some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mardi 21 janvier 2020

In the Absence (2019)


Sáng ngày 16 tháng 4 năm 2014, khi đang trên hải trình đi từ cảng Incheon tới đảo Jeju, con phà mang tên Sewol của Hàn Quốc đã bất ngờ chìm dần rồi lật úp, dẫn đến cái chết của 304 trên tổng số 476 hành khách và thuỷ thủ đoàn. Bi thảm hơn thế là việc trên con phà ngày hôm đó có tới 325 em học sinh của trường trung học phổ thông Danwon ở thành phố phía Bắc Ansan vốn được thầy hiệu phó Kang Min-kyu dẫn xuống đảo Jeju để du lịch và sinh hoạt ngoại khoá. 250 em trong số này đã bỏ mình lại biển sâu cùng chiếc phà chìm. Thầy giáo Kang nằm trong số ít những người may mắn được cứu thoát trong thảm kịch, để rồi tự tìm đường tới cái chết chỉ vài ngày sau đó. 

Những diễn biến của vụ chìm phà Sewol, cũng như phản ứng của những người trong cuộc, những ông bố bà mẹ đã mất đi đứa con yêu quý trong thảm kịch chẳng ai ngờ tới đó, và cả những người thợ lặn từng sẵn lòng lao xuống lòng biển tăm tối để vớt lên những thân xác vẫn còn mắc lại trong những khoang tàu lạnh lẽo là nội dung chính của bộ phim tài liệu ngắn In the Absence của đạo diễn người Hàn Quốc Yi Seung-Jun. Sự vô trách nhiệm đến khó tin của những người trong cuộc, đặc biệt là của lực lượng Tuần duyên và của chính Văn phòng Tổng thống Park Geun-hye cũng là những khía cạnh được khai thác trong In the Absence. Nhưng khác với một số tác phẩm tài liệu khác như The Truth Shall Not Sink with Sewol (2014) của Lee Sang-ho và Ahn Hae-ryong, hay Upside Down (2015) của Kim Dong-bin, bộ phim tài liệu dài chưa đầy 30 phút của đạo diễn họ Yi không tìm cách tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tai nạn của con phà xấu số, hay lập luận quy trách nhiệm cho bất cứ ai. Thay vào đó, Yi Seung-Jun cố gắng sử dụng tối đa những tư liệu ông có được từ phim tư liệu về các phiên điều trần các quan chức chính phủ, các đoạn phỏng vấn những người có liên quan, và thậm chí là những đoạn phim ngắn thu lại được từ những chiếc điện thoại đã được sử dụng trên con phà Sewol vào thời điểm thảm kịch xảy ra để mô tả lại cái ngày định mệnh, và cảm xúc của những người đã phải trực tiếp hoặc gián tiếp chịu đựng những nỗi đau từ tai nạn phà Sewol một cách trực diện và chân thực nhất.

Sinh năm 1971, đạo diễn người Busan Yi Seung-Jun thuộc thế hệ trẻ Hàn Quốc trưởng thành khi đất nước này đã trở nên thịnh vượng trong những năm tháng kinh tế phát triển vượt bậc. Nhưng cũng như nhiều người Hàn Quốc khác, có lẽ Yi Seung-Jun hiểu hơn ai hết những vết thương khó lành hằn sâu trong xã hội hiện đại Hàn Quốc, trong tâm trí của từng người dân Hàn Quốc gây ra từ sự nỗ lực, cố gắng đến hết tột bực để Hàn Quốc có được “kì tích sông Hán” từ chỗ đói nghèo vươn lên thành quốc gia phát triển. Đó là một xã hội với tỉ lệ người tự tử cao hơn bất cứ quốc gia phát triển nào khác trên thế giới. Đó là một dân số ngày càng già nua, nơi những người trẻ vì sức ép công việc, vì những trầm cảm trong cuộc sống ngày càng không muốn lập gia đình, không muốn có con cái. Đó là một đất nước có tỉ lệ sinh thấp bậc nhất trên thế giới, nơi mỗi đứa trẻ sinh ra là một “cục vàng” đúng nghĩa được những ông bố, bà mẹ nuông chiều với ước mong sau này đứa bé ấy có thể làm rạng danh trong gia đình với những tấm bằng tốt nghiệp tại một đại học hàng đầu nào đó của thủ đô Seoul đông đúc. Chính hoàn cảnh kinh tế - xã hội ấy đã biến Sewol không còn là một thảm hoạ giao thông mà còn trở thành một nỗi đau đớn không thể tưởng tượng nổi của cả xã hội Hàn Quốc, của từng người dân Hàn Quốc. Cú sốc lớn đối với đất nước Hàn Quốc ấy không chỉ khiến cho hàng chục triệu người sẵn sàng đeo lên ngực mình chiếc huy hiệu hình dải ruy băng màu vàng trong nhiều tháng, nhiều năm sau khi tai nạn diễn ra với hy vọng rằng mọi thi thể nạn nhân trong chiếc phà xấu số rồi sẽ có ngày tìm được về với đất liền thân thương, mà còn thúc đẩy hàng trăm nghìn, thậm chí là hàng triệu người sẵn sàng xuống đường biểu tình đòi công lý cho những người đã khuất, đòi trả lại sự thật về một vụ tai nạn hoàn toàn có thể ngăn chặn, đòi những người chưa làm đầy đủ trách nhiệm của họ trong thảm kịch – kể cả những người đang ở đỉnh cao quyền lực như nữ tổng thống Park Geun-hye phải trả giá cho sự tắc trách đã khiến cho hàng trăm cô bé, cậu bé phải cắt ngắn cuộc đời một cách cực kì vô nghĩa. 

Phải nói rất dài về bối cảnh đất nước Hàn Quốc hiện đại, và về sự trân quý của người Hàn dành cho thế hệ trẻ, là bởi người nước ngoài nếu không quen thuộc với cái dân tộc tính ấy hẳn sẽ lấy làm ngạc nhiên về việc tại sao một đất nước từng trải qua những tai nạn giao thông với hậu quả không kém phần thảm khốc – như vụ chìm phà Seohae năm 1993 khiến 292 trong tổng số 362 hành khách phải bỏ mạng trên Hoàng Hải, hay vụ cháy tàu điện ngầm ở Daegu năm 2003 khiến 192 người chết – lại phải rung chuyển vì vụ chìm phà Sewol tới mức phải xuống đường biểu tình để đòi bằng được vị nữ tổng thống quyền lực Park Geun-hye phải từ chức, phải bị truy tố vì bị coi là đã không thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ sinh mạng cho nhân dân Hàn Quốc. Tất cả những yếu tố đó, từ tâm hồn bị thương tổn sâu sắc của những người dân Hàn Quốc – đặc biệt là cha mẹ của các em bé thiệt mạng hay những người thợ lặn nhân hậu phải tự tay kéo từng xác người ra khỏi bóng đêm sâu thẳm của con phà đắm như Kim Gwan-Hong, cho tới sự phẫn nộ không thể dập tắt của cả xã hội Hàn Quốc trước sự vô cảm của Park Geun-hye và những người duới quyền bà đều được khắc hoạ rất rõ trong In the Absence bất chấp thời lượng không phải là dài của bộ phim. Bởi vậy mà với khán giả Hàn Quốc, có thể tác phẩm mới nhất của đạo diễn Yi Seung-Jun có thể là một tác phẩm không hề dễ xem, nhưng với người nước ngoài, có lẽ đây chính là bộ phim tài liệu phù hợp nhất để họ có thể hiểu, dù là một chút, về nỗi đau khôn nguôi của cả xã hội Hàn Quốc về những gì đã xảy ra với những hành khách của con phà Sewol xấu số. 

Từng giành giải thưởng lớn của ban giám khảo tại liên hoan phim tài liệu lớn nhất nước Mỹ DOC NYC từ năm 2018, và cả giải của World Press Photo, thậm chí là được chiếu công khai và miễn phí trên tài khoản YouTube và Vimeo của hãng Field of Vision, nhưng In the Absence chưa thực sự được nhiều công chúng biết tới khi mà số lượt xem của bộ phim sau 9 tháng công khai trên cả YouTube và Vimeo còn chưa chạm đến con số 50 nghìn – thua xa các video ca nhạc của các nhóm nhạc k-pop, hay thập chí là những đoạn video mới của những vlogger tầm trung làm về chủ đề du lịch Hàn Quốc. Nhưng để hiểu hơn đất nước Hàn Quốc, đặc biệt là tình cảm của những người dân Hàn Quốc dành cho con trẻ, và vết thương lòng chẳng thể gọi thành tên mà vụ chìm phà Sewol đã gây nên đối với mỗi tâm hồn người Hàn Quốc, thì In the Absence nên là lựa chọn đầu tiên. Không hiểu có phải vì lý do này, hay vì những câu hồi tưởng buồn đến thắt tim của người thợ lặn nhân hậu Kim Gwan-Hong về hình ảnh những chú chim nhỏ cất tiếng kêu đau đớn trong gió bão đã khiến cho Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ lựa chọn tác phẩm của đạo diễn Yi Seung-Jun trở thành một trong năm ứng viên cuối cùng cho hạng mục Phim tài liệu ngắn xuất sắc nhất tại giải Oscar năm nay. Nhưng vì lý do gì đi chăng nữa thì những người yêu điện ảnh và muốn tìm hiểu thêm về đất nước Hàn Quốc vẫn nên dành một lời cảm ơn chân thành cho Ban giám khảo của giải Oscar vì đã cho công chúng biết rằng, bên cạnh bộ phim giành tới 6 đề cử giải Oscar năm nay Parasite của đạo diễn Bong Joon-ho, thì vẫn còn một viên ngọc quý khác của điện ảnh Hàn Quốc xứng đáng để người xem bỏ thời gian thưởng thức – đó chính là In the Absence của Yi Seung-Jun.

=====

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire