some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mardi 21 janvier 2020

The Irishman (2019)


Là một cựu binh trở về từ chiến trường Ý sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, Frank Sheeran (Robert De Niro) chỉ có thể kiếm sống bằng cách rong ruổi với chiếc xe tải chuyên chở đồ đông lạnh ở thành phố công nghiệp đông đúc Philadelphia. Thường tranh thủ “kiếm thêm” bằng cách tuồn đồ đông lạnh cho các băng nhóm mafia, cuối cùng Frank Sheeran cũng bị bắt quả tang và phải ra hầu toà với bản án tù gần như không thể tránh khỏi. Nhưng nhờ có tinh thần mã thượng “thà đi tù chứ không khai ra đồng phạm”, Sheeran nhận được sự hỗ trợ từ tay luật sư lọc lõi Bill Bufalino (Ray Romano) để thoát tội và còn được Bill giới thiệu cho người anh họ Russell “McGee” Bufalino – một tay mafia thứ thiệt với rất nhiều quan hệ trong cả giới tội ác và các nghiệp đoàn của công nhân vốn là thế lực đáng gờm trong xã hội và chính trị Hoa Kỳ những năm giữa thế kỷ 20. Chẳng ngại ngùng bất cứ việc gì được Russell Bufalino giao, từ bảo kê cho tới giết người, tay lái xe tải gốc Ireland Frank Sheeran nhanh chóng trở thành tay anh chị cộm cán Frank “gã Ireland” Sheeran và cuối cùng được anh em nhà Bufalino giao phó cho nhiệm vụ quan trọng là làm trợ tá cho Jimmy Hoffa (Al Pacino) – chủ tịch công đoàn Teamsters. Là công đoàn có tới cả vài triệu thành viên là những tài xế lái xe đường dài – những người duy trì huyết mạch kinh tế cho toàn nước Mỹ, Jimmy Hoffa lẽ dĩ nhiên được coi là một trong những nhân vật quan trọng nhất của chính trường nước Mỹ với tài hùng biện cuốn hút người nghe và cách sống nhiệt thành, hết mình vì các “đồng chí” trong cùng nghiệp đoàn. Tất nhiên đã có quyền lực thì không thể quên kiếm tiền, Hoffa sử dụng nguồn quỹ gần như vô hạn của công đoàn Teamsters để cho chính các băng đảng mafia như băng của Bufalino vay để đổi lại lấy các khoản lãi lớn cùng sự bảo vệ của thế giới ngầm trước các đối thủ cạnh tranh trên chính trường. Sheeran chính là người được giao bảo vệ Jimmy Hoffa khỏi những mưu toan như vậy, nhưng sức cuốn hút quá lớn của Hoffa cùng những vị trí trong công đoàn Teamsters được Hoffa hứa hẹn đã biến Sheeran dần trở thành một cộng sự, một người bạn thân tín của Jimmy Hoffa. Tuy nhận được sự bảo kê đến tận răng như vậy của thế giới ngầm nhưng Jimmy Hoffa khó lòng thoát khỏi sự truy đuổi của chính chính phủ Hoa Kỳ - những người luôn nghi ngờ các phi vụ làm ăn mờ ám của Hoffa nói riêng và muốn làm giảm ảnh hưởng của các tổ chức công đoàn như Teamsters nói chung. Sức ép chính trị đã dần tạo ra những rạn nứt trong quan hệ giữa Hoffa và các băng đảng mafia của anh em nhà Bufalino hay băng của Anthony "Tony Pro" Provenzano (Stephen Graham) và đặt Frank Sheeran vào thế kẹt giữa một bên là các “đại ca”, một bên là người bạn – người đỡ đầu. Liệu Frank Sheeran có thể giải quyết được bài toán khó này? Và liệu “gã người Ireland” có liên quan gì đến sự mất tích sau đó của Jimmy Hoffa – một trong những vụ mất tích bí ẩn và khiến báo chí Hoa Kỳ tốn nhiều giấy mực nhất trong suốt nửa thế kỷ qua? Khán giả sẽ có được một câu trả lời với mức độ xác thực nhất định qua bộ phim mới nhất của đạo diễn Martin Scorsese – “The Irishman”.

Trong vài năm trở lại đây, hãng phân phối phim trực tuyến Netflix đã vấp phải khá nhiều chỉ trích đến từ giới làm phim kiểu truyền thống, trong đó có cả những tên tuổi lớn như đạo diễn Steven Spielberg hay ban tổ chức của Liên hoan phim Cannes bởi Netflix đã phần nào đó làm “tầm thường hoá” trải nghiệm điện ảnh của người xem - những người sẵn sàng vì sự tiện lợi của Netflix trên màn ảnh nhỏ mà bỏ qua việc tới rạp phim để tận hưởng chất lượng hình ảnh và âm thanh thực sự của các nhà làm phim. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chính nhờ có túi tiền gần như là “không đáy” cùng khả năng đem tác phẩm điện ảnh tới bất cứ khán giả nào có thể tiếp cận với Internet, Netflix đã tạo cơ hội hiếm hoi cho những bộ phim nghệ thuật tốn kém mà những hãng phim truyền thống đã không còn mặn mà bởi những tác phẩm dạng này chứa đựng những rủi ro tài chính quá cao khi phải so sánh với các bộ phim siêu anh hùng, phim “làm lại”, hay phim “phần kế tiếp”. The Irishman là một tác phẩm như thế. Dù được coi là một trong những tên tuổi lớn nhất của Hollywood trong suốt nửa thế kỷ qua, nhưng Martin Scorsese phải mất tới gần một thập niên loay hoay để tìm được nguồn tài chính cần thiết từ “bầu sữa” của Netflix để có thể chuyển thể tiểu thuyết điều tra I Heard You Paint Houses của Charles Brandt lên màn ảnh lớn. Rõ ràng với thời lượng dài tới 3 tiếng 20 phút, kinh phí lên tới trên 150 triệu đô la – ngang ngửa với một bộ phim siêu anh hùng, The Irishman khó có thể coi là một khoản đầu tư hấp dẫn cho các hãng phim kiểu truyền thống đang phải vật lộn với lượng khán giả đến rạp ngày một giảm sút. Nhưng Netflix có những tính toán riêng của họ. Họ cần hút khán giả tới trang web phân phối phim trực tuyến của mình bằng những tên tuổi lớn. Họ cũng cần những bộ phim có chất lượng thực sự để chứng tỏ rằng Netflix không chỉ là điểm đến của những loạt phim truyền hình hay những tác phẩm “đã nguội” trên thị trường. Với uy tín của một đạo diễn chưa từng xuống tay sau nửa thế kỷ làm phim của Martin Scorsese, ngòi bút xuất sắc của biên kịch Steven Zaillian – tác giả kịch bản của Schindler's List (1993) và Moneyball (2012), và đặc biệt là sự xuất hiện của bộ ba Robert De Niro – Al Pacino – Joe Pesci, The Irishman rõ ràng đã mang theo rất nhiều hy vọng của Netflix.

Nhưng Netflix hy vọng một, thì người yêu phim hy vọng mười. Bởi với The Irishman người xem lần đầu tiên được chứng kiến sự tái ngộ của bộ ba huyền thoại Scorsese – De Niro – Pesci sau đúng một phần tư thế kỷ kể từ Casino (1995). Câu truyện về tình bạn và sự phản bội, bi kịch về sự sụp đổ của những tay giang hồ tưởng chừng mã thượng nhưng chẳng thể thoát khỏi hố tràm của tội ác và bạo lực qua sự thể hiện ăn ý tới từng câu thoại, từng ánh mắt của Robert De Niro và Joe Pesci qua Casino và đặc biệt là Raging Bull (1980) và Goodfellas (1990) – hai bộ phim xuất sắc bậc nhất trong sự nghiệp đạo diễn của Martin Scorsese đã và sẽ luôn in dấu ấn đậm nét trong trí nhớ của bất cứ người xem nào có may mắn được theo dõi các tác phẩm kinh điển của dòng phim tội ác này. Không chỉ dừng lại ở đó, The Irishman còn là lần đầu tiên đạo diễn 77 tuổi người Mỹ có cơ hội hợp tác với Al Pacino – một huyền thoại khác của dòng phim tội ác và là người cùng với Scorsese, De Niro, Spielberg, Coppola làm nên làn sóng mới New Hollywood cho điện ảnh Hoa Kỳ. Và quả thực, “đội hình trong mơ” ấy đã làm khán giả hết sức thoả mãn với một tác phẩm tinh tuyền của dòng phim tội ác. Tuy Al Pacino đã 79 tuổi còn De Niro và Pesci cũng đã 76 nhưng cả ba đã cho thấy họ phần nào đó vẫn giữ được uy lực diễn xuất và cá tính riêng gần như chưa bị tuổi tác bào mòn. Joe Pesci thâm trầm đúng chất một tay mafia trong vai Russell “McGee” Bufalino, Al Pacino đầy năng lượng, nhiệt thành nhưng cũng hết sức “cứng đầu” trong vai lãnh tụ công đoàn Jimmy Hoffa, còn Robert De Niro nóng tính và bạo lực nhưng cũng hết mực trung thành và tận tâm vì bạn bè chiến hữu trong vai “gã Ireland” Frank Sheeran – cả ba không chỉ là những số phận gắn liền với thế giới ngầm của những băng đảng mafia và những công đoàn đầy thế lực nhưng cũng lắm vết chàm như Teamsters, mà còn tạo nên một bức tranh sống động về xã hội phồn vinh có nhưng tao loạn cũng nhiều của nước Mỹ thập niên 1960 và 1970. Trong số ba cái tên đã vào hàng huyền thoại này thì xuất sắc hơn cả có lẽ là Robert De Niro trong vai trung tâm của phim Frank “gã Ireland” Sheeran. Chính những lời kể không rõ bao nhiêu phần thật, bao nhiêu phần hư cấu của Sheeran đã giúp Charles Brandt viết nên cuốn sách “I Heard You Paint Houses” để giải đáp cho sự mất tích bí ẩn suốt gần nửa thế kỷ qua của Jimmy Hoffa và là nguồn cảm hứng để Robert De Niro quay trở lại với “người quen cũ” Martin Scorsese sau một phần tư thế kỷ với The Irishman. Bởi vậy không lạ khi vai Frank Sheeran được Scorsese và biên kịch Steven Zaillian đặt vào trung tâm của bộ phim. Nhưng được kịch bản chăm chút là một chuyện, thể hiện một cách thành công nhân vật có rất nhiều thái cực tình cảm đối lập – từ cầm súng giết đối thủ không ghê tay tới dõi theo đứa con gái yêu quý với ánh mắt âu lo hết mực, từ nhiệt thành ủng hộ cho từng đường đi nước bước của người “đồng chí” trong Công đoàn cho tới xuống tay hạ thủ chính người đồng chí ấy chỉ vì nhận lệnh từ một thế lực còn cao hơn cả tình bạn – mafia, lại là một câu chuyện rất khác. Và Robert De Niro đã hoàn toàn thành công trong vai diễn rất đáng nhớ này. Tuy ngôi sao lớn người Mỹ mang cả dòng máy Ireland và Ý trong người này mới dành được một đề cử giải Oscar vai nam phụ năm 2012 cho vai diễn trong Silver Linings Playbook, nhưng rõ ràng để tìm thấy một vai diễn dày dặn, để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem như Frank Sheeran thì người xem sẽ phải quay tận về giai đoạn những năm đầu thập niên 1990 khi Robert De Niro vẫn còn đang ở đỉnh cao của dòng phim tội ác với một loạt các vai diễn xuất sắc liên tiếp trong Goodfellas (1990), Cape Fear (1991), Casino (1995) và Heat (1995). Bằng ánh mắt biết nói, bằng giọng nói khàn đục nhưng đầy cảm xúc, bằng từng cử chỉ dứt khoát có, ngập ngừng có, Robert De Niro đã giúp khán giả thực sự hiểu được số phận của Frank Sheeran – một gã giang hồ bên ngoài thừa bạo lực nhưng bên trong rất giàu tình cảm cứ chới với chìm dần trong hố sâu của tội ác để rồi mất đi tất cả những người mà gã trân quý nhất và phải sống những ngày cuối đời trong đơn độc, tiếc nuối. Chẳng còn lại gì sau một chặng đường đời rất dài nhuốm máu của một gã mafia chuyên “sơn tường” bằng vệt máu của những nạn nhân mà gã giết hại, Frank Sheeran chỉ còn lại một nụ cười méo xệch tưởng chừng ngạo nghễ nhưng thực ra là muôn vàn cay đắng. Chứng kiến con đường tự huỷ diệt của Frank Sheeran xuyên suốt bộ phim, có lẽ không khán giả nào cảm thấy thương xót “gã Ireland” nhưng hẳn cũng sẽ không ít người cảm thấy tiếc cho gã, như cái cách người xem năm nào thấy tiếc nuối cho tay võ sĩ quyền Anh Jake LaMotta – vai diễn xuất sắc bậc nhất trong sự nghiệp của Robert De Niro và từng mang lại giải Oscar thứ hai cho ông trong Raging Bull (1980) khi Jake gào lên với bức tường câm lặng những câu hỏi không ai có thể trả lời thay gã về nguồn cơn của mọi bất hạnh trong số phận một người đàn ông chỉ biết dùng bạo lực để làm giải pháp cho mọi khúc mắc trong cuộc đời. 

Tuy không có được chiều sâu như vai Frank Sheeran của Robert De Niro nhưng Al Pacino vẫn có được chỗ đứng riêng nhờ diễn xuất giàu năng lượng tới mức khó tin ở một diễn viên gạo cội đã sắp bước sang tuổi bát thập. Uy lực chưa bao giờ giảm sút trên màn ảnh lớn cùng sự nhiệt thành trong từng cảnh quay của Al Pacino đã giúp khán giả hiểu được phần nào lý do tại sao dù vướng phải không ít bê bối và tai tiếng về những phi vụ qua lại với giới mafia nhưng Jimmy Hoffa trong thập niên 1960 vẫn quan trọng “chẳng kém gì tổng thống Mỹ” với sự ủng hộ hết mình của cả triệu công đoàn viên vốn là những tay lái xe tải rong ruổi trên mọi nẻo đường nước Mỹ của nghiệp đoàn Teamsters. Dù có thể coi là hai cực đối lập của kịch bản The Irishman nhưng sự ăn ý trong diễn xuất giữa Al Pacino và Robert De Niro đã làm bật được lên những góc cạnh khó nói trong tính cách của Frank Sheeran và Jimmy Hoffa, đồng thời tạo được điểm nhấn cần thiết để giúp khán giả hiểu hơn, cảm hơn những khúc quanh định mệnh trong số phận của hai người. Sự tung hứng nhịp nhàng trong những câu thoại, tình bạn có phần “bất bình thường” giữa Sheeran và Hoffa có lẽ cũng sẽ làm khán giả nhớ lại những pha “đối thoại trong đối đầu” kinh điển mà Al Pacino và Robert De Niro đã đem tới cho người xem trong tuyệt phẩm của thể loại hành động Heat (1995) và giúp họ quên đi rằng sau đó cả hai còn cùng diễn chung trong một tác phẩm rất dở là Righteous Kill (2008). Hơi có chút đáng tiếc là nếu so với Al Pacino và Robert De Niro thì có lẽ Joe Pesci – sau nhiều năm giã từ những vai lớn trên màn ảnh đã xuất hiện một cách tương đối lặng lẽ trong vai diễn quan trọng là tay anh chị Russell Bufalino – gã mafia được nhiều người coi là đứng đằng sau sự mất tích bí hiểm của Jimmy Hoffa năm 1975. Tất nhiên nốt trầm của Pesci cũng có cái hay riêng khi nó giúp bộ ba Pacino – De Niro – Pesci có thêm một sắc lạnh, một sự im lặng cần thiết để mô tả sự tàn nhẫn đến rợn người nhưng vẫn đầy toan tính của thế giới mafia – thứ khó lòng có thể mô tả bằng nắm đấm của Sheeran hay những bài diễn thuyết cuốn hút của Hoffa. Tuy nhiên, xem xong bộ phim dài tới hơn ba tiếng, chắc ai từng hâm mộ bộ đôi De Niro – Pesci cũng sẽ cảm thấy tiếc rằng họ đã không được chứng kiến những màn đấu khẩu nảy lửa giữa hai người, hay những pha đe doạ đến lạnh gáy điển hình của một tay anh chị mafia và cũng là “sở trường” của Joe Pesci qua những vai diễn thành công của ông, đặc biệt là vai Tommy DeVitto trong Goodfellas

Mặc dù vậy, điểm gợn lớn nhất của không chỉ Joe Pesci mà cả Al Pacino và Robert De Niro trong The Irishman là việc bộ phim sử dụng rất nhiều kỹ xảo điện ảnh (CGI) để “làm trẻ” khuôn mặt của cả ba “lão nghệ sĩ” cho phù hợp với độ tuổi của các nhân vật trên phim. Tuy không ai có thể phủ nhận rằng các nghệ sĩ và kỹ sư kĩ xảo điện ảnh của The Irishman đã hết sức thành công trong việc quay ngược đồng hồ thời gian để tạo ra những Al Pacino, Robert De Niro, và Joe Pesci của những năm 80 thế kỷ trước một cách gần như hoàn hảo, tạo sự liền mạch không gượng ép về mặt hình ảnh trong mọi trường đoạn của bộ phim rất dài này. Nhưng nếu để ý kỹ, người xem vẫn có thể nhận ra rằng khuôn mặt của cả De Niro, Pacino, và Pesci đều có chút gì đó thiếu sự sống với những cơ mặt không được tự nhiên, những nét mặt khô cứng không thể làm khán giả không đặt ra câu hỏi rằng liệu những khuôn mặt khô cứng kia (đặc biệt là trong trường hợp của Joe Pesci) có phải chính là những khuôn mặt từng bao năm cuốn hút người xem qua từng thước phim của các tác phẩm huyền thoại của Hollywood.

Kỹ xảo điện ảnh, cùng thời lượng phim rất dài có lẽ là những trở ngại chính của The Irishman khi đến với công chúng yêu thích phim nói chung. Nhưng chỉ cần có một chút kiên nhẫn trong khoảng 30 phút đầu của phim, chắc chắn bất cứ người yêu điện ảnh nào cũng sẽ nhận ra được rằng họ đang được theo dõi một tác phẩm hết sức xuất sắc về tội ác, về xã hội, về cuộc sống, về con người của nước Mỹ trong một giai đoạn rất nhiều biến động trong lịch sử hiện đại của quốc gia này. Cách kể truyện mạch lạc, không lạm dụng kỹ xảo hay những chiêu trò câu kéo bằng các nút thắt mở hay bất ngờ không cần thiết, và sự chăm chút từng ly từng tí cho các nhân vật đã giúp Martin Scorsese chứng tỏ được rằng với The Irishman, ông vẫn xứng đáng là tên tuổi “bảo chứng” tốt nhất cho những tác phẩm tinh tuyền của dòng phim tội ác Hollywood. Và tất nhiên với những người đã yêu phim Scorsese suốt nửa thế kỷ qua, thì tác phẩm mới nhất này của ông chắc chắn là một món quà khó lòng bỏ qua, bởi bộ phim không chỉ có những tên tuổi lớn nhất từng gắn liền với sự nghiệp của Martin Scorsese như Robert De Niro và Joe Pesci, mà còn vì tác phẩm này chứa đựng tất cả những đặc điểm tiêu biểu nhất trong phong cách nghệ thuật của Scorsese, từ những trường đoạn độc thoại của nhân vật chính, những cú bấm máy dài, cách mô tả bạo lực, hành động gãy gọn không màu mè giả dối, và tất nhiên là những nhân vật nhiều màu sắc, anh hùng mã thượng có, nhưng bi kịch thì cũng rất nhiều.

Rất dài, nói về cuộc đời của những tay anh chị giang hồ nước Mỹ, kể lại được những câu truyện bi tráng về tình bạn và sự phản bội, chạm tới được những đổi thay trong lịch sử của quốc gia đa chủng tộc, đa văn hoá này, có lẽ những người yêu điện ảnh sẽ nghĩ ngay đến những đặc điểm chung này giữa The Irishman và một tác phẩm xuất sắc khác của dòng phim tội ác, đó là Once Upon a Time in America (1984) – tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp của đạo diễn người Ý Sergio Leone. Cũng có sự xuất hiện của bộ đôi Robert De Niro – Joe Pesci, Once Upon a Time in America dù khi ra đời chẳng giành được giải thưởng nào đáng kể, cũng không thành công về mặt thương mại, nhưng mãi mãi đi vào lòng khán giả nhờ những câu truyện đầy đau xót về những số phận bị đè chặt bởi tội ác, về những tình bạn tưởng lâu bền nhưng cuối cùng vẫn bị huỷ hoại bởi lòng tham, sự mù quáng đến từ tiền tài, danh vọng, sự hèn nhát. Những ai yêu thích Once Upon a Time in America năm xưa chắc chắn cũng sẽ yêu thích The Irishman bởi sự tương đồng giữa hai bộ phim. Nhưng với cả những người yêu phim nói chung, hãy đừng bỏ qua cả hai bộ phim bởi trong xu hướng làm phim thời hiện đại, sẽ là rất khó để những tác phẩm rất dài với cách kể truyện chỉn chu, không màu mè như Once Upon a Time in America trước kia và The Irishman hiện nay có thể tồn tại giữa vô vàn những bộ phim “mỳ ăn liền” kiểu “tiền truyện”, “hậu truyện” của Hollywood. Và những tác phẩm nghiêm cẩn như thế rất cần sự ủng hộ của những khán giả yêu phim, bởi không có sự ủng hộ đó, thật khó để Netflix – dù với hầu bao lớn tới cỡ nào – có thể tiếp tục là “Mạnh Thường Quân” cho những tác phẩm nghệ thuật đang dần trở thành của hiếm trên thị trường.

========

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire