some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

dimanche 16 mai 2010

Michael Jackson's This Is It


Đây là bài viết của tôi lúc biết tin Michael Jackson qua đời:

The King is dead

Mấy ngày không online, tôi lên vnexpress.net và đọc được ngay ở trang nhất tin Michael Jackson vừa qua đời, tự dưng thấy buồn buồn và có chút gì đó tiếc nuối. Có lẽ không phải mình tôi thấy buồn trước cái tin Ông vua nhạc Pop qua đời, dù đỉnh cao của “Vua” đã qua đi từ lâu, cũng chẳng phải vô lý khi vnexpress.net hay vietnamnet.vn đều đưa tin tức về cái chết của Michael Jackson ở mục Quốc tế thay vì mục Văn hóa như đối với mọi nghệ sĩ khác. Giống như nhiều người Việt Nam ở vào cái thời đất nước mới mở cửa về văn hóa những năm 90, tôi biết đến Michael Jackson lần đầu tiên qua những băng VHS chất lượng nhòe nhoẹt vì sang đi sang lại quá nhiều lần. Ở vào cái thời Madonna vẫn còn tóc dựng ngược hát Papa Don’t Preach hay hai anh chàng Pet Shop Boy đang bải hoải It’s a Sin với bộ mặt lạnh lùng thì Michael Jackson đã làm tất cả những ai có cơ hội xem clip của anh phải kinh ngạc về mức độ giải trí mà Michael mang lại cho những bài hát. Không chỉ tự sáng tác, tự hát với chất giọng thanh hiếm có, Michael còn khiến giới trẻ phát cuồng với những bước Moon Walk, những điệu nhảy nóng bỏng (tất nhiên thua xa những clip Hip Hop, R&B hiện đại), các màn chào sân khấu hoành tráng và cả những video clip được dàn dựng công phu không kém (thậm chí là hơn nhiều lần) các bộ phim Hollywood. Khi mà VTV3 còn chưa xuất hiện, MTV là khái niệm xa vời, cơ hội xem phim blockbuster Hollywood là không bao giờ có thì với người Việt, cụ thể là bố con tôi, quả thực chẳng có “bộ phim” nào hay hơn những Black or White, Heal the World hay History.

Có lẽ giới trẻ Việt Nam ngày ấy ai cũng ít nhiều yêu thích Michael Jackson, nửa vì những điệu nhảy điêu luyện, nửa vì các bài hát có nội dung đẹp được trình bày bằng chất giọng đẹp chẳng kém của Michael. Hiếm thấy một nghệ sĩ giải trí nào lại dành nhiều sáng tác cho những đề tài xã hội ít tính giải trí như Michael Jackson, từ chống chiến tranh với Heal the World, xóa đói nghèo với We are the World, bảo vệ môi trường với Earth Song, phản đối nạn phân biệt chủng tộc với Black or White và cả tuyên truyền phòng chống AIDS với Gone Too Soon. Đáng khâm phục hơn nữa là chất lượng nghệ thuật của những ca khúc “tuyên truyền” mà Michael Jackson sáng tác và trình diễn không hề thua kém những sáng tác nổi tiếng khác của anh như Thriller, Billy Jean. Đó là điều làm Ông vua nhạc Pop được người nghe (và xem) nhạc yêu quý nhất, nó giúp khỏa lấp đi một bộ mặt khác của Michael vốn được giới truyền thông báo chí “yêu quý”, đó là đời tư rắc rối và những hành xử gây nhiều tranh cãi của Michael Jackson, nhiều khi trái ngược hẳn với những ca từ đẹp đẽ do chính anh sáng tác. Phải chăng vì bị đào tạo từ bé để trở thành một nghệ sĩ giải trí, Michael đã không được chuẩn bị cho những thành công ập đến liên tiếp ngay khi anh chỉ vừa mới trưởng thành, đời tư của Michael Jackson dần bị báo chí, truyền hình làm cho méo mó, dị dạng hệt như chính những gì anh đã làm cho khuôn mặt của chính mình.

Những năm tháng biểu diễn liên tục ở các sân khấu lớn trước hàng trăm ngàn khán giả mang lại cho Michael Jackson tiền bạc, rất nhiều tiền, nhưng nó cũng dần lấy đi của anh sức khỏe, sự tỉnh táo và biến anh trở thành một ông “Vua” cô độc. Bị đánh cắp mất tuổi thơ, Michael tự xây dựng một Neverland để biến mình thành Peter Pan trẻ mãi không già cùng những đứa trẻ anh yêu quý, kết quả là một trong số đó lôi anh ra tòa kiện vì tội “Lạm dụng tình dục” trong một vụ án chẳng có kết thúc dù nó lôi cả nước Mỹ vào cuộc. Bị (hay được) gắn cho cái mác Ông Vua nhạc Pop, Michael Jackson đi tới chỗ cưới con gái của Ông vua nhạc Rock&Roll trong một đám cưới cũng chẳng đi đến đâu. Cuộc đời Michael Jackson khiến tôi nghĩ đến một nhân vật nổi tiếng trong điện ảnh – Charles Foster Kane hay Citizen Kane, người thành công rực rỡ trong sự nghiệp để rồi chết trong cô độc ở Xanadu, dinh thự khổng lồ mà Kane xây cho riêng mình. Nói cho chính xác thì cuộc đời Michael Jackson không đến nỗi bi thảm như thế, anh có bạn – Elizabeth Taylor, một huyền thoại điện ảnh cũng có đời tư chìm nổi chẳng kém gì Michael, anh vẫn còn rất nhiều fan – những người đã đổ lệ trước cổng tòa án năm nào khi thần tượng của họ được tuyên trắng án, nay lại phải đổ lệ nơi cổng bệnh viện trước tin Michael đột tử, ông Vua nhạc Pop thậm chí còn có ba đứa con, những “động lực sống” giúp Michael tiếp tục sống, tiếp tục tập luyện cho ngày trở lại với sàn diễn cho dù sức khỏe của anh ngày một suy tàn. Một con người của công chúng trong suốt 40 năm như Michael có lẽ mong chờ ngày đó lắm, cái ngày anh lại đứng đầu bảng xếp hạng Billboard, cái ngày anh lại nhảy lên sàn diễn giữa tiếng hò reo của muôn vạn người hâm mộ. Michael Jackson chẳng còn bao giờ có cái cơ hội ấy, nhưng liệu kể cả khi anh vẫn còn sống, vẫn còn biểu diễn thì ngày ấy có đến không, khi mà Michael đã từng thất bại một lần, và trong cái thế hệ đình đám của anh đến giờ cũng chỉ còn duy nhất Madonna vẫn còn đứng được ở đỉnh cao? Trong những khuôn mặt nổi bật của văn hóa Mỹ ập đến với Việt Nam thời đầu thập niên 90 còn có Mike Tyson-võ sĩ thép và Macaulay Culkin-ngôi sao nhỏ của Ở nhà một mình. Cũng giống như Michael, cả Tyson và Culkin đều là những thần đồng trong lĩnh vực của họ với những thành công đến từ rất sớm. Và buồn thay cũng giống như Michael, cả hai đều chìm dần vào quên lãng với những bê bối đời tư, Culkin lập gia đình năm 18 tuổi để rồi không bao giờ còn nhận được những vai lớn như khi còn bé, Tyson thậm chí còn bị tống vào tù, phá sản và phải đi … đóng phim khiêu dâm để trả nợ. Giờ đây Michael Jackson đã qua đời, không hiểu Culkin và Tyson còn hay nghĩ đến những giờ phút vinh quang của quá khứ hay không, không hiểu họ sẽ tiếp tục sống trên cái Sunset Boulevard của mình như thế nào? Ngẫm ra chưa chắc Michael đã “Gone Too Soon”, dù sao anh vẫn còn chút hào quang ngày nào, và những bài hát của anh có lẽ vẫn sẽ còn được người ta nghe đi nghe lại, xét đến tận cùng của một người nghệ sĩ, được người khác thưởng thức giọng hát hẳn đã là lời an ủi You Are Not Alone rồi. Vậy thì tạm biệt anh Michael Jackson, “There’s a place in your heart, and I know that it is love”!

===

Để nhận xét về Michael Jackson's This Is It với tư cách của một bộ phim tài liệu thì thật khó, vì thực sự This Is It mang dáng dấp của một phim tài liệu gia đình ghi lại những hình ảnh luyện tập của Michael cùng các phụ tá cho loạt lưu diễn (không bao giờ thành hiện thực) This Is It hơn là một bộ phim tài liệu thực sự với một cốt truyện xuyên suốt. This Is It mở đầu bằng những ngày tuyển lựa với hình ảnh các vũ công sung sướng và cảm động đến tột độ vì được chọn biểu diễn cho chương trình, có người thậm chí còn nghẹn ngào đến không nói nên lời, mà cũng phải thôi vì đâu phải ai cũng có cơ hội làm việc bên cạnh ông Vua nhạc Pop trong lần trở lại quyết định này. Tiếp đó This Is It cho người xem chứng kiến những bài hát lẽ ra sẽ được biểu diễn trong loạt lưu diễn, vẫn là một Michael Jackson với chất giọng thiên thần và những bước nhảy của một vũ công thượng hạng, khuôn mặt của anh tuy đã in hằn dấu vết tàn phá của thời gian và những cuộc phẫu thuật, vẫn tràn đầy sức sống, sức sáng tạo và tình yêu âm nhạc, chẳng có dấu hiệu gì cho thấy người nghệ sĩ xuất chúng ấy (prima ballerina - như cách gọi của Roger Ebert) lại đang chịu sức ép nặng nề của căn bệnh trầm cảm và hàng lô thuốc tống vào dạ dày mỗi ngày để rồi đột ngột qua đời khi chưa kịp chứng tỏ cho công chúng là anh vẫn thực sự là một nghệ sĩ xuất chúng. Những ai yêu quý Michael chắc chắn sẽ cảm thấy xúc động và tiếc nuối khi chứng kiến ông Vua sung sức đến thế, khi nghe những bài hát dù đã ra đời và nổi tiếng hơn 20, 30 năm vẫn tươi mới qua giọng ca của Michael.

Chắc nhiều người xem xong bộ phim này sẽ buột miệng "Giá mà...". Nhưng "Yesterday is HIStory", Michael đã trở thành huyền thoại còn This Is It đã trở thành một bộ phim xứng đáng như một khúc nguyện cầu (requiem) cho huyền thoại âm nhạc ấy. Yes, this is it.

3 commentaires:

  1. http://siriusstar.tumblr.com/post/133792322/michael-jackson#disqus_thread

    Đây là bài của tui, xin chia sẻ.

    RépondreSupprimer
  2. Bài này hay lắm, tui đọc từ lâu rồi nhưng cũng chả biết nên comment gì :). Thực ra MJ cũng thành một phần quá khứ của mình rồi, mà cái gì rơi rớt vào quá khứ mà chẳng thành đẹp.

    RépondreSupprimer
  3. Thì đó, bài này cũng vậy. Đọc mà thấy than nghèo kể khổ thời thơ ấu thì biết đồng trang lứa rồi :))

    RépondreSupprimer