some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

lundi 5 mars 2018

Phantom Thread (2017)






Thủ đô nước Anh Luân Đôn những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai vẫn là một đô thành cổ kính với vẻ đẹp quý tộc, đài các và những con người hết mực thanh lịch, hết mực trân trọng vẻ đẹp truyền thống. Đại diện tiêu biểu nhất cho tính cách người Luân Đôn những năm 1950 ấy là nhà tạo mẫu nổi tiếng Reynolds Woodcock (Daniel Day-Lewis) – tác giả của vô số những bộ váy đẹp tới ngột thở và là niềm mơ ước của không chỉ giới quý tộc Anh mà cả những công nương, công chúa từ các hoàng gia châu Âu khác. Thừa hưởng từ người mẹ quá cố tình yêu thời trang và sự chăm chút cho từng đường kim mũi chỉ ngay từ tuổi niên thiếu, Woodcock luôn đem đến cho khách hàng của ông những bộ váy vừa sang trọng một cách cổ điển, vừa đủ tinh tế để tôn lên vẻ đẹp riêng của người khoác lên mình bộ váy đó. Để có được những sản phẩm thời trang đầy chất nghệ thuật ấy, Reynolds Woodcock chọn cho mình một cuộc sống đẹp nhưng nhiều phần đơn độc. Ông dành phần lớn thời gian thu mình trong không gian sáng tạo và phó mặc việc quản lý nhà mốt Woodcock lẫn cuộc đời riêng của chính ông cho người thân duy nhất là bà chị gái Cyril (Lesley Manville). Nhưng dù có muốn tách mình khỏi cuộc sống trần tục đến mấy thì Woodcock vẫn cần có những nàng thơ trong đời – những cô gái trẻ với dáng hình cân đối có thể giúp ông ướm thử những ý tưởng sáng tạo trước khi đem chúng đến với khách hàng. Tất nhiên rất nhiều cô gái trẻ khó lòng cưỡng lại lời mời gọi trở thành nàng thơ trong nhà mốt Woodcock, không chỉ bởi tài năng và sự nổi tiếng của nhà tạo mốt hàng đầu Luân Đôn, mà còn vì ông thực sự là một người đàn ông tế nhị, và chu đáo với phụ nữ. Nhưng rồi họ nhanh chóng nhận ra rằng Woodcock trân trọng các nàng thơ của ông theo cái cách những người thợ may chăm chút cho các ma-nơ-canh bằng gỗ của họ - sự trân trọng hoàn toàn mang tính chất nghề nghiệp lạnh lẽo và hoàn toàn thiếu vắng tình cảm yêu thương giữa con người với con người. Hơn thế nữa, bà chị gái khó tính Cyril Woodcock cũng luôn sẵn lòng giúp Reynolds loại bỏ những nàng thơ như Johanna (Camilla Rutherford) khi họ có ý muốn vượt khỏi ranh giới nghề nghiệp ấy để lại gần hơn với tâm hồn tinh tế của bậc thầy thời trang. Một trong những cô gái trẻ đã phải lòng Reynolds Woodcock như vậy là cô hầu bàn Alma Elson (Vicky Krieps). Yêu Reynolds ngay từ cái nhìn đầu tiên, Alma nhanh chóng nhận lời trở thành nàng thơ mới nhất của nhà mốt Woodcock để được sống bên ông, để được ông hàng ngày khoác lên cơ thể cân đối của cô những bộ váy giúp tôn lên vẻ đẹp ngây thơ đến nao lòng của Alma. Nhưng khác với những nàng thơ “cũ” của Reynolds, Alma quyết tâm dùng tình cảm và sự mạnh mẽ của cô để tìm ra con đường đi vào trái tim của nhà tạo mẫu bất chấp cái nhìn dò xét của bà Cyril và quyết tâm hi sinh cả đời cô độc vì nghệ thuật của chính Reynolds Woodcock. Liệu Alma có trở thành một nạn nhân “mới” trên bước đường sáng tạo của Reynolds? Hay tình yêu mãnh liệt của cô sẽ giúp Elma mở được cánh cửa tâm hồn đóng chặt của nhà tạo mẫu danh tiếng?

Phantom Thread là bộ phim mới nhất của Paul Thomas Anderson – một trong những đạo diễn có phong cách riêng biệt nhất của Hollywood đương đại. Tính cho đến trước tác phẩm về thế giới thời trang này thì đạo diễn 47 tuổi Anderson đã cho ra đời 7 bộ phim khác nhau về bối cảnh, cốt truyện, và thể loại nhưng luôn có sức hút rất riêng nhờ tuyến nhân vật luôn sở hữu tính cách độc đáo, cấu trúc phim mở với phần kết thường chứa đựng những câu hỏi chưa lời giải đáp, và những bi kịch cá nhân được khai thác một cách hết sức nhân văn, thấm thía. Với truyện phim chủ yếu diễn ra trong không gian chật hẹp của nhà mốt Woodcock hay căn biệt thự chốn đồng quê của nhà tạo mẫu, và chỉ xoay quanh bộ ba Reynolds, Cyril, và Elma, Phantom Thread có thể coi là một trong những kịch bản giới hạn nhất về mặt bối cảnh và tuyến nhân vật của Paul Thomas Anderson – người luôn chắp bút cho tất cả các bộ phim ông đạo diễn. Nhưng sự hạn chế về mặt không gian và nhân vật như vậy không hề làm ảnh hưởng tới chất lượng nghệ thuật hay chất Paul Thomas Anderson của bộ phim, bởi ở Phantom Thread người xem vẫn được chứng kiến cách đạo diễn người Mỹ khắc họa hết sức sống động và tinh tế cách những tâm hồn đồng điệu tìm đến với nhau, hay sự biến đổi tâm lý bên trong những con người tưởng chừng lạnh lùng nhưng lại vô cùng nhạy cảm và dễ bị tổn thương vì sự cô độc. Trong thế hệ đạo diễn cùng thời ở Hollywood thì có lẽ khó ai có thể vượt qua được Paul Thomas Anderson về khía cạnh phân tích tâm lý nhân vật. Bất kể đó là những tác phẩm có rất nhiều số phận như Boogie Nights (1997), Magnolia (1999), The Master (2012) hay chỉ tập trung vào một vài nhân vật như Punch-Drunk Love (2002), There Will Be Blood (2007), Paul Thomas Anderson đều khiến khán giả phải rung động vì cách ông bóc tách từng lớp tâm hồn của mỗi nhân vật, gợi mở cho người xem những bi kịch trong tim các nhân vật đó qua những chi tiết, tuyến truyện lúc nhẹ nhàng, lúc bạo liệt nhưng luôn mang giá trị nhân văn gần gũi với khán giả. Với Phantom Thread, người xem lại một lần nữa có được may mắn ấy khi họ được Paul Thomas Anderson đem đến từng góc cạnh trong tâm hồn đẹp đẽ nhưng đầy phức tạp của Reynolds và Elma và những sợi chỉ tình cảm vô hình dần kết nối hai số phận rất khác biệt này. Theo từng nốt nhạc tuyệt phẩm của Jonny Greenwood – thành viên nhóm nhạc rock nổi tiếng Radiohead và là nhà soạn nhạc quen thuộc trong các bộ phim của Paul Thomas Anderson, tính cách và suy nghĩ của Reynolds và Elma dần biến đổi trước mắt khán giả bởi sự xuất hiện của những xung đột giữa sự hy sinh và lòng ích kỉ, giữa tình yêu cô độc với nghệ thuật, nghề nghiệp và khao khát được sẻ chia những khoảnh khắc hạnh phúc với người mình yêu. Phantom Thread là tác phẩm đầu tiên của Paul Thomas Anderson sau 7 bộ phim đậm chất Mỹ lấy bối cảnh nước Anh và các nhân vật người Anh, và chắc chắn những người dân của xứ đảo sương mù nổi tiếng với tính cách lạnh lùng cao ngạo nhưng tinh tế “phớt Ăng-lê” sẽ rất hài lòng khi thấy Paul Thomas Anderson xử lý những xung đột tình cảm như vậy một cách nhẹ nhàng, tế nhị, vừa đủ để gợi mở cho khán giả chứ không đầy ắp thoại và những cảm xúc sôi động “kiểu Mỹ”.

Một bộ phim tinh tế như Phantom Thread tất nhiên cần tới những diễn viên đủ nhạy cảm và tài năng để đưa cảm xúc, suy nghĩ của các nhân vật tới khán giả mà không cần phải dùng tới quá nhiều thoại hoặc cách diễn thậm xưng. Bộ ba được Paul Thomas Anderson trao niềm tin trong Phantom Thread là hai diễn viên gạo cội người Anh Daniel Day-Lewis và Lesley Manville và gương mặt mới người Luxembourg Vicky Krieps với vai diễn “chào sân” Hollywood. Đặc biệt sự hiện diện của Daniel Day-Lewis trong Phantom Thread thậm chí là đề tài được nhiều người quan tâm hơn việc một đạo diễn nổi tiếng như Anderson có tác phẩm mới đầu tiên sau 3 năm, bởi ngôi sao từng giành tới 3 tượng vàng Oscar cho vai nam chính xuất sắc nhất đã tuyên bố rằng đây sẽ là bộ phim cuối cùng trước khi ông giải nghệ điện ảnh. Day-Lewis được coi là một diễn viên cực kì kén phim vì ông luôn phải bỏ hết tâm sức và trí tuệ để hoàn toàn nhập vai vào từng nhân vật – ông chỉ có vỏn vẹn 7 vai diễn trên màn ảnh lớn trong vòng 20 năm qua với phần nhiều trong số đó được đánh giá là những vai diễn xuất sắc, thậm chí được xếp vào hàng kinh điển như trong Gangs of New York (2002), There Will Be Blood, hay Lincoln (2012). Bởi vậy người xem đã hết sức mong đợi Phantom Thread để được chứng kiến Daniel Day-Lewis cúi chào khán giả lần cuối với một vai diễn như thế nào. Quả thực, với vai diễn Reynolds Woodcock, Day-Lewis đã đáp lại sự kì vọng của khán giả và niềm tin của Anderson – đạo diễn bộ phim đem lại giải Oscar thứ hai cho ông là There Will Be Blood. Khác hẳn với vai diễn Daniel Plainview bùng nổ và bạo liệt trong There Will Be Blood, Reynolds Woodcock qua diễn xuất của Daniel Day-Lewis lại là hiện thân của sự tinh tế và tâm hồn yêu cái đẹp kiểu Anh khi mà ngay từ những giây phút đầu tiên của Phantom Thread, Day-Lewis đã khiến khán giả phải nín thở vì những cử chỉ và lời nói vô cùng nhẹ nhàng, ý nhị nhưng luôn chứa đựng ý nguyện sắt đá hy sinh tất cả vì nghệ thuật của Reynolds. Và cùng với sự tiến triển của truyện phim, sự sắt đá trong tâm hồn đó của Reynolds Woodcock được Daniel Day-Lewis dần biến đổi thành những giờ phút mỏng manh trong tâm hồn chỉ bằng ánh mắt biết nói, chỉ bằng sự im lặng đầy do dự đến từ kĩ năng diễn xuất khó ai sánh bằng của ngôi sao hàng đầu Hollywood. Nếu so với những nhân vật có sẵn sức nặng của lịch sử mà Daniel Day-Lewis từng hóa thân như Christy Brown trong My Left Foot (1989), Bill Đồ Tể trong Gangs of New York, Daniel Plainview trong There Will Be Blood, hay tổng thống Lincoln trong Lincoln thì rõ ràng một nhà tạo mẫu với tính cách có phần kì dị như Reynolds Woodcock khó có thể sánh được về mặt tạo ấn tượng đối với khán giả. Nhưng với kịch bản xuất sắc của Paul Thomas Anderson và diễn xuất đã đến tầm tuyệt phẩm của Daniel Day-Lewis, ngay cả những người xem bình thường nhất cũng có thể tìm thấy một phần tâm hồn mình khi chứng kiến Reynolds Woodcock loay hoay trong cuộc tìm kiếm hạnh phúc đích thực trong cuộc đời ông, nhất là sau khi bức tường lạnh lùng bao quanh trái tim của nhà tạo mẫu dần tan chảy trước tình cảm nồng nhiệt của cô gái trẻ Alma. Thật khó có thể nói rằng Day-Lewis có cơ hội giành tượng vàng Oscar thứ 4 trong sự nghiệp khi mà hạng mục vai nam chính trong mùa giải thưởng điện ảnh năm nay chứng kiến sự thống trị gần như là tuyệt đối của Gary Oldman với vai diễn thủ tướng Winston Churchill trong Darkest Hour. Nhưng nếu như Daniel Day-Lewis vẫn quyết tâm từ giã nghiệp diễn viên điện ảnh như ông đã nói, thì Reynolds Woodcock hoàn toàn xứng đáng là vai diễn khép lại một trong những sự nghiệp xuất sắc nhất trong lịch sử Hollywood của Day-Lewis bởi ở vai diễn này người xem có thể cảm nhận được tất cả sự nhạy cảm, tinh tế, và nhập vai đến quên mình vốn đã làm nên thương hiệu của ngôi sao đã đến tuổi lục thập người Anh này.

Nếu như những lời khen cho Daniel Day-Lewis có thể coi là “đương nhiên” bởi tài năng đã được kiểm chứng của ông, thì khán giả cũng nên dành sự trân trọng cho Lesley Manville và đặc biệt là Vicky Krieps vì hai nữ diễn viên này vẫn tìm được chỗ đứng trong bộ phim với những vai diễn xuất sắc không hề bị phủ bóng bởi sức hút điện ảnh mãnh liệt của Day-Lewis. Trong tiếng Anh, cụm từ stiff upper lip (“môi trên không mấp máy”)  thường được dùng để ví von cho tính cách “phớt Ăng-lê” của người dân xứ đảo sương mù – luôn kiên định và không biểu lộ cảm xúc ra bên ngoài dù trong bất cứ tình huống nào. Qua sự thể hiện của Manville, Cyril Woodcock có lẽ chính là một trong những hiện thân xuất sắc nhất của stiff upper lip trên màn ảnh lớn vài năm trở lại đây khi mà bà chị khó tính của Reynolds Woodcock không chỉ là cái neo với thực tại cho nhà tạo mẫu vốn luôn bay bổng với những hình vẽ và chi tiết, mà Cyril còn chính là chỗ dựa về mặt tinh thần cho Reynolds trong những phút yếu lòng. Tuy không thực sự là một gương mặt quen thuộc ở Hollywood nhưng Lesley Manville được coi là một trong những tên tuổi lớn trong giới diễn xuất điện ảnh và sân khấu của Anh, vì vậy sự xuất sắc của bà trong vai Cyril Woodcock cũng đã nằm trong dự đoán của báo giới và người yêu điện ảnh. Bởi vậy ngạc nhiên lớn nhất của Phantom Thread có lẽ là sự xuất hiện của cái tên mới Vicky Krieps trong vai Alma Elson. Không hề lép vế trước tên tuổi của Day-Lewis với nhân vật giàu chiều sâu Reynolds Woodcock, cô gái trẻ Alma của Krieps nhanh chóng chiếm được cảm tình từ khán giả nhờ vẻ đẹp ngây thơ, khỏe khoắn ở phần đầu phim, rồi từ đó khiến họ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với sự biến đổi đầy ấn tượng về tính cách, về những câu thoại và cử chỉ thông minh đến từ “nàng thơ” mới nhất của nhà mốt Woodcock. Sự chủ động, nhiệt thành trong tình yêu của Alma đã bổ sung một cách hoàn hảo cho sự bị động, do dự, và thu mình của Reynolds để làm nên một bức tranh sống động về tình yêu, về cách thức những con người đang yêu tìm đến với nhau qua những sợi chỉ vô hình của sự đồng điệu. Một Reynolds tinh tế và dị biệt, một Cyril lạnh lùng và quyết đoán, một Alma sôi nổi, nhiệt thành, chỉ ba nhân vật đó thôi cũng đã giúp Phantom Thread sở hữu tuyến nhân vật xuất sắc bậc nhất trong số các tác phẩm điện ảnh của Hollywood năm 2017, và hoàn toàn có thể sánh ngang với những bộ phim với tuyến nhân vật hết sức dày dặn khác của Paul Thomas Anderson như Boogie Nights, Magnolia, hay The Master.
 
Phantom Thread là một tác phẩm điện ảnh đẹp. Bộ phim đẹp vì những bộ váy tuyệt hảo gợi nhớ về cái chất quý tộc vốn đã phai nhạt rất nhiều trong những năm 1950 ở nước Anh. Bộ phim đẹp vì phần nhạc phim lôi cuốn của Jonny Greenwood và những góc quay đặc tả các góc cạnh ấn tượng của từng nhân vật do chính Paul Thomas Anderson góp tay thực hiện. Nhưng trên hết, bộ phim đẹp vì những nhân vật với tính cách đặc sắc, vì những sợi chỉ tình cảm vô hình kết nối họ thông qua nỗi sợ sự cô đơn, thông qua lòng khát khao được yêu, được ở bên người mình yêu. Và xin khán giả hãy đừng quên rằng, khi xem bộ phim đẹp ấy, họ cũng đã được chứng kiến vai diễn cúi chào màn ảnh lớn lần cuối cùng của Daniel Day-Lewis – một trong những tên tuổi lớn nhất và xuất sắc nhất của điện ảnh Hollywood.

======

Bản đã biên tập trên Zing.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire