some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

vendredi 24 janvier 2020

1917 (2019)


Tháng Tư năm 1917, sau ba năm đẫm máu của cuộc Thế chiến lần thứ nhất, thế trận giữa Phe Đồng minh và Liên minh Trung tâm tại mặt trận phía Tây vẫn chưa thực sự ngã ngũ khi mà binh sĩ hai bên vẫn phải ẩn mình trong những hầm hào chật hẹp ở miền Bắc nước Pháp để tránh cái chết gần như là chắc chắn cho bất cứ ai cả gan đặt chân vào vành đai trắng giữa hai chiến tuyến no man’s land. Trong bối cảnh ấy, quân Đức – lực lượng trụ cột của Liên minh Trung tâm khiến toàn bộ Phe Đồng minh bất ngờ khi tung tin sẽ rút khỏi chiến tuyến họ đã dùng không biết bao nhiêu máu thịt để chiếm và giữ từ tay người Pháp và đồng minh của họ là người Anh. Cho rằng đây là cơ hội nghìn năm có một để giáng một đòn chí mạng vào lính Đức, tiểu đoàn 2 của Trung đoàn Devonshire dưới sự chỉ huy của đại tá Mackenzie (Benedict Cumberbatch) được lệnh cấp tốc vượt chiến tuyến để đánh chặn quân Đức đang rút lui. 

Chỉ một ngày trước kế hoạch tổng tấn công của tiểu đoàn Mackenzie, ở phía sau chiến tuyến của người Anh, tướng Erinmore (Colin Firth) lại nhận được mật báo rằng kịch bản của quân Đức chỉ là một cái bẫy để kéo 1600 lính của đại tá Mackenzie trở thành mồi ngon cho những cỗ pháo Đức đã được lên nòng chờ sẵn. Không có cách nào liên lạc với Mackenzie bởi đường dây điện thoại đã bị cắt đứt do binh lính của Trung đoàn Devonshire đã di chuyển qua chiến tuyến của người Đức và vượt quá tầm với của đường dây điện thoại giao liên. Không còn thời gian và cũng không còn giải pháp khác, tướng Erinmore buộc phải giao phó mật lệnh huỷ cuộc tấn công của tiểu đoàn Mackenzie cho hai anh chàng binh nhất Tom Blake (Dean-Charles Chapman) và Will Schofield (George MacKay) để hai người lính với khuôn mặt non choẹt này vượt qua chiến tuyến và vành đai trắng mang tới cho đại tá Mackenzie trước buổi bình minh của cuộc tấn công. Từng tham gia và thậm chí là giành được huân chương dũng cảm tại chiến trường ở Sommes – một trong những cối xay thịt khủng khiếp nhất của Thế chiến thứ nhất, Schofield hiểu hơn ai hết hiểm nguy và cái chết rình rập trong từng hố đạn pháo, từng đoạn hầm hào của vành đai trắng và tỏ rõ sự ngần ngừ khi phải nhận nhiệm vụ liều chết do tướng Erinmore giao cho. Nhưng trách nhiệm của một người bạn, một người đồng đội cũng lại khiến Schofield không thể bỏ mặc Tom Blake – người một sống hai chết vẫn quyết tâm vượt chiến tuyến bởi lý do đơn giản là ở phía bên kia, trong 1600 người lính của đại tá Mackenzie có trung uý Joseph Blake (Richard Madden), anh trai của Tom, và bằng mọi giá – kể cả chính mạng sống của mình, Tom Blake không muốn để anh trai phải rơi vào cạm bẫy giăng sẵn của kẻ thù.

Theo chia sẻ của đạo diễn người Anh Sam Mendes – đạo diễn của bộ phim giành giải Oscar American Beauty (1999) và bộ đôi phim ăn khách về điệp viên 007 Skyfall (2012) và Spectre (2015) thì ông làm 1917 là để kể lại câu chuyện chiến trường của người ông – nhà văn có tiếng Alfred Mendes về thời gian ông làm giao liên cho quân đội Anh trên những chiến trường đẫm máu của cuộc đại chiến thế giới lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Vốn là nhà làm phim với sở trường là các tác phẩm bi kịch – từ cuộc sống tưởng chừng đẹp đẽ nhưng ngột ngạt của một gia đình trung lưu người Mỹ trong American Beauty, cho tới con đường diệt vong của những người đã lỡ bước chân vào nghiệp băng đảng trong Road to Perdition (2002), và cả sự tan vỡ của những mỗi tình tưởng chừng không thể chia cắt trong Revolutionary Road (2008), có lẽ Sam Mendes đã tìm thấy một đề tài nữa đúng với khẩu vị của mình ở bi kịch của những người lính phải chui rúc không khác gì những con chuột cống trong những hầm hào của Mặt trận phía Tây Chiến tranh thế giới lần thứ nhất để lẩn trốn cái chết. Trong cuộc chiến hầm hào ấy, cái chết có thể đến đột ngột cho những ai dám cả gan ló đầu ra khỏi các chiến hào hay bước chân vào những vành đai trắng chằng chịt hố bom và dây thép gai, nhưng sự diệt vong cũng có thể thẩm thấu một cách từ từ qua da thịt của những người lính phải dán mình nhiều ngày, thậm chí là nhiều tháng trong không gian chật hẹp, nhớp nháp của hầm hào bên cạnh vô số chuột bọ, bệnh tật, và áp lực tâm lý nặng nề của những số phận hàng ngày phải đối mặt với cái chết. Nhưng kịch bản 1917 của Sam Mendes và nữ biên kịch trẻ Krysty Wilson-Cairns không chỉ dừng lại ở đó. Bộ phim còn là câu truyện về niềm tin, về khả năng sinh tồn, về sức sống mãnh liệt của con người và thiên nhiên trước sức tàn phá khủng khiếp của bom đạn, của ngọn lửa vô tình của chiến tranh điêu tàn. Người xem có thể cảm nhận được rõ ràng tinh thần sống của 1917 qua chuyến đi đầy hiểm nguy của hai người lính trẻ nhưng luôn giữ trong mình niềm tin tới đích Blake và Schofield. Chẳng ai có thể sống sót một khi đã đặt chân vào vành đai trắng – những sĩ quan kinh nghiệm đầy mình như trung uý Leslie (Andrew Scott) đã thẳng toẹt như vậy khi “tiểu đội hai người” xin quyền vượt chiến tuyến để thi hành nhiệm vụ cảm tử tướng Erinmore đã giao phó. Nhưng Blake và Schofield vẫn quyết tâm dấn thân vào nghĩa địa của người, ngựa, và bom mìn ấy để đi tìm sự sống cho trung uý Joseph Blake và 1599 người khác trong tiểu đoàn của đại tá Mackenzie. Và cũng chính niềm tin vào sự sống ấy đã giúp hai người lính trẻ phát hiện ra rằng họ không phải những người duy nhất tin vào sự sống – bởi đây đó trong những trang trại nham nhở vì đạn pháo, giữa những căn nhà đổ sụp vì bom mìn, phía dưới những thành phố đang ngùn ngụt cháy bởi ngọn lửa của lính Đức thì cuộc sống vẫn đang sinh sôi nảy nở với những em bé khát sữa, và cả những chú bò sữa thủng thẳng gặm cỏ bất chấp cái chết rình rập. 

Cách đây 35 năm, đạo diễn Liên Xô Elem Klimov đã đem tới cho khán giả một tác phẩm được coi là xuất sắc bậc nhất của dòng phim chiến tranh trong lịch sử điện ảnh - Idi i smotri hay Hãy đến. Tác phẩm của hãng phim danh tiếng Mosfilm là chuyến hành trình đối diện với những hậu quả khủng khiếp từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai của cậu bé Florya. Từ chỗ là một con người, đúng hơn là một đứa bé mới lớn, cậu bị bom đạn làm cho điếc, rồi bị sự dã man của lính Đức làm cho mất nốt cái giác quan quan trọng nhất của một con người – cảm giác rằng mình tồn tại bất chấp thực tế trớ trêu rằng Florya mới chính là người sống sót duy nhất. Thật tình cờ rằng khi so sánh gương mặt con trẻ của diễn viên Aleksei Kravchenko – người được đạo diễn Klimov giao thủ vai Florya với tạo hình của Schofield qua sự thể hiện của George MacKay, người xem sẽ tìm thấy nhiều nét tương đồng. Đó cùng là những gương mặt tròn trịa không nhiều góc cạnh kiểu người hùng, đó cùng là những đôi mắt buồn đến ngơ ngác nhất là sau khi phải chứng kiến cái chết, phải đối mặt với những xác người, xác động vật chết vì chiến tranh ở mọi nơi, mọi lúc. Cũng như Elem Klimov, Sam Mendes không ngần ngại “bắt” khán giả phải cảm nhận sự chết chóc và bạo lực của chiến tranh một cách trực diện với những cảnh quay không khoan nhượng từ góc nhìn của các nhân vật trong phim của họ về cái cách con người hành hạ và huỷ diệt con người, cái cách sự khốn khổ của nạn nhân của bạo lực tột cùng đó còn tiếp tục ngay cả sau khi họ đã chết khi mà những cái xác không hồn của họ trở thành mồi ngon cho quạ, cho thú hoang, cho sự gặm nhấm từ từ nhưng vô tình của thiên nhiên. Và cũng xuất sắc như Kravchenko, MacKay đã thể hiện rất thành công sự thương tổn sâu sắc của binh nhất Schofield khi đi qua muôn mặt của chiến tranh trên con đường đi tìm sự sống cho tiểu đoàn của đại tá Mackenzie. Tất nhiên Schofield không phải cậu bé mới lớn như Florya. Anh lính trẻ từng tham chiến ở Sommes – mặt trận từng chứng kiến hơn một triệu binh sĩ của hai phía bỏ mạng chỉ trong vòng ba tháng. Anh lính trẻ cũng trải nghiệm sự sống và cái chết nơi hầm hào nhiều tới mức chai sạn, nhiều tới mức sẵn sàng đổi tấm huân chương cao quý giành được vì lòng dũng cảm ở Sommes để lấy một chai vang Pháp cho thoả cơn khát. Nhưng chỉ từng ấy thôi cũng là không đủ để chuẩn bị cho Schofield để đối mặt với vô số những chết chóc và bi kịch rải đầy trên đường thi hành nhiệm vụ cảm tử cùng người đồng đội Tom Blake. Chỉ nhờ có kinh nghiệm chiến đấu dày dạn, và nhất là nhờ vào niềm tin mãnh liệt rằng “mình có thể đi tới đích”, Schofield mới có thể lết được qua từng dặm đường của chiến tranh mà không mất đi cái cảm giác còn sống, được sống như Florya trong Idi i smotri và tạo nên một 1917 dù bi kịch nhưng vẫn nhiều niềm tin hơn, nhiều hy vọng hơn tác phẩm năm xưa của đạo diễn Elem Klimov. 

Câu truyện của Schofield và Blake trên chiến trường giúp 1917 trở thành một bộ phim hay, nhưng phần hình ảnh của tác phẩm nhờ vào sự hợp tác giữa Sam Mendes và nhà quay phim vĩ đại Roger Deakins mới biến 1917 trở thành một tuyệt phẩm. Được biên tập như một bộ phim không hề có cắt cảnh, 1917 thực chất bao gồm rất nhiều cảnh quay dài được dựng một cách khéo léo để tạo cảm giác từ đầu đến cuối Roger Deakins không hề đóng máy để chuyển cảnh mà theo sát từng bước đi của Schofield và Blake trên con đường chông gai tìm kiếm đại tá Mackenzie. 1917 sử dụng rất nhiều góc máy cận cảnh và đặc tả nhân vật để giúp khán giả có cảm giác họ cũng là một thành viên của “tiểu đội hai người” phải đối mặt với những hiểm nguy và sự tàn khốc của chiến tranh vốn là một “đặc sản” của nhà quay phim 70 tuổi người Anh – người từng giành tới 15 đề cử Oscar cho quay phim xuất sắc nhất. Bên cạnh đó, Deakins cũng xen kẽ vào đó những cảnh quay tầm trung để người xem thấy được quy mô của cuộc chiến, sự khác biệt của từng quang cảnh làng mạc, thiên nhiên, chiến trường mà Schofield và Blake đã bước qua. Điểm đáng khâm phục đối với Roger Deakins và đội ngũ kỹ thuật của 1917 là việc tuy tác phẩm chiến tranh này có rất nhiều bối cảnh cực khó, từ những hầm hào chật hẹp ướt át cho tới những đồng cỏ rộng lớn mênh mông và tất nhiên không thiếu sự gồ ghề, góc cạnh, những chướng ngại tưởng chừng không thể vượt qua điển hình cho một cuộc chiến hầm hào, nhưng tất cả cảnh quay của bộ phim dù rất dài nhưng đều tạo cảm giác mượt mà, liền mạch với chất lượng quay rất cao và chứng tỏ đoàn làm phim của 1917 đã phải bỏ rất nhiều thời gian và công sức để lên kế hoạch kỹ lưỡng cho từng cảnh quay, từng cử động của các diễn viên trước khi bắt tay vào thực hiện bộ phim dài tới 2 tiếng này. Kết quả của từ sự cố gắng của Sam Mendes, Roger Deakins và những thành viên khác trong đoàn làm phim 1917 là một tác phẩm “không cắt” hoàn toàn có thể sánh ngang với bộ phim “không cắt” xuất sắc từng giành giải Oscar Birdman (2014) của bộ đôi đạo diễn-quay phim người Mexico Alejandro G. Iñárritu và Emmanuel “Chivo” Lubezki hay những cảnh quay hành động dài hàng chục phút của Children of Men (2006) – một thành quả nghệ thuật khác của Chivo Lubezki với đạo diễn Alfonso Cuarón. Nhưng quan trọng hơn thế, sự liền mạch, và trực diện trong cách quay của 1917 giúp bộ phim truyền tải được tới khán giả một cách trọn vẹn những cung bậc tình cảm hết sức khác nhau của một người lính giữa chiến trường tàn khốc – sự ngộp thở trong hầm hào hay phía dưới mặt nước đục ngầu của những con sông hung dữ, suy nghĩ run run ngập ngừng khi phải đối mặt với cái yên lặng đến rợn người của vành đai trắng no man’s land, và cả cảm giác máu chảy rần rật trong huyết quản khi phải chạy trốn cái chết đuổi theo sau lưng – cái chết đến từ hòn tên mũi đạn chưa bao giờ biết phân biệt địch với thù. Với tài năng của Roger Deakins tỏa ra từ từng khung hình, cộng thêm xúc tác quan trọng là phần nhạc phim bi tráng của Thomas Newman – nhà soạn nhạc đã song hành với Sam Mendes kể từ thành công của bộ phim đầu tay American Beauty, có thể nói không ngoa rằng “1917” là một trong những tác phẩm hành động – sử thi xuất sắc nhất trong vòng mười năm trở lại đây của Hollywood và thậm chí có phần còn nổi trội hơn cả Dunkirk (2017) – tác phẩm lấy bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ hai của đạo diễn Christopher Nolan vốn có rất nhiều cảnh quay xuất sắc nhưng lại sử dụng cách tiếp cận nhân vật hơi có phần quá anh hùng, quá bi kịch nếu phải so với sự gần gũi, dễ liên tưởng, dễ cảm nhận của Schofield hay Blake dưới bàn tay nhào nặn của Sam Mendes.

1917 không phải là một tác phẩm hoàn hảo. Cách xây dựng nhân vật và phong cách quay “không cắt” của bộ phim giúp 1917 có được cảm giác hết sức chân thực của một tác phẩm hiện đại về đề tài chiến tranh, nhưng kịch bản của Sam Mendes và Krysty Wilson-Cairns dường như vẫn chứa đựng một số điểm thắt, chi tiết “tình cờ” nhưng tạo cảm giác không hề ngẫu nhiên, thậm chí còn là hơi gượng ép để tạo thêm kịch tính cho một tác phẩm hành động – chiến tranh vốn đã có quá nhiều kịch tính. Những khán giả khó tính có thể coi cách xây dựng kịch bản như vậy đã phần nào đó làm hỏng ý đồ “hiện thực hóa”, “chân thực hóa” cuộc chiến của Sam Mendes đối với 1917. Nhưng nhìn ở một khía cạnh khác, kịch tính và cao trào liên tục của 1917 lại đã giúp bộ phim có được một chuyến du hành qua chiến tranh – chạy trốn cái chết hết sức đáng nhớ của các nhân vật chính. Chỉ hơn hai thập niên sau những sự kiện của 1917, châu Âu và thế giới nói chung lại phải đối diện với một cuộc đại chiến khác – Thế chiến thứ hai. Trong cuộc chiến còn tàn bạo, khốc liệt hơn cả cuộc đại chiến đầu tiên ấy, một trong những ca khúc được binh lính Anh yêu quý nhất đó là nhạc phẩm The White Cliffs of Dover (Những vách đá trắng ở Dover) qua giọng hát của Vera Lynn. Không nói tới vinh quang của cuộc chiến, không nói tới những tấm huân chương, những danh hiệu cao quý, The White Cliffs of Dover chỉ gợi những người lính Anh nhớ tới những gì quen thuộc nhất, thân thương nhất nơi quê hương, đó là những vách đá trắng ở Dover, những thung lũng đầy hoa, những đàn cừu thản nhiên gặm cỏ. 1917 cũng là một tác phẩm như thế. Bộ phim không hề tô son điểm phấn cho chiến tranh, không hề cố khắc họa những người hùng của chiến trận hay tô đậm hào quang của những cái chết trên chiến trường. Trái lại Mendes và Deakins chỉ tập trung để mô tả những góc cạnh xấu xí nhất, tàn bạo nhất của cuộc chiến và khắc họa số phận của những người bình thường nhất khi bị đặt vào những nơi hiểm nguy nhất. Nhưng kết phim 1917 vẫn cho người xem niềm tin, niềm tin rằng số phận nhân vật họ đang nín thở theo dấu từ đầu bộ phim vẫn còn le lói chút gì đó hy vọng, niềm tin rằng kể cả giữa khốc liệt của chiến trường, vẫn còn đó nhân tính, tình người. Một tác phẩm lấy đề tài chiến tranh như thấm đẫm tinh thần phản chiến và mang trong mình rất nhiều niềm tin, 1917 xứng đáng là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của điện ảnh Hollywood năm 2019. 

========

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire