some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

vendredi 7 mai 2010

Diệp Vấn 2: Tông sư truyền kỳ


Wow, phim Trung Quốc-Hồng Kông làm ngày càng tiến bộ và dần theo kịp được với phim Hollywood.

Trước hết phải nói luôn rằng Diệp Vấn 2 là một phim sặc mùi dân tộc chủ nghĩa Đại Hán của Trung Quốc, thật ngạc nhiên khi mảnh đất Hồng Kông từng suốt gần một thế kỷ tự hào vì cách suy nghĩ và đường lối chính trị tự do, trung dung, gần gũi nước Anh nay đã lại thường xuyên cho ra đời những bộ phim tuyên truyền nhiệt liệt cho chủ nghĩa Sô-vanh mới kiểu Trung Quốc - tô hồng người Hoa và chủ nghĩa yêu nước của họ, bôi đen người nước ngoài một cách lố lăng nhất (người Nhật trong Diệp Vấn 1 và trong tập này là người Anh). Tiến một bước xa hơn, Diệp Vấn 2 thậm chí còn ẩn chứa thông điệp ngoại giao ngầm của một Bắc Kinh ngày càng mạnh mẽ nhưng vẫn muốn có được hình ảnh tốt trong mắt các nước khác. Tôi là người rất ghét trào lưu chính trị hóa điện ảnh trong các phim Trung Quốc và kể cả Hồng Kông trong thời gian gần đây, mặc dù vậy nếu dẹp những thông điệp thô thiển đó sang một bên thì Diệp Vấn 2 vẫn là một bộ phim võ thuật cực kì có chất lượng và không hề thua kém, nếu không nói là có phần còn vượt trội, so với Diệp Vấn 1.

Diệp Vấn 2 nói về giai đoạn định cư đầy khó khăn của võ sư Diệp Vấn (Chân Tử Đan) ở Hồng Kông. Gia đình túng thiếu, người vợ Trương Vĩnh Thành (Hùng Đại Lâm) lại đang mang thai, Diệp Vấn buộc phải chạy vạy để mở một lớp dạy Vịnh Xuân quyền trên gác mái một khu chung cư. Vịnh Xuân ở Phật Sơn danh tiếng là thế nhưng sang Hồng Kông lại là một cái tên vô danh không ai biết tới, kết quả là lớp học của Diệp Vấn chỉ có lác đác vài môn sinh mà đa phần là môn sinh nghèo thậm chí còn không đủ tiền trả học phí cho sư phụ. Chẳng những thế, môn sinh có triển vọng nhất của Diệp Vấn là Hoàng Thuần Lương (Hoàng Hiểu Minh) lại gặp rắc rối với đệ tử phái Hồng gia của Hồng Chấn Nam (Hồng Kim Bảo), một võ sư có thế lực ở Hồng Kông, khiến cho Diệp Vấn cuối cùng phải giải tán lớp học vì thường xuyên bị Hồng gia phá rối. Trong lúc ấy tại Hồng Kông đột ngột xuất hiện một tay đấm quyền Anh vô địch có biệt danh Twister (Darren Shahlavi - một diễn viên kiêm võ sĩ người Anh) liên tục hùng hổ đòi thách đấu với các võ sĩ người Trung Quốc và tỏ ra khinh thường võ thuật Trung Quốc. Cực chẳng đã, Hồng Chấn Nam và Diệp Vấn phải khép lại xích mích cá nhân để thượng đài bảo vệ danh dự cho nền võ đạo của người Hoa.

Nếu chỉ xét về nội dung thì thực ra Diệp Vấn 2 không có gì đặc sắc hơn so với những bộ phim võ thuật-dân tộc chủ nghĩa khác của Hồng Kông như Tinh võ môn hay Hoắc Nguyên Giáp (đều của Lý Liên Kiệt), vẫn chỉ là những võ sĩ người Hoa vượt qua mọi khó khăn để đánh bại kẻ thù nước ngoài hùng mạnh. Nhưng về cách thể hiện thì Diệp Vấn 2 đã có bước đột phá lớn, phim được xây dựng theo phong cách phim thể thao, đặc biệt là phim quyền Anh (boxing movie) của Hollywood mà đại diện tiêu biểu là Rocky, Raging Bull (hơi khập khiễng vì đây là bộ phim ở tầm cỡ khác hẳn) hay gần đây là Cinderella Man. Thay vì tập trung vào những câu thoại hay hình ảnh mang tính trượng nghĩa, thượng võ theo kiểu Trung Quốc truyền thống, Diệp Vấn 2 đi sâu khai thác những xung đột tinh thần của các cao thủ võ thuật Trung Hoa trong thời điểm giao thời giữa truyền thống và hiện đại. Người xem được chứng kiến hai hình ảnh tuy rất khác nhau của Diệp Vấn và Hồng Chấn Nam, một mảnh khảnh-một to béo, một ngay thẳng-một mưu mô tính toán, nhưng thực tế lại chỉ là hình ảnh duy nhất của người võ sư Trung Hoa cương trực, trọng nghĩa khinh tài nhưng lại phải bươn chải kiếm sống, thậm chí là luồn cúi, vì sự mưu sinh của gia đình trong cảnh xã hội tao loạn. Quả thực Hồng Kim Bảo là sự bổ sung rất tốt cho Chân Tử Đan, hai người diễn rất hợp với nhau cả trong những cảnh giao đấu lẫn những cảnh đối thoại trực diện, tương tự như Sát Phá Lang, Hồng Kim Bảo, bất chấp vị trí "trưởng môn" làng phim võ thuật của ông, đã nhận một vai tương đối "xấu" và ít đất diễn để giúp Chân Tử Đan vừa thể hiện được khả năng võ thuật của mình vừa chiếm lĩnh được màn ảnh bằng hình ảnh anh hùng-phi anh hùng Diệp Vấn. Vốn chưa từng đánh giá cao họ Chân về tài nghệ diễn xuất nhưng tôi phải thừa nhận rằng ở lần này anh đã hoàn thành rất tốt vai Diệp Vấn, có khi còn xuất sắc hơn cả cách anh thể hiện ở phần 1. Một điều thú vị khác của Diệp Vấn 2 là việc ... Chân Tử Đan bị nện cho tơi tả trong phim, một điều rất hiếm khi gặp trong phim do ngôi sao này thủ vai chính, có lẽ Chân đã dần biết ghìm cái cá tính mạnh của mình để nhận những vai diễn có chiều sâu hơn những vai "anh hùng vô địch" như trước kia. Không hiểu có phải vì quá tập trung cho hai nhân vật của Hồng Kim Bảo và Chân Tử Đan hay không mà tuyến nhân vật phụ của Diệp Vấn 2 khá mờ nhạt và có thể coi là phí phạm vì có những nhân vật được giới thiệu, trau chuốt từ đầu phim như vai Hoàng Thuần Lương (sau này là võ sư Vịnh Xuân có tiếng) hay tay cảnh sát nhu nhược (Trịnh Tắc Sĩ, một diễn viên có tiếng của điện ảnh Hồng Kông) ở nửa sau của phim lại trở nên chìm nghỉm và cuối cùng chỉ là một trong vô số những "cổ động viên" của Diệp Vấn trong lần thượng đài với Twister. Bản thân Hoàng Hiểu Minh, Trịnh Tắc Sĩ hay ngay cả Nhậm Đạt Hoa (trong vai Chu Thanh Tuyền của Diệp Vấn 1, nay đã mất trí) cũng diễn xuất quá thường và chẳng để lại chút ấn tượng nào đối với khán giả. Về tuyến nhân vật phản diện thì cái cách xây dựng nhân vật ác hống hách, tàn bạo, "một màu" vốn tưởng như đã "tuyệt chủng" trong phim võ thuật Hồng Kông nay lại được đạo diễn của phim lấy lại để mô tả những người Anh (thay cho người Nhật ở phần 1), chi tiết này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của Diệp Vấn 2, đặc biệt là phần giữa, rất may là những cảnh chiến đấu nhiều và dàn trải suốt từ đầu đến cuối đã khỏa lấp được phần nào khiếm khuyết lớn đó.

Về mặt kỹ thuật thì Diệp Vấn 2 cũng có nhiều điểm đáng khen ngợi. Phim được quay rất đẹp với gam màu ngả vàng rất hợp với chủ đề "the last hero in China" của phim, các góc quay đẹp cũng giúp tôn lên những pha song đấu của Diệp Vấn và những đối thủ của ông khi mà phần chỉ đạo hành động của Hồng Kim Bảo tuy mẫu mực, đặc trưng cho chất cận chiến của Vịnh Xuân nhưng lại không thực sự đột phá và còn bị làm vụn bởi phần biên tập không thực sự khiến tôi vừa ý. Diệp Vấn 2 còn tiệm cận được với chất lượng của các bộ phim thể thao Hollywood thông qua một yếu tố quan trọng khác - nhạc phim, nhạc sĩ người Nhật Kenji Kawai đã sử dụng một cách tuyệt vời các đoạn nhạc cổ điển pha lẫn truyền thống Trung Quốc để lồng vào các trận đấu trong phim, đặc biệt là trận thượng đài giữa Twister và Diệp Vấn để biến nó thực sự trở thành một trường đoạn song đấu đáng nhớ của điện ảnh Hồng Kông mấy năm trở lại đây.

Với rất nhiều những ưu điểm kể trên thì tôi tin là Diệp Vấn 2 sẽ là một bộ phim ăn khách và có phần tiếp theo. Dù sao thì câu chuyện được biết tới nhiều nhất về Diệp Vấn vẫn chưa được các nhà biên kịch sử dụng - đó là quá trình Diệp Vấn giúp Lý Tiểu Long khổ luyện thành tài. Tôi cũng hy vọng là bộ đôi Chân Tử Đan-Hồng Kim Bảo sớm có những kế hoạch hợp tác mới vì với những Sát Phá Lang hay Diệp Vấn 2 này, có lẽ những bộ phim có sự góp mặt của hai người sẽ đáp ứng được sự mong chờ của khán giả yêu phim võ thuật.

5 commentaires:

  1. Doc blog cua ban lau roi ma khong co comment chi chi het. Nhan mot ngay dep troi, doc bai cua ban, thoi thi` xin de lai mot comment tu su cam kich. Cam on ban da lam blog nay va update thuong xuyen.

    Toi nguong mo nhung nguoi review phim nhu ban, Phanxine, Matdep, Poly.... Nen toi ngay cu ti`m blog review phim de ma xem. Toi khong viet review phim duoc, don gian vi` doi luc toi khong co nen tang dien anh, my thuat vung chac. Nhung kien thuc toi co duoc cung tu su chap va' va doc them ma` thoi. Vi vay ma` chang the nao viet duoc cai gi` do' hay hay. Thu vui cua toi la` xem phim va doc review :"> Doi luc bat gap duoc mot cai review hay, no' rat la kho' ta :"> .. Thoi khong dong da`i nua. Mot lan nua cam mon ban nha.

    RépondreSupprimer
  2. Thì mấy phim kiểu này rõ ràng là chủ nghĩ sô vanh đại hán rồi. Sát phá lang là phim hay vì mạch diễn viên phụ của nó cũng ấn tượng (Nhậm Đạt Hoa, Ngô Kinh...). Tưởng phần 2 này việc Nhậm Đạt Hoa mất trí sẽ là 1 điểm dẫn đến tình tiết trong DV2, ai ngờ mờ nhạt. :))

    RépondreSupprimer
  3. Cảm ơn bạn Vô Danh Khách đã động viên :), tôi lập blog này vì mình vốn yêu phim, muốn ghi lại những cảm nhận của riêng mình về phim ảnh mà thôi, rất vui là đã có các bạn đọc và chia sẻ cùng tôi sở thích này!

    @ Sirius: Không cần đến Nhậm Đạt Hoa phim cũng đủ hay rồi, chứ có khi phân tán cốt truyện quá thì lại thất bại theo kiểu Ironman 2 mất :D. Nói chung phim Sô-vanh Đại Hán thì nhiều nhưng mà phim xem vẫn hấp dẫn, không bị chối vì thông điệp chính trị như Diệp Vấn 2 thì cũng không có nhiều lắm đâu.

    RépondreSupprimer
  4. còn tôi thì ấn tượng bởi bài review của bạn. Rất tỉnh táo

    RépondreSupprimer
  5. Bình vui vui thôi mà bạn :p, vì mình thích "chưởng" kiểu này (hồi trước cứ có đánh nhau là Fafilm dán nhãn cho băng là "chưởng" hết) nên xem Diệp Vấn 2 cảm giác rất sảng khoái, chứ nếu phê cẩn thận về cốt truyện, chất lượng nghệ thuật thì chắc chỉ 2 sao (kệ, mình cứ cho 4 sao :)) ).

    RépondreSupprimer