some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

mardi 17 novembre 2015

Macbeth (2015)









Được mệnh danh là một trong những vở kịch u buồn nhất của Shakespeare, và là vở bi kịch ngắn nhất của ông, Macbeth cũng là một trong những tác phẩm được chuyển thể thành phim điện ảnh nhiều nhất của tác gia người Anh. Liệu một tác phẩm đã có trên 400 năm tuổi, được đưa vào sách giáo khoa của nhiều quốc gia, được đưa lên màn ảnh lớn tới mười một lần, còn có thể đem lại sự mới mẻ, hứng thú cho khán giả? Có lẽ đó là câu hỏi chung của người yêu phim năm nay khi biết tin đạo diễn người Úc Justin Kurzel sẽ một lần nữa đem bi kịch của Macbeth lên phim, lần thứ mười hai.

Với những ai yêu thích các vở kịch của Shakespeare thì chắc chắn chuyển thể Macbeth này của Justin Kurzel sẽ làm họ hài lòng bởi bộ phim giữ gần như nguyên vẹn cốt truyện, những câu thoại và chi tiết đầy bi tráng của vở kịch gốc. Vẫn còn đó là câu truyện về sự sa ngã của Macbeth (Michael Fassbender) – vị chỉ huy dũng cảm trên chiến trường nhưng lại không thể thoát khỏi cám dỗ của lòng tham, của sự kiêu hãnh, của những lời khiêu khích của Phu nhân Macbeth (Marion Cotillard) để rồi rơi vào vòng xoáy không lối thoát của tội ác và sự trừng phạt. Vẫn còn đó là sự đối lập thiện-ác giữa một bên là toan tính, mưu mô, tội ác của vợ chồng Macbeth mù mắt bởi quyền lực, bởi những lời tiên tri đầy ma mị của Ba mụ phù thuỷ, với bên kia là sự chính trực, kiên cường không khoan nhượng trước cái ác của cha con Banquo (Paddy Cosidine), của gia đình Macduff (Sean Harris). Trung thành với chất sử thi của Shakespeare, chuyển thể điện ảnh mới nhất này của Macbeth thực sự đã làm toát lên được cái bi thương của câu truyện về Macbeth, cũng như chất hùng tráng của con người, tính cách Scotland. Xem xong phim, hẳn nhiều khán giả sẽ không thể quên những giờ phút cuối cùng trong mộng mị, ảo ảnh của Phu nhân Macbeth, hay ánh mắt buồn thăm thẳm của Macbeth khi cất lên những lời ai oán tuyệt vọng “Ngày-mai, và ngày-mai, và ngày-mai…”.

Tuy nhiên với những người mới lần đầu được tiếp xúc với Macbeth, chưa từng đọc hoặc xem vở kịch gốc thì những câu thoại đẹp đầy chất sử thi, nhưng thường rất dài, văn hoa và có chút gì đó thậm xưng theo đúng chất kịch nói có lẽ sẽ khiến họ khó lòng có thể cảm nhận được hết số phận, suy nghĩ của các nhân vật mà Shakespeare đã dày công tạo dựng. Với những khán giả như vậy, đạo diễn Justin Kurzel và nhà quay phim Adam Arkapaw lại dành cho họ một món quà đáng giá và dễ dàng cảm thụ khác – phần hình ảnh tuyệt đẹp, vừa truyền cảm, vừa hùng tráng của Macbeth. Từng nổi danh với những tác phẩm điện ảnh, truyền hình có phần hình ảnh và tông màu hết sức khác biệt như Animal Kingdom (2010) hay True Detective Mùa 1 (2014), nhưng Macbeth đã đưa nhà quay phim Arkapaw lên một tầm cao mới. Chất kịch đậm đặc của Macbeth được thể hiện rất rõ qua các cảnh quay tĩnh, sử dụng ánh sáng tự nhiên, vốn chiếm phần lớn thời lượng của phim. Tuy nhiên, việc thay đổi khung hình nhịp nhàng từ những thước phim thoáng, rộng lấy bối cảnh thiên nhiên choáng ngợp, đẹp đẽ của Scotland sang những bối cảnh tăm tối, chỉ có những bóng hình mờ ảo được tạo nên bởi ánh lửa, ánh nến đã giúp khán giả theo được mạch cảm xúc của phim (vốn có phần thoại dễ gây cảm giác vụn, rời kiểu sân khấu). Và nếu như những câu thoại đầy chất kịch của Macbeth không khiến một vài khán giả cảm thấy hào hứng, chắc chắn họ vẫn sẽ bị lôi cuốn bởi cách sử dụng màu sắc và góc máy rất riêng của Macbeth. Có thể khẳng định mỗi một khung hình của Macbeth là một bức tranh tuyệt đẹp, với tông màu đơn sắc được đẩy lên tới mức bão hoà để làm nổi bật không khí của cảnh quay và những suy nghĩ, tâm thế của các nhân vật. Gam màu đen của những mưu mô, toan tính, gam màu đỏ của bạo lực, chết chóc, gam màu nâu lạnh của bi kịch, của tuyệt vọng, Macbeth thực sự là một bản giao hưởng tuyệt vời của những màu sắc-biết kể chuyện. Và nhắc tới Macbeth, người ta không thể không kể tới các cảnh chiến trận. Có lẽ từ bộ phim 300 của đạo diễn Zack Snyder năm 2007 đến giờ khán giả mới lại được xem những cảnh quay chiến trận xuất sắc đến như vậy trong Macbeth. Nhưng nếu 300 đôi khi bị chê vì chỉ chú trọng cách thể hiện các cảnh quay chiến trận thay vì nội dung, ý nghĩa của những hình ảnh bạo lực ấy, thì khó ai có thể chê Macbeth bằng những nhận xét như vậy. Bởi lẽ mỗi cú bấm máy của Macbeth đều mang nặng cảm xúc, tâm tư của những nhân vật với những bi kịch riêng. Và liệu có bi kịch nào lớn hơn bi kịch của những người phải cuốn chặt vũ khí vào tay để giành giật lấy mạng sống của nhau trong chiến trận - nơi tình người, lòng thương không tồn tại? Những người lính lấm lem bùn đất nhưng sáng loà trên chiến trường. Một Macbeth-thủ lĩnh-người sống sót đứng hiên ngang, nhưng cô độc giữa sa trường với đằng sau là những bóng ma của đồng đội. Tiếng nhạc lúc dồn dập theo nhịp tấn công, lúc trầm buồn khi lướt qua những cái xác không hồn của những đứa trẻ-người lính. Tất cả những yếu tố đó đã giúp phần hình ảnh đầy chất bi kịch, sử thi của Macbeth phần nào sánh ngang được với vẻ đẹp trường tồn của những câu thoại hơn 400 năm tuổi của Shakespeare.

Tất nhiên một chuyển thể điện ảnh của Macbeth không thể hay nếu không có một Macbeth và một Phu nhân Macbeth xuất sắc. Ở đây, một lần nữa đạo diễn Kurzel lại cho thấy quyết định đúng đắn của ông khi giao hai vai cực kì quan trọng này cho Michael Fassbender và Marion Cotillard. Fassbender dường như sinh ra là để vào vai Macbeth. Vóc dáng cao lớn, cái thần trong ánh mắt, giọng nói, cử chỉ giúp anh dễ dàng thể hiện một Macbeth thủ lĩnh, một Macbeth quả cảm trên chiến trường. Nhưng ẩn sau cái mạnh mẽ ấy, Fassbender còn khiến người xem cảm nhận được một tâm hồn kiêu hãnh, một tâm hồn dễ bị tổn thương của Macbeth – điểm yếu đã đẩy Macbeth xuống vực thẳm số phận. Xuất sắc không kém Fassbender là Marion Cotillard đang ở độ chín của cả nhan sắc và sự nghiệp. Vẻ đẹp bí ẩn của Cotillard tỏ ra vô cùng thích hợp với Phu nhân Macbeth, người nhóm ngọn lửa tham lam trong lòng Macbeth bằng bó củi của sự quyến rũ và những lời thủ thỉ sắc nhọn. Nhưng thậm chí còn lấn át cả vẻ đẹp của chính Cotillard là tài năng diễn xuất của cô – tài năng đã giúp Cotillard thể hiện xuất sắc cái cách lòng tham đã huỷ hoại con người Phu nhân Macbeth, đẩy bà tới chỗ điên loạn. Diễn xuất đa diện của Cotillard trong bộ phim này có lẽ sẽ khiến khán giả nhớ tới vai nữ ca sĩ tài hoa bạc mệnh Edith Piaf – vai diễn đã đem lại cho cô giải Oscar nữ diễn viên xuất sắc nhất năm 2008 trong phim La Vie En Rose. Đồng điệu với Fassbender và Cotillard là dàn diễn viên phụ diễn tròn vai, tuy không nổi bật vì thiếu đất diễn, và một diễn viên không thoại – thiên nhiên Scotland. Nói không ngoa thì nếu như Lord of the Rings đã đem vẻ đẹp hùng vĩ của New Zealand đến với thế giới, thì Macbeth cũng đã thành công khi khiến khán giả phải kinh ngạc trước thiên nhiên bao la, bí ẩn trong cái lạnh tê người phương Bắc của đất nước Scotland xa xôi, khiến khán giả chợt nhận ra rằng Scotland không chỉ có những bi kịch như bi kịch của Macbeth, đất nước ấy còn có những cao nguyên rộng lớn, những rặng núi trùng điệp tuyết phủ, những mặt hồ trơ trọi giữa cái hùng vĩ của trời đất.

Một trong những tác phẩm điện ảnh được trông đợi nhiều nhất, đặc biệt là với những người hâm mộ trò chơi điện tử, trong dịp Giáng Sinh 2016 là bộ phim Assassin’s Creed, vốn được xây dựng dựa trên loạt trò chơi điện tử cùng tên của hãng Ubisoft. Với trên 70 triệu bản đã được tiêu thụ từ năm 2007, Assassin’s Creed được coi là một trong những loạt trò chơi ăn khách nhất trong thế kỷ mới. Do vậy chuyển thể điện ảnh của loạt trò chơi này cũng thu hút sự quan tâm rất lớn từ công chúng, những người đã phải chờ đợi rất lâu một chuyển thể điện ảnh có chất lượng tương đương các trò chơi điện tử gốc. Rất có thể Assassin’s Creed sẽ không làm họ thất vọng, bởi đây chính là sự tái ngộ của đạo diễn Justin Kurzel, đội ngũ sản xuất của Macbeth với bộ đôi Fassbender-Cotillard. Sẽ là rất khó, nếu không nói là không thể, để kịch bản Assassin’s Creed có được chất sử thi như Macbeth. Nhưng chỉ cần bộ phim này giữ được cái không khí và phong cách riêng của Macbeth, chắc chắn khán giả sẽ được thưởng thức một bộ phim hấp dẫn về tội ác và sự trừng phạt. Tất nhiên, dù thích hay không Assassin’s Creed thì khán giả cũng luôn có thể tự tin rằng họ đã có Macbeth. Bởi những bộ phim đẹp, đẹp cả về nội dung và hình thức, như Macbeth không có nhiều, và những bộ phim ấy xứng đáng được xem nhiều hơn một lần để thưởng thức, để suy ngẫm.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire