some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mardi 21 janvier 2020

Marriage Story (2019)


Charlie Barber (Adam Driver) là một đạo diễn trẻ đang lên của làng kịch New York. Sau nhiều năm lăn lộn trong những sàn diễn nhỏ, Charlie và đoàn kịch của mình cuối cùng cũng đã chen chân được vào sân khấu Broadway – nơi được coi là thánh đường của nghệ thuật sân khấu Bắc Mỹ. Không chỉ vậy, anh còn được lựa chọn để trao giải thưởng MacArthur – giải thưởng vốn chỉ dành cho những người được coi là “thiên tài” trong lĩnh vực của họ với khoản tiền đủ lớn để trang trải cho các khoản nợ nần mà Charlie đã phải bỏ ra để nuôi đoàn kịch kén khách của anh. Nhưng không phải cuộc đời chỉ toàn màu hồng, “thiên tài” Charlie Barber cùng lúc cũng phải đối mặt với một tình thế hết sức nan giải, đó là việc người vợ và cũng là nàng thơ trên sân khấu của anh Nicole (Scarlett Johansson) nhất quyết đòi ly dị và chuyển sang sống ở phía bên kia của nước Mỹ để theo đuổi nghiệp diễn viên truyền hình ở Los Angeles. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống diễn xuất ở Los Angeles và từng là một diễn viên đang lên của Hollywood, Nicole đã từ bỏ tất cả sau một lần tới New York và tình cờ gặp Charlie ở sân khấu kịch của anh, để rồi hai người trở thành vợ chồng và có với nhau cậu nhóc dễ thương Henry (Azhy Robertson). Hy sinh, yêu thương là vậy, mà không hiểu vì lý do gì mà Nicole nhất quyết đòi Charlie phải ký vào đơn ly dị, và khi anh chàng đạo diễn tỏ ra chần chừ trong việc giải quyết triệt để việc phân chia quyền nuôi Henry, Nicole đã nhờ luôn tới Nora Fanshaw (Laura Dern) – một nữ luật sư với nhiều mánh khoé trong nghề làm đại diện pháp lý cho mình để “cướp” Henry khỏi vòng tay của Charlie và khỏi cuộc sống dễ chịu ở New York. Bất ngờ bởi sự thay đổi chóng mặt của vợ, nhưng Charlie cũng nhanh chóng nhận ra rằng nếu không hành động, anh sẽ mất tất cả trong cuộc chiến ly hôn nơi pháp đình. Bởi vậy anh đã nhờ đến những tay luật sư cũng lọc lõi không kém là Bert Spitz (Alan Alda) và sau đó là Jay Marotta (Ray Liotta) đại diện cho mình trong cuộc tranh cãi cứ ngày một căng thẳng và không nhân nhượng giữa cặp vợ chồng từng một thời chia ngọt sẻ bùi trong căn hộ nhỏ bé nhưng hạnh phúc ở New York. Nhưng chính nhờ có những cãi vã, những xung đột ấy mà cả Charlie – một người gần như cả đời chỉ biết lo lắng cho vợ con và sâu khấu nhỏ của mình mới dần hiểu ra được tại sao chỉ yêu thương là chưa đủ, tại sao Nicole vẫn muốn rời bỏ anh dù vẫn còn vẹn nguyên sự yêu quý, trân trọng dành cho chồng.

Marriage Story là tác phẩm mới nhất của đạo diễn chuyên trị thể loại tâm lý – hài Noah Baumbach. Sinh ra và lớn lên ở New York, nghệ sĩ điện ảnh vừa bước sang tuổi ngũ thập này gần như dành cả sự nghiệp sáng tạo của mình cho những bộ phim bình dị với kinh phí thấp và bối cảnh đương đại để mô tả cuộc sống và tâm tư của những số phận đã gắn bó một phần lớn cuộc đời của họ với thành phố đông dân và hoa lệ nhất nước Mỹ. Luôn ôm đồm với cả vai trò biên kịch, đạo diễn, và gần đây là nhà sản xuất, Baumbach giữ cho mình được sự độc lập và thống nhất về cách tiếp cận đề tài cũng như lựa chọn nghệ thuật cho việc xây dựng nhân vật và bối cảnh cho các tác phẩm của ông. Bởi vậy mà khi xem phim của Noah Baumbach, người xem có thể vẫn phải căng như dây đàn khi theo dõi diễn biến tâm lý của những nhân vật có tính cách mạnh mẽ - đặc biệt là các nhân vật nữ chính, nhưng cũng lại thường xuyên có được những giây phút cảm thấy thanh thản vì được chứng kiến các nhân vật bộc lộ tấm chân tình cho nhau qua những câu thoại dí dỏm, những cử chỉ bình dị nhưng thấm đầy tình cảm giữa người với người. Marriage Story là một tác phẩm như thế. Câu truyện của cặp vợ chồng trẻ đã quá mệt mỏi với những giấc mơ dang dở, với những bức bối trong cuộc sống, với những trách nhiệm chẳng thể từ bỏ để được sống với chính mình đến mức phải ly dị nhau không còn là đề tài mới. Năm 1979, bộ phim “Kramer vs. Kramer” của Robert Benton đã đưa khán giả đến với cuộc chiến pháp lý và tâm lý của hai vợ chồng Ted và Joanna Kramer để giành lấy cậu con trai yêu quý Billy. Liên tiếp trong hai năm 2008 và 2010, Hollywood cho ra đời hai tuyệt phẩm về câu truyện buồn của những lứa đôi vì tình yêu mà vượt qua mọi khó khăn để tìm đến với nhau, để rồi phải xa rời mãi mãi vì những khác biệt không thể xoá nhoà bởi áp lực cuộc sống, áp lực trách nhiệm của những người-đã-lập-gia-đình. Đó là Revolutionary Road (2008) của đạo diễn người Anh Sam Mendes và Blue Valentine (2010) của Derek Cianfrance. Và tất nhiên không thể không kể tới A Separation – một tác phẩm lấy bối cảnh giáo lý, truyền thống nghiêm cẩn của xã hội Hồi giáo nơi đất nước Iran nhưng vẫn minh hoạ một cách hết sức đặc sắc tâm trạng của những cặp vợ chồng, những đứa con đột nhiên phải rơi vào cảnh gia đình tan nát sau nhiều năm ấm êm dưới cùng một mái nhà. Liệu Marriage Story có bị chìm nghỉm hay trở nên nhạt nhoà khi cố gắng kể cho khán giả một đề tài đã có rất nhiều tác phẩm xuất sắc như vậy? 

Nếu có cảm thấy lo lắng hay hoài nghi như vậy cho Noah Baumbach trước khi xem Marriage Story thì khán giả hoàn toàn có thể yên tâm rằng tác giả của những bộ phim tâm lý – hài xuất sắc như The Squid and the Whale (2005), Greenberg (2010) hay Frances Ha (2012) sẽ không làm họ thất vọng. Bởi cũng như đã từng thành công với The Squid and the Whale – một tác phẩm gần như là tự truyện của chính Baumbach về trải nghiệm thời ấu thơ của ông khi phải đối mặt với cảnh ly thân của cha mẹ, vị đạo diễn người New York đã lựa chọn cho Marriage Story cách kể chuyện nhẹ nhàng, đời thường và chân thành với những câu truyện gần gũi mà gần như bất cứ khán giả nào cũng có thể tìm thấy trong những phân đoạn khác nhau của bộ phim một phần nào đó giống với cảm xúc, giống với trải nghiệm, giống với ký ức của chính họ. Với những khán giả trẻ, có thể họ sẽ ngay lập tức bị thu hút bởi câu truyện tình yêu dù đã có nhiều dấu hiệu đổ vỡ nhưng đã từng có rất nhiều chương đẹp về một cặp đôi yêu thương và hiểu nhau hết mực tới mức sẵn sàng hy sinh nhiều cơ hội quý giá trong đời nghệ sĩ của họ để có thể tìm đến với nhau. Ngược lại, với những khán giả đã lập gia đình, chắc chắn những lý do khiến Charlie và Nicole phải ly dị, phải lôi nhau ra toà để tranh quyền nuôi cậu con trai đáng yêu Henry mới lại là những chi tiết làm họ giật mình, làm họ phải chú ý và tự soi xét lại xem mình liệu có quá vô tâm, quá coi nhẹ sự bền chặt của những mối dây tình cảm trong gia đình mà lơ là đi trách nhiệm phải bồi đắp, phải chia sẻ để những vết nứt đến từ sự khác biệt trong thói quen, trong công việc không biến thành những lỗ hở trống hoác trong mối quan hệ vợ - chồng, cha – con tới mức không thể hàn gắn. Việc chính Noah Baumbach đã có rất nhiều trải nghiệm thực tế với những vụ ly hôn, với những gia đình tan vỡ thông qua bài học của chính bản thân ông sau khi ly dị người vợ tài năng Jennifer Jason Leigh, và qua ký ức Baumbach vẫn lưu giữ sau bao năm về cuộc ly dị của bố mẹ ông đã giúp những câu truyện được kể trong Marriage Story về tâm trạng, cảm xúc của những người sắp phải rời xa đều tạo được cảm giác chân thực, gần gũi, không quá bi thương hay kịch tính hoá như cách Hollywood vẫn thường khắc hoạ những vụ ly hôn trên màn hình lớn.

Là một tác phẩm thuộc dòng tâm lý – hài, Marriage Story còn lôi cuốn khán giả qua những tình huống không biết nên khóc hay nên cười, qua những câu thoại “đẹp như văn xuôi” được các nhân vật dành cho nhau để thể hiện sự quan tâm và tình yêu thương, và nhất là qua những màn tung hứng hết sức ăn ý giữa Scarlett Johansson và Adam Driver trong vai cặp vợ chồng-sắp-ly-dị Nicole và Charlie Barber hay giữa bộ đôi luật sư “ở hai đầu chiến tuyến” Nora Fanshaw và Jay Marotta. Tất cả những cung bậc cảm xúc, những gia vị hài hước có, đau khổ có của cuộc sống gia đình và tình cảnh trớ trêu của hai vợ chồng và cậu nhóc nhà Barber được Baumbach sắp xếp một cách rất nhịp nhàng trong một tác phẩm có cấu trúc rất uyển chuyển với những phân đoạn chậm rãi, tình cảm, sử dụng nhiều cảnh quay độc thoại về ký ức đẹp của một gia đình từng hết mực hạnh phúc bên nhau, và xen kẽ là những trường đoạn có tiết tấu nhanh, cắt cảnh dứt khoát về hiện thực buồn của hai “người cũ” đang phải cố dùng mọi thủ đoạn – thậm chí là dùng chính những câu nói riêng tư khi hai người còn giữ được thâm tình để làm bằng chứng giành lấy cho bằng được quyền chăm sóc và nuôi nấng cậu bé Henry trong môi trường mà mỗi người trong vợ chồng nhà Barber đều khăng khăng là “tốt nhất cho cậu bé”. Chính nhờ lựa chọn biên tập phim như vậy, cùng cách kể chuyện hết sức duyên dáng của Noah Baumbach đã biến Marriage Story dù nói về một đề tài rất nặng nề nhưng vẫn lôi cuốn người xem, vẫn đủ sức nặng cảm xúc để buộc họ phải ngẫm nghĩ nhưng cũng lại không quá bi thương, buồn khổ hay nghiêm túc quá đáng như một số tác phẩm khác cũng nói về đề tài chia tay của những cặp vợ chồng yêu nhau như Blue Valentine

Rất quen thuộc về đề tài và phong cách nghệ thuật bởi không chỉ tiếp tục đảm nhiệm cả ba vai trò chính là đạo diễn – biên kịch – nhà sản xuất mà Noah Baumbach còn mời cả bộ đôi nhạc sĩ – nhà quay phim xuất sắc từng hợp tác với ông trong tác phẩm gây tiếng vang The Meyerowitz Stories (2017) là nhạc sĩ Randy Newman và quay phim Robbie Ryan, nhưng Marriage Story lại gây ngạc nhiên với khán giả khi bộ phim lại vắng bóng những gương mặt thường xuyên xuất hiện trong phim của Baumbach, đó là Ben Stiler và Greta Gerwig. Thay vào đó, hai gương mặt hiện đang rất được chú ý của dòng phim siêu anh hùng và loạt phim Chiến tranh giữa các vì sao là “Goá phụ đen” Scarlett Johansson và “Kylo Ren” Adam Driver – những ngôi sao được Baumbach mời thủ diễn hai nhân vật nặng ký nhất của Marriage Story là Nicole và Charlie Barber. Được coi là một trong những ngôi sao nữ đắt giá nhất của Hollywood tại thời điểm hiện tại, nhưng Scarlett Johansson có lẽ vẫn khiến vài người nghi ngờ khi cô nhận vai diễn nặng ký và trung tâm của Marriage Story là cô diễn viên đang phải vật lộn tranh đấu cho cả hạnh phúc cá nhân và tương lai sự nghiệp Nicole Barber bởi trong suốt 13 năm qua kể từ Match Point (2006), Johansson gần như không có được một vai diễn tâm lý nào đáng kể mà chỉ chủ yếu gây dựng danh tiếng qua những bộ phim siêu anh hùng hay phim hành động cần một gương mặt sáng, thu hút khán giả nhưng không thực sự yêu cầu chất lượng diễn xuất quá vượt trội. Ngay cả với hai nhân vật cô thủ vai trong Lost in Translation và Girl with a Pearl Earring – hai vai diễn được coi là để đời của Scarlett Johansson, thì nữ diễn viên 35 tuổi người Mỹ cũng không bị đòi hỏi phải diễn những trường đoạn bùng nổ hay phải liên tục thay đổi về mặt cảm xúc như với vai Nicole Barber. Nhưng với Marriage Story, Johansson đã tái khẳng định được rằng cô không hề là một “bình hoa di động” của Hollywood, bởi với một mái tóc cắt tém, khuôn mặt ít trang điểm, Scarlett Johansson đã lột bỏ hoàn toàn cái mác “siêu anh hùng” để biến thành thành một Nicole Barber hết mực mạnh mẽ để bảo vệ, để giữ lại những gì cô yêu quý như cậu con trai Henry, như tình yêu với nghệ thuật, nhưng cũng lại có nhiều giây phút yếu lòng bởi tình cảm, và cả tình thương sâu đậm dành cho người chồng nghệ sĩ tới mức vô tâm tính Charlie Barber. Trong cuộc chạy đua giành khán giả và bắt kịp những trào lưu mới nhất của văn hoá – xã hội Mỹ, gã khổng lồ của dòng phim siêu anh hùng Marvel đã phải rất đau đầu trong việc phải nhanh chóng đưa ra thị trường một tác phẩm có vai trung tâm là một nữ siêu anh hùng có thể giúp đề cao nữ quyền. Người cuối cùng được chọn chính là Scarlett Johansson và vai diễn Goá phụ đen vốn đã trở nên quen thuộc với khán giả khắp thế giới qua loạt phim Avengers. Thật trớ trêu là không cần đợi tới khi “Black Widow” được công chiếu, ngay tại thời điểm hiện tại Johansson đã có thể khẳng định tuyên ngôn về nữ quyền thông qua vai Nicole Barber – người phụ nữ sẵn sàng xoá đi những gì đã có để làm lại từ đầu với điều kiện được là chính mình, được thực hiện những giấc mơ mình đã phải dẹp sang một bên để hy sinh cho chồng con trong những năm dài đằng đẵng sống giữa một thành phố thân thiện nhưng chẳng phải quê hương. 

Nhưng thậm chí còn xuất sắc hơn Scarlett Johansson đó là Adam Driver – nam diễn viên từng “chuyên trị” vai phụ trong các phim của Noah Baumbach như Frances Ha, While We're Young (2014), và The Meyerowitz Stories nay quay trở lại trong một vai diễn với thời lượng xuất hiện dài hơn nhiều lần – vai anh chàng đạo diễn sâu khấu Charlie Barber trong Marriage Story. Không phụ sự tin tưởng của Baumbach, Adam Driver đã đưa tới khán giả một Charlie Barber với cực kì nhiều màu sắc cảm xúc và lớp lang về tính cách. Lãng mạn, nhẹ nhàng kiểu nghệ sĩ trong những giờ phút bày tỏ tình cảm với người vợ cũ có, dứt khoát, quyết liệt và ngoan cố theo kiểu đạo diễn – người chủ của cả sân khấu khi phải đối diện với những quyết định đòi hỏi có cả sự đồng thuận của hai vợ chồng có, và vụng về, bất lực đến mức tủi thân khi phải đối mặt với thực tế là cậu con trai yêu quý Henry đang ngày càng rời xa khỏi vòng tay mình cũng có. Xuyên suốt Marriage Story, khán giả được chứng kiến rất nhiều những khuôn mặt như thế của Charlie Barber qua sự thể hiện tuyệt vời của Adam Driver. Chỉ cần nhìn vào ánh mắt sâu thẳm của Driver, chỉ cần lắng nghe giọng nói run run của Charlie khi chia sẻ những tâm tư thầm kín với Nicole, với con trai, chỉ cần chứng kiến cách Charlie lúng túng thể hiện tình yêu thương hết mực cho con trai Henry, người xem cũng có thể cảm nhận được phần nào những biến động về tâm lý, tình cảm đang trào dâng trong đầu của anh chàng đạo diễn “thiên tài” Charlie Barber khi phải đối mặt với tình cảnh khó khăn không thể lường tới với người vợ từng bao năm má ấp tay kề. Và cũng chỉ cần thưởng thức bài hát da diết Being Alive – Sống thực sự do chính Adam Driver thể hiện bằng chất giọng trầm ấm, khán giả cũng có thể nhận ra rằng không chỉ Nicole, mà chính bản thân Charlie cũng đang day dứt với câu hỏi thế nào là sống thực sự giữa muôn chùng bủa vây của trách nhiệm với gia đình, trách nhiệm với công việc, trách nhiệm với những người mình yêu thương. Diễn xuất ăn ý, nhập vai, và rất có chiều sâu của Adam Driver và Scarlett Johansson, cùng cách diễn tự nhiên của cậu nhóc Azhy Robertson trong vai “cục cưng” Henry của Nicole và Charlie, và sự xuất hiện tuy ngắn ngủi nhưng vẫn gây ấn tượng cho người xem của của bộ ba diễn viên gạo cội Laura Dern, Alan Alda, và Ray Liotta trong vai ba vị luật sư chuyên nghề giúp các cặp đôi ly hôn “giải quyết ổn thoả” đã giúp Marriage Story trở thành một tác phẩm thành công cả về nội dung và diễn xuất. 

Nicole và Charlie, ai là người đúng, ai là người sai trong việc gia đình nhà Barber phải mỗi người mỗi ngả, trong việc cậu bé Henry dù rất vui với cuộc sống đầy nắng gió trong thành phố rộng lớn của những chiếc xe hơi ở Bờ Tây nước Mỹ Los Angeles vẫn phải mong ngóng những đợt “thăm nuôi” của người cha vẫn cố giữ lại mái ấm nhỏ của gia đình giữa thành phố New York lạnh lẽo, chật chội tới mức chỉ cần “đi bộ là đến”? Nhiều khả năng sau khi xem xong Marriage Story, mỗi khán giả sẽ có một câu trả lời cho riêng mình về “thủ phạm” đã gây ra cái kết cho mối tình đẹp ấy của vợ chồng nhà Barber. Nhưng có lẽ tất cả sẽ cùng đồng ý rằng Marriage Story – câu truyện về một đám cưới thực ra lại chính là câu truyện về những người nghệ sĩ nhiều khi đã quá yêu nhau, đã quá yêu công việc tới mức quên đi rằng họ chỉ có thể duy trì được sự quan tâm, sự hy sinh dành cho nhau như thế nếu họ “sống thực sự” – thực sự để tâm tới chính những mong muốn, suy nghĩ để bản thân họ được being alive, được là chính mình. Rất nhiều cảm xúc, rất nhiều tâm trạng, nhưng đọng lại cuối cùng vẫn là rất nhiều tinh thần lạc quan, rất nhiều suy nghĩ tích cực về cái cách những người sắp, đang hoặc đã từng lập gia đình muốn “sống thực sự” và nên “sống thực sự”, Marriage Story của Noah Baumbach quả thực là một tác phẩm đáng xem đối với công chúng nói chung, và đặc biệt là với những người trẻ muốn tránh khỏi những trải nghiệm buồn về một gia đình tan vỡ mà Nicole, Charlie, và Henry đã phải trải qua chỉ vì lỡ không quan tâm tới nhau, không quan tâm tới chính bản thân mình.  

=====

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire