some quotes....

I just want to tell you, I'm the one who was supposed to take care of everything. I'm the one who was supposed to make everything okay for everybody. It just didn't work out like that. And I left. I left you... And now, I'm an old broken down piece of meat... and I'm alone. And I deserve to be all alone. I just don't want you to hate me.

-Randy 'The Ram' Robinson, The Wrestler

dimanche 6 mars 2016

American Sniper (2014)




Có lẽ ở Hollywood không ngôi sao điện ảnh nào xứng đáng làm “biểu tượng nước Mỹ” hơn Clint Eastwood, người đã dành nửa đầu sự nghiệp đóng những vai anh hùng mã thượng mang đậm chất Mỹ để rồi nửa sau tập trung đạo diễn những bộ phim lấy đề tài là lịch sử, là thiên nhiên, là tính cách con người Mỹ. Xem phim của Eastwood người ta thường được thấy một nước Mỹ gai góc với những nhân vật có cá tính mạnh mẽ, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách để rồi vươn lên đạt được ước mơ hay dành lấy công lý, giữ lại những giá trị Mỹ. American Sniper là bộ phim mới nhất của Eastwood mang cái phong cách ấy với nhân vật chính là một người hùng thực sự của nước Mỹ - Chris Kyle, tay súng bắn tỉa xuất sắc bậc nhất trong lịch sử quân sự Hoa Kỳ.



Texas, sùng đạo, yêu thích súng ống, trân trọng tinh thần cao bồi với trách nhiệm “làm chú chó bảo vệ đàn cừu trước lũ sói”, Chris Kyle (Bradley Cooper) lớn lên trong một không khí gia đình như thế. Những giá trị không thể “Mỹ” hơn ấy đã thúc đẩy Chris Kyle tình nguyện nhập ngũ để bảo vệ tổ quốc – “quốc gia vĩ đại nhất trên Trái Đất” sau khi chứng kiến khung cảnh đổ nát của đại sứ quán Mỹ ở châu Phi trong vụ đánh bom khủng bố năm 1998. Với năng khiếu thiện xạ bẩm sinh, Kyle nhanh chóng trở thành tay bắn tỉa xuất sắc của lực lượng biệt kích SEAL thuộc hải quân Hoa Kỳ. Trong thời gian khổ luyện chờ ngày ra chiến trường, Chris Kyle còn chiếm được trái tim của Taya (Sienna Miller) để rồi hai người trở thành vợ chồng chỉ một thời gian ngắn trước khi Kyle được điều động tới chiến trường khốc liệt nhất – Iraq. Tại đây Kyle đã trở thành “Huyền thoại” (Legend) với đồng đội và “Ác quỷ thành Ramadi” (The Devil of Ramadi) trong con mắt kẻ thù khi tài năng “bách phát bách trúng” của anh đã cứu thoát không biết bao nhiêu lính Mỹ và loại khỏi vòng chiến đấu gần 200 kẻ địch, một thành tích vào loại vô tiền khoáng hậu. Nhưng những chiến tích ấy không thể làm Kyle yên lòng, bởi hàng ngày anh vẫn phải đối mặt với cuộc chiến không hồi kết của quân Mỹ với những kẻ địch vô hình ẩn hiện giữa những tòa nhà đổ nát, giữa đám đông dân chúng Iraq ngùn ngụt lòng thù hận “những kẻ xâm lược da trắng”. Chứng kiến những cái chết của đồng đội vì bóng ma bắn tỉa của đối phương – một tay súng thiện xạ xuất thân là một vận động viên bắn súng chuyên nghiệp, Kyle dần trở thành “con nghiện” chiến trường, anh sẵn sàng từ bỏ vị trí bắn tỉa an toàn để trực tiếp cầm súng xông vào từng ngôi nhà khả nghi, ngay cả những lời van nài của Taya và tình yêu với hai đứa con bé bỏng xinh xắn cũng không thể ngăn cản Kyle hết lượt này đến lượt khác quay trở lại Iraq để “phục vụ tổ quốc”.



Sau khi công chiếu, dù diễn xuất của Bradley Cooper trong vai Chris Kyle nhận được nhiều lời khen ngợi, American Sniper lại vấp phải nhiều chỉ trích vì kịch bản phim không bám sát vào cuốn tự truyện gốc của chính Chris Kyle, vốn tập trung nhiều vào những trận chiến và những câu chuyện chiến trận đầy phấn khích qua lời kể của Kyle. Quả thực, tuy phần lớn thời lượng của phim xoay quanh bốn lần làm nhiệm vụ ở Iraq của Chris Kyle nhưng American Sniper lại gần với một bộ phim tiểu sử truyền thống hơn là một bộ phim khai thác những góc nhìn mới về chiến tranh như The Hurt Locker đã từng rất thành công cách đây vài năm. Với một Bradley Cooper đang ở độ chín trong sự nghiệp, khán giả được chứng kiến một Chris Kyle ngày càng táo bạo, bản lĩnh qua từng trận chiến, nhưng cũng ngày càng trở nên xa cách với vợ con, gia đình khi mà lẽ sống của anh nay chỉ còn nằm trên những đường đạn. Từ một chàng trai cởi mở, bộc trực với cặp mắt sáng tự tin ở đầu phim, Kyle dần trở thành một gã cựu binh lầm lì ít nói với cảm giác bất an và cảnh giác thường trực với mọi thứ xung quanh. Cách khắc hoạ tính cách của Kyle hẳn sẽ làm nhiều người nghĩ tới lời đề từ đau đớn và ám ảnh của Trung đội (Platoon), một trong những bộ phim xuất sắc nhất về Chiến tranh Việt Nam – “Nạn nhân đầu tiên của chiến tranh là những người ngây thơ, vô tội” (“The first casualty of war is innocence”). Lẽ ra American Sniper cũng đã có thể là một đại diện tiêu biểu của dòng phim mang đậm tinh thần phản chiến của Oliver Stone như Trung đội, Sinh ngày 14 tháng 7 (Born on the Forth of July) hay gần đây là The Hurt Locker của Kathryn Bigelow. Tuy nhiên phân đoạn cuối cùng của phim, khi Kyle thực sự trở về với cuộc sống, và cách khắc hoạ có phần một chiều “phe đối phương” – những người chắc chắn cũng có suy nghĩ, lý tưởng riêng trong hoàn cảnh đất nước của chính họ bị chiến tranh tàn phá, đã ít nhiều làm bộ phim trở nên nhạt nhòa, khi mà người xem không còn rõ thông điệp của American Sniper là ca ngợi những giá trị Mỹ thể hiện qua hình ảnh của Chris Kyle hay nói lên sức tàn phá khốc liệt của chiến tranh đối với tính cách, số phận của mỗi con người. Bởi thế nên dù Chris Kyle có bắn rất nhiều, trúng rất nhiều, nhưng American Sniper của anh lại chẳng thể “bắn trúng” tâm hồn khán giả, khiến họ phải rung động như cái thời của Gran Torino (2008) đậm chất nhân văn, khi mà viên cựu binh Walt Kowalski dù không cần nổ một phát súng nào vẫn khiến cho người xem phải nhớ, phải suy nghĩ.       




====

Bản đã được biên tập trên Zing.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire