some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

lundi 9 avril 2018

Isao Takahata (1935 - 2018)






Nhắc tới hoạt hình Nhật Bản, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới đạo diễn huyền thoại Hayao Miyazaki và hãng phim hoạt hình do ông sáng lập Studio Ghibli. Nhưng không phải ai cũng biết rằng Studio Ghibli còn có hai người cha khác, đó là nhà sản xuất Toshio Suzuki – người chịu trách nhiệm sản xuất cho hầu hết các tác phẩm lớn của hãng kể từ năm 1985 cho tới nay, và Isao Takahata – một huyền thoại khác của điện ảnh Nhật. 

Nếu như Hayao Miyazaki sinh ra trong một gia đình tương đối khá giả ở Tokyo và chỉ mới 4 tuổi khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc thì cả tuổi thơ tỉnh lẻ của Isao Takahata gắn liền với những năm tháng nước Nhật chìm trong khói lửa chiến tranh. Tuổi thơ dữ dội là vậy, nhưng Takahata vẫn nhanh chóng chứng minh được năng lực của mình với tấm bằng cử nhân văn học Pháp từ Đại học Tokyo danh giá ở tuổi 24. Sợi dây liên hệ với đất nước và con người Pháp này cũng chính là nguồn cảm hứng để Isao Takahata tìm đến với nghệ thuật phim hoạt hình, nhất là sau khi ông được thưởng thức một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của điện ảnh Pháp – bộ phim hoạt hình Le Roi et l'Oiseau (1952). Tài năng cùng cảm hứng nghệ thuật dồi dào giúp Isao Takahata sớm có được chỗ đứng tại ông lớn của làng hoạt hình Nhật Bản là hãng Toei và ông chỉ phải đợi tới năm 33 tuổi để được Toei giao đạo diễn bộ phim hoạt hình dài đầu tay The Great Adventure of Horus, Prince of the Sun (1968). Được giới phê bình đánh giá cao nhưng The Great Adventure of Horus lại thất bại về mặt doanh thu, buộc Takahata phải bằng lòng với việc đạo diễn và dựng phân cảnh cho các tập phim hoạt hình phát sóng trên truyền hình cho tới tận đầu thập niên 1980. Ở một khía cạnh khác, những năm tháng trăn trở tìm lối ra cho sự nghiệp của Takahata cũng lại là giai đoạn ông tạo dựng được tình bạn và mối hợp tác nghệ thuật lâu dài với người đồng nghiệp kém ông 6 tuổi Hayao Miyazaki. Nếu như Miyazaki chịu trách nhiệm dựng phân cảnh và là hoạ sĩ chính của Isao Takahata trong The Great Adventure of Horus, thì chính Takahata lại là nhà sản xuất cho Nausicaä of the Valley of the Wind (1984) – tác phẩm khẳng định vị trí của Miyazaki trong làng hoạt hình Nhật Bản và cũng là thành công thương mại giúp Miyazaki, Takahata, và Suzuki có cơ sở để thành lập Studio Ghibli. Phần còn lại đã trở thành lịch sử khi Studio Ghibli liên tục được nhắc đến tại vô số giải thưởng điện ảnh và thống kê về các tác phẩm ăn khách tại thị trường phim Nhật Bản, còn Hayao Miyazaki khiến cả thế giới phải ngả mũ với 9 tuyệt phẩm từ Castle in the Sky (1986) cho tới The Wind Rises (2013). 

Cùng thời điểm Miyazaki đem tới công chúng The Wind Rises – tác phẩm được ông tuyên bố là bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp vào thời điểm đó (năm 2013), thì Takahata cũng vừa hoàn thành xong một bộ phim xuất sắc không kém là The Tale of Princess Kaguya. Nhưng khác với người bạn, người đồng nghiệp Miyazaki – người vốn có nhịp làm phim tương đối đều đặn và chưa bao giờ phải để công chúng chờ đợi quá lâu, The Tale of Princess Kaguya mới là bộ phim thứ 5 của Takahata làm cho Studio Ghibli và là tác phẩm đầu tiên ông giới thiệu với công chúng sau 14 năm kể từ My Neighbors the Yamadas (1999). Và cũng khác với Hayao Miyazaki – người nổi tiếng khắp thế giới như "thầy phù thủy" của nghệ thuật hoạt hình với trí tưởng tượng và sức sáng tạo tuyệt vời, Isao Takahata lại gắn liền sự nghiệp của mình với việc mô tả đất nước Nhật Bản và con người Nhật Bản qua lăng kính thực tại huyền ảo. Nếu như Grave of the Fireflies (1988) là câu chuyện đau đớn nhưng đậm chất nhân văn của hai đứa bé Nhật tìm cách thoát ly thực tại giữa khói lửa chiến tranh, Pom Poko (1994) là hình ảnh một nước Nhật đổi thay và những hệ lụy của nó đối với truyền thống và môi trường thông qua cuộc sống của lũ "hồ li" (hay tanuki "thành tinh”). Ngay cả với The Tale of the Princess Kaguya – chuyển thể điện ảnh của một truyền thuyết dân gian Nhật, người xem cũng có thể cảm nhận được trong đó là những suy nghĩ mang chất hiện sinh về cuộc sống được đặt trong bối cảnh một câu chuyện cổ tích truyền thống Nhật Bản. Đặc biệt, vượt khỏi khuôn khổ của một tác phẩm hoạt hình – thể loại điện ảnh vốn thường bị coi là “dành cho trẻ con”, Grave of the Fireflies được nhiều nhà phê bình phim uy tín như Roger Ebert đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất về đề tài chiến tranh của điện ảnh thế giới, bởi chẳng gì có thể làm rõ hơn sự huỷ diệt bạo tàn của chiến tranh hơn bức tranh tương phản giữa những trận mưa bom, bão lửa trút xuống nước Nhật và câu truyện trong phim về sự ngây thơ đến đắng lòng cùng tình yêu cuộc sống của hai anh em Seita và Setsuko.

Nhìn chung, cảm nhận đầu tiên của khán giả khi được thưởng thức các bộ phim của Isao Takahata đó là sự tương phản giữa sự giản dị đến không ngờ trong các tác phẩm của ông với những bộ phim đậm chất sử thi của Hayao Miyazaki. Không phải chờ tới khi đã thành lập Studio Ghibli, mà sự giản dị nhưng vẫn rất duyên dáng, rất lôi cuốn người xem này đã được Isao Takahata đưa vào tác phẩm-tiền Ghibli của ông mà tiêu biểu là Jarinko Chie (Chie – cô bé hạt tiêu, 1981). Trong Jarinko Chie – một chuyển thể điện ảnh của loạt truyện tranh ăn khách của Etsumi Haruki, người xem được chứng kiến một nước Nhật giản dị của những năm còn khó khăn sau chiến tranh, và nhất là những gương mặt Nhật Bản như cô bé Chie “đầu gấu”, như ông bố Tetsu “côn đồ” của cô – những con người nồng hậu, chất phác, luôn kiên cường vượt qua mọi khó khăn nhưng không vì thế mà bớt đi tình cảm với người thân, tình yêu với cuộc sống. Phong cách làm phim chân thành, hồn hậu như chính vẻ ngoài của Isao Takahata càng được phát huy sau khi ông đã có được không gian tự do sáng tạo của Studio Ghibli với thành quả lớn nhất là bộ phim hoạt hình Only Yesterday (1991). Kể lại chuyến đi tìm kí ức tuổi thơ nơi đồng quê nước Nhật bình dị của một cô gái độc thân vốn đã quá chán ngán với cuộc sống ồn ào và xa lạ của các thành phố hiện đại, Only Yesterday có lẽ là tác phẩm giản dị và chân thành nhất của Isao Takahata với bối cảnh hết sức bình thường của nông thôn Nhật Bản và cái triết lý cũng dễ hiểu, dễ cảm không kém - những con người, thứ đáng trân trọng nhất, đáng yêu quý nhất chính là những con người, những tình cảm luôn ở bên ta, luôn sẵn sàng đến với ta bất kể không gian, thời gian. Chẳng cần dùng tới xung đột giữa các nhân vật, không màng các nút thắt mở ly kì đầy kịch tính, nhưng Only Yesterday vẫn khiến khán giả chẳng thể rời mắt nhờ cách kể chuyện thủ thỉ, chân tình với những chi tiết nhắc nhớ nhẹ nhàng nhưng sâu sắc về một miền tuổi thơ, một miền kí ức mà chúng ta dù vô tình hay hữu ý vẫn luôn lưu giữ trong tâm hồn. Ngay cả trong My Neighbors the Yamadas (1999), một bộ phim hoạt hình hài hước thuần tuý với bối cảnh giới hạn trong gia đình nhà đình nhà Yamada và thành phố hiện đại cùng cách vẽ theo phong cách tối giản kể cả về màu sắc và chi tiết, khán giả vẫn có thể cảm nhận được sự tỉ mỉ, trau chuốt mà Isao Takahata dành cho các mối quan hệ trong gia đình giữa các nhân vật của ông – một sự trân trọng chỉ có thể có được từ một người đạo diễn hết mực yêu quý cuộc sống và con người xung quanh ông. 

Trong bộ phim tài liệu xuất sắc của nữ đạo diễn Mami Sunada The Kingdom of Dreams and Madness (2013), người xem có cơ hội hiếm hoi được chứng kiến quá trình thai nghén một tác phẩm phim hoạt hình của Hayao Miyazaki, Isao Takahata, và các hoạ sĩ của Studio Ghibli. Một chi tiết đáng nhớ trong bộ phim là hình ảnh Miyazaki và Toshi Suzuki luôn phải vò đầu bứt tai vì bậc đàn anh Takahata có phong cách làm phim quá sức chậm rãi. Chẳng ai có thể biết bao giờ Takahata sẽ hoàn thành phim của mình, và thậm chí là ông có muốn hoàn thành nó không. The Tale of the Princess Kaguya được ông làm ròng rã suốt 7 năm trời từ 2006 đến tận 2013 mới công chiếu, trong thời gian đó Yoshiaki Nishimura - nhà sản xuất chính của phim, đã kịp lấy vợ và có hai đứa con, trong đó đứa đầu đã kịp đi học tiểu học. Sự khác biệt giữa Takahata và Miyazaki lớn tới mức hai người có thể được coi là hai nửa đối nghịch sáng-tối, hiện đại-truyền thống, nhanh-chậm của Ghibli, quan hệ giữa hai người vì thế cũng mang cả hai màu yêu-ghét - ngày nào Miyazaki cũng phải nhắc đến Paku-san (cách cả Studio Ghibli kính trọng gọi Takahata), nhưng cứ hôm trước khen hết lời Takahata thì hôm sau thể nào Miyazaki cũng lại phải kêu ca về sự "lề mề" của người đạo diễn thân thiết. Tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc của Studio Ghibli, nhưng sau khi ra đời The Tale of the Princess Kaguya lại không phải một tác phẩm ăn khách và bởi vậy được coi là một trong những nguyên nhân khiến Studio Ghibli phải tái cơ cấu tới mức gần như chấm dứt việc sản xuất phim hoạt hình mới. Quả thực phim rất khó ăn khách, những phút đầu vui tươi của The Tale of the Princess Kaguya chẳng thể khỏa lấp một thực tế rằng phần đầu của phim dù tươi sáng nhưng lại không hấp dẫn và tạo được ra kịch tính (hoặc thể hiện "tiềm năng" tạo ra kịch tính) để lôi cuốn người xem tới nửa sau của bộ phim. Phải chăng đây lại là một nốt trầm buồn trong sự nghiệp của Isao Takahata? Hoàn toàn không phải như vậy, bởi thực sự nếu đã chăm chú và in dấu trong đầu hình ảnh thay đổi từng ngày của cô công chúa nhỏ Kaguya, người xem sẽ dần bị thu hút bởi những xung đột ngày càng lớn lên trong nội tâm Kaguya cũng như giữa cô đối với tình yêu thương con nhiều phần mù quáng của ông lão đốn tre và sự khao khát đầy toan tính của lũ vương giả cầu hôn. Như mọi bộ phim hay, những thời khắc tuyệt vời nhất của The Tale of the Princess Kaguya nằm ở những phút cuối của bộ phim, khi tình cảm giữa con người với con người, giữa Kaguya với những người thân yêu của cô, với cuộc sống, với thiên nhiên xung quanh cô thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. 

Một trong những khía cạnh đáng nhớ nhất của The Tale of the Princess Kaguya có lẽ là cách Isao Takahata minh hoạ một cách tuyệt vời không gian rộng lớn của thiên nhiên Nhật Bản qua tông màu không quá rực rỡ nhưng rất ấm áp và những nét vẽ không quá đi sâu vào chi tiết nhưng vẫn đủ độ khơi gợi để người xem cảm nhận được về hình ảnh nhân vật, về vẻ đẹp thiên nhiên. Đặc biệt, chẳng ai có thể quên được hình ảnh cô bé Kaguya nhảy múa hồn nhiên dưới những cơn mưa của những chiếc lá hoa anh đào đang rụng trong một ngày xuân ấm áp. Cũng trong một ngày xuân nước Nhật như thế của năm 2018 khi hoa anh đào bắt đầu rụng sau khi đã cống hiến hết những ngày đẹp đẽ nhất, Isao Takahata đã qua đời ở tuổi 82. Đây chắc chắn là một tin không vui đối với người yêu điện ảnh nói chung, và đặc biệt là với những người yêu những bộ phim của Isao Takahata nói riêng. Nhưng xin bạn hãy nhớ rằng, ở The Tale of the Princess Kaguya - khúc vĩ thanh cuối đời của mình, Isao Takahata đã chia tay những khán giả hết mực yêu quý ông suốt bao nhiêu năm với một thông điệp hết sức đơn giản - dù cuộc sống ẩn chứa vô vàn thời khắc khó khăn và bất hạnh, hãy vẫn cứ yêu cuộc sống hết mức khi bạn còn có thể. Xin cảm ơn ông, Isao Takahata, người đạo diễn phim hoạt hình với tình yêu cuộc sống chưa bao giờ tắt.

======

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire