some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mardi 5 mars 2019

The Vice (2018)


Hoa Kỳ là cường quốc số một thế giới vì vậy lẽ dĩ nhiên là người đứng đầu quốc gia này – Tổng thống Hoa Kỳ cũng luôn được coi là chính trị gia quyền lực nhất thế giới với những quyết định có thể định đoạt sinh mệnh của cả triệu người hay tương lai của nhiều đất nước. Sát cánh Tổng thống từ ngày tranh cử và về danh nghĩa vẫn là người “dưới một người nhưng trên vạn người” trong hệ thống chính trị Mỹ là chức danh Phó Tổng thống Hoa Kỳ. Tuy vậy trong lịch sử chính trị của nước Mỹ thì vị trí này lại hiếm khi được các chính trị gia để mắt tới vì ngoài việc tham gia các sự kiện mang tính ngoại giao hay giao tế với công chúng trong nước, Phó Tổng thống gần như không có một quyền lực thực tế nào.

Nước Mỹ phải đợi tới đời Tổng thống thứ 43 để được chứng kiến một vị Phó Tổng thống với tham vọng làm thay đổi vị thế “bù nhìn” của “nhân vật số 2” này. Đó là Dick Cheney – Phó Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush. Tuy còn nhiều thông tin sẽ còn lâu được chính quyền Hoa Kỳ giải mật, và có những sự thật sẽ mãi mãi nằm ngoài tầm với của công chúng và báo chí, nhưng chỉ với những gì đã được hé lộ ra ánh sáng, người ta cũng đã có thể khẳng định được rằng Dick Cheney có thể được coi là Phó Tổng thống có quyền lực nhất trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ. Có thể kết luận như vậy là bởi không phải Tổng thống Bush, mà chính Dick Cheney đã đưa ra những quyết sách lớn về mặt an ninh, ngoại giao, và pháp lý của nước Mỹ trong những năm sau sự kiện khủng bố ngày 11 tháng 9. Đó là việc kéo nước Mỹ vào hai cuộc chiến tàn khốc, hao người tốn của, và cho đến tận ngày hôm nay vẫn chưa thực sự ngã ngũ tại Iraq và Afghanistan, đó là những chính sách gây tranh cãi trong việc tra tấn và bắt cóc trái phép các nghi phạm khủng bố, đó là các biện pháp “lách luật” để Tổng thống và Phó Tổng thống có quyền lực vượt ngoài tầm kiểm soát của Quốc hội Hoa Kỳ. Tất nhiên để leo lên được đỉnh cao quyền lực mà chưa vị Phó Tổng thống nào từng có được như vậy, Dick Cheney cũng tạo cho mình rất nhiều kẻ thù, gây ra nhiều bê bối, và rời ghế sau 8 năm với tỉ lệ ủng hộ thấp kỉ lục trong công chúng Mỹ.

The Vice – tác phẩm điện ảnh mới nhất của đạo diễn Adam McKay chính là bộ phim tiểu sử đầu tiên mô tả cuộc đời đầy biến động và cực kì đặc sắc của Dick Cheney (Christian Bale) từ những ngày chỉ còn là một anh thợ kéo đường dây điện ở xứ Wyoming hẻo lánh đầu thập niên 1960 cho tới khi vị Phó Tổng thống đã rời khỏi đỉnh cao quyền lực để quay về với vợ - bà Lynne Vincent Cheney (Amy Adams) và hai cô con gái Mary (Alison Pill) và Liz Cheney (Lily Rabe). Thông qua chặng đường dài đằng đẵng suốt ba thập niên để leo lên tới vị trí Phó Tổng thống Hoa Kỳ của Dick Cheney, đạo diễn McKay – người đồng thời cũng là tác giả kịch bản của bộ phim cũng giới thiệu với công chúng những ngó ngách hiếm người biết tới của chính trường Mỹ và nhất là gương mặt, tính cách của những chính trị gia cùng thời với Dick Cheney – những người nắm vận mệnh nước Mỹ trong suốt những năm đầu thế kỷ 21 như Tổng thống George W. Bush (Sam Rockwell), bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld (Steve Carell), bộ trưởng ngoại giao Colin Powell (Tyler Perry), hay thứ trưởng quốc phòng và sau này là chủ tịch Ngân hàng thế giới Paul Wolfowitz (Eddie Marsan).

Christian Bale không phải là một cái tên xa lạ với những người yêu điện ảnh. Không chỉ nổi danh qua vai diễn Người Dơi trong bộ ba phim cực kì thành công cả về mặt doanh thu và nghệ thuật về siêu anh hùng của bóng đêm này của đạo diễn Christopher Nolan, Bale còn có tiếng là một diễn viên luôn hết mình trong bất cứ vai diễn nào. Anh giảm cân hết mức để vào vai anh thợ máy mắc chứng mất ngủ Trevor Reznik trong The Machinist (2004) để rồi chỉ trong 6 tháng tăng thêm 45 kg để hoá thân thành Người Dơi cuồn cuộn cơ bắp trong Batman Begins (2005). Tới năm 2010 Bale lại một lần nữa tự giảm 14 kg để biến thành tay võ sĩ quyền anh Dicky Eklund trong The Fighter – vai diễn đem lại cho nam diễn viên sinh tại Anh quốc này tượng vàng Oscar đầu tiên ở hạng mục Vai nam phụ xuất sắc nhất. Và tất nhiên, khi đã được Adam McKay giao trọng trách đưa hình ảnh vị Phó Tổng thống bệ vệ, luôn bị ám ảnh bởi trái tim ốm yếu Dick Cheney, Christian Bale lại một lần nữa hy sinh vẻ ngoài hào hoa, góc cạnh của một ngôi sao điện ảnh để tăng thêm vài chục cân cho phù hợp với hình ảnh một chính trị gia thừa lọc lõi, thiếu sức khoẻ. Mọi nỗ lực của Bale có lẽ sẽ được khán giả đón nhận nhiệt liệt, vì nếu không nói trước chắc hẳn ít ai nhận ra rằng diễn viên thủ vai Dick Cheney lại chính là nam diễn viên nổi tiếng vì vẻ ngoài cuốn hút Christian Bale. Và quan trọng hơn thế, Bale thực sự đã thể hiện được sự thâm trầm, tính toán của một tay chơi thượng hạng trong ván bài chính trị kéo dài hàng chục năm như Dick Cheney. Thủ vai một nhân vật nổi tiếng, được công chúng biết tên, biết mặt đã khó, thủ vai một chính trị gia nổi tiếng bị không ít người căm ghét đến tận xương tuỷ nhưng lại hiếm khi bộc lộ cảm xúc, quan điểm như Dick Cheney lại là một nhiệm vụ còn khó khăn gấp bội. Cứ nhìn cái cách Christian Bale thể hiện một Dick Cheney kìm kén cảm xúc vui mừng khi có được góc văn phòng đầu tiên trong một căn buồng không có cửa sổ của Nhà Trắng, hay khi tay chính trị gia ở ẩn này nhận ra cơ hội nghìn năm có một để leo lên nấc thang cuối cùng của quyền lực khi được viên thống đốc ngờ ngệch George W. Bush mời vào liên danh tranh cử, người xem sẽ cảm nhận được ngay rằng họ đang được chứng kiến một chính trị gia đúng nghĩa gian hùng gặp thời, một chính trị gia tuy chỉ đứng sau màn chấp chính nhưng sẽ làm thay đổi hẳn bộ mặt của nước Mỹ hiện đại. Quan trọng hơn thế, Bale còn đem tới cho khán giả một hình ảnh Dick Cheney ba chiều với đủ cung bậc cảm xúc rất con người từ căm hận những kẻ khủng bố đã khiến nước Mỹ phải hứng chịu cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001, cho tới tình yêu thương vô bờ bến dành cho vợ và cô con gái Mary vốn là một phụ nữ đồng tính “sinh nhầm” trong một gia đình chính trị bảo thủ truyền thống của Đảng Cộng hoà với “sứ mệnh” phải đối hôn nhân đồng giới. Đây là một khía cạnh hết sức quan trọng của The Vice và cũng thể hiện tài năng diễn xuất tuyệt đỉnh của Christian Bale vì những chính trị gia “bị ghét” như Bush hay Cheney thường chỉ xuất hiện trên báo chí, truyền hình, hay thậm chí là các bộ phim điện ảnh như W (2008) của đạo diễn Oliver Stone với một hình ảnh châm biếm, méo mó, thể hiện sự căm ghét rõ ràng của các nhà báo, của giới làm phim đối với những người bị coi là phải chịu trách nhiệm cho sự sa lầy của Hoa Kỳ ở Iraq và Afghanistan.

Đứng đằng sau một người đàn ông thành công luôn là một người phụ nữ biết hy sinh vì chồng, biết động viên chồng trong những giờ phút khó khăn nhất. Với một chính trị gia xuất thân không có “chống lưng”, lại chịu nhiều vấn đề về tim mạch từ khi còn tuổi trẻ như Dick Cheney, thì một người vợ thông minh, sẵn sàng chia sẻ, chăm lo cho chồng mọi nơi, mọi lúc lại càng là yếu tố không thể thiếu cho một sự nghiệp thành đạt. Và qua sự thể hiện xuất sắc của Amy Adams, nhân vật Lynne Vincent Cheney đã thực sự chinh phục được khán giả không chỉ vì sự hy sinh bà dành cho chồng trong suốt hơn nửa thế kỉ bên nhau, mà còn vì chính bộ óc tinh anh, lọc lõi của Lynne Cheney trong nhiều giai đoạn mới chính là nhân tố chính tạo nên các bước nhảy vọt trong cuộc đời và sự nghiệp của Dick Cheney. Tương tự như Christian Bale, trước The Vice Amy Adams đã có nhiều vai diễn thành công trong Junebug (2005), Enchanted (2007), American Hustle (2013) hay gần đây là Arrival (2016). Nhưng hiếm khi nào Amy Adams được giao một vai có nhiều bộ mặt đa dạng như vai Lynne Cheney, khi cô vừa phải thể hiện hình ảnh của một bà-vợ-chính-trị-gia mạnh mẽ, tham vọng bên chồng trong các cuộc đua tranh cử, vừa phải truyền tải được tình yêu thương chân thành giúp gắn kết hai vợ chồng qua cả những thời điểm thành công và khoảng trầm lặng lẽ trong sự nghiệp của Dick Cheney. Amy Adams đã thành công trong cả hai khía cạnh ấy, bởi một trong những cảnh xuất sắc và giá trị nhất của The Vice chính là khi Lynne Cheney ôm lấy chồng để đọc lại những câu thoại trác tuyệt của Shakespeare trong The Winter’s Tale với chất giọng ấm áp yêu thương nhưng không giấu nổi nỗi lo âu cho Dick Cheney trước lựa chọn quyết định – có nên hỗ trợ tay Thống đốc “bất tài” George W. Bush ra tranh cử tổng thống Hoa Kỳ hay không.

Sự xuất sắc vượt trội của Christian Bale và Amy Adams có lẽ đã phần nào làm lu mờ diễn xuất của các diễn viên phụ trong phim. Ngoại trừ Steve Carell trong vai Donald Rumsfeld và Sam Rockwell trong vai George W. Bush, các khuôn mặt còn lại trong The Vice không để lại nhiều ấn tượng, một phần khác cũng là vì chất hài của bộ phim này đã cản trở họ diễn cho ra chất các chính trị gia từng một thời khuấy đảo chính trường Mỹ. Tuy vừa đạt được thành công vang dội với bộ phim chính kịch lấy đề tài giới tài chính Hoa Kỳ The Big Short (2015), Adam McKay trước hết vẫn được biết tới qua các bộ phim hài châm biếm do ông đạo diễn như Anchorman: The Legend of Ron Burgundy (2004) và Anchorman 2: The Legend Continues (2013), hay The Other Guys (2010). Có lẽ vì vậy mà The Vice có thể coi là một nỗ lực của McKay trong việc trộn lẫn chất hài đặc trưng của ông với đề tài chính trị nghiêm túc về một nhân vật hiếm ai có thể tìm thấy chút gì hài hước như Dick Cheney. Tuy nhiên, nếu so với sự thành công trong việc nhắm được đúng Bale và Adams cho hai vai đinh của phim, thì The Vice lại khiến khán giả có cảm giác đang xem một tác phẩm được biên tập khá gượng gạo, thiếu sự kết nối giữa các phân đoạn, và bị lỡ cỡ về mặt thể loại. Có rất nhiều chi tiết châm biếm, nhưng khó lòng có thể coi The Vice là một tác phẩm hài châm biếm khi các nhân vật trong phim, ngoại trừ vai George W. Bush do Sam Rockwell thể hiện xuất sắc dù không có nhiều thời lượng lên hình, đều được xây dựng một cách nghiêm túc trong nỗ lực trung thành tối đa với các sự kiện và nhân vật lịch sử có thật của Adam McKay. Nhưng cũng khó lòng xếp The Vice vào hàng ngũ một phim chính kịch thành công khi tác phẩm này gần như được thực hiện với phong cách tài liệu kiểu Fahrenheit 9/11 (2004) của đạo diễn gây nhiều tranh cãi Michael Moore với chất chính trị, chỉ trích chính quyền đậm nét thay vì tập trung mô tả sự phát triển về mặt tính cách, quan hệ của Dick Cheney và những nhân vật xoay quanh ông ta. Chất chính trị, chỉ trích chính quyền quá đậm đặc của phim cho đến tận những giây cuối cùng có lẽ sẽ khiến The Vice mất đi nhiều khán giả, bởi nếu cần một phim tài liệu nói về những bê bối của chính quyền George W. Bush họ đã có Fahrenheit 9/11, họ đã có No End in Sight (2007), một tác phẩm điện ảnh nữa chỉ nhấn nhá lại những đề tài đã cũ như vậy có lẽ là không thực sự cần thiết.

Vượt trội về mặt diễn xuất, nhưng gây tranh cãi về chất lượng nội dung, thật khó để có thể xếp The Vice lên trên The Big Short – tác phẩm được đánh giá cao nhất trong sự nghiệp của Adam McKay cho đến thời điểm hiện tại. Nhưng liệu The Vice có thực sự là tác phẩm “không cần thiết” như một số khán giả và nhà phê bình đánh giá? Có lẽ là không. Bởi trong thời điểm chính quyền Mỹ vẫn đang toan tính can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác, người dân Mỹ cần được nhắc nhớ lại một bài học đắt giá về sự sa lầy của Hoa Kỳ ở Iraq và Afghanistan. Bởi trong thời điểm nhiều chính trị gia dân tuý, chỉ biết tính toán cho những mục đích của cá nhân thay vì nhìn vào bức tranh chung của đất nước, của thế giới, thì công chúng Hoa Kỳ lại cần phải nhìn lại con đường đi tới quyền lực tuyệt đối của Dick Cheney và những hậu quả lâu dài mà chính trị gia này để lại cho nước Mỹ. Trong bối cảnh này, The Vice xứng đáng là một bộ phim tiểu sử đáng xem, đáng suy ngẫm về một nhân vật ít người yêu, lắm kẻ ghét, nhưng đã là một phần không thể thiếu của lịch sử nước Mỹ hiện đại.


======

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire