some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

vendredi 5 janvier 2018

Three Billboards Outside Ebbing, Missouri (2017)


Một trong những bộ phim có tựa đề “dị” nhất của năm 2017 là tác phẩm Three Billboards Outside Ebbing, Missouri của đạo diễn người Anh Martin McDonagh – tựa đề với cái nghĩa đơn giản là ba tấm biển quảng cáo bên ngoài thị trấn Ebbing bang Missouri (một địa danh không có thật, bản thân từ “ebbing” trong tiếng Anh có nghĩa là “triều xuống” hoặc “sự suy tàn”). Có lẽ nhiều người sẽ bật cười khi thoạt nghe cái tựa đề rất mộc mạc này, nhưng hẳn cũng có khán giả sẽ vò đầu bứt tai vì không hiểu đây có phải một thách thức lạ lùng đầy triết lý dành cho họ trước khi xem phim hay không. Thực tế thì cái tên đơn giản của phim chẳng phải là câu đố khó hiểu nào, bởi bộ phim mở đầu bằng hình ảnh của chính ba tấm biển quảng cáo tàn tạ đã lâu không có người sử dụng bên ngoài thị trấn bình lặng đang trên đà suy tàn Ebbing. Ba tấm biển quảng cáo chỉ được hồi sinh khi bà Mildred Hayes (Frances McDormand) trên đường lái xe về nhà ở ngay gần đó nảy ra ý định sẽ bỏ tiền túi ra thuê mấy tấm bảng quảng cáo trong vòng 1 tháng. Anh chàng đại diện văn phòng quảng cáo Red Welby (Caleb Landry Jones) tất nhiên rất vui mừng vì có người sẵn lòng bỏ hẳn năm nghìn đô la mỗi tháng để thuê ba tấm biển quảng cáo giữa chốn đồng không quạnh, nhưng điều duy nhất anh không ngờ tới đó là những gì bà Hayes muốn đăng quảng cáo trên đó. 

Chỉ đơn giản là ba dòng chữ ngắn ngủi màu đen khổ lớn trên nền biển quảng cáo màu đỏ máu – “Raped while dying” (“Bị cưỡng bức khi đang hấp hối”), “And still no arrests?” (“Và đến giờ vẫn chưa ai bị bắt”), “How come, Chief Willoughby?” (“Vậy là sao, Cảnh sát trưởng Willoughby?”), hợp đồng thuê quảng cáo của Mildred Hayes đã khiến cả Ebbing phải náo động. Tất nhiên trưởng đồn Bill Willoughby và cấp dưới của ông ta như viên cảnh sát Jason Dixon (Sam Rockwell) đứng ngồi không yên vì nội dung quảng cáo chính là lời chỉ trích của bà Hayes dành cho cả lực lượng cảnh sát Ebbing bất tài không tìm nổi một manh mối nào về vụ cưỡng bức và sát hại Angela (Kathryn Newton) – cô con gái út còn đang tuổi vị thành niên của bày Hayes. Nhưng ba tấm biển quảng cáo cũng gây sốc ngay cả đối với những người dân Ebbing bình thường khác như gã bán xe cũ James (Peter Dinklage), anh thợ vẽ Jerome (Darrell Britt-Gibson), hay chồng cũ của bà Hayes là ông Charlie (John Hawkes). Người ủng hộ cách phản ứng có phần lạ lùng của bà Hayes trước tiến độ chậm chạp của cuộc điều tra cũng có, tuy không nhiều, còn phần lớn người dân Ebbing tỏ ra bất bình vì cho rằng nội dung ba tấm biển như vậy vừa chẳng giúp ích gì cho việc điều tra của cảnh sát, vừa xúc phạm cá nhân cảnh sát trưởng Willoughby – người vốn đang phải trải qua đợt điều trị ung thư giai đoạn cuối, và nhất là đã làm xáo trộn sự bình yên vốn có của thị trấn nhỏ Ebbing. Nhưng liệu Ebbing có thực sự yên bình, khi đồn cảnh sát “toàn da trắng” của Willoughby vẫn còn chứa chấp những viên cảnh sát “ưa thích” bạo lực và tư tưởng phân biệt chủng tộc như Dixon, và khi quán bar của thị trấn vẫn là nơi tụ họp của nhiều gương mặt không lấy gì làm thân thiện? Từng góc khuất của thị trấn này, và những cư dân nơi đây sẽ dần được hé lộ sau sự xuất hiện của ba tấm biển quảng cáo bên ngoài Ebbing, tiểu bang Missouri.

Sớm nổi danh tại Hollywood với giải Oscar phim ngắn xuất sắc nhất cho tác phẩm Six Shooter (2004) nhưng lại dành phần lớn thời gian cho sân khấu kịch, Three Billboards Outside Ebbing, Missouri mới chỉ là phim dài thứ ba trong sự nghiệp điện ảnh của đạo diễn người Anh Martin McDonagh sau In Bruges (2008) và Seven Psychopaths (2012). Ít về số lượng nhưng luôn ấn tượng về chất lượng, cả hai bộ phim đầu tiên do McDonagh viết kịch bản và đạo diễn đều là những tác phẩm được người yêu điện ảnh đánh giá cao với chất hài chua cay đậm đặc thông qua các câu thoại thông minh, dí dỏm, cùng cách xây dựng nhân vật đặc sắc, đa diện vượt ra ngoài khuôn khổ của các nhân vật một chiều thường thấy trong các phim hình sự Hollywood. Vốn nổi tiếng là một biên kịch hàng đầu của sân khấu Anh quốc, McDonagh có cách tiếp cận dòng phim hình sự-tội ác rất đặc sắc, khi mà các nhân vật chính của ông tuy là tội phạm hoặc có từng gây ra tội ác luôn đem đến cho khán giả nhiều khám phá mới mẻ về tâm lý con người và đặc biệt là xu hướng nhân văn vươn tới cái thiện của họ khi phải đối mặt với các tình huống “tội ác và hình phạt”. Tuy có phần nào đó nặng nề và ít chất hài chua cay hơn In Bruges và Seven Psychopaths, Three Billboards Outside Ebbing, Missouri vẫn đem tới cho khán giả những gì tinh tuý nhất trong phong cách của Martin McDonagh về mặt nội dung, chất lượng thoại, và hình ảnh nhân vật. Mở đầu bộ phim, các nhân vật như bà mẹ kiên nghị Mildred Hayes, ông trưởng đồn nhu nhược Willoughby, hay gã cảnh sát ngờ nghệch Dixon được giới thiệu như đúng những hình mẫu nhân vật một chiều của một bộ phim hình sự lấy bối cảnh tỉnh lẻ với vẻ bề ngoài, tính cách và hành xử đơn giản. Nhưng càng xem, khán giả sẽ càng nhận ra rằng đằng sau sự kiên nghị của bà Hayes là nỗi đau khổ tột cùng của một người mẹ đơn độc ngày ngày nhìn những đoàn tàu chạy qua và nghĩ về đứa con gái không bao giờ quay trở lại, họ cũng sẽ hiểu tại sao có vẻ nhu nhược là thế Willoughby lại luôn được người vợ Anne (Abbie Cornish) và hai cô con gái xinh xắn yêu thương hết mực, và tất nhiên Dixon trong mắt khán giả ở cuối phim cũng sẽ là một Dixon hoàn toàn khác so với hình ảnh vô cùng xấu xí đầu tiên của gã. Vì vậy mà tuy là một tác phẩm hình sự-hài chua cay với đối tượng chính là tội phạm, tội ác, và những chi tiết dở khóc dở cười của một xã hội thu nhỏ nơi thị trấn Ebbing, nhưng thực sự “Three Billboards Outside Ebbing, Missouri” lại khiến người xem phải cảm động vì chất nhân văn sâu sắc về tình người, về mối quan hệ giữa người với người ẩn sau bức chân dung đen tối về xã hội ấy.

Tính cách các nhân vật được McDonaugh sáng tạo ra dưới ngòi bút và tài đạo diễn của ông luôn là sự pha trộn của một phần tốt đẹp và một phần xấu xí, một phần thiện và một phần ác, và các nhân vật của Three Billboards Outside Ebbing, Missouri cũng không phải ngoại lệ. Tuy vậy, do tính hài hước trong tác phẩm này có phần nào được gia giảm so với In Bruges và Seven Psychopaths và thế chỗ vào đó là những tình tiết của một bộ phim mang màu sắc bi kịch, khía cạnh phát triển tính cách nhân vật trong tác phẩm mới nhất của đạo diễn Martin McDonaugh này đã được đẩy lên một tầm cao mới, đặc biệt là với diễn xuất cực kì xuất sắc của Frances McDormand (vai Hayes) và Sam Rockwell (vai Dixon). Vừa thể hiện được cái “dị” trong các nhân vật do họ đảm nhiệm, McDormand và Rockwell còn khắc hoạ rất thành công diễn tiến tâm lý của các nhân vật này vốn vừa tự nhiên, dễ hiểu, lại vừa đem đến cho khán giả vô số những bất ngờ về những khía cạnh, tính cách được chôn giấu bên trong tâm hồn các nhân vật. Đã tròn 20 năm kể từ ngày nữ diễn viên gạo cội Frances McDormand được trao tượng vàng Oscar vai nữ chính xuất sắc nhất cho vai diễn của bà trong Fargo (1997), cũng đã hơn 10 năm kể từ ngày khán giả được chứng kiến một vai diễn thực sự đáng kể của bà trong North Country (2006). Nhưng với Three Billboards Outside Ebbing, Missouri, chắc chắn McDormand sẽ lại là ứng cử viên nặng ký tại các lễ trao giải điện ảnh thường niên sắp tới bởi một lần nữa bà đã chứng tỏ tài năng hiếm có của mình trong việc làm bật lên tình cảm ấm áp hết sức nhân văn, hết sức nữ tính từ các nhân vật có bề ngoài khắc khổ, cứng rắn. 

Bối cảnh xơ xác, buồn bã của những thị trấn buồn miền Trung nước Mỹ, các vụ án không có lời giải với sự bất lực của cảnh sát, hình ảnh mạnh mẽ, cương nghị của Frances McDormand, Three Billboards Outside Ebbing, Missouri chắc chắn sẽ khiến nhiều người liên tưởng tới một tác phẩm hình sự-hài chua cay khác là Fargo của anh em đạo diễn-biên kịch nhà Coen – một trong những tác phẩm điện ảnh đáng nhớ nhất của thập niên 1990. Với một kịch bản chắc tay, đạo diễn, và dựng phim xuất sắc, bộ phim mới của đạo diễn Martin McDonagh có lẽ cũng phần nào có thể so sánh được với Fargo về mặt chất lượng nghệ thuật. Nhưng khác với bộ phim của anh em nhà Coen – một tác phẩm hết sức thông minh và tinh tế trong việc xoáy sâu vào những góc tối của con người khi rơi vào những hoàn cảnh trớ trêu, bất ngờ, tác phẩm của McDonagh lại đem tới cho khán giả một chút hi vọng le lói nào đó về cái chất lương thiện ẩn giấu bên trong mỗi cá nhân của xã hội. Cuộc sống có thể khó khăn, thậm chí là bất hạnh, xã hội có thể gai góc với cái xấu vẫn còn lẩn khuất đâu đây, nhưng với bản chất hướng thiện vẫn còn ăn sâu bám rễ, chắc chắn rồi chúng ta cũng sẽ có thể tìm thấy những giây phút thanh thản trong đời, đó có lẽ là lời nhắn rất đẹp mà Martin McDonagh muốn đem lại cho khán giả qua Three Billboards Outside Ebbing, Missouri.

=====

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire