some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

vendredi 30 mars 2018

Ready Player One (2018)


Biến đổi khí hậu, gia tăng dân số quá mức, bất công xã hội, ô nhiễm môi trường. Oằn mình gánh chịu những thảm họa do con người gây ra này, Trái Đất những năm giữa thế kỷ 21 đã không còn thực sự là nơi đáng sống khi con người phải sống chui rúc trong các khu ổ chuột chật hẹp hoặc các khu chung cư cao tầng được dựng nên từ những cabin xe bán tải. Để thoát khỏi thực tại mệt mỏi và bi quan ấy, phần đông dân số Trái Đất kiếm tìm niềm vui trên OASIS – một thế giới ảo nơi chúng ta có thể trở thành bất cứ ai, làm bất cứ điều gì gì, và đi đến bất cứ nơi đâu trí tưởng tượng có thể chạm tới. Không gian thực tế ảo của OASIS được chuyên gia máy tính James Halliday (Mark Rylance) sáng tạo ra với rất nhiều thế giới ảo và các nhân vật ảo lấy cảm hứng từ các tác phẩm điện ảnh và trò chơi điện tử nổi bật của văn hóa đại chúng Mỹ những năm 1980. Trước khi qua đời, Halliday có để lại di chúc rằng ông đã giấu ba chiếc chìa khóa ảo bên trong OASIS, và bất cứ ai có thể tìm thấy đủ ba chiếc chìa khóa này sẽ trở thành chủ nhân mới của thế giới ảo, đồng nghĩa với việc người đó sẽ trở thành chủ nhân cuộc sống tinh thần của người dân toàn thế giới. Lời giải cho bài toán vô cùng hóc búa này của James Halliday chỉ đến khi cậu nhóc 18 tuổi Wade Watts (Tye Sheridan) với biệt danh Parzival trong OASIS hóa giải thành công con đường tới kho báu thứ nhất – chiếc chìa khóa đồng nhờ vào tài năng, niềm đam mê tìm hiểu cuộc đời của James Halliday, và tất nhiên là cả chút may mắn. Nhưng để tìm thấy hai kho báu còn lại – chiếc chìa khóa ngọc, và chìa khóa pha lê, Parzival cần tới sự trợ giúp của những người bạn còn lại trong nhóm “High Five” là Samantha Cook (Olivia Cooke) – hay Art3mis trên OASIS, Helen (Lena Waithe) – hay Aech trên OASIS, và hai anh em Daito (Win Morisaki) – Sho (Philip Zhao), bởi theo sát phía sau Parzival là ông chủ của công ty công nghệ I.O.I Nolan Sorrento (Ben Mendelsohn) với tham vọng chiếm đoạt OASIS bằng mọi giá. 

Trước tiên có thể khẳng định rằng Ready Player One là một tác phẩm xuất sắc về mặt hình ảnh. Vốn là đạo diễn đi tiên phong ở Hollywood suốt từ thập niên 1970 cho tới nay về mặt sử dụng kĩ xảo hình ảnh và đồ họa vi tính với các tác phẩm đáng nhớ như Jaws (1975), Raiders of the Lost Ark (1981), Jurassic Park (1993), A.I. Artificial Intelligence (2001), Steven Spielberg là lựa chọn không thể hợp lý hơn cho một tác phẩm đòi hỏi rất cao về phần nhìn như Ready Player One. Không phụ sự tin tưởng của hãng Warner Bros., Spielberg đã đem đến cho người yêu điện ảnh một Ready Player One ngập tràn kĩ xảo điện ảnh thượng hạng với những đại cảnh giả tưởng như các cuộc đua, trận chiến với cả trăm nhân vật quen thuộc trong phim ảnh và trò chơi điện tử. Từ King Kong cho đến Người khổng lồ sắt (The Iron Giant), từ Ninja Rùa (Teenage Mutant Ninja Turtles) cho đến nữ xạ thủ Tracer trong game Overwatch, người xem chắc chắn sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi nhận ra những nhân vật, chi tiết trong các bộ phim hay game họ yêu thích được trải đều từ những cảnh quay mở đầu cho đến tận những giờ phút cuối cùng của Ready Player One. Có đôi chút đáng tiếc là bộ phim hoàn toàn vắng bóng các nhân vật của Nintendo – người khổng lồ trong lĩnh vực trò chơi điện tử của Nhật Bản là và là công ty giúp ngành công nghiệp này lấy lại chỗ đứng trong lòng công chúng nửa sau thập niên 1980, nhưng khán giả cũng vẫn nên cảm thấy may mắn vì việc bộ phim này là một sản phẩm của tập đoàn giải trí Warner Bros. đã giúp đội ngũ làm phim đưa được rất nhiều các nhân vật nổi tiếng của điện ảnh, hoạt hình, và trò chơi điện tử vốn thuộc bản quyền của chính hãng Warner Bros. vào Ready Player One.

Điều đáng nói là có rất nhiều phân đoạn hành động phức tạp với tốc độ nhanh, nhiều nhân vật, chi tiết và kĩ xảo nhưng Ready Player One không hề tạo cảm giác rối rắm, mù mịt như các tập gần đây trong loạt phim Transformers của Michael Bay, trái lại đạo diễn Spielberg vẫn đem đến cho các khung hình của ông độ tập trung nhất định để khán giả vừa có thể thưởng thức các cảnh quay hoành tráng, siêu thực, mà vẫn bám theo được từng bước đi và diễn biến tâm lý của Wade Watts / Parzival và những người bạn trong chuyến du hành tìm kho báu nơi thế giới ảo. Ngay cả những phân đoạn về thế giới thực của “Ready Player One” tuy không đáng chú ý lắm về mặt nội dung nhưng cũng vẫn gây ấn tượng cho khán giả nhờ các bối cảnh vừa phảng phất chất khoa học giả tưởng của tương lai gần, vừa nhạt nhòa, chật hẹp, và u tối như một lời cảnh báo về hậu quả chúng ta sẽ phải gánh chịu nếu xã hội và môi trường tiếp tục bị tàn phá bởi lòng tham con người. Chất giả tưởng nhuốm màu bi quan của Ready Player One chắc chắn sẽ khiến nhiều khán giả nhớ đến bộ đôi phim khoa học giả tưởng xuất sắc của Steven Spielberg những năm đầu thiên niên kỷ mới là A.I. Artificial IntelligenceMinority Report (2002). Tuy chưa thể sánh được với hai tác phẩm này về mặt nội dung, nhưng về mặt hình ảnh và chất giải trí thì Ready Player One không hề thua kém, thậm chí còn có phần nhỉnh hơn trong mắt khán giả trẻ. Thành công về khía cạnh này của Ready Player One cho thấy rằng Hollywood và khán giả thực sự vẫn cần tới Steven Spielberg và những bộ phim bom tấn kích thích thị giác và trí tưởng tượng của ông.
 
Xuất bản lần đầu năm 2011, tiểu thuyết Ready Player One được độc giả Hoa Kỳ đón nhận nồng nhiệt vì tác giả Ernest Cline đã đem đến cho họ một thế giới ảo vừa đậm chất khoa học viễn tưởng lại vừa chứa đựng rất nhiều những hoài niệm về văn hóa và xã hội Mỹ những năm bình yên của thập niên 1980. Tuy nhiên, Ready Player One lại không thực sự được giới phê bình đánh giá cao vì tác phẩm có tuyến nhân vật tương đối mỏng, bố cục rời rạc, và dựa quá nhiều vào việc nhắc nhớ người đọc về văn hóa đại chúng những năm 1980 với nhiều đoạn văn trùng lặp thay vì tập trung trau chuốt chất lượng câu chữ. Chính vì những khiếm khuyết cố hữu này mà tuy công chúng tỏ ra khá hào hứng khi Steven Spielberg nhận lời chuyển thể Read Player One lên màn ảnh lớn, nhưng đa phần báo giới và ngay cả những người yêu thích tiểu thuyết gốc của nhà văn Ernest Cline đều tỏ thái độ dè dặt, thậm chí là hoài nghi về khả năng Spielberg có thể tạo nên một bộ phim trung thành về mặt hình ảnh nhưng vượt trội về mặt nội dung khi so với truyện gốc. Có lẽ cũng vì hiểu được những điểm yếu về mặt nội dung và cấu trúc của Ready Player One mà chính Cline, cùng sự cộng tác của Zak Penn – người chắp bút cho phần cốt truyện của các bộ phim siêu anh hùng xuất sắc như X2The Avengers, đã thay đổi khá nhiều chi tiết của tiểu thuyết gốc trong kịch bản chuyển thể cho bộ phim của Steven Spielberg. Nếu so với nguyên tác văn học, Ready Player One – bản điện ảnh có cấu trúc đơn giản, gọn gàng hơn rất nhiều với các cuộc săn tìm kho báu được rút gọn, thậm chí là làm mới hoàn toàn. Đây là một lựa chọn hết sức hợp lý của bộ đôi biên kịch Cline-Penn và đạo diễn Spielberg vì nếu so với các cuộc săn tìm kho báu trong tiểu thuyết Read Player One vốn hết sức phức tạp và khó hiểu với những độc giả không quen thuộc với các bộ phim hay trò chơi điện tử của thập niên 1980, thì cuộc đua “tử thần” và chuyến phiêu lưu giải câu đố thứ hai của bản điện ảnh – những chi tiết hoàn toàn mới của bộ phim chuyển thể là dễ dàng cảm nhận hơn rất nhiều đối với người xem và cũng là mảnh đất màu mỡ để Spielberg chứng tỏ rằng ông vẫn là một trong những đạo diễn hàng đầu Hollywood về mặt hình ảnh. Không chỉ đơn giản hóa các cuộc săn tìm kho báu – vốn là cao điểm kịch tính của Ready Player One, Ernest Cline và Zak Penn cũng đưa vào bản điện ảnh nhiều chi tiết mới vừa để làm trọn vẹn hơn các nhân vật như Samantha Cook / Art3mis hay Daito và cũng để bộ phim trở nên gần gũi hơn với các khán giả trẻ thế hệ 9X, 0X vốn không mấy quen thuộc với những sản phẩm văn hóa thời cha mẹ họ như máy chơi game Atari hay các bộ phim về tuổi mới lớn do Matthew Broderick thủ vai chính những năm giữa thập niên 1980. Tuy nhiên, những thêm thắt mới này cũng không hoàn toàn thành công khi những thay đổi lớn về mặt nội dung, đặc biệt ở cuộc săn tìm kho báu thứ hai, tuy hấp dẫn nhưng lại khiến cấu trúc của bộ phim trở nên rời rạc, còn việc đưa những nhân vật, chi tiết của các tác phẩm điện ảnh và trò chơi điện tử vốn vẫn đang được ưa chuộng vào một tác phẩm vốn chỉ hướng tới văn hóa đại chúng thập niên 1980 cũng làm mất đi phần nào chất hoài cổ vốn là thế mạnh của tiểu thuyết Ready Player One.
 
Một điểm yếu khác của tiểu thuyết “Ready Player One” mà phiên bản điện ảnh chưa thể khắc phục là tuyến nhân vật không mấy ấn tượng. Ngoại trừ Samantha Cook / Art3mis qua diễn xuất chững chạc của Olivia Cooke – nữ diễn viên trẻ đang lên sau thành công của Me and Earl and the Dying Girl (2015), thì bốn thành viên còn lại của nhóm bạn “High Five”, kể cả Tye Sheridan vốn rất nhiều đất diễn với vai Wade Watts / Parzival, đều không để lại dấu ấn nào trên màn ảnh với số phận, tính cách nhạt nhòa và diễn xuất khá gượng gạo. Các nhân vật “người lớn” trong phim như ông chủ tịch gian xảo Nolan Sorrento của I.O.I hay “ông tổ” của mạng OASIS James Halliday thậm chí còn trở nên kém ấn tượng hơn trong phiên bản điện ảnh bởi các tuyến truyện phụ liên quan đến các nhân vật này bị cắt bớt để dành chỗ cho các đại cảnh hoành tráng – trung tâm thực sự của bộ phim. Không sở hữu những nhân vật đáng nhớ, Ready Player One bởi thế cũng chỉ có thể được coi là một tác phẩm trung bình khá về mặt nội dung bất chấp việc Steven Spielberg cố gắng tạo thêm chiều sâu cho bộ phim thông qua các mẩu đối thoại hay các bài diễn văn mang tính triết lý. Ở đây, người hâm mộ tiểu thuyết Ready Player One cũng có thể “trách” Steven Spielberg ở một điểm khác là việc ông lựa chọn các diễn viên trẻ quá “đẹp” để vào vai nhóm bạn “High Five” bởi một trong những điểm đáng trân trọng nhất của bộ truyện gốc là việc các nhân vật chính như Samantha Cook / Art3mis hay Wade Watts / Parzival cũng chỉ là những cô nhóc cậu nhóc với vô số khiếm khuyết về ngoại hình và tính cách vốn ai cũng từng trải qua ở cái tuổi mới lớn. Người xem Ready Player One chắc chắn sẽ phải ghen tị với người đọc “Ready Player One” bởi họ chẳng thể tìm thấy sự gần gũi này khi nhìn vào những gương mặt và thể hình đẹp đậm chất điện ảnh của Olivia Cooke hay Tye Sheridan. Việc Spielberg loại bỏ gần như hoàn toàn các yếu tố bi kịch vốn có vai trò rất quan trọng trong việc tạo cảm xúc cho tiểu thuyết Ready Player One cũng khiến bộ phim mới nhất của ông khó lòng tạo dựng được mối liên hệ về mặt tình cảm với khán giả.

Tuy vẫn còn nhiều khiếm khuyết về mặt nội dung nhưng chỉ xét riêng về phần nhìn thôi thì Ready Player One vẫn là một bộ phim giải trí đáng đồng tiền bát gạo đối với khán giả nói chung và với người yêu phim của đạo diễn Steven Spielberg nói riêng. Và kể cả với những người hâm mộ tiểu thuyết gốc, Ready Player One – bản điện ảnh dù không chuyển thể hoàn hảo tác phẩm của Ernest Cline vẫn là một bộ phim dễ chịu với tinh thần trẻ trung pha chút hoài cổ man mác. Đi xem phim giữa mùa xuân hoa nở, còn gì thích hợp hơn một tác phẩm về những người trẻ, và những tâm hồn trẻ như Ready Player One?

=====

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire