some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

dimanche 14 décembre 2014

The Tale of the Princess Kaguya (2013)






Đã mười bốn năm kể từ My Neighbours the Yamadas (1999) người hâm mộ mới lại được xem một phim mới của Isao Takahata - The Tale of the Princess Kaguya - dù không mong muốn chút nào nhưng tôi đoán đây có lẽ cũng sẽ là bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp của Takahata, năm nay ông đã 79 tuổi, quá trình nhiều năm trời hao tổn tâm sức và tiền bạc (hình như đây là bộ phim tốn kém nhất của Ghibli, đắt gấp rưỡi The Wind Rises trong khi doanh thu chỉ chưa được một phần mười) có lẽ chẳng dành cho cái tuổi gần đất xa trời của ông. Xem phim tôi cũng hiểu thêm vì sao đây được đánh giá là một thất bại nặng nề về mặt tài chính của Ghibli tới mức hãng phải tính toán tới việc ngừng làm phim mới để tái cơ cấu - phim rất dài (gần hai tiếng rưỡi), (hình như) được vẽ chủ yếu bằng tay với phong cách thô mộc và tông màu sáp rất khó cho đồ họa vi tính (tôi nghĩ vậy), đề tài phim rất rất khó ăn khách vì bối cảnh truyền thống kiểu Nhật, kịch bản phức tạp, không nhiều chất giải trí (nhất là so với hai bộ phim giải trí gần đây nhất của Isao Takahata là Pom Poko My Neighbours the Yamadas) và gần như tuyệt đối không dành cho trẻ con ("khách hàng chính" của phim hoạt hình), ngoại trừ mươi phút đầu phim. Mười bốn năm công sức của Isao Takahata, cả tương lai kinh doanh của Ghibli, liệu có đáng không cho một The Tale of the Princess Kaguya?

Theo tôi là xứng đáng.

Ai đã từng đọc Doraemon thì chắc chắn đều thấy quen thuộc với Nàng tiên trong ống tre (Taketori monogatari), kịch bản The Tale of the Princess Kaguya của Takahata có thể coi là một chuyển thể điện ảnh gần như nguyên vẹn của truyện cổ tích này. Cô bé Kaguya sinh ra từ ống tre được đôi vợ chồng ông lão đốn tre nuôi nấng với hy vọng một ngày kia cô sẽ trở thành một công chúa thật sự, được sống cuộc đời hạnh phúc vương giả bên một vương tôn hoàng tử nào đó của triều đình. Nhưng Kaguya chẳng muốn những lồng vàng cũi ngọc ấy, cô bé sinh ra từ thiên nhiên, lớn lên giữa thiên nhiên, và cô chỉ muốn sống tự do, tự tại như sâu bọ muông thú trong rừng, sống cuộc sống giản dị, chất phác như những người bạn thơ ấu nghèo nhưng hồn nhiên, yêu đời của cô bé. Xuyên suốt bộ phim, người xem được chứng kiến một Kaguya lớn dần và đổi thay theo năm tháng, từ một Kaguya bé bỏng đáng yêu với những bước chập chững trong rừng tre tới những trò đuổi bắt con trẻ thời thơ ấu, tới một Kaguya trưởng thành, xinh xắn, nhưng chẳng còn có thể hồn nhiên khi phải đứng trước lựa chọn giữa trách nhiệm báo hiếu vợ chồng ông lão đốn tre và cuộc sống tự do với những người bạn chốn rừng cũ. Kịch bản truyền thống, cách kể chuyện cũng truyền thống, nhưng The Tale of the Princess Kaguya vẫn cho thấy một Isao Takahata bậc thầy của phong cách hiện thực huyền ảo. Nếu như "nửa kia" của Ghibli - Hayao Miyazaki nổi tiếng khắp thế giới như "thầy phù thủy" của nghệ thuật hoạt hình với trí tưởng tượng và sức sáng tạo tuyệt vời thì Isao Takahata lại gắn liền sự nghiệp của mình với việc mô tả đất nước Nhật Bản và con người Nhật Bản qua lăng kính thực tại huyền ảo. Nếu như Grave of the Fireflies là câu chuyện đau đớn nhưng đậm chất nhân văn của hai đứa bé Nhật tìm cách thoát ly thực tại giữa khói lửa chiến tranh, Pom Poko là hình ảnh một nước Nhật đổi thay và những hệ lụy của nó đối với truyền thống và môi trường thông qua cuộc sống của lũ "hồ li" (hay tanuki "thành tinh), thì The Tale of the Princess Kaguya là những suy nghĩ mang chất hiện sinh về cuộc sống được đặt trong bối cảnh một câu chuyện cổ tích truyền thống Nhật Bản. Tất nhiên có thể Isao Takahata cũng chẳng mưu cầu những thứ triết lý phức tạp như tôi đang cố "gán" cho các bộ phim của ông, có thể ông chỉ muốn đưa tới khán giả những lát cắt về con người, về cuộc sống Nhật một cách chân thực, nhân văn nhất (và mang màu sắc hài hước, khi có thể) như ông đã rất thành công với Only Yesterday My Neighbours the Yamadas (hay trước đó khá lâu là Jarinko Chie). Nhưng dù có suy nghĩ theo cách nào thì khi xem The Tale of the Princess Kaguya, khán giả chắc chắn sẽ cảm nhận được sự trân trọng của Isao Takahata dành cho chính họ thông qua những nét vẽ tuyệt vời về thiên nhiên và con người Nhật Bản, thông qua cách minh họa giản dị nhưng hết sức tinh tế những biến đổi và giằng xé nội tâm của Kaguya, thông qua những nốt nhạc đượm màu truyền thống và hết sức xúc động của Joe Hisaishi để miêu tả tình yêu tự do của Kaguya và nỗi đau của cô khi chẳng thể có được nó.

Tiếp xúc với phim Ghibli khi đã "lớn" nên nhiều lúc với tôi, phim của Isao Takahata với cái chất sáng tạo rất riêng và màu sắc hiện thực huyền ảo lại hấp dẫn hơn cả những bộ phim đậm chất sử thi của Hayao Miyazaki (tất nhiên "hơn" theo cái thang điểm 9,5 so với 10 mà thôi). Vì thế khi biết tin The Tale of the Princess Kaguya sắp được công chiếu tôi đã rất rất mong mình được ra tận rạp để xem bộ phim này để có được trải nghiệm như tôi đã có với The Wind Rises. Tiếc là chờ mãi phim không ra rạp ở Hàn Quốc, và cũng bặt tăm trên các trang torrent. Quả thực phim rất khó ăn khách, những phút đầu vui tươi của The Tale of the Princess Kaguya chẳng thể khỏa lấp một thực tế rằng phần đầu của phim dù tươi sáng nhưng lại không hấp dẫn và tạo được ra kịch tính (hoặc thể hiện "tiềm năng" tạo ra kịch tính) để lôi cuốn người xem tới nửa sau của bộ phim. Nhưng một khi đã chăm chú và in dấu trong đầu hình ảnh thay đổi từng ngày của Kaguya, người xem sẽ dần bị thu hút bởi những xung đột ngày càng lớn lên trong nội tâm Kaguya cũng như giữa cô đối với tình yêu thương con nhiều phần mù quáng của ông lão đốn tre và sự khao khát đầy toan tính của lũ vương giả cầu hôn. Như mọi bộ phim hay, những thời khắc tuyệt vời nhất của The Tale of the Princess Kaguya nằm ở những phút cuối của bộ phim, khi tình cảm giữa con người với con người, giữa Kaguya với những người thân yêu của cô, với cuộc sống, với thiên nhiên xung quanh cô thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Tuy kết thúc bằng những hình ảnh hết sức huyền ảo nhưng phần cuối của The Tale of the Princess Kaguya lại gợi tôi nhớ tới Only Yesterday - bộ phim có lẽ là giản dị và chân thành nhất của Isao Takahata với cái triết lý cũng giản dị không kém - những con người, thứ đáng trân trọng nhất, đáng yêu quý nhất chính là những con người, những tình cảm luôn ở bên ta, luôn sẵn sàng đến với ta bất kể không gian, thời gian. Tất nhiên, The Tale of the Princess Kaguya cũng sẽ còn được nhớ tới bởi phong cách vẽ và màu sắc giản dị nhưng hết sức ấn tượng và lôi cuốn - thoạt đầu tôi tưởng phim sẽ được vẽ theo phong cách tối giản kể cả về màu sắc và chi tiết như My Neighbours the Yamadas, nhưng hóa ra đây lại là một bộ phim rộng lớn, đa sắc và ấn tượng hơn rất nhiều về mặt hình ảnh, bởi cái không gian rộng lớn của thiên nhiên Nhật Bản (My Neighbours the Yamadas có bối cảnh giới hạn trong gia đình và thành phố hiện đại) đã được Takahata minh họa tuyệt vời qua tông màu không quá rực rỡ nhưng rất ấm áp và những nét vẽ không quá đi sâu vào chi tiết nhưng vẫn đủ độ khơi gợi để người xem cảm nhận được về hình ảnh nhân vật, về vẻ đẹp thiên nhiên mà đạo diễn muốn truyền tải. Cũng cần nói thêm là tôi nói đây là một bộ phim giản dị không có nghĩa nó là một tác phẩm nghệ thuật đơn giản, ngược lại phong cách vẽ của The Tale of the Princess Kaguya là hết sức tinh tế và phim cũng được dựng hết sức sáng tạo, một ví dụ điển hình là cảnh cô bé Kaguya chạy một mạch từ cung điện về lại ngôi nhà xưa cũ, mỗi một bước chạy của cô bé người ta thấy cảnh vật cũng nhạt nhòa dần tới mức trừu tượng như trannh của J.M.W. Turner. 

Thật khó để nói một The Tale of the Princess Kaguya giản dị có phải là bộ phim hoàn hảo "năm sao" hay là khúc vĩ thanh cuối đời của Isao Takahata hay không, nhưng cũng như cảm xúc đã có khi xem The Wind Rises, tôi thấy trân trọng và may mắn khi được xem bộ phim này. Trân trọng vì xem phim mà như thấy lại được bao nhiêu hình ảnh xúc động, đáng nhớ của những bộ phim Isao Takahata mà tôi đã từng được xem, may mắn vì thấy mình cảm được bộ phim, thấm được chút gì đó cái thông điệp nhân văn mà Takahata muốn truyền tải. Thật kì lạ, Hayao Miyazaki với The Wind Rises, và giờ đây là Isao Takahata với The Tale of the Princess Kaguya, dường như cả hai đều muốn chia tay những khán giả hết mực yêu quý họ suốt bao nhiêu năm cùng với một thông điệp hết sức đơn giản - dù nó ẩn chứa vô vàn thời khắc khó khăn và bất hạnh, hãy vẫn cứ yêu cuộc sống hết mức khi bạn còn có thể. Xin cảm ơn ông, Isao Takahata, vì The Tale of the Princess Kaguya, và vì tất cả. 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire