng hơn về những căng thẳng sắc tộc ở nước Mỹ và khao khát đòi bình quyền, kể cả bằng bạo lực, của những nhà hoạt động da đen thông qua bài nói chuyện của Ture, phi vụ trà trộn bất đắc dĩ này còn tạo cho Stallworth cơ hội làm quen với cô sinh viên xinh đẹp nhưng đầy nhiệt huyết chính trị Patrice Dumas (Patrice Dumas), và giúp anh có đủ sự tin tưởng từ Cảnh sát trưởng Bridges để được chuyển sang Tổ tình báo để làm việc cùng hai người đồng nghiệp vui tính Flip Zimmerman (Adam Driver) và Jimmy Creek (Michael Buscemi). 

Tại vị trí mới, Stallworth nảy ra ý tưởng thâm nhập chi nhánh của đảng KKK ở Colorado Springs để nắm rõ hơn âm mưu và thủ đoạn của tổ chức vốn chuyên kích động bạo lực và hận thù này. Tất nhiên với bề ngoài của mình thì Ron Stallworth không thể đích thân đăng ký tham gia các hoạt động của KKK, anh chỉ có thể đứng sau chiếc điện thoại để đánh lừa các đảng viên KKK bằng chất giọng đặc sệt “Mỹ trắng”. Vào vai “Ron Stallworth da trắng” trực tiếp đi vào hang ổ của những kẻ-ghét-người-da-đen là Flip Zimmerman – viên thanh tra vốn ban đầu cũng không hào hứng lắm với vở kịch do Stallworth đạo diễn bởi anh có gốc Do Thái – nhóm người bị lũ KKK căm ghét không kém gì dân da đen. Nhưng sự dũng cảm, và tinh quái của cặp “Stallworth da đen” và “Stallworth da trắng” rồi cũng dần chinh phục được lòng tin của các đảng viên KKK ở Colorado Springs như gã trưởng nhóm Walter Breachway (Ryan Eggold), cặp vợ chồng KKK với giấc mơ tiêu diệt người da đen Felix và Connie Kendrickson (Jasper Pääkkönen và Ashlie Atkinson) để rồi cái tên Ron Stallworth thậm chí đến tai của David Duke (Topher Grace) – Đảng trưởng KKK toàn nước Mỹ. Có cơ hội tiếp xúc với Breachway, với Kendrickson, với Duke, Stallworth và Zimmerman dần nhận ra rằng KKK không chỉ có những âm mưu ngắn hạn khủng bố người da đen về mặt thể xác và tinh thần, mà còn hướng tới mục tiêu dài hạn là khôi phục vị thế trong xã hội Mỹ của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và thuyết thượng đẳng da trắng từ đống tro tàn bởi ngọn lửa của cuộc nội chiến và phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng của Mục sư Martin Luther King và các nhà hoạt động xã hội Mỹ trong thập niên 1960. 

Cuối những năm 1980, đầu những năm 1990 Spike Lee từng được coi là một trong những đạo diễn xuất sắc nhất trong đội ngũ các nhà làm phim da màu của Hollywood với các bộ phim xuất sắc đậm chất văn hoá của người Mỹ gốc Phi và tinh thần đấu tranh bình quyền như Do the Right Thing (1989) hay Malcolm X (1992). Nhưng suốt trong hai thập niên sau đó, Spike Lee có một sự nghiệp không thực sự ấn tượng khi ông chỉ cho ra đời được đôi ba tác phẩm đáng nhớ như 25th Hour (2002) hay Inside Man (2006) và không ít thất bại cả về mặt doanh thu và chất lượng nghệ thuật như Oldboy (2013). Với việc phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho người da đen quay trở lại như một đề tài nóng bỏng của nước Mỹ và Hollywood trong vòng 3, 4 năm trở lại đây với phong trào Black Lives Matter và sự chống đối của một bộ phận dân chúng Mỹ đối với tổng thống mới đắc cử Donald Trump, nhiều người đã hy vọng rằng Spike Lee có thể “nhớ nghề” để quay về thể hiện khả năng thực sự với một bộ phim nói lên tiếng nói của những người da màu như ông – những người Mỹ gốc Phi. BlacKkKlansman chính là câu trả lời mạnh mẽ của Spike Lee cho sự mong đợi đó từ phía công chúng. Dựa trên cuốn tự truyện cùng tên của Ron Stallworth – một viên cảnh sát có thật, với cuộc thâm nhập có thật vào hang ổ của đảng KKK của những kẻ không mong muốn gì hơn là cái chết của những người Mỹ gốc Phi như ông, BlacKkKlansman vừa là câu truyện chân thực về một giai đoạn có thật trong lịch sử nước Mỹ khi người da đen còn đang phải đấu tranh đòi lấy những quyền cơ bản nhất, nhưng cũng lại mang hơi thở thời đại của Black Lives Matter, của phong trào phản đối tổng thống Donald Trump để duy trì sự bình đẳng về tôn giáo, về sắc tộc trong lòng nước Mỹ hiện đại. Có lẽ khi mới đọc qua phần tóm tắt cốt truyện, hay xem các đoạn phim quảng cáo cho BlacKkKlansman nhiều người sẽ nghĩ rằng Spike Lee sẽ khai thác tối đa sự “trớ trêu” của tình huống viên thanh tra da đen Stallworth tìm cách xâm nhập vào tổ chức của những kẻ da trắng-ghét-dân-da-đen để biến bộ phim mới nhất của ông trở thành một tác phẩm hình sự-hài được thêm nếm gia vị chính trị và xã hội. Quả thực BlacKkKlansman có nhiều giờ phút hài hước, đặc biệt là trong các phân đoạn về sự tương tác giữa hai viên thanh tra Ron Stallworth và Flip Zimmerman, hay giữa Flip và gã đảng viên KKK phục phịch ngớ ngẩn Ivanhoe (Paul Walter Hauser). Nhưng những phút hài hước, hay thậm chí là chất hình sự của phi vụ thâm nhập trong BlacKkKlansman chỉ là phần gia vị bổ sung thêm vào nội dung chủ đạo của bộ phim – tệ phân biệt chủng tộc ăn sâu bám rễ trong lòng xã hội nước Mỹ, và sự nguy hại của những tư tưởng phân biệt chủng tộc ngu ngốc nhưng đầy lôi cuốn với một nhóm người Mỹ của đảng KKK. Không chỉ bằng lòng với các hình ảnh ẩn dụ, các câu truyện ngầm chỉ về tình cảnh của người da đen trong một xã hội Mỹ còn nhiều bất công, Spike Lee còn tăng tối đa thời lượng cho các đoạn đối thoại nhắc đi nhắc lại đối với khán giả một cách trực tiếp về khối u nhức nhối này, và về sự mâu thuẫn giữa giới chức, giữa những người có quyền lực trong tay nhưng lại sợ trách nhiêm như Cảnh sát trưởng Bridges và những nhà hoạt động không quản ngại vất vả gian lao nhưng trong tay lại chẳng có lấy một gram thực quyền như Patricia Dumas. Tiến thêm một bước nữa, với sự cộng tác của nhà quay phim Chayse Irvin, Spike Lee còn sử dụng rất nhiều cảnh quay cận mặt mang đầy tính sắp đặt để nhấn mạnh hơn nữa thông điệp của bộ phim, để cảnh tỉnh khán giả về nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn lan tràn ngay trong lòng nước Mỹ hiện đại, và từ đó kêu gọi họ suy ngẫm về tác hại lâu dài của KKK đối với xã hội nước Mỹ. Không suy ngẫm sao được khi BlacKkKlansman có một đoạn kết khác tông nhưng mang thông điệp chính trị mạnh mẽ hiếm có trong số các bộ phim điện ảnh của Hollywood năm 2018. 

Thành công tuyệt đối về mặt thông điệp chính trị và xã hội, nhưng xét trên khía cạnh một tác phẩm điện ảnh – bởi xét cho cùng BlacKkKlansman vẫn là một bộ phim điện ảnh với kịch bản do chính Spike Lee chắp bút cùng ba nhà biên kịch khác – thì tác phẩm mới nhất của đạo diễn người New York chưa hẳn đã vượt trội. Việc cán cân kịch bản nghiêng hẳn về khía cạnh chính trị - xã hội khiến BlacKkKlansman bỏ lỡ cơ hội trở thành một tác phẩm hấp dẫn trong dòng hình sự về “điệp viên tay trong” như The Departed (2006) của Martin Scorsese, và lôi cuốn khán giả nhờ chất hài châm biếm về đề tài phân biệt chủng tộc như Django Unchained (2012) của Quentin Tarantino. Tất nhiên, lựa chọn của Spike Lee – một đạo diễn luôn đề cao tinh thần “nhập thế” là hoàn toàn có thể hiểu được khi xét tới bối cảnh chính trị đầy nóng bỏng của nước Mỹ ở thời điểm hiện tại, nhưng việc bỏ lỡ bối cảnh đắt giá của BlacKkKlansman vốn cực kì thuận lợi cho dòng phim hình sự-hài đã biến tác phẩm mới nhất của Spike Lee mất đi phần nào sự hấp dẫn với một kịch bản không đồng đều về nhịp phim, một cốt truyện bị ngắt quãng và thiếu cao trào, và nhiều chi tiết không được khai thác một cách triệt để. Việc xây dựng nhân vật trong phim vì thế mà cũng bị ảnh hưởng phần nào, bởi nếu so với các bộ phim xuất sắc cùng đề tài xung đột sắc tộc như 12 Years a Slave (2013) của Steve McQueen hay Loving (2016) của Jeff Nichols thì BlacKkKlansman không thực sự có nhiều nhân vật đáng nhớ, bất chấp diễn xuất không tồi của John David Washington và đặc biệt là Adam Driver trong vai bộ đôi “Stallworth da đen” và “Stallworth da trắng”. Đây là một khía cạnh tương đối đáng tiếc của BlacKkKlansman không chỉ bởi cả Washington và Driver đều là những diễn viên tài năng, mà còn vì mảnh đất màu mỡ cho những nhân vật đáng nhớ đối với khán giả của BlacKkKlansman – đó là những xung đột về mặt tư tưởng, tinh thần, về định nghĩa thế nào là một người có ích của các nhân vật bị đặt trong bối cảnh đầy mâu thuẫn của một người da đen bị coi là đại diện cho quyền lực của người da trắng, của một người Do Thái phải làm bạn với những kẻ luôn phủ nhận nạn diệt chủng người Do Thái trong Thế chiến thứ hai là câu truyện không có thật. 

Trong một giai đoạn đầy biến động của xã hội nước Mỹ, khi bóng ma của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, của tư tưởng da trắng thượng đẳng từ những nhóm chuyên kích động hận thù bạo lực như KKK đang có nguy cơ quay trở lại ám ảnh nước Mỹ, thì những bộ phim với thông điệp chính trị mạnh mẽ như BlacKkKlansman là hết sức cần thiết. Tất nhiên, người xem sẽ còn cảm thấy hào hứng hơn nếu tác phẩm mới nhất của đạo diễn Spike Lee là một bộ phim xuất sắc của dòng phim hình sự-hài, nhưng đôi khi một cốc nước lạnh với không nhiều hương vị giải trí như BlacKkKlansman lại có hiệu quả hơn trong việc nhắc nhớ mọi người về việc dù Nội chiến Mỹ đã kết thúc cách đây hơn 150 năm, cuộc chiến chống tệ phân biệt chủng tộc vẫn còn hết sức nóng bỏng, và bình quyền cho những người da đen, cho những nhóm người thiểu số về sắc tộc, về tôn giáo ở nước Mỹ vẫn còn cần sự chung tay của tất cả chúng ta. 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire