some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

lundi 28 mars 2016

Batman v Superman: Dawn of Justice (2016)




Nói tới dòng phim siêu anh hùng ở thời điểm hiện tại, không ai có thể phủ nhận được rằng vị thế thống trị của “thế giới điện ảnh” siêu anh hùng của hãng Walt Disney và Marvel với những thành công liên tiếp cả về mặt doanh thu và nghệ thuật. Tuy nhiên xuyên suốt lịch sử phát triển của truyện tranh Mỹ, có lẽ hai tên tuổi có sức sống vững bền và hình tượng đáng nhớ nhất vẫn là Siêu nhân – Superman và Người Dơi – Batman, hai siêu anh hùng của hãng DC Comics. Ngay đối với dòng phim siêu anh hùng thì hai bộ phim Superman (1978) và Batman (1989) cũng được coi là những tác phẩm mở đường giúp dòng phim này có được vị trí và thành công như hiện nay ở Hollywood. Bởi thế mà sự kiện bộ phim Batman v Superman: Dawn of Justice của đạo diễn Zack Snyder được công chiếu đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ khi lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh, họ sẽ được chứng kiến Batman và Superman cùng xuất hiện, thậm chí là đối đầu nhau, trong một tác phẩm điện ảnh.

Tiếp nối cuộc chiến mang tính hủy diệt giữa Superman (Henry Cavill) và Tướng Zod (Michael Shannon) trong Man of Steel (2013), Batman v Superman là câu chuyện về sự đối đầu giữa Superman và Batman (Ben Affleck) – người phải chứng kiến những hậu quả tàn khốc mà Superman để lại trên thành phố Metropolis. Mâu thuẫn giữa một siêu anh hùng của bóng tối với những cảm xúc, và sức mạnh rất con người – Batman, và một siêu anh hùng có nguồn gốc ngoài hành tinh với những quyền năng mang hơi hướng Chúa Trời – Superman còn trở nên sâu sắc hơn khi được xúc tác bởi những mưu mô quỷ quyệt, lạnh lùng vô nhân tính của Lex Luthor (Jesse Eissenberg). Sự xuất hiện của nữ siêu anh hùng Wonder Woman (Gal Gadot) lại càng làm câu chuyện trở nên phức tạp, nhất là khi Lex Luthor bằng mọi thủ đoạn đã có được trong tay một “vũ khí tối thượng” mà gã cho là có thể đánh bại siêu anh hùng bất diệt Superman.     

Dù phong độ làm phim không phải lúc nào cũng ổn định nhưng các bộ phim của Zack Snyder luôn có một thế mạnh không ai có thể phủ nhận, đó là phần quay phim và kỹ xảo hình ảnh đặc sắc, giàu cảm xúc, mang tính hình tượng cao. Cùng với người cộng sự thân thiết là nhà quay phim Larry Fong, Zack Snyder đã đưa tới khán giả những bữa tiệc “mãn nhãn” như 300, Watchmen, hay Sucker Punch. Với Batman v Superman, một lần nữa bộ đôi Snyder-Fong đã không phụ sự chờ đợi của người hâm mộ khi tạo nên một bộ phim hết sức đáng nhớ về mặt hình ảnh. Tạo hình gai góc, khỏe khoắn của các nhân vật đặt trong bối cảnh ảm đạm, lạnh lẽo của đô thành Metropolis tạo cho Batman v Superman một không khí thâm trầm giàu cảm xúc hoàn toàn khác biệt so với đa số phim siêu anh hùng ra mắt trong thời gian gần đây. Sức sáng tạo về mặt hình ảnh là một thế mạnh, nhưng cũng lại là điểm yếu của Zack Snyder khi một số bộ phim của ông như Watchmen hay Sucker Punch bị chỉ trích là quá lạm dụng các hình ảnh mang tính biểu tượng mà bỏ qua việc kết nối các hình ảnh rời rạc ấy vào nội dung phim khiến khán giả có cảm giác đứt đoạn về mặt cảm xúc. Có cảm giác ở phần đầu của Batman v Superman, Snyder vẫn chưa thoát được khỏi lối mòn này khi ông lồng rất nhiều phân đoạn so sánh Superman với hình ảnh Chúa Trời siêu nhiên, và đặc tả những xung đột tình cảm tràn ngập trong tâm trí của Batman. Nếu đứng riêng rẽ thì đây là những phân đoạn hết sức đẹp, hết sức điện ảnh nhưng chúng lại cắt ngang nhịp phim dồn dập và đôi khi khiến khán giả có cảm giác hụt hẫng vì phải xem quá nhiều những hình ảnh “phim trong phim” như vậy. Tuy nhiên càng về cuối mạch phim, và mạch hình ảnh của Batman v Superman càng trở nên nhịp nhàng với trường đoạn cao trào là cuộc đấu sức, và đấu trí quyết liệt giữa bộ ba Superman-Batman-Wonder Woman với kẻ thù không chỉ mạnh mẽ phi thường mà còn vô cùng xảo quyệt được Snyder khắc họa bằng những cảnh quay sáng tạo, bạo liệt đến chóng mặt nhưng vẫn đủ độ sắc sảo, chân thực giúp khán giả cảm nhận được hết vẻ đẹp của bộ phim. Nhịp phim nhanh, dồn dập, giàu cảm xúc này của Batman v Superman còn có sự đóng góp rất lớn của phần nhạc phim hết sức xuất sắc của hai nhạc sĩ Hans Zimmer (người soạn nhạc cho bộ ba phim Batman của Christopher Nolan) và Junkie XL (tác giả âm nhạc của bộ phim hành động ấn tượng nhất năm 2015 Mad Max: Fury Road). Chỉ xét riêng phần hình ảnh đầy ấn tượng và những nốt nhạc bi tráng, đậm chất anh hùng ca này thôi thì Batman v Superman cũng đã xứng đáng là đại diện mới của Warner Bros. và DC Comics trong cuộc cạnh tranh làm phim siêu anh hùng với Walt Disney và Marvel.

Dù có xuất sắc đến mấy về mặt kỹ thuật nhưng một bộ phim siêu anh hùng chỉ có thể thực sự thành công nếu các siêu anh hùng trong phim được khắc họa đậm nét, có chiều sâu, đi vào lòng khán giả. Có thể nói về khía cạnh này Batman v Superman đã không thực sự thành công khi cốt truyện dàn trải đã khiến tuyến nhân vật, ngoại trừ bộ đôi Batman (Ben Affleck) và Superman (Henry Cavill), không có thời gian để tạo dựng hình ảnh, cá tính riêng. Có lẽ đây cũng là điều bất khả kháng đối với đạo diễn Zack Snyder khi bộ phim mang theo tham vọng quá lớn của hãng Warner Bros. trong việc vừa phải xây dựng được hình ảnh mới cho hai siêu anh hùng có vị trí quan trọng bậc nhất của lịch sử truyện tranh Hoa Kỳ là Superman và Batman, vừa phải kiến tạo được nền móng cho một “thế giới điện ảnh” mới của các siêu anh hùng DC Comics bằng việc giới thiệu những cái tên vốn chưa từng xuất hiện trên màn ảnh lớn như Doomsday (Robin Atkin Downes), Aquaman (Jason Momoa), hay Flash (Ezra Miller). Hơn thế nữa, vì xuất phán chậm hơn Walt Disney/Marvel trong việc xây dựng xây dựng “thế giới điện ảnh” (“movieverse”), Warner Bros. còn cần Batman v Superman phải lập tức gây tiếng vang lớn cả về doanh thu lẫn chất lượng nghệ thuật và bởi vậy tạo thêm sức ép cho Zack Snyder và đoàn làm phim trong việc cân bằng giữa tính giải trí, ngoạn mục của phim với chiều sâu về nội dung và nhân vật. Tất cả những yếu tố này đã khiến các nhân vật của Batman v Superman, dù được thủ diễn bởi một dàn diễn viên tên tuổi với tài năng thực sự, phải xuất hiện một cách mờ nhạt, bị động như Lois Lane (Amy Adams) hay ông quản gia Alfred của Batman (Jeremy Irons), hoặc được phát triển theo chiều hướng thái quá gây khó chịu cho khán giả như tổng biên tập tờ Daily Planet Perry White (Laurence Fishburne) và đặc biệt là Lex Luthor (Jesse Eisenberg). Được coi là một trong những hình tượng nhân vật siêu phản diện (“supervillain”) đáng nhớ nhất của DC Comics, Lex Luthor trong Batman v Superman tuy vẫn giữ được nét mưu mô, quỷ quyệt cần có của “đối thủ số một của Superman” nhưng cách diễn dị biệt, lên gân với những câu thoại mang quá nhiều tính biểu tượng lặp đi lặp lại từ đầu tới cuối phim của Jesse Eisenberg đã xóa nhòa hoàn toàn chiều sâu trí tuệ và sự đa diện về mặt tính cách của Lex Luthor. Ngay đối với tuyến siêu anh hùng trung tâm của bộ phim là Superman, Batman, và Wonder Woman, bộ ba Affleck-Cavill-Gal Gadot cũng chỉ có thể coi là đã diễn tròn vai trong việc tạo dựng hình tượng anh hùng cho các vai diễn của mình để làm bệ phóng cho các phần kế tiếp của “thế giới điện ảnh” siêu anh hùng DC Comics chứ cũng không để lại nhiều dấu ấn tình cảm trong lòng khán giả. Tuy có rất ít đất diễn nhưng chính ngôi sao gạo cội Holly Hunter trong vai nữ nghị sĩ thép Finch mới lại là diễn viên để lại nhiều ấn tượng với một vai diễn nhiều chiều sâu và cung bậc cảm xúc bậc nhất trong một tác phẩm không thực sự đáng nhớ về mặt xây dựng nhân vật.

Cho tới nay bộ phim được đánh giá là nổi trội nhất trong dòng phim siêu anh hùng của DC Comics có lẽ vẫn là The Dark Knight (2008) của đạo diễn Christopher Nolan, một bộ phim trọn vẹn cả về nội dung, chất hành động, và tuyến nhân vật. Nhưng để tạo nên một The Dark Knight gây tiếng vang lớn, Nolan trước đó đã có cả một Batman Begins (2005) để xây dựng nền tảng cho không gian điện ảnh siêu anh hùng mang đậm dấu ấn riêng của ông. Ngay cả những thành công liên tiếp gần đây của Walt Disney với dòng phim siêu anh hùng Marvel cũng có nền móng là một loạt các bộ phim, xuất sắc có, trung bình có, nhưng luôn có sự kết nối về mặt phong cách và nhân vật. Batman v Superman của Zack Snyder không những không có được những lợi thế này mà bộ phim còn mang nặng sự trông đợi của cả hãng Warner Bros. và người hâm mộ về một tác phẩm mang tính đột phá, mở đường. Có lẽ bởi thế mà tuy rất thành công về mặt hình ảnh và kỹ thuật, nhưng chất lượng nội dung và nhân vật của Batman v Superman lại chưa thực sự đáp ứng được sự trông đợi vì tính dàn trải, thiếu điểm nhấn và chiều sâu của truyện phim. Điểm sáng lớn nhất của bộ phim có lẽ là việc Batman v Superman đã tạo dựng được một không khí mới mẻ, nhiều tiềm năng khai phá cho dòng phim siêu anh hùng DC Comics với sự bạo liệt, bất ngờ, giàu chất suy tưởng tương đối khác biệt so với các tác phẩm hiện tại của dòng phim siêu anh hùng. Hy vọng rằng với thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng và tham vọng ở mức vừa phải, các tác phẩm tiếp theo của dòng phim này sẽ để lại nhiều dấn ấn hơn trong lòng khán giả.
              
  

====

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire