some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

dimanche 29 septembre 2019

The Third Wife (2019)


Một trong những nét tiêu biểu nhất của chế độ phong kiến ở Việt Nam chính là chế độ gia trưởng hà khắc, theo đó người đàn ông có quyền “năm thê bảy thiếp” nhưng người đàn bà trong gia đình lại luôn phải răm rắp tuân theo “tam tòng” - “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”  (ở nhà phải theo cha, lấy chồng phải theo chồng, chồng mất phải theo con trai), “tứ đức” – “công, dung, ngôn, hạnh”. Và chẳng nơi đâu cái lệ “năm thê bảy thiếp” của đàn ông, cái gánh nặng “tam tòng, tứ đức” của phụ nữ lại thể hiện rõ ràng như ở vùng quê Việt Nam, trong những gia đình phú ông giàu có như cụ Bá (Nguyễn Hồng Chương) và ông Hùng (Lê Vũ Long). Dù đã có tới hai người vợ là bà Hà (Trần Nữ Yên Khê) và mợ Xuân (Mai Thu Hường) nhưng ông Hùng vẫn quyết định lấy thêm cô bé còn đang ở tuổi trăng rằm Mây (Nguyễn Phương Trà My) để thoả mãn khao khát có được thêm một đứa con trai.

Đột ngột phải bước vào đời với một tâm hồn trinh nguyên như tờ giấy trắng, nhưng Mây chẳng mất nhiều thời gian để làm quen với dinh thự rộng lớn của người chồng mới cưới với vô số người hầu, kẻ hạ như bà Lao (NSND Như Quỳnh). Đó là vì bà Hà và mợ Xuân chưa bao giờ đặt Mây vào phận vợ lẽ chiếu dưới, và đó cũng là vì cô bé-phải-lớn-vội Mây có được sự yêu thương của cả ba cô con gái của mợ Xuân là Liên (Lâm Thanh Mỹ), Nhàn (Mai Cát Vi), và Bồ Câu (Tăng Khánh An). Có lẽ chính không gian êm đềm tràn đầy sự chăm sóc, ân cần ấy, cộng thêm sức trẻ của một cô gái tuổi cập kê đã giúp Mây nhanh chóng đạt được một nửa ý nguyện của ông Hùng khi lấy cô làm vợ ba – đó là mang thai đứa con thứ năm cho vị phú ông giàu có, sau cậu con cả Sơn (Nguyễn Thành Tâm) và ba cô bé xinh xắn Liên, Nhà, Bồ Câu. Nhưng những ngày tháng mang nặng đẻ đau cũng lại giúp Mây nhận ra rằng phía dưới lớp màn nhung đẹp đẽ, yên bình như khung cảnh một buổi chiều hè mát mẻ ở vùng quê non nước nhà ông Hùng ẩn chứa rất nhiều bí mật, rất nhiều dối lừa, và rất nhiều khát vọng của những người đàn bà cả đời phải chịu cảnh đè nén bởi chế độ gia trưởng đã tồn tại từ ngàn đời.

Người vợ ba (The Third Wife) là bộ phim dài đầu tay của nữ đạo diễn sinh năm 1985 Nguyễn Phương Anh. Được coi là một trong những tên tuổi nổi bật của giới làm phim trẻ người Việt, Phương Anh – hay Ash Mayfair tốt nghiệp ngành điện ảnh tại trường nghệ thuật danh tiếng Tisch School Of The Arts của Đại học New York – nơi cô ấp ủ và thực hiện Người vợ ba với sự tài trợ của chính đạo diễn nổi tiếng Spike Lee thông qua giải thưởng Spike Lee Fellowship. Một kịch bản lọt được vào mắt xanh của đạo diễn khó tính Spike Lee, và giành được nhiều giải thưởng khác như Giải thưởng lớn (Grand Prix) tại Gặp gỡ Mùa Thu năm 2015 tại Đà Nẵng và tại Hongkong Asia Film Forum 2016 khó có thể là một kịch bản tồi. Và quả thực sau khi xem Người vợ ba, chắc hẳn bất cứ khán giả nào cũng sẽ cảm nhận được chất thơ đậm nét trong câu truyện nhiều phần bi thương của những người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến được một cô gái trẻ mới ngoài 30 tuổi kể lại bằng chất giọng điện ảnh nhẹ nhàng nhưng vẫn rất hiện đại. Tuy có nửa đầu khá chậm và một số chi tiết được xử lý chưa thực sự trọn vẹn như sự biến đổi về mặt tâm sinh lý của cô bé mới lớn Mây, nhưng nhìn một cách tổng thể Người vợ ba có một truyện phim đáng nhớ với những nhân vật để lại dấu ấn đậm nét dù không hẳn có quá nhiều thời lượng lên hình như mợ Xuân, như cô bé Liên, như bố con ông Văn (NSƯT Trung Anh) và Tuyết (Phạm Thị Kim Ngân). Chỉ một tuyến truyện phụ được kể thoáng qua như câu truyện của bố con ông Văn và Tuyết thôi cũng đủ khiến cho nhiều khán giả phải cảm động, phải rùng mình trước sự khắc nghiệt của xã hội Việt Nam thời phong kiến với số phận những người phụ nữ. Và Người vợ ba có rất nhiều những câu truyện nhỏ như thế - những câu truyện được Phương Anh kể lại một cách tỉ mỉ, chân thành cho khán giả để họ cảm nhận và chia sẻ được phần nào thông điệp của Người vợ ba về bước đường trưởng thành chưa bao giờ là dễ dàng của những người phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ buộc phải sống, buộc phải trưởng thành trong không gian gò bó bởi lễ giáo gia trưởng ở làng quê Việt Nam thời phong kiến.

Người vợ ba có một kịch bản hay, nhưng có lẽ điểm sáng lớn nhất của bộ phim lại nằm ở phần hình ảnh. Có lẽ để làm bật lên chất nữ tính, và cũng là để thể hiện thông điệp hướng tới nữ quyền của phim, Phương Anh chọn cho mình một đoàn làm phim với rất nhiều nữ. Một trong số đó là bạn học của Phương Anh tại Đại học New York – nhà quay phim nữ Chananun Chotrungroj. Không phải người Việt, nhưng chắc chắn những góc máy của Chananun Chotrungroj trong Người vợ ba sẽ khiến bất cứ khán giả Việt nào phải rung động bởi những danh thắng vốn đã rất quen thuộc với chúng ta như non nước Tràng An – Ninh Bình, như núi non Cao Bằng được Phương Anh và Chananun Chotrungroj khắc hoạ một cách mới mẻ với bố cục nghiêm cẩn tựa như những bức hoạ Tây phương và tông màu nhẹ nhàng, đơn giản nhưng hết sức hiệu quả trong việc làm tôn lên các góc quanh tưởng chừng chẳng có gì đáng nói trong cuộc đời những người phụ nữ chôn chặt cả đời sau luỹ tre làng. Nhịp phim chậm rãi ở nửa đầu bộ phim có thể sẽ khiến một số khán giả cảm thấy không hài lòng, nhưng chính nhịp độ chậm rãi đó lại tạo điều kiện tối đa cho Phương Anh và Chananun Chotrungroj đem tới cho người xem vô số những khung hình đáng nhớ, những khung hình mà nhiều người Việt sau khi xem chắc vẫn sẽ phải giật mình rằng hoá ra Tổ quốc mình vẫn còn rất, rất nhiều những miền đất đẹp đẽ như thế. Nhưng quan trọng hơn, những góc máy đẹp nhất trong Người vợ ba được dành cho những người phụ nữ của bộ phim. Từ những góc quay cận cảnh vẻ đẹp chân chất và ngây thơ của Mây, cho tới những góc máy rộng để khắc hoạ sự nhỏ bé của Mây, của Xuân, của Tuyết giữa thiên nhiên hùng vĩ, giữa xã hội còn nhiều định kiến với phụ nữ, tất cả đều thể hiện sự trân trọng, nâng niu của những nhà làm phim Người vợ ba dành cho số phận những người phụ nữ Việt Nam đã, và đang còn phải chịu những bất công không đáng có đến từ truyền thống gia trưởng vẫn còn ăn sâu bám rễ vào xã hội Việt.

Nếu so với phần kịch bản đậm chất nhân văn và những hình ảnh rất nhiều chất thơ trải dài suốt bộ phim, thì diễn xuất của dàn diễn viên trong Người vợ ba quả thực chưa có nhiều đột phá. Ngoại trừ Mai Thu Hường hay ca sĩ Maya – người đã vượt qua khỏi giới hạn của một “nữ ca sĩ đi đóng phim” để đưa tới cho khán giả một hình ảnh mợ Xuân luôn tràn đầy khao khát được sống bất kể gông cùm của lễ nghi, đạo lý vốn đầy rẫy trong nhà ông Hùng, thì các diễn viên còn lại trong phim gần như chỉ dừng lại ở mức diễn tròn vai. Ngay cả nữ diễn viên gạo cội người Pháp gốc Việt Trần Nữ Yên Khê cũng không để lại quá nhiều ấn tượng bởi vai bà Hà của cô có lẽ có phần lép vế nếu so với “hai người vợ” còn lại, và một phần cũng vì đài từ của cô không thực sự phù hợp với một vai diễn đòi hỏi phải có chất giọng tiếng Việt chuẩn mực của một người “vợ cả” trong gia đình. Bù lại, hầu như toàn bộ các diễn viên nhí của Người vợ ba đều có diễn xuất giàu cảm xúc, trong đó đáng khen nhất có lẽ là hai cô bé thủ vai Liên và Nhàn là Lâm Thanh Mỹ - bé Mận của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Mai Cát Vi – bé Mai của Hai Phượng.


Theo Phương Anh thì cô làm Người vợ ba để kể lại cho khán giả những câu truyện cô đã ấp ủ từ lâu về thân phận người phụ nữ Việt, bởi “các chủ đề về bản năng giới tính của phụ nữ, quá trình trưởng thành từ thời thơ ấu đến giai đoạn người lớn và cuộc đấu tranh vất vả của những cá nhân trong một xã hội bảo thủ, nhiều thành kiến luôn khiến tôi say mê. Tôi lớn lên trong một xã hội có truyền thống, lịch sử luôn đề cao giá trị cộng đồng hơn những con người cá nhân.” Rõ ràng là sau khi ra mắt khán giả, Người vợ ba đã làm được đúng những điều mà Phương Anh mong muốn thông qua những câu truyện hay, và những hình ảnh đẹp. Một trong những hình ảnh như thế trong bộ phim là chặng đường đời tuy ngắn ngủi nhưng đầy vất vả của những con nhộng tằm từ khi chỉ là những ấu trùng yếu ớt cho đến khi đủ sức nhả tơ tạo kén, và cuối cùng là biến thành chú bướm tằm tự do tự tại trong không gian. Hy vọng rằng trong tương lai gần, bất cứ người phụ nữ Việt nào cũng không còn chịu gò bó bởi chút tàn dư còn lại của tư tưởng gia trưởng phong kiến để tự sống, tự quyết như những chú bướm tự do. Và tất nhiên người hâm mộ điện ảnh Việt Nam sau khi xem Người vợ ba cũng đều mong đợi rằng Phương Anh sẽ tiếp tục nhả tơ nghệ thuật để tạo nên những bộ phim đẹp và đầy ý nghĩa về đất nước Việt, về tâm hồn Việt.


=========

Bài đã biên tập trên Zing.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire