some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mercredi 30 décembre 2020

Kim Ki-duk (1960 - 2020)


Một người đàn ông phải bỏ quê hương ra đi ở cái tuổi gần lục tuần vì vô số bê bối và ghét bỏ, phải lang thang tìm lấy một chỗ trú chân nơi đất khách quê người, để rồi phải trút hơi thở cuối cùng vì thứ bệnh dịch chẳng ai ngờ tới, tại một bệnh viện xa lạ, ở một đất nước xa lạ, trong cảnh đơn độc không người thân bên cạnh. Với những người yêu phim của Kim Ki-duk - một trong những gương mặt nổi bật nhất của điện ảnh Hàn Quốc từ thập niên 1990 trở lại đây thì câu truyện nói trên hoàn toàn có khả năng trở thành cái tứ cho một nhân vật nam chính trong một tác phẩm bạo liệt và giàu tính biểu tượng của đạo diễn này. Nhưng có lẽ chẳng ai có thể ngờ rằng đó lại chính là cái kết cho cuộc đời của chính Kim Ki-duk - nhà làm phim của những sự mâu thuẫn. 

Là những người "già" nhất trong số các nhà làm làm phim thế hệ 6x đã làm rạng danh cho điện ảnh Hàn Quốc như Bong Joon-ho, Park Chan-wook, hay Kim Jee-woon, Kim Ki-duk và Hong Sang-soo cũng là hai trong số đạo diễn hiếm hoi của thế hệ này được đào tạo ở nước ngoài để rồi mang về nước một tâm thế và phong vị làm phim hết sức khác biệt. Nhưng khác với sự mộc mạc và mềm mại của Hong Sangs-soo, xuyên suốt cả sự nghiệp, từ những tác phẩm đầu tay như Crocodile (1996), Bad Guy (2001), cho đến khiến người yêu phim thế giới phải chú ý với Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring (2003), The Bow (2005), và cả khi đứng trên đỉnh cao danh vọng với Pietà (2012), Kim Ki-duk luôn trung thành với dòng phim độc lập kinh phí thấp với truyện phim bạo liệt về những góc tăm tối nhất của con người và xã hội Hàn Quốc, nhưng chưa bao giờ thiếu vắng những hình ảnh ẩn dụ mang đầy tính biểu tượng về nhân tính. Theo dõi các nhân vật trong phim của Kim Ki-duk, đặc biệt là các nhân vật nam xuất thân nghèo khó, gai góc, bị xã hội hiện đại Hàn Quốc đẩy ra ngoài lề, khán giả dường như cũng thấy được một phần cuộc đời của chính người đạo diễn đi lên từ những công việc chân tay trước khi quyết tâm sang Paris bán tranh dạo, học điện ảnh, rồi quay về với một góc nhìn điện ảnh đậm chất Tây Phương tới mức luôn bị coi là người đứng ngoài những trào lưu chủ đạo của điện ảnh Hàn Quốc. Với khẩu vị công chúng Hàn Quốc vốn thường rất hoạt ngôn và yêu thích những khung hình trau chuốt, đẹp đẽ trên màn ảnh rộng, những nhân vật vô cùng kiệm lời nhưng lại thừa thãi bạo lực của Kim Ki-duk như trong Bad Guy hay 3-Iron (2004) có lẽ không thực sự phù hợp. Việc đa phần các nhân vật nữ trong các tác phẩm như The Isle (2000) của đạo diễn sinh năm 1960 đều ở "chiếu dưới", là cái bia hứng chịu sự thịnh nộ, vô tình từ phía các nhân vật nam chính lại càng khiến Kim Ki-duk trở thành một cái gai trong mắt giới phê bình, người xem, và đặc biệt là các nhà hoạt động xã hội, hoạt động vì nữ quyền ở Hàn Quốc. Vì vậy chẳng ngạc nhiên khi các tác phẩm "khó hiểu", "khó xem" của Kim Ki-duk hầu như đều thất bại nặng nề về mặt doanh thu ở thị trường Hàn Quốc tới mức đạo diễn từng thề sẽ không bao giờ phát hành phim của mình trong nước nếu Time (2006) không bán nổi 300.000 vé để rồi phải chứng kiến con đẻ của mình thu về vỏn vẹn 28.000 vé trong khi The Host của đạo diễn đồng lứa Bong Joon-ho thu về tới gần 11 triệu vé cũng trong năm 2006. 

Thất bại trong nước, nhưng ngôn ngữ điện ảnh giàu tính biểu tượng, lại mang tính cá nhân hoá cao độ và có hơi hướm của văn hoá - xã hội Hàn Quốc vốn chưa thực sự được phương Tây biết tới và quan tâm trong những năm đầu thiên niên kỷ mới đã lại giúp Kim Ki-duk trở thành con cưng của các liên hoan phim quốc tế. Chỉ riêng năm 2004, đạo diễn họ Kim đã giành cả hai giải đạo diễn xuất sắc nhất tại hai liên hoan phim uy tín Berlin và Venice cho Samaritan Girl và 3-Iron - hai tác phẩm được quay trong thời gian vỏn vẹn hai tuần dựa từ nguồn tài chính ít ỏi nhờ bán quyền phân phối ở thị trường quốc tế. Trớ trêu thay, vinh quang trên trường quốc tế lại chính là điều giới làm phim Hàn Quốc nói riêng, và người dân Hàn Quốc nói chung thèm muốn, bởi họ muốn thế giới phải nhận ra rằng Hàn Quốc có một nền điện ảnh không hề thua kém bất cứ quốc gia có bề dày văn hoá nào khác. Bởi vậy mà khi Kim Ki-duk làm nên lịch sử cho điện ảnh Hàn khi Pietà trở thành tác phẩm đầu tiên của Hàn Quốc đứng trên bục cao nhất của một trong bộ ba liên hoan phim hàng đầu Cannes-Berlin-Venice với tượng Sư tử vàng tại Venice, cả báo giới và người hâm mộ điện ảnh Hàn Quốc đã rơi vào thế hết sức khó xử bởi người đem Hàn Quốc đến với thế giới lại là một cái tên không được người Hàn yêu thích, thông qua một tác phẩm chẳng mang chút dấu ấn Hàn Quốc nào theo những tiêu chuẩn thông thường của công nghiệp điện ảnh nước này. 

Sau Pietà Kim Ki-duk vẫn không ngơi nghỉ với việc làm phim, khi gần như mỗi năm ông lại cho ra đời một, hai, thậm chí là ba tác phẩm. Nhưng đa phần các tác phẩm này không để lại nhiều dấu ấn, ngược lại một trong số đó - bộ phim Moebius (2013) lại chính là điểm khởi đầu cho sự sụp đổ của sự nghiệp Kim Ki-duk tại thị trường trong nước khi một trong số các diễn viên nữ của phim vào năm 2017 đã tố cáo đạo diễn họ Kim đã tấn công và chèn ép cô trong quá trình làm phim. Vốn chưa từng yêu thích vị đạo diễn lập dị, lại liên tiếp được đọc những sự việc như vậy về Kim Ki-duk trong bối cảnh trào lưu nữ quyền #MeToo nở rộ tại Hàn Quốc, công chúng Hàn Quốc đã quay lưng hoàn toàn với Kim Ki-duk tới mức ông phải chuyển hướng sang hoạt động ở các nước phương Bắc, để rồi phải đột ngột bỏ mình như hàng triệu người khác trên khắp thế giới vì COVID-19, khi đang tìm kiếm cho mình một nơi ở mới tại quốc gia lạnh lẽo Latvia. 

Chắc chắn không hề là chủ định, nhưng Kim Ki-duk đã chọn cho mình một cái kết có phần gợi nhớ đến số phận của rất nhiều các nhân vật trong phim của ông - độc hành ở cuối đường đời bị cắt ngắn đột ngột, khi đang tìm kiếm một hy vọng mới, một hạnh phúc mới. Với người dân và báo giới Hàn Quốc, có lẽ cái chết đột ngột của Kim Ki-duk không mang lại nhiều cảm xúc. Từ lâu đã là con cừu đen lạc loài trong nền điện ảnh Hàn Quốc, Kim Ki-duk từ vài năm trở lại đây đã bị ghi vào sổ đen vì những tố cáo tấn công tình dục và các tác phẩm bị liệt vào dạng lạc hậu, thụt lùi vì cách khắc hoạ các nhân vật nữ đi ngược lại với những nguyên tắc của chủ nghĩa nữ quyền thời kỳ hậu #MeToo. Người Hàn cũng chẳng còn cần một Kim Ki-duk người-hùng-của-điện-ảnh-Hàn-Quốc bởi giờ đây họ đã có Bong Joon-ho - một đạo diễn 6x khác với những bộ phim hết sức Hàn Quốc, cực kì ăn khách, và đặc biệt là đã đem về cho Hàn Quốc một loạt tượng vàng Oscar - những điều Kim Ki-duk chưa bao giờ, và sẽ chẳng bao giờ với tới được. Ngay cả với người yêu điện ảnh nói chung, Kim Ki-duk cũng là một cái tên gây tranh cãi bởi một phía cho rằng các tác phẩm của ông giàu chất triết lý với những câu truyện và nhân vật cực kì đặc sắc, đáng nhớ, còn phía kia lại cho rằng đó là thứ triết lý nông cạn, với tính biểu tượng nửa vời, và các nhân vật bị gò ép quá mức. Nhưng dù yêu, hay ghét Kim Ki-duk, có lẽ chẳng ai có thể phủ nhận được rằng các bộ phim của ông, dù cực kì bạo liệt như The Isle, hay nhẹ nhàng, mềm mại đến bất ngờ như Spring, Summer, Fall, Winter... and Spring đã để lại trong lòng mỗi người xem một chút gì đó để nhớ, để suy ngẫm về thân phận con người, về cách thức người với người nên đối xử với nhau để dù trong hoàn cảnh tăm tối nhất chúng ta vẫn không cảm thấy cô độc. Xin tạm biệt ông, Kim Ki-duk. 

======

Bản đã biên tập trên Zing.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire